---~~~mucluc~~~---


CHƯƠNG 9
Từ bài “hịch tướng sĩ” đến sách “Vạn Kiếp tông bí truyền”

Ở mấy chương trước, ta đã thấy rõ võ công của đức Trần Hưng Đạo rồi; đến chương này, xin giới thiệu văn nghiệp của vị đại anh hùng dân tộc ấy. Có điều nên nhớ: văn nghiệp của ngài không phải là lối khoa cử từ chương, miệt mài trong những gọt rũa tiểu xảo, mà là thứ văn dọc đất, ngang trời, kinh bang, tế thế.
Hiện giờ, ngoài những binh thư của ngài đã thất truyền, ta chỉ còn có thể biết văn ngài qua bài hịch dụ các tướng sĩ bằng Hán văn, viết vào hồi kháng chiến Mông Cổ. Vậy nay xin so sánh nguyên văn đã in trong các sách Toàn thư, Cương mục và Hoàng Việt văn tuyển mà dịch nghĩa và chú giải như dưới:
漢文
余嘗聞之紀 信以身代死而脫高帝由于以背受戈而蔽昭王豫讓吞炭而復主讐申蒯斷臂而赴國難敬德一小生也身翼太宗而得免世充之圍杲卿一遠臣也口罵祿山而不從逆賊之計自古忠 臣義士以身殉國何代無之設使數子區區為兒女子之態徒死牖下烏能名垂竹帛與天地相為不朽哉汝等世為將種不曉文義其聞其說疑信相半古先之事姑置勿論今余以宋韃 之事言之王公堅何人也其裨將阮文立又何人哉以釣魚瑣瑣斗大之城當蒙哥堂堂百萬之鋒使宋之生靈至今受賜骨䚟兀郎何人也其裨將斤修思又何人也冒瘴厲於萬里之途 獗南詔於數旬之頃使韃之君長至今留名況余與汝等生於擾攘之秋長於艱難之際竊見偽使往來道途旁午掉鴞烏之寸舌而凌辱朝廷委犬羊之尺軀而倨傲宰輔托忽必烈之令 而索玉帛以事無已之誅求假雲南王之號而需金銀以竭有限之帑庫譬猶以肉投餒虎寧能免遺後患也哉余常臨飱忘食中夜撫枕涕泣交頤心腹如搗常以食肉寢皮茹肝飲血為 恨也雖余之百身高於草野余之千尸裹於馬革亦願為之汝等久居門下掌握兵權無衣者則衣之以衣無食者則食之以食官卑者則遷其爵祿薄者則給其俸水行給舟陸行給馬委 之以兵則生死同其所為進之在寢則笑語同其所樂其是公堅之為裨兀郎之為副貳亦未下爾汝等坐視主辱曾不為憂身嘗國恥曾不為愧為邦國之將侍立夷宿而無忿心聽太常 之樂宴饗偽使而無怒色或鬥雞以為樂或賭博以為娛或事田園以養其家或戀妻子以私於己修生產之業而忘軍國之務肄畋獵之遊而怠攻守之習或甘美酒或嗜淫聲脱有蒙韃 之寇來雄雞之距不足以穿虜甲賭博之術不足以施軍謀田園之富不足以贖千金之軀妻孥之累不足以充軍國之用生產之多不足以購虜首獵犬之力不足以驅賊眾美酒不足以 鴪虜軍淫聲不足以聾虜耳當此之時我家臣主就縛甚可痛哉不唯余之采邑被削而汝等之俸祿亦為他人之所有不唯余之家小被驅而汝等之妻孥亦為他人之所虜不惟余之祖 宗社稷為他人之所踐侵而汝等之父母墳墓亦為他人之所發掘不惟余之今生受辱雖百世之下臭名難洗惡謚長存而汝等之家清亦不免名為敗將矣當此之時汝等雖欲肆其娛 樂得乎今余明告汝等當以措火積薪為危當以懲羹吹虀為戒訓練士卒習爾弓矢使人人逄蒙家家后羿購必烈之頭於闕下朽雲南之肉於杲街不唯余之采邑永為青氈而汝等之 俸祿亦終身之受賜不唯余之家小安床褥而汝等之妻孥亦百年之佳老不唯余之宗廟萬世享祀而汝等之祖父亦春秋之血食不唯余之今生得志而汝等百世之下芳名不朽不唯 余之美謚永垂而汝等之姓名亦遺芳於青史矣當此之時汝等雖欲不為娛樂得乎今余歷選諸家兵法為一書名曰兵書要略汝等或能專習是書受余教誨是夙世之臣主也或暴棄 是書違余教誨是夙世之仇讎也何則蒙韃乃不共戴天之讎汝等記恬然不以雪恥為念不以除凶為心而又不教士卒是倒戈迎降空拳受敵使平虜之後萬世遺羞上有何面目立於 天地覆載之間耶故欲汝等明知余心因筆以檄云
Ta từng nghe nói: Kỷ Tín đem thân chết thay, cứu thoát Hán Cao Tổ249.
Do Vu lấy lưng đỡ giáo, che đỡ Sở Chiêu Vương250.
Dự Nhượng nuốt than, báo thù cho chủ251.
Thân Khoái chặt tay, cứu nạn cho nước.
Kính Đức là một tiểu sinh, đem thân cứu Đường Thái Tôn cho thoát vòng vây Thế Sung252.
Kiểu Khanh là một tôi xa, lớn tiếng mắng An Lộc Sơn, không theo mưu chước nghịch tặc253.
Từ xưa những kẻ trung thần nghĩa sĩ vì nước quên mình, đời nào chẳng có? Giá thử mấy gã ấy cứ du dú như tuồng nhi nữ, chết uổng ở xó nhà, thì danh họ đâu có để trên sử xanh, cùng trời đất trường thọ mà bất hủ.
Các ngươi nối đời, làm con nòi nhà tướng, không hiểu văn nghĩa, mới nghe ta nói, hãy còn nửa tin nửa ngờ. Những chuyện ngày xưa ấy không bàn vội. Nay ta hãy nói chuyện đời Tống, đời Nguyên:
Vương Công Kiên254 là người thế nào? Tì tướng của Kiên là Nguyễn Văn Lập255 lại là người thế nào? Vậy mà dám đem cái thành Điếu Ngư256 nhỏ mọn bằng chiếc đấu chống với mũi gươm nhọn bén ngồn ngộn hàng trăm vạn quân của Mông Kha257, khiến cho sinh linh nhà Tống đến nay còn nhờ ơn đấy.
Cốt Đãi Ngột Lang258 là người thế nào? Tì tướng của Ngột Lang là Cân Tu Tư259 lại là người thế nào? Vậy mà xông pha lam chướng trên đường muôn dặm trong khoảng vài tuần, đánh quỵ được quân Nam Chiếu260 khiến cho Quân trưởng Thát Đát261 còn để danh tiếng đến giờ.
Huống chi ta với các ngươi sinh ra ở buổi rối ren, lớn lên giữa lúc chật vật, chính mắt trông thấy sứ ngụy qua lại, tới tấp trên đường, uốn tấc lưỡi cú vọ làm nhục triều đình, đem tấm thân chó dê khinh lờn tể phụ! Mượn mệnh lệnh Hốt Tất Liệt262 mà đòi ngọc lụa để làm việc hạch sách không chán; dựa hiệu lệnh Vân Nam vương263 mà vòi vàng bạc để khoét của kho đụn có ngần! Thế khác nào đem thịt ném cho cọp đói, tránh sao khỏi lo về sau?
Ta từng đến bữa quên ăn, ban đêm vỗ gối, nước mắt nước mũi trào ra gò má, lòng đau như rần, thường căm giận rằng “không được”264 nuốt thịt, nằm da, ăn gan, uống máu quân địch. Thân ta dù phải chặt làm trăm mảnh mà dính khắp cả đồng, thây ta dù phải chết đến nghìn lần mà bọc vào da ngựa, ta cũng sẵn lòng, xin làm.
Các ngươi ở môn hạ ta đã lâu, nắm giữ binh quyền: ai không có áo thì cho áo mặc; ai không có ăn thì nuôi cho ăn; quan thấp thì thăng cho tước; lộc bạc thì ban cho bổng; đi thủy thì cấp cho thuyền; đi cạn thì phát cho ngựa; giao cho việc binh thì sống chết có nhau; mời vào trong nhà thì cùng vui cười nói. Như vậy sánh với Công Kiên làm tì tướng, Ngột Lang làm phó nhị, nào có kém đâu?
Các ngươi ngồi nhìn chủ nhục, chẳng hề lấy thế làm lo; chính mình phải “nếm”265 quốc sỉ, chẳng hề lấy thế làm thẹn; làm ông tướng ở nước trung ương266, phải đứng hầu đứa trùm mọi mà không rực lòng căm tức! Nghe khúc nhạc thái thường267 phải đem tấu thết sứ giặc yến ẩm mà không nổi vẻ giận hờn! Hoặc chọi gà mua vui, hoặc cờ bạc lấy thích, hoặc chăm ruộng vườn để nuôi nhà, hoặc quấn quýt vợ con để thỏa tình riêng. Sửa nghiệp sinh sản mà quên việc quân, quốc; ham chơi săn bắn mà chểnh mảng tập tành đánh, giữ; hoặc nghiện rượu ngon; hoặc mê tiếng dâm... Thoắt có giặc Mông Cổ Thát Đát xông đến, thì cựa gà sắc không đủ đá rách được áo giáp giặc; mánh lới cờ bạc không đủ dùng làm mưu chước việc quân; giàu có điền viên không đủ chuộc được tấm thân nghìn vàng; bận bịu vợ con không đủ sung vào công việc quân quốc; sinh sản được nhiều không đủ để mua đầu giặc; rượu ngon không đủ đầu độc quân giặc; tiếng dâm không đủ làm điếc tai giặc!
Đương lúc bấy giờ thày trò nhà ta bị trói, đáng đau đớn lắm thay! Chẳng những thái ấp268 ta bị tước, mà bổng lộc các ngươi cũng bị kẻ khác chiếm mất; chẳng những gia quyến ta bị xua đuổi, mà vợ con các ngươi cũng bị kẻ khác bắt sống; chẳng những xã tắc tổ tông ta bị kẻ khác chà lấn, mà mồ mả cha mẹ các ngươi cũng bị kẻ khác đào lên; chẳng những ta kiếp này chịu nhục, dẫu trăm đời sau cũng khó rửa sạch tiếng nhơ, còn mãi đến thụy269 xấu; mà gia thanh nhà các ngươi cũng không tránh khỏi cái tiếng là viên tướng bại trận! Trong khi bấy giờ, các ngươi dẫu muốn buông tuồng vui sướng, phỏng có được không?
Nay ta bảo rõ các ngươi: nên nghĩ đến cơ nguy là dấm lửa chỗ chất củi270, nên răn cái nạn đã trải là bỏng canh một lần thì thổi cả dưa lạnh271, phải rèn dạy quân lính, tập tành cung tên, khiến người này người khác đều là Bàng Mông272 nhà nào nhà nấy đều là Hậu Nghệ273, bêu đầu Hốt Tất Liệt ở dưới cửa khuyết, xả thịt Vân Nam vương ở chốn cảo nhai274, thì chẳng những thái ấp ta giữ được làm chiếc “chiên xanh”275 mãi mãi, mà bổng lộc các ngươi cũng là ơn ban suốt đời được hưởng; chẳng những vợ con ta được yên trên giường đệm, mà vợ con các ngươi cũng được bách niên giai lão; chẳng những tông miếu ta được tế lễ muôn đời, mà ông cha các ngươi cũng được hưởng huyết thực276 trong những kỳ xuân thu cúng tế; chẳng những ta đời nay đắc chí, mà các ngươi trăm năm sau cũng bất hủ, còn mãi tiếng thơm; chẳng những tên thụy ta đẹp mãi đời đời, mà tên họ các ngươi cũng để thơm trên sử sách. Đương lúc bấy giờ, các ngươi dẫu không muốn bày cuộc vui sướng, phỏng có được chăng?
Ta nay đã soạn binh pháp các nhà làm thành cuốn sách, đặt tên là “Binh thư yếu lược”. Các ngươi nếu biết chuyên tập sách này, nghe lời ta dạy thì là thầy trò từ kiếp trước đến giờ: nếu vất bỏ sách này trái lời ta dạy, thì là kẻ thù từ kiếp trước đến đời nay.
Sao vậy? Mông Cổ Thát Đát là quân thù không đội trời chung, các ngươi đã nhơn nhơn không nhớ rửa hờn, không nghĩ trừ dữ, lại không rèn dạy quân lính, thế là giở giáo, đón giặc, tay không, chịu hàng, khiến sau trận thành Bình Lỗ277 để xấu muôn đời, thì còn mặt mũi nào đứng trong vòng trời che đất chở nữa?
Vậy muốn các ngươi biết rõ lòng ta, nhân cầm bút viết lời hịch.

*

Đức Trần Hưng Đạo lại có thập tập binh pháp các nhà, làm thành Bát quái Cửu cung đồ, gọi là Vạn Kiếp tông bí truyền thư. Sách ấy nay không còn nữa. Giờ ta chỉ có thể dựa vào lời Tựa của Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư như có chép ở sử Toàn thư, quyển 6, tờ 14b-15b mà biết sơ qua nội dung binh thư của Trần Quốc Tuấn.
Tác giả bài Tựa ấy mở đầu bằng mấy câu này: “Người giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì không cần đánh, người giỏi đánh thì không thua, người biết thua thì không chết...” (Dịch theo nguyên văn chữ Hán).
Rồi nhà viết Tựa cho ta biết đến yếu chỉ của sách: “... Quốc công278 ta bèn hiệu đính, biên soạn đồ pháp các nhà, tập thành một bộ. Dẫu rằng mảy chút nào cũng biên chép cả, nhưng khi dùng thì phải bỏ bớt cái phiền, tóm lấy cái thực. Lại ứng dụng theo Ngũ hành279, quyền nghi theo Cửu cung280, phối hợp theo thể cứng mềm, tuần hoàn trong vòng lẻ chẵn, không lẫn lộn âm, dương, thần, sát281, lợi phương282, cát diệu283, hung thần284, ác tướng285, tam cát286, ngũ hung287: thảy đều rõ ràng, phảng phất tinh thần đời Tam đại (Hạ, Thương, Chu). Trăm trận đánh đều được toàn thắng. Cho nên đương thời, phía bắc, làm rung động cả Hung Nô (chỉ Mông Cổ) phía tây, uy phục được Lâm Ấp (tức Chiêm Thành). Ngài bèn trao lại sách này để làm gia truyền, chứ không tiết lộ ra ngoài.
Ngài lại dặn rằng: “Về sau, phàm các con cháu hoặc các bồi thần của ta được cái bí thuật này thì nên coi là minh triết, theo đấy mà dàn thế, bày trận, chứ không nên kháo nhau cho là một áng di văn gàn dở mờ tối. Nếu không nghe lời ta dặn bảo thì chính thân mình sẽ chuốc lỗi, mắc hại, mà cả đến con cháu cũng phải vạ nữa. Đó vì làm lộ thiên cơ”. (Dịch theo nguyên văn chữ Hán).
Nhân bài Tựa của Trần Khánh Dư, ta biết thêm rằng trong đức Trần Hưng Đạo, có võ tất có văn: đã “biết” phải hợp một với “làm”, nên binh pháp ngài đem ứng dùng thì “trăm trận đánh đều được toàn thắng” (bách công toàn thắng) như nhà đề Tựa đã nói đó.

Chú Thích

249. Hán Cao Tổ (206-195 TCN) bị Hạng Vũ vây, gấp quá, Tín bèn giả là Hán Cao, thay ra hàng Sở: vì thế, Hán Cao trốn thoát còn Tín bị Hạng Vũ thiêu chết.
250. Sách T truyn chép Sở Chiêu vương bị giặc lấy giáo đâm, Do Vu chìa lưng mình ra che đỡ cho Sở Chiêu.
251. Dự Nhượng người nước Tấn, đời Chiến Quốc (481-221 TCN); thờ Trí Bá. Khi Triệu Tương Tử và Hàn Ngụy diệt Trí Bá, Nhượng bèn sơn mình như quỷ, nuốt than làm câm, mưu giết Tương Tử để báo thù cho Trí Bá; nhưng hai lần cùng bị Tương Tử bắt được. Lần trước, được Tương Tử thả ra; lần sau, Nhượng đòi xin cái áo của Tương Tử mà đánh để tỏ ý trả thù cho Trí Bá rồi tự sát.
252. Đường Thái Tôn (627-649) tên là Lý Thế Dân, khi còn làm Tần vương, có đánh nhau với Vương Thế Sung, bị Thế Sung vây khốn, nhờ có Kính Đức cứu giúp mới thoát được vòng vây.
* Đường Thái Tôn (627-649): Đây là thi gian ti v. (BT)
253. Đời Đường Huyền Tôn (713-755), An Lộc Sơn nổi loạn, Kiểu Khanh giữ lòng trung nghĩa, không chịu theo giặc.
* Đường Huyn Tôn (713-755): Đây là thi gian ti v. (BT)
254. Người đời Tống.
255. Hoặc Nguyễn Sơn Lập.
256. Tức là thành Hợp Châu, vì thành này ở núi Điếu Ngư, nên mới đặt tên như thế. Nay thuộc phủ Trùng Khánh, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Hoa. Khi Mông Kha bên Nguyên xâm nhà Tống, vây thành này, viên Tri châu thành Điếu Ngư bên Tống là Vương Kiên (Nguyên s chép là Vương Kiên, không có chữ đệm là “Công”), cố sức chống giữ được hàng năm tháng, khiến quân địch không hạ nổi thành. Quân Nguyên phải giải vây, rút về.
257. Tức Mông Ké, vua Mông Cổ, miếu hiệu là Hiến Tôn, anh Hốt Tất Liệt.
258. Tức Wouleangotai mà Nguyên s chép là Ngột Lương Hợp Thai (hoặc Ngột Lương Cáp Thai). Thông giáp tp lãm chép là Ô Đặc Lý Cáp Đạt.
259Toàn thư,vàCương mục đều chép là Cân Tu Tư, còn Hoàng Vit văn tuyn in là Xích Tu Tư vì “Cân”(斤) và “Xích”(斥) mặt chữ gần giống nhau.
260. Sau là Đại Lễ, hoặc Đại Lý, nay là Vân Nam.
261. Tức Mông Cổ.
262. Tức Nguyên Thế Tổ.
263. Sau khi lấy được Đại Lý (nay là Vân Nam) Nguyên Thế Tổ bèn phong cho con là Hốt Kha Xích làm Vân Nam vương để cai trị.
264. Theo Cương mục có hai chữ “bất năng”, Toàn thư,không có.
265. Theo Toàn thư, chép là “thường” (嘗). Còn Cương mục và Hoàng Vit văn tuyn đều in là “đương” (當).
266. Đây theo Toàn thư, quyển 6, tờ 11b-14a chép là “trung quốc”, nên dịch là “nước trung ương”. Chừng đức Trần Hưng Đạo, tác giả bài hịch, bấy giờ, muốn nâng cao địa vị quốc gia lên để khích lệ tướng sĩ, nên mới nói nước mình là “trung quốc”, mà mạt sát Mông Cổ là di địch (gọi trùm Mông Cổ là “di tù”). Bùi Tồn Am, khi soạn bộ Hoàng Vit văn tuyn có lẽ không thấu rõ cái thâm ý ấy của đức Trần Hưng Đạo, nên tưởng sử cũ in lầm bèn dám tự tiện đổi hai chữ “trung quốc” làm “bang quốc”. (Xem Hoàng Vit văn tuyn, quyển 7, tờ 1b-4b).
267. Theo T nguyên, thì “thái thường” chỉ có hai nghĩa: cờ thái thường và chức quan đời Hán giữ lễ nghi nơi tôn miếu. Đây nói “nhạc thái thường” có lẽ là một thứ nhạc thờ đời Trần dùng để tế tự nơi tông miếu chăng?
268. Đời phong kiến, phàm đất mà khanh, đại phu được phong để thu lấy thuế má làm bổng lộc, gọi là “thái ấp” hoặc “thực ấp”.
269. Lối xưa, khi ai đã chết, sắp đem chôn, thì người ta xét theo đức tính bình sinh của nấy mà đặt cho tên hiệu để thay cho tên húy. Sau theo chế độ phong kiến, xã hội chia nhiều giai cấp: vua quan mới được gọi là “tên thụy” người thường gọi là “tên hiệu”. Tên thụy xấu như “U vương” (vua Tối tăm) và “Lệ vương” (vua Hung dữ) đời Chu.
270. Nguyên văn là “thổ hỏa tích tân”, chữ trong Hán thư, đem lửa để ở dưới chỗ chứa củi mà nằm lên trên; thấy lửa chưa kịp bốc cháy, đã vội gọi là yên ổn. Ý nói phải lo cái vạ ngấm ngầm.
271. Nguyên văn là “trừng canh suy tê”, chữ trong S t. Ý nói phải kiêng răn quá lắm.
272. Đều là những thiện xạ bên Trung Quốc xưa.
273. Đều là những thiện xạ bên Trung Quốc xưa.
274. Đời Tống, chỗ nhà để cho mán mọi ở. Khi họ vào triều cận gọi là “cảo nhai”.
275. Do điển trong Thế thuyết (Vương Tử Kính đêm nằm trong nhà, có bọn trộm vào nhà, vơ vét hết cả đồ đạc. Vương thủng thẳng bảo: “Chiếc chiên xanh là đồ lâu đời của nhà ta, các anh phải bớt lại đấy”.)
276. Xưa dùng huyết con sinh để cúng tế, nên gọi sự được hưởng cúng tế là “huyết thực”.
277. Theo lời chua trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi, thì triều Lý có đào sông Bình Lỗ để tiện đi lại ở miền Thái Nguyên. Vậy thành Bình Lỗ chắc ở địa phận Thái Nguyên.
278. Chỉ đức Trần Hưng Đạo.
279. Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
280. Cửu cung qui thân là: Thái nhất, Nhiếp đề, Quyền chủ, Chiêu đao, Thiên phù, Thanh long, Hàm trì, Thái âm và Thiên nhất. Nếu tính theo phép lịch, thì Cửu cung gồm chín vì sao này: Thiên bồng, Thiên nhuế, Thiên hành, Thiên phụ, Thiên cầm, Thiên tâm, Thiên trụ, Thiên nhậm và Thiên anh.
281. Giết chết.
282. Phương hướng thuận lợi.
283. Sao lành.
284. Thần dữ.
285. Ông tướng hung ác.
286. Ba điều lành.