uổi chiều, anh về tới nhà trời hãy còn sáng một lúc lâu. Trong ráng chiều, đôi ba con én nhào lộn ngoạn mục trên các mái nhà.
Một buổi chiều, cuối mùa đông, anh Tư đi làm về, trong người rân rân mệt mỏi, nằm trông theo những con én bay ngược bay xuôi trong xóm. Én bay rạo rực. Nó không bay vì nhu cầu chuyển dịch. Nó lướt qua rồi tức thì lộn trở lại, bay vô ích. Nó bay như chỉ để phô trương, để biểu diễn những pha bất ngờ. Én bay trong xóm đôi ba con hay năm bảy con? Khó đếm được. Nó bay loạn xị. Nó rạo rực niềm vui trên xóm nghèo, trong ráng chiều, khi người người mệt mỏi. Anh Tư nằm trông theo én bay cho đến khi đèn đường bật sáng.

 

Mưa bắt đầu rơi lai rai trong bóng tối lúc nào không hay. Khi anh ló đầu ra sân sau, tới chỗ chum nước thì mưa ướt tóc, tay quờ nắm cán gáo thì cán gáo ướt đầm.
Mưa rơi im lặng lai rai trong lúc anh Tư ăn cơm và lúc anh ăn xong nằm đọc báo. Rồi mưa tạnh bao giờ cũng không hay biết. Khuya, trăng lên cao, sáng mát. Dưới ánh trăng, ngôi mả vôi nằm lù lù trước nhà, phía bên trái cửa ra vào, với cái bia mộ cũ kỹ rêu lở; dưới ánh trăng ngõ hẻm gồ ghề, tường nhà mảng tối mảng sáng; dưới ánh trăng mấy cái quần áo phơi chưa khô ở sân sau, chiếc xe đạp ba bánh của đứa con v.v... Đâu có gì để ngắm trăng. Nhưng đêm trăng gợi một nao nức vu vơ.
Anh Tư nghĩ đến câu thơ cổ, lạc loài trong trí nhớ:
“Nhị thập tứ kiều minh nguyệt dạ”
“Nhị thập tứ kiều”? Có gì hấp dẫn hơn những tường nhà mảng tối mảng sáng trong xóm? hơn những chiếc lốp xe cũ vứt nằm trong hẻm? những quần áo vắt phơi trên dây? Đâu có gì, đêm trăng trong câu thơ lạc loài, không mô tả, đêm trăng trống huếch trống hoác mà vẫn thu hút.
Anh Tư muốn thức, nhưng khuya rồi, không được thức nữa.
Giữa chừng giấc ngủ, chợt tỉnh dậy. Có tiếng xe gầm gừ trước nhà. Chiếc xe đang cố gắng nhích tới nhích lui, trở đầu một cách khó khăn. Đêm đêm vẫn có mấy người tới đánh bạc ở nhà bên cạnh, bây giờ họ ra về. Ánh đèn xe của họ chiếu sáng tận trong phòng anh Tư. Trước ánh đèn xe, mưa lại rơi lai rai tự lúc nào. Bấy giờ có lẽ đã quá giờ giới nghiêm một chút, chiếc xe mấy người đánh bạc đi xa rồi, cả xóm vắng lặng. Anh Tư chẳng còn được bao nhiêu thì giờ nữa, anh vội vã ngủ lại.
Lần khác, anh thức giấc, bốn trái hỏa châu cùng sáng rực một lúc, treo lơ lửng giữa trời về phía Tân Cảng. Ánh sáng rọi tận trong mùng. Anh bỡ ngỡ nhìn rõ những đường may ráp hai lá mùng, nhìn thấy tờ báo trải nằm trên trần mùng. Bốn trái hỏa châu trừng trừng sáng rực một lát rồi tắt. Bên ngoài còn lại thứ ánh trăng xanh mát. Mưa lại đã ngưng tạnh. Anh không còn thì giờ nữa.
Lần khác nữa, thức giấc, nghe có tiếng xích-lô máy nổ lẻ loi ở xa. Hết giới nghiêm. Gần lắm rồi, không còn thì giờ. Anh cần nghỉ thêm một chút.
Quả nhiên vừa chợp mắt lại được một tí đã nghe tiếng rao hàng: “Mì...nóng đây.” Hết. Từ lúc này, thì giờ không thuộc về anh Tư.
Bình minh lóe lên như một cánh tay giơ cao, sắp sửa đập xuống. Anh Tư sợ bình minh. Mỗi buổi sớm là một đe dọa. Mỗi buổi sớm mở đầu một ngày nhọc nhằn. Ngày nào cũng là ngày của công việc. Việc nọ tiếp việc kia, giờ khắc đun đẩy nhau liền liền suốt tới chiều.
“Mì...nóng đây.” Anh mở mắt. Sương trắng lờ mờ ngoài cửa. Trong không gian có tiếng con cu cườm buông xuống, nặng chình chịch. Tiếng u trầm làm cho buổi sớm lắng vào những suy tưởng sâu xa. Anh Tư muốn nằm yên chút nữa, theo dõi con chim cườm. Nhưng sáu giờ rưỡi rồi. Muộn rồi. Anh Tư đâu còn thì giờ? Anh chỉ có một giờ trước mặt. Một giờ để làm mấy động tác thể dục, để rửa mặt, cạo râu, đi cầu, để ăn sáng, mặc đồ, để soát lại chiếc xe qua loa trước khi phóc lên thẳng xông tới sở.
Anh Tư không thể dậy trễ mười phút. Tiếng con cu cườm nặng chịch những suy tư trong sương sớm u trầm không thuộc về anh. Ánh sáng trên mái ngói, trên lá cây mỗi buổi mai không thuộc về anh. Minh nguyệt dạ không thuộc về anh...
Nhị thập tứ kiều? Ở đâu vậy? Cảnh trí nó ra sao? Đêm trăng, anh nghĩ tới nó. Nó gợi những mơ ước xa khơi. Anh Tư tưởng tượng mình phất phơ thơ thẩn ở chỗ “nhị thập tứ kiều” xa xôi viển vông đó. Nhưng, nhị thập tứ kiều cũng không thuộc về anh. Anh Tư tưởng tượng những rạch nước chạy giữa hai hàng cây trong các khu vườn ở Lái Thiêu, ở Chợ Giữa, tưởng tượng rừng tre gai ở cao nguyên miền Trung, những giải mây ẩm ướt, mang vô vàn giọt nước li ti lê thê kéo ngang qua đèo Hải Vân. Anh Tư tưởng tượng những ngóc ngách trong đô thành, cảnh sống sầm uất đầy bất ngờ của xã hội nghèo túng, tưởng tượng những quán cà-phê ba tàu, những vườn hoa đây đó ở Sài Gòn Chợ Lớn, những nơi có thể ngồi phất phơ nhẩn nha... Nhưng những thứ đó không thuộc về anh: công viên, tiệm nước ba tàu, vườn cây Lái Thiêu v.v... Anh Tư không thể ở bất cứ đâu. Anh Tư chỉ có thể ở sở.
Bình minh lóe lên như một cánh tay giơ cao, và anh Tư cúi đầu xuống chịu trận.
Anh Tư đã cúi đầu chịu trận sáng hôm nay, sáng hôm qua. Anh cúi chịu ngày này qua ngày khác, năm này qua năm nọ. Anh không có ngày nào của anh, thuộc về anh. Cả cuộc đời là của công việc. Sự mưu sinh tước đoạt trọn cuộc sống của anh.
Giả sử anh cắt ngang chuỗi ngày liên tục ấy, tự do sử dụng thì giờ để làm những cái anh thích, sống theo một chương trình tự anh xếp đặt, như thế dăm ba ngày anh sẽ mất việc ngay, khốn đốn ngay. Anh không tự ý ngừng cái nhịp sống ấy được. Nhìn về phía tương lai tít tắp, anh Tư không thấy đến bao giờ có thể gặp những ngày do anh làm chủ, thuộc quyền sử dụng của anh. Trên giấy tờ thường có những bản sao văn gửi đến các cơ quan “để tùy nghi”. Nhưng ngày tháng trong đời, khiếp! không có những ngày để tùy nghi. Không thể có một cuộc đời để tùy nghi.
Anh Tư tưởng tượng coi cải lương đã đời tới mười hai giờ đêm, ăn cháo cá ở Chợ Cũ hồi một giờ sáng, về nhà đọc truyện tàu vài chương, đem đàn và mấy bản nhạc thích thú ra đánh đi đánh lại tới hai ba giờ sáng trước khi đi ngủ. Mờ sớm, con cu cườm điểm từng tiếng u trầm trong sương, anh lắng tai, theo dõi. Anh tha hồ nghe chim gáy, nghĩ đến bên ngoài sương đang còn lạnh, tha hồ thu người vào chăn; trong sự ấm áp, thấy thích anh có thể cùng vợ ân ái, thong thả, nhẩn nha. Rồi lăn kềnh ra ngủ nữa. Bên ngoài, ánh bình minh hiền lành đánh tan sương, sưởi ấm không khí. Anh Tư thức dậy quá chín giờ. Hỏi đến các hàng quà rong bán món ăn sáng thì đều bán hết ráo trọi: mì nóng, hết! bún riêu, hết! cơm bì, hết!... Anh cười ha hả thích chí, tự mình chiên lấy một đĩa trứng, chạy mua một khúc bánh mì, tự pha một cốc cà-phê. Điểm tâm xong, mười giờ rưỡi sáng. Ăn cơm trưa lúc ba giờ chiều v.v...
Như thế là một ngày được tùy ghi. Một ngày giả tưởng. Một ngày huyền hoặc. Cuộc ái ân huyền hoặc lúc bình minh, bữa điểm tâm huyền hoặc hồi chín giờ sáng...
Anh Tư tưởng tượng cái ngày ly kỳ của mình, anh tha hồ vùng vẫy trong cái ngày ấy, như con cá trong nước con chim trên trời, anh ngược anh xuôi, đảo lộn hết chương trình trật tự sinh hoạt, anh tung hoành... Anh Tư say sưa... Nhưng cái ngày ấy ở đâu? Cuối tầm mắt mình, anh không hề trông thấy nó.
Về phía tương lai không trông thấy, nhưng trong dĩ vãng soát lại ắt có.
Hồi anh Tư còn nhỏ, cha anh còn đi làm việc nuôi cả nhà, hồi ấy hẳn anh đã có những ngày trọn vẹn để tung tăng, muốn làm gì thì làm, còn cha anh thì cũng như anh bây giờ, ông vượt từng ngày từng ngày. Cho đến cái ngày cuối cùng, ông không đủ sức vượt nổi, ông chùng chình rồi ngừng hẳn lại vào lúc bốn giờ chiều. Đáng tiếc! nắng đã xế nghiêng. Giá ông cố gắng được hai giờ nữa thì én chiều sẽ bay rộn ràng khắp xóm, ông sẽ cảm thấy thoải mái, như con ngựa về tới chuồng.
Cha anh ngừng lại nửa chừng, khi ấy ông đang làm cai ở một xưởng dệt.
Sau đó thì anh đi làm. Ủa, không phải từ đây không tìm được những ngày tự do của anh. Trong kỷ niệm của anh Tư có những đêm nhậu say tới hai giờ sáng, hôm đám cưới thằng Hùng làm cùng sở anh buồn tình lang thang suốt đêm, hồi mới tập thổi sáo hôm nào anh cũng chờ hơn mười một giờ mới lên gác thổi cho tới một hai giờ sáng... Trong kỷ niệm lại có những lần cuối tuần anh đưa bạn gái đi Cấp, về tới sở vừa đúng tám giờ sáng thứ hai, có những buổi trưa ngồi trong rạp xi-nê thường trực với đào v.v...
Soát lại dĩ vãng, anh Tư ngạc nhiên. Ngày này tiếp ngày kia, ngày nào cũng vẫn là ngày của công việc, tất cả bấy nhiêu ngày tháng vẫn đều là của hoạt động mưu sinh: thế nhưng hồi trai trẻ giữa công việc liên tiếp anh Tư đã tìm ra những khe hở để thổi sáo, để tán cô bạn. Tài tình thật.
Dần dần những khe hở như thế trở nên khó tìm thấy.
Một hôm, trong một khe hở thời gian, anh Tư làm quen với một người con gái dễ thương. Nàng cho anh biết địa chỉ, ở một ngõ hẻm bên Khánh Hội. Anh ghi nhớ. Sau, gặp lại, nàng mượn của anh cuốn truyện xem chơi. Anh định lấy cớ đòi sách, tới nàng. Nhưng rồi lây lất chưa tới được. Kế, nghe nói nàng mê một anh trung sĩ. Nàng “mê” ra sao, anh không rõ. Anh không quan niệm được thái độ yêu đương của nàng. Nhưng vì biết nàng “mê” người ta rồi, anh bỏ qua.
Thật lâu, tình cờ gặp lại nhau, anh Tư nhận thấy cô bạn đổi tính, buồn bã, lơ đãng, nhưng vẫn còn cảm tình đối với anh. Hai người thân mật, hàng ngày gần nhau. Anh được biết là anh trung sĩ nọ đã mất một chân ngoài mặt trận, không chết. Dĩ nhiên, anh Tư muốn biết giữa nàng với người tình xấu số ấy bây giờ ra sao, rồi sau này tính sao. Anh Tư khó đề cập thẳng, nàng thì vắn tắt, khó hiểu. Nàng nói: “Khó chứ anh.” Anh tưởng tượng như vậy nghĩa là: bỏ không nỡ, tiếp tục thì không còn yêu. Tưởng tượng mơ hồ thế thôi, không tiện hỏi thêm. Trông nàng uể oải, lạnh nhạt, vật vờ, gần như vô tình. Anh nghĩ đó là một hình thức của sự đau khổ, nên anh ái ngại.
Một ngày trời lạnh, buổi trưa cùng nằm dưới một tấm ra. Anh Tư xoay người. Cô bạn đang khoanh hai tay vòng trên đầu. Nàng toan gỡ tay, hạ xuống. Anh nhẹ nhàng ấn giữ hai tay, để yên vòng trên đầu. Hai tay chống đối yếu ớt; rồi nửa chừng, nàng mỉm cười, để yên. Hai mắt nhắm. Trong khi anh cử động, mắt nàng vẫn nhắm, bình yên. Một lúc, anh để ý nàng đang ngậm lấy môi dưới của anh, mút nhè nhẹ, chăm chú như một đứa bé con. Anh Tư thấy lòng bình thản: anh không chút vồ vập, anh thong thả, thong thả. Cô bạn mút đều đều, êm ả. Một lúc, anh ngừng cử động, nhìn xuống chợt thấy mắt nàng hé ra một lằn nhỏ; trong lằn hé ấy tròng mắt chạy qua chạy lại long lanh. Anh có cảm tưởng nàng thao thức, bất an, ngờ vực. Và anh tiếp tục, và nàng hoàn toàn nhắm mắt, bằng lòng. Êm ả, khoan thai. Cả hai cùng im lặng. Mỗi lúc anh ngừng, tròng mắt nàng ngờ vực bất an trong lằn hé tí ti, và anh lại tiếp tục...

 

Xong, hai người nằm bên nhau. Ngày lu lít, lờ mờ, không có ánh sáng, không khí lành lạnh. Trong nghỉ ngơi, thỉnh thoảng anh Tư bắt gặp một ý nghĩ của mình, lẻ loi, biếng nhác, như một con ruồi bay lơ thơ vẽ một đường vòng yếu ớt trong căn phòng vắng vẻ buổi trưa. Anh nghĩ đến sự nhớp nháp của mình trên người cô bạn gái, đột nhiên anh thương mến mênh mông, thương man mác bao la. Cái uể oải của nàng kêu gọi một uể oải nào đó tiềm phục sẵn nơi anh. Anh Tư vụt phác giác ra sự mỏi mệt của mình. Ngày tháng trước mặt anh chợt có vẻ đe dọa. Anh sợ nó. Anh có cảm tưởng từ nay mình sẽ khó tìm ra những khe hở thời gian để yên hưởng một chút êm đềm bên cạnh bạn. Và anh không muốn xa rời nàng nữa.
Ít lâu sau đó, anh Tư xin cưới nàng.
Rồi càng ngày, quả nhiên, anh càng không tìm thấy cơ hội rảnh rỗi giữa công việc mưu sinh. Anh không biết tìm đâu ra. Lâu dần, anh không tưởng tượng nổi, không quan niệm nổi mình có thể tìm thấy nữa. Chỉ mải đối phó với sự giục giã cấp bách của một buổi sớm, anh đã hụt hơi. Một ngày vừa qua thoát, anh Tư vừa nghỉ ngơi được tí chút, một ngày khác đã tới ngay. Nấp sẵn tự bao giờ ở chân trời, bình minh vụt ló ra chiếu lòa vào cửa, hô to: “Đây, một ngày nữa nhá!” Và anh Tư thưa: “Vâng.” Càu nhàu, khổ sở, nhưng vẫn lẽo đẽo phục tùng, anh Tư không có cách nào ngoài cách thưa: Vâng.
Từ đây cho đến cuối đời anh, cho đến ngày tàn của nhân loại, miên man ngút ngàn, cứ kế tiếp nhau những tiếng quát: Ngày nữa nhá! Ngày nữa! Ngày nữa! Nữa nhá! Nữa nhá!... Những âm vang, những tiếng vọng ma quái tự lặp nhau, đinh tai nhức óc, khủng khiếp, tuyệt vọng.
Giữa những âm vang giục giã gắt gao ấy, ở một tuổi nào đó trong đời, người ta còn có thể dùng dằng, dừng lại chỗ này một chút chỗ kia một chút để vui thú. Nhưng người ta không cầm cự được lâu, rồi chỉ còn có chạy dài.
... Buổi chiều, cuối mùa đông, anh Tư đi làm về, nằm trông theo những con én bay ngược bay xuôi trong xóm, với nỗi lo ngay ngáy về cái đêm sắp ập tới.
Anh Tư nằm trông cho đến khi én hết bay, và mưa rơi lai rai trong bóng tối từ lúc nào không biết. Mưa rơi lặng lẽ, êm đềm, nhưng hồi lâu đã tụ đủ để rớt giọt.
Phía bên kia đường, trước hiên căn nhà lá của ông Hai Xích-lô, một cô gái mặc chiếc áo dài trắng đứng đùa với những giọt nước từ trên mái rơi xuống. Hẳn nàng nghĩ trong nhá nhem tối không ai trông thấy, không ai để ý tới mình. Nàng đưa tay ra hứng nước, nàng ghẹo từng giọt nước lòng thòng ở đuôi lá. Nàng mỉm cười vui thích một mình.
Anh Tư biết: một cô gái không thể vui thích với những giọt nước mà mình trêu ghẹo. Cô ta chỉ có thể đang vui với niềm rạo rực nơi mình. Nàng tìm chỗ vắng, để, cô độc, được tha hồ đối diện với niềm rạo rực của mình. Nàng ghẹo giọt nước như trêu con chó, con mèo, trong lúc trí nàng bị thu hút vào một ấn tượng nào, một hình ảnh nào, một ước mơ nào đó.
Anh Tư nghĩ tới cô bạn ngày xưa của mình. Nàng đã “mê” anh trung sĩ cách nào? có “mê” như cô gái trước hiên nhà đối diện kia chăng? Anh Tư thắc mắc, không mường tượng được thái độ yêu đương nọ, chỉ biết thái độ nàng yêu mình. Anh nhớ lại lúc nàng nhắm mắt. Nhắm mắt để không cho bạn nhìn được mình. Mỗi người giữ lấy tâm tư riêng, từ chối sự xâm phạm của bạn. Sự thỏa thuận thụ động, buồn bã.
Nhưng tất cả đã xa rồi. Anh sẽ không còn tìm được những khe hở thời gian nào để trông bạn nhắm mắt, để thổi bài sáo giữa khuya, để nghe con chim cườm buổi sớm, để điểm tâm nửa buổi mai...
Còn cô gái nhà bên kia, cô hãy còn xoay xở được. Hãy cố gắng. Đùa với nước mưa đi. Và ngày mai, ngoài tám giờ của công việc, hãy xoay xở đâu đó vài giờ để... Cố lên!
Mưa tạnh. Trăng sáng, giãi xuống ngôi mả vôi lù lù trước cửa, choán khuất nửa chân cô gái. Phần anh Tư, anh phải đi ngủ, chuẩn bị chờ đợi buổi bình minh sắp đến, nếu không anh sẽ mệt nhoài và không vượt nổi thêm một ngày, như cha anh xưa kia.
Còn cô gái, cô cứ thức. Chúc cô may mắn.

12 – 1967


Xem Tiếp: ----