ăm 1889, tôi vừa mới cưới vợ. Tôi từ giã anh bạn Sĩ Lâm và căn nhà mà hai chúng tôi thuê chung, để trở lại mở phòng mạch y sĩ như khi trước, lúc chưa cộng tác với anh. Tuy vậy, tôi vẫn thường xuyên đến viếng thăm anh; và thỉnh thoảng tôi cũng mời anh rời bỏ nếp sống cô đơn, để đến thăm hai chúng tôi tại nhà.
Thân chủ của tôi dần dần tăng thêm, và vì ở gần nhà ga, nên thỉnh thoảng tôi cũng có cả những bệnh nhân là những viên chức của Sở Hỏa xa Anh quốc. Một trong bọn họ được tôi chữa khỏi một căn bệnh kinh niên, rất đau đớn, nên ông ta khen ngợi tôi không tiếc lời, và gặp dịp là ông ta giới thiệu thêm khách hàng cho tôi ngay.
Một sáng mùa hè nọ, lối trước bảy giờ, chị người làm gọi tôi dậy. Chị ấy cho tôi biết có hai người khách, dường như từ nhà ga tới, và đợi tôi trong phòng khách khám bệnh. Tôi vội vã thay quần áo, vì kinh nghiệm cho tôi biết rằng hễ có khách hàng của sở Hỏa Xa, thì thường là những trường hợp khẩn cấp.
Tôi chạy ba chân bốn cẳng xuống thang lầu, thì vừa lúc ông khách quen thuộc đã được tôi chữa khỏi bệnh, từ phòng khách tiến ra sau khi đóng cửa lại sau lưng ông ta. Vừa chỉ ngón tay ra sau vai, ông ta vừa thì thào với tôi:
- Tôi giữ được hắn rồi, tốt lắm.
Trông điệu bộ ông ta y như là ông vừa nhốt trong phòng khách của tôi một sinh vật quái gở nào vậy. Tôi hỏi:
- Chuyện gì thế?
Nhưng ông làm tôi yên lòng:
- Một người khách mới. Tôi đã nghĩ tốt hơn là nên đích thân dẫn hắn tới đây, như vậy hắn sẽ không chạy thoát mất. Hắn ở trỏng, vậy là mọi sự đã xong. Bây giờ tôi phải đi bác sĩ ạ. Tôi cũng có công việc phải làm nữa.
Rồi ông ta đi ngay, rất nhanh làm tôi không kịp nói cám ơn.
Tôi vào phòng khách: Một người đàn ông lịch sự ngồi gần bàn ăn mặc rất chỉnh tề, trong bộ đồ nỉ xanh lá cây sậm, và chiếc mũ để trên bàn phòng khách của tôi. Một tay ông quấn chiếc khăn và tôi nhận thấy có nhiều dấu máu. Ông ta trông còn trẻ, tôi đoán chỉ vào cỡ hăm lăm tuổi thôi, bộ mặt cũng khá hùng dũng, nhưng rất xanh xao, như là bị một xúc động mạnh mẽ và đang phải dùng hết nghị lực mới tự chủ được.
Ông ta nói với tôi:
- Tôi rất tiếc đã quấy rầy bác sĩ sớm thế; nhưng đêm hôm qua tôi vừa bị một tai nạn khá trầm trọng. Tôi đi xe lửa đến đây sáng nay và nhờ kiếm một vị bác sĩ. Viên chức sốt sắng lúc nãy đã sẵn lòng dẫn tôi đến đây. Tôi đã đưa danh thiếp cho chị giúp việc nhưng chị ấy lại để quên trên bàn.
Tôi cầm tấm danh thiếp lên và đọc: “Ông Hoàng Vĩnh kỹ sư thủy lực số 16A đường Vinh Quang, lầu 2”. Đó là tên họ, nghề nghiệp và địa chỉ ông khách của tôi. Tôi ngồi xuống ghế và trả lời ông ta.
- Tôi ân hận đã để ông phải chờ lâu. Vậy ra ông vừa mới đi xe lửa đêm? Chắc việc đó cũng buồn chán nhỉ.
Ông ta cười, bảo:
- Ồ! Tôi không dám chắc là tôi đã buồn chán trong đêm hôm qua.
Ông ta lại cười lên vui vẻ, nhưng giọng cười cứ to lên mãi! Ông ta ngồi tựa sát vào ghế bành ôm bụng. Tôi cảm thấy có điều bất thường và bảo ông ta:
- Ngừng lại đi! Ông hãy bình tĩnh!
Và tôi đổ vào ly cho ông ta chút nước.
Thế nhưng chẳng ăn thua gì, ông ta không tự chủ được nữa và vẫn cười như điên dại. Đôi khi những người rất can đảm thường bị như vậy, khi họ đang hay vừa trải qua một hoàn cảnh trầm trọng. Nhưng chẳng mấy chốc ông ta tỉnh lại, trông vẻ rất mệt mỏi, đôi má đỏ như đang lên cơn sốt. Ông ta lẩm bẩm:
- Tôi vừa bị mất bình tĩnh.
Tôi rót thêm chút rượu cô-nhắc vào ly nước và nói với ông ta:
- Không sao đâu, ông uống ly này đi!
- Tôi đã khá hơn rồi! Bây giờ, xin bác sĩ làm ơn lo cho ngón tay cái của tôi, hay đúng hơn là chỗ có ngón tay cái của tôi khi trước...
Ông mở khăn tay ra và giơ bàn tay cho tôi. Tuy thần kinh vững chắc lắm tôi cũng không khỏi giật mình. Bàn tay chỉ vỏn vẹn còn bốn ngón tay hướng về phía tôi còn phần còn lại chỉ là một khoảng thịt nhầy nhụa màu đỏ chói. Chỗ đó trước đây phải có ngón cái bây giờ đã bị chặt đứt, hay xé đứt, đến tận gốc. Tôi kêu lên:
- Trời ơi! Vết thương nặng thật. Chắc ông phải mất nhiều máu lắm rồi.
- Vâng, tôi mất máu khá nhiều. Lúc đó tôi bị ngất đi chắc là trong một thời gian khá lâu. Khi tỉnh lại, tôi thấy máu vẫn còn chảy, tôi bèn cột chiếc khăn quanh cổ tay, và dùng một mẩu gỗ, tôi siết chặt lại.
- Hay lắm! Đáng lẽ ông phải làm bác sĩ giải phẫu mới đúng.
- Đó là vấn đề thủy học mà, ông hiểu không? Tôi vẫn chưa ra khỏi nghề nghiệp của tôi.
Tôi nhìn vết thương nhận xét:
- Chắc nó bị một vật gì rất nặng và rất sắc bén cắt đứt.
Ông ta nòi:
- Đó là một vật như con dao phay.
- Tai nạn à?
- Không đâu!
- Sao? Thế thì ông bị kẻ ác tấn công ư?
- Rất tàn ác nữa là khác!
- Ông làm tôi sợ quá!
Tôi bắt đầu lau vết thương cho ông ta, và băng bó lại. Ông ta ngả người ra sau, không động đậy, thỉnh thoảng mới cắn môi. Khi đã xong, tôi hỏi:
- Ông thấy thế nào?
- Dễ chịu vô cùng. Sau khi uống cô-nhắc và được ông băng bó, tôi thấy khỏe hẳn lại. Tôi đã bị yếu đi nhiều, nhưng đó là điều tất nhiên.
- Có lẽ tốt hơn là ông không nên nghĩ đến chuyện đó nữa: Ông sẽ lại bị xúc động thêm lên.
- Ồ, không sao đâu. Bây giờ thì được rồi, với lại tôi còn phải thuật cho cảnh sát nghe nữa. Nhưng thú thật ông nghe, nếu tôi mà không có vết thương này, thì họ sẽ không tin tôi đâu. Đó là một câu chuyện rất lạ, và tôi cũng không có gì nhiều để chứng minh lời nói mình. Mà dù họ có tin tôi đi nữa, thì những điều mà tôi có thể chỉ dẫn được cho họ cũng mơ hồ đến nỗi tôi không chắc có bắt được bọn lưu manh một ngày kia không.
Tôi nghĩ ngay đến nhà thám tử tài ba Sĩ Lâm, người bạn thân thiết của tôi. Tôi vội nói:
- A! Nếu ông muốn tìm ra ánh sáng của một chuyện bí mật nào đó, thì tôi không còn gì hay hơn để khuyên ông, là nên đến tìm gặp anh bạn tôi, Sĩ Lâm, trước khi ông đi cớ bót.
Ông khách trả lời:
- Tôi cũng từng được nghe nói đến tên ông ta, tôi cũng không mong gì hơn là được ông ấy lo cho vụ này. Nhưng tôi cũng cần đi báo cho cảnh sát biết nữa. Nếu ông ấy là bạn ông, thì ông có thể viết cho tôi vài hàng giới thiệu được không?
- Tôi còn làm hơn thế nữa: Tôi sẽ dẫn ông đến nhà ông ấy.
- Tôi cám ơn ông nhiều lắm!
- Ta sẽ đi xe ngựa và cùng đến thăm ông ta. Giờ này chắc ông ta sẽ mời mình ăn sáng đây. Ông đồng ý không?
- Vâng. Tôi chỉ lại được hồn sau khi kể cho ông ấy nghe câu chuyện này.
- Chị ở sẽ đi kiếm xe; còn tôi thì sẽ trở lại đây với ông ngay.
Tôi lên phòng riêng và vắn tắt kể lại câu chuyện cho vợ tôi nghe. Chưa đầy năm phút sau, tôi đã ở trong xe, đi cùng với người bạn mới.
Như tôi đã đoán, Sĩ Lâm đang mặc áo ngủ, dạo chơi trong phòng khách. Anh ta vừa đọc mục rao vặt trong tờ “Thời Báo”, vừa hút ống điếu đầu tiên trong ngày, nhồi bởi tất cả những mẩu thuốc còn sót lại từ tối hôm qua trong cái gạt tàn của anh: Vì anh đã cẩn thận lựa ra từng mẩu một, đem phơi khô trên lò sưởi để sáng hôm sau lượm lại. Anh ta đón tiếp chúng tôi với vẻ niềm nở thường ngày, gọi thêm dồi và trứng, và chúng tôi cùng ăn một bữa sáng thịnh soạn. Sau đó, anh ta mời ông khách ngồi xuống ghế dài, anh còn cẩn thận đặt một chiếc gối dưới đầu và một ly nước có pha cô-nhắc vào tầm tay ông khách. Anh nói với ông kỹ sư Hoàng Vĩnh:
- Câu chuyện của ông không có vẻ gì là tầm thường. Tôi mong ông cảm thấy ở đây như ở nhà vậy. Ông kể cho chúng tôi nghe những gì ông có thể kể được. Khi nào ông cảm thấy mệt thì ông dừng lại. Nếu ông cần thuốc bổ, thì cứ cho tôi biết.
Người bệnh của tôi trả lời:
- Cám ơn. Nhưng từ lúc bác sĩ đã băng bó cho tôi, tôi cảm thấy đỡ hơn nhiều lắm, và bữa ăn sáng đã làm tôi khỏe lại như thường. Tôi sẽ kể thật vắn tắt cho ông nghe.
Sĩ Lâm ngồi vào ghế mình với cái vẻ mệt mỏi và chán chường, che giấu bản tính tự nhiên tò mò, chăm chú của anh. Tôi ngồi trước mặt anh, và chúng tôi lặng yên nghe người khách kể chuyện.
Ông ta bắt đầu:
- Trước hết, các ông cần biết rằng tôi mồ côi cả cha lẫn mẹ và còn độc thân. Tôi ở trọ một mình tại Luân Đôn, hành nghề kỹ sư thủy lực, và tôi đã tập sự nghề này bảy năm liền trong lúc làm việc, tại hãng Viễn Châu danh tiếng, ở khu Lục Xã. Trước đây hai năm, tôi được lãnh một món tiền lớn, di sản của cha tôi để lại sau khi ông mất. Tôi bèn đứng ra thuê một văn phòng ở đường Vinh Quang để tự lập.
Ai thì cũng gặp khó khăn, khi bắt đầu sự nghiệp, nhưng tôi có lẽ còn khổ cực hơn người khác nữa. Trong hai năm liền, tôi chỉ hành nghề có ba lần, và làm được một công chuyện rất nhỏ: Tất cả, tôi chỉ kiếm được có hai mươi bảy bảng và mười si-linh. Mỗi ngày, từ chín giờ sáng cho đến bốn giờ chiều, tôi ngồi đợi khách ở bàn giấy. Cho đến lúc lòng đầy thất vọng, tôi tưởng như sẽ chả bao giờ có được một nhóm khách hàng.
Thế nhưng hôm qua, trong lúc tôi dự tính đóng cửa văn phòng để ra phố hóng mát, thì người thư ký vào báo cho tôi biết có một ông muốn gặp tôi để bàn việc. Ông ta đưa một tấm danh thiếp vào, trên ghi tên: Đại tá Linh Sa. Đó là một người cao trên trung bình, nhưng gầy kinh khủng. Tôi không tin là mình đã gặp ai gầy như thế: Bộ mặt ông ta hầu như chỉ có mỗi cái mũi và cái cằm, xương hàm thì đưa ra như muốn căng rách da má.
Hơn nữa, chắc không phải là ông ta bị bệnh, vì đôi mắt ông ta sáng quắc, chân bước nhanh nhẹn và vững chãi. Tuổi chừng gần 40, ông ta ăn mặc giản dị, nhưng đàng hoàng. Ông ta hỏi tôi, hơi pha giọng Đức:
- Ông là ông Hoàng Vĩnh phải không ạ? Tôi đã được nghe nói tới ông, là một người không những thạo nghề, mà còn kín đáo nữa.
Tôi nghiêng mình thi lễ. Tất cả mọi thanh niên như tôi đều phải lấy làm hân hạnh vì được khen tặng như vậy. Và tôi hỏi ông ta ai đã nói cho ông biết những điều hay ho về tôi như thế. Ông ta trả lời:
- Ồ! Có lẽ tốt hơn là tôi không cần nói với ông điều đó ngay bây giờ làm gì! Nhưng cũng nhờ người đó mà tôi được biết ông mồ côi cha mẹ, độc thân, và ở tại Luân Đôn.
Tôi nói:
- Tất cả những điều đó đều đúng, nhưng tôi không hiểu làm cách nào ông biết được khả năng và nghề nghiệp của tôi. Và nếu tôi đoán không lầm thì ông đến tìm gặp tôi cũng là để nói chuyện về một vấn đề có liên quan đến nghề nghiệp của tôi phải không?
- Chắc chắn rồi. Nhưng lát nữa ông sẽ hiểu tại sao tôi cần phải biết rõ những điều đó. Chả là vì tôi có một công việc muốn cậy ông, và điều cần nhất là công việc này phải được hết sức giữ kín. Ông nghe rõ không? Tuyệt đối giữ kín! Nhưng chúng tôi đã nghĩ rằng ông sống một mình thì có thể kín miệng được dễ dàng hơn là một người sống giữa gia đình.
Tôi nói với ông ta:
- Nếu tôi đã hứa với ông là sẽ giữ kín một câu chuyện bí mật, thì ông có thể tin ở tôi.
Trong lúc nói với tôi, ông ta nhìn tôi chăm chú, và tôi nhớ mình chưa bao giờ gặp một người nào có đôi mắt ngờ vực và soi bói đến như vậy.
Ông ta nói:
- Vậy là ông hứa với tôi điều đó?
- Vâng.
- Ông sẽ giữ im lặng ngay từ bây giờ, trong lúc làm việc, và sau lúc đó xin đừng bao giờ nói lại với ai, hoặc ghi chép gì cả?
- Tôi đã hứa danh dự với ông!
- Vậy thì tốt lắm.
Ông ta đứng phắt dậy, đi nhanh như chớp tới cửa và mở ra coi: Ngoài hành lang không còn một ai.
Ông ta trở lại ngồi xuống:
- Được rồi! Kinh nghiệm cho tôi thấy rằng mấy người thư ký thường rất thích nghe lén công chuyện của chủ. Bây giờ ta có thể thảo luận được.
Ông ta kéo ghế ngồi sát lại gần tôi, và đôi mắt nghi ngờ và soi bói của ông ta lại nhìn chầm chập vào tôi.
Tôi bắt đầu thấy nóng tai. Cái lão gầy gò này làm tôi khó chịu và gần như sợ hãi. Dầu không muốn làm mất đi một khách hàng, tôi cũng nói:
- Tôi mong ông kể tôi nghe công việc mà đã làm ông phải mất công tới đây, tôi không có thừa thì giờ để nói chuyện vớ vẩn.
Mấy câu chót này tôi không chủ ý, mà tự miệng tôi nó thốt ra. Ông ta hỏi tôi:
- Năm chục đồng vàng để trả công ông làm việc một đêm có được không?
- Tôi bằng lòng.
- Tôi nói là phải làm việc một đêm, chứ thực ra có lẽ chỉ một giờ thì đúng hơn. Tôi chỉ cần ông cho biết ý kiến về một cái máy ép dùng thủy lực, mới bị hư thôi. Nếu ông cho biết nó bị hư hỏng ở đâu, chúng tôi sẽ tự sửa chữa lấy. Giá đó ông chịu không?
- Công việc có vẻ nhỏ bé so với món tiền mà ông trả công cho tôi.
- Vậy đó. Chúng tôi mong ông sẽ tới chiều nay, bằng chuyến xe lửa cuối cùng.
- Tới đâu?
- Tới làng Y-Phong, ở vùng Bách San. Đó là một làng nhỏ ven rừng. Từ nhà ga Luân Đôn, ông đi chuyến xe lửa tới nơi vào khoảng mười một giờ mười lăm.
- Được rồi.
- Tôi sẽ mang xe ngựa tới đón ông tại nhà ga.
- À, ra còn phải đi xa hơn nữa ư?
- Vâng, chúng tôi ở hơi xa một tí. Cách ga xe lửa làng Y Phong lối mười cây số.
- Vậy thì mình sẽ không tới nơi được trước nửa đêm. Tôi nghĩ chắc không có xe lửa trở lại Luân Đôn sau đó, vậy là tôi phải ngủ đêm lại đó?
- Vâng, chúng tôi có thể để một cái giường cho ông nghỉ.
- Rắc rối quá! Tôi có thể tới vào một giờ nào khác, tiện lợi hơn được không?
- Không! Chúng tôi đã thu xếp tính toán cả rồi. Chỉ có buổi tối là thuận tiện nhất. Vì thế, để đền bù cho ông, chúng tôi đã phải trả một giá cao như vậy. Hẳn ông cũng thấy rằng khối chuyên viên nổi tiếng trong nghề của ông, sẵn lòng đến với giá đó! Với lại, nêu ông không muốn làm thì ông chỉ cần nói cho tôi biết là xong.
Tôi nghĩ đến năm chục đồng tiền vàng, và đến những thứ phải tiêu, và tôi bảo ông ta:
- Tôi không từ chối đâu! Trái lại, tôi rất vui vẻ nhận lời. Nhưng tôi cũng muốn được biết công việc đó như thế nào, và tôi sẽ phải làm gì.
- Lẽ dĩ nhiên là tôi sẽ nói cho ông hay. Vả lại tôi cũng không muốn chiều nay ông tới đó mà không biết gì hết về câu chuyện này. Bây giờ chắc hẳn không có ai đang nghe trộm mình chứ?
- Tôi đoan chắc với ông điều đó.
- Nếu vậy thì đầu đuôi câu chuyện là như thế này. Có lẽ ông cũng nghe nói đến thứ đất sét hút chất mỡ dùng trong kỹ nghệ lọc dầu, là một tài nguyên trong tương lai chứ, và ở cả nước Anh người ta chỉ tìm được có một hai vùng có thứ đất đó.
- Tôi cũng có nghe nói.
- Cách đây ít lâu, tôi có mua một khu đất, nhỏ xíu thôi cách vùng Bách San độ mươi cây số. Và may mắn thay, khu đất này có một chỗ có thứ đất sét quí đó. Xem xét kỹ, thì tôi lại thấy phân lượng đất sét quí còn ít ỏi vì nó chỉ là chỗ tiếp giáp giữa hai thửa đất có chứa một tỷ lệ cao hơn nhiều. Nhưng hai thửa đất kia lại thuộc quyền sở hữu của những người láng giềng của tôi. Những người dân quê hiền lành đó không biết là chỗ đất của họ có giá trị như một mỏ vàng. Tôi thì tất nhiên là tôi muốn mua được những miếng đất đó của họ, mà phải làm sao để họ khỏi đoán biết giá trị của chúng! Nhưng tôi chưa có đủ vốn để mua, tôi có cho một vài người bạn thân biết chuyện này. Các bạn tôi thúc dục tôi khai khẩn miếng đất của tôi trước đã, để có thể kiếm đủ tiền mua nốt phần đất kia. Chúng tôi đã bắt tay vào việc với một máy ép dùng nước trong việc khai khẩn. Cái máy ép này thì lại vừa bị hỏng, như tôi đã nói với ông đấy, vì vậy chúng tôi cần có một chuyên viên cho biết ý kiến để sửa chữa. Nhưng chúng tôi lại rất cần phải giữ bí mật câu chuyện này; nếu dân trong vùng biết được là chúng tôi mang về nhà một vị kỹ sư, trí tò mò của họ sẽ nổi dậy, và nếu họ biết được tí gì về câu chuyện này, thì chúng tôi hết mong mua được đất của họ. Đó là lý do tại sao tôi đã muốn ông phải thề không tiết lộ với bất kỳ ai về việc ông tới làm tại Y Phong, bây giờ ông đã rõ chưa?
Tôi trả lời:
- Tôi hiểu rồi, chỉ có một vấn đề mà tôi chưa được rõ lắm là tại sao ông lại phải cần đến một cái máy ép dùng thủy lực, để lấy đất sét lên?
Ông ta nói:
- À, cái đó là vì chúng tôi muốn ép đất đó lại thành những viên gạch, để mọi người không để ý đến. Nhưng đó chỉ là vấn đề chi tiết. Tôi đã thố lộ hết cho ông nghe rồi đấy, và ông thấy là tôi đã tin ông đến đâu.
Nói đến đây ông ta đứng dậy nhắc lại là sẽ đợi tôi đúng mười một giờ mười lăm ở làng Y Phong, và dặn thêm:
- Cần nhất là ông đừng cho ai biết đấy nhé!
Ông ta ném cho tôi một cái nhìn đầy ý nghĩa, rồi bắt tay từ giã tôi (bàn tay ông ta ẩm ướt và lạnh ngắt).
Khi tôi nghĩ lại về câu chuyện này, tôi không khỏi ngạc nhiên đến sửng sốt. Một mặt, tôi lấy làm vui mừng, vì món tiền sẽ kiếm được to gấp mười lần số tiền mà tôi đòi hỏi, nếu ông ta hỏi ý kiến tôi, và tôi tự nhủ có thể sẽ còn có nhiều dịp khác kiếm tiền như vậy nữa, nhờ câu chuyện này. Nhưng mặt khác, tôi lại khó chịu vì thái độ của ông khách. Câu chuyện về thứ đất sét hút mỡ của ông ta có vẻ mơ hồ, khó tin để mà giải thích được một cách hợp lý cho việc ông ta cần phải gặp tôi ban đêm và bắt tôi không được tiết lộ điều bí mật với ai hết. Nhưng tôi cũng dẹp nỗi lo lắng ấy lại để đi ăn tối ngon lành. Sau đó, tôi ra nhà ga Luân Đôn. Cho đến khi xe lửa khởi hành tôi không hề nói với ai về chuyến phiêu lưu đó.
Tôi tới làng Y Phong lối hơn mười một giờ tối. Chỉ có mình tôi bước xuống. Trên sân ga chẳng có một ai, ngoại trừ người sếp ga lúc lắc cây đèn hiệu. Tuy vậy, khi ra khỏi cửa, tôi cũng trông thấy ông khách ban chiều, đang đứng đợi trong bóng tối. Không nói lời nào, ông ta nắm lấy cánh tay tôi và đẩy tôi vào một chiếc xe ngựa đã mở cửa sẵn. Ông ta đóng cửa kính quanh xe lại, và gõ vào thùng xe, để ra hiệu cho người xà ích khởi hành. Con ngựa chạy hết sức nhanh...
Sĩ Lâm ngắt lời:
- Có một con ngựa thôi ư?
- Vâng, chỉ có một con thôi.
- Ông có để ý xem nó màu gì không?
- Có, nhờ ánh đèn khi tôi lên xe, tôi thấy nó màu nâu.
- Nó có vẻ khỏe hay mệt?
- Ồ, khỏe khoắn hoàn toàn và bóng mướt!
- Cám ơn ông. Xin lỗi đã ngắt lời ông vừa rồi, bây giờ xin ông cứ tiếp tục kể nốt câu chuyện đi.
- Thế là chúng tôi phóng xe ngựa đi, trong khoảng ít nhất cũng một giờ. Đại tá Linh Sa đã bảo là xa chừng mười cây số, nhưng nhắm vận tốc xe và thời gian đi, tôi đoán khoảng đường phải dài lối hai lần như vậy. Ông ta ngồi cạnh tôi, và không nói một lời nào, chỉ nhìn tôi chú mục đến nỗi tôi không biết làm gì hơn là để ông ta nhìn. Trong vùng ấy đường có vẻ xấu vì xe đôi lúc bị xóc lên dữ dội. Tôi nhìn qua kính xe để đoán xem những nơi nào chúng tôi đi qua nhưng kính xe bị một lớp băng ở ngoài bám chặt vào nên tôi chỉ thỉnh thoảng thấy ánh sáng một ngọn đèn mà chúng tôi vượt qua thôi. Muốn đỡ chán, tôi gợi ra một vài chuyện để nói, nhưng ông đại tá chỉ trả lời tôi bằng vài câu nhát gừng, thế là hết chuyện. Sau cùng, xe rời con đường khấp khểnh để lăn trên sỏi, và dừng lại. Đại tá Linh Sa xuống xe, tôi cũng xuống theo, nhưng ông ta lôi tôi ngay vào một cái cổng mở sẵn, ngay bên cạnh xe.
Nhanh đến nỗi tôi không kịp có thì giờ để ngắm xem căn nhà nó ra thế nào. Tôi vừa qua bậc thềm thì cánh cổng nặng nề đóng sập lại ngay. Và tôi nghe tiếng động bánh của xe lăn đi vọng lại tai tôi rất yếu ớt.
Trong nhà tối đen như mực. Ông Đại tá lần mò kiếm quẹt và ông ta lẩm bẩm những gì tôi nghe không rõ. Bỗng nhiên, ở đầu hành lang bên kia, một cánh cửa mở ra và một luồng ánh sáng vàng xuất hiện, hướng về phía chúng tôi. Ánh sáng lớn dần lên và một người đàn bà bước ra tay cầm ngọn đèn. Bà ta nghiêng đầu về phía trước, chăm chú nhìn chúng tôi. Tôi có thể nhận thấy là bà ta đẹp, và ánh sáng ngọn đèn làm bộ áo đen bà ta mặc bóng lên khiến tôi biết rằng đó là thứ hàng đắt tiền. Bà ta nói vài câu tiếng ngoại quốc, như là để hỏi gì, và khi ông kia trả lời một cách khó chịu, bà ta giật nẩy mình lên làm ngọn đèn suýt rớt ra khỏi tay. Ông Đại tá tiến tới gần thì thào vào tai bà ta mấy câu và đẩy bà ta trở vào căn phòng lúc nãy. Sau đó ông cầm lấy ngọn đèn và bước lại phía tôi, mở một cái cửa khác và nói:
- Ông có thể vui lòng chờ tôi ít phút tại đây được không?
Đó là một căn phòng nhỏ dễ thương, đồ đạc giản dị, có một cái bàn tròn ở giữa và nhiều sách tiếng Đức rải rác trên tấm thảm. Đại tá Linh Sa đặt ngọn đèn trên một cây đèn cạnh cửa và bảo tôi, trước khi ra:
- Chỉ một phút thôi, ông vui lòng nhé!
Tôi nhìn những cuốn sách, và dầu không biết tiếng Đức, tôi cũng hiểu rằng hai cuốn trong số đó nói về khoa học, và những cuốn khác là những tập thơ. Tôi đi ra cửa sổ, mong thấy cảnh đồng quê, nhưng cánh cửa bằng gỗ sồi đã đóng kỹ, gài then sắt. Căn nhà hoàn toàn yên lặng. Trong hành lang có một cái đồng hồ treo tường cũ kêu tích tắc, còn ngoài ra tất cả đều im lìm như chết. Tôi cảm thấy hơi rờn rợn.
Tôi tự hỏi không hiểu mấy người Đức này là ai, họ làm gì, và tại sao họ lại sống trong khu vực hẻo lánh này và nơi này là ở đâu. Tôi ở xa làng Y Phong hai mươi cây số, tôi chỉ biết có thế nhưng về hướng nào? Bắc, nam, tây hay là đông? Tôi chẳng biết được. Rất có thể là có một thành phố nào đó ở gần ngay đây, vì làng Y Phong đâu có hẻo lánh đến thế. Chỉ có một điều chắc chắn là tôi đang ở giữa vùng quê. Tôi vừa đi quanh phòng vừa huýt sáo để giữ bình tĩnh, và tôi cảm thấy được an ủi khi nghĩ là mình sắp kiếm được năm chục đồng vàng.
Bỗng nhiên, cánh cửa phòng chầm chậm mở ra, không gây một tiếng động nào. Người đàn bà lúc nãy đứng ở ngưỡng cửa, thân mình in rõ ràng trên nền đen của hành lang. Ngọn đèn soi tỏ vẻ mặt xinh đẹp của bà ta. Tôi nhận thấy ngay là bà ta có vẻ đang điên lên vì sợ và máu tôi như muốn đông lại. Bà ta run run giơ một ngón tay ra hiệu cho tôi đừng nói gì cả, rồi bà ta vừa thì thào với tôi, bằng một thứ tiếng Anh dở tệ, vừa nhìn ra sau lưng như một con ngựa khiếp hãi.
Bà ta cố gắng bình tĩnh để nói:
- Tôi mà ở địa vị của ông thì tôi đi ngay! Tôi đi ngay! Tôi không ở lại đây đâu! Không có gì tốt đẹp cho ông đâu!
Tôi nói với bà ta:
- Nhưng, thưa bà, tôi chưa làm công việc mà người ta nhờ tôi khi kiếm tới đây. Tôi không muốn đi trước khi trông thấy cái máy đó.
Bà ta cứ nói:
- Không nên ở lại đợi đâu! Ông có thể qua khỏi cửa đi: không ai ngăn cản ông đâu.
Khi bà ta thấy tôi mỉm cười và lắc đầu, bà ta không giữ được nữa. Bà ta bước tới trước và xoắn hai tay vào nhau, lẩm nhẩm:
- Trời ơi! Đi ngay đi trước khi quá trễ!
Nhưng tôi vốn tính bướng bỉnh, và càng gặp trở ngại chừng nào tôi càng cố gắng tiến tới. Tôi nghĩ tới lời hứa trả năm chục đồng vàng, và quãng đường lạnh lẽo phải đi đêm nay, nếu tôi ra bây giờ... Chả lẽ tôi lại bỏ cuộc trước khi được trả tiền? Ai có thể nói chắc là bà ta không loạn trí? Tôi đứng thẳng người, và trả lời bà ta là tôi muốn ở lại. Bà ta vừa định nói với tôi nữa, thì một cánh cửa đóng sập ngay phía trên đầu chúng tôi, và có nhiều tiếng chân người đi xuống thang gác. Bà ta nghe ngóng, đưa hai tay lên trời biểu lộ sự tuyệt vọng, rồi chạy trốn, cũng lặng lẽ và bất ngờ như khi bà ta vào.
Những người mới tới là Đại tá Linh Sa và một người đàn ông mập lùn, có bộ râu quai nón xoăn tít trên cái cằm chảy xệ của ông ta. Ông ta được giới thiệu tên là Phát. Ông Đại tá nói:
- Đây là người thư ký và cộng tác của tôi. Ủa, tôi tưởng mình đã đóng cửa này lúc nãy lại rồi kia mà?
- Không, chính tôi mở ra đấy, tại vì tôi thấy trong căn phòng hơi có mùi ẩm mốc.
Ông ta nhìn tôi với vẻ ngờ vực, rồi nói:
- Có lẽ ta nên lo vụ này cho xong đi, ông Phát và tôi sẽ dẫn ông tới xem máy.
- Vậy để tôi đội mũ lên đã...
- Ồ, chả cần, cái máy ở ngay trong nhà.
- Ủa, vậy ông đào lấy đất sét quí ở ngay trong nhà lên ư?
- Không, không, chúng tôi chỉ nén đất sét ở đó thôi. Nhưng điều đó chẳng có gì quan trọng! Điều cần là muốn nhờ ông xem dùm tại sao nó lại bị hỏng.
Chúng tôi lên lầu nhất. Ông Đại tá đi đầu, tay cầm đèn, thứ đến người cộng tác béo mập của ông ta, và sau cùng là tôi. Căn nhà cổ này đầy những hành lang, ngã rẽ, những cầu thang xoắn, và những cái cửa thấp mà bực cửa vì lâu đời nên mòn trũng xuống. Tôi chả thấy có một cái thảm nào và cũng chả có bóng dáng của một món đồ đạc nào, kê trong các phòng ở tầng trên này. Vách tường thì đầy những vết rêu phong ẩm ướt. Tôi cố làm ra vẻ thản nhiên, nhưng sự thực tôi vẫn chưa quên những lời báo trước của thiếu phụ hồi nãy. Dẫu không quan tâm tới lời nói của bà ta, nhưng tôi vẫn để ý dò xét hai người đang đi cùng. Phát có vẻ rầu rĩ và ít nói, nhưng qua vài câu nói của hắn ta, tôi biết hắn là người Anh.
Sau cùng Đại tá Linh Sa dừng lại trước một cái cửa thấp, và mở ra. Một căn phòng nhỏ vuông vức hiện ra: chúng tôi không thể vào cả ba người vì nó bé quá. Phát đứng lại bên ngoài. Ông Đại tá đẩy tôi vào trong phòng, và nói:
- Đây không phải là một căn buồng mà là một cái máy ép. Trần nhà là khối pít-tông, nền nhà là bàn ép bằng kim loại. Áp suất của nó lên hàng tấn. Chung quanh phòng có nhiều cột rỗng nhỏ chứa nước, và khi chuyển một sức vào những cột ấy, sức nước sẽ được nhân lên gấp bội rồi truyền vào trong này, theo đúng lý thuyết ông đã rõ. Nhưng bây giờ nó chuyển vận không được điều hòa, sức ép của nó bị giảm đi nhiều. Tôi mong ông xem xét nó lại dùm và chỉ cho chúng tôi biết làm cách nào để sửa lại được.
Tôi cầm đèn, xem xét cái máy rất cẩn thận. Thực ra, đó là một cái máy khổng lồ, có một sức ép rất mạnh! Khi tôi đã đi quanh một vòng, và khi tôi ra ngoài, ấn nút cho máy chạy, tôi nghe một tiếng rít, và nhận ra đó là một chỗ nước rỉ, do một lỗ thủng nhỏ ở một cái ống. Tìm kỹ hơn, tôi thấy đó là do một miếng cao su lót giữa hai ống đã co lại, nên nó không bịt kín nữa, và làm nước rò ra ở ngay chỗ đó. Đó là lý do tại sao một phần sức ép của nước bị mất đi. Tôi trình bầy nhận xét này cho hai người kia. Họ nghe tôi rất chăm chú, và đặt nhiều câu hỏi về cách sửa chữa ống nước đó. Khi tôi đã chỉ cho họ tất cả những gì họ cần biết, tôi trở lại căn phòng máy, và tôi ngắm nhìn để thỏa trí tò mò về nghề nghiệp. Tôi nhận thấy ngay rằng câu chuyện đất sét quí chỉ là láo khoét: Thật vậy, một cái máy khổng lồ như vậy đâu có cần thiết để ép đất sét.
Tường thì bằng gỗ, nhưng nền nhà bằng kim loại dắn chắc; hơn nữa lúc tới gần nhìn kỹ, tôi nhận thấy một vài mẩu kim loại còn sót lại. Tôi quì xuống cầm lên xem đó là thứ kim loại gì, thì vừa khi ấy có tiếng la lớn bằng tiếng Đức rồi ông Đại tá hướng bộ mặt nhợt nhạt như xác chết về phía tôi, giận dữ:
- Ông làm cái gì vậy?
Tôi cảm thấy nổi giận vì đã bị ông ta lừa bịp: Ông ta đã kể chuyện láo với tôi. Tôi khô khan trả lời:
- Tôi đương chiêm ngưỡng mẩu đất sét quý của ông. Có thể tôi sẽ chỉ cho ông cách sử dụng máy hữu hiệu hơn nếu tôi biết rõ ông thực sự dùng nó để làm gì.
Tuy chưa nói hết câu, nhưng tôi đã thấy hối hận ngay về cái giọng gắt gao mà tôi đang dùng. Mặt ông Đại tá dắn đanh lại, và một ánh đen tối thoáng hiện trong cặp mắt xám của ông ta. Ông ta gầm gừ:
- Nếu ông muốn vậy, ông sẽ được biết tất cả về cái máy này.
Ông ta lùi lại một bước, sập cửa lại rồi vặn chìa khóa. Tôi hốt hoảng lao về phía cửa. Tay tôi quơ lấy nắm đấm cửa xoay mạnh, nhưng nó cứng ngắc.
Tôi gào lên:
- Mở ra! Mở ra!... Đại tá...
Nhưng chỉ có sự im lặng trả lời tôi, rồi trong sự im lặng đó, một tiếng động làm máu tôi ngừng chảy: Tiếng máy chạy, và tiếng rít của chỗ nước rỉ ra. Ông Đại tá đã cho cái máy ép chạy!
Cái đèn mà tôi dùng để quan sát bây giờ, vẫn còn đặt dưới nền nhà. Ánh sáng đủ soi tỏ cho tôi thấy cái trần nhà đen thui đang từ từ hạ xuống chậm chạp, đôi lúc dừng lại, nhưng không ai biết rõ hơn tôi là chỉ trong một phút nữa, nó sẽ ép tôi như một tờ giấy. Tôi gào lên to hơn. Tôi ném mình vào cánh cửa. Tôi van nài ông Đại tá. Nhưng tiếng máy ồn ào đã át hết tiếng kêu tuyệt vọng của tôi.
Phía trên, cái trần nhà hay nói đúng hơn, khối pít-tông chỉ còn cách đầu tôi lối ba mươi phân; chỉ cần giơ tay lên là tôi sờ thấy bề mặt nhám của nó...
Một ý thoáng hiện trong óc tôi: Nếu phải chết, thì chết cách nào cho đỡ khổ nhất, và điều đó tùy thuộc vị trí của tôi lúc tôi bị nghiền nát. Nếu tôi nằm sấp, trần nhà sẽ ép xuống xương sống tôi trước, và tôi run sợ khi nghĩ đến tiếng xương tôi sẽ gãy vụn ra. Nếu nằm ngửa thì có lẽ sẽ đỡ hơn... Với điều kiện là thần kinh tôi đủ sức chịu đựng sự nhìn rõ cái cảnh tượng cái trần nhà hạ xuống dần để ép lên tôi. Tôi đã bắt đầu không đứng thẳng người được nữa... Nhưng đôi mắt tôi đang hoa lên bỗng nhận thấy một cái gì làm cho tôi bỗng hy vọng tràn trề. Lúc nãy tôi đã nói rằng nền nhà và trần nhà bằng sắt, nhưng vách là gỗ. Nhìn quanh lần cuối cùng, tôi bỗng thấy một khe sáng le lói giữa hai tấm ván. Khe sáng đó càng ngày càng rộng hơn, và sau cùng, một tấm ván được kéo ra phía ngoài. Trong khoảnh khắc, tôi không thể tin nổi là một cái cửa sắp được mở ra và tôi có thể thoát chết bằng lối đó. Nhưng bản năng tự vệ mạnh hơn: Tôi lao mình ra và ngã sóng xoài xuống phía bên kia, gần ngất đi. Cánh cửa đó được khép lại ngay nhưng vài giây sau tiếng thủy tinh của cái đèn để lại bên ấy vỡ tan ra khiến tôi hiểu rằng nó đã bị cái máy nghiền nát và mình vừa chết hụt trong đường tơ kẽ tóc.
Tôi tỉnh lại vì có người giật mạnh ở cổ tay. Tôi nhận thấy mình đang nằm trong một hành lang hẹp, một người đàn bà đang cúi nhìn tôi, tay trái kéo tay tôi, còn tay phải cầm một ngọn nến. Đó cũng chính là cái bà tử tế lúc nãy mà tôi đã ngu ngốc coi thường những lời báo trước của bà ta.
Bà ta kêu lên, gần hết hơi:
- Đi mau đi. Họ sẽ tới đây ngay. Họ sẽ thấy là ông không nằm dưới cái máy ép... Mau! Mau đừng mất thì giờ nữa! Tới đây!
Lần này tôi không cãi lại nữa. tôi đứng dậy, và tôi chạy với bà ta dọc theo hành lang, rồi xuống một cầu thang xoắn. Cầu thang này dẫn đến một căn phòng rộng. Vừa tới đấy, chúng tôi nghe tiếng chân người chạy dồn dập, hai giọng kêu réo nhau, từ tầng này lên tầng trên, mà chúng tôi vừa rời khỏi. Người hướng dẫn tôi dừng lại: Bà ta không biết làm gì nữa. Sau cùng bà ta đẩy một cánh cửa, đó là một căn phòng ngủ và bên kia phòng, cửa sổ mở rộng, mặt trăng soi tỏ hiền hòa. Bà ta nói:
- Dịp may cuối cùng của ông đấy! Hơi cao, nhưng ông chỉ còn mỗi một cách là nhảy xuống mà thôi.
Bà ta đang nói thì ở đầu kia hành lang đã có ánh đèn, và tôi nhận thấy bóng dáng gầy gò của Đại tá Linh sa. Ông ta chạy bổ tới, một tay cầm đèn, tay kia cầm vật gì như một con dao phay hàng thịt. Tôi chạy vội vào phòng, mở cửa sổ và nhìn ra ngoài... Căn vườn dưới ánh trăng như đón chờ, chỉ sâu có lối mươi thước phía dưới. Tôi trèo qua bực cửa sổ, nhưng chưa muốn nhảy xuống, vì tôi còn muốn nghe coi chuyện gì sẽ xảy ra giữa người đàn bà đã cứu tôi và tên lỗ mãng đang rượt theo tôi. Nếu hắn giở trò tàn bạo với bà ta, tôi quyết sẽ liều mình để cứu bà ta! Hắn ta đã vào phòng rồi, hắn vừa xô bà ta để đi qua. Bà ta ôm cứng lấy hắn để giữ hắn lại. Bà ta kêu hắn bằng tiếng Anh:
- Phít! Phít! Ông có nhớ ông đã hứa với tôi những gì lần trước không? Ông đã thề rằng ông không làm lại việc đó nữa! Hắn sẽ không nói đâu. Chắc chắn hắn không kể lại đâu!
Hắn vùng vẫy thoát ra và gầm lên:
- Bà điên rồi! Bà muốn mình bị bắt hết sao? Hắn đã thấy quá nhiều! Cho tôi đi qua, mau lên!
Hắn gạt bà ta qua một bên, phóng ra cửa sổ và dùng dao chém tôi. Lúc ấy tôi đang treo mình ở ngoài, níu lấy bực cửa sổ thì hắn cho tôi một ngọn dao. Tôi cảm thấy đau đớn, vội buông tay ra và rơi mình xuống vườn.
Tôi không bị thương lúc té xuống, tôi không gẫy xương gì cả, và mặc dầu bị động mạnh, tôi đứng dậy ngay và phóng mình qua những bụi rậm nhanh hết sức mình. Tất nhiên là tôi chưa qua cơn nguy hiểm! Bỗng nhiên đang chạy tôi cảm thấy mệt mỏi rời rã, và chóng mặt. Tôi nhìn bàn tay run rẩy vì đau đớn, và lần đầu tiên, tôi thấy ngón tay cái bị xén đứt rất gọn gàng, và máu chảy ra ngoài vết thương. Tôi muốn dùng khăn tay cột lại, nhưng tai bỗng ù đi, và tôi ngã xuống ngất xỉu.
Tôi không thể nói cho các ông biết được là mình đã ngất đi trong bao lâu. Tôi nghĩ là trong nhiều giờ, vì mặt trăng đã nhường chỗ cho mặt trời bình minh, khi tôi tỉnh dậy. Quần áo tôi ướt sũng sương đêm; tay áo khoác đầy máu. Sự đau đớn làm tôi nhớ lại hết những gì đã xảy ra trong đêm qua và tôi ngồi dậy. Tôi tưởng là mình chẳng thể nào may mắn thoát khỏi tay của bọn người đuổi theo, nhưng khi nhìn quanh thì tôi hết sức ngạc nhiên, vì chẳng thấy nhà và vườn đâu nữa. Tôi thấy mình năm trong một góc, cạnh một hàng rào, gần ngay đường cái. dưới chút nữa là một tòa nhà dài, tới gần, tôi nhận ra đó là căn nhà ga mà tôi vừa đến tối qua, giá không có vết thương ở tay, chắc tôi tưởng là mình vừa nằm mơ thấy ác mộng.
Ngẩn ra vì ngạc nhiên, tôi vào nhà ga và hỏi giờ tàu chạy. Nửa giờ nữa sẽ có xe lửa ra tỉnh. Người giữ ga chỉ dẫn cho tôi cũng vẫn là người đêm qua: Ông ta còn làm việc. Tôi hỏi ông ta có biết ai tên là Đại tá Linh Sa không thì được trả lời là ông ta không biết. Ông ta cũng không thấy chiếc xe đứng đợi ở đây chiều qua. Tôi hỏi có trạm cảnh sát nào gần đây không thì chỉ có một trạm cách đây năm cây số. Vì cảm thấy yếu mệt quá nên tôi không đến đấy làm gì. Tôi quyết định sẽ nói với cảnh sát Luân Đôn khi về đây. Tới nhà ga Luân Đôn vào khoảng hơn sáu giờ, tôi lo để băng tay trước, sau đó bác sĩ đã có lòng tốt dẫn tôi đến đây. Tôi nhờ ông lo dùm vụ này đấy. Tôi sẽ nghe hết những lời ông chỉ bảo.
Sau khi nghe câu chuyện lạ lùng trên, hai chúng tôi ngồi sững trong giây lát. Rồi Sĩ Lâm vào giá sách lôi ra một cuốn tập dầy, trong đó anh đã dán các mẩu báo cắt ra. Anh nói:
- Đây là một tin vẫn đáng chú ý. Tin này đăng trong các báo cách đây gần một năm: “Ông Giang Hạnh, 28 tuổi, kỹ sư Thủy Lực đã mất tích ngày 9. Được biết ông ta ra khỏi nhà vào lúc mười giờ tối và sau đó không một ai thấy ông ta trở về. Đây là các dấu tích của ông ta... v.v...” A! Có lẽ đó cũng là lúc mà ông Đại tá cần người sửa máy cho ông ta kỳ rồi đấy nhỉ?
- Trời đất ơi! Chuyện đó cũng giải thích được những lời nói tối nghĩa của bà kia.
- Chắc chắn rồi. Ông Đại tá là một người lạnh lùng, không lay chuyển được, ông ta nhất quyết đã dẹp bỏ hết những ai nhòm nhõ vào công việc của ông ta. Cũng như là những tên cướp biển không bao giờ để một ai sống sót sau vụ ăn hàng của chúng ấy mà. Xong rồi! Bây giờ việc cần nhất chúng ta phải làm là đến sở cảnh sát Luân Đôn, sau đó ta sẽ đến làng Y Phong.
Vào khoảng ba giờ sau, chúng tôi leo lên xe lửa dẫn đến khu Bách San. Tất cả gồm có Sĩ Lâm, viên kỹ sư thủy lực, Thanh tra Bát Lộ của sở mật thám Anh, một cảnh sát viên vận thường phục, và tôi. Bát Lộ đặt trên ghế một tấm bản đồ của khu vực, và dùng com-pa, ông ấy vẽ một vòng tròn, có tâm điểm là làng Y Phong. Ông ta cắt nghĩa:
- Đây này, vòng tròn này có bán kính lối hai mươi cây số quanh làng Y Phong. Nơi mà chúng ta đang tìm ở đâu đó trên vòng tròn. Có phải ông đã nói là lối hai mươi cây số không nhỉ?
- Lối một tiếng đồng hồ xe ngựa chạy nhanh.
- Và ông nghĩ là họ đã có thể chở ông về nhà ga trong khi ông bị ngất đi?
- Chắc họ đã làm vậy. Tôi có cảm giác lờ mờ là được nhấc lên và khiêng đi đâu đó.
Tôi nói:
- Tôi không thể hiểu được tại sao họ lại tha cho ông, khi tìm thấy ông nằm bất tỉnh trong vườn. Có lẽ mấy tên dã man đó đã chịu nghe lời bà kia năn nỉ chăng...
- Chắc không đâu. Cả đời tôi, tôi chưa từng thấy người nào có bộ mặt đanh ác như ông ta!
Bát Lộ nói:
- Ồ! Rồi ta sẽ tìm ra hết! Đây là cái vòng tròn. Tất cả điều tôi mong muốn bây giờ, chỉ là làm thế nào biết được chỗ ta có thể tìm thấy mấy tên bợm mà chúng ta đang theo dõi.
Sĩ Lâm thản nhiên nói:
- Tôi tin là tôi có thể đặt ngón tay lên đó.
Viên Thanh tra la lên:
- Thế à? Ông đã có ý kiến rồi sao? Vậy được, để xem ai sẽ đồng ý với ông nhé. Tôi thì tôi cho là ở phía Nam, vì vùng đó vắng người hơn cả.
Bệnh nhân của tôi bảo:
- Tôi cho là ở phía Đông.
Viên cảnh sát mặc thường phục thêm:
- Tôi, thì phương Tây. Chỗ đó có vài làng nhỏ.
Tôi nói:
- Tôi nghĩ là ở phía Bắc. Ở đó không có núi non gì hết. Anh bạn mình đã nói không để ý thấy xe lên dốc gì cả mà.
Viên Thanh tra cười:
- Rồi! Đủ mọi ý kiến trái nghịch nhau. Ông theo ý ai, ông Sĩ Lâm?
- Các ông đều lầm hết!
- Chúng tôi không thể nào đều lầm hết được!
- Có chứ. Tôi thì tôi nghĩ là chỗ này.
Anh ta đặt ngón tay ngay giữa vòng tròn, và thêm:
- Đây là chỗ mà ta có thể tìm ra họ!
- Nhưng còn quãng đường hai mươi cây số thì sao?
- Giản dị lắm: Mười cây số đi và mười cây số trở về điểm khởi hành. Hơn nữa, chính ông đã nói là con ngựa hoàn toàn khỏe mạnh khi đến đón ông. Nếu nó đã chạy hai mươi cây số trên một con đường xấu thì làm sao nó còn có thể khỏe mạnh như thế được.
- Đúng! Thì ra bọn họ khôn thật. Nhưng về phần công việc mà bọn họ đang làm, thì không còn ngờ vực gì nữa.
- Không còn ngờ gì nữa! Đó là bọn làm bạc giả. Chúng dùng máy ép để làm những đồng tiền bằng kim loại.
Viên Thanh tra nói:
- Chúng tôi đã được báo động từ lâu là có một bọn như vậy. Chúng làm cả hàng ngàn đồng tiền. Biết được chúng ở vùng Bách san nhưng không rõ nơi nào. Chúng trốn chạy khôn hơn bọn cáo già. Nhưng bây giờ nhờ dịp may này, tôi có cảm giác là chúng sẽ không thoát khỏi tay ta.
Thật ra ông Thanh tra đã lầm: Bọn bất lương ở đó sẽ không bị tóm. Khi vừa tới Y Phong, chúng tôi đã thấy một cột khói lớn cuộn bay lên sau khóm cây, và tỏa ra như chùm lông đà điểu to lớn.
Bát Lộ hỏi:
- Có nhà bị cháy chắc?
Người sếp ga trả lời:
- Vâng!
- Bắt đầu cháy từ hồi nào vậy?
- Thưa ông từ sáng nay, nghe nói vậy. Nhưng đám cháy đã lan ra, và cả tòa nhà đều bị cháy.
- Nhà đó của ai vậy?
- Của bác sĩ Bá Sanh.
Viên kỹ sư ngắt lời:
- Này, ông bác sĩ Bá Sanh đó có phải là một người Đức rất gầy, có cái mũi nhọn không?
Người sếp ga bật cười:
- Không đâu, ông! Bác sĩ Bá Sanh là một người Anh, và ăn bận sang nhất vùng. Nhưng có một người bệnh sống trong nhà ông ta, dường như là một người ngoại quốc có hình dạng như ông vừa mô tả đấy.
Chúng tôi chạy vội về phía đám cháy. Đường hơi lên dốc. Trước mặt chúng tôi là một tòa nhà dài, lửa tỏa ra từ khắp các cửa sổ và cửa cái. Trong vườn, ba xe cứu hỏa cố gắng hết sức mà không dập tắt được đám cháy.
Hoàng Vĩnh la lên:
- Đây rồi. Đây là lối đi trải sỏi... và kia là đám hồng nơi mà tôi đã bị ngất đi. Cửa sổ lầu hai kia là nơi tôi đã nhảy ra.
Sĩ Lâm nói:
- Ít nhất, ông cũng đã trả được hận! Chắc hẳn cái đèn dầu, lúc bị máy ép cán phải, đã làm cháy cái vách ván và bọn họ, vì lo rượt theo ông, nên đã không phòng ngừa kịp lúc. Ông thử nhìn trong đám đông kia xem, biết đâu không nhận ra một trong những tên côn đồ bữa qua. Nhưng theo tôi nghĩ, có lẽ chúng đã trốn mất hết rồi, hỡi ôi!
Điều lo lắng của Sĩ Lâm đã thành sự thật. Từ hôm đó đến giờ, chúng tôi không nhận được tin gì về người đàn bà đẹp, người Đức hắc ám, hay người Anh mặt buồn rầu nữa. Sáng sớm hôm đó, một người dân quê đã thấy một chiếc xe chở nhiều người, và nhiều rương lớn, chạy ra tỉnh; từ đó chúng tôi mất dấu bọn họ luôn, và Sĩ Lâm đã tốn phí nhiều công lao mà không tìm lại được nữa. Những người lính cứu hỏa đã rất ngạc nhiên khi nhận thấy cách xếp đặt phía trong căn nhà, nhưng họ còn ngạc nhiên hơn khi tìm thấy một ngón tay cái còn tươi nguyên, trên thành một cửa sổ. Chiều hôm đó, họ dập tắt một ngọn lửa; nhưng mái nhà đã sụp xuống, và toàn thể căn nhà trông thảm thương, đến nỗi mà ngoài mấy cái ống sắt cong queo, chả còn sót lại gì nữa. Trong một căn nhà kho, người ta tìm thấy nhiều kền và thau; nhưng không thể nào tìm thấy một đồng bạc giả nào cả. Chắc hẳn là bọn bất lương đã chở hết theo với chúng, trong những cái rương lớn mà người nông dân đã trông thấy.
Chúng tôi sẽ không hiểu được bằng cách nào viên kỹ sư được mang đi, nếu không nhờ có nền đất ẩm ướt còn giữ lại những dấu chân đã nói lên sự thực. Rõ ràng là Hoàng Vĩnh đã được hai người khiêng đi, một người có bàn chân nhỏ xíu và người kia, bàn chân rất rộng. Chúng tôi kết luận là người Anh vẻ mặt buồn rầu, có lẽ ít táo tợn và ác độc hơn người cộng tác của ông ta, đã giúp người đàn bà mang viên kỹ sư đang bị ngất xỉu ra ngoài vùng nguy hiểm.
Hoàng Vĩnh nói với chúng tôi, trong lúc cùng lấy vé xe lửa về Luân Đôn:
- Tôi sẽ nhớ mãi câu chuyện này! Tôi mất một ngón tay cái và năm chục đồng tiền vàng. Và ngược lại tôi có được gì không?
Sĩ Lâm cười đáp:
- Ông được thêm kinh nghiệm! Và có lẽ biết đâu đó lại không lợi cho ông, một cách gián tiếp? Đây này, ông hãy viết kể lại câu chuyện của ông đi. Câu chuyện đó sẽ làm cho ông nổi tiếng là một người rất đặc sắc, trong quãng đời còn lại của ông đấy nhé.

HẾT

Xem Tiếp: ----