Chương 1
TỔ SƯ LỖ BAN – NGƯỜI THỢ MỘC KÌ TÀI HƠN HAI NGHÌN NĂM VỀ TRƯỚC

     ếu tính về thời gian, số Bát cực đã tới hồi kết thúc. Bây giờ, chính là thời điểm hậu duệ đích mạch của Lỗ gia phải hoàn thành di mệnh tổ tiên. Tuy nhiên, do thời gian đã quá xa xôi, biết bao manh mối đã thất lạc, lại thêm vài trăm năm trước, Hỏa bảo bị đánh cắp, người họ Chu là Chu Nguyên Chương xưng đế, chiếm mất tiên cơ. Tình hình trước mắt đã không thể nào né tránh, chỉ còn cách bắt tay vào hành động. Năm xưa, họ Chu đã bày khảm diện bên ngoài nhà tổ của dòng họ Lỗ, với ý định đuổi cùng giết tận…

 

Chương 1.1 BÓNG NỬA ĐÊM
Đầu thời Dân Quốc, quân phiệt cát cứ, cường quốc phương Tây dòm ngó, tai họa triền miên, dân chúng lầm than cơ cực. Rất nhiều dân lành vì mưu sinh bức bách mà đành liều mạng, theo tà môn để trộm cướp kiếm ăn. Lại có nhiều người, do tổ tiên có các ngón bàng môn tà đạo, các thuật kì lạ bí truyền, hoặc các thủ đoạn cướp bóc tính vi, nay đều nhặt nhạnh lại để dùng, khiến cho cả một thế giới đẹp đẽ bình yên, bỗng chốc trở nên âm hiểm dị thường, nguy cơ rình rập khắp nơi.
Năm đó, đang lúc cuối thu đầu đông, tiết trời lạnh giá, tại vùng núi Dương Sơn Vô Tích vốn nổi tiếng với giống thủy mật đào*, có một ngôi nhà nằm đơn độc bên một sườn núi.
* Thủy mật đào hay mật đào, là một loại đào có xuất xứ từ Trung Quốc, quả giống trái đào lông thông thường nhưng tròn hơn, thịt quả mọng, nhiều nước rất thơm ngọt.
Nói ra nghe có vẻ kì lạ, nếu theo phong thủy học, xây nhà tựa vào núi đều là cách cục tốt lành, dù là núi ờ phía trước hay phía sau, bên trái hay bên phải, chỉ kị nhất xây nhà bên cạnh núi có tướng khô cùng. Tướng khô cùng là tướng thế nào? Tức là trên núi không có cây cối xanh tươi, chỉ có đất đá lổn nhổn, hình thù lởm chởm kì quái, lại thêm vách núi dựng đứng sạt lở. Mà ngôi nhà này lại tựa lưng vào vách đá dốc đứng ở mé bắc ngọn núi. Ở vùng Giang Nam, rất hiếm thấy những ngôi nhà tựa lưng vào núi, quay mặt hướng bắc, vì vị trí đó không những khuất bóng mặt trời, lại phải thường xuyên hứng gió Tây Bắc và gió từ vách núi dội lại. Đã thế núi này cũng không có vẻ gì tươi nhuận, trên núi cây bụi mọc tạp nham, rặt là lá khô cỏ úa. Đặc biệt ở vách núi phía bắc không có lấy một vạt xanh, chỉ một màu vàng quạch trải dài, sắc đá cũng không hề đổi màu đậm nhạt. Bù lại, ở hai mé đông tây lại có hai vạt rừng xanh um tùm, phía đông là rừng trúc, phía tây là rừng thông.
Thông thường, nhà cửa tại nơi này đa phần là ngói xanh tường trắng, hoặc ngói xanh tường đỏ, còn ngôi nhà này lại ngói vàng tường vàng trông vô cùng khác lạ, gần như hòa lẫn với màu vách núi. Do núi đổ bóng trùm, lại thêm hai rừng cây bao bọc xung quanh và mây chục gốc đào che chắn phía trước, ngôi nhà gần như bị che khuất hoàn toàn. Nếu không tới gần, rất khó phát hiện ra sự tồn tại của nó.
Về tối, sẽ thấy ánh đèn leo lét hắt ra suốt đêm từ các ô cửa sổ. Nhưng những người trồng đào nơi đây phát hiện ra rằng, trong đêm tối, nếu đi về phía ánh đèn, có đi cách nào cũng không thể lại gần ngôi nhà, mà sẽ chỉ loanh quanh trong rừng đào hoặc ruộng vườn gần đó. Bởi vậy, họ gọi ngôi nhà này là “nhà quỷ chướng.”
Đêm nay, sắc trời càng thêm đen quánh, sương rơi âm thầm, tuy không có gió, song vẫn lạnh buốt dị thường. Đã quá canh hai, ông Lỗ Thịnh Nghĩa, chủ nhân của ngôi nhà, vẫn ngồi trong thư phòng của viện thứ hai, chăm chú xem một bức thư họa chưa bồi đã ố vàng dưới u ánh đèn dầu hỏa.
Lổ Thịnh Nghĩa đã xấp xỉ lục tuần, song cơ thể vẫn tráng kiện, sắc mặt hồng hào, đôi mắt sáng rực, cánh tay lực lưỡng, cơ bắp cuồn cuộn, trông không có vẻ gì giống một người chơi thư họa.
Tiếng khoen cửa đột ngột vang lên, Lỗ Thịnh Nghĩa lập tức lật ngược bức tranh lại, ngẩng đầu nhìn lên, thì ra là quản gia Lỗ Ân đang bưng đến một chiếc ấm tử sa cổ có vẽ hoa văn mây núi.
- Nghỉ thôi lão gia. Thứ này không thể hiểu trong ngày một ngày hai được đâu! Nếu không, đã bị lấy mất lâu rồi, làm sao còn đến lượt nhà chúng ta?
- Đúng vậy, thế nhưng ta vẫn không thể dẹp sang một bên được! – Lỗ Thịnh Nghĩa ngẩng đầu nhìn bức hoành phi viết bốn chữ “Tàng bảo bố thụy”* treo trong thư phòng, khẽ thở dài rồi nói tiếp – Thiên cơ khôn tỏ, di mệnh khó trái, bước đường tiếp theo là họa hay phúc thật khó đoán định. Hay là ngày mai ngươi và ông Lục cùng tới xem thử, không chừng có thể tìm ra manh mối nào chảng?
* Có nghĩa là cất giữ bảo vật ban rộng phúc lành.
- Vâng, sáng mai tôi sẽ cho mời ông Lục tới!
- Vậy ngươi hãy nghỉ sớm đi, hai ngày nay mọi người cũng đã vất vả nhiều, vết thương của Ngũ Lang ra sao rồi? Liễu Nhi chắc cũng đã ngủ rồi phải không?
- Thưa, đều ngủ cả rồi, ông Lục đã cho Ngũ Lang uống chút thuốc, chắc không có vấn đề gì đáng ngại. Vậy tôi đi nghỉ trước nhé!
Lỗ Thịnh Nghĩa gật đầu, Lỗ Ân bèn lui ra, trước khi rời đi không quên đóng chặt cửa, còn kéo thử khoen cửa vài cái rồi mới yên tâm trở bước về phòng.
Đêm đã về khuya, trời vẫn lặng gió, trong viện yên tĩnh dị thường, thậm chí không cả nghe thấy tiếng ngáy của Ngũ Lang và Lỗ Ân trong gian phòng phía trước như thường lệ. Trời lúc một thêm buốt giá, dường như có tiếng sương rơi vẳng lại, nghe tí tách mơ hồ.
Lỗ Thịnh Nghĩa vẫn đang vùi đầu tìm tòi trong bức thư họa. Đột nhiên, ông có cảm giác rất bất thường. Tiếng sột soạt ngày càng rõ hơn, băng qua sân, từ từ tiến sát thư phòng. Ông không ngẩng đầu lên, bởi lẽ nhờ dư quang từ đôi mắt, ông đã thấy rõ một cái bóng cao lớn đang dần dần đổ dài trên chấn song hoa của cửa thư phòng. Một cảm giác lạnh buốt như lưỡi dao cắt dọc sống lưng khiến hai bên sườn bỗng chốc trở nên căng thẳng, dội lên một cảm giác tê buốt và cứng nhắc. Ông vẫn không ngẩng lên. Bóng đen càng lúc càng tiến gần, càng lúc càng cao lớn, cao lớn hơn hẳn kích thước của một người bình thường. Ông vẫn không ngẩng lên, mí mắt cũng bất động không chớp, thậm chí cả hơi thở cũng như ngừng lại, hai bàn tay siết chặt hơn chiếc ấm tử sa, gân xanh nổi căng trên mu bàn tay, giật lên khe khẽ.
Lỗ Thịnh Nghĩa đang sợ hãi, nỗi sợ hãi này dường như ông chưa từng nếm trải trong suốt nhiều năm qua. Điều khiến ông sợ hãi không phải là bóng đen quái dị đang mỗi lúc một sát gần, mỗi lúc càng to lớn kia, mà điều khiến ông sợ hãi chính là vì, tại sao Ngũ phân liên sách chướng* bố trí bên ngoài cổng chính lại không thể ngăn cản được bóng đen? Tại sao Điên phốc đạo** ở viện thứ nhất lại bị vô hiệu hóa? Tại sao con đường Rồng vờn đá tảng*** tại viện thứ hai lại để bóng đen dễ dàng lọt qua mà tiến sát đến thư phòng? Kinh ngạc hơn nữa là mấy nhân khảm**** ở dãy nhà trên và căn lầu phía đông tại sao lại không hề có chút phản ứng? Trong ông giờ chỉ còn lại chút hi vọng mong manh vào nút Móng đạp bươm bướm***** ở cửa thư phòng.
* Có nghĩa là chướng ngại làm bằng năm loại dây thừng nối liền, tức hệ thống chướng ngại vật được làm từ dây thừng nối liền với nhau, tạo thành các hình dạng thẳng, nghiêng, đan chéo, gấp khúc, vòng vèo, được liên kết với nhau vô cùng tinh xảo. Nếu có người bị lọt vào trong đó, sẽ bị các thiết kế này khiến cho hoa mắt chóng mặt, một sợi dây thừng dường như biến thành năm sợi dây thừng, không tìm được chỗ đặt chân.
** Tức là con đường gập ghềnh, trên mặt đường, bố trí liên tiếp bốn cạm bẫy bí mật rất khó phát hiện nối liền nhau; bước thứ nhất bố trí cơ quan lăn sang bên cạnh, bước thứ hai bố trí cơ quan xoáy tròn, bước thứ ba bố trí cơ quan trượt về phía trước, bước thứ tư thiết kế cơ quan chắn cản. Cần phải bước đi theo phương pháp “một dừng hai điểm ba vượt bốn xoay” mới có thể vượt qua, nếu không sẽ bị ngã đến sứt đầu mẻ trán, gãy xương đứt gân.
*** Nguyên văn là “Đại thạch long hành nhiễu,” tức là lối đi như rồng cuộn quanh đá tảng, là chướng ngại vật làm bằng đá, bố trí theo phương pháp Kì môn Độn giáp, tương tự như Bát trận đồ, giống như rồng thần thấy đầu mà không thấy đuôi, đi vòng vèo quanh các tảng đá, tựa như thân rồng uốn lượn, mây mủ lớp lớp, đi mãi vẫn không thể đi tới đích.
**** Khảm, hay khảm tử, là thuật ngữ mà các môn phái trong giang hồ dùng để gọi các bố cục Kì môn Độn giáp, cơ quan cạm bẫy. “Nhân khảm” là dùng người sống làm bẫy, có thế hiểu là dùng người mai phục, ngăn chặn, vây giết.
***** Nguyên văn là “Đề đạp hồ điệp khấu,” tức là một hệ thống nút thắt do nút hình ba chiếc móng và nút hình bốn cánh bướm đan xen lồng ghép vào nhau tạo thành, cần phải tìm ra được vị trí đầu và đuôi của ba móng và bốn cánh, cùng quan hệ liên kết giữa chúng, đồng thời biết dược quy luật về hướng đi của các sợi dây thừng, sẽ dễ dàng tháo ra được. Nếu không, sẽ càng gỡ càng rối, càng quấn càng chặt, chỉ khi phá vỡ được cơ quan trung tâm dùng để thu, nhả dây thừng, mới có thể thoát khỏi các nút buộc.
Cái bóng đã cao gần chạm mái hiên, dừng lại ở trước cửa, rồi đứng im lìm, không hề nhúc nhích. Lỗ Thịnh Nghĩa lúc này mới từ từ ngẩng đầu nhìn lên, ánh đèn dầu lờ mờ trong căn phòng khiến cho cái bóng bên ngoài càng trở nên mơ hồ.
Cái bóng vẫn đứng im lìm.
Lỗ Thịnh Nghĩa từ từ đứng dậy. Sau một hồi ngồi cứng đờ bất động, giờ vận động trở lại khiến cho khí huyết xộc thẳng lên đỉnh đầu, đôi mắt ông hơi nhòa đi.
Cái bóng vẫn đứng im lìm.
Lỗ Thịnh Nghĩa bắt đầu bước chân về phía cánh cửa. Một bước. Hai bước. Khoen cửa khẽ kêu một tiếng. Ông lập tức khựng lại, cơ bắp toàn thân lập tức căng cứng khiến ông cảm thấy ngạt thở. Một hồi lâu sau đó, ông mới khe khẽ thở ra làn hơi đã nén lại nãy giờ, tiếp tục bước về phía cánh cửa. Khoen cửa lại khẽ kêu một tiếng, toàn thân ông thoắt cứng đờ trở lại.
Lại một hồi lâu nữa, khoảng thời gian đó đã biến chút hi vọng mong manh còn lại trong ông thành sự tự tin, và ông tiếp tục nhấc chân bước về phía trước.
Đúng vào khoảnh khắc bước chân vừa chạm đất, chợt vang lên một tiếng kim loại vỡ chói tai. Trong chớp mắt, hai cánh cửa ở giữa bật tung sang hai bên, dính chặt vào hai cánh cửa bên cạnh. Ngọn đèn dầu vụt tắt, bóng đen cao lớn ập vào đứng đối diện với Lỗ Thịnh Nghĩa. Lúc này mới vọng đến tiếng loảng xoảng của các mảnh kim loại vỡ vừa tiếp đất.
Trong phòng tối đen, song cũng không cần tới đèn, ông hoàn toàn có thể cảm nhận được sự tồn tại của bóng đen, bởi lẽ ông đang đứng sát gần nó, hơn nữa còn phán đoán chính xác chiều cao của nó phải bằng hai người cộng lại.
Khi bóng đen còn chưa kịp bước lên bước thứ hai, Lỗ Thịnh Nghĩa cũng chưa kịp có phản ứng gì, từ trong sân đột ngột vọng đến một tiếng gầm của Lỗ Ân. Tiếp đó, một vệt sáng trắng hình tròn xẹt theo đường vòng cung vụt đến, chém thẳng vào bóng đen, kèm theo một tiếng rít nặng nề. Trong nháy mắt, bóng đen tách thành hai nứa, nửa phía trên bay thẳng về phía bàn, chụp lên bức thư họa; nửa phía dưới lăn đến phía cái lỗ nhỏ ở góc tường phía tây. Một tiếng nổ vang dội, cái lỗ nhỏ bỗng chốc đã trở thành một hốc lớn đến hai thước vuông.
Vệt sáng trắng quét qua chính giữa hai phần cơ thể vừa bị tách đôi, cắm phập vào đúng chữ “bảo” trên tấm hoành phi “Tàng bảo bố thụy,” thì ra là cây rìu sắt Bát quái cán gỗ đào.
Lỗ Thịnh Nghĩa nhanh chóng xoay người lại, lao vụt về phía bàn, chiếc ấm tử sa thuận đà bay ra khỏi tay ông, nhắm thẳng vào nửa trên của cái bóng, chính xác hơn là nhắm thẳng vào cánh tay đang thò ra chộp lấy bức tranh chữ. Nhưng do cánh tay đó đã nắm được bức tranh và đang rụt về, nên chiếc ấm tử sa đã xé rách toang bức tranh. Cánh tay mang theo quá nửa bức tranh lập tức thu lại vào trong khối người đen kịt.
Lỗ Thịnh Nghĩa cũng đã kịp tới bên bàn, ông vươn tay chụp lấy khối đen, song khối đen lại lao thẳng vào ngực ông, lợi dụng phản lực từ sức lao đến của ông để bật xéo về phía cái hốc lớn ở góc tường phía tây, chớp mắt đã không thấy đâu nữa.
Lỗ Thịnh Nghĩa không đuổi theo, ông đứng chôn chân bất động như một tảng đá.
Lỗ Ân lao vụt vào phòng, tung chân quét mạnh, đá văng hai miếng gạch vỡ trên nền nhà bay thẳng vào trong hốc. Tiếp đến, ông ta lùi lại, đổ nghiêng người xuống, một tay chống đất, gập khuỷu hạ người, tay kia khum lại che chắn trước mắt, nhìn qua hốc ra ngoài. Vừa nhìn, ông đã lập tức bật dậy, động tác linh hoạt vô cùng. Mặt đầy thất vọng, ông nhặt non nửa bức thư họa từ dưới đất lên, cẩn thận phủi bỏ những mảnh ấm vỡ và lá trà dính trên đó, rồi cung kính đưa lại cho Lỗ Thịnh Nghĩa.
Lỗ Thịnh Nghĩa không cầm.
Lúc này Liễu Nhi mới lao vào phòng, tiếp sau là Ngũ Lang, sau cùng là ông Lục vừa chạy vừa thở hổn hển. Mọi người chỉ nhìn Lỗ Thịnh Nghĩa, không ai nói câu nào, không khí im lặng chết chóc phủ trùm khắp căn phòng.
Cuối cùng, Lỗ Thịnh Nghĩa lên tiếng trước:
- Gọi Nhất Khí về nhà đi!
Lời nói vừa dứt, ông phun ra một ngụm máu. Một vệt đỏ tươi xé toang màn đêm đen đặc, cũng xé toang bầu không khí im lìm.

 

Chương 1.2 VẦNG KHÍ ĐỘNG
Người ngoại tỉnh tới Bắc Bình buôn bán đồ cổ có hai loại: Một là tới Lưu Li Xưởng, ở đó anh là vua, các con buôn, chủ hàng đều rạp người nịnh bợ anh, vì sao? Vì anh hoặc là ông chủ bạc vạn giắt lưng, hoặc là khách hàng ôm theo món đồ vô giá, nếu không, anh tuyệt đối không thể bén mảng đến những cửa hàng trên con phố đó. Những cửa hàng ở đây chỉ cần “săn” được một món như vậy có thể đủ ăn xài suốt ba năm. Loại thứ hai là tới chợ Ma. Sáng sớm tinh mơ, từ khi trời còn chưa rạng, tay xách chiếc đèn lồng, người bán người mua đều lờ nhờ không rõ mặt, chỉ nhìn thấy những ngón tay cụp xòe mặc cả.
Hàng hóa tại chợ Ma đa phần là hàng nhái hoặc là hàng giả cổ. Đừng có để ý đến các con buôn ở đây, bọn chúng đều ranh như khỉ, nghe chúng khua môi múa mép chỉ tổ mất cả chì lẫn chài. Cũng có một số món là hàng thật, song nguồn gốc bất chính nên khó mà tiêu thụ, loại này cũng chớ có dính vào, dính vào thì đừng hòng tuồn đi đâu được, không chừng lại rước họa vào thân. Họa hoằn lắm mới gặp được vài gã vô dụng lấy trộm đồ của tổ tiên đi bán giật chút tiền nóng để hút thuốc chơi gái, như vậy coi như gặp vận hên, lấy hàng trả tiền xong hãy lập tức chuồn ngay. Ở chợ Ma đừng mong một ngày gặp may hai lần, nếu còn luẩn quẩn ở đấy, không chừng món hời vừa kiếm được lại không cánh mà bay mất.
Lỗ Nhất Khí tay xách chiếc đèn lồng vuông đang đi trong chợ Ma. Cậu bước rất chậm, lặng lẽ đi từ đầu tới cuối chợ, không hề liếc mắt tới món hàng nào.
Lỗ Nhất Khí là con trai độc nhất trong gia đình. Ông Lỗ Thịnh Nghĩa gần bốn mươi tuổi mới sinh được đứa con bảo bối này, quả thực không phải dễ dàng. Vợ ông cũng vì cậu quý tử này mà mất mạng. Ông cũng không giữ cậu con bên mình, khi cậu mới tròn năm tuổi đã mang gửi tới nhà anh trai Lỗ Thịnh Hiếu ở núi Thiên Giám, tỉnh Hà Bắc.
Ông Lỗ Thịnh Hiếu vẫn chưa lập gia đình. Sau khi bước sang tuổi trung niên, đột nhiên sùng tín Đạo pháp, dựng một ngôi nhà cỏ bên cạnh Đạo quán Thiên Phong trên núi Thiên Giám, suốt ngày cùng đạo trưởng trong quán ngồi bàn kinh luận đạo, lí giải huyền hư.
Khi Lỗ Thịnh Nghĩa đưa cậu con đến, đã gửi cho anh trai một bức thư, trong đó viết rằng: “Chịu ách tuyệt hậu, vốn dĩ không nên sinh ra đứa bé này, vả lại đứa bé rất khác người, bẩm sinh đã có khả năng kì lạ, không biết là phúc hay họa, vốn dĩ muốn bỏ đi* mà lại không nỡ. Có lẽ Đạo lực có thể khơi thông dẫn dụ nó chăng? Hi vọng rằng đứa trẻ này về sau có thể dùng tài năng thiên bẩm để kế thừa di mệnh của dòng tộc chúng ta…”
* Nguyên văn là “bản dục nhất khí” (vốn dĩ muốn bỏ đi cho xong), cậu bé được đặt tên là “Nhất Khí” cũng vì lẽ này.
Lỗ Nhất Khí vừa tới núi Thiên Giám, Lỗ Thịnh Hiếu đã mời các đạo sĩ trong Đạo quán Thiên Phong tới xem tướng cho cậu. Các đạo sĩ tinh thông Đạo pháp đến ngồi xung quanh Lỗ Nhất Khí suốt ba canh giờ, họ vận dụng mọi phương pháp xem tướng như xem Bát tự, xem tướng tay, tướng mặt, tướng xương, cử chỉ thần thái, song đều không thể đoán ra được tính cách và số phận của cậu, cuối cùng đành phải đưa ra một kết luận: “Tính cách của đứa trẻ này không thuộc Ngũ hành.”
Trong hơn mười năm sau đó, Lỗ Thịnh Hiếu đã không để đứa cháu trai duy nhất của mình có sự khác biệt nào với những đứa trẻ cùng trang lứa: ông dạy cậu bé đọc sách viết chữ, nhận thức phải trái đúng sai, lại thường xuyên dẫn cậu đến Đạo quán nghe đạo giảng kinh, theo các đạo trưởng học chút quẻ tượng Dịch lí. Lỗ Thịnh Hiếu là người khoan dung, không quan trọng việc cậu có hiểu hay không, có học được hay không, mọi việc đều lựa theo ý thích của cậu, điều này cũng phù hợp với đạo lí tùy thuận theo tự nhiên của Đạo gia. Đến năm mười hai tuổi, lại gửi cậu đi học ở trường Tây học tại Bắc Bình, còn bản thân tiếp tục sống những ngày tháng thanh nhàn. Lỗ Nhất Khí sau khi sinh ra chưa được đặt tên chính thức, cái tên của cậu là do bác dặt cho, mang nghĩa “bỏ đi một mà thu về trăm.”
Nhà họ Lỗ có một người chú họ xa gọi là chú Tư làm nghề buôn bán tại Bắc Bình. Chú Tư mở một cửa hàng nhỏ mua bán đồ cổ. Lỗ Nhất Khí được gửi tới sống nhờ nhà chú, thường ngày đi học, lúc rỗi rãi phụ giúp chú trông coi cửa hàng. Thấm thoắt mới đó mà đã tám năm, Lỗ Nhất Khí chưa từng về nhà, thậm chí cậu còn không biết nhà mình ở đâu, chỉ nhớ rằng lúc năm tuổi được cha đưa từ một vùng đất vàng mênh mông tới sống cùng với bác. Tuy trong thời gian học ở Bắc Bình, cậu cũng có về nhà bác vài lần, song bác cậu chưa bao giờ kể cho cậu nghe về gia đình. Mà cậu cũng không hỏi, không phải vì cậu không tò mò, mà vì đó là bản tính của cậu, biết hay không biết đều thuận theo tự nhiên.
Gia đình chú Tư đối xử với cậu rất tốt, thậm chí tốt tới mức khác thường. Họ luôn khúm núm, cung kính trước cậu giống như là đầy tớ đối với chủ nhân. Ngoại trừ chú Tư, các thành viên khác trong gia đình đều gọi cậu là cậu cả, cậu cũng không biết vì sao mọi người lại gọi như vậy, song cũng chẳng bao giờ hỏi.
Chú Tư tuy là ông chủ Trần Tứ có chút tiếng tăm ở Lưu Li Xưởng, song dường như việc kinh doanh lại không mấy phát đạt, rất ít khách lai vãng tới cửa hàng, thế nhưng cửa hàng của ông lại có rất nhiều món tốt. Đối với Lỗ Nhất Khí, đây quả là một nơi thú vị, có lẽ là do khoảng thời gian sống ở núi Thiên Giám quanh năm chỉ bầu bạn với đèn xanh sách cũ nên đã hình thành trong cậu tính cách khép kín, ngại giao tiếp với mọi người, nhưng lại có hứng thú đặc biệt đối với các loại cổ vật. Ở đây, cậu được tiếp xúc với rất nhiều món đồ cổ có giá trị thực thụ. Nhưng những thứ khiến cậu mê mẩn tới mức không muốn rời tay lại chính là những cuốn sách cổ độc bản, rách nát tàn khuyết hoặc những mảnh trúc giản, sách lụa không còn nguyên vẹn mà cửa hàng thường xuyên mua được, đặc biệt là những văn tự hoặc kí hiệu, đồ hình trên những miếng giáp cốt, đá, ngọc cổ xưa. Cậu có thể ngồi cả ngày để mân mê chúng, nhìn dán mắt vào chúng mà lẩm nhẩm, không rõ là đang tìm cách giải mã các bí mật ẩn giấu trong đó, hay là đang âm thầm trò chuyên với chúng.
Nếu trong cửa hàng có được vài món hàng tốt thực thụ, thường sẽ được bán đi rất nhanh, kì lạ là Lỗ Nhất Khí chưa bao giờ nhìn thấy khách mua. Cậu cũng chẳng để tâm, có lẽ chú Tư cảm thấy không cần thiết phải cho cậu biết. May mắn là những thứ mà cậu thích thú thường đã lưu lại đến tám, chín phần trong trí não.
Lỗ Nhất Khí thường xuyên đến chợ Ma, không phải là để mua đồ cổ, mà do cậu thích không khí nơi đây, thích tận hưởng niềm vui khám phá. Chỉ cần chậm rãi rảo bước trong chợ, không quan tâm đến điều gì, tựa như đi trong một bãi hoang lặng phắc; cũng không cần nhìn ngó, chỉ cần dựa vào khả năng cảm nhận siêu phàm của mình, cậu có thể biết được những món đồ bày la liệt trên các sạp hàng ở hai bên đường kia đâu là báu vật, đâu là đồ bỏ. Đôi khi, đột nhiên có một món hàng cực quý thình lình xộc vào trong cảm giác, khiến đầu óc cậu hơi choáng váng, tim đập gấp gáp, và sau đó là một cảm giác lâng lâng hưng phấn tràn ngập trong tâm trí.
Cậu đã có một vài lần trải nghiệm cảm giác như vậy, song cậu đều không mua hàng. Bởi vì cậu không có tiền, cũng là do chú Tư không cho phép cậu mua, và hơn hết là do bản thân cậu cảm thấy không nên mua.
Lỗ Nhất Khí đã sắp đi tới cuối chợ, mắt cậu vẫn dán xuống đất mà không hề liếc sang hai bên. Nếu không phải là đang đi, thậm chí cậu còn có thể nhắm mắt lại. Trong cảm giác của cậu, những đồ vật bày ở hai bên đường kia đều là những vật thể sống. Chúng đang hít thở nhè nhẹ, chỉ là tiếng thở có sự khác biệt mà thôi. Đa số thi thoảng mới thở ra một hơi rất khẽ tựa như hơi thở của người hấp hối. Rất hiếm hoi mới có những thứ có hơi thở sâu, dài, ổn định, và có luồng khí linh hoạt bao bọc xung quanh. Chỉ những thứ đó mới là những món hàng lâu năm, và cũng chỉ có chúng mới đáng được gọi là đồ quý, là bảo vật. Hôm nay, Lỗ Nhất Khí không gặp được món đồ nào có luồng khí linh động hoạt bát như thế.
Lỗ Nhất Khí đã bước ra khỏi khu chợ. Cậu thổi tắt ngọn nến trong chiếc đèn lồng. Vào lúc ngọn lửa vừa tắt nhưng làn khói xanh vẫn chưa kịp tan đi, cậu chợt phát giác ra một hơi thở rất quái lạ hoàn toàn khác với những hơi thở mà cậu vừa cảm nhận thấy.
Cậu dừng bước, rồi lập tức nhắm mắt lại, để cảm nhận một cách tỉ mỉ hơn. Hơi thở đó xuất phát từ con hẻm bên trái ngay phía trước.
Cậu mở to mắt, song không nhìn thấy thứ gì ở đó. Do nó ở quá sâu, hay là quá sát với mép tường? Nói tóm lại là cậu không nhìn thấy gì cả.
Cậu vẫn đứng im, tiếp tục nhắm mắt lại, lặng lẽ cảm nhận về luồng hô hấp. Không, đó không phải là hô hấp, vì chỉ có thở ra mà không có hít vào, nó chỉ là một luồng hơi, dường như có màu tím đen và mang theo mùi vị tanh hôi khó tả.
Cậu vẫn nhắm nghiền mắt, nên không nhìn thấy chút ánh sáng nào. Bóng tối bất tận bao trùm lấy cậu, dường như đang từ từ kéo cậu lại gần.
Một hồi lâu sau, cậu từ từ mở mắt, bất giác khóe miệng lộ ra một nét cười. Đúng vậy, cậu đang cười, cậu vẫn có thể cười trong khi bóng đêm và mùi tanh hôi dày đặc bao quanh.
Cậu sải bước về phía con hẻm.
Đó là một nụ cười tự chế giễu. Từ nhỏ cậu đã từng trải qua một số cảm giác kì lạ giống như lúc này, song lại luôn bị người lớn gạt phăng đi. Ngay cả những cảm giác khi đi trong chợ Ma cũng chỉ có mình cậu biết, cậu chưa bao giờ hé lộ với ai. Hơn nữa, cậu chưa từng hoài nghi về những kiến thức mình đã học được từ trường Tây trong mấy năm qua, dó là những kiến thức hoàn toàn trái ngược với những cảm giác kiểu này của cậu.
Cậu không biết ở đó có thứ gì, song cậu chắc chắn đó là một thứ mà cậu không thể ngờ tới. Trong kí ức của cậu có quá nhiều cảm giác khác xa với tình hình thực tế. Cậu thôi không nhắm mắt nữa, chỉ chớp chớp vài cái. Trong vài cái chớp mắt, cậu đã sục sạo được vài lượt trong trí nhớ, đột nhiên trong não cậu bật ra hai chữ không biết là chạy ra từ cuốn sách cũ nát nào: “thi khí!”*
* Tức hơi thở của xác chết, tử khí.
Một đốm lửa cỡ bằng đầu ngón tay chợt giật lên vài cái rồi lóe sáng, nhảy nhót tiến sát về phía cậu, từ trong bóng đêm đi thẳng đến phía trên chiếc đèn lồng. Lỗ Nhất Khí giật mình, một cảm giác khó chịu chợt đè nặng, hơi thở tắc cứng trong lồng ngực.
Thế nhưng ngoài mặt cậu vẫn không hề tỏ ra hoảng loạn mà cố định thần nhìn kĩ. Đó là một bàn tay! Một bàn tay trắng bệch song vẫn có phần mềm mại, một bàn tay thon dài song chằng chịt những sẹo. Ngón giữa và ngón trỏ tạo thành hình kiếm quyết, kẹp chặt lấy một que đóm giây*, trên đầu que đóm đang lập lòe một đốm lửa màu đỏ cam.
* Que đóm làm từ giấy, tức là cuộn chặt những tờ giấy dễ bắt lửa tạo thành một que tròn dài, dùng dể nhóm lửa, châm thuốc.
Bàn tay cầm que đóm rất vững, không hề rung động, khiến Lỗ Nhất Khí đột nhiên cảm nhận được nỗi khát vọng tỏa ra từ con người này. Song từ khuỷu tay trở về sau vẫn chìm trong bóng tối.
Đốm lửa trên đầu que đóm chợt nhẹ nhàng hạ xuống chiếc đèn lồng trên tay Lỗ Nhất Khí. Ngọn nến trong lồng đèn bùng mạnh lên mấy nhịp, cuối cùng đã soi tỏ vùng tối đen ở phía sau khuỷu tay.
Vẫn không nhìn rõ mặt. Chỉ thấy một con mắt giống như mắt cú vọ, chiếu ra một tia sáng lạnh lùng vô cảm.
Ngoại trừ bàn tay, toàn bộ cơ thể người này đều được bọc trong một lớp vải đen hòa lẫn với màn đêm.
- Nhìn cái này xem!
Từ trong đống vải đen lụp xụp thò ra bàn tay còn lại, bàn tay ẩn trong một chiếc bao tay bằng da hươu, và nắm chặt thành một nắm đấm.
Nắm đấm đột ngột mở xòe ra. Ngay lập tức, Lỗ Nhất Khí cảm thấy một luồng khí tanh hôi nồng nặc xộc thẳng đến trước mặt.
“Thi khí! Thi khí nặng quá!” – Cậu thầm kêu lên sợ hãi.
Trong lòng bàn tay, có một vầng khí tím đen đang xoay tròn, chính giữa vầng khí tím đen là một trái tim đang đập, chứa đầy nỗi oán hận của kẻ chết oan và lời nguyền rủa của vong hồn.
Những thứ đó, Lỗ Nhất Khí đều đã nhìn thấy, đã nghe thấy. Một áp lực đè nặng lên cậu, tựa như cơ thể đang bị nhận chìm dưới đáy nước sâu. Cậu bỗng cảm thấy buốt tai, đau đầu, buồn nôn, gân xanh trên trán co giật liên hồi.
Cậu kinh ngạc khi thấy người áo đen kia vẫn thản nhiên như không, đứng trong vòng xoáy xuyên suốt âm dương, lặng phắc không hề nhúc nhích. Từ đôi mắt cú vọ vẫn chiếu ra những tia sáng vô cảm.
- Lấy không? – Giọng nói cất lên, vô cảm y hệt như ánh mắt.
- Không! – Lỗ Nhất Khí trả lời khẽ, song dứt khoát.
- Tại sao? – Giọng nói vẫn đều đều.
- Tôi không biết! – Ngữ điệu của cậu đã cao hơn một chút, bởi lẽ cậu bắt đầu cảm thấy thích ứng với áp lực lan tỏa từ khối đá.
- Không biết đây là cái gì, hay là không biết giá trị của nó? – Giọng nói đã không còn vẻ điềm tĩnh như khi nãy.
- Đều không phải, là tôi không biết dùng nó để làm gì! – Cậu đã thấy trấn tĩnh hơn.
- Cậu chắc chứ? – Trong ba chữ này dường như ẩn chứa chút tiếc nuối.
- Không chắc, có nhiều chuyên phải đến lúc chết mới có thể chắc chắn được!
Câu trả lời của Lỗ Nhất Khí khiến con mắt cú vọ chớp liền hai cái, lóe ra một tia sáng rực.
Bóng đen không hỏi nữa, cũng không bỏ đi, chỉ có tia sáng kia dừng lại rất lâu trên khuôn mặt của Lỗ Nhất Khí. Đó là một khuôn mặt giống như khuôn mặt của bao người bình thường khác.
Ánh nhìn chăm chú dừng lại quá lâu khiến Lỗ Nhất Khí cảm thấy bất an, sự im lặng kéo dài cũng đã khiến cậu cảm thấy có lẽ mình nên rời khỏi nơi này.
- Nếu muốn biết ai cần đến nó, hãy tới Mai Sấu hiên ở cuối phố Lưu Li Xưởng! – Nói xong, cậu quay người bước đi, giọng nói tựa như ra lệnh.
Đầu hẻm lúc này chỉ còn lại một con mắt đầy nghi hoặc, và một khối đá Thi khuyển tím đen nằm trên lớp bao tay da hươu.

 

Chương 1.3 NGHÌN NON TRỞ
Đá Thi khuyển là một viên đá màu tím đen, một viên đá tím đen có hình trái tim. Nó vốn dĩ chính là một trái tim của con chó chuyên ăn xác chết.
Trong thời viễn cổ, chiến loạn liên miên, tai họa chồng chất, xác chết đầy đồng, từng đàn chó hoang ăn xác người chết rữa mà sinh tồn. Trong mỗi đàn chó hoang đều có một con chó thủ lĩnh với thân hình to lớn, mạnh ngang hổ báo, gọi là vua chó. Nó cũng ăn xác chết song chỉ ăn ngón tay trỏ của cái xác. Tương truyền, tất cả oán khí của oan hồn sau khi lìa trần đều tích tụ tại ngón trỏ. Lâu dần, khí độc phát tác trong cơ thể vua chó khiến toàn thân nó hóa đá mà chết. Vật đổi sao dời, chó đá rồi cùng tan thành tro bụi, chỉ còn sót lại quả tim, một quả tim tích tụ oán khí của vô số oan hồn!
Kì thực Lỗ Nhất Khí đã biết về viên đá này, trong cuốn sách cổ “Phục tà lục”* có nhắc tới. Cậu chỉ không cho rõ viên đá này có được coi là bảo bối hay không. Nhưng trong “Phục tà lục” đã ca ngợi rằng, nó có khả năng kì diệu, có thể dùng tà chế tà, dùng độc trị độc, yêu trừ ma phòng xác biến, song lại không nói nó có gây nên tai họa hay không.
* Một cuốn sách kể về mười tá, câu chuyện, đều nói về việc sử dụng các loại pháp thuật hoặc đồ vật để khắc chế các hiện tượng tà ma quái dị. Cuốn sách này không rõ ai là tác giả, rất thịnh hành trong thời Đường, tới cuối triều Nguyên thì thất truyền. Những câu chuyện trong đó đã được trích dẫn và vận dụng vào các tác phẩm khác, trong đó có một đoạn “Ngọc linh xà” tương truyền là tiền thân của “Bạch xà truyện” trong dân gian.
Lỗ Nhất Khí chưa bao giờ nhìn thấy đá Thi khuyển, song cậu chắc chắn rằng thứ trong tay gã áo đen kia chính là đá Thi khuyển. Mà cậu cũng thật lạ, ngay trước khi hòn đá đó xuất hiện, cậu còn cười nhạo trực giác của chính mình. Giờ đây, điều khiến cậu cảm thấy tự hào nhất, đó là trực giác còn có khả năng mách bảo cậu nên nói gì, nên làm gì.
Khi cậu bước vào cánh cửa bên của Mai Sấu hiên, trời còn chưa sáng, nhưng trên chiếc ghế thái sư trong gian nhà trước đã có một bóng người đang ngồi ngay ngắn, khiến cậu thoạt tiên còn ngỡ là mình nhìn lầm. Một khuôn mặt thật hiền từ, một ánh mắt thật nhân hậu…
- Bác cả!
Lỗ Nhất Khí, vừa mới đây còn chìm đắm trong cảm giác tự hào kiêu ngạo, phút chốc đã biến trở lại thành một đứa trẻ nhảy cẫng lên vì mừng rỡ:
- Ôi bác, sao bác lại đến đây mà chẳng báo trước cho con một tiếng! Thật vui quá đi mất!
Nhìn thấy cậu cháu, Lỗ Thịnh Hiếu cũng rất vui mừng:
- Thằng bé này, đừng có lay lắc ta như thế. Lớn bằng ngần này, sắp lấy vợ đến nơi rồi, mà chẳng ra vẻ một người lớn tí nào!
Miệng nói vậy, song trong lòng ông lại nghĩ thầm: “Cũng khó cho nó, chỉ có trước mặt mình nó mới lại là một đứa trẻ.”
Lỗ Nhất Khí tươi cười hớn hở. Cậu có biết bao nhiêu tâm sự chất chứa trong lòng, hiện giờ, người duy nhất mà cậu có thể thổ lộ đang ở ngay trước mặt, cậu làm sao có thể nín được nữa. Cậu lập tức liến thoắng không ngừng.
Lỗ Thịnh Hiếu mỉm cười, chăm chú nghe cậu cháu kể chuyện, ông không bỏ qua bất cứ một tiểu tiết nào. Đây là điều ông chắc chắn sẽ làm trong những lần hai bác cháu gặp nhau. Ông muốn từ trong đó tìm hiểu về một số điều, và cùng muốn xác định về một số điều.
Trời đã sáng rạng, chú Tư sai người đi mua đồ ăn sáng về, Lỗ Nhất Khí vừa ăn vừa kể.
Ăn sáng xong, chú Tư lại sai người pha trà mang lên Lỗ Nhất Khí lại vừa uống vừa kể.
Cậu kể chuyện ở trường học, kể về phong trào học sinh, kể về buổi kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện Tây, về phim kịch,… Tóm lại, cậu muốn mang tuốt tuột những thứ mới mẻ mà cậu đã được trải nghiệm kể hết cho bác nghe. Lỗ Thịnh Hiếu vẫn ngồi yên lắng nghe, rất chăm chú. Có điều ông không cười nữa, mà bắt đầu cảm thấy, có lẽ mình không nên tới đây thì hơn.
Lỗ Thịnh Hiếu chậm rãi móc từ trong ngực áo ra một bức thư nhàu nhĩ, đưa cho Lỗ Nhất Khí, nói:
- Con đọc đi, là thư của cha con!
Mười ngày trước, ông nhận được thư của em trai Lỗ Thịnh Nghĩa, trong thư đã nói cặn kẽ về tình cảnh khốn đốn của dòng tộc họ Lỗ hiện nay: Cuộc chiến âm với đối thủ xem ra ngày càng khó khăn, dường như đâu đâu cũng bị kiểm soát, không còn chốn ẩn thân. Các thông tin thu lượm được cũng ngày càng bất lợi cho sứ mệnh của Lỗ gia, đối thủ họ Chu rõ ràng đang đi trước. Nếu tính về thời gian, số Bát cực đã tới hồi kết thúc. Bây giờ chính là thời điểm hậu duệ đích mạch của Lỗ gia phải hoàn thành di mệnh tổ tiên. Tuy nhiên, do thời gian đã quá xa xôi, biết bao manh mối đã thất lạc, lại thêm vài trăm năm trước, Hỏa bảo bị đánh cắp, người họ Chu là Chu Nguyên Chương xưng đế, chiếm mất tiên cơ. Tình hình trước mắt đã không thể nào né tránh, chỉ còn cách bắt tay vào hành động. Năm xưa, họ Chu đã bày khảm diện* bên ngoài nhà tổ của dòng họ Lỗ với ý định đuổi cùng giết tận. Bởi vậy, lần này con cháu Lỗ gia cần phải mau chóng trở về, đi trước Chu gia một bước để lấy lại “Cơ xảo tập” và tấm thẻ ngọc ghi chép về vị trí chôn giấu của tám bảo vật. Đây là manh mối liên quan tới vận mệnh của cả thiên hạ, chỉ có truyền nhân đích mạch của Lỗ gia mới có thể lĩnh hội được bí mật kì diệu trong đó. Người này, chính là Lỗ Nhất Khí.
* Khảm diện là một thuật ngữ trong Kì môn Độn giáp, cơ quan cạm bẫy, dùng để chỉ hình thức bên ngoài của khảm (cạm bẫy), cũng là toàn bộ phạm vi tồn tại của một khảm.
Những lời Lỗ Thịnh Nghĩa viết trong thư không phải là phi lí. Hơn hai chục năm về trước, hai anh em họ Lỗ trong khi phá giải khảm diện của Chu gia, đã sơ ý làm tổn hại đến tính mạng của đứa trẻ trấn giữ khảm nhãn*, trúng phải lời nguyền tuyệt tự**, nên đời này chắc chắn không thể có con trai nối dõi. Nhưng kì lạ là sau đó, trong ngôi nhà của tổ tiên để lại, vợ Lỗ Thịnh Nghĩa lại bất ngờ mang thai, sinh ra Lỗ Nhất Khí, bẩm sinh đã rất khác thường. Lỗ Thịnh Nghĩa sợ rằng ngoài lời nguyền tuyệt tự còn trúng phải lời nguyền độc địa nào khác, gây mầm tai họa cho Lỗ gia, bởi vậy đành phải đem con đi bỏ, gửi đến nhà họ hàng xa. Nhưng ông cùng biết rằng, trong căn nhà của tổ tiên có ẩn giấu một báu vật gia truyền, chưa biết chừng chính linh tính của báu vật đó đã phá giải được lời nguyền tuyệt tự. Nếu đúng như vậy thì Lỗ Nhất Khí chính là nước cờ quyết định đế giải quyết vấn đề nan giải này.
* Vị trí phát huy hiệu quả lớn nhất của khảm diện.
** Lời nguyền, tức truyền những ý niệm tà độc vào một vật nào đó, sau đó, hoặc là để vật này vào một vị trí vô cùng quan trọng đối với đối phương; hoặc là thường xuyên phát động ý niệm trong một thời gian dài, để đạt đến mục đích gây tổn hại cho người khác. Ở vùng Quảng Đông có “đả tiểu nhân,” ở vùng Tứ Xuyên có “độc tử chú,” ở vùng Giang Tô có “chẩm đầu phá,” “đinh đầu lương,” đều là những tà thuật kiểu lời nguyền.
Tuy nói là như vậy, song trong thâm tâm Lỗ Thịnh Hiếu cũng hiểu rõ rằng, hành động này khác nào lần đặt cược cuối cùng. Trong lần liều mạng này, cho dù có lấy được thứ mà Lỗ gia muốn hay không, đối phương chắc chắn cũng sẽ không thể bỏ qua cho người nhà họ Lỗ. Song xét về mọi mặt, có lẽ đây vẫn là giải pháp khả thi nhất. Cứ ngồi bị động chờ chết, chẳng thà chủ động tấn công. Chỉ cần có đủ may mắn và khả năng để vào được trong bảo cấu* mà không mất mạng, cho dù bản thân không lấy được thứ mình muốn, đối phương cũng sẽ ngờ rằng mình đang nắm giữ được bí mật nào đó chăng. Như vậy cũng coi như đã tìm được con đường sống cho bản thân.
* Bảo cấu tức là công trình kiến trúc để cất giữ bảo vật, có thể giúp bảo vật hấp thụ tinh hoa của nhật nguyệt, linh khí của đất trời, mặt khác phải được thiết kế ở chỗ kín đáo, không dễ phát hiện, được bảo vệ bởi tầng tầng lớp lớp cơ quan cạm bẫy, tránh bị lấy trộm.
Có điều, sau khi nhận được thư của em trai, Lỗ Thịnh Hiếu vẫn cảm thấy do dự. Bởi lẽ, Lỗ Nhất Khí là cháu ông, là đứa cháu trai duy nhất của ông. Hơn thế nữa, nếu xét về tình cảm, ông coi cậu bé khác nào con ruột. Trước đó rất lâu, ông đã tính toán rằng, tốt nhất nên kết thúc di mệnh của tổ tiên ở thế hệ của mình. Bởi vậy, sau khi Lỗ Nhất Khí tới sống cùng ông, ông chưa từng đích thân truyền lại cho cậu các kĩ nghệ tổ truyền của dòng họ Lỗ.
Giờ đây, Lỗ Nhất Khí đang ở trước mặt ông. Nhìn ngắm khuôn mặt của cậu, Lỗ Thịnh Hiếu bắt đầu cảm thấy hối hận. Đây là một khuôn mặt bình thường như bao người khác, song tràn đầy sức sống và khát vọng, nếu bắt nó từ nay phải xông pha vào gian nan nguy hiểm, quả thực ông thấy không đành lòng. Song chuyện đời thường không chiều theo lòng người, Lỗ Nhất Khí đã mang trong mình năng lực siêu phàm, hơn nữa còn là truyền nhân đích mạch duy nhất của Lỗ gia. Hai điều kiện này đã quyết định, Lỗ Nhất Khí từ đây sẽ phải bước chân lên con đường nguy hiểm, gồng lưng gánh đỡ sứ mệnh thiên cổ trên đôi vai mảnh khảnh thư sinh trong cuộc giằng co giữa sự sống và cái chết. Đối với Lỗ Nhất Khí, đối với Lỗ gia, thật không rõ đây là phúc hay họa.
Lỗ Nhất Khí đặt bức thư xuống, ngẩng đầu lên nhìn bác, ánh mắt lộ rõ vẻ hoang mang và nghi hoặc, mấy lần chực nói điều gì đó nhưng rồi lại thôi. Cuối cùng cậu cũng lên tiếng hỏi:
- Cha cháu hiện đang ở đâu?
- Họ đang ở Tô Châu…
Lỗ Thịnh Hiếu còn đang ngập ngừng chưa nói dứt câu, thì Lỗ Nhất Khí đột ngột đứng dậy, bước vội vài bước về phía cửa chính của cửa hàng, quay mặt ra ngoài cửa, chẳng nói chẳng rằng, dáng điệu ung dung dường như đang đợi ai đó. Hành động đột ngột của cậu khiến Lỗ Thịnh Hiếu hết sức ngạc nhiên, còn chưa kịp hỏi chuyện gì, thì một bóng đen đã xuất hiện, che khuất toàn bộ ánh sáng từ khung cửa.
Bóng đen không hề dừng lại, mà bước ngay vào bên trong, đi thẳng về phía Lỗ Nhất Khí, Lỗ Nhất Khí cũng không hề né tránh. Buổi gặp gỡ sớm nay đã khiến cậu không còn thấy chùn bước trước bóng đen nặng mùi tử khí. Hơi thở của viên đá Thi khuyển cũng không còn khiến cậu cảm thấy bất an, hơn nữa, mùi tanh hôi lợm giọng của nó giờ cũng đã nhạt đi rất nhiều. Song vào lúc hai người sắp va phải nhau, bóng đen lại khéo léo vòng qua Lỗ Nhất Khí, đi thẳng về phía Lỗ Thịnh Hiếu.
Hành động của bóng đen khiến Lỗ Nhất Khí giật mình kinh hãi. Cậu không hiểu gã quái vật này định làm gì bác mình, song dù thế nào, cậu cũng không cho phép hắn gây tổn thương tới bác.
Cậu lập tức quay người lại, bước theo, định túm bóng đen. Song ngay lúc đó, bóng đen thình lình dừng lại, khiến bàn tay của cậu vốn dĩ sắp chạm đến lớp vải đen cũng vội khựng lại theo.
Bóng đen cúi mình cung kính hành lễ, rồi nói với Lỗ Thịnh Hiếu:
- Tôi là đứa con đền cho ông!
Lỗ Thịnh Hiếu sững người trong giây lát, rồi bật cười thành tiếng. Lỗ Nhất Khí ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang diễn ra.
Lỗ Thịnh Hiếu ngừng cười, hỏi:
- Cậu chưa từng gặp ta, sao biết là đền cho ta?
- Tôi đã nhìn thấy ảnh của ông, đã theo sát ông mấy ngày hôm nay, đã nhìn thấy ông lấy tín phù của Ban môn ra.
Lỗ Thịnh Hiếu nghe vậy, vô cùng sửng sốt, nghĩ thầm: “Người này đã theo dõi mình suốt mấy ngày nay mà mình không hề hay biết, xem ra người giang hồ quả thực khác với giới thợ thuyền!”
Ông bèn hỏi:
- Là tự cậu tình nguyện làm con ta phải không?
- Không phải!
- Vậy thì tại sao?
Bóng đen quay người lại, nhìn chằm chằm vào Lỗ Nhất Khí bằng con mắt độc nhất và trả lời:
- Là vì cậu ta!
Lỗ Thịnh Hiếu ngơ ngác, Lỗ Nhất Khí lại càng ngơ ngác hơn.
Một tràng cười the thé bất ngờ vang lên từ sau cánh cửa, nghe còn ghê rợn hơn tiếng mèo gào trong đêm. Tiếng cười vừa dứt, lập tức một giọng nói khàn đục cất lên:
- Tôi không nợ anh con cái, tôi nợ anh mạng sống, nên tôi đã tự tới đây.
Lại thêm một người bước vào qua cánh cửa Mai Sấu hiên, người mới vào mang đến cả một thế giới tăm tối.
Đúng vậy, đó là một người sống trong thế giới tăm tối. Người mới đến chống gậy mù, đeo kính đen, đó là một lão thầy bói mù.
Lỗ Thịnh Hiếu lại cười vang, tiếng cười xem ra rất đỗi vui mừng và phấn chấn. Ông bước tới, nắm lấy bờ vai cùa lão thầy bói mù, luôn miệng:
- Lão mù*, tới đúng lúc quá, đúng lúc quá!
* Trước đây. người trong giới giang hổ cửu lưu thường gọi thầy bói là “lão mù” (mang gia).
Lỗ Nhất Khí chưa bao giờ thấy bộ dạng như thế này của bác. Một người bác hiền hậu, nhân từ, tại sao hôm nay lại có dáng vẻ khảng khái uy phong đến vậy. Mặc dù cậu đã sớm biết rằng bác mình tuyệt đối không phải là người bình thường, song rút cục là thần tiên phương nào, cậu lại chưa từng hỏi. Cậu cho rằng, lúc nào cần biết thì tự khắc sẽ biết.
Lỗ Thịnh Hiếu có vẻ xúc động, nói:
- Mọi nỗi khó khăn tôi đã nói hết trong thư, nay hai người đều đã tới, lại tới nhanh chóng như vậy, đúng là đã nể mặt lão già này, thật vô cùng cảm tạ!
Lão thầy bói mù bèn nói:
- Tôi phải cảm ơn anh mới phải. Làm xong việc này, coi như tôi không phải nợ nần gì anh nữa.
Người chột mắt cũng nói:
- Tôi còn lời hơn nữa, trả được món nợ cho cả nhà!
Lỗ Thịnh Hiếu cười nói:
- Hai vị đúng là người thực tế! Các vị đã tới đây rồi, cho dù cuối cùng có thành công hay không, cả ba chúng ta đều phải đồng tâm hiệp lực cho chúng một đòn!
- Không được, chắc chắn không được! Có một món bảo bối không thể thiếu được! – Người chột mắt vừa nói vừa ngoảnh đầu nhìn về phía Lỗ Nhất Khí; Lỗ Thịnh Hiếu quay theo hắn, cũng nhìn về phía cậu; kì lạ hơn nữa là lão thầy bói mù cũng quay đầu lại, cây gậy chợt vung lên như con rắn quăng mình, trỏ thẳng vào cậu mà hỏi:
- Quỷ Nhãn Tam, ngươi nói là cậu ta ư?
“Có phải là mù thật không nhỉ?” – Lỗ Nhất Khí thầm băn khoăn.
Song cùng lúc này, cậu đột nhiên cảm nhận được về tầm quan trọng của bản thân. Dường như trong cõi vô hình có rất nhiều người đang kì vọng ở cậu.
- Đúng vậy! – Quỷ Nhãn Tam trả lời – Chúng tôi đã gặp nhau!
Lỗ Nhất Khí bỗng cảm thấy, dường như cậu đang bị đặt vào trong một đại cục, cần phải mở nó ra, cũng cần phải phá vỡ nó. Cậu càng cảm nhận rõ hơn rằng, thứ mà mình đang phải đối mặt là một cục diện vô cùng đáng sợ, là vô số những chặng đường chông gai mà mỗi bước đi lại rình rập muôn vàn nguy hiểm, là một vòng xoáy đẫm máu mà cậu sẽ phải trả một cái giá cực đắt ở trong đó.
- Để ta sờ thử xem sao! – Lão thầy bói mù vừa nói vừa khua tay đi về phía cậu.
Lão ta vươn dài cánh tay tới trước mặt cậu, cậu vội lùi lại nửa bước, rồi đưa tay cho lão. Đúng lúc gần chạm đến bàn tay của Lỗ Nhất Khí, lão chợt khựng lại, sau đó từ từ gập các ngón tay về, hạ cánh tay xuống, xoay người đi lại phía Lỗ Thịnh Hiếu.
- Có nhất thiết phải để nó đi không? – Lỗ Thịnh Hiếu hỏi, thầm hi vọng câu trả lời là “không.”
Song lão mù lập tức gật đầu một cách quả quyết, cất giọng khàn đặc nhấn từng chữ:
- Cậu ta, phải đi!
Quỷ Nhãn Tam nghiến hai hàm răng lại nói khẽ:
- Tôi không sợ chết, tôi chỉ sợ chết uổng chết phí! Tôi chỉ đi theo cậu ta!
Lỗ Nhất Khí buông cánh tay xuống. Lúc này, cậu mới phát hiện ra mọi người đều đang đứng trò chuyện, bèn thuận miệng mà nói:
- Mọi người ngồi xuống nói chuyện đi!
Song không hiểu vì sao, ngữ khí của cậu có chút gì giống như là ra lệnh. Quỷ Nhãn Tam và lão mù cũng tự nhiên răm rắp ngồi xuống.
Lỗ Thịnh Hiếu chỉ vịn tay vào thành ghế mà không ngồi, rồi ông bước tới phía trước mặt Lỗ Nhất Khí, đưa bàn tay phải ra, nắm chặt lấy hai bàn tay của cậu. Ông im lặng nghĩ thầm: “Đúng là quẻ số đã định, lại chứng nghiệm nhiều lần. Uổng công ta tu đạo bấy nhiêu năm, rốt cuộc cũng không thể cưỡng lại một chữ tình!”
Nắm lấy bàn tay của người bác, Lỗ Nhất Khí đã cảm nhận được niềm xúc động đang dâng trào trong ông. Lỗ Thịnh Hiếu khẽ nói:
- Con ơi, con phải về nhà thôi! Hãy trở về ngôi nhà của con!
Nghe xong câu nói của người bác, trái tim cậu bỗng nhiên chấn động, máu huyết trong người đổ dồn về não, khiến cậu đột nhiên hoa mắt chóng mặt.
Tìm trong mơ, mấy hồi tỉnh.
Nhà xưa bềnh bồng trong kính, thấp thoáng chốn mây mờ.
Thuyền lan vượt khôn qua, sông cách nghìn non trở.
- Nhà của con ở đâu? – Đây là lần đầu tiên cậu hỏi câu này, song nét mặt cậu vẫn bình thản lạ kì, giọng nói cũng rất mực điềm tĩnh.
Nhìn đứa trẻ vừa mới đây thôi còn reo vui hí hửng thoắt đã trở nên thâm trầm như đá núi, Lỗ Thịnh Hiếu bắt đầu tin vào phán đoán của Quỷ Nhãn Tam và lão mù. Cho tới giờ phút này, ông mới thực sự hiểu được ý nghĩa của bốn chữ “đạo do thiên dữ.”* Trong khi suốt mấy chục năm tu hành, bản thân ông vẫn không lí giải được huyền cơ ẩn chứa trong một câu đơn giản này. Ông chỉ thốt lên hai tiếng:
- Bắc Bình!
* Đạo do trời ban.