hị ném xuống cho anh ấy mãn nguyện đi chị.
Cô em chồng nhét vào tay tôi chùm hoa, có lẽ tươi và lớn nhất mà mọi người đang gỡ vội vàng từ những vòng hoa tang cho kịp ném xuống lòng huyệt, nghi thức cuối cùng trong buổi tiễn đưa. Tôi vẫn đứng trơ, tai nghe tiếng máy nổ ầm ì, mắt dán chặt vào chiếc xe ủi đất đang hăng say làm việc nhưng trí óc hoạt động dữ dội. Giờ phút này nó không cho phép tôi ù lì như bao nhiêu ngày tháng qua dù chồng tôi đã nằm xuống. Người chết là hết, mọi oán thù rồi cũng phải buông xuôi nhưng tôi thì không. Kẻ cướp hạnh phúc, cướp ái tình, cướp chồng tôi đã ngang nhiên lộ diện và dù với bộ áo tang, khăn sô cùng tóc tai buông xổ, nước mắt nhoét nhoe vẫn không thể làm lòng tôi chùng lại. Nếu chồng tôi không nằm xuống làm sao có lúc mặt đối mặt, làm sao nhìn tận tường được vì lý do gì chồng tôi lại chia ân sẻ ái với người đàn bà, kẻ tình địch này?
-Em gặp Hằng là chắc chắn phải tha thứ cho anh. Nàng không có gì lôi cuốn, sắc xảo ngoài cái nết na hiền lành.
Đàn ông có trăm ngàn thứ bào chữa nhưng quên rằng càng bào chữa càng lộ cái sai trái và lố bịch của mình. Không sắc sảo mà được anh để mắt tới? Không lôi cuốn mà anh phải dối trá với vợ để tằng tịu bấy lâu nay? Còn nết na đức hạnh thì bà ta đã không đoạt chồng của người khác. Bao năm trời Bằng đã bịt mắt tôi vì dù đôi mắt bụp sưng vì khóc, dù đầu tóc rũ rượi quần áo xốc xếch, người đàn bà vẫn có những nét mặn mòi duyên dáng nếu  không nói là rất đẹp...
-Đúng là xứ Mỹ có khác, lấp huyệt bằng máy thì còn ai dám nhảy xuống đấy mà khóc. Một người lớn tuổi nhắc nhở ra chuyện cái thời còn ở Việt Nam người ta khóc lóc chồng thảm thiết lắm chứ không như tôi, từ đầu đến cuối cứng còng như một bức tượng.
-Ném hoa đi chị, ném đại đi, mộ lấp sắp xong rồi.
Cánh tay tôi được ai đó thương hại miệng đời chê trách nhấc lên, theo đà bó hoa rơi xuống hố nhưng mặt tôi không chút biến đổi, đôi mắt vẫn mở trừng trừng, khô ráo không một giọt lệ.
-Chưa thấy ai gan như chị ấy. Rồi xem những người khóc lóc thảm thiết lại lấy chồng sớm hơn ai hết.
Chẳng hiểu họ nói đãi bôi hay để chữa ngượng dùm tôi vì đàng sau đã có một hai tiếng xì xào bàn tán. Ma chê cưới trách, đình đám nào chẳng vậy nhưng đám ma chồng tôi quá giản tiện, không kèn trống, không ca hát rình rang và ngay đến khăn sô mũ vải tôi cũng chẳng đội. Tôi không muốn bị đồng hóa với người đàn bà kia. Cho dù bà có nhảy xuống huyệt chết theo Bằng thì vẫn là một thứ làm lẽ, là thứ đi ngang về tắt. Dẫu bà có đùm đề con cái cháu chắt thì đó không phải là một gia đình mà là mối nhục, cái nhục đã cướp chồng người. Cho đến bây giờ, đứng trước đám đất bụi mù tôi vẫn không hiểu tại sao lòng mình lại có thể khô cứng như vậy. Hình như người đàn bà chính là cái tâm điểm để tôi phải ra sức đối đầu mà quên mọi phần lễ nghi an táng, những nghi thức tối thiểu cần phải có của một người vợ.
Lấy nhau đã mười năm, quá đủ để gọi là tình sâu nghĩa nặng nhưng tôi, kẻ bị lường gạt, lừa dối đã lấy thúng đong tình người. Cái thúng lủng đáy múc ân tình không được, có chăng chỉ vớt cái hạnh phúc dư thừa của họ bỏ sót lại.
-Chị hiền quá, sao không xé xác con ấy ra, đứa cướp giật chồng mình?
Một vài người thương hại cho ý kiến nhưng xé là xé thế nào? Họ đối với nhau đâu phải tạm bợ ân tình mà đùm đề thê tử, là kết tụ của muôn vàn ân ái. Ba đứa con đẻ năm một là bằng chứng cụ thể không sao chối cãi được. Khi câu chuyện dấu đút bị khám phá, Bằng quỳ dưới chân tôi xin xỏ, xin dẫn con về để tôi sai vặt; xin cho vợ bé được làm đứa ở viện cớ chu toàn trách nhiệm và bổn phận cùng đền bù những tội lỗi đã gây ra. Trách nhiệm và bổn phận. Tôi cười gằn trong cổ họng. Bằng định mang chữ nghĩa ra lừa bịp, đặt tôi ngồi trên chiếc ghế danh dự của người vợ vị tha đầy lòng nhân đạo nhưng tiếc rằng chiếc ghế giấy, mọi thứ đều là hão danh, là bù nhìn và kệch cỡm múa rối. Tôi nhìn chồng tôi bằng đôi mắt cay đắng lẫn oán trách vì nếu đã biết trách nhiệm và bổn phận thì tại sao không ứng dụng ngay với tôi? Còn làm không được thì đừng dùng nó để lòe vợ. Chữ nghĩa câm, không biết nói nhưng kẻ lạm dụng nó sẽ bị quật ngược.
-Anh biết được điều đó tại sao lại đặt em vào hoàn cảnh này?
-Thôi mà em! Con người ta ai tránh được lầm lỗi. Biết nhận lỗi thì cũng đáng được tha thứ...
Bằng đâu tự thú lầm lỗi của mình mà chờ khi bị khám phá mới trổ tài hùng biện.
-Anh phải cắt đứt ngay lập tức.
-Nhưng con mình đâu thể bỏ được.
Phải hành động thế nào khi bị đẩy vào thế khó xử? Phải đối đãi ra sao để đừng nghe tiếng thị phi? Phải làm thế nào để lương tâm đừng cắn rứt nếu mang tình người giàn xếp với nhau? Đám con Bằng không muốn mất cha, bà vợ lẽ không muốn mất người yêu thì tôi cũng không muốn mất chồng...
Thời gian qua tôi bị xoay quanh cái định mệnh khắc nghiệt không thể gỡ. Giá tôi cứng rắn một chút hoặc dùng áp lực pháp lý buộc Bằng phải dứt khoát thì cũng xong nhưng đàn ông là giống tham lam mất bà này sẽ tìm cho được bà khác. Hơn nữa Bằng đã có chỗ dựa, đã có tấm bia án ngữ vì tôi không thể sanh đẻ, một cái tội không ai có thể tự tạo nhưng lại có tác dụng mạnh, là bàn đạp cho những kẻ thích làm điều sai trái. Tôi phải làm sao bây giờ? Cắn cấu ghen hờn hay lạnh nhạt? Hành động nào cũng là kẻ thiệt thòi chỉ vì tôi đã quá yêu chồng. Vì yêu nên bị ảnh hưởng lây cả sự buồn vui, vì yêu nên đã phải chấp nhận điều mình không muốn. Chấp nhận để giữ chồng, để khỏi mất chồng và chấp nhận một phần cũng là vì Bằng quá khôn ngoan quỷ quyệt, đã đánh đòn tâm lý, đã cưng chiều phục vụ tôi và nhất là đã dùng lời ngon ngọt của mình để biến mọi nơi chốn thành thiên đàng. Cằn nhằn riết cũng chẳng đi đến đâu, năn nỉ riết Bằng cũng không chịu bỏ thôi thì cắn răng chịu đựng thay vì phải khóc...
Vì yêu, tất cả vì yêu mà tôi đã không còn là tôi...
-... Em nhé! Bằng nhắc lại.
Con cọp thua trận đã chui nhủi trốn trong hang vẫn bị lôi ra dày xéo, Bằng còn muốn hành hạ tôi đến mức độ nào? Tôi lắc đầu cố ra vẻ thản nhiên nhưng lòng quặn xót. Dẫu có hiền như mụ cũng phải nổi ghen, dẫu có đần cũng không thể không điên khùng la hétỶ (c của họ diễn ngay trước mặt.
-Anh có khinh vợ thì cũng khinh vừa vừa.
-Mong em hiểu cho đó không phải là lỗi của anh. Mình lấy nhau đã lâu mà em không thể có con. Tạo một cơ hội để anh đền bù cho em.
Đền bù cho tôi hay mang tôi lên giàn thiêu? Các người thật là ác độc được đàng chân lân đàng đầu... Tôi không thể ôm mặt khóc hoặc nấc nghẹn trên vai chồng tôi. Người ta có chồng quấn quýt như dây trầu quấn thân cau, như hình đeo theo bóng còn tôi cay đắng chỉ khóc trong lòng, buồn tủi cô đơn thì trốn chạy vào phòng làm bạn với sách. Tôi đã đọc được gì hay những trang sách dầy cộm là những trang nhật ký hiện rõ những lời lẽ bi thương thống thiết của người đàn bà không thể sinh đẻ? Anh nói đúng, mình lấy nhau đã lâu mà không có con thì phải chấp nhận thiệt thòi, phải làm ngơ để anh chia ân xẻ ái với người khác. Bằng cho là tôi rộng lượng nên càng nể phục vì bằng chứng tôi chưa một lời chì chiết nặng nhẹ nên mỗi ngày chàng vẫn thoải mái đi về để làm tròn "bổn phận" của một người chồng.
-Anh chỉ xin em tuần lễ hai ngày được ngủ với tụi nhỏ.
Có phải Bằng xin là vì muốn gia đình êm ấm, là vì còn nể sợ, là vì còn lưu luyến tổ ấm của mình và nhất là vì còn yêu tôi, nếu không đã đường ai nấy bước. Ái tình, có ai bước vào lẩn quẩn yêu đương mới biết nó chính là những viên thuốc bọc đường mà con người là những bệnh nhân bất đắc dĩ. Mỗi ngày Bằng lấn thêm một chút, tiến thêm một bước nhưng kẻ phản bội khôn ngoan kia có trăm ngàn ma thuật để thuyết phục. Chàng đã cho tôi những ân ái no đầy dù khởi đầu tôi đáp ứng bằng sự dửng dưng lạnh nhạt. Chàng đã cho tôi những lời dỗ dành ngon ngọt mà không thể có được ở bất cứ cặp vợ chồng nào khác. Ngọt mật chết ruồi, con ruồi mê mệt chất chất ngọt ngon kia để rồi khi no đủ ngao ngán cho miếng ăn pha thuốc lú, để khi thức tỉnh nỗi ghen hờn lại cắn xé đến ủ ê. Biết là thế nhưng chát độc dược kia tẩm cả ma túy, ăn vào không dứt, không buông được.
-Không, em không bằng lòng cho anh đi đâu hết.
-Cưng sao cứ muốn làm khổ anh hoài vậy, bộ hết thương anh rồi sao? Còn nhớ ngày xưa...
Bằng lôi kỷ niệm thuở hai đứa chúng tôi mới quen rồi yêu nhau để ru ngủ. Con bé thèm khát được yêu ngụp lặn trong cái hạnh phúc quá khứ để lại chấp nhận và tha thứ. Tôi nằm nghiêng xoay mặt vào tường để mặc Bằng ve vuốt với những cảm giác sôi bỏng lan dần trên thớ thịt. Tôi biết lòng mình và biết con người của mình hơn ai hết. Tôi thèm được ái ân, thèm được âu yếm và thèm được là người độc quyền chiếm giữ trọn trái tim chồng. Tôi yêu Bằng tha thiết nhưng niềm uất hận đi kèm theo đó. Thay vì quay lại rúc mặt vào ngực chồng, hít hà hơi hướng thương yêu và chết ngộp trong mùi mồ hôi quen thuộc, tôi nhẹ hất tay Bằng ra giọng lạnh lùng:
-Em không thích.
-Anh biết em giận anh nhưng đừng vì một tì vết mà làm khổ nhau. Yêu là tạo hạnh phúc và sung sướng, nếu anh có  ý tưởng phụ bạc thì tội gì phải sống với em khi không còn yêu? Chúng mình có thể ly dị dễ dàng và trên pháp lý thì gia tài sẽ thuộc về em phân nửa nhưng em thử nghĩ xem, trên đời còn gì sáng giá bằng tình yêu chúng mình? Ngày nào em không còn yêu anh thì ngày đó anh sẽ không còn gì nữa kể cả Hằng, không còn trách nhiệm với ai hết và cũng từ đó đời anh sẽ xuống dốc thê thảm. Trinh, anh yêu em, muôn đời yêu em và cho anh phục dịch em như một tín đồ sùng kính thần linh.
Bằng tán láo lếu thế mà tôi vẫn tin. Tin rằng không có tôi chàng sẽ lê la vất vưởng, không có tình yêu của tôi thì thế gian sẽ biến thành địa ngục.
-Em ngủ đi anh thoa lưng cho ngủ.
Tôi nhắm mắt lại theo lời dỗ dành của Bằng nhưng tủi hận trào ra. Anh bảo em ngủ đi nhưng ngủ sao cho yên vì lát nữa đây cũng trên chiếc giường khác anh lại tái diễn từng động tác quen thuộc, của một con thú khi làm chuyện ái ân với một giống cái. Kẻ yêu vợ mà có thể can đảm hành động xác thịt với người đàn bà khác ư? Chồng tôi, chồng tôi hay chồng của người ta? Nếu của người ta tại sao tôi không đủ can đảm cắt đứt cái ân tình giả dối, cái khuôn khổ gia đình nẫu mục để giải phóng cho tôi? Nếu của người ta tại sao tôi không cửa đóng then cài đừng cho Bằng ló mặt vào nhà mà mỗi ngày, mỗi giờ tôi lại cứ ngóng trông chờ đón Bằng về như chờ một tình nhân? Phải chăng vì tôi quá yêu Bằng, quá cần Bằng, cần sự hiện hữu của chàng như cuộc sống mình? Nhưng nếu đã yêu tại sao tôi không có sự thứ tha? Sao không nói cho Bằng biết là tôi không thể sống thiếu chàng và sẵn lòng chấp nhận nuôi ba đứa con với điều kiện phải đứt lìa mẹ nó? Tại sao...?
Cơn ghen chiếm ngự trong hồn, tôi yêu nhưng cũng hận thù, hận vô cùng...
Phần mộ đã được lấp đầy. Bốn người phu lấy đầm nện chặt đất trước khi trải cỏ lên. Từng miếng cỏ vuông vắn được đặt xuống thật vừa vặn, nối tiếp bên những miếng mộ khác mà thoạt nhìn ai cũng nghĩ là một công viên nếu không có những bó hoa giả cắm ngay cạnh bia đá bằng phẳng cùng một khuôn khổ như nhau. Thôi thế là hết, chẳng tranh giành thì cũng mất chồng; có điều kẻ thiệt thòi muôn đời vẫn là tôi dù đang giữ vững ngôi vị của người vợ.
-Chị, xin chị vì thương anh Bằng mà bỏ lỗi cho mẹ con em.
Người đàn bà mặc áo sô đã lết đến bên tôi với quần áo lấm lem đất cát. Còn can đảm ngọt nhạt đến giờ phút này quả là giỏi, chồng tôi nói không sai "em mà gặp Hằng..." Máu nóng chặn ngay lồng ngực, không thở được nhưng người tôi vẫn trơ như đá.
-Con đến khoanh tay chào mẹ cả đi con.
Người đàn bà tiếp tục bổ từng nhát búa xuống đầu tôi. Ba đứa con lấm lét nhìn khuôn mặt phù thủy tái ngắt trong khi tôi quay đi như người khổng lồ làm ngơ đám muỗi mòng đang bám cứng trên da thịt mình hút no một bụng máu. Trời ơi còn lối tra tấn nào ghê rợn dã man hơn? Tại sao tôi cứ mãi đóng kịch, giả hình để trở thành người đàn bà dửng dưng lạnh nhạt trước mọi sự việc? Tại sao tôi lại phân biệt ngôi thứ của mình trong khi Bằng đã nằm xuống? Tại sao máu ghen trong người tôi vẫn bốc lên mà không dám nhào vào cắn xé người đã cướp chồng tôi? Ai cho lũ chúng mày gọi tao là mẹ? Tao có đẻ ra chúng mày đâu? Tao là gái độc không con, vì độc nên chồng mới đành lòng lấy vợ lẽ đẻ ra lũ chúng mày. Cút, cút xéo hết đi...
Lòng tôi sôi trào thế đó nhưng mặt cứ xám ngoét, mắt không còn trừng trừng nhìn vào phần mộ mới lấp, vào khoảng trống vô hình mà nhắm lại. Nào ai hiểu tôi đang nghĩ gì? Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn nhưng đã vội khép  kín. Tôi run rẩy đóng cửa không cho sự thương hại thoát ra ngoài. Tôi sợ hãi khép chặt cửa lòng không để khe hở mang lời ru ngủ hầu thức tỉnh sự thứ tha bố thí. Không, chiến tranh sáu năm phải có kẻ gục, ghen hờn sáu năm phải có người nằm xuống mà tôi, người vợ tuy bị chia sẻ ái ân, bị ăn mất tim máu nhưng cái bề thế vẫn còn và với giòng tộc, tôi muôn đời vẫn là cây cao đứng vững giữa trời, là người vợ được cưới hỏi với sính lễ toàn vẹn và hãnh diện nhất.
-Chị cho em thỉnh thoảng dẫn các cháu đến thăm chị.
Đến thăm hay đến nộp mạng? Tại sao mụ ta ngu xuẩn đến nỗi không biết là tôi đã ghen, ghen với cả người đang quỳ lết dưới chân mình? Cút, cút, cút. Đừng đóng tuồng trước mặt mọi người, bao con mắt đang dòm ngó, theo dõi từng cử động của đôi hổ cái.
-Vợ một, vợ hai kìa các ông các bà ơi. Không ngờ ông Bằng đào hoa dữ há, lúc nhắm mắt mà còn có người đến xin để tang. Chị Bằng hiền thật...
Tôi chẳng hiền đâu, có điều nếu dữ cũng không làm gì khác hơn được vì xứ sở này không có luật vợ cả được phép đánh vợ hai. Hơn nữa tôi nghĩ, thường thì loài vật chỉ đánh nhau vì tranh ăn; đàn bà chỉ đánh vì ghen. Tôi là người đàn bà ghen, là con thú đói nhưng không đến nỗi hèn hạ đánh kẻ ngã ngựa dù lòng ngút ngàn thù hận, dù Hằng không xấu như tôi tưởng. Bao lâu nay Bằng đã lừa dối tôi, đã ôm cái hạnh phúc thực sự, đã nựng niụ hôn hít những đứa con kháu khỉnh. Ôi! Còn đau đớn nào bằng. Càng đau càng hận, tôi đang hận chồng tôi...
-Thôi chào chị Bằng, chúng tôi về nhé!
Mọi người lờ đi như không biết đến người đàn bà và lũ con. Họ làm thế là đúng; tự ái tôi hả hê đôi phần nhưng lòng chợt áy náy vì dường như họ còn chờ đợi ở tôi một cái gì khác hơn, một lời mai mỉa bóng gió về người đàn bà kia, một lời cảm tạ, một câu cám ơn chí tình hoặc nói cho cùng một tiếng thở than nhưng tôi vẫn câm nín. Sáu năm nay từ khi biết Bằng có vợ nhỏ, giòng họ đã coi tôi như một hiện tượng lạ, một bà thánh sống, được sinh ra để thứ tha, chấp nhận và cho đến bây giờ, mặt đối mặt với tình địch tôi vẫn dửng dưng. Có điều họ không hiểu tại sao tôi không thể nhỏ xuống dù một giọt nước mắt cho Bằng. Khóc để làm gì chứ! Để thỏa mãn tính tò mò của họ, để đo được lòng dạ tôi hay tỏ sự yếu đuối thua thiệt của mình? Chung quanh đây ai chẳng nghĩ con cái là biểu tượng của ái ân hạnh phúc, tôi không con thì khóc chỉ càng chứng minh thua thiệt.
Mọi người đã ra về. Cô em chồng đứng tần ngần một lát rồi cũng leo lên xe rồ máy thật lớn. Hình như nó đang trút cả những hậm hực vào tiếng gào thét ấy. Tôi nghe rõ lắm nó đang nguyền rủa tôi, nó đang xỉa xói tôi vì tôi cố ý đóng một vở kịch khá kệch cỡm. Trong gia đình có mình nó gần gũi thân thiện nhất và cũng chống đối tôi mạnh mẽ nhất. Nó chống đối vì tôi quá dửng dưng với sự việc chung quanh, nhất là với người chết. Nghĩa tử nghĩa tận, dù gì tôi cũng đã có với Bằng mười năm chồng vợ, đã được coi là hiền phụ thế mà giờ phút cuối cùng còn tiếc mảnh áo tang, tiếc cả vài giọt nước mắt. Nó trách tôi cũng phải nhưng ở vào trường hợp tôi nó sẽ làm gì? Vừa khóc vừa gào vừa xé nát tình địch để tỏ uy quyền của kẻ làm vợ hay giở thói bần tiện đánh đuổi người đàn bà kia? Nếu là tôi... Mà thôi, làm sao nó là tôi được vì nếu là tôi có lẽ gia đình này đã tan vỡ từ lâu không còn chờ đến Bằng chết để hai kẻ thù giáp mặt nhau dở điên dở khùng.
Tôi để mặc người đàn bà và đám con vật vã với ngôi mộ mới đắp, lúc sống còn chả tranh giành được thì khi chết có ngồi quạt mồ Bằng cũng không thể là của riêng mình.
-Chị ơi em mất chồng, các con em mất cha rồi chị ơi...
Người đàn bà khóc tru lên khi thấy tôi dợm bước đi. Dơ dáng chưa, bà có chồng đâu mà mất; còn đám nhỏ kia, nó mất cha thì nó khóc chứ can dự chi đến bà.
-Mẹ cả ơi... Mẹ cả ơi...
Đám con nghe mẹ gào cũng tức tưởi. Hình như chúng đã được dặn dò từ trước hoặc cũng có thể Bằng vẫn thường xuyên nhắc với chúng trong đời sống của họ còn có một người đàn bà ngu xuẩn đã bị lạm dụng tình yêu để sử dụng hai tiếng hy sinh thật phi lý. Tuy nghĩ thế nhưng tiếng gào khóc vẫn như được gió yểm trợ xoáy thẳng vào ngực tôi. Người ta có thương mới đau khổ, có ân tình nhiều mới mất mát lớn lao còn tôi cho đến giờ này vẫn chưa buông một lời than thở. Tại sao? Tại sao?
-Anh Bằng chết rồi chị ơi, làm sao mẹ con em sống nổi.
Không sống được thì chết đi. Tôi quay phắt lại, đúng là cây muốn lặng mà gió chẳng muốn ngừng, đã làm con cọp bị thương phải chạy trốn thế mà còn cố đào khoét vết thương để nó phải nổi điên. Giờ chỉ còn có tôi và bà, hãy thanh toán món nợ của sáu năm qua. Con ác phụ... con ác phụ giựt chồng người... Miệng tôi rít lên với đôi tay giơ cao mang cả khối lòng thù hận nhắm thẳng vào đầu người đàn bà bổ xuống. Bất thình lình người đàn bà ngửa mặt lên, chiếc mào trắng đội trên đầu phủ lấy mắt.
-Chị ơi em khổ quá chị ơi.
Tiếng kêu không làm tôi chùn tay nhưng chiếc mào phủ mặt, nó bưng kín mắt người đàn bà như kẻ mù. Đánh khi người ta không ngờ mình sẽ đánh là hèn, đánh khi người ta đang đau khổ chạy đến với mình là bất nhân, tôi buông tay thoắt chạy, bỏ lại đàng sau tiếng rên rỉ kéo nhựa tưởng chừng không bao giờ dứt...

*

Suốt buổi chiều, sau đám táng, lang thang ở công viên và thời gian còn lại trong quán rượu, không quen uống rượu và cũng chưa bao giờ bước chân vào nhưng trước biến cố quá kinh khiếp và quá đột ngột, tôi muốn tôi không còn là tôi, là người đàn bà khuôn mẫu để trở về ngôi nhà mang đầy những kỷ niệm và hình bóng Bằng. Tôi muốn quên chàng dù trong một thoáng để nhìn lại mình, để biết mình đang thương hay thù. Có thương mới có hận nhưng thù cũng có thể đi liền. Tôi muốn biến thành người khác, sống tí ti buông thả, dù trong ý tưởng, nhận chìm vào một đam mê nào đó để thoáng chốc quên đi rằng tôi đã mất chồng và đã trở thành góa phụ.
Vài hớp champagne chưa đủ làm tôi choáng váng. Người đàn ông tình cờ ngồi đối diện trên chiếc quầy dài với mái tóc vàng hoe và bộ ria cá chốt có nụ cười thân thiện cởi mở vẫn không tạo cho tôi cái gật đầu xã giao tối thiểu.
-Cô đang có chuyện buồn?
Tôi lơ đãng không trả lời, mắt vẫn nhìn vào khoảng không.
-Tôi ít thấy có người Á Đông nào vào quán này, hình như cô là người đầu tiên? Chẳng hiểu hắn thật lòng hay đó là đường lối tán tỉnh rẻ tiền của bọn đàn ông, tôi nhăn mặt khó chịu:
-Vâng, tôi cũng ít thấy có người đàn ông nào vào trong quán rượu để tán gái.
Mặc kệ hắn há hốc miệng nhìn tôi nhà quê nhà mùa, tôi khờ khạo đáng thương, tôi hiền lành sống ở chùa, ở nhà thờ vì tôi vào đây đâu phải chờ đợi nghe những tán tỉnh vu vơ, đâu phải vào đây nói vài ba câu giải sầu cũng chẳng phải vào đây để làm mới cuộc đời mà muốn chạy trốn, tôi muốn chạy trốn kỷ niệm và đè chặt những ghen hờn vẫn còn bốc ngùn ngụt trong lòng.
Người hầu rượu để trước mặt tôi ly thứ hai mặc dù ly đầu vẫn còn quá nửa.
-Rượu ở đây quá tệ, tôi muốn đổi sang couvoiser nút xanh.
Giờ đến thằng bồi há hốc miệng. Có lẽ trong cuộc đời pha rượu đây là lần đầu tiên nó nhìn và nghe một người đàn bà quái đản hỏi những thứ rượu chỉ có tự chế tạo may ra mới có. Một thoáng, chỉ tích tắc nó đã cười ranh mãnh:
-Có cả nút đỏ, bà dùng loại nào?
-Xanh, đỏ, vàng đối với tôi như nhau vì cùng một thứ rượu lâu năm. Rượu cất càng lâu uống càng đằm chứ không say.
Vài người lắng nghe tôi giải thích tủm tỉm cười. Mặc xác, tụi ngoại quốc lúc nào cũng tỏ ra lịch sự nhưng khi đã bước vào đây thì đều quái dị không khác gì mình.
-Muốn ngồi đây thì nhấm nháp thôi, uống kiểu tự tử như cô dễ gục xuống bàn và cũng dễ được cảnh sát chiếu cố đưa về tận nhà.
Tên đàn ông ù lì thỉnh thoảng lải nhải tán tỉnh khiến tôi cảm thấy bực bội, cũng có thể không khí trong quán không thích hợp, nhất là lúc này, mùi khói thuốc ngập tràn lồng ngực, mùi rượu nồng nặc đủ loại đủ cỡ bít kín lỗ mũi như cùng hổ trợ thêm cho những bóng đèn nhập nhằng nửa sáng nửa tối. Cảnh ồn ào sôi động giữa kẻ nói người cười, giữa những khuôn mặt nhởn nhơ tươi trẻ kèm theo vẻ héo muộn sầu thảm của đôi người mang tâm sự u uẩn khiến tôi không hiểu đây là thiên đàng hay địa ngục? Nếu địa ngục sao không có Bằng để đối diện một lần, để trả lời với tôi duy nhất một câu hỏi là sống giả dối như thế khi chết mang theo được những gì? Sống vợ một vợ hai như thế khi nằm xuống có ôm theo cả hai khối tình theo?
Buổi sáng nhìn xác Bằng trước khi đậy nắp hòm mặt tôi tái ngắt. Chính ra tôi phải úp mặt mình vào làn da trắng bạch và lạnh cứng kia; chính ra tôi phải nhỏ nước mắt rớt đẫm xuống vầng trán nhăn và đôi gò má hốc hác kia cho thỏa cơn sầu khổ nhưng tự ái và hờn ghen đã cột chân tay tôi lại. Mọi cử động lúc này sẽ trở thành thô bỉ, sẽ là cái đinh vướng mắt họ và người đàn bà kia sẽ chạy đến tôi vì sự thương hại. Không, không thể nào. Xưa nay mày đã sống thật, rất thật nhưng không thể thật trong lúc này vì hờn ghen đang pha lẫn, vì lòng mày chưa có sự tha thứ thật sự, có chăng chỉ là hình thức mà cái hình thức lại phô bày toàn sự yếu kém. Càng níu kéo, càng gào khóc mày càng chứng tỏ sự thiệt thòi mất mát lớn lao. Khi Bằng sống mày chẳng được gì thì khi chết mày cũng thênh thang rỗng tuếch. Mắt tôi đứng tròng, miệng khóa cứng khi ngồi trên xe tang. Người đàn bà chung xe gào lên, hét lên như thể níu kéo chút ân tình còn sót lại; đám con cũng rên rỉ từng cơn trong khi lòng tôi lạnh băng và cứng ngắc. Tôi nhìn ra đàng sau, xe hơi nối đuôi dài cả hơn trăm chiếc, hai bên cảnh sát chạy theo hộ tống. Người chết chỉ vinh hạnh giờ phút này để rồi vài ngày sau một mình làm bạn cùng giun dế. Như vậy giữa sống và chết là cả khác biệt nhưng sao tôi thèm được thế chỗ cho Bằng, thèm được nằm xuống, được ngủ yên, một giấc ngủ đẹp và an bình nhất với bàn tay Bằng vuốt mắt. Tôi thèm được chàng tẩm liệm chu đáo để đền bù cho tôi những thiếu sót suốt cuộc đời làm vợ. Tôi thèm được nghe tiếng khóc đưa tiễn, được nghe chàng thốt lời van xin thứ tha để lòng nguôi hờn, để hồn thanh thản và sẵn lòng nhường trọn vẹn thân xác chồng tôi cho người đàn bà còn ở lại.
-Đừng uống nữa, cô say rồi.
Lời ai đó như tiếp tục rót vào tai. Không, tôi nào đã say. Kẻ say đâu nhớ mình nghĩ gì, nói gì và làm gì còn tôi, tôi nhìn tôi rất rõ. Tôi thấy tôi của chồng chất yêu thương không sao gỡ bỏ, của ngập tràn oán thù không thể cởi và của hãi hùng chạy trốn chưa tìm được phương hướng. Ngày mai tôi sẽ làm gì, sẽ phải sống như thế nào khi mọi việc chung quanh đều xáo trộn? Tôi sẽ phải làm gì với căn nhà rộng thênh thang, với nỗi cô đơn trống trải và với những kỷ niệm đau buồn như những lưới nhện khổng lồ mỗi lúc mỗi xiết chặt. Giá tôi có một đứa con... Bằng ơi... nếu anh cho em được một đứa con... Tôi chợt hốt hoảng khi nghĩ đến đứa con định mệnh. Con mình tức là con của Bằng và con của Bằng tức là con mình...? Không... Không thể như thế được... Không thể như thế được vì càng thương càng hận. Thương hận ngàn đời sẽ phải dính liền với nhau...
Lê Thao Chuyên

Xem Tiếp: ----