úc cho biết mọi người sẽ đến thăm vào lúc mười một giờ trưa, nghĩa là còn đúng một tiếng nữa, Ái nhớ mình đã hung hăng la hét trong điện thoại:
-Tại sao anh lại bày vẽ như vậy?
-Anh đã làm gì đâu. Tự họ đến thì lấy lý do nào để ngăn cản.
Giọng Túc êm và từ tốn, lúc nào cũng thế.
-Nhưng em không muốn.
Lẽ ra Túc sẽ hỏi tại sao theo thói quen để tìm hiểu lý do nhưng chàng vẫn im lặng, cái im lặng nghe ngóng. Ái vẫn không giảm sự tức tối của mình:
-Anh không cho địa chỉ sao họ biết mà tới?
Bên đầu giây Túc cười một cách điềm đạm:
-Tối qua em không ngủ được hay sao mà "cáu" thế! Anh không cho họ địa chỉ thì họ cũng biết. Nào ai lạ gì nhà văn cái ở thành phố vừa bằng bàn tay ếch này. Thật ra, tự họ ngưỡng mộ em nên muốn ghé qua thăm hỏi chứ ai ăn thịt mình được mà em sợ.
Ái buông mạnh ống điện thoại cắt ngang câu chuyện. Tự họ ngưỡng mộ, lối tán dương của chàng lúc này chỉ làm cho Ái thêm bực. Thực ra Ái giận dữ không phải không có cái lý của nó. Từ ngày tập tành viết lách và làm báo đến giờ đã gần hai năm; phải nói con người và tính tình Ái đã biến đổi hoàn toàn. Những buổi đại nhạc hội, dạ vũ đều không có nàng, không phải vì đã chồn chân mỏi gối cũng không phải trong Ái không còn sức sống đến nỗi phải tách rời mọi cuộc vui một cách ngu xuẩn mà chỉ vì việc viết lách đã đưa nàng vào đam mê.
Không còn gì sung sướng bằng những lúc được ngồi một mình thảnh thơi, gạt bỏ mọi bực dọc suy nghĩ, phiềm muộn và vất vả trong một ngày để đối diện với con người thực của mình, dùng ngòi viết đào sâu nội tâm từng người để biến họ thành những nhân vật sôi động và sống vĩnh cửu. Vì thế bất cứ giờ phút nào, hể rảnh dù chỉ một vài phút Ái cũng không để đôi tay và bộ óc ngừng làm việc. Nàng nghĩ, sự lười biếng là nguyên nhân  hủy diệt bộ óc loài người và cũng có thể tại thời giờ đối với Ái quá eo hẹp. Một ngày mười hai tiếng vất vả làm việc, thời gian còn lại chỉ vừa đủ lái xe đi về, cơm nước và ngủ, thế mà bớt xén thế nào, Ái chỉ cho mình được quyền ngủ có năm tiếng. Những lúc ngồi cầm tay lái, ăn trưa hoặc bất cứ khi nào có thể cầm viết được là Ái tận dụng triệt để. Mê và hăng say viết như thế nhưng nàng vẫn mang mặc cảm văn chương mình rời rạc gẫy đoạn vì ý tưởng luôn luôn bị công việc cắt ngang giữa chừng.
Những ngày tháng đầu khi mới tập tành viết, Túc vẫn gọi đùa nàng là "nhà văn nhí" vì trông còn dễ thương, sạch sẽ và trang nhã lắm. Mỗi khi ra ngoài cũng má phấn môi son, cũng tóc xanh tóc đỏ, cũng quần là áo lượt đúng mode đúng thời trang như ai. Đến chừng cuối năm  thì  bị chàng đồng hóa với các "nam văn sĩ." Sự thay đổi trước tiên là cái phòng ngủ. Thực ra biến phòng ngủ thành nơi làm việc đã là một điều phi thường, đàng này Ái còn kèm luôn phòng ăn, phòng trang điểm và nhất là phòng ngủ đã có biệt danh nhà chứa rác khổng lồ. Ái biết làm sao bây giờ vì chỉ có phòng ngủ là không ai được quyền đột nhập xâm phạm, phá phách sự tự do của nàng.
Mỗi tối sau mười giờ, Ái hay ngồi trước bàn phấn, vì  computer đặt ở đó, và 10 đầu ngón tay thi đua giành giựt lướt trên keyboard. Cả ngày chỉ có hai tiếng đánh máy, phần vì mới tập phần lại hay nhớ Túc nên Ái rất cần sự yên tĩnh. Khi yêu, Ái đã tự nguyện dành cho chàng giờ phút đó, giờ phút thoải mái nhất trong một ngày. Đôi lần Túc bày ý kiến "tại sao em lại không đánh máy những gì đang nghĩ". Ái cho rằng nếu làm theo lời chàng thì mọi truyện viết đến độc giả sẽ tràn ngập kỷ niệm tình yêu của hai đứa.
-Không được.
Ái nhất quyết đánh đuổi ý kiến giết người ấy đi vì nếu mang tình yêu cá nhân lồng vào văn chương Ái sẽ làm hỏng ngòi viết của mình. Sau hai tháng, kể từ ngày có computer, phòng ngủ của Ái đã biến thành bãi chiến trường và tàn tích khủng khiếp nhất là quần áo. Thường ngày những bộ đồ "vía" để đi làm Ái chịu khó giặt tay, tệ lắm cũng hai tuần một lần kể cả ủi. Lâu dần cảm thấy uổng phí thời giờ, cho nên Ái bắt đầu so đo từng chút; thay vì bỏ đồ đã mặc vào thùng quần áo dơ trong phòng tắm, nàng để chất đống trong tủ, lớp trên đè lớp dưới và đôi khi tràn cả ra ngoài để khỏi phải "bị" giặt. Cũng có những lúc bí quá, Ái mặc lại cả đồ dơ cho nên kinh nghiệm thay vì ném dưới chân tủ, nàng cẩn thận chồng từng lớp nằm dài trên một góc giường hoặc trên bàn. May phước, chẳng ai bước vào ổ chuột chù. Mà thật tình nó cũng xứng đáng mang cái danh hiệu chuột chù. Vài vết dán gặm nhấm trên quần áo không cần lưu ý thế nên mỗi sáng nhặt cái này, bốc cái kia sợ mất thời giờ do đó vớ trúng cái nào là Ái hoan hỉ mặc ngay. Thế mà hôm nay...
Ái nhìn xuống bộ đồ đang mặc, chiếc áo đầm xòe bông màu tím, trông đẹp và còn mới chán nhưng khổ nỗi nó lại sát nách mà trời thì đầu mùa Xuân, vẫn còn lạnh quay quắt nên không thể cởi chiếc áo len mỏng đang khoác bên ngoài dẫu nó nhẹ và những lớp lông dài xù ra trông khá mắc tiền nhưng lại bị lỗ chỗ những dấu cắn. Không hiểu chuột hay gián đã xơi tái và dù biết vậy Ái vẫn mặc chỉ vì màu sắc phải đi theo chiếc áo kia. Những lúc ăn mặc bê bối nàng đã bào chữa bằng luận điệu rất oai hùng: "Diện làm gì ở nơi xó xỉnh này, ý tưởng nảy sinh từ hồi viết văn, chung quanh toàn Mỹ đen Mỹ đỏ, và diện cũng chỉ tốn thời giờ năn nỉ chàng". Chàng "thích" ghen khi thấy người mình yêu hay mặc áo hở cổ.
-Khách đứng xa cả thước thấy được gì mà anh cứ ghen cuống lên. Ái trêu ghẹo khi thấy chàng lụng bụng.
-Chúng nó nhìn lỡ mòn em đi thì sao.
Lạ đời, chỉ có Túc mới có lối ghen quái đản như thế. Vì vậy thỉnh thoảng Ái vẫn cứ mặc áo hở cổ để được ghen, mức độ đo lường tình yêu, và Ái cho rằng những lúc lụng bụng trong cổ họng Túc sẽ yêu nàng hơn vì nếu không để ý và nhìn thật kỹ sao biết nàng mặc áo hở?
Hai năm say mê viết lách, Ái quên hẳn việc chăm sóc sắc đẹp của mình, một yếu tố không kém phần quan trọng trong tình yêu và bảo vệ hạnh phúc lâu dài. Cũng có thể tại Túc không chú trọng đến sắc đẹp mà chỉ nhấn mạnh rằng tình yêu phát xuất từ tâm hồn. Vẫn biết chàng nói thật và người khả ái, dễ mến là người sống đơn giản, vui vẻ, chân thật nhưng không hiểu sao trong lòng Ái vẫn có những bất an không sao thoát ra được, nhất là trong lúc này, mặc cảm mình sẽ xấu hơn nếu không trang điểm và khoác trên người những bộ quần áo mắc tiền...
Việc đầu tiên Ái cảm thấy phải làm là lấy móp lau nhà. Một công việc không mấy cần thiết nhưng lại thành to lớn trọng đại vì Ái không muốn cho "họ" mang ý nghĩ nàng cũng tầm thường dơ bẩn và bê bối như đa số những người đàn bà khác. Hình như đã lâu lắm, hai năm rồi thì phải, lớp gạch ca rô đen trắng biến thành màu vàng của bùn đất. Các góc tường đầy bụi dính chặt với nhau thành từng bệt như đổ keo. Trên trần mạng nhện giăng từng vùng mà  đã từ lâu Ái vẫn dùng nó để làm mốc điểm khởi nguồn cảm nghĩ khi viết, giờ cũng bị đặt thành vấn đề. Để thực hiện những điều mình nghĩ, Ái không ngại ngùng nhưng vừa bán hàng vừa làm những công việc nặng nhọc này phải cần rất nhiều thời giờ mà chỉ còn một tiếng nữa. Một tiếng với cái nền gạch ướt và khách ra vô nườm nượp thì không phải là chuyện dễ dàng, lỡ họ bị trượt chân té thì tiền bảo hiểm cũng theo đó tăng lên. Một tiếng. Khoảng thời gian quá chật hẹp, ngắn ngủi cho Ái cảm tưởng nàng đang sống giả dối với chính mình. Những người sắp đến kia sẽ mang gì mà Ái lại dành quá nhiều thời giờ để sửa soạn tiếp đón? Phải chăng chỉ vì vài lời khen tặng giả tạo hoặc vài câu sáo ngữ? Tuy ý nghĩ chợt thoáng qua nhưng đủ cho nàng những khắc khoải và cay đắng khi so sánh mình với con người thích háo danh.
Sau việc lau nhà là lau những tủ cooler đựng beer; cả ngàn dấu tay lộ trên mặt kính trông thật ghê sợ; đã vậy cửa ra vào cũng đâu kém; rồi mặt quầy hàng, mặt kệ thuốc lá. Người ta bảo bói ra ma quét nhà ra rác. Càng lau càng thấy dơ. Cuối cùng Ái quyết định ngưng nửa chừng để dành thời giờ lo cho nhan sắc của mình.
Chỉ còn hai mươi phút nữa. Hồi xưa mỗi lần đi đâu Ái đều bỏ ra ít nhất hai tiếng để sửa soạn. Tắm, gội đầu hay xài lotion cũng phải dùng loại đặc biệt có perfume trong đó. Chẳng hiểu tại Ái thích xí xọn hay bất cứ phái đẹp nào cũng có những cái lẩm cẩm tương tự; thế mà dạo này dù lạnh hay nóng mặc lòng, Ái  chỉ tắm duy nhất ngày một lần trước khi đi ngủ. Với mái tóc ướt, nàng lau vội vàng và trải chiếc khăn lông khô trên mặt gối, thế là đánh một giấc cho đến sáng. Buổi sáng bẩy giờ đi làm, Ái chỉ dậy trước năm phút chỉ kịp đánh răng, rửa mặt thay quần áo thì còn giờ đâu mà make up. Cũng may trong bóp Ái luôn có đủ thứ lỉnh kỉnh vẽ vẽ cọ cọ để những lúc cần đi đâu bất ngờ thì có mà xài nhưng mái tóc thì không thể nào che dấu được sự vô trật tự của nó. Sợi quăn sợi thẳng, sợi mọc ra sợi vô trông ngáo chịu không được. Do đó Ái cứ cột cao cho xong chuyện. 20 phút, kể ra thì quá dư thừa nếu mặc bộ đồ đơn giản này; chỉ cần một lớp phấn mỏng là đủ, nhưng như thế con người và sắc đẹp sẽ tuột dốc một cách thê thảm. Dù gì cũng có một thời gian Ái được bầu làm hoa khôi toàn trường, hơn nữa những tấm hình chụp đăng báo cũng đâu đến nỗi nào tệ; và biết đâu chừng họ đến là vì ngưỡng mộ sắc đẹp hơn tài năng. Đàn ông mà...
Ái lại cảm thấy bực bội thêm và đổ lỗi hết qua cho Túc, chỉ lo chuyện bá vơ; đi đâu cũng cứ mang vợ chưa cưới khoe là "nhà văn." Ai mà chẳng biết hữu xạ tự nhiên hương. Nếu thực tình Ái  có tài, ngòi viết đã khiến bao nhiêu người rung động thì đâu cần chàng quảng cáo và tự nguyện làm trung gian cho họ đến. Mà chắc gì họ đến vì ngưỡng mộ hay chỉ là bản tính tò mò. Nhìn qua mảnh gương nhỏ Ái giật mình vì ít có khi nào dám nhìn kỹ Ái thế. Lớp da thiếu dinh dưỡng và ánh nắng mặt trời tạo thành màu tái mét, lốm đốm những chấm tàn nhang nhỏ li ti. Sóng mũi đã cao giờ cao hơn vì đôi mắt trũng sâu và quầng đen. Nhìn Ái, cả một cằn khô và võ vàng. Việc làm quá độ và thiếu ngủ đã khiến nàng tiều tụy hẳn đi không khác con bé lọ lem nghèo đói, chẳng biết các nhà văn nữ có giống Ái thế không? Đã bao lần Túc lên tiếng nào Ái có nghe mà còn cãi bướng:
-Người ta sống để làm gì cơ chứ! Không lẽ chỉ ăn rồi ngủ? Còn sắc đẹp đâu thể tồn tại mãi với thời gian mà theo nó.
-Anh không nói đến sắc đẹp, chỉ lo cho sức khoẻ của em. Muốn viết đầu óc em phải minh mẫn và sự minh mẫn chỉ có được trong một thể xác lành mạnh. Em nên dành chút ít thời giờ lo vấn đề thể dục và ăn uống.
Tuy lo lắng nhưng không bao giờ Túc tỏ ý cản ngăn việc viết lách:
-Những gì em thích là anh thích; những gì em mê say là anh cũng mê say. Tuy nhiên anh chỉ mong sau khi cưới...
-Em sẽ nghỉ việc ở nhà, Ái nhanh nhẩu trả lời, ban ngày anh đi làm em sẽ viết và đánh máy. Tối anh về em chỉ biết có mình anh thôi.
-Nhưng bây giờ em cũng đâu cần vất vả như thế?
-Đó là lối rèn luyện cho em có cuộc sống tự lập, hơn nữa chưa cưới nhau thì tiền của anh đâu thể là tiền của em được.
Ái có lý cho riêng mình và Túc cũng vậy nhưng khốn nỗi vì muốn tập "chiều cho quen" nên chàng chịu thiệt thòi rất nhiều trong tình yêu để cố gắng quên đi những buổi hẹn hò.
-Tình yêu và viết lách em đặt ngang nhau, giống Ái linh hồn và thể xác; hồn không được nhập vào xác sẽ đi lang thang vất vưởng Ái hồn ma bóng quế.
-Khả Ái, Túc ngắt lời, em đừng nên nói như vậy. Chính vì hiểu nên anh mới mãi yêu em và nên nhớ linh hồn không nhập vào xác thì vất vưởng, còn xác không có linh hồn cũng chỉ là xác chết thôi.
Ái đăm chiêu nhìn Túc Ái ngầm hỏi ý nghĩa nào trong câu nói.
-Tình em cho anh bị chia hai. Còn anh hoàn toàn dâng hiến tất cả.
Những lúc đó Ái chỉ lặng yên nhìn người yêu với đôi mắt ngút ngàn thương yêu trong khi lòng cuồn cuộn nhưng tâm tình tha thiết. "Túc đâu biết rằng chính chàng đã làm linh hồn mình trở về thân xác và sống trở lại để thẩm thấu qua những lời văn. Những rung động bất ngờ, những cảm giác bàng hoàng không phải từ tình yêu đẩy xuống ngòi viết và hai tiếng "nhà văn" không phải do chàng nắn tạo hay sao?"
Reng... Chuông điện thoại reo vang làm Ái vội cất chiếc gương đang soi mặt.
-Em đang làm gì đó?
 Giọng Túc ngọt ngào ở đầu giây nhưng Ái im lặng dỗi hờn vì nàng đang nhìn vào gương với khuôn mặt không được vừa ý.
-Còn giận anh hả?
-Em muốn lần sau anh tôn trọng em một chút. Bất cứ chuyện gì "dính" tới em cũng nên cho biết qua tệ lắm trước hai mươi bốn tiếng và phải chờ sự ưng thuận đã.
-Sao vậy?
-Để em có thời giờ sửa soạn.
-Mọi lần anh báo trước cả tuần có khi nào em bằng lòng đi chung với anh thăm bạn bè đâu.
-Anh không thấy dạo này mặt mày em xấu hẳn đi hay sao mà còn muốn mang đi nhát thiên hạ?
-Chỉ có thể chọn một.
-Không, em muốn cả hai. Ái dở giọng ngang.
-Đã vậy thì phải dung hòa. Em nên ngủ trước mười giờ.
-Mười giờ mới cơm nước xong, vô phòng ngủ liền thì đâu khác con heo lười.
-Nếu không thì em nên bớt giờ làm việc, anh nghĩ một ngày 10 tiếng cũng quá nhiều rồi. Em không giữ gìn sức khỏe nhan sắc sẽ tàn phai mau lắm.
Sợ Túc  đọc thấu tim gan mình nên phải có biện pháp chặn đứng:
-Anh sợ em xấu?
-Không, ngược lại em mới là kẻ sợ nó.
Không ngờ bị đổi ngược thế cờ. Ái ấp úng:
-Đâu phải chỉ riêng mình em. Bệnh phụ nữ mà.
-Bệnh cũng tùy người. Riêng em trầm trọng hơn tất cả.
-Sao anh lại nói Ái vậy?
-Nếu không người ta đã chẳng "cắn" anh ngay từ sáng sớm.
Túc nói rất đúng. Nếu không Ái cũng đã chẳng tức bực một cách vô lý. Mặc cảm là căn bệnh tự trong mỗi người, riêng nàng nó bắt đầu tấn công từ khi cầm viết. Mỗi một tác phẩm Ái một phần phản ảnh những khiếm khuyết lầm lỗi của mình trong trường đời. Biết để sửa là điều tốt nhưng càng biết nhiều lại càng cảm thấy mình ngu dốt và chẳng ra gì; cũng Ái người chú trọng tới sắc đẹp sẽ không bao giờ hài lòng với những đường nét duyên dáng của chính mình.
Từ khi thấy mình xuống sắc, Ái luôn mang mặc cảm bạn bè chàng sẽ ngạo cười. Mà cười là cái chắc, người yêu của ông bác sĩ chuyên về giải phẩu sắc đẹp lại bệ rạc thế này. Lại nữa, trên đời cũng ít từng xảy ra những mối tình vĩ đại giữa nhà văn và chàng bác sĩ trẻ tuổi. Chàng làm sao chịu nổi căn phòng bê bối tràn ngập những bài vở. "Văn phòng của em muốn bày biện gì tùy ý, miễn đừng vác nó vào phòng của chúng mình là được." "Nhưng còn tư tưởng và những lúc em cần trầm lặng?" "Anh sẽ tạo cho em môi trường và hoàn cảnh để viết. Đừng lo bé con ạ!" Ra Túc cũng thích Ái viết và lại còn khuyến khích một cách tích cực "Anh thích đọc những sách của em. Nó làm anh vui vẻ và yêu đời như vừa uống một thang thuốc bổ." Ái nhéo mạnh vào lưng chàng "Xạo, anh ngạo em thì có; nếu là thang thuốc bổ sao không đưa sách cho những con bệnh suy nhược của anh mà lại viết toa cho họ làm gì..."
-Khả Ái, sao em lại im lặng vậy? Túc hỏi lại.
-Em cảm thấy bực dọc.
-Vì hết đẹp?
-Một phần, phần chính nữa là em quá tầm thường so với bút hiệu.
-A ha! Túc cười lớn. Văn làm nổi cái tên chứ có phải tại vì tên mà  em mới được người ta ngưỡng mộ. Sao khờ vậy bé con?
-Nhưng...
-Tóm lại, tại vì sắc đẹp, ăn mặc?
-Anh Túc, em không bằng lòng cho anh trêu chọc nữa. Em không muốn người ta nhìn thấy bộ mặt thật của người được họ ngưỡng mộ, nhất lại là một văn sĩ. Ai chẳng nghĩ những nhà văn đều trí thức, oai phong lẫm liệt và nói năng họat bát thông thái lắm trong khi em chẳng những không được tí ti gì mà lại còn bê bối bẩn thỉu quá chừng...
-Em quá thần tượng các nhà văn rồi em ơi. Họ cũng chỉ như em hoặc hơn thế nữa vì xứ sở này ai chẳng bon chen, vất vả mới đủ sống.
-Nhưng em ăn mặc chẳng ra gì.
-À thì ra em không muốn họ "chiêm ngưỡng" những gì thật nơi em?
-Của mỗi con người thì đúng hơn; mía nào chẳng có đầu mấu, cuốn chỉ nào chẳng có lõi.
-Nếu ai cũng nghĩ như em thì các ca sĩ sẽ không bao giờ dám xuất hiện trước công chúng khi chưa trang điểm?
-Anh không phải là con gái cũng không phải là ca sĩ thì sao biết được tâm trạng của họ.
-Khả Ái à! Ngày nào em dám sống thật với mình tức là ngày tên tuổi em vang dội vì không có một nhà văn nào đứng vững khi bọc chung quanh bằng những sự giả dối.
-Anh...
-Một điểm nữa anh muốn nói là không có đám bạn nào xuống thăm "nhà văn nhí" cả. Anh muốn dành riêng giờ đó để em nhìn thật về con người của chính em.
Ái run rẩy gác ống điện thoại giữa chừng mà cảm tưởng mồ hôi đang rịn đầy trên trán. Túc muốn mình nhìn lại con người thật của mình. Thì ra từ lâu Ái vẫn còn che đậy và giả dối, vẫn còn thích cái bóng bẩy hào nhoáng bên ngoài vì bên trong chính Ái đã nhận thấy rằng mình chẳng ra gì, cũng tầm thường bon chen và thấp kém như đa số những người khác. Kẻ nghèo túng mơ ước có tiền; người giàu có mơ ước hạnh phúc; kẻ chẳng ra gì lại háo danh. Tóm lại con người ta thiếu sót thua kém những gì đều mơ ước thứ ấy thế mà Ái, sợ bị cười vì hai tiếng nhà văn nên đã bỏ gần một giờ để che đậy, giấu diếm. Nhà văn không thể nổi tiếng nếu cứ tiếp tục sống trong những giả dối. Túc nói đúng, còn che đậy giả dối thì muôn đời nàng cứ mãi bám vào cái danh hão huyền để sống...
Cả một ngày làm việc với muôn ngàn ý nghĩ quay cuồng đảo lộn, nhờ thế nó làm Ái lớn và trưởng thành thêm ra. Nó làm nàng nhận thấy giá trị con người không tùy thuộc vào những vật chất hoặc những gì có thể vay mượn, cầm bán, sang nhượng mà từ tâm hồn của chính mỗi con người. Yêu nhau từ lâu thế mà cho mãi đến bây giờ nàng mới nhận ra Túc là người thật toàn vẹn. Toàn vẹn đến nỗi đôi khi không nhận thức được điều đó nàng đã có những cáu kỉnh khó chịu vì cho là mình bị làm phiền. Định bụng khi chàng gọi lại nàng sẽ nói ra điều này nhưng mãi đến khi sắp về Túc mới gọi:
-Sao cô bé, tối nay cho anh gặp không?
Mọi lần sau giờ làm việc Ái chạy thẳng về nhà vì còn mê say viết, hôm nay trái với thường lệ:
-Không ngờ anh lại lừa em một vố lớn như thế!
-Anh chỉ muốn em hiểu rõ là em muốn gì và đang làm gì? Phải sống cho mình trước thì mới sống cho mọi người. Em không lo lắng săn sóc cho bản thân em thì làm sao có thể lo cho anh?
-À thì ra cũng chỉ vì anh? Ái cười cởi mở. Vậy là anh biết trước em sẽ ưng thuận? Biết sao còn hỏi cho phí thời giờ?
-Vì tôn trọng em.
-Xạo, Ái bật cười, chứ không phải để lấy điểm.
-Lấy điểm? Túc cười khích khích ra chiều vui thú với khám phá mới lạ này. Anh nghĩ...
-Không. Không cho anh nói nữa, Ái ngắt lời, anh bắt nạt để em phải lo lắng suốt buổi sáng.
-Bây giờ anh đền tội bằng cách dẫn em đi làm tóc. Vài ngày nữa tết nhất đến nơi rồi.
-Anh khỏi cần nhắc khéo, em còn biết hôm này là ngày đưa ông táo về trời nữa kìa. Cho nên dù muốn dù không em cũng phải dẹp chữ nghĩa sang một bên.
-Tuần này em nghỉ đánh máy nha, và tối ngủ cho sớm.
-Để anh đưa em đi "khoe" với bạn bè? Ái trêu ghẹo, như vậy có phải vì lợi ích của em?
-Nếu không, chắc gì em đã sửa.
-Sao anh biết em chịu sửa?
-Vòng vo một hồi em vẫn chứng tỏ mình là một nhà văn "không dám phục thiện vì sợ... xệ".
Túc như thế đó. Đôi khi rất tế nhị nhưng lắm khi cũng thích "nổi loạn" để được "cắn cấu."
-Lát gặp nhau anh đừng có trách em sao ác độc.
-Nghĩa là em đã nhận lời?
Khờ đến vậy thì thôi, Ái giở trò bắt nạt lại:
-Nhận lời đi ăn chứ không phải cầu hôn đâu...

 

Nhà hàng O Charley's trông thật quyến rũ vì nó tọa lạc hẳn trên một ngọn đồi cao. Xe đi ba vòng trôn ốc mới lên đến nơi.
-Anh ơi đẹp quá!
Ái kêu lên khi vừa bước ra khỏi xe. Nàng xoay tròn người như muốn đưa tay ôm hết cảnh đẹp bao la của vũ trụ và loài người cùng hợp sức kiến tạo. Bên dưới trùng điệp muôn vạn ánh đèn mầu dẫn đến thành phố sầm uất, những cao ốc, dinh thự chọc trời, những bảng hiệu rực rỡ ánh đèn chớp nháy giống đại hội đom đóm khổng lồ dập dìu mời mọc. Cảnh đẹp hay tại lòng người vui?
Túc đứng sát bên, vòng tay nóng ấm làm Ái rùng mình:
-Trên này gió lạnh thật.
-Vì thế anh mới đưa em lên đây để...
-Để sợ lạnh em phải ôm anh?
Ái gục đầu vào vai người yêu và nghe rõ hơi thở phà ấm một bên má.
-Em yêu anh, Túc ơi.
-Anh biết.
-Em thấy hạnh phúc khi anh đã lo lắng quá nhiều cho em nhất là mở rộng tầm mắt và sự nhận định cho em biết thế nào là sống có ý nghĩa.
-Cám ơn chó con, bây giờ anh mới nghe được lời đó.
-Nếu anh không giả bộ bảo đám bạn đến thăm, có lẽ cả đời em vẫn ngu xuẩn và lầm lẫn. Cám ơn anh, Túc ạ!
-Anh phải cám ơn em mới đúng vì nhờ vậy anh đã quên được những tủi buồn khi nghĩ em thích viết hơn anh.
-Bậy nà.
-Thật, nhớ lại xem một ngày em dành cho anh bao nhiêu phút?
-Thì từ mười giờ đến mười hai giờ đêm.
-Giờ đó em đánh máy mà!
-Tại vậy nên máy mới cháy.
Túc cười xiết chặt vòng tay hơn:
-Anh đâu thích tình yêu hàm thụ.
Ái cào nhè nhẹ trong lòng tay chàng:
-Đủ rồi, ỉ ôi mãi làm em chín cả gan ruột. Từ giờ em sẽ rút bớt công việc lại, nhất là giờ viết để nghĩ tới sức khoẻ của em và "gìn giữ cẩn thận" tình yêu chúng mình.
Ái nhìn thẳng vào mắt người yêu. Qua ánh sáng mờ nhạt tự bãi đậu xe, đôi mắt Túc như những đám lửa cuồn cuộn đang nung trái tim nàng sôi sục; đôi mắt như những vệt lân tinh rực ngời soi rõ tình yêu thương chín mùi của nàng.
-Anh, đừng nhìn em nữa coi.
Túc ngạc nhiên:
-Sao vậy?
Ái vít đầu người yêu gần sát mặt mình, đã từ lâu lắm hai người không có dịp đi ăn, trò chuyện và tình tứ như thế này:
-Em sợ sẽ xiêu lòng vì lời đề nghị của anh hôm nào.
Người Túc run lên nhưng vẫn nghe rất rõ lời thì thầm của Ái, êm và ngắn gọn:
-Anh, em bằng lòng chúng mình mở tiệc "tiểu đăng khoa" trong kỳ hè này...
Lê Thao Chuyên

Xem Tiếp: ----