tuổi trên 60 không thể còn viện một lý do gì để bảo mình còn trẻ cả. Trên 60 năm của cuộc sống đã qua, trong đó có hơn 20 năm ở miền Nam. Đó là thời gian trai trẻ, bay nhảy. Vậy mà suốt thời gian đó, với bao thăng trầm, hoạt động, tôi vẫn thấy tôi là một người “Bắc Kỳ.” Bạn bè tôi, bao nhiêu người thân thiết là người Nam. Thân lắm, hiểu nhau, giúp nhau cũng nhiều, nhưng họ vẫn “thấy” tôi là một “thằng bạn Bắc Kỳ”. Yêu miền Nam lắm lắm, chịu ơn miền Nam cũng nhiều, “bị” gọi là “thằng Bắc Kỳ”, tôi chẳng bao giờ buồn cả. Vì quả thật, tôi rất là “Bắc Kỳ”. Bắc Kỳ từ giọng nói, cách cư xử. Nhất là qua sách báo mà các bạn tôi muốn biết về Bắc Kỳ, đó là lúc tôi “thao thao bất tuyệt”. Các bạn cứ ngồi im mà nghe. Có lúc các bạn Nam Kỳ kêu lên: “Mẹ! Nghe thằng Bắc Kỳ nó nói cứ như hát...” Lời nói có phần khen mà cũng có phần chê. Chê là nói có vẻ dóc tổ quá. Biết thế tôi chỉ đành cười. Vì quả mình Bắc Kỳ thật. Một thứ Bắc Kỳ chính hiệu, như Nguyễn Bính viết:

“Hoa chanh nở ở vườn chanh

Thầy u mình với chúng mình chân quê
Từ 1975 đến nay, tôi đã trên 20 năm ở Mỹ, và sẽ còn ở Mỹ cho đến già, điều đó có lẽ khó mà thay đổi được. Và trên pháp lý, tôi cũng đã là công dân Mỹ gần 20 năm rồi. Hơn 20 năm đó, đã có một lớp người Mỹ sinh ra, lớn lên và trưởng thành, đi làm và tôi thường gặp. Một số điều về nước Mỹ tôi nói ra, các bạn trẻ cười và nói: “Tôi không biết. Lúc đó tôi mới sinh ra …!” Suốt hơn 20 năm đó, tôi cũng đã lăn lộn kiếm sống, lúc “cổ xanh”, lúc “cổ trắng”. Hơn 20 năm đó, dù chỉ “ghé mắt mà nhìn”, tôi cũng đã có những lo toan, vui buồn với những thăng trầm của nước Mỹ. Lúc kinh tế suy sụp hồi đầu thập niên 80, tôi thất nghiệp, buồn. Lúc kinh tế lên, dễ kiếm việc, tôi có việc tốt, mua nhà. Lúc quân Mỹ ồ ạt chinh phạt tại Vùng Vịnh, tôi hân hoan … Những điều ấy đã diễn ra trong cuộc sống này, tại đây, nước Mỹ, làm sao mà không ảnh hưởng, không lưu lại trong lòng chúng ta những vui buồn. Như thế, trên pháp lý và đời sống, tôi chắc chắn là Mỹ.
Đi chơi ngoài nước Mỹ, với thông hành Mỹ, tiêu tiền Mỹ, người các nước khác đã nhìn tôi như một thứ Mỹ mà tiếng Mỹ nói cứ như tiếng gì, giống như tiếng Pháp. Làm sao được. Nhưng khi từ nước ngoài “về Mỹ” thì dù có đưa thông hành Mỹ ra, quan thuế Mỹ cũng nhìn tôi khác. Họ xét hành lý của tôi kỹ hơn. Họ hỏi tôi kỹ hơn. Và chính tôi cũng thấy điều đó là một lẽ tất nhiên. Bởi, dù sống ở Mỹ, đã là dân Mỹ, tôi vẫn chỉ là một anh Bắc Kỳ gốc nhà quê. Dù có “nhí nhố thế này, thế khác” tôi vẫn biết và thấy mình là một người Việt Nam, sinh ra và lớn lên tại một làng quê Bắc Việt.
Rồi thời cuộc đổi thay, năm 1994 tôi đã có thể về lại Việt Nam, thăm lại Hà Nội, và về quê Tây Sơn thăm lại nhà cũ, nắm lại bàn tay gầy ốm của anh, của chị, của em. Đứng bùi ngùi giữa cánh đồng xanh, thắp nén hương trên mộ đấng sinh thành … Lúc ấy tôi thấy bao nhiêu năm tháng đã qua ở miền Nam, ở bên Mỹ, như một giấc mộng. Trong làn gió mát, toàn thân tôi như “ngửi” thấy cả một mùi nắng nào đó rất đỗi thân quen … Bồi hồi khôn tả, rồi tôi trở lại Mỹ, trở lại cuộc sống thường ngày, bật dậy theo tiếng reo của đồng hồ báo thức. Theo thói quen đầu ngày đi làm, này là con đường đầy xe. Góc ngã tư đèn đỏ … quen lắm lắm, nhìn qua kính xe, tôi lại thấy ông già râu bạc đi xe đạp, đội cái mũ có hai cái râu con bọ của hãng trừ mối mọt. Tôi gặp ông ở đầu xa lộ, ấy là tôi đi hơi sớm. Gặp tại ngã tư vào nghĩa trang là vừa. Gặp sau đó, coi chừng đến sở không còn thì giờ uống cà phê …
Tôi là một phần tử đóng góp vào nếp sống thân quen ở góc phố này. Tới sở, đưa tấm thẻ vào cái “mắt xanh”, cửa quen người, bật mở. Những tiếng chào đầu ngày. Hôm nay là thứ Hai, ai nấy quần áo chỉnh tề, đàn ông thì cà vạt, đàn bà thì váy mới thơm lừng. Thứ Sáu, ồ, cám ơn Chúa đã là thứ Sáu, mọi người lại ăn mặc làm ra luộm thuộm. Quần jean, giày vải. Và ngày Valentine đến, có những đóa hồng trên góc bàn của các cô gái … Tôi coi đã quen, đã thấy như từng thấy … Tôi là một người Mỹ mà. Nhưng không đâu. Chỉ qua vài câu xã giao đầu ngày, tôi cặm cụi vào màn ảnh máy điện toán để xem có tin tức gì liên hệ đến mình không. Sau đó tôi bận bịu với công việc của tôi. Đầu óc tôi thênh thang, phiêu lưu về một miền đất xa xôi: Quê nhà. Ôi quê nhà. Suốt trên 60 năm qua, từ mấy năm còn bé, học tiểu học và những ngày hè, tôi đều xa quê rất nhiều. Hà Nội, Sài Gòn, các vùng sông nước, các cửa biển. Và Mỹ, những ngày lao đao mới đến. Những xa lộ xe chạy như một cơn mê … nhiều lắm chứ. Nhưng trong lúc thảnh thơi “nhàn du” ấy, tôi chỉ “trở lại” nơi quê nhà. Bao nhiêu điều nhớ lại, đã viết ra, mà hầu như chẳng thể nào hết. Mà lạ! Những điều kể như vui sướng, hầu như chẳng lưu lại trong trí nhớ của tôi bao nhiêu. Điều làm tôi nhớ nhiều đến lại là những ngày bé mọn nơi quê cũ. Tôi nhớ đến một ngọn cây xoan thả những hoa tím xuống đầy mặt con đường đất có lấm tấm mưa xuân:

Hoa xoan lớp lớp được vơi đầy

Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ... (1)

Vâng, cái cây xoan ấy mọc sau một bức tường đất đã có nhiều chỗ vỡ, lở. Cạnh đó là cây bưởi tỏa ngát một mùi hương. Mảnh tường đất ấy ở phía tay phải kể từ cổng nhà tôi, đi ra phía Đồng Mát. Và cũng từ đó, đường lát gạch đã hết. Con ngõ đất ấy nằm dài một quãng, đi ngang nhà Cô Thầy ở bên tay mặt. Và một quãng nữa là đến nhà chú Tòng. Nhà chú ở ngay lối rẽ. Ở đó có cái cổng tán bằng những ngọn tre khô dựng lên. Từ đó nhìn lên, tre bao kín cả trời. Thân tre cọ vào nhau kêu cót két như “ma nó đưa võng”. Thỉnh thoảng có một cái mo nang long khỏi mấu tre, chao chát rơi xuống ở sau lưng, làm tôi hốt hoảng như ma nó dọa mình.
Vâng, chính các khúc rẽ ấy là nhà chú Tòng tôi. Khác với các nhà ở “trong làng”. Nhà chú toàn bằng tre. Cột tre, rui mè cũng bằng tre. Cái cánh dại cũng bằng tre. Và mái nhà thì lợp rạ. Tường đất bằng bùn trộn với rơm. Nhưng nhà chú cũng tươm tất, ba gian hai chái. Chú tô một lượt vôi lên mặt tường, quét vôi trắng trắng lốp. Giữa là bàn thờ, cũng bằng tre, án gian tre. Bàn thờ tre, và cái mâm chõng để bày cỗ cúng cũng bằng tre. Tường trong, sau bài vị, là một bức tam sự bằng giấy vẽ cảnh núi non, sông nước, ngũ sắc, chỉ Tết chú mới treo lên. Hai gian bên là hai cái giường, vừa làm chỗ tiếp khách, vừa làm chỗ ngủ. Trên tường, chú vẽ một con cá hóa long, màu sắc xanh tím, râu, vảy óng ả, đang thả những cái bong bóng lên cao giữa những hàng thủy ba rộn rã. Nhà chú không có nhà ngang, mà chỉ có một cái bếp nhỏ. Trước nhà là một mảnh sân đất. Vào ngày đầu xuân, nền đất khô, nứt những đường nhỏ như vết chân chim. Ở đó, tôi có thể đi chân đất để thấy cái mát lạnh và rất êm, hiền như một bàn tay của chị. Ở cái sân ấy, tôi tùy thích, có thể vạch một đường ngang để đánh đáo. Vì bao giờ cũng thế, Tết tôi đến nhà chú, chú đứng sẵn ở hiên, cười khà khà và móc túi và cho tôi một đồng xanh-căng (50 xu) trắng xóa. Đồng xanh-căng tôi có thể đổi được 50 đồng xu đồng, hoặc 100 đồng chinh màu vàng. Một mình chú mừng tuổi bằng nửa số tiền cả họ đã cho tôi. Và mùng Hai, chỉ mùng Hai thôi, chú đã làm lễ tạ các cụ.
Tết nhà chú chỉ có hai ngày, mùng Một và sáng mùng Hai là hóa vàng. Chú bảo: “Thôi thì tùy gia phong kiệm … xin các cụ đại xá cho.” Lễ tạ ở nhà chú, bao giờ chú cũng gọi tôi xuống ăn cỗ. Tất cả chỉ có một con gà. Gà luộc, lấy nước làm canh, thả mấy lát bí vào, ngon mắt. Con gà ấy, chặt vội ra, mỗi miếng như một nắm tay nhỏ, bỏ vào cái rá, ném một nhúm muối vào, xóc lên, đơm vội ra đĩa lớn, bày lên mâm, và chú bảo: “Các đứa đâu, vào ăn cỗ.” Chú gắp cho tôi miếng thịt gà để lên bát cơm trắng có ngọn. Cơm nóng, thịt gà còn nóng, ngon một cách đơn giản mà đầy đặn …
Hôm sau, mùng Ba Tết, chú đội cái nón rộng, choàng cái khăn nhiễu, ra cái điều còn ăn mặc theo lối ngày tư, ngày Tết. Chú quảy một gánh, hai đầu gánh là hai cái sọt to. Chú làm nghề đổi đồng. Chú đi mua các nồi đồng cũ, về sửa lại, vá lại các chỗ rò, đem bán. Sáng chú quảy gánh đi, tối mới về. Chú đi suốt các làng quanh đây. Gần thì Vĩnh Lộc, Yên Thôn. Xa chút nữa là bên làng Chàng, quê ngoại của tôi. Xa nữa là làng Núc. Làng Núc, tên gọi của mấy làng như Hương Ngải, Canh Nậu, Dị Nậu, Bến Thôn … Từ cánh Đồng Mát, nhìn qua cánh Đầm Bùi, những mùa nước lên, trắng xóa những nước, làng Núc hiện ra mờ nhạt. Khi nước đã lắng trong, mặt nước như có sương phủ. Mấy con chim bồ nông màu nâu pha trắng đâu như từ núi Tản Viên bay về bơi nhởn nhơ ở giữa khoảng mây nước ấy. Chú bảo “Thiên hạ họ ăn Tết lâu hơn làng ta. Đến hạ nêu rồi họ mới động thổ …” Tôi nhìn lũy tre xa lắc ấy, những con cò trắng bay siêu cánh mất hút ở mảnh trời bên ấy. Xa thật. “Thiên hạ” của chú xa quá, đi từ sáng đến gần trưa, có khi ăn mấy miếng trầu mà chưa đến… Những ông Chánh, ông Bá, những người có máu mặt ở các làng ấy, chú đều có quen, “cũng là chỗ đi lại mua bán cả …” Chú đi như thế, quen như thế, bao giờ tôi mới đi được. Cái Đầm Bùi mờ mịt kia bao giờ tôi mới có dịp vượt qua.
Có lẽ tôi phải nói rõ thêm một chút về chú. Chú là chú họ tôi, có lẽ gần lắm. Vì cứ nghe nói lại, thì từ nhỏ đến lớn, nhà tôi, nhà bác tôi có việc gì là có chú. Lúc bác tôi mới làm  xưởng trà trên mạn ngược cũng có chú. Chú bảo, ở với người Mọi, cần nhất phải thật thà. Nói sai một lần họ không tin, họ thư cho đến chết. Chú lại bảo, có lần chú đi ngựa từ mạn ngược về, con ngựa của bác cả đưa cho chú cưỡi. Lúc leo lên, nó để yên, đến khi chú rung cương là nó phóng nước đại. Chú ghìm cương lại cứng ngắc, nó càng tế tợn. Chú hoảng quá, nằm rạp xuống yên ngựa. Nó cứ thế vùn vụt, nó mà vật mình ngã xuống, chắc chết. Đầu tóc chú xổ tung. Chiếc khăn lượt nhiễu tám vuông vướng vào chân con ngựa. Chú hoảng quá, muốn “họ” nó lại mà không biết làm sao. Tới một đầu kẽm(2), một người Thổ vẫy nón và kêu lớn: “Tr…ung già…” Tiếng nói lơ lớ, chú vội buông chùng cương, thế là nó đi nước kiệu, rồi từ từ đứng lại … Một lần khác chú kể lại: Khi bác cả làm nước mắm. Các thùng nước mắm to bằng cả gian nhà, cao vút đầu. Tây nó bảo có đứa báo là trong thùng nước mắm ấy có để khí giới của tụi làm việc kín. Chú lại phải tắm rửa sạch sẽ, rồi hụp xuống đáy thùng mò. “Đâu có gì …”
Rồi những năm loạn lạc, đói năm Ất Dậu, Nhật lật Tây, rồi Việt Minh lên. Loạn lạc liên hồi. Chú chạy qua, chạy lại. Nghe ngóng có gì lạ là chú lên nói nhỏ cho thầy tôi hay. Tây càn qua, bắt thầy tôi đi. Tây thả về, Việt Minh lại bắt. Ông cụ ốm rồi mất. Khi thầy tôi mất, hầu như cả làng, cả họ đều đến thăm ông cụ. Bác tôi ngồi mài quế vào cái vung sành, và thắp hương lên bàn thờ các cụ. Còn chú Tòng, chú chạy qua chạy lại. Khi thầy tôi mất, lúc ấy là nửa đêm, được báo, chú lên ngay. Chú điềm tĩnh thay quần áo cho thầy tôi. Lấy vải quấn quanh người. Chú đi xin đất. Chú đặt áo quan. Chú nói hàng mã làm nhà táng. Chú cho sửa cơi trầu để thưa với hàng giáp. Khi hạ huyệt chú xem anh em đô tùy có xuống đều tay không. Khi áo quan đã xuống lòng huyệt, chú đứng ở đầu huyệt, ngắm lại cho ngay ngắn rồi trình với cụ Tú Kép, để cụ phân kim cho đúng hướng, rồi mới lấp đất. Mộ đắp xong, cao ráo đâu đó, chính chú cắm hai chữ Trung, Tín vào hai bên mộ của thầy tôi, rồi mới ra về.
Anh em tôi còn bé, hoặc mới lớn, mất mẹ, mất thầy, thấy mình như một con diều đứt dây. Chúng tôi buồn bã đi từ ngoài mộ về nhà. Tới nhà, nơi căn buồng mà thầy tôi vừa mất, đã được  dọn dẹp sạch sẽ. Ở đó bây giờ bày một bàn thờ vong. Có hình thầy tôi ở trên bàn. Anh em tôi dựng các cây gậy tre và mũ rơm vào hai bên bàn thờ và đứng đó lễ tạ các người đến viếng. Những mâm cỗ đơn sơ, gọi là “tạ ơn hàng giáp”, cũng do chú lo lắng. Chỗ nào cần là có chú. Chú tỉnh táo và lo toan như thế, tôi có cảm tưởng như chú sành việc quá, quen quá, và chả có chút thương xót gì thầy tôi.
Khi đêm đã sâu, khách tới viếng đã vãn. Trên bàn thờ các cây hương đã lụn, lúc ấy chú mới bảo các anh em tôi: “Các cháu vào cả đây, ngồi sau chú để lễ thầy cháu …” Anh em tôi áo sô, mũ rơm ngồi sau chú. Chú quỳ trước bàn thờ, thắp một tuần hương mới. Một khắc im lặng trôi qua, tôi như nghe thấy được tiếng con dời bay, xà vào ngọn nến rồi chết dính ở đó. Bổng chú nấc lên và kêu: “Ô hô! Ô hô! Anh ơi là anh ơi! …”  Tiếng kêu thống thiết vỡ ra giữa ban đêm, làm tất cả anh em chúng tôi òa khóc …
Chú Tòng, chột mắt, mặt rỗ chằng, ngày thường trông đã xấu. Giờ chú vật vã khóc lóc thảm thương, tóc xổ tung, càng xấu, mà tôi thương chú quá, yêu chú quá.
Lúc bé, tôi có thấy thím Tòng, người cao lỏng khỏng, răng đen, và nghe nói thím chẳng phải người nhẹ tay, nhẹ chân, nên những tấm vải của thím dệt chỗ dầy, chỗ mỏng, khó bán. Do đó thím xoay ra buôn bán vải, nay chợ Nủa, mai chợ Săn. Hàng họ thì “vặt đầu cá, vá đầu tôm,” thím mượn vải của người làng đem bán. Bỗng một hôm không thấy thím đâu nữa, cả nhà bổ nhào đi tìm, kiếm cả bờ ao, chuôm, đầm. Vẫn biệt tăm. Và đúng lúc đó, người làng đến đòi nợ chú Tòng nườm nượp. Thôi thì vợ làm chồng chịu, “cháo nóng húp quanh, công nợ trả dần”, chú Tòng xin khất, để từ từ tính lại. Lại có người bảo, thím vỡ nợ nên thím trốn lên rừng ở với Mọi rồi. Hư thực ra sao, đành chịu. Chú Tòng hằng ngày vẫn quảy hai cái sọt đi đổi đồng. Có lúc chú đi đâu vắng đến cả tháng. Người ta bảo chú lên rừng tìm thím ấy đấy. Ai hỏi, chú chỉ ừ hữ cho qua. Mặt chú rỗ, mắt lác, nên khó đoán được chú lo buồn ra sao. Đôi lúc buồn quá, chú hát:

Ba bốn năm ăn ở trên rừng,

Chim kêu (mà) vượn hót (chứ) nửa mừng, nửa lo.

Mẹ tôi mất sớm, rồi thầy tôi lại mất. Thời cuộc loạn lạc. Quê hương chìm trong cuộc tương tàn khốc liệt, và quê hương cũng chẳng dung nổi mình. Anh em tôi phân tán. Tôi và anh hai tôi vào Nam, vừa làm việc vừa học và luôn luôn nhớ lời thầy tôi nhắc nhở: “Các con cố mà làm những điều lành…”
Giờ cuộc chiến đã tàn. Bao nhiêu người đi, hăm hở ra đi và chẳng bao giờ trở về. Giờ tôi còn sống đã là một điều may mắn. Tôi lại còn về lại được quê nhà, thăm lại nhà cũ, thăm lại quê hương. Nói thế nào cho hết nỗi bồi hồi. Quê nhà giờ quá đông đúc, chật hẹp. Tôi nhờ người anh em họ, ông Cửu Phỗng, đưa đi thăm nhà chú Tòng. “Ờ! Cụ Tòng mất đã lâu. Có ông Tục đây, để ông Tục đưa ông về thăm nhà.” Vâng, Tục, con trai của chú. Chú đặt tên con là Tục, lấy lý rằng con chú là em tôi. Tôi tên là Tiếp, thì em nó là Tục. Ông Tục, em tôi cũng già. Em nói: “Nhờ tổ ấm thì nhà em cũng đủ bát ăn. Nhà em nó xoay xở buôn bán được …” Vợ của chú Tục, em dâu tôi, ngồi đó cười nhẹ nhàng. Người đàn bà nhà quê được chồng khen như thế thì hả dạ lắm, ngỏn ngoẻn cười. Tôi có hỏi thím buôn bán gì, thím bảo: “Em buôn đủ thứ hàng mua từ Trung Quốc…” Ngoài em Tục ra, chú Tòng của tôi còn có mấy người con gái nữa, mà lúc bé tôi chỉ thấy các đứa bé em gái mặc áo nâu, tay áo đặc quánh những nước mũi. Tôi có hỏi thăm, chú Tục nói: “Dạ thưa anh, các cô ấy cũng ở quanh đây …” Ông em tôi dẫn tôi tới thăm nhà của một người em gái, cô đang ốm nặng. Tôi vén tấm màn buông thõng, và gọi tên cô. Cô mở mắt ra nhìn tôi rồi khép mắt lại. Cô nói: “Tưởng anh chết rồi mà …”
Tôi bàng hoàng như vừa nghe một lời nói quở. Chú Tục kéo tôi và nói lại việc này.
Vâng, quả có thế!
Năm 1965 tôi đóng ở Mỹ Tho, Giang Đoàn 21 Xung Phong. Vùng hoạt động của Giang Đoàn này bao gồm vùng sông ngòi liên hệ đến con sông Cửa Tiểu, bao gồm đến các tỉnh Định Tường, Gò Công, Bến Tre … Một lần tôi theo anh bạn đem đồ tiếp tế cho một đơn vị Duyên Đoàn này là anh Nguyễn Đức Bổng, Khóa 10, trước tôi một khóa. Anh nhỏ con, nắng mưa làm da anh nâu. Anh nhỏ nhẹ, nhưng gan dạ. Tôi có ăn với anh một bữa cơm gồm nhiều cá tôm hơn là rau trái. Anh bảo, các thứ này dân họ cho cả. Chỉ một tuần sau chúng tôi lại phải đến đơn vị anh đưa xác anh về. Anh bị nội tuyến, trận chiến diễn ra giữa trưa, sau bữa cơm cá tôm do dân cho. Anh chiến đấu gan dạ, và tự mình bắn viên đạn cuối cùng trên chiếc ghe chủ lực. Xác anh bị nhiều vết đạn giữa ngực và nằm vắt ở mạn ghe. Chúng tôi đến nơi, trận chiến đã tàn. Đêm đã xuống, chở xác bạn về. Xác anh nằm đắp chăn ở sân trước chiếc soái đĩnh. Máu chảy ướt một bên chăn và chảy ra cả mặt sàn sắt.
Sông nước Cửa Tiểu đục ngầu cuồn cuộn. Những đóm hỏa châu lơ lửng ở những mảnh trời xa. Gió sông lạnh giá. Tôi thấy cuộc chiến tàn nhẫn quá, đau đớn quá. Tôi nhớ lại dáng đi êm ả của anh trong sân trường Trung tâm Huấn luyện Hải Quân. Anh là đàn anh, khóa trên. Khi chúng tôi nhập học, các “đàn anh” đã leo lon vàng sinh viên sĩ quan Chuẩn úy. Trên mũ đã có một đai vàng trông sáng ngời. Tuần lễ Huấn nhục diễn ra. Thôi thì “đàn anh” tha hồ bày các trò quỷ quái để hành đàn em. Qui luật nhà trường là thế, nhưng cũng không thiếu những ác ý tinh quái làm đau đớn kẻ mới vào trường. Các “đàn anh” hò hét, xỉ vả đủ điều. Anh Bổng, Nguyễn Đức Bổng, không thế. Anh nhìn các bạn cùng khóa “hành” đàn em, anh chỉ cười phô hàm răng có kẽ hở ở giữa hai răng cửa. Cuối tuần, anh còn mua vài ổ bánh mì “Chụt”, một loại bánh mì gà nổi tiếng ở chợ Cầu Đá, Nha Trang, dúi cho các “đứa con” của anh. Anh nói nhỏ “Ráng đi. Sau hai tháng là hết, tha hồ đi bờ(3) như tụi này …” Giờ nhìn xác anh nằm đó bất động. Nghe nói anh sắp lấy vợ, tôi càng buồn hơn. Do đó tôi có viết một bài với nhan đề: “Kẻ Đã Nằm Xuống Bên Kia Rạch Sọ Dừa”, dưới đề người viết: Phan Lạc Tiếp. Bài ấy in trên tờ Tiền Tuyến, và đài Quân Đội đã đọc lại qua phần phát thanh vào một buổi chiều. Trong cả bài viết tôi chỉ nêu tên anh một lần, mà chỉ nói đến những hành động của anh. Do đó người nghe dễ hiểu lầm “người đã nằm xuống bên kia rạch Sọ Dừa” là Phan Lạc Tiếp.
Các sự việc trên diễn ra khi tôi ở Mỹ Tho, sau được biết như sau. Người anh em bà con của tôi (kẻ đã chứng kiến anh P.T.Tr. bị đem ra chân núi Sài Sơn, hai anh du kích kéo dây thắt cổ chết), anh nghe được bài phát thanh trên. Anh vội đến nhà chị tôi, lúc đó độ 4 giờ chiều. Cửa hàng đang đông khách. Chị tôi chào anh, có ý bảo “anh đợi em một chút”. Nhưng anh đã không đợi. Anh nói: “Việc chú Tiếp tính sao?” Chị tôi dừng tay lại. Anh nói: “Tôi vừa nghe đài, chú Tiếp đã bị phục kích, mất …” Chị tôi hốt hoảng, vội đóng cửa tiệm và đi xe taxi đến báo Tiền Tuyến báo cho anh tôi hay. Phản ứng đầu tiên của anh tôi là ngồi lặng hồi lâu, rồi gục đầu xuống bàn và khóc. Lúc ấy đã gần mãn giờ làm việc. Anh tôi nhấc điện thoại gọi qua Bộ Tư Lệnh Hải Quân, không được trả lời thỏa đáng, và “Các sĩ quan trực về ăn cơm … Chúng tôi không ghi nhận được việc này, để xin phối kiểm lại …” Biết làm sao hơn. Sau 8 giờ tối, anh tôi liên lạc lại, biết đó là tin sai. Anh tôi gọi điện thoại xuống Mỹ Tho, gặp tôi, giọng anh tôi còn xúc động: “Tiếp hả. Có phải Tiếp không … Thôi được. Cuối tuần này có về không …?” Từ trước tới nay anh tôi có liên lạc với tôi như thế bao giờ đâu. Lạ!
Lúc ấy các báo Sài Gòn ra buổi sáng, nên mọi việc phải làm cho xong buổi tối hôm trước. Bạn bè nhà văn, nhà báo nghe thế, vội vã đăng lời phân ưu. Suốt đêm ấy, anh tôi phải liên lạc với các báo ở Sài Gòn để “xin đục bỏ”. Vậy mà còn một tờ, tờ nào tôi không còn nhớ, đã “chạy” lời phân ưu với anh tôi nhân sự hy sinh vì Tổ quốc của tôi. Cũng đêm ấy, vợ chồng Nguyễn Đình Toàn và mấy người bạn thân tìm đến nhà tôi ở Gia Định thăm. Tới nơi thấy vợ tôi bụng mang dạ chửa đứa con đầu lòng, đang cúi xuống lau nhà. Toàn hỏi: “Tiếp thế nào?” Vợ tôi ngửng lên và nói: “Tuần trước có về …” Thấy vợ tôi bình tĩnh như không, mọi người nháy nhau về và quay mặt đi rồi khóc: “Nó chưa biết tin …” Ít lâu sau, anh Mai Trung Tĩnh, đang làm việc cho tờ Phụng Sự, liên lạc với Nguyễn Đình Toàn: “Mầy thân với Tiếp. Có bài nào cũ của nó và có cái ảnh nào của nó cho tao để tao làm một số báo đặc biệt về Phan lạc Tiếp …” Toàn cười: “Bố khỉ. Tin sai.” Tin sai ấy chỉ được cải chính tại Sài Gòn. Các nơi khác, bạn bè tôi cũng đã khóc thương tôi. Và ở tận quê nhà xa lắc, cách trở nghìn trùng, tin dữ ấy cũng đã lọt về. Lọt về đến tận miền quê hẻo lánh của tôi. Tin ấy được âm thầm loan đi, đau khổ loan đi. Vâng, tại căn nhà mà thầy tôi đã mất, một buổi tối, anh cả tôi, các em tôi, cô tôi và cả chú Tòng đã ngồi lại. Một bát cơm, quả trứng đã được bày lên. Tên tuổi cũng được vội vã và lặng lẽ viết lên một bài vị. Lễ phát tang lặng lẽ, đau đớn đã diễn ra. Ở đây, chú Tòng tôi lại lặng lẽ rồi bật khóc: “Ối cháu ơi là cháu ôi …"
Không biết tin đau buồn này đã đọng lại với anh em tôi, họ hàng tôi ở ngoài Bắc bao lâu. Bắc Nam cách trở. Sau đó cuộc chiến cứ lan dần. Người miền Bắc dồn dập qua đường xương trắng Trường Sơn vào xâm lấn miền Nam. Hải Quân Bắc Việt cũng lén lút xâm nhập bờ biển miền Nam. Một số tàu bè Bắc Việt bị Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa săn đuổi và đánh chìm. Các biến cố trên biển ấy, đa số tôi đều có cơ hội theo dõi tường tận và đã viết lại. Các bài viết này đã đăng trên Tiền Tuyến, phát lại đài Quân Đội, đài Gươm Thiêng Ái Quốc, đài Tiếng Nói Tự Do. Dưới các bài tôi đều ký tên thật với cấp bậc. Vì thế, sau này tôi được biết, anh em tôi ở ngoài Bắc đã tươi tỉnh lại dần, vì biết tôi còn sống. Khi con gái tôi đầy năm, hai bố con tôi chụp tấm ảnh, và tôi bổng nhớ: giỗ đầu anh Nguyễn Đức Bổng đây rồi.
Tôi còn sống đã là điều may mắn. Năm 1994 tôi lại có cơ hội về thăm lại quê cũ làng xưa. Tôi ra Đồng Mát. Lối đi xưa lá cây che phủ. Hai bên đường có những bụi cúc tần quấn quýt những dây tơ hồng màu vàng óng. Giờ nhà mọc chen nhau. Ra khỏi cổng làng, những mảnh ruộng xưa trước mặt. Cây đa Lò Ngói không còn. Làng Thạch, làng của anh Trần Lê Nguyễn, gần xịt. Cái vó bè cao ngất, giơ cái vó lên trời. Đầm Bùi đấy ư? Xưa, với tôi mênh mông là thế. Nay chỉ là một cánh đồng trũng mà “lâu nay nước cạn, cá mú chẳng còn.”
Tôi hướng tầm mắt xa hơn. Làng Núc ở phía chân trời ấy, cách độ 3 cây số. Nơi mà ngày xưa, với tôi là “thiên hạ xa xăm”, nơi chú Tòng tôi quảy hai cái sọt đi đổi đồng … Chú đã mất. Tôi đứng đó khá lâu. Gió thổi hiu hiu. Mây trời như ngưng đọng. Những thửa ruộng nằm êm đềm, những bờ ruộng nhỏ bé, cỏ gà mọc lơ thơ khuất dần vào đồng lúa. Một đám mây nào bay qua, bầu trời sẫm lại. Xa, về phía trái, trên con đường từ Giếng Bìm qua làng Thạch, có mấy người đàn bà quảy gánh lặng lẽ bước đi, rồi rẽ vào lối làng Yên Thôn, và chìm vào đám cây đã sẫm. Trời tối hơn, những con nhái bén trong ruộng lúa bỗng kêu lên inh ỏi. Chốc chốc lại có tiếng con ễnh ương kêu ọp oạp như lời đe dọa của đêm. Tôi bỗng nhớ đến hai câu thơ của một thi sĩ người làng, Hoàng Quân:

Xa xa tiếng ếch chìm trong lúa

Đổ cái hoàng hôn xuống tịch liêu

Cả tập thơ mấy chục bài, tôi chỉ nhớ có vậy, nhưng bài tựa của Đinh Hùng thì tôi lại nhớ nhiều hơn. Đinh Hùng viết về tập Hoàng Ca: “Màu vàng đằm thắm của lúa chín. Màu vàng vấn vương của hoa đồng. Màu vàng của chiều thu tâm sự …” Nghe đâu Hoàng Quân đã bán đi mấy sào ruộng hương hỏa để in tập thơ này …
Thấy tôi đứng thẫn thờ khá lâu, ông em nhắc: “Thôi về chứ ạ …” Tôi tỉnh lại. Trước mặt tôi cảnh Đầm Bùi nhạt nhòa trong đêm. Dưới chân tôi là mấy ngôi mộ nằm chơ vơ  trong ruộng lúa cấy muộn. Chúng tôi quay về. Con đường đất len đi giữa những căn nhà tranh lô xô. Tới ngã rẽ, tôi biết xưa là nhà của chú Tòng đây. Giờ cây cối chẳng còn. Nhà cửa xen nhau kín mít. Tôi hỏi ông em: “Nghe nói sau này mẹ em có về lại mà.” Ông em vừa đi vừa đáp: “Vâng. Mẹ em có về. Mấy anh em em đang lúi húi dệt vải, thì thấy con chó vàng xồ ra sủa ầm ĩ. Một bà già cầm cái nón chảo che chân và nói: chó này, chó này … Tụi em đều dừng tay, bỡ ngỡ, vì chưa biết đó là mẹ em. Vì như anh biết đấy, mẹ em bỏ nhà ra đi lúc tụi em còn bé cả, lại chả có tấm ảnh nào, lâu quen và quên đi rằng chúng em đã có một bà mẹ. Vừa lúc ấy thì bố em về. Ông đặt gánh đồ đồng đứng trước sân và nhìn sững. Hai ông bà nhìn nhau, chả nói được câu nào. Rồi thầy em nói như quát: “Mẹ mầy về này.” Tụi em ùa ra bồi hồi. Một lát sau mấy đứa em gái mới xà vào mẹ em và òa khóc …” Ông em tôi kể thong thả, đều hòa như câu chuyện của ai đâu đã xa. Rồi lại tiếp: “Cái số của bố mẹ em nó thế. Xa nhau thì thế. Lúc gặp lại chưa được bao lâu hai ông bà theo nhau mất cả …”
Lòng tôi trôi đi miên man theo với ngày tháng cũ. Hai chúng tôi vẫn bước trên đường về nhà. Con ngõ đã mở ra rộng thoáng, lát gạch. Xưa khúc đường này hoa xoan rụng đầy. Hoa bưởi ở trong vườn nhà cụ Tú Kép tan loãng mùi thơm vào hơi mát của đêm … Bây giờ, lối vào cổng nhà tôi ánh đèn tỏa ra sáng trưng. Bà con, bạn bè nghe tôi từ Mỹ về đang kéo tới chơi. Không hiểu sao, tôi như thấy có chú Tòng thấp thoáng trong đám người ấy. Trong thinh không tôi như nghe thấy tiếng chú cười khà khà, và nói: “Nhờ phúc đức tổ tiên, hôm nay anh cháu đã về …” tôi choáng váng kinh sợ, bồi hồi. Tôi nghĩ đến chú Tòng nhiều quá. Tôi nói nhỏ: “Thưa chú, cháu về muộn quá …”
PHAN LẠC TIẾP
Chú Thích:
(1) Nguyễn Bính
(2) Kẽm: hẻm núi
(3) Đi phố chơi: tiếng của Hải Quân

Xem Tiếp: ----