iếng vỗ tay ào ào nổi lên, vang dội cả hí viện khi người nam ca sĩ lai da đen vừa xuất hiện trên sân khấu. Mọi người đứng bật dậy để tỏ lòng ngưỡng mộ; từng loạt ghế gập xuống phụ họa thêm âm thanh dòn dã. Khung cảnh bừng lên một sức sống tràn trề; đèn sân khấu đổi màu liên tục làm chiếc phông đàng sau cũng trở nên sôi động và lôi cuốn thêm. Người ca sĩ cúi rạp mình chào kiểu cách giữa tiếng hoan hô, cổ võ vang rền.
Đối với người Mỹ, anh chỉ là một ca sĩ thường nhưng nhờ hát được cả tiếng Việt lẫn tiếng Tàu nên có thể vì ái mộ thực sự hoặc cũng có thể vì tò mò muốn nhìn tận mắt những gì đã được đồn thổi trong tờ quảng cáo mà cộng đồng người Việt trong thành phố cũng như các vùng phụ cận đều đổ xô về thật đông. Họ chiêm ngưỡng anh như chiêm ngưỡng một thần tượng. Mái tóc dài quá lưng quăn từng lọn như nữ tài tử Cher được đánh bồng đen nhánh nổi rõ làn da trắng của phấn và đôi mắt đen to lơ láo trong màu chì quá đậm; lối trang điểm và phục sức không khác gì các cô tân thời kể cả bộ ngực bự hơn thước tấc và chiếc eo thon được thắt chặt bởi sợi dây lưng to bản dát cườm sáng lóng lánh; bộ đồ lụa sát thân mình và ống quần hình chân voi mỏng, quá mỏng dù đã cẩn thận may hai lớp nhưng vẫn không che đậy được mảnh quần lót nhỏ xíu như bàn tay sáng lấp lánh nằm giữa hai kẽ đùi. Aùnh đèn màu quết từng vệt trên thân thể người ca sĩ, đến chỗ cần che dấu, hình như nó cũng tò mò và đam mê như loài người nên dừng lại thật lâu không chịu rời làm mọi người rú lên, nhảy chào chào ủng hộ nồng nhiệt vì giữa cảnh xô bồ hỗn tạp, nhạc và lời không đủ lôi cuốn khán giả bằng lối phục sức, trang điểm và trình diễn.
Nhạc bắt đầu trỗi dậy, nhanh và mạnh. Tiếng trống nện thình thịch vào đôi mông teo bóp của anh khiến nó nẩy tưng tưng ăn nhịp một cách rất tài tình. Làn sóng người phía dưới cũng uốn éo làm theo như đàn hải cẩu múa xiệc. Nhạc và người quay cuồng, mọi động tác thể dục, thể thao, thẩm mỹ cũng như khiêu dâm hoặc thô bỉ kệch cỡm được lôi ra xử dụng tận lực dưới ánh đèn mờ ảo đủ màu sắc được phụ họa với những vệt sáng trắng chớp lóe tắt liên tục.
Tôi vội vã rời bỏ hí viện giữa khung cảnh sôi động hào hứng nhất như một người điên rồ chạy trốn. Mà chạy trốn thật vì bây giờ ngồi đây trên ghế đá trong một công viên vắng nhìn màn đêm bao trùm vũ trụ. Từng ngọn đèn vàng vọt chiếu tia sáng yếu ớt xuống đám cỏ dưới chân cột tạo thành vòng tròn giới hạn tạo thành màu cỏ úa. Luồng gió nhẹ thỉnh thoảng làm chao đảo những nhánh liễu rũ lòa xòa cạnh bơ hồ. Không gian và thời gian dễ làm cho lòng người lắng dịu thế mà lòng tôi vẫn cứ vật vã từng cơn. Mỗi tiếng vỗ tay là mỗi tràng súng nổ ngay vào óc; mỗi tiếng huýt gió tựa mỗi mũi dao đâm khiến con tim đau nhói. Hình ảnh người ca sĩ với dáng dấp mảnh khảnh, gương mặt trắng bạch phấn, và mái tóc quăn đen đã cho tôi ngay một liên tưởng tới hắn.
Hắn… Hắn… Như một bóng ma ẩn hiện quanh tôi, như những luồng gió nóng mà tôi là cây sống vào mùa xuân. Hắn đến, tôi đi. Hắn hiện ra, tôi chạy trốn đối nghịch nhưng không thể tách rời chẳng khác gì cực âm và cực dương, như mặt trăng và mặt trời, hoặc đôi khi chỉ là hình bóng, kẻ phương đông người phương tây khiến lòng tôi vẫn nhói từng cơn đau. Phải, tôi đau lắm! Hắn là nỗi đau của tôi, như người gù đeo cục bướu trên lưng, muốn cắt bỏ nhưng nó lại là phần da thịt của mình. Đôi lúc liều nhắm mắt nghiến răng cắt đại nhưng phần thịt ù lì lại từ từ mọc ra còn cộng thêm sự đau nhức.
Đã sáu năm rồi tôi vẫn không quên dược hắn dù đã cố sức trốn chạy. Kẻ ở miền Bắc giá buốt và người ở phương Nam bỏng cháy nhưng lại bị ràng buộc bằng một thứ tình cảm hòa chảy cùng trên một giòng sông. Giòng sông định mệnh nối liền đời tôi và hắn để mang tủi hờn cho nhau.
Hàng ngày tôi vẫn cầu xin cho hắn chết đi hoặc là tôi vứt xác ở nơi nào đó để đừng theo đuổi nhau như quỷ ám nhưng hắn vẫn cứ nhăn nhẳn sống và tôi vẫn cứ trơ mắt nhìn hắn xuất hiện, nhảy múa trên truyền hình, trong nhật báo, tuần báo, nguyệt san, trong chợ, quán ăn, nhà hàng, trong tiệm băng nhạc với những hàng chữ thật nổi, thật uyển chuyển, nay là ông giám đốc, mai là chủ ngân hàng, mốt là tài tử điện ảnh, và còn nữa. nay là nhà thơ, mai là chủ nhiệm, mốt đã đổi sang chủ khách sạn.
Hắn có mặt ở khắp mọi nơi, đi từ tiểu bang này sang tiểu bang khác như ăn cơm bữa. Không đại tiệc nào mà không có hắn, không nhóm họp nào mà hắn không tham dự, vì vậy, càng lúc tôi lại càng thấy mình sống âm thầm như một cái bóng. Cái bóng đi bên cạnh cuộc đời hắn với đầy cay đắng và tủi hờn để nguyền rủa, hận thù, chua xót và đôi khi cũng để tha thứ, tha thứ hầu quên đi những ngu dại và lầm lẫn của mình!
Tiếng vỗ cánh khá mạnh của con chim lạc làm không gian giật mình, côn trùng hoảng sợ, và gió ngập ngừng chỉ chực quay lưng. Tôi cố nén tiếng thở dài cho tiêu tan mọi sự phiền muộn nên đứng lên rời ghế đá lững thững đến gần bờ hồ. Mặt hồ đen quánh một màu. Ánh đèn điện quá xa không đủ tạo cho nó vẻ nên thơ quyến rũ nhưng lại gợi lòng tôi nhớ đến những hình ảnh của quá khứ. Dù quá khứ buồn hay vui cũng khó lòng dập tắt được kỷ niệm. Mà đã gọi là kỷ niệm thì muôn đời tích tụ như một thứ rong rêu đất cát. Sóng có vùi dập giận dữ, có nhào lộn tung hoành cho hả cơn thịnh nộ thì cũng có lúc phải yên bình, từ sự bình yên đó mà loài rong rêu lại bám vào các gốc rễ, vào các hốc đá để gặm nhấm những vị nước mặn hiền hòa, để thấy đời tươi đẹp như khi tôi và hắn còn ở chung dưới một mái nhà, đi về ăn uống có nhau. Đôi khi cũng có những va chạm nho nhỏ nhưng chỉ là những cơn sóng dễ thương của biển, đại dương là vật vô tri mà còn biết gào thét huống hồ gì loài người, nhất là giữa tôi và hắn.
Ngày đó… Ngày đó của sáu năm về trước…

 

Bốn dãy nhà lầu hai tầng đâu mặt vào nhau, vuông vức như chiếc hộp đúc vôi khổng lồ cùng nhìn ra hồ tắm nằm ngay giữa trung tâm ra vào. Màu nước lúc nào cũng trong xanh nhờ lớp men đặc biệt tráng dưới mặt hồ nên có vẻ khang trang sáng sủa, che bớt dáng dấp nghèo nàn của khu cao ốc đã trên bốn chục năm.
Bờ hồ là những ô xi măng mua sẵn ngoài tiệm chạy theo hình bầu dục nối liền với mảnh sân con dẫn vào nhà chiều rộng không quá năm thước. Dọc theo hiên nhà cũng là lối đi đặt rải rác vài chiếc ghế đá cũ kỹ, vài chậu dừa cảnh khô cằn thiếu phân bón. Đất hẹp người đông, đó là lý do tại sao tất cả những khu cao ốc quanh đây đều không có lấy một ngọn cỏ ngoài trừ dọc theo đại lộ thuộc về chính phủ, hai dãy cỏ xanh mướt nằm hai bên đường ẩn dưới những bóng mát của hàng điệp vàng xen kẽ.
Con lộ nối dài chia từng khu building bằng những bức tường cao không quá đầu người. Dưới ánh nắng trông chúng như những ngôi nhà mồ nằm san sát bên nhau với màu sắc đối nghịch, mái đỏ, cửa xanh, tường trắng. Cao ốc được kiến trúc theo kiểu Mễ nên trông thô kệch nhưng lại chắc chắn. Mỗi khu có đến gần một trăm đơn vị vì cứ đếm từ số một đổ lên thì phòng của chúng tôi mang số tám mươi mốt. Nhà chín nút, số điện thoại cũng chín nút. Chẳng những hai con số may mắn đi chung mà ngay bên cạnh, căn tám mươi hai, nút bù, là một cặp vợ chồng Mỹ còn trẻ nên rất dễ chịu. Dễ chịu có lẽ vì họ nghèo, vợ thất nghiệp, chồng hưởng tiền tàn tật. Căn bên trái mang tám nút là bốn chị em người Việt, họ sống âm thầm bên tâm sự gói kín nên hầu như không để ý đến những gì xảy ra chung quanh. Tầng dưới đối chiếu thẳng lên phòng tôi là gia đình người Mễ đông con. Đám trẻ nhỏ quấy phá cả ngày cả đêm nên kể như chúng tôi may mắn được bọc vây bởi những người ít chuyện, tốt bụng, và nghèo như nhau.
Nhà hai phòng, hắn độc quyền một còn tôi và Loan một. Ban ngày ba đứa tôi đi học sinh ngữ chung trên chiếc xe cà tàng hắn xin được của một người Mỹ tốt bụng thay vì họ phải kêu xe “thô” tốn thêm mấy chục bạc. Để xe chạy được, tôi và Loan bỏ ra khá nhiều tiền tu sửa, từ chiếc vỏ cũ cho đến bình điện, từ ống nhún cho đến cục đề, đôi khi bệnh trầm trọng hơn phải bỏ cả ngàn cho hộp số. Bao nhiêu tiền bóp chắt dành dụm cứ thế nuôi cái xe thổ tả cả gần một năm. Bù lại, chúng tôi khỏi phải đứng chờ xe bus vào mỗi buổi sáng, khỏi phải hít thở những làn gió ngột ngạt đầy xăng nhớt, nhất là buổi trưa khỏi phải vất vả lội bộ một quãng khá dài giữa trời nắng gắt từ trạm xe về nhà.
Một bữa nọ đi chơi ở đâu về, hắn ôm một bọc quần áo toàn loại mắc tiền. Tôi ngỡ ngàng vì loại hưởng tiền trợ cấp, ở nhà housing như chúng tôi có bóp chắt lắm cũng chỉ hai bộ đồ vía đẹp đẽ để đi học lấy đâu mà cả bọc lớn như thế. Hắn không giải thích niềm vui đang ngập tràn mà chỉ im lặng chia cho tôi và Loan mỗi đứa hai bộ. Số còn lại có đến tám cái áo bằng lụa đủ màu sắc trang nhã; sáu chiếc quần đi theo màu sọc của áo. Hắn tung ra từng cái một trước đôi mắt thật sự ngỡ ngàng của Loan.
-Tiền đâu mà sắm quá trời đất vậy? Tôi hỏi với ánh mắt đầy nghi ngờ vì xưa nay chẳng khi nào hắn để cho tâm trí tôi được yên ổn với những ý nghĩ lương thiện làm ăn.
-Bắt địa.
-Trời!
Loan kêu hơi lớn làm hắn giật mình. Để mọi người dễ hiểu, hắn nói gọn nhưng là một phân trần:
-Người ta dẫn đi không sắm cũng uổng; vả lại đàn ông con trai thì sợ gì thiệt thòi chứ!
-Chẳng mất mát gì?
Loan trừng mắt  nhìn hắn hình như muốn trút một ẩn ức nào đó vì  mấy lần thấy nàng húng hắng định mở lời nhưng rồi lại cố nín nhịn. Riêng tôi, một nỗi ê chề chua xót phủ chụp. Bảo rằng ghen tức vì hắn đã tìm được chỗ đào ra của thì hoàn toàn vô lý, mà bảo rằng sợ hãi một viễn ảnh tương lai khi thấy hắn lại sắp sửa bước trở lại con đường hư hỏng cũng không. Sống chung với nhau tôi còn lạ gì tính hắn. Người nào gặp hắn một hai lần mà thoát được chuyện ăn nằm nếu hắn đã cố tình! Người nào đến với hắn chẳng là giai đoạn tạm bợ như một cuộc trao đổi ân ái có giao kết hẳn hòi! Tôi nhìn hắn, đôi mắt mở lớn nhưng không thâu nhận được gì ngoài thân thể trần truồng nhờm gớm.
-Bao năm rồi tính anh vẫn không bỏ. Bên mình chỉ có gái làm đĩ kiếm tiền; còn bên này đàn ông làm đĩ thì gọi là gì vậy? Giọng tôi đầy uất ức và châm biếm.
-Hỗn láo, coi chừng tao đập và mặt bây giờ.
Hắn gầm lên; Loan cũng gầm lên:
-Tôi thách anh đó, không tin đụng thử là biết liền.
Rõ ràng là Loan bênh tôi nhưng có một cái gì đó thật mơ hồ mà tôi không thể giải thích được. Nhìn những tia căm hờn tóe ra từ mắt Loan, tôi rùng mình; người đàn bà này mà ghen thì phải biết. Quả nhiên hắn chùn tay lại nhưng vẫn giơ củ đấm nhứ trước mặt tôi như  một lời cảnh cáo:
-Từ bây giờ tôi làm gì mặc tôi cấm nói; làm quá thằng này sẽ dọn đi chỗ khác.
-Cút xéo ngay từ bây giờ cho khuất mắt.
Loan trả đũa chớp nhoáng khiến tôi ngẩn người. Làm sao có thể cút xéo  một cách dễ dàng khi tất cả mọi người đang sống như một nương tựa, đùm bọc lẫn nhau, một đùm bọc chẳng những về vật chất mà còn về cả tinh thần? Làm sao dám chối bỏ tình cảm của tôi không còn ràng buộc và làm sao dám phủ nhận sự thương yêu mà tôi đã dành cho hắn?
Mặc Loan lải hải nói bóng nói gió, tay vò chiếc váy đầm đỏ hắn vừa cho đến nhàu cả ra, hắn vẫn nín lặng nhịn nhục như thằng cố đấm ăn xôi trong khi với tôi thì hắn lại hung hăng trái ngược. Tôi bỏ ra ngoài đứng mặc cho hai người cãi vã; những trận cãi nhau trong nhà  hầu như bao nhiêu lần hắn đều chấp nhận thua và chịu khuất phục Loan. Loan có tài? Không đúng. Loan đứng đắn? Cũng không hẳn vậy. Mặc dù chưa có gì chứng minh nhưng bảo rằng tôi phải tin Loan thì khó lắm. Không hiểu sao tôi lại có ý tưởng kỳ quái như vậy. Loan chưa làm gì cả thế mà nghi ngờ tôi vẫn cứ nghi ngờ. Phải chăng sự nghi ngờ đến để khi chuyện xảy ra có thể dễ dàng chấp nhận? Chẳng hiểu. Có điều tôi thấy chỉ cảm thấy lờ mờ trong ảo giác không thể phân tích.
Trời chiều, nắng đã bỏ mặt hồ không còn phản chiếu lên những tia sáng chói chang làm nhức mắt người muốn thưởng ngoạn. Vài thiếu nữ đủ màu da với bộ bikini nằm thỗn thễn trên ghế phơi nắng. Ở đây, hầu như ai cũng đều biết rõ mặt nhau, ngay đến bộ quần áo hoặc đôi khi chiếc quần tắm, áo thung giặt trong máy công cộng còn để sót lại cũng biết là của ai nên họ chẳng có gì cần phải che dấu hoặc e ngại. Họ nằm phơi ra đó dang chân dạng tay như trong phòng ngủ, cứng còng như những con cá khô bị quá nắng. Không thấy cô Lệ, phòng bên cạnh như mọi ngày. Cô Lệ già hay ế chồng cũng là một. Tuổi cô chưa quá bốn mươi nhưng vì sống không hợp thời lại khó thích ứng với hoàn cảnh nên trong cô lúc nào cũng như bị tách biệt lẻ loi.
Xuống hồ tắm mọi người ăn mặc đều như nhau, có quá quắt lắm thì cũng đeo vào chiếc quần đùi; còn cô vẫn chiếc quần đen hàng ngày dài không ra dài ngắn không ra ngắn. Cô ngồi duỗi thẳng chân trên bờ kéo cao ống quần phơi hai ống chân tre gầy guộc. Một tay cầm dù, một tay thoa đều lớp lotion lên đùi cho dễ ăn nắng. Chiều nào cũng thấy cô cuốn trên đầu mảnh khăn lông dày xù xụ che quá tai, thêm chiếc dù bảo vệ da mặt như con cóc đội nón. Nhìn cô tôi nghĩ với đôi chân dù có đen bóng cũng khó mặc váy ngắn vì hai đầu gối bè to lẫn xương xẩu thô kệch như đàn ông. Bàn chân cũng chả kém, chúng dài oằng và xòe đều cả năm ngón phô trương những kẻ hở mặc cho nắng gió chạy thông suốt. Thường thường cô chỉ phơi nắng khoảng một tiếng hay kém vì khi ánh nắng vừa kéo cao khỏi bờ hồ là cô bỏ dù bỏ khăn buông tõm người xuống nước bơi nhanh như con nhái bén. Hồi xưa cô ở miền Rạch Giá nên bơi khá giỏi, có điều bộ đồ rộng phùng phình bị sức đẩy của nước khiến cho nó bự quá khổ làm mọi người tránh né; cũng nhiều người vừa thấy cô phóng xuống nước là họ bơi vội lên bờ. Có trời hiểu vì sao và chỉ có hắn mới trả lời được nguyên do nào vì hắn thường hay la cà ở nhà cô những lúc ba người em trai vắng nhà.
Ở nhà chẳng hiểu hắn xàm xở hoặc giở những đòn phép thì không biết nhưng mỗi khi gặp nhau ở ngoài đường, cô Lệ chỉ biết lén trao cho hắn gương mặt bẽn lẽn và đỏ như gấc hoặc đôi mắt đờ đẫn mất hồn. Tuy xấu người nhưng tính tình cô lại dễ chịu, cũng có thể tại vì cô hay tiếp tế những món ăn thuần túy do chính tay cô nấu, bữa thì cháo lòng, chạo tôm bánh hỏi, bữa nem nướng, bún bò v.v… nên mọi người ai cũng coi cô như bạn đi liền với món ăn.
-Thật đúng là trẻ không tha già không thương.
-Mày biết gì mà nói? Của chùa không hưởng để thằng khác nhào vào cũng vậy. Hắn làu bàu khi thấy tôi lên tiếng khuyên ngăn.
-Gặp ai anh cũng làm tuốt luốt hết không để phúc lại cho con cháu.
-Bộ mày ghen hả?
Hắn hỏi ngược làm lưỡi tôi cứng họng. Ghen? Ghen? Có thật thế không?
Sau ngày cãi nhau hắt ít về nhà hơn, cũng có khi một, hai giờ sáng mới nghe tiếng chìa khóa khua lách cách. Trời không chịu đất thì đất cũng phải chịu trời, Loan không còn dám  nói gì vì càng nói hắn càng làm tới, đôi khi còn như cố tình trêu ghẹo chọc tức. Từ từ Loan đành nhượng bộ, cả cô Lệ kế bên cũng vậy.
Lệ đau khổ đã đành; tôi đau khổ cũng có lý do; còn Loan? Tại sao nàng lại cứ phiền muộn lo lắng?
-Nói vậy mà nghe được. Người trong nhà không biết khuyên bảo để vỡ tiếng ra ngoài hàng xóm cười chê.
Im lặng như thể chấp nhận lời Loan là đúng nhưng thực lòng tôi nghĩ hàng xóm bên xứ Mỹ ra cái quái gì. Nay ở mai đi, xa cách vài năm gặp lại chẳng nhớ ai vào ai. Còn lo lắng thì Loan đã làm được gì ngoài những trận cãi vã giống như ghen tuông. Ghen tuông? Tôi rùng mình không dám nghĩ đến. Tôi ghen hay Loan ghen? Có phải khi mũi mình dính phân thì ngửi vật gì cũng hôi thối? Khi đầu óc đã nảy sinh nghi ngờ thì nhìn ai cũng cho là họ không tốt? Không. Không bao giờ có điều đó xảy ra. Chúng tôi ba đứa dù ở trong một nhà, dù xa cạ chung đụng nhưng phép tắc lễ giáo hẳn hoi, trên ra trên dưới ra dưới không thể lẫn lộn thối tha như thế được.
Đồng tiền quả thật có sức mạnh kinh hồn, đã bóp mồm bóp miệng, đã khóa những lời hay ý đẹp để rồi tôi nhìn hắn tung hoành như một chấp nhận. Thực mà nói, không chấp nhận cũng không được. Chiếc xe thổ tả năm ngoái vẫn nằm vật vã dưới bãi đậu xe như một khiêu khích.
-Ai có ngon thì bỏ ra một ngàn đồng thay đầu máy, còn không thì làm ơn câm họng dùm để tôi là đĩ đực kiếm tiền sửa.
-Thật dơ dáy.
Loan lại chồm lên xỉa xói, còn mặt tôi sượng trân. Đồng tiền làm con người ta hạ cấp dơ bẩn thế đấy. Cũng may mà tôi chưa hề ngửa tay xin hắn lấy một đồng bạc. Những bộ quần áo thời trang hắn cho, tôi chỉ ậm ự, không nhận cũng không chối nhưng chưa hề xỏ tay đến một lần. Aên uống trong nhà là do tiền trợ cấp của chính phủ chứ đâu phải của hắn mà tôi vẫn thấy như pha thêm phân thối. Cô Lệ không còn lân la sang chơi hay lén tìm cách gặp hắn. Cô tỉnh mộng sớm là một điều mừng; chỉ tội cho những ai đã biết mà vẫn u mê không sao thoát ra được.
Trong khi hắn điên cuồng vì tiền bạc thì tôi điên cuồng vì học… Ranh giới giữa tôi và hắn là đường xích đạo và tình cảm hai đứa lại ở hai đầu cực xa cách. Loan vẫn thường nói thế và hầu như với nàng mọi sự tốt lành đều ở tôi và mọi sự xấu xa đều ở hắn. Biết Loan nói cho hả tức bực chứ hắn mới là người được trời chiều đãi. Từ khi hắn bỏ học lăn vào thương trường làm ăn; tôi vẫn ngày ngày đón xe tới lớp; Loan cũng đón xe nhưng khác chuyến và khác đường vì nàng chọn về khoa dưỡng da; còn hắn chễm chệ trên chiếc Oldsmobile đời mới tinh. Với người khác, xe Oldsmobile chẳng ra gì nhưng với tôi cả đời chỉ mơ được có thế. Có xe mới là tốn kém đủ thứ, từ bảo  hiểm, thuế lưu hành cho đến xăng nhớt, quần ào, kiểu cách cũng phải tương xứng. Xe này hắn bắt địa của bà bác sĩ H. Bà ta thuộc loại người to lớn phốp pháp mặt khá nhiều phấn. Quen biết được bà cũng là nhờ mấy cái sticker trong medical mỗi tháng chính phủ gởi về. Túng tiền hắn nhờ người quen với bà ta dẫn đến phòng mạch gạ bán. Từ sự móc nối đó hắn được nhận chân gác điện thoại đồng thời đưa đón những bệnh nhân không có phương tiện di chuyển.
Đúng là cái số đào hoa, nghèo giàu gì quanh quẩn hắn cũng vẫn có đàn bà con gái, như loại chuột sa hũ gạo. Con chuột tham ăn chẳng biết đâu là chỗ ăn và đâu là chỗ đại tiện, cứ làm bừa ra đó.
-Hết thành phố này hỏi  xem có ai chưa ngủ với anh? Làm gì thì làm vuốt mặt cũng phải nể mũi chứ! Loan giận dữ dằn mạnh chén cơm trong một chiều đi học về nghe lời bạn bè xầm bì bàn tán.
-Tụi bay là cái thớ gì mà tao phải nể? Tử tế thì ở không tử tế thì đi, từ mai đường ai nấy bước.
Nói thế nhưng tôi biết hắn không đành lòng cũng như chúng tôi chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ có ngày phải xa hắn. Thôi thì mỗi người mỗi tính, bàn tay còn có ngón dài ngón ngắn huống hồ gì con người. Có điều càng ngày tôi càng thấy hắn làm quá đáng.
-Anh bớt ăn chơi  một chút đừng để thiên hạ chê cười gia đình mình.
-Cha nào con đấy. Mày không thấy ông già cũng một cây xanh dờn dẫn ba bà về ở chung nhà hay sao?
À thì ra ông anh khốn kiếp của tôi đang thi tài đọ sức với người cha già đã có những lần lầm lỡ đáng thương.
-Ở Việt Nam khác, bên Mỹ khác. Tôi bào chữa.
-Khác là khác chỗ nào? Bên mình hễ cứ ăn nằm với nhau thì gọi là vợ chồng; như vậy ông già có một trăm bà chứ nào phải ba bà.
Nếu hắn không phải là ruột thịt thì tôi đã đấm ngay vào cái mõm hồ đồ thối tha kia.
-Bên đây mà dẫn ba bà về ở chung là chết ngắc. Cho nên làm gì thì làm tao cũng không đi theo bước chân ông già đâu mày đừng có lo. Oâng già dẫm phải bùn không lẽ tao cũng ngu dại dẫm theo?
Thôi thì hết ý, hắn muốn làm mèo làm chuột gì đó thì làm.
-Nhưng anh đừng để người ta bàn tán không tốt.
-Oâi đàn ông con trai mà, có xấu tới đâu cũng chỉ như cây gậy thọc bị gạo. Ai có gạo thì ôm trốn đi chỗ khác đừng có đứng nhử trước mặt vì một khi họ nhử là đã có ý khác. Sống ở đời mà không rành chuyện đó có bữa ôm thẹo.
Loan trề môi tỏ ý khinh thị:
-Con bệnh than phiền anh lại nhà đón họ sớm hơn giờ hẹn, trong khi họ đang thay quần áo anh nhào vào phòng họ làm đại.
-Thì cũng đôi khi có nhưng tại họ bật đèn xanh trước. Không lẽ tự dưng nhào vào họ đánh cho bỏ mạng?
-Sức đàn ông như anh ai chống đỡ nổi mà đánh với đấm?
-Còn cái miệng không lẽ họ câm không biết la? Rồi còn những người chung quanh nữa chi?
-Thật là ghê tởm, em không thể tưởng tượng anh có thể hèn hạ như vậy.
-Tao hèn hạ hay những kẻ gọi phôn cho tao hèn hạ?
-Họ gọi để khám bệnh chứ không phải để chèo kéo anh.
-Thiếu gì phương tiện di chuyển sao họ lại gọi cho tao?
-Họ gọi đến văn phòng bác sĩ chứ có thèm gọi cho anh đâu. Để em nói với bà H. tống cổ anh ra không thì có ngày bệnh nhân thưa cả đám. Đúng là nuôi anh như nuôi ong tay táo muốn bay lên cắn lúc nào thì cắn.
Hắn nhìn Loan thách đố:
-Thì cứ gọi, không chừng tao còn được bao luôn ăn ở tại chỗ.
Chuyện hắn với bà bác sĩ H. chẳng bao lâu thì đổ bể. Nguyên do cũng chỉ vì mấy con bệnh ghen nhau gọi tới tấp đến văn phòng. Bà H. ghen lồng lộn cãi xa xả với bệnh nhân làm chồng bà nghe chướng tai. Vỡ tổ, hắn chuyển sang nghề báo. Gọi là làm báo cho oai chứ thực ra hắn chỉ đi lấy quảng cáo và bỏ báo hàng tuần trong các chợ ăn huê hồng.
Nhờ ăn nói duyên dáng bặt thiệp mà một lúc hắn làm việc cho hai tuần báo và một nguyệt san; tờ nào cũng có quảng cáo của cùng một thân chủ. Thế mới tài!
Nắm đúng chủ chốt là tài chánh nên chẳng bao lâu tên tuổi của hắn đã thấy nhan nhản trên bìa báo với chức vụ ấn loát và trình bày. Chẳng biết hắn đã trình bày những gì nhưng từ khi làm báo hắn khiêng về cái computer và cái máy in ở tòa soạn ngồi gõ lọc cọc cả ngày. Có nhiều đêm giật mình thức giấc nhìn ra phòng ngoài đèn còn sáng, tôi tò mò nhìn đống giấy đã in vất bừa bộn ngổn ngang.
Thơ.
Thì ra ông anh yêu quý của tôi đang tập làm thơ yêu nước. Lời thơ nồng nặc đấu tranh nhưng thơ có xác mà không có hồn. Xác thơ được ghép khéo léo từng đoạn trong những bài thơ nổi tiếng hiện đại, cũng có vần có âm điệu nhưng đọc đến câu thứ năm vẫn chưa hiểu thi sĩ muốn nói gì.
-Đề nghị anh chuyển qua thơ tình yêu có lý hơn. Anh làm thơ tình có lẽ ướt át và mùi mẫn lắm. Loan châm chọc mỗi khi có dịp ngồi ăn cơm với nhau.
-Thơ tình khó gây tiếng vang như nhà thơ yêu nước. Làm trai phải có lý tưởng hướng đi thì mới xứng đáng làm trai.
-Em nghĩ trước khi làm người dân yêu nước anh hãy tập làm “con người” đã. Chẳng ai cho khỉ mặc quần áo lính đi tác chiến bao giờ.
Lời của Loan quá nặng nhưng hắn vẫn không rời nụ cười trên môi, có lẽ nhờ có nụ cười đó mà hắn luôn thành công trên bước đường đời.
-Ngày xưa Hàn Tín luồn trôn tên bán thịt heo ngoài chợ còn không nản chí thì lời chúng mày chỉ là nhăng cuội. Người quân tử nghe tiếng khen không lấy làm phách lối, nghe lời chê bai không đáng để phải buồn khổ.
-Em cầu xin thiên hạ gọi anh là nhà thơ để em đi đầu xuống đất. Văn thơ thể hiện phong cách con người. Còn anh như… “cục kít” trôi sông…
Loan phá lên cười sằng sặc, nụ cười nghẹn đầy nước mắt. Thật khó hiểu tại sao họ lại có những lời nói và thái độ quá thù nghịch!
Vài tháng sau từ tên lon ton chào quảng cáo, hắn nhảy lên chức vụ thư ký, dần dần lên tổng thư ký và cuối cùng thì mang về một tờ nguyệt sao màu sắc sặc sỡ hãnh diện khoe cái tên chủ nhiệm. Tôi giật mình; người ta bảo đa số chủ nhiệm đề dưới quyền chủ bút nhưng lại là người có nhiều biệt tài, có tiền, có uy tín thì mới điều khiển được tờ báo. Báo sống là do quảng cáo và độc giả. Độc giả không đọc thì không lấy được quảng cáo, không có quảng cáo, thì báo chết. Chọn một tên chữ nghĩa chẳng được mấy mươi, tiếng tây tiếng u rặn cả ngày không ra, giao thiệp chỉ sở trường về đàn bà con gái; chẳng hiểu hắn đã có ma thuật gì mà ngay đến đàn ông cũn nghe theo. Trong tòa soạn tổng thư ký có mù gì thì cũng còn chủ bút, nhất là tiếng nói lương tâm trách nhiệm để ở đâu, không lẽ bằng đó người…? Mà thôi, báo cũng có trăm ngàn thứ báo; độc giả cũng có trăm ngàn độc giả; chuyện không phải của mình thì suy nghĩ làm gì cho nhức đầu. Từ khi hắn làm chủ nhiệm, công việc chúng tôi gia tăng mặc dù tiền lương vẫn được trả theo sự hứa hẹn vẽ voi trên giấy. Có ai làm báo mà giàu bao giờ? Cho nên tôi và Loan không cho đồng tiền là quan trọng, chỉ làm việc theo sở thích và nguồn cảm hứng của mình. Mỗi ngày tôi dịch khoảng vài trang tin tức quan trọng trong báo Mỹ, ghi chép những điều cần thiết sôi động của thế giới; còn Loan mua những truyện được giải văn chương về dịch. Đó là báo tuần; báo tuần thì ăn lương vẽ nhưng bù lại chúng tôi có thêm căn bản về Anh ngữ, giống như hình thức tự học. Còn nguyệt san, tờ báo hắn làm chủ nhiệm thì vất vả hơn. Ngoài những công việc hàng ngày, chúng tôi còn săn tin tức từ những đường giây bí mật, thêm vào đó những trang phụ thuộc Loan cũng phải đóng góp.
Viết lách thì phải theo hứng và thời gian, chúng tôi như  lũ ngựa bị dồn thúc phải chạy. Những khi thiếu truyện ngắn, dù đôi lúc đã lạm dụng trích từ những cuốn truyện thời xa xưa hoặc ngay bây giờ cũng vẫn không đủ cho tờ báo quá dầy hơn hai trăm trang mỗi tháng, Loan và tôi phải rặn văn chương. Dùng tiếng rặn quả không ngoa, nó còn khó đi hơn là táo bón. Nếu ăn cắp từng đoạn để ráp nối vào đã là một cái khó và cả là một nghệ thuật, đàng này tôi lại muốn tự sáng tác nên cứ thế mà ôm đầu vò tai. Việc học chểnh mảng, xác thân vàng võ, nhìn bóng mình tàn tạ trong gương mới biết rằng làm một nhà văn theo đúng nghĩa không phải là dễ. Thiên tài là một chuyện, còn phải có cái nhìn sâu rộng, am hiểu tư bề, nhất là lúc nào cũng ở chỗ trung dung nhìn về mội phía thì nét bút mới trung thực. Tôi sống trong một môi trường chật hẹp tù túng, chung quanh chẳng có gì thơ mộng, cuộc đời cũng chẳng có gì đẹp để thăng hoa. Có chăng chỉ là những chán chường của cuộc đời ly hương, và hơn thế nữa đầy những nghi ngờ cũng như sự coi thường khinh miệt ông anh tôi. Bằng ấy ích kỷ vây quanh thì văn không phải rặn là gì?
Tôi bỏ cuộc, bỏ cả dịch báo để dồn hết về việc học. Cuộc đời của mình phải do chính mình định đoạt. Hắn đã chọn con đường của hắn nhưng không thể lôi kéo tôi vào. Loan thì thông minh, cần mẫn hơn. Thỉnh thoảng nàng cũng viết được vài ba truyện ngắn thấy đăng rải rác trên các mặt báo, đọc cũng tạm được nhưng đối với hắn lại quá kinh khủng. Từng trầm ngâm hàng giờ nhìn Loan cắm cúi viết hắn cứ thở dài thườn thượt. Câu hắn thường hay nói và cũng để an ủi chính mình:
-Loan có thời giờ còn anh cả ngày ở ngoài đường chạy rông lo công việc không viết được là phải.
Biết hắn mặc cảm nên Loan nói như một an ủi:
-Chủ nhiệm đâu cần viết lách. Có tiền anh cứ thuê những nhà văn viết cho là xong ngay.
Sự ngượng ngùng trong hắn làm ánh mắt Loan đượm đầy những niềm thương xót. Tôi đã nhìn được những chia sẻ trãi rộng trong đôi mắt màu hạt dẻ kia nên lòng nhói lên từng cơn và chợt cảm nhận nỗi mất mát đang từ từ len lỏi.
Từ khi làm chủ nhiệm, sự giao thiệp rộng lớn hơn và cũng nhờ khôn khéo tháo vát, hắn nhảy vào thương trường điện ảnh và thành công một cách nhanh chóng. Lúc đó tiếng tăm hắn nổi như cồn với những biệt hiệu được gán gọi, bốc thơm mà đến như tôi là em cũng phải ngượng dùm. Nhưng phải nói dù có coi thường hắn thế nào tôi vẫn công nhận một điều là hắn rất đẹp trai. Đó có phải là bước đầu để thành công trên đường đời? Nếu người ta bảo đàn bà đẹp là hồng nhan bạc mện thì đàn ông đẹp và tài hoa phải đi đôi với hào hoa. Như thế sự lãng mạn, xàm sở, bốt hốt của hắn đối với những người đàn bà đã qua tay có phải là một đặc ân? Nếu thật vậy thì tôi đã nhiều lần quá khắt khe khi có cô nào gọi tới. Hắn đi vắng, tôi đã phải mệt lả vì trả lời điện thoại. Có nhiều cô quái ác không nhắn gì trong máy cứ gọi rồi lại cúp bắt người trong nhà phải nhấc lên khiến tôi bị giữ vai ông già khó tính; Loan cũng không hơn, kiêm thêm vai bà cụ già. Nhiều lúc nàng còn giả vờ cố gắng gắt gỏng để cho họ đừng gọi lại. Chuyện xảy ra trong vòng một tháng thì hắn bắt điện thoại riêng; phòng cũng có chìa khóa riêng mà không hiểu sao thỉnh thoảng tôi vẫn thấy Loan vào nghe lén những lời đã nhắn gọi trong máy ghi âm.
Xưa nay tôi cứ nghĩ có mình hắn kỳ cục, rồi đến tôi kỳ cục, và bây giờ thì lại đến Loan. Bị cật vấn nàng trả lời đốp chát:
-Không bai biết gì về cuộc sống lăng nhăng của anh ấy. Hiện tại hai cô đang có bầu, rồi con rơi con rớt tùm lum, rồi…
Tôi đang bực tức nên cũng lớn tiếng:
-Mỗi người có một cuộc sống riêng tư, ai gieo gió thì gặt bão, việc gì đến mình mà lại lén vào phòng nghe trộm chuyện của người khác?
-Chúng ta phải có trách nhiệm về cuộc đời của anh ấy.
-Chúng ta hay em muốn quy trách nhiệm cho cả ba má?
Chỉ hai đứa mình vì hôm đi chính ba má nói với em là qua đây phải cố đùm bọc và nương tựa lẫn nhau.
-Vậy thì tùy Loan thôi.
Việc hắn có con đối với tôi là chuyện quá thường. Đàn ông đa tình thì con rơi con rớt là lẽ đương nhiên; vả lại hắn đâu còn trẻ dại mà sợ người ta gạt gẫm. Cây đơm bông thì chấp nhận có trái, đã ăn nằm tránh sao khỏi có con nhưng Loan thì lại làm dữ. Họ cãi cọ mỗi ngày  một lớn hơn khiến tôi có cảm tưởng Loan đã đi ra ngoài phạm vi của mình.
Một hôm đang ở lớp học, thấy trong người không được khỏe tôi xin về sớm nửa ngày. Ngoài sân đậu có xe của hắn, biết hắn có nhà tôi đã dợm chân muốn lùi trở ra đón xe buýt đến một quán nào đó ngồi cho hết những giờ còn lại nhưng không hiểu sao trí óc cứ thôi thúc phải bước lên bậc thềm. Qua khỏi những bậc thang đúc xi măng đầy mùi ngai ngái ẩm thấp, qua căn phòng 82 với đôi mắt tò mò nhưng lẩn tránh của cô Lệ, tôi tra chìa khóa vào ổ mà lòng hồi hộp khác thường.
Phòng khách không có hắn, trên mặt bàn bày la liệt những hộp đồ ăn dở mua từ nhà hàng Tàu. Hai ly nước đầy nguyên, đá còn rịn quanh chứng tỏ trong phòng còn có thêm người khách thứ ba. Tôi đưa mắt liếc thật nhanh khi đi ngang phòng tắm hé cửa; không có ai, điều đó chứng tỏ họ đang ở trong phòng làm những công việc riêng tư. Chuyện hắn dẫn đào về nhà là thường tình vì tôi vẫn thấy những vết tích trong phòng tắm, những khăn, những ra giường thay liên tục; đôi khi còn để lại cả những chiếc quần lót phụ nữ phơi chưa kịp khô nhưng toàn là những lúc tôi vắng nhà. Dù gì hắn vẫn nể tôi chứ không dám lộ liễu quá đáng. Hôm nay lỗi tại tôi về sớm, thôi thì lẳng lặng vào phòng đọc sách hay ngủ cũng còn hơn lang thang bên ngoài.
Xế trưa, phòng ngủ nằm về hướng tây nên lãnh trọn ánh nắng của mặt trời. Tầm màn cửa sổ lúc nào cũng được phủ xuống vừa ngăn bớt hơi nóng vừa che được những đôi mắt tò mò ở dãy lầu phía sau nhìn sang. Tuy nhiên, vì đóng kín nên sức nóng như bị tích tụ trong căn phòng chật hẹp. Căn phòng nhỏ thật, ngoài chiếc giường đôi chúng tôi nằm và bàn trang điểm của Loan thì chỉ kê thêm được chiếc tủ nhỏ đựng những giấy tờ, thư từ lỉnh kỉnh. Phía bên kia là  phòng nhỏ đựng quần áo, vừa treo quần áo vừa để thay đồ.
Trong tủ hầu như quần áo Loan chiếm gần hết. Mấy lúc sau này nàng hơi diện nhưng thôi đàn bà con gái ai lại chẳng muốn theo thời theo mốt. Có điều còn đang đi học nên tôi không thể giúp đỡ cho nàng mua sắm theo ý thích mà ngược lại cứ dăm ba tháng Loan lại mua cho tôi khi thì chiếc áo, bữa cái khăn tắm hoặc quần áo lót v.v…
Để có tiền mua sắm, sau giờ tan học Loan đi thẳng đến nhà hàng làm ở đó mãi mười giờ mới về đến nhà. Tôi là người nấu cơm kinh  niên nhưng cơm chỉ có mình tôi ăn vì toàn là bữa phụ. Bữa cơm chính được dọn ra sau khi Loan về, với những thức ăn dư ở nhà hàng thay vì họ phải đổ. Thức ăn ngon, Loan vui vẻ, tôi chấp nhận dễ dàng nên cuộc sống gia đình không có gì là sôi động sóng gió hoặc đáng để Loan phải phiền trách.
Hơi nóng ảm vào những viên gạch trên tường làm  mùi sơn bị khét nắng. Tôi cố gắng đẩy thật nhẹ cánh cửa tránh tất cả mọi tiếng động sợ người bên kia phòng biết có sự hiện diện của người thứ ba trong nhà. Chẳng phải tôi tử tế gì nhưng không muốn gây sự phiền hà khó chịu cho họ. Gió mát theo kẽ hở ùa vào đồng thời cũng loáng thoáng tiếng cười của người con gái. Phòng hắn mở cửa, chắc chắn như thế vì tiếng cười tuy không rõ nhưng thật gần. Tiếng cười tuy bị chận lại bằng môi hôn nhưng cũng đủ cho tôi có cảm tưởng nó không vướng chút e dè sợ hãi, không vấn vương suy nghĩ; tiếng cười như chứng tỏ một sự hạnh phúc tràn đầy, như một no đủ của xác thịt, một thỏa mãn ân ái. Tiếng cười nghe khá quen thuộc nhưng âm thanh không rõ ràng khiến tôi không thể ghĩ ngay được đó là của ai. Và cũng chính tiếng cười làm tôi chợt nhớ đến Loan. Tội nghiệp nàng, đã từ lâu lắm chúng tôi không có dịp trò chuyện tâm sự. Sau giờ cơm đêm, mặc Loan dọn dẹp bên ngoài, tôi rúc vào phòng đọc sách một mình. Sự học làm tôi say mê và quên tất cả. Bên ngoài Loan ngồi viết truyện, đánh máy với hắn và cũng đôi khi để chờ nếu hắn chưa về. Có nhiều khi mệt, tôi đã ngủ thiếp đi không biết Loan vào phòng giờ nào. Cũng có nhiều lúc Loan vào phòng khi tôi đang còn đọc sách; nàng rón rén leo lên giường nằm sát vào một góc không hề gây tiếng động hoặc hỏi đến một câu sợ phá việc học của tôi. Năm phút sau, hơi thờ nàng đã đều, thật đều. Loan ngủ dễ dàng thật, có lẽ công việc mệt nhọc, nàng lại còn quá nhiều việc phải làm, phải lo. Nhiều khi tôi nghĩ trong nhà nếu không có nàng, hai anh em tôi sẽ ra sao?
Tôi trở lại giường đưa tay bật chiếc quạt bàn ở số nhỏ nhất tránh vang lên tiếng kêu; bốn cánh quạt màu xanh biếc quay tít đuổi hơi nóng tan loãng mau lẹ. Để nguyên quần áo, tôi nằm xuống giường không quên cầm theo cuốn sách. Mọt sách. Loan vẫn ngạo như thế nhưng hôm nay chữ nghĩa không thể nuốt vào vì đầu óc tôi đang tiếp tục bị xáo trộn bởi tiếng rên rỉ liên tục làm sự tưởng tượng mỗi lúc lan rộng thêm ra. Bên kia hắn đú đỡn không kém; chiếc giường nệm rẻ tiền cứ cót két kêu từng chập. Hết lăn qua rồi lộn lại, cơ thể tôi đang bị sôi nóng bở tiếng rít đầy hoan lạc bên ngoài. Hình như nó không còn thoát ra từ hai cửa sổ nằm sát cạnh nhau mà tỏa rộng tứ phía; nó xoáy vào óc, vào tim, vào  mắt; nó chui vào lỗ tai, lỗ mũi khiến miệng tôi phải hả thêm ra để thở. Nó kích thích những sớ thịt tôi căng ra và những bắp gân nằm dưới làn da cũng chỗi bung dậy.
Thật là quái ác, tự dưng đâm đầu về nhà để nghe những âm thanh kích động khủng khiếp, nó còn căng thẳng hơn cả phim con heo, còn lôi cuốn, ngây ngất và ham muốn hơn cả những lúc sắp được làm tình. Giờ mới biết thằng anh tôi tại sao đào hoa. Hắn có đủ tài, ngay cả đến chuyện ái ân chăn gối cũng được trời chiều đãi. Người con gái bên phòng cứ ư ử rên âm thanh không rõ ràng, hình như môi hai đứa đang ngậm chặt lấy nhau. Mà cũng không phải, tôi chẳng hiểu chúng đang làm cái quái gì vì tiếng cót két mỗi lúc một thôi thúc. Thằng anh quỷ. Tôi ném cuốn sách sang một bên kéo sát chiếc gối chặn vào hai tai cố vận nội công còn sót lại để chống đỡ mặc dù sự nhớ thương và thèm khát vợ trào dâng mãnh liệt.
Tôi nhớ Loan ghê gớm, nỗi nhớ kèm theo sự buồn phiền ray rứt mà chưa lần nào tôi phải trải qua. Phải chăng trong lúc tình cảm hỗn độn, trong lúc cơ thể bệnh hoạn tôi mới nhận định được những thiếu sót trong bổn phận làm chồng cũng như tôi đã bỏ phí biết bao nhiêu ngày hạnh phúc tràn ngập khi có nàng? Lòng trách lòng để rồi tôi lịm đi trong buồn phiền ray rứt. Phòng bên những sôi động cũng lắng dịu trả lại tiếng tích tắc đều đều của chiếc đồng hồ treo trên tường; âm thanh tẻ nhạt của mỗi buổi tối học trong phòng khi Loan đi làm chưa về. Tội nghiệp Loan, vì sự học, vì công danh của chồng mà nàng phải chịu tất cả thiệt thòi của kiếp làm vợ.
Tôi nằm úp mặt xuống gối mặc lòng thổn thức ăn năn từng chập. Phòng bên có tiếng mở cửa và tiếng chân lướt trên mặt thảm.
-Đừng anh, em phải thay đồ không thôi trễ rồi.
Tiếng nói đột ngột vang lên thật rõ như sát bên tai khiến tôi giật mình, tứ chi đang cơn bải hoải bỗng dưng thức dậy. Tiếng nói thật quen thuộc khiến tôi bật ngồi theo phản ứng tự nhiên trước khi cửa phòng bật mở. Sừng sững ở cửa, Loan lồ lộ trần truồng và bên cạnh, hắn, tay còn đang cố níu kéo mảnh khăn lông bốc hốt chụp giựt. Tôi chỉ kịp hộc lên vài tiếng ngắn ngủi trước khi ngất đi:
-Chúng mày… Chúng mày…

 

Tiếng đập cánh phành phạch dưới hồ làm tôi giật mình. Qua vùng sáng lờ mờ, đàn vịt trắng lẫn lộn trong màn tối tranh ăn mổ nhau làm mặt nước bị quẫy mạnh. Một con kẹp trong mỏ vật khá lớn cố cất cánh bay lên khỏi mặt nước hướng về phía bụi rậm; còn lại đàn vịt hung hăng đập cánh đuổi theo. Đêm không còn mang vẻ thơ mộng huyền diệu trong giắc ngủ yên; trái lại một nỗi sợ sệt bàng hoàng xâm chiếm. Nó luôn ám ảnh theo tôi từng đêm rồi từng đêm với những giấc ngủ muộn màng trăn trở.
Chuyện xảy ra đã sáu năm rồi nhưng mới như hôm qua hôm kia, đôi lúc như hiển hiện ngay trươc mặt với những câu đối thoại làm tôi nát cả ruột gan:
-Anh không có lỗi gì cả mà chỉ có em không xứng đáng.
Tôi gục đầu trên đùi Loan khi nàng đang ngồi trên giường. Dưới mắt nàng có lẽ tôi mang hình ảnh của người chồng yếu đuối và ngu dốt.
-Bỏ qua hết chuyện cũ mình xây dựng lại từ đầu. Anh đưa em đi tiểu bang khác xóa mờ quá khứ hãi hùng.
-Vô ích thôi vì đối với em  nó làdĩ vãng thật đẹp. Em yêu anh ấy nên đã chấp nhận thiệt thòi.
Lẽ ra tôi phải nổi điên vì những câu trả lời ngu xuẩn nhưng không hiểu sao tôi lại vẫn âm thầm chịu đựng. Phải chăng chỉ có tình yêu mới khiến cho con người ta dễ dàng chấp nhận và tha thứ?
-Tất cả do lỗi tại anh đã không tròn bổn phận với em. Cho anh cơ hội đền bù để chuộc lại lỗi lầm.
Bằng giọng hết sức từ tốn nàng trả lời:
-Chẳng phải lỗi của ai cả cũng đừng đổ cho hoàn cảnh, mình không thể sống với nhau dài lâu là tại vì không hiểu nhau cũng như em đối với anh hai, ngoài tình yêu một chiều, còn lại chỉ là sự trao đổi của thể xác, chẳng ràng buộc cũng chẳng duyên nợ. Điều may cho chúng ta là chưa có con cái nên không để khổ cho ai. Chuyện đổ bể sớm thế mà tốt còn hơn em âm thầm cuốn gói ra đi không lời giải thích.
Không hiểu đó có phải à những lời an ủi tôi hay để gỡ tội cho hắn? Con người Loan đến giờ phút cuối vẫn còn tỉnh táo dứt khoát lẹ làng không vấn vương tình cảm cũng như không muốn đổ tội sang cho người khác để giữ thể diện về mình. Có lẽ lòng tôi ray rứt và mãi thương nàng cũng vì điểm đó. Chuyện vợ chồng Loan giải quyết thật êm thấm trên phương diện pháp lý nhưng thực tế không như vậy; nó là mối thương tâm không sao xóa mờ. Càng thương Loan tôi càng hận thằng anh khốn kiếp; máu mủ ràng buộc đã làm cho tôi thiệt thòi tất cả; mọi uất ức như bị dồn xuống nằm ngay dưới lồng ngực. Tôi không thể than thở cùng ai cho nhẹ vơi, ngay đến gia đình cũng lặng câm che dấu. Còn thằng anh tôi vẫn cho đó là chuyện thường tình:
-Mày thấy không, nó không ngủ với tao cũng ngủ với thằng khác. Vợ như vậy bỏ là phải.
Tôi không bỏ Loan, không bỏ vợ mà chỉ có nàng bỏ tôi; cũng như hắn không bỏ tôi mà tôi lại nhất định cắt tình máu mủ. Người ta bảo anh em như thể tay chân nhưng với hắn thì không, hắn là cái ung nhọt thối tha nằm ngay trong con mắt tôi. Sau hôm Loan đi tôi cũng thu xếp đồ đạc về tiểu bang khác cố tình cắt đứt mọi liên lạc. Có điều càng cố quên thì lại càng thấy nhớ, càng thù hận thì lại càng trĩu nặng đau khổ, tôi không thể nào quên được tiếng cười khúc khích, thỏa mãn kèm lẫn với tiếng rên ư ử lên tới tột đỉnh khoái lạc của Loan. Tôi không thể tha thứ cho anh tôi mỗi khi chợt nhớ lại âm thanh kẽo kẹt nhún nhảy trên giường. Càng thương Loan tôi càng thù hận hắn; một sự thù hận triền miên đi đôi với tình yêu dành cho vợ.
Đã sáu năm rồi tôi sống trong sự chết, học hành dang dở, công danh không đến đích. Lòng thù hận đã khiến sự phát triển của trí tuệ chậm lại, đã biến tâm hồn tôi thành cằn cỗi, đã biến sự vật chung quanh toàn màu đen u tối. Sự thù hận cũng biến cuộc đời tôi đi vào con dốc để tuột lần xuống vực sâu.
Vẫn biết trước tương lai mình vô cùng đen tối nếu cứ nhìn mãi về dĩ vãng nhưng không thể tránh được, đôi chân tôi như bị sợi dây vô hình kéo đi, bị lòng ích kỷ hờn ghen đeo theo ám ảnh. Hắn là quỷ ám, con quỷ truyền kiếp dẫn tôi đi theo vòng tròn máu, vòng tròn máu mủ mà dẫu có thù hận cách mấy tôi cũng phải bó tay không thể trả thù.
Hắn đã ngủ với vợ tôi. Vì tình máu mủ tôi phải ngậm miệng, phải trốn chạy, vì tình máu mủ không muốn vạch áo cho người xem lưng nhưng còn bao nhiêu người khác? Tại sao với loại người như hắn mà vẫn có bạn, vô số bạn? Phải chăng hắn là con rắn độc không ai dám đánh vì sợ nó cắn nhưng lại là lá bùa, là thần tài mang quyền lợi cho mọi người nên họ đã quên đi những mất mát nhỏ nhoi để nhờ vả trên bước đường tạo dựng sự nghiệp? Hoặc giả họ cũng bị ngậm những cục bồ hòn cay nghiệt như tôi nên không thể nói ra?
Lê Thao Chuyên.

Xem Tiếp: ----