uổi thanh xuân đã thắng. Pa-ven qua khỏi trận sốt thương hàn. Lần này là lần thứ tư, anh đã thập tử nhất sinh mà sống trở lại. Nằm mất một tháng rồi Pa-ven mới gượng dậy được, người gầy và xanh, chân đứng còn run; tay vịn vào tường, anh lần tập đi vài bước trong phòng. Mẹ phải đỡ anh mới ra được đến cửa sổ, và đứng đấy nhìn con đường cái rất lâu. Từng vũng tuyết tan óng ánh trên mặt đường. Tuyết bắt đầu tan, báo hiệu mùa xuân.
Ngay trước cửa sổ, trên cành anh đào, có con chim sẻ đậu đang tỉa lông, giơ bụng xám, mắt ranh mãnh liếc nhìn Pa-ven. Pa-ven lấy ngón tay gõ vào kính cửa sổ, khẽ mở miệng nói:
- Thế là ta với mi đã qua mùa đông rồi đấy, chim nhỉ.
Mẹ hốt hoảng nhìn anh:
- Con nói với ai thế?
- Con nói với con chim sẻ... Thôi nó bay đi mất rồi, con chim nỡm!
Và Pa-ven mỉm một nụ cười yếu ớt.
Mùa xuân rồi. Pa-ven nghĩ đến trở về thành phố. Anh thấy sức thì đã khá, có thể đi được, nhưng trong cơ thể có một cái gì khác thường. Một hôm anh đang dạo chơi ngoài vườn, bỗng thấy đau nhói trong xương sống, khiến anh ngã vật ra đất. Khó nhọc lắm anh mới dậy và bò về phòng được. Ngày hôm sau, bác sĩ khám bệnh anh rất kỹ. Bác sĩ gõ những đốt xương sống, thấy có lỗ thủng sâu hoắm trong xương, lấy làm lạ, hỏi anh:
- Sao lưng đồng chí lại bị thủng sâu thế này?
- Thưa bác sĩ, đấy là vết một viên đá lát đường bắn vào lưng tôi. Trước thành Rốp-nô, có một quả đại bác 81 ly nổ tung mặt đất...
- Thế đồng chí làm thế nào mà đi được nữa? Viên đá bắn thủng lưng như thế không đau sao?
- Không. Tôi bị đá bắn vào lưng, nằm lăn ra đất đến ngót hai hai tiếng đồng hồ, rồi lại lên ngựa đi. Mãi đến bây giờ mới thấy đau là lần đầu.
Bác sĩ cau mày suy nghĩ, tay nắn mãi vết lõm trên lưng.
- Hừ!... Bị một cú như thế, gay đấy, chú ạ! Xương sống con người ta không ưa bị đá giáng vào như thế đâu. Hy vọng là đồng chí sẽ không thấy đau nữa. Thôi, mặc áo vào, đồng chí Pa-ven ạ.
Bác sĩ ái ngại nhìn người bệnh, không giấu nổi vẻ lo âu.
A-rơ-chom về ở nhà Schi-ô-sa, vợ anh, một người đàn bà chẳng có gì là đáng ưa cả. Nhà vợ là nông dân nghèo. Một hôm, Pa-ven đến thăm anh. Một đứa bé con nhếch nhác, mắt lác, đang chạy nhông ở sân nhỏ bẩn thỉu. Thấy Pa-ven vào, thằng bé giương mắt ti hí nhìn chòng chọc, rồi hí hoáy thọc ngón tay một cách nghiêm túc vào lỗ mũi, cất tiếng hỏi:
- Hỏi gì? Định vào nhà người ta ăn cắp chắc? Cút đi ngay, không mẹ người ta chửi cho đấy!
Túp lều cũ kỹ, thấp lè tè, cánh cửa sổ bé tí xíu mở ra. A-rơ-chom gọi Pa-ven:
- Vào đây Pa-vơ-lu-sa!
Một mụ già mặt vàng như nghệ đang loay hoay trước cửa lò. Mụ gườm gườm đưa mắt lườm Pa-ven và né người tránh cho khách đi. Xong mụ lại về với mấy cái nồi của mụ, mụ xê đi dịch lại làm nồi va chạm vào nhau loảng xoảng.
Hai đứa bé gái, bím tóc lơ thơ vài sợi, trèo phắt lên trên lò bếp ngồi và trố mắt nhìn người khách lạ một cách tọc mạch.
A-rơ-chom ngồi ở bàn, có vẻ ngượng ngùng. Cả mẹ lẫn em đều không tán thành anh lấy Schi-ô-sa. Anh đã ba năm đi lại với nhà cô Ga-li-a xinh đẹp làm nghề khâu, con gái bác thợ đá. Chẳng hiểu làm sao, vốn con nhà vô sản gốc, anh lại bỏ Ga-li-a để lấy nhà chị Schi-ô-sa chẳng ra gì, đâm đầu vào cái gia đình năm miệng ăn mà chẳng có ai là tay thợ cả. A-rơ-chom xong việc ở sở đầu máy về nhà, lại nai lưng ra với cái cày, đem hết sức gây dựng lại cơ đồ cho nhà chị Schi-ô-sa đang lụn bại này.
A-rơ-chom hiểu rằng Pa-ven không tán thành bước đường tụt lại đằng sau của anh, bước đường "tiểu tư sản hóa", như Pa-ven thường nói. Giờ đây, anh để ý xem em sẽ xử sự như thế nào trong cái cảnh nhà mình thế này.
Hai anh em hỏi han nhau qua loa mấy câu sáo chẳng ra đâu vào đâu rồi Pa-ven tỏ ý muốn ra về. A-rơ-chom giữ lại.
- Ở chơi đã, ăn với chúng tao tí chút. Chị sắp mang sữa đến. Mai mày định đi thật đấy à? Trông mày còn yếu lắm, Páp-ca ạ.
Schi-ô-sa bước vào, chào Pa-ven và gọi A-rơ-chom xuống nhà dưới khiêng vật gì giúp một tay. Mình Pa-ven ở lại với mụ già ít nói. Tiếng chuông nhà thờ vọng vào cửa sổ. Mụ già buông gậy chọc lò, càu nhàu:
- Giê-su-ma, lạy Chúa tôi, đầu tắt mặt tối thế này chẳng có lúc nào mà ngắm nguyện nữa.
Mụ tụt khăn quàng ra khỏi cổ, rồi vừa nhìn gườm gườm người khách lạ, vừa đi đến góc buồng, chỗ bày những ảnh tượng lạnh lẽo, lâu ngày trông đã sỉn. Mụ đưa ba ngón tay phải gầy giơ xương chụm vào nhau, rồi bắt đầu làm dấu. Mấp máy đôi môi khô héo, mụ lâm râm cầu nguyện.
- Lạy Cha chúng tôi ở trên đời, chúng tôi nguyện danh Cha cả sáng...
Ngoài sân thằng bé cưỡi lên lưng con lợn sề đen trùi trũi có đôi tai chảy lòng thòng. Nó lấy chân không thúc vào sườn lợn, tay bíu chặt mớ lông; con vật đang xoay tròn, vừa quẫy vừa gầm gừ. Thằng bé thét lên:
- Hư, đi! Đi! Hê, gượm tí đã nào!
Con lợn sề lồng lên trong sân, cố vật thằng bé trên lưng ngã xuống đất. Song thằng bé ngồi chắc lắm.
Mụ già bỏ kinh, bỏ nguyện, thò đầu ra cửa sổ:
- Đồ quỷ sứ! Rồi tao dạy cho mày cưỡi ngựa. Có xuống ngay không, thằng chết tiệt. Ngã chết bây giờ! Nghịch thế thì thôi!
Con lợn sề đã tìm cách thoát được tay kỵ mã. Mụ già yên trí lại quay về với ảnh tượng. Nét mặt sùng kính, mụ tiếp tục cầu kinh.
- Nước Cha trị đến…
Thằng bé con nước mắt chảy quanh, bước vào cửa. Nó lấy cánh tay áo quệt lên cái mũi bị ngã dập xuống đất và khóc mếu vì mũi đau. Nó vòi:
- Mẹ ơi, cho con cái kẹo.
Mụ già phát khùng quay lại:
- Đồ quỷ mắt lác, mày không để cho bà xong buổi nguyện. Đồ chó đẻ, đợi đấy, rồi bà lấy kẹo cho mày.
Nói rồi, mụ nhặt cái roi trên ghế dài. Thằng bé biến ngay lập tức. Hai đứa bé gái nằm sau lò bếp phì cười. Mụ lại quay vào cầu nguyện, lần này nữa là lần thứ ba.
Pa-ven đứng dậy và đi ra ngay, chẳng đợi A-rơ- chom nữa. Khi anh ra khỏi, quay lại khép cổng, thì thấy mụ già còn ngó qua cửa sổ ở ngách nhà nhìn theo anh.
"Không hiểu thế quái nào mà ông A-rơ-chom lại chúi đầu vào đây. Rồi đến chết cũng không rút cũng ra được. Bà Schi-ô-sa rồi sẽ đẻ sòn sòn năm một. Ông A-rơ-chom rồi sẽ sa lầy vào đấy như con bọ hung trong đống phân. - Pa-ven chán ngán bước theo con đường vắng ngắt của thị trấn nhỏ, vừa đi vừa nghĩ ngợi. - Lo cho ông ấy có thể còn đổ đốn hơn nữa đến bỏ cả công việc ở sở đầu máy về nhà ở lỳ với vợ. Thế mà mình cứ định bụng lôi ông ấy đi công tác, đi hoạt động!"
Pa-ven sung sướng ngày mai được đi rồi, ngày mai trở về thành phố lớn, gặp lại bạn bè và những người mà anh yêu quý. Thành phố đồ sộ, sức sống tràn trề, vẻ náo nhiệt của dòng người không lúc nào ngớt, tiếng xe điện ầm ầm, tiếng còi xe hơi inh ỏi, tất cả hấp dẫn anh. Song, cái chính là anh cảm thấy tâm hồn anh bị thu hút bởi những lớp nhà rộng mênh mông, xây bằng gạch; những công xưởng ám khói, các thứ máy móc và tiếng dây chuyền da lướt ngọt trên bánh xe. Anh bị hút về nơi có những bánh lái khổng lồ quay tít theo đà máy chạy hối hả về nơi có mùi đầu máy, về những thứ đối với anh đã trở thành thân thuộc. Ở đây trong cái thị trấn nhỏ lầm lì này, đi dạo chơi quanh ngoài phố, Pa-ven cảm thấy rất là khó thở. Thị trấn nhỏ này đối với anh trở nên xa lạ và chán ngấy, điều đó anh chẳng lấy làm ngạc nhiên. Anh chán ngấy đến nỗi ban ngày ra phố đi quanh cũng đủ thấy khó chịu. Mỗi khi đi ngang qua nhà những mụ lắm điều đang ngồi lê trên thềm nhà, Pa-ven nghe thấy các mụ nói liến thoắng huyên thiên.
- Các bà ơi, xem kìa. Cái thằng kia nó chui ở đâu ra mà trông rõ khiếp!
- Chắc nó là thằng ho lao, cái ngực sắp đi đời rồi.
- Nhưng cái áo ngoài của nó trông có vẻ đắt tiền đấy.
- Chắc nó xoáy ở đâu chứ gì...
Và chuyện các mụ cứ rặt như thế. Pa-ven nghe lắm, rác cả tai.
Từ lâu, anh thấy mình đã đứt rễ hẳn với nơi này. Thành phố lớn ngoài kia đối với anh gần gũi hơn, thân thiết hơn. Các đồng chí với anh là một gia đình bền chặt, vui tươi. Với lại, ngoài ấy, anh còn có công tác.
Pa-ven bước chân đến rừng thông từ lúc nào cũng không để ý đến nữa. Anh dừng lại ở chỗ đường rẽ đôi. Bên phía tay phải, sau hàng rào cao với những cọc nhọn hoắt, ngăn cách với rừng, là nhà pha cổ lỗ, âm u hình thù đáng ghét, và sau nhà pha là những nếp nhà quét vôi trắng của nhà thương.
Chính ở bãi rộng này đây, Va-li-a và các đồng chí đã bị treo cổ. Pa-ven đứng im lặng một lúc lâu trước nơi ngày trước đặt giá treo cổ. Rồi anh lần bước xuống lối hào sâu, lững thững đi ra huyệt chung của anh chị em ở trên gò.
Những bàn tay trìu mến đã đặt lên các ngôi mộ những vòng hoa kết bằng cành thông và rào quanh nghĩa địa nhỏ này một hàng rào cây lá tươi. Đỉnh gò có những cây thông cao vút trấn ngự. Cỏ non như tơ xanh phủ lên sườn gò thoai thoải.
Thị trấn nhỏ đến đây là hết phố. Cảnh vật nơi này tịch mịch, rầu rầu. Rừng thông hiu hắt. Không gian phảng phất mùi lá khô rữa và mùi đất mùa xuân nhuần lại.
Nơi đây, anh chị em ta đã anh dung hy sinh để cho cuộc đời cười được với những kẻ sinh ra trong cùng khổ, những kẻ từ thuở lọt lòng mẹ là đã bắt đầu kiếp làm trâu ngựa.
Pa-ven từ từ ngả mũ, lòng tràn ngập một mối buồn vô hạn.
Cái quý nhất của con người ta là đời sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để đến khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người. Và ta phải sống gấp lên mới được. Vì tật bệnh vô lý hay một sự tình cờ bi đát nào đó có thể bỗng nhiên cắt đứt cuộc đời.
Mang nặng trong lòng những ý nghĩ ấy, Pa-ven rời khỏi nghĩa địa.
Mẹ buồn rầu sửa soạn hành lý cho con lên đường. Pa-ven nhìn mẹ: mẹ khóc nhưng quay mặt đi không để anh trông thấy.
- Con ở lại có được không, con? Con xem, mẹ già rồi. Cứ lủi thủi ở một mình thì khổ mẹ lắm, con ạ. Đấy, đẻ ra ngần ấy đứa con, nhưng chúng nó vừa lớn lên thì mỗi đứa đi một ngả. Cái gì nó kéo mày ra tỉnh thế, hở Pa-ven? Ở đây sống cũng được chứ sao? Hay mày cũng đã có món nào? Chắc mày đã phải lòng một con mái tóc ngắn nào rồi? Cấm đứa nào nói với mụ già này một câu. Thằng A-rơ-chom lấy vợ chẳng bảo qua tao một tiếng. Mày lại càng tệ nữa. Chỉ khi nào chúng mày ốm đau què quặt, mẹ mới được trông thấy mặt chúng mày thôi.
Mẹ dịu dàng bảo Pa-ven như thế, vừa nói vừa xếp mớ quần áo của con vào túi đã giặt sạch.
Pa-ven ôm lấy vai mẹ, kéo mẹ lại gần:
- Không đâu. Con chẳng có con mái nào đâu, mẹ ạ. Gà thì lấy gà có phải không mẹ. Mẹ gọi thế chẳng hóa ra con là gà sống à?
Anh làm mẹ phải bật cười.
- Mẹ ơi, con đã thề không nghĩ gì đến gái, nếu ta chưa diệt hết bọn tư sản trên khắp thế gian này. Chắc mẹ lại bảo như thế thì phải chờ lâu lắm phải không? Không đâu, mẹ ạ, bọn tư sản chẳng đứng được lâu nữa...Rồi tất cả loài người sẽ là một nước cộng hòa. Và các cụ ông, cụ bà già như mẹ đã suốt đời làm lụng thì sẽ được sang nghỉ bên Ý, ở đấy ấm áp, chung quanh toàn là biển cả. Ở bên nước Ý, không bao giờ có mùa đông, mẹ ạ. Chúng con sẽ đưa mẹ, những người già như mẹ, đến ở trong những dinh cơ của bọn tư sản, và mẹ sẽ ngồi sưởi nắng ấm. Còn chúng con, chúng con sẽ đi sửa nốt bọn tư sản bên Mỹ.
- Con ạ, mẹ chẳng còn sống được đến ngày có câu chuyện tiên phật của con đâu… Ông con xưa kia cũng ngỗ ngược như con, ông làm thủy thủ, đi khắp năm châu bốn biển. Nói trộm vía ông, cụ thật là tay ghê gớm. Trận Xê-va-xtô-pôn, cụ đánh hăng thế nào mà khi về nhà thì thấy cụ thiếu một chân một tay. Người ta gắn cho cụ hai huân Chương thập tự và hai mề đay có cuống của Nga hoàng. Nhưng rồi ông cụ cũng chỉ chết cực chết khổ. Cụ bướng lắm. Một lần cụ vác nạng nện vào đầu người Nhà nước. Thế là bị tù một năm. Người ta tống vào nhà pha, huân Chương thập tự cũng chả cứu thoát được. Mẹ thấy tính con dễ thường theo về tính ông ngày trước.
- Mẹ ơi, con sắp xa mẹ, mẹ nói chuyện không vui ấy làm gì? Thôi, mẹ đưa cho con cái đàn gió, đã lâu lắm con chẳng mó đến nó.
Pa-ven cúi xuống hàng phím bọc xà cừ. Mẹ sửng sốt vì tiếng đàn của anh lạ đi, nghe không như ngày trước nữa. Hết vẻ ngỗ nghịch vô tư lự, chất hăng say xốc nổi, những ngón láy và ngón đệm mà cả thị trấn đều biết tài tay chơi đàn gió trẻ tuổi Pa-ven. Nhạc anh chơi bây giờ thánh thót, trầm bổng, nghe không kém Phần mạnh mà càng thêm có chiều sâu nữa.
~*~ Pa-ven ra ga một mình.
Anh đã nói được cho mẹ ở lại nhà: anh không để mẹ đi tiễn vì không muốn thấy mẹ khóc khi chia tay.
Xe lửa phải xông xáo mà lên, toa nào toa ấy đứng ngồi chen chúc. Pa-ven chiếm giường trên tầng cao nhất và nhìn xuống đám người hầm hầm la lối đứng chật cả chỗ đi.
Cảnh chuyến tàu nào cũng vậy, người ta kéo những bao, những túi lê sền sệt, nhét vào dưới gầm ghế.
Đến khi tàu chuyển bánh, hành khách mới bớt nóng nảy, và bao giờ cũng thế, cứ đến lúc này thì người ta bắt đầu giở bánh ra ăn nghiến ngấu.
Pa-ven chẳng mấy chốc đã ngủ lăn.
Nhà đầu tiên anh muốn đến thăm ở trung tâm thành phố, trên đường lớn Ca-rét-sa-tích. Anh từ từ leo lên thang cầu. Cảnh chung quanh quen mắt, chẳng có gì khác cả. Anh bước qua cầu nhà ga, để tay lướt trên thành cầu nhẵn trơn. Đến chỗ xuống thang, anh dừng lại: trên cầu vắng ngắt. Ngửa trông lên cao thăm thẳm, bóng tối mượt như nhung phủ lấy nền trời.
Trên vòm trời cao, hằng hà sa số vì sao lấp lánh ánh sáng màu lân tinh. Ở phía dưới, chỗ mặt đất lẫn với chân trời, không biết đâu là ranh giới, thành phố rắc trong đêm hàng triệu ánh đèn điện.
Có đông người đi lên qua mặt Pa-ven. Tiếng nói gay gắt của đám người tranh cãi nhau một câu chuyện gì phá sự yên tĩnh của đêm tối. Và Pa-ven, mắt rời những ánh đèn của thành phố, bước xuống thang.
Trong phòng phát giấy của Ủy ban đặc biệt quận ở đường Cơ-rét-sa-tích, người phụ trách cho Pa-ven biết là Giu-khơ-rai đã đổi đi tỉnh khác từ lâu.
Đồng chí đó hỏi đi hỏi lại Pa-ven; mãi đến khi đã tin là Pa-ven có quen riêng Giu-khơ-rai, mới cho biết qua loa thêm. Cách đây hai tháng, Giu-khơ-rai được lệnh điều đi Ta-sơ-ken, đến công tác ở mặt trận Tuốc- kết-stan. Pa-ven nghe tin chán đến nỗi không buồn hỏi thêm nữa. Chẳng nói chẳng rằng, anh quay gót đi ra. Mệt quá, anh ngồi xuống bậc cửa nghỉ một lát.
Tàu điện chạy qua, bánh xe sắt lăn rầm rầm vang cả phố. Trên các vỉa hè dòng thác người lũ lượt tràn đi. Náo nhiệt quá! Lúc thì có tiếng cười rúc rích của đàn bà, lúc thì giọng trầm trầm của đàn ông, lúc thì giọng lanh lảnh của một chàng trai trẻ măng, lúc thì giọng ồ ồ của ông già. Làn sóng người trôi đi không lúc nào ngớt, ai nấy dáng dấp vội vàng. Xe điện sáng trưng, đèn pha xe hơi rọi lên đột ngột, hàng điện bật lên chói rực quanh biển quảng cáo của rạp chiếu bóng bên cạnh. Và chỗ nào cũng là đám đông ngồn ngộn, làm cho phố xá không lúc nào vắng tiếng huyên náo. Đấy là buổi tối ở một thành phố lớn.
Cảnh tấp nập ồn ào của đại lộ này làm Pa-ven khuây khỏa nỗi buồn vì tin Giu-khơ-rai đã được điều động đi nơi khác. Biết đi đâu bây giờ? Hay về phố Xô-lô- men-ca với lũ bạn? Xa quá! Và anh nhớ ra một nhà quen ở gần đây, ngay phố Trường đại học Cơ-rúc-lô. Phải đến ngay đấy mới được.. Bởi vì sau Giu-khơ-rai thì Ri-ta chính là đồng chí mà anh muốn gặp trước tiên. Vả chăng, đến đây, có thể ngủ buồng A-kim được.
Từ xa, anh đã nhìn thấy ánh đèn sáng ở cửa sổ trên tầng gác. Để trấn tĩnh lòng mình, anh áp người vào cánh cửa gỗ sên. Lên đến cầu thang, lại đứng dừng mấy giây nữa. Trong buồng Ri-ta, có tiếng người nói chuyện, có tiếng đàn ghi-ta.
"Tiếng đàn ghi-ta? Thế ra được chơi cả ghi-ta nữa kia à? Chế độ bây giờ có vẻ nới ra tợn”. Pa-ven nghĩ bụng như vậy và khẽ gõ cửa buồng. Cảm thấy mình hồi hộp, anh cắn chặt môi.
Một người đàn bà trẻ lạ mặt, có để tóc mai quăn, ra mở cửa. Người ấy nhìn Pa-ven:
- Anh hỏi ai?
Người đàn bà không khép cửa, và trông cách Pa- ven đưa mắt nhìn vào đồ đạc trong buồng, chị ta cũng đủ đoán hiểu ý.
- Tôi muốn hỏi chị Ri-ta Uốt-chi-nô-vích.
- Chị ấy không ở đây nữa. Hồi tháng Giêng chị ấy đổi đi Khác-cốp và giờ nghe đâu lại đổi đi Mát-xcơ-va.
- Thế đồng chí A-kim còn ở đây hay cũng đi rồi?
- Đồng chí A-kim cũng không có đây, hiện nay đồng chí ấy làm bí thư thanh niên cộng sản ở Ô-đét-xa.
Pa-ven chỉ có cách là quay đi. Niềm vui trở về thành phố thế là mờ mất rồi...
Giờ thì phải liệu lo đi tìm chỗ ngủ đêm thôi.
"Cứ chạy quanh tìm các bạn thân như thế, mình có mỏi nhừ chân cũng chẳng thấy ai".
Pa-ven càu nhàu, cau có, cố nén thất vọng. Tuy nhiên, anh cũng còn cầu may chuyến nữa, đến tìm Pan-cơ-ra-tốp. Pan-cơ-ra-tốp ở gần bến tàu, đến cậu ấy không xa bằng đi đến phố Xô-lô-men-ca.
Tìm đến được nhà Pan-cơ-ra-tốp thì người anh đã mệt nhoài. Anh gõ cánh cửa trước kia có hồi sơn đỏ, định bụng: "Nếu cậu ta cũng đi nơi khác nốt rồi thì mình chẳng đi đâu lang thang mãi nữa. Tìm béng cái thuyền nào chui xuống ngủ qua đêm nay thôi".
Một bà cụ nhỏ nhắn, đội vuông khăn giản dị chít dưới cằm, ra mở cửa. Bà cụ là mẹ Pan-cơ-ra-tốp.
- Thưa mẹ, anh Pan-cơ-ra-tốp có nhà không ạ?
- Em nó vừa mới về.
Bà cụ không nhận ra Pa-ven và quay vào gọi con:
- Pan-cơ-ra-tốp ơi, có anh nào hỏi con đấy.
Pa-ven bước theo bà cụ vào nhà, đặt túi xuống đất. Pan-cơ-ra-tốp đã ngồi vào ăn ở bàn, quay ra nhìn Pa-ven:
- Có phải anh hỏi tôi thì mời anh ngồi chơi và cho biết có việc gì. Anh cho tôi làm nốt bát xúp này vì từ sáng, tôi chỉ độc nốc nước lã trừ bữa.
Và Pan-cơ-ra-tốp cầm lấy cái thìa gỗ to tướng.
Pa-ven ngồi xuống ghế dựa, mặt ghế đã thủng.
Anh bỏ mũ cát-két ra rồi theo thói quen lấy mũ lau mồ hôi trán.
"Chẳng lẽ mặt mũi mình thay đổi đến nỗi cậu ta không nhận ra được mình nữa ư?"
Pan-cơ-ra-tốp húp luôn hai thìa xúp, rồi thấy khách chưa nói gì, liền quay ra hỏi khách lần nữa.
- Anh nói cho nghe đi. Có chuyện gì thế anh?
Bàn tay cầm mẩu bánh chưa đưa tới mồm đã dừng lại nửa chừng, Pan-cơ-ra-tốp bàng hoàng chớp chớp mắt.
- Ô kìa... Hãy khoan... Thế này là thế nào, hở trời?
Thấy mặt bạn đỏ bừng, rúm lại vì nghĩ lung, Pa- ven không nhịn được nữa, phì cười.
- Páp-ca ơi! Chúng tao ngỡ mày chết rồi!... Hãy khoan! Tên anh là gì?
Nghe Pan-cơ-ra-tốp kêu rú lên, mẹ và chị gái anh ở buồng bên chạy ra. Rồi cuối cùng cả ba người nắm chắc là chính Pa-ven đang ngồi trước mặt họ.
Cả nhà đã ngủ lâu rồi, Pan-cơ-ra-tốp còn ngồi kể mãi những việc xảy ra trong bốn tháng qua.
- Mùa rét vừa rồi, Giác-ki và Đu-ba-va được đi Khác-cốp. Chẳng phải công tác vớ vẩn đâu. Tụi nó được vào Đại học cộng sản, học lớp dự bị. Tất cả mười lăm đứa được triệu tập đến. Lúc bấy giờ, có phong trào sôi nổi đòi đi học, tao cũng làm đơn. Tao nghĩ bụng: mình phải ních thêm vào cái túi khôn của mình, vì trong đầu mình hiểu biết ít ỏi quá. Nhưng tiểu ban lấy học sinh cho tao rơi, mày ạ.
Pan-cơ-ra-tốp thở ra bực dọc, rồi nói tiếp:
- Mới đầu, việc tao có vẻ trôi chảy lắm. Tao đủ hết tiêu chuẩn: tao có thẻ đảng viên, tao đã đủ thời hạn công tác dự bị ở Đoàn; về thành Phần xuất thân và bản thân, không có gì lôi thôi, tao không vấp vì những cái đó. Nhưng khi sát hạch tao về chính trị thì tao bị bương.
Tao vào vấn đáp trước một đồng chí trong tiểu ban. Đồng chí ấy ra cho tao câu hỏi hóc này: "Đồng chí Pan-cơ-ra-tốp, đồng chí hiểu gì về triết học thì nói đi”. Mày biết tao thì hiểu quái gì về triết học. Nhưng tao nhớ ra, có một thằng cha khuân vác trước kia cùng làm với chúng tao, một thằng giang hồ có đi học lít-xê lít xiếc. Nó đi làm cho ra vẻ ta đây lao động ấy mà. Nó có lần kể cho chúng tao nghe, xưa kia ở bên nước Hy Lạp, có những nhà thông thái nghĩ ra nhiều cái lắm. Người ta gọi họ là những nhà triết học. Trong những tay triết học loại đó, có một tay tao quên khuấy mất tên, hình như là I-đê-ô-ghen thì phải, tay này suốt đời chui trong cái thùng tô-nô ở và đại khái những chuyện như thế.. Giỏi nhất đám triết học ấy là một tay có thể chứng minh bốn mươi lần liền: cái gì đen là trắng, và ngược lại, trắng là đen. Nói tóm lại là một bọn nghĩ cách úm người ta. Vì vậy cho nên lúc bấy giờ tao mới nghĩ đến câu chuyện thằng học trò lít-xê kể và tao tự bảo: "Tay ủy viên tiểu ban này định quay mình đây”. Mà lão ta ngồi đấy nhìn tao ranh mãnh thật. Cho nên tao mới sa chân vào đĩa. Tao nói: "Triết học là trò bịp đời và nhồi sọ. Tôi không ưa học gì những của ngớ ngẩn ấy, các đồng chí ạ! Còn lịch sử Đảng thì khác, tôi để hết tâm trí nghiên cứu lịch sử Đảng”. Tao nói thế xong thì các tay trong tiểu ban mới truy tao thêm, hỏi vặn tao học ở đâu mà hiểu triết học như thế. Tao mới nói thêm mấy điều nữa mà thằng học trò lít-xê đã nói với tao. Thế là cả tiểu ban lăn ra cười. Tao phát cáu. Tao bảo rằng: "Có cái gì mà các đồng chí nhạo báng tôi như chế thằng ngu thế?" Tao nhặt lấy mũ và đi ngay về nhà.
Sau đó, đồng chí đã hỏi tao lại gặp tao ở tỉnh ủy. Nói chuyện ba tiếng đồng hồ liền. Tao mới hiểu ra thằng học trò lít-xê nói lòe chúng tao. Bởi vì tao nghe nói thì ra triết học một sự vĩ đại và rất là tinh anh sáng suốt.
Thằng Đu-ba-va và thằng Giác-ki thì trúng. Thằng Đu ba-va thì tao chịu nó, nó học ra trò. Song còn Giác- ki thì chẳng hơn tao mấy. Nó nhờ cái huân Chương mà thoát, nhất định là như thế. Nói tóm lại tao lại quay về làm ăn với sông nước. Tao được chỉ định về ban quản lý bến tàu. Tao thay đồng chí phụ trách ke bốc hàng. Trước kia cả ngày tao to tiếng với chính quyền về một đống vấn đề dính dáng đến Đoàn. Nay chính tao phải lãnh đạo cái khoản ấy. Thỉnh thoảng xảy đến như thế này: có tên nào giả ốm, hay tên nào nhác rơi vào tay tao, tao vừa lấy cương vị phụ trách chính quyền, vừa lấy cương vị bí thư chi đoàn đì cho cẩn thận. Song, cuộc đời không phải chỉ có tao, xin lỗi mày nhé. Tao sẽ kể về tao sau. Còn cái gì tao chưa kể cho mày nghe nữa nhỉ? Về tin tức A-kim, mày đã hỏi thăm được rồi. Các chấp ủy cũ, còn lại có Túp- ta, vẫn làm công tác cũ. Tô-ca-rếp thì bí thư Đảng ủy Xô-lô-men-ca, Ô-cu-nhếp trước cũng ở tổ công xã với mày thì ở quận đoàn thanh niên. Ta-li-a thì làm giảng viên chính trị. Svê-tai-ép thay chân mày ở xí nghiệp. Tao không biết nó lắm. Thỉnh thoảng gặp ở tỉnh đoàn, trông không đụt đâu, nhưng tự ái ra dáng. Mày nhớ An-na Bô-khác chứ? Cô ấy cũng ở Xô-lô- men-ca, phụ trách công tác phụ vận ở quận ủy. Tao đã kể hết cho mày nghe về tin tức các cậu quen. Đấy mày xem, Đảng cho nhiều cậu đi học. Hiện nay ở đây tất cả cán bộ cũ đang cày khỏe ở Trường Đảng. Trên hứa sang năm cũng cho tao theo học ở đấy.
Hai người mải chuyện, quá nửa đêm lâu rồi mới ngủ. Sáng hôm sau, Pa-ven dậy thì Pan-cơ-ra-tốp đã ra bến tàu. Em gái Pan-cơ-ra-tốp là Đu-xi-a, một cô gái to khỏe giống anh như đúc, bưng nước chè mời Pa-ven uống và nói đến mọi chuyện vặt. Cha Pan- cơ-ra-tốp không có nhà. Ông cụ làm thợ máy trên tàu thủy, còn đang ngược tàu.
Pa-ven sửa soạn ra phố. Sắp đi, Đu-xi-a dặn lại:
- Nhớ về ăn cơm, anh nhé. Nhà em chờ cơm anh đấy.
~*~ Trụ sở tỉnh đoàn thanh niên thường vẫn tấp nập. Cửa mở ra rồi lại đóng sập vào luôn tay. Trong hành lang và các buồng, người chờ đông; phòng hành chính, tiếng máy chữ gõ inh tai.
Pa-ven dừng lại ngoài hiên một lát, ngó vào hy vọng gặp mặt nào quen. Chẳng thấy ai, anh mới đi vào phòng đồng chí bí thư. Đồng chí bí thư mặc sơ- mi xanh, ngồi trước một bàn giấy đồ sộ. Pa-ven vào, đồng chí ấy chỉ nhìn qua, rồi lại cúi xuống viết.
Pa-ven ngồi đối diện và chăm chú nhìn người bí thư thay chân A-kim ấy.
Đồng chí bí thư đánh dấu chấm hết lên trang giấy anh đang viết và hỏi Pa-ven:
- Đồng chí muốn gì?
Pa-ven trình bày trường hợp của mình:
- Phải cải tử hoàn sinh cho tôi trên danh sách tổ chức của Đoàn và cho tôi trở lại phân xưởng chính nhà máy xe lửa. Đề nghị đồng chí chỉ thị cho bên tổ chức như vậy.
Đồng chí bí thư ngả người dựa vào ghế và trả lời, giọng lưỡng lự.
- Tất nhiên chúng tôi sẽ khôi phục đoàn tịch cho đồng chí, điều đó không còn phải nói gì nữa. Nhưng điều đồng chí về phân xưởng chính nhà máy xe lửa thì không tiện. Svê-tai-ép đang phụ trách ở đấy, cậu ấy là chấp ủy viên tỉnh đoàn mới bầu lại khóa vừa rồi. Chúng tôi sẽ điều đồng chí đi nơi khác vậy.
Mắt Pa-ven hơi nhíu lại:
- Tôi về đấy không phải để làm khó cho công tác của đồng chí Svê-tai-ép đâu. Tôi muốn về làm chuyên môn của tôi, chứ không phải làm bí thư chi đoàn. Với lại trong người tôi chưa được khỏe, đề nghị đừng điều tôi đi nơi khác.
Đồng chí bí thư gật đầu, ghi mấy chữ vào mảnh giấy.
- Đồng chí đưa mảnh giấy này cho Túp-ta, cậu ta sẽ bố trí cho đâu vào đấy.
Bên phòng cán bộ, Túp-ta đang mắng như tát nước người giúp việc thống kê của mình. Pa-ven nghe hai bên cãi nhau nửa phút, nhưng thấy câu chuyện có vẻ kéo dài, liền ngắt lời anh chàng Túp-ta đang nóng như lửa:
- Thôi, cậu sẽ chỉnh đồng chí ấy sau. Đây là giấy giới thiệu, cậu làm hộ giấy chính thức cho mình đi.
Túp-ta hết nhìn giấy lại nhìn Pa-ven. Sau cùng mới nói ra lời:
- Sao, cậu chưa chết à? Vậy làm thế nào bây giờ? Tên cậu đã gạch khỏi danh sách rồi. Chính mình gửi trả Trung ương thẻ đoàn viên của cậu. Với lại vừa rồi Trung ương mới lấy lại danh sách đoàn viên cả nước. Theo thông tri của Trung ương Đoàn, ai không ghi tên lại thì coi như bị khai trừ. Cậu chỉ còn có cách nộp đơn xin gia nhập đoàn lại, theo đúng những quy định thường lệ.
Túp-ta tuyên bố thẳng cánh như vậy. Pa-ven cau mặt lại:
- Vậy ra cậu ta vẫn chứng nào tật ấy. Cậu còn trẻ mà tệ hại hơn một con chuột già rúc trong đống công văn. Bao giờ cậu mới ra hồn người được?
Túp-ta chồm lên, như bị rệp đốt:
- Cậu đừng lên lớp đây. Đây phụ trách công việc đây làm. Thông tri thảo ra không phải để cho người ta vi phạm nó. Còn cậu gọi đây là chuột già thì cậu sẽ phải trả lời về câu phỉ báng đó.
Túp-ta nói câu sau này có vẻ hăm dọa. Hắn đưa rộng tay vơ lấy chồng phong bì chưa mở: thái độ tỏ vẻ không muốn nói chuyện thêm nữa.
Pa-ven thong thả đứng dậy ra cửa. Chợt nghĩ lại điều gì anh quay trở vào nhặt mảnh giấy đồng chí bí thư giới thiệu còn để trên bàn trước mặt Túp-ta. Túp-ta nhìn Pa-ven. ông cụ non cáu kỉnh và tỉ mẩn ấy có đôi tai to vểnh ra, trông vừa đáng ghét, vừa buồn cười.
- Thôi được, kết tội đây là "làm đảo lộn thống kê" thì cứ kết tội, nhưng đây hỏi lại: tại sao cậu lại dám thi hành kỷ luật một người đã chết mà cứ tự tiện, không có giấy tờ văn bản nào quyết định trước hẳn hoi? Trường hợp này có thể xảy ra với tất cả mọi người: người ta ốm rồi chết. Nhất định không có thông tri nào cho phép cậu làm như thế.
- Hì, hì, hì - Người giúp việc Túp-ta không thể giữ trung lập được mãi nữa, bật lên cười thích chí.
Túp-ta ấn gãy đầu bút chì. Hắn cầm mầu chì gãy ném xuống sàn, chưa kịp trả lời đối phương, thì người đông đã kéo ùa vào phòng, cười nói bô bô. Trong bọn mới vào có Ô-cu-nhếp. Thế là chỉ còn nghe thấy những tiếng reo vui và sửng sốt, những câu hỏi không bao giờ hết. Vài phút sau, lại một đám thanh niên nữa vào trong bọn đó có Ôn-ga. Chị nắm lấy tay Pa-ven rất lâu, ngạc nhiên, nhưng tươi sáng hẳn lên.
Người ta lại bắt Pa-ven kể chuyện lại. Nguồn vui thật thà của những đồng chí, tình bạn chân thành, lòng mến thương thông cảm, những nắm tay chặt, những bàn tay vỗ lên vai, chắc nịch và thân ái, tất cả làm Pa-ven quên hẳn chuyện Túp-ta.
Gần cuối, Pa-ven kể thêm cho các đồng chí nghe câu chuyện giữa mình và Túp-ta vừa rồi. Ai cũng tức giận. Ôn-ga quắc mắt lườm Túp-ta, rồi đi đến phòng đồng chí bí thư.
- Cánh ta đi tìm đồng chí Nhê-giơ-đa-nốp để đồng chí ấy cạo cho hắn một mẻ.
Ô-cu-nhếp nói thế và choàng lấy vai Pa-ven kéo đi theo Ôn-ga cùng với đám đông các đồng chí.
Ôn-ga nóng giận bừng bừng:
- Túp-ta này quan liêu hạng nặng! Phải truất cổ hắn khỏi ban tổ chức và điều đến chỗ Pan-cơ-ra-tốp cho làm nghề khuân vác lấy một năm mới được.
Ô-cu-nhếp, Ôn-ga và các đồng chí khác đòi đuổi cổ Túp-ta khỏi phòng cán bộ. Đồng chí bí thư nghe họ nói, cười độ lượng. Nhê-giơ-đa-nốp cố làm cho Ôn- ga nguôi giận:
- Về việc khôi phục quyền lợi sinh hoạt Đoàn cho Pa-ven thì chẳng cần phải nói lại nữa. Sẽ phát ngay thẻ đoàn viên cho cậu ta. Còn như Túp-ta là một anh chàng máy móc thì rất đồng ý với các đồng chí như thế. Đấy là khuyết điểm chính của cậu ấy. Nhưng cũng phải thú thật với các đồng chí rằng cậu ấy tổ chức công việc rất khá. Trong tất cả những cơ quan lãnh đạo của Đoàn mà tôi đã làm từ trước đến nay, công tác tổ chức và thống kê này thật rắc rối như chui vào rừng rậm vậy. Chẳng còn biết tin vào con số nào. Nhưng ở đây thì làm thống kê rất tốt. Các đồng chí cũng biết Túp-ta thức suốt đêm hì hục làm ở bàn giấy. Cho nên ý kiến tôi là các đồng chí muốn cất chức cậu ấy thì cất chức lúc nào cũng được. Song lấy một cậu khác tốt mà làm thống kê tồi thay hắn ta thì không còn tình trạng quan liêu, điều đó đã hẳn đi rồi, nhưng đồng thời thống kê cũng sẽ không ra đâu vào đâu. Vậy cứ nên để cho cậu ấy làm. Tôi sẽ phê bình thật lực cậu ấy. Sẽ có tác dụng tốt đối với cậu ấy trong một thời gian. Rồi có thế nào, sau này sẽ hay.
- Thôi, thế cũng được. - Ô-cu-nhếp gật đầu rồi nói với Pa-ven: - Pa-ven, ta về Xô-lô-men-ca đi. Hôm nay có họp đoàn ở câu lạc bộ chúng mình. Chưa ai biết cậu về. Rồi bất thình lình, ta giới thiệu: "Xin nhường lời cho Pa-ven!". Hoan hô Pa-ven. Mày không chết là phải lắm. Giai cấp vô sản mạnh thêm vì cái cẳng mày. - Ô-cu-nhếp kết luận một cách khôi hài như vậy và lấy hai tay ôm lấy Pa-ven đẩy ra hành lang.
- Ôn-ga cũng đến đấy chứ?
- Nhất định đến chứ!
~*~ Nhà Pan-cơ-ra-tốp đợi mãi không thấy Pa-ven về ăn cơm. Đêm cũng không thấy về ngủ. Ô-cu-nhếp đã đưa Pa-ven về ở nhà mình. Anh có một phòng riêng ở trụ sở Xô-viết. Về đến nhà, có gì là cho bạn ăn nấy, rồi mang đến cho Pa-ven hai bó báo và hai quyển sổ cái - sổ ghi biên bản các buổi họp của thường vụ quận đoàn thanh niên. Anh bảo bạn:
- Cậu nghiên cứu tất cả những tài liệu này đi. Trong khi cậu mất thời giờ với bệnh thương hàn của cậu thì thời gian như nước chảy đi đã nhiều rồi đấy! Đọc đi để hiểu việc đã qua và việc trước mắt. Tối mình về đón cậu rồi cùng đến câu lạc bộ. Nếu mệt thì cứ ngả lưng làm một giấc.
Người bí thư quận đoàn thanh niên nhét vội một đống thư với tài liệu và giấy chứng nhận vào túi, (Ô- cu-nhếp ghét những cặp da, cặp của anh quẳng ở gậm giường), rồi đi quanh phòng xem lại một lượt trước khi ra cửa.
Tối đến, anh về thì thấy khắp phòng báo chí tung bừa bãi, đống sách để dưới gầm giường cũng bị lôi ra. Nhiều quyển khác chất trên bàn làm việc. Pa-ven ngồi trên giường đọc tập thư của Trung ương mới gửi đến mà anh tìm thấy dưới gối của bạn.
- Thằng tướng cướp, mày lục gì cái ổ của tao thế?- Ô-cu-nhếp làm bộ quát lên, giả vờ tức giận. - Xem nào, xem nào, đồng chí! Tôi bắt được đồng chí đọc tài liệu mật. Cứ để cho quân này chui vào buồng mình thì có ngày hỏng!
Pa-ven mỉm cười, để lá thư xuống.
- Cậu nhỡ tàu rồi. Thư này có gì mà mật. Trái lại, chính cậu lấy tài liệu riêng tối mật làm chao đèn kia kìa. Trông xem! Bị sém cả rìa nữa là khác.
Ô-cu-nhếp cầm lấy tờ giấy đã bị làm chao đèn đó, anh vừa đọc qua tiêu đề đã lấy tay vỗ lên trán:
- Thế mà mình tìm mãi ba hôm nay cái mảnh giấy tai ác này. Nó biến mất, tưởng rơi xuống sông, xuống biển, giờ mình nhớ ra rồi. Hôm kia, thằng Vô-lưn- xếp đến đây, chính là nó máy tay lấy làm chao đèn. Rồi nó lại quần quật đi tìm.- Ô-cu-nhếp gấp mảnh giấy lại cẩn thận rồi đút xuống dưới đệm, nói giọng không lo nữa - Thôi chốc nữa hãy xếp dọn lại. Giờ chén một miếng đã rồi còn đi ra câu lạc bộ. Nào Pa- vơ-lu sa, ngồi xuống đây.
Ô cu-nhếp móc túi lấy con cá khô gói trong một tờ báo, lại móc túi kia lấy hai đầu mẩu bánh mì. Rồi trải luôn tờ báo ra góc bàn, cầm đầu con cá nện vào gỗ để cá róc hết thịt.
Ô-cu-nhếp ngồi vào bàn, hàm nhai nghiến ngấu. Rất vui, anh kể tin mới cho Pa-ven nghe, vừa nói chuyện đứng đắn, vừa chêm câu bông đùa.
Đến câu lạc bộ, Ô-cu-nhếp đưa Pa-ven vào cửa sau, giấu ở hậu trường. Trong góc phòng rộng thênh thang, Ta-li-a con cụ La-gu-chin và An-na Bô-khác đang ngồi mé bên phải sân khấu, cạnh chỗ đặt cây đàn dương cầm, chung quanh hai chị là nhóm thanh niên cộng sản đường sắt. Trước mặt An-na, ngồi vắt vẻo trên ghế dựa là Vô-lưn-xép, bí thư chi đoàn sở đầu máy, mặt đỏ chót như một quả táo đang mùa tháng Tám, mặc áo da cũ, trước kia màu đen, nay đã bạc phếch.
Vô lưn-xép có tóc và lông mày vàng như lúa chín. Ngồi cạnh Vô-lưn-xép là Svê-tai-ép, đẹp trai, tóc màu hạt dẻ, môi cong rõ nét, ngồi thơ thẩn dựa tay vào nắp dương cầm. Cổ áo khoác của Svê-tai-ép để hở.
Ô-cu-nhếp đến gần họ, còn nghe thấy An-na đang nói hết câu:
- Có những người cứ muốn làm rắc rối quá lắm việc kết nạp những đồng chí mới. Svê-tai-ép là một.
Svê-tai-ép không chịu, cãi lại, giọng khinh bạc ra mặt:
- Đoàn không phải là quán trọ.
Ta-li-a nhìn thấy Ô-cu-nhếp reo lên:
- Kìa, trông Ô-cu-nhếp mà xem. Anh ấy hôm nay có vẻ phởn thế, mặt mày rạng rỡ như cái ấm đồng mới đánh bóng ấy.
Mấy người kéo Ô-cu-nhếp lại hỏi chuyện tới tấp:
- Cậu ở đâu đến thế?
- Ta bắt đầu đi thôi chứ.
Ô-cu-nhếp giơ tay can họ.
- Đợi một tí các cậu ạ. Đồng chí Tô-ca-rếp sắp đến và sẽ khai mạc hội nghị.
- Vừa vặn bố già đến kia rồi! - An-na trông thấy Tô-ca-rếp, vội nói.
Đồng chí bí thư Đảng ủy quận đang đi về phía họ. Ô-cu-nhếp chạy ra đón:
- Bố ơi, bố vào đằng sau sân khấu, tôi đưa bố gặp một cậu quen bố. Chắc là bố sẽ ngạc nhiên!
- Cái gì nữa thế? - ông già lẩm bẩm, kéo nốt hơi thuốc lá nữa. Nhưng Ô-cu-nhếp đã nắm lấy tay ông cụ kéo đi rồi.
Ô-cu-nhếp lắc chuông dữ dội đến nỗi những người hay chuyện xấu thói nhất cũng phải tin.
Đằng sau Tô-ca-rếp là pho tượng Mác, người sáng tạo thiên tài ra bản Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, đầu Người như đầu con sư tử nổi lên trong đám cành thông trang trí. Trong khi Ô-cu-nhếp nói lý do buổi họp, đồng chí Tô-ca-rếp không rời mắt nhìn Pa-ven còn đứng ở hậu trường.
- Thưa các đồng chí, trước khi vào Chương trình nghị sự, tôi xin giới thiệu một đồng chí muốn xin nói mấy lời với chi bộ. Đồng chí Tô-ca-rếp và tôi đã đồng ý để đồng chí ấy nói.
Tiếng vỗ tay đồng ý nổi lên. Ô-cu-nhếp giới thiệu:
- Xin mời đồng chí Pa-ven Ca-rơ-sa-ghin nói chuyện!
Trong một trăm người có mặt, có đến tám mươi người biết Pa-ven. Và khi bóng dáng quen thuộc hiện ra trước diễn đàn và người thanh niên xanh xao, dong dỏng cao, bắt đầu nói thì những tiếng reo vui mừng và một tràng dài vỗ tay hoan hô như bão dậy chào anh.
- Các đồng chí thân mến!
Giọng Pa-ven từ tốn song không sao giấu nổi cảm động:
- Không ngờ hôm nay tôi được trở lại với các đồng chí, trở về vị trí của tôi trong đội ngũ của chúng ta. Tôi sung sướng lắm. Tôi được gặp lại ở đây rất nhiều bạn thân của tôi. Tôi ở nhà Ô-cu-nhếp được đọc báo cáo biết rằng: khu Xô-lô-men-ca ta có thêm một Phần ba đoàn viên mới, những anh chị em mới của chúng ta; ở các xưởng và ở sở đầu máy thì bọn "chế tạo bật lửa” đã không còn nữa và ta đã lôi những đầu tàu vứt đi ngoài "nghĩa địa sắt” về chữa lại dùng. Tất cả điều đó chứng tỏ đất nước chúng ta đang sống lại và đang lấy lại sức. Như thế thì đời đáng sống lắm chứ! Giữa lúc thế này, hỏi tôi nhắm mắt mà chết làm sao được?
Đôi mắt Pa-ven long lanh nét cười sung sướng.
Khi Pa-ven đi xuống, lại ngồi gần An-na và Ta- li-a thì tiếng hoan hô nồng nhiệt cứ kéo dài tiễn theo anh mãi. Anh đưa tay ra bắt vội vàng hết người này đến người khác. Các bạn ngồi xít lại nhường chỗ cho anh. Bàn tay của Ta-li-a đặt lên bàn tay anh, nắm rất chặt, rất chặt.
An-na tròn mắt nhìn anh, hàng mi dài khẽ mấp máy, cái nhìn niềm nở có một cái gì đó sửng sốt.
~*~ Ngày qua ngày trôi đi. Không thể nào gọi là những ngày bình thường được. Mỗi ngày mang lại một cái gì mới. Sáng dậy, định Chương trình làm việc hằng ngày, Pa-ven buồn rầu nhận thấy ngày có Phần ngắn quá và công việc anh định làm, nhiều việc đến không xong mất.
Pa-ven trọ ở nhà Ô-cu-nhếp và làm chân phụ lắp máy điện ở xưởng.
Anh phải bàn cãi rất lâu với Ô-cu-nhếp: Ô-cu-nhếp nhất định không đồng ý để Pa-ven, dù tạm thời đi nữa, không tham gia công tác lãnh đạo.
- Chúng ta đang thiếu người mà cậu lại muốn thảnh thơi dưới xưởng. Cậu đừng viện bệnh cậu ra nữa. Mình đây mình cũng bị sốt thương hàn, vừa ốm dậy, mệt suốt một tháng trời, nhưng mình chống gậy đến quận đoàn làm việc. Mình biết tính cậu, chắc còn có lý do gì chính nữa, chứ chẳng phải tại bệnh đâu. - Và Ô- cu-nhếp hỏi dồn Pa-ven: - Thật thế nào, nói cho mình nghe đi.
- Cậu đoán không lầm: sự thật là mình muốn có thời giờ học thêm.
Ô-cu-nhếp đắc chí, nói oang oang:
- A, a!... Ra thế đấy! Cậu muốn học. Thế cậu cho mình là không muốn học hay sao? Như thế là ích kỷ, ông bạn già của tôi ạ! Nếu thế thì hóa ra chúng mình công tác như đẩy xe bò, còn cậu thì học. Không được, chú mình ạ. Ngay sáng mai, cậu phải đến ban tổ chức.
Song, bàn cãi hồi lâu. Ô-cu-nhếp cuối cùng đã phải nhân nhượng:
- Thôi được, mình để cậu yên trong hai tháng, không đụng đến. Cậu biết thế là mình tốt bụng đấy! Nhưng theo mình nghĩ, cậu có lẽ không ăn ý với Svê-tai-ép đâu: thằng cha ấy hợm mình quá lắm.
Pa-ven lại về xưởng. Svê-tai-ép lấy làm nghi ngại. Hắn đinh ninh cho là Pa-ven về xưởng thế nào cũng xảy ra tranh chấp về lãnh đạo với hắn. Vốn tự ái thành bệnh, hắn liền chuẩn bị đối phó. Nhưng, ngay những ngày đầu, hắn đã thấy ra ngay là hắn nghi ngại không đâu. Khi Pa-ven được tin anh em định cử mình vào thường vụ Đoàn thì anh thân đến ban bí thư ngay và viện cớ đã được Ô-cu-nhếp đồng ý, anh trình bày thì được anh em rút không đem vấn đề đó ra bàn nữa. Trong chi đoàn thành niên xưởng máy, Pa-ven phụ trách nhóm nghiên cứu chính trị, nhưng anh không muốn vào thường vụ. Tuy về tổ chức, anh đứng ngoài lãnh đạo, ảnh hưởng của anh vẫn thấy rõ trong mọi công tác. Với một thái độ thân ái và không để ai nhận thấy, anh đã giúp Svê-tai- ép nhiều phen thoát khỏi tình thế khó xử.
Một hôm, Svê-tai-ép vào đến xưởng, lấy làm lạ: toàn thể chi đoàn thanh niên cộng sản và chừng ba mươi anh chị em ngoài tổ chức đang lau cửa sổ, chùi máy móc, cọ ghét bụi đã cáu lại từ bao năm nay, dọn sắt vụn và các thứ rác bẩn linh tinh đổ ra sân. Pa- ven thì cầm một chiếc chổi gộc, hì hục kỳ cọ nền xi- măng bê bết dầu mỡ.
Svê-tai-ép sửng sốt hỏi Pa-ven:
- Lau chùi dọn dẹp để làm gì thế này?
Pa-ven trả lời vắn tắt:
- Bọn tôi không muốn làm việc trong ghét bụi cáu bẩn nữa. Ở đây đã hai mươi năm nay, chẳng lau chùi, dọn dẹp gì cả. Trong tám ngày, chúng tôi sẽ quét dọn sạch, làm cho xưởng ta mới lại.
Svê-tai-ép nhún vai bỏ đi.
Đám anh em thợ điện không những chỉ dọn xưởng mình làm mà còn động đến cả sân lớn nhà máy từ lâu đã trở thành chỗ đổ rác. Ở đây chẳng còn thiếu một thứ gì. Hằng trăm bộ trục các toa xe lửa, hàng núi sắt gỉ, nào đệm nối toa, nào đường ray, nào ổ bánh... hàng ngàn tấn sắt bỏ hủy, bỏ hoại ngoài trời. Nhưng đang tấn công vào đống rác lớn thì hành chính ngăn lại:
- Còn nhiều việc quan trọng hơn. Cái sân không dọn cũng chẳng chết ai, không vội gì.
Thấy hành chính nói vậy, anh em thợ điện đành chỉ lấy gạch lát bậc thang đi lên xưởng mình, rồi đặt lưới sắt để cọ giày thôi, không dọn ngoài sân nữa. Nhưng bên trong xưởng, mỗi tối, sau giờ làm, vẫn tiếp tục lau chùi. Được một tuần lễ, kỹ sư chính Stơ- ri có việc bước chân vào xưởng thấy xưởng tràn ngập ánh sáng. Những cửa sổ lớn có khung sắt, trước kia bị bụi lẫn với dầu ma-dút bám từ đời kiếp nào, giờ đã sạch trơn, làm thông được ánh mặt trời rọi vào buồng để máy, nắng ánh lên những bộ phận đồng bóng loáng của những máy nổ Đi-ê-den. Nhũng bộ máy thì sơn lại màu xanh; trên nan hoa các bánh xe, một bàn tay nắn nót lại còn vẽ cả những mũi tên màu vàng.
Kỹ sư Stơ-ri sửng sốt:
- Hừ...
Ở góc cuối buồng máy, có mấy người đã xong việc. Stơ-ri lại đấy. Gặp Pa-ven đang cầm trong tay một hộp sắt tây đầy sơn, kỹ sư Stơ-ri gọi lại:
- Đồng chí dừng lại tôi hỏi. Tôi tán thành sáng kiến của các đồng chí. Song các đồng chí lấy đâu ra sơn này mà dùng thế? Nhà máy đang thiếu sơn. Tôi đã cấm không ai được lấy sơn ra dùng nếu không có lệnh tôi. Để sơn những bộ phận đầu máy xe lửa cần hơn dùng vào việc các đồng chí làm.
- Đồng chí hỏi sơn này ở đâu? Chúng tôi bòn lấy ở những hộp sơn vứt đi ngoài đống rác. Cạo vét hai hôm được mười ki-lô. Thưa đồng chí, tất cả những việc chúng tôi làm đều đúng nguyên tắc.
Người kỹ sư lại "hừ" một cái nữa, lần này có vẻ bối rối thật.
- Nếu thế thì lẽ tất nhiên các đồng chí cứ sơn... Hừ... Quái thật. Tại sao bỗng dưng lại có cái lối tự mình làm tội mình để cho xưởng sạch thế này? Các đồng chí lau chùi quét dọn thế này ngoài giờ làm cả thì phải?
Pa-ven thấy trong giọng nói người kỹ sư có vẻ ngạc nhiên một cách thật thà.
- Phải. Đồng chí nghĩ thế nào?
- Được Nhưng...
- Không có tiếng "nhưng" nào đứng vững được, đồng chí Stơ-ri ạ. Ai bảo đồng chí là người bôn-sê- vích thấy ghét bẩn chất đống mà để yên được? Rồi đồng chí xem, chúng tôi sẽ mở rộng phong trào. Đồng chí chưa hết ngạc nhiên đâu.
Nói rồi, Pa-ven đi thẳng ra cửa, né tránh người kỹ sư để sơn khỏi quệt vào ông ta.
~*~ Tối nào cũng vậy, Pa-ven ra ngồi đọc sách ngoài thư viện công cộng đến tận khuya. Anh chơi thân với ba người giữ sách và giở hết khoa tán ra, anh gạ được họ cho cái quyền mơ mãi mới được là tha hồ lục chọn sách. Pa-ven mang chiếc ghế cao đến bắc áp vào những ngăn tủ lớn đựng sách, rồi ngồi vắt vẻo trên đó hàng giờ, giở hết quyển này đến quyển khác, tìm những sách anh cần hay anh thích. Phần lớn là sách cũ. Chỉ có vẻn vẹn một số sách mới chứa trong chiếc tủ không lấy gì làm to lắm. Trong tủ ấy xếp lẫn lộn những sách của thời nội chiến, bộ Tư bản luận của Mác, cuốn Gót-sắt(Tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn tiến bộ Mỹ Giắc Lơn đơn) và một số sách khác. Trong đám sách cũ, Pa-ven lục ra một cuốn tiểu thuyết nhan đề là Spác-ta-quýt-xơ(Một lãnh tụ nô lệ chống lại chủ nô thời đế quốc La Mã trước công lịch). Anh đọc ngốn cuốn sách đó trong hai đêm và đọc xong xếp nó vào tủ, bên cạnh những sách của Mác-xim Gooc-ki. Những sách anh thích, anh thường xếp lại với nhau như vậy.
Những người giữ sách thấy anh xếp lại như thế cũng mặc. Đối với họ, sách xếp thế nào chẳng được.
~*~ Tình hình của chi đoàn thanh niên cộng sản đang yên ắng đột nhiên náo động lên bởi một việc rắc rối, mới đầu cũng thường thôi. Cốt-sca Phi-đin là ủy viên thường vụ chi đoàn các xưởng trung tu, một anh chàng mũi tẹt, mặt sần sùi, dáng dấp chậm chạp; trong khi khoan một tấm sắt, anh ta đánh gãy một mũi khoan Mỹ, đắt tiền lắm. Nguyên nhân vì anh ta làm ẩu một cách quá quẩn. Tệ hơn thế nữa: anh ta gần như là cố ý làm ra như thế. Chuyện xảy ra vào buổi sáng. Đốc công Khô-đô-rốp bảo anh ta khoan tấm sắt. Lúc đầu anh ta từ chối. Nhưng vì Khô-đô-rốp nhất định bắt làm, nên anh ta phải cầm lấy tấm sắt đưa vào bàn máy và bắt đầu khoan. Khô-đô-rốp vốn khó tính, lại hay chấp nhặt, cả xưởng chẳng ai ưa. Ông ta trước kia là men-sê-vích, nay chẳng tham gia sinh hoạt tập thể gì cả, nhìn thanh niên cộng sản thì nhìn lệch lạc nhưng được cái thạo nghề ra trò và đối với công việc thì tận tuỵ. Thấy Cốt-sca khoan "khô", nghĩa là không cho dầu vào mũi khoan, Khô-đô-rốp đùng đùng chạy lại chỗ máy khoan, giữ tay Cốt-sca lại.
- Anh mù à? Hay anh mới trên trời rơi xuống? - Khô-đô-tốp hét váng lên, biết rõ là dùng như thế thì chỉ nháy mắt là mũi khoan đi đời mất thôi.
Nhưng Cốt-sca cự lại tay đốc công và cứ cho máy chạy. Khô-đô-rốp đi mách xưởng trưởng. Cốt-sca hãm máy, chạy đi lấy vịt dầu lại, để khi xưởng trưởng đến thì đã cho dầu đâu vào đấy rồi. Khi hắn trở về đến máy thì mũi khoan gãy tan tành. Xưởng trưởng viết giấy đề nghị đuổi Cốt-sca. Thường vụ chi đoàn bênh anh ta, lấy cớ là Khô-đô-rốp hay trù thanh niên. Chính quyền không chịu và việc ấy lại đem ra bàn trong ban thường vụ thanh niên toàn xưởng. Câu chuyện bắt đầu như vậy.
Năm ủy viên thường vụ thì ba chủ trương cảnh cáo Cốt-sca và đuổi anh đi công tác khác. Svê-tai-ép cũng trong số ấy. Hai người nữa giữ ý kiến là Cốt- sca không có lỗi gì hết.
Thường vụ họp trong buồng giấy Svê-tai-ép. Ở đây có một chiếc bàn lớn phủ vải đỏ, nhiều chiếc ghế dài và ghế đẩu do anh em thanh niên ban mộc đóng; trên tường có ảnh các vị lãnh tụ; sau bàn họp, lá cờ Đoàn thanh niên cộng sản phủ khắp chiều ngang bức tường. Svê tai-ép, vốn nghề thợ rèn, thoát ly sản xuất làm cán bộ Đoàn. Nhờ có năng lực nên chỉ trong vòng bốn tháng vừa qua đã được đề bạt vào công tác lãnh đạo thanh niên. Hắn có chân trong thường vụ thanh niên quận và cả cấp ủy thanh niên tỉnh. Hắn trước làm thợ rèn ở nhà máy cơ khí, mới về đường sắt ít lâu nay. Ngay từ buổi đầu, hắn đã nắm chặt mọi quyền hành trong tay mình. Tự phụ và đã định là làm bằng được hắn đi ngay tới chỗ bóp chết sáng kiến của thanh niên, muốn thò tay vào mọi việc và vì hắn không thể làm lấy tất cả một mình, hắn đâm cáu với những người giúp việc, cho họ là ỳ ra không biết làm gì hết. Cả đến trong phòng làm việc của hắn, hắn cũng tự đứng trông coi, bắt anh em sắp đặt theo ý kiến riêng của mình.
Svê-tai-ép chủ tọa buổi họp, ngả người trong chiếc ghế bành bọc da độc nhất mượn của góc đỏ (câu lạc bộ nhà máy) đem kê ở đây. Buổi họp này là một buổi họp kín. Khi đồng chí Khô-mu-tốp, bí thư chi bộ Đảng, đề nghị nói thì có tiếng người gõ vào cánh cửa đã cài then. Svê-tai- ép lấy làm phật ý, nhăn mặt lại. Vẫn tiếng gõ cửa. Nữ đồng chí Ca-chi-u-sa Dê-lê-nô-va đứng dậy mở cửa. Người gõ cửa là Pa-ven. Ca-chi-u-sa để anh vào.
Pa-ven đã đến một chiếc ghế đầu không có người ngồi. Svê-tai-ép gọi giật anh lại:
- Đồng chí Pa-ven Ca-rơ-sa-ghin, đây là một buổi họp riêng của thường vụ chúng tôi.
Má đỏ bừng, Pa-ven từ từ quay lại phía bàn:
- Tôi biết thường vụ họp kín. Song, quan tâm đến việc các đồng chí giải quyết vụ Cốt-sca như thế nào, tôi muốn nhân vụ này đề ra một vấn đề mới. Có phải đồng chí phản đối không muốn cho tôi dự họp không?
- Tôi không phản đối, nhưng chắc đồng chí hiểu rằng những buổi họp kín thế này, chỉ có các ủy viên thường vụ được họp thôi. Nhiều người quá, khó thảo luận. Thôi, đồng chí đã đến thì đồng chí cứ ngồi.
Lần đầu tiên Pa-ven bị nói như tát đốp vào mặt như thế. Mày anh nhíu lại, trán nhăn sâu.
Đồng chí Khô-mu-tốp càu nhàu, giọng nói có vẻ không bằng lòng Svê-tai-ép:
- Giở nguyên tắc ra với nhau làm quái gì mới được?
Nhưng Pa-ven giơ tay ra hiệu cho đồng chí Khô- mu-tốp đừng nói nữa và ngồi xuống ghế.
Đồng chí Khô-mu-tốp bắt đầu vào vấn đề:
- Đây là ý kiến tôi. Về Phần Khô-đô-rốp, anh ta không hòa với anh em, có thế. Song, trong đoàn viên của ta, kỷ luật rất tồi. Nếu tất cả thanh niên cộng sản nhà ta đánh gãy hết mũi khoan thì ta lấy gì mà làm. Với lại làm như thế thì chẳng phải là gương tốt cho người ngoài Đảng! Tôi nghĩ rằng phải cảnh cáo Cốt-sca lần thứ nhất.
Svê tai-ép không để đồng chí bí thư chi bộ Đảng nói hết lời, phản đối ngay. Nghe Svê-tai-ép nói suốt mười phút đồng hồ, Pa-ven hiểu thái độ của thường vụ. Đến khi sắp sửa biểu quyết thì anh xin phát biểu.
Svê-tai-ép cố kìm mình lại, để cho anh nói.
- Thưa các đồng chí, tôi xin trình bày ý kiến của tôi về Cốt-sca. - Giọng nói Pa-ven tuy anh không muốn gay gắt mà vẫn cứ gay gắt. - Vụ Cốt-sca này là một dấu hiệu đáng lo ngại. Nhưng vấn đề chủ yếu không phải chỉ có việc Cốt-sca. Hôm qua tôi lấy được mấy con số. - Pa-ven móc túi lấy sổ tay ra. - Những con số này, bộ phận điểm giờ cho tôi biết. Xin các đồng chí chú ý nghe cho: ngày nào cũng thế, hai mươi ba Phần trăm thanh niên cộng sản vào làm việc chậm từ năm đến mười lăm phút. Đi làm chậm đã thành một cái lệ. Mười bảy Phần trăm đoàn viên thanh niên nghỉ việc dứt khoát một hay hai ngày mỗi tháng, trong khi đó thanh niên ngoài Đoàn chuồn việc như thế có mười bốn Phần trăm. Những con số quất vào đầu óc ta mạnh hơn cả rồi. Nhân tiện đây, tôi ghi được mấy số liệu nữa: trong các đảng viên, mỗi tháng có bốn Phần trăm trốn việc một ngày và bốn Phần trăm đi chậm. Thợ lớn tuổi ngoài Đảng mỗi tháng mười một Phần trăm trốn việc một ngày và mười ba Phần trăm đi chậm. Về làm hỏng máy móc dụng cụ thì chín mươi Phần trăm do thợ trẻ, trong số đó chỉ có bảy Phần trăm do thợ mới. Do đó, có thể kết luận là thanh niên chúng ta làm ăn rất là tồi so với đảng viên và thợ lớn tuổi. Nhưng tình hình không phải ban nào cũng như vậy. Tổ rèn rất tốt, đáng làm gương cho toàn nhà máy noi theo. Tổ điện cũng tạm được. Còn các tổ khác thì tình hình đại khái như trên tôi đã nói. Theo ý tôi, đồng chí Khô-mu-tốp nói rằng thanh niên kỷ luật rất tồi mới chỉ nói có một Phần tư sự thật. Nhiệm vụ của chúng ta là phải uốn nắn những sự chuệch choạc ấy. Tôi nói ở đây không phải là tuyên truyền hay diễn thuyết mít-tinh, song thật là chúng ta phải đem hết nghị lực đấu tranh với cái tính làm ẩu và mặc sao hay vậy. Các bác thợ già thường bảo thẳng vào mặt chúng ta: xưa kia làm cho chủ còn tốt hơn thế, làm cho thằng tư bản có lương tâm nhà nghề hơn thế. Bây giờ ta làm chủ, ta không có lý do gì để tha thứ cho ta cả. Và kẻ có lỗi, không phải chỉ là Cốt- sca hay ai, mà trước hết là các đồng chí và tôi, bởi vì chúng ta đã chẳng đấu tranh cho ra trò để chống cái tệ đó mà đôi khi lại còn viện cớ này cớ khác bênh những tên như Cốt-sca nữa.
Vừa rồi, các đồng chí Xa-mô-khin và Bu-ti-li-ắc có nói rằng Cốt-sca Phi-đin là một người của ta. Nào anh ta là "trung kiên" như ta vẫn nói, nào là anh ta tích cực, tổ chức trao cho việc gì cũng làm tròn. Còn việc anh ta đánh gãy mũi khoan thì chẳng qua là chuyện không may. Ai mà chẳng có lúc đánh gãy thế! Hơn nữa anh ta lại là người mình, còn lão đốc công kia thì là người ngoài… Cái lối nói như vậy đấy. Thử hỏi, cho đến nay, nào có ai là người đi sát Khô-đô- rốp?... Ông già tủn mủn ấy có ba mươi năm làm nghề! Hãy để tạm ra một bên, khoan nói đến thái độ chính trị của ông ta. Trong trường hợp này, ông ta phải, ông ta là người ngoài, nhưng ông ta đã gìn giữ của công. Còn chúng ta thì phá hoại dụng cụ mua của nước ngoài. Cái tội ấy là tội gì? Tôi thấy rằng phải trị ngay cú đầu tiên mới được, phải mở cuộc tấn công vào mặt ấy.
Tôi đề nghị như sau: Cốt-sca Phi-đin là kẻ lười nhác, làm ẩu, phá hoại sản xuất, phải khai trừ khỏi Đoàn. Đưa toàn bộ việc này lên báo tường và không sợ người ta bàn tán xôn xao, cứ công bố những con số tôi nói ở trên lên xã luận của báo tường. Chúng ta đủ mạnh để làm như thế, chúng ta có chỗ dựa để làm như thể. Đại đa số đoàn viên thanh niên là những người lao động tốt. Trong số đó, sáu người đoàn viên đã từng trải qua công tác ở Bai-a-rơ-ca, và đấy là trường đào luyện đáng tin cậy nhất. Có họ ủng hộ, có họ tham gia, chúng ta sẽ uốn thẳng được những cái chuệch choạc. Nhưng chúng ta phải bỏ hẳn cái lối nhìn, lối giải quyết việc hiện giờ của chúng ta đi.
Pa-ven thường trầm tĩnh và ít lời, lần này nói rất hăng và gay gắt. Lần đầu tiên, Svê-tai-ép nhìn ra đúng cái chất của người thợ điện ấy. Hắn hiểu là Pa- ven nói có lý, song chính lòng đố kỵ đã khiến hắn không đồng ý với Pa-ven. Hắn hiểu trệch lời tham luận của Pa-ven là phê bình đả kích toàn bộ tình hình tổ chức, là một sự xúc phạm đến uy tín cá nhân của bản thân hắn. Và hắn rắp tâm đánh gãy gục Pa- ven. Hắn bắt đầu chỉ trích lại bằng cách buộc Pa-ven là biện bạch cho tên men-sê-vích Khô-đô-rốp.
Tranh luận sôi nổi ròng rã ba tiếng đồng hồ. Đến khuya, hội nghị tổng kết các ý kiến. Svê-tai-ép bị cái lý cứng của những sự việc đánh bại và đa số không ủng hộ hắn nữa mà ngả về Pa-ven. Hắn đi tới một bước sai - vi phạm dân chủ nội bộ: trước khi biểu quyết lần cuối, hắn yêu cầu Pa-ven ra khỏi phòng họp.
- Được, tôi xin ra, tuy rằng đồng chí đuổi tôi ra thì đồng chí chẳng vẻ vang gì. Nhưng tôi xin nói trước cho đồng chí biết: nếu ở đây đồng chí bức được người ta theo ý kiến đồng chí thì mai họp toàn thể nhà máy, tôi sẽ xin phát biểu trong cuộc họp toàn thể đó, đồng chí sẽ không có đa số đâu, tôi tin như thế. Đồng chí sai rồi, đồng chí Svê-tai-ép ạ. Còn đồng chí Khô-mu- tốp tôi nghĩ đồng chí cần phải nêu vấn đề này lên trong tổ chức Đảng, trước phiên họp toàn thể nhà máy ngày mai.
Svê-tai-ép thét lên, giọng như thách thức:
- Anh tưởng dọa được tôi à? Không cần đến thứ anh dạy tôi con đường đấu tranh trong tổ chức đó. Trước tổ chức, tôi sẽ đem chính vấn đề anh ra để tổ chức xét. Anh đã không muốn mó tay vào làm gì thì đừng cản trở người khác làm.
Cửa phòng đóng lại, Pa-ven đưa tay lên trán nóng bỏng và đi qua một buồng giấy bỏ không ra phía cửa. Ra đến ngoài, anh thở căng lồng ngực. Rồi châm một điếu thuốc hút, đi về phía túp nhà nhỏ trên đồi Ba- ti-ép chỗ ở của cụ Tô-ca-rếp.
Pa-ven bước vào nhà Tô-ca-rếp thì người thợ lắp máy ấy đang ăn tối.
- Có chuyện gì thế? Kể đi, chú. - Lão đồng chí Tô- ca-rếp kéo Pa-ven ngồi vào bàn, nói với vợ - Bà Đa- ri-a nó ơi, bà mày dọn cả cho chú ấy ăn với.
Vợ đồng chí, bà Đa-ri-a Phô-mi-nít-sơ-na, to lớn và béo khỏe trái hẳn chồng, bưng đến cho Pa-ven một đĩa xúp kê, và lấy khăn ăn trắng chùi môi ướt, bà ân cần mời Pa-ven:
- Ăn đi, chú.
Trước kia, khi đồng chí Tô-ca-rếp còn làm ở xưởng, Pa-ven hay đến chơi khuya với đồng chí, song từ ngày ốm khỏi ra tỉnh đến nay, lần này là lần đầu tiên anh đến tìm đồng chí già.
Người thợ lắp máy chăm chú nghe anh. Không nói gì thêm, ông cụ đưa thìa xúc mạnh vào đĩa, miệng "hèm, hèm" ra vẻ nghe thủng câu chuyện.
Ăn xong đĩa xúp, ông cụ lấy khăn tay lau bộ ria, rồi húng hắng ho rặn ra cho giọng nói đỡ khàn.
- Lẽ tất nhiên chú nói có lý. Đáng lẽ chúng ta phải thật sự đề thẳng vấn đề ấy ra từ sớm. Các xưởng của nhà máy xe lửa là cơ sở chủ chốt trong quận này. Phải bắt đầu từ đấy. Nhưng do việc này, chú va chạm mạnh với Svê-tai-ép phải không? Như thế thì không tốt. Tính cậu ta khó bảo lắm. Song công tác thanh vận thì chú biết làm cơ mà? Nhân tiện hỏi chú, giờ chú công tác gì trong tổ chức bên xưởng máy.
- Cháu công tác ở bộ phận chuyên môn của cháu. Nói chung thì hoạt động mỗi chỗ một tí. Trong chi đoàn, cháu lãnh đạo một nhóm nghiên cứu chính trị.
- Thế chú làm gì ở thường vụ Đoàn.
Pa-ven bối rối.
- Cháu mới về, người còn yếu, lại muốn để thời giờ học tập một chút, cháu không chính thức tham gia lãnh đạo.
- Ấy, ấy thế đấy! - Cụ Tô-ca-rếp cao giọng nói, không tán thành ý kiến Pa-ven. - Chú hiểu rằng chú chỉ viện được cái cớ sức yếu nên tôi không chỉnh chú mà thôi. Nhưng bây giờ sức khỏe khá hơn rồi chứ?
- Vâng.
- Nếu thế thì phải nhận lấy công tác đi, mà nhận thật sự. Không nên giữ kẽ làm gì. Chú xem có ở đâu đứng ở ngoài rìa mà làm được việc nên hồn? Ai cũng có thể bảo chú là trốn tránh trách nhiệm và chú không nói lại thế nào được. Ngay từ mai phải sửa chỗ sai đó đi. Còn cậu Ô-cu-nhếp, tôi phải khép cậu ta vào khuôn phép mới được.
Cụ Tô-ca-rếp kết luận như thế, giọng lộ ra vẻ phật ý.
- Xin bố đừng phê bình Ô-cu-nhếp. Chính cháu nằn nì cậu ấy đừng giao công tác gì cho cháu bây giờ.
Cụ Tô-ca-rếp xì một tiếng chế nhạo:
- Chú nằn nì và nó chịu chú? Các chú thanh niên cộng sản mà như thế? Thôi, lần này bỏ qua cho các chú. Chú cầm báo đọc cho lão nghe như trước kia đi. Mắt lão kém lắm rồi.
Thường vụ Đảng ủy đồng ý với ý kiến của đa số trong thường vụ Đoàn. Một nhiệm vụ quan trọng và khó khăn đề ra với tổ chức của Đảng và của Đoàn, đảng viên và đoàn viên phải lấy việc làm của mình nêu gương chấp hành kỷ luật lao động. Trong buổi họp của thường vụ. Svê-tai-ép bị phê bình kịch liệt. Mới đầu hắn nổi tự ái cãi lại, song bị lời phát biểu của đồng chí bí thư Lô-pa-khin, một người đứng tuổi, mặt tái vì lao, dồn vào chỗ bí, hắn đành phải nhượng bộ và nhận một Phần sai lầm của mình.
Ngày hôm sau, báo tường các nhà máy đăng những bài làm cho công nhân hết sức chú ý. Người ta đọc to các bài báo đó lên và thảo luận sôi nổi. Buổi tối, họp Đoàn, đông khác hẳn mọi khi, người ta chỉ nói toàn về những bài báo đó thôi.
Cốt-sca bị khai trừ, và Pa-ven được cử vào thường vụ Đoàn, phụ trách công tác chính trị.
Mọi người nghe Nhê-giơ-đa-nốp nói, yên lặng và chăm chú một cách khác thường. Diễn giả nói về những nhiệm vụ mới, về giai đoạn phấn đấu mới mà các xưởng nhà máy xe lửa phải vượt qua.
Họp xong, Pa-ven ra ngoài đứng đợi Svê-tai-ép.
Anh đón gặp người bí thư Đoàn:
- Chúng ta cùng đi về đi, hai chúng mình có chuyện phải nói với nhau.
Svê-tai-ép hỏi lại, giọng khản đi.
- Chuyện gì mới được?
Pa-ven khoác tay Svê-tai-ép, đi vài bước, rồi dừng lại trước một tấm ghế dài.
- Chúng mình ngồi đây một chốc.
Và anh ngồi xuống trước.
Lửa ở đầu điếu thuốc trong tay Svê-tai-ép khi sáng đỏ khi tắt dụi.
- Svê-tai-ép này, tại sao cậu cứ mâu thuẫn với mình?
Mấy phút im lặng.
- Chuyện có thế thôi ư? Thế mà mình cứ tưởng cậu có chuyện công tác muốn nói với mình.
Giọng Svê-tai-ép không bình thường. Hắn làm bộ ngạc nhiên.
Pa-ven quả quyết đặt tay lên đầu gối Svê-tai-ép, gọi hắn bằng tên thân:
- Đim-ca, cậu đừng đánh trống lảng. Cái lối ấy chỉ tốt với những nhà ngoại giao thôi. Cậu bảo thẳng cho tớ biết: vì sao cậu không ưa tớ?
Svê tai-ép cử động có vẻ bực tức:
- Cậu có gì mà lôi thôi với tớ thế? Mâu thuẫn gì? Chính tớ đã đề nghị cậu tham gia lãnh đạo. Cậu từ chối và bây giờ lại làm như là tớ cho cậu ra rìa.
Giọng nói của hắn không thật. Pa-ven, tay không rời đầu gối bạn, run run nói:
- Cậu không muốn nói thật thì tớ nói toạc ra vậy. Cậu tưởng mình muốn ngáng đường cậu. Cậu tưởng mình mơ ước cái chức bí thư của cậu. Nếu không phải thế thì chẳng đến nỗi nào có chuyện to tiếng vì cái vụ Cốt-sca. Cách đối xử với nhau như vậy hại đến mọi công việc. Nếu chỉ là hai thằng khó chịu với nhau thì chẳng quan hệ gì lắm. Cậu muốn nghĩ thế nào thì nghĩ. Nhưng từ mai, hai chúng mình sẽ làm việc với nhau rồi. Nếu cứ hục hặc như thế thì công việc sẽ ra sao? Cậu hãy nghe tớ nói, không có gì chia rẽ chúng ta hết. Cậu cũng như tớ là con nhà công nhân. Nếu cậu cho sự nghiệp chung là quý báu hơn cả thì cậu bắt tay tớ và ngày mai chúng mình sẽ bắt đầu thân thiết làm việc với nhau. Song nếu cậu không bỏ những tính khí ấy đi, nếu cậu cứ luẩn quẩn với những chuyện đôi co bần tiện, thì mỗi va chạm xảy ra trong công tác chỉ tổ làm cho hai chúng mình chống nhau kịch liệt. Tay tớ đây, nếu cậu cho tay tớ còn là tay đồng chí thì cậu bắt tay tớ.
Lòng vui sướng, Pa-ven cảm thấy những ngón tay gân guốc của Svê-tai-ép nằm trong lòng bàn tay của mình.
Một tuần qua. Ở trụ sở Đảng ủy quận, đã hết giờ làm việc. Trong phòng của các ban đã im lặng, không một tiếng động. Nhưng đồng chí Tô-ca-rếp vẫn chưa rời cơ quan. Ngồi trong ghế bành đồng chí mải miết đọc tài liệu mới gửi đến. Có tiếng gõ cửa.
- Cứ vào
Pa-ven vào đặt trước mặt đồng chí bí thư hai bản khai đã ghi đầy đủ.
- Cái gì thế chú?
- Bố ơi, cháu nộp giấy tờ này để xin nhận trách nhiệm với Đảng. Cháu nghĩ là đã đến lúc. Nếu bố đồng ý, đề nghị bố đảm bảo cho đơn xin gia nhập Đảng của cháu.
Cụ Tô-ca-rếp đọc qua, rồi nhìn người thanh niên trong mấy giây và không nói gì, cầm lấy bút. Trên cột ghi tuổi đảng của những đảng viên giới thiệu đồng chí Ca-rơ-sa-ghin Pa-ven An-đơ-rê-ê-vích được làm đảng viên dự bị Đảng cộng sản (bôn-sê-vích) Nga, đồng chí Tô-ca-rếp đưa tay vũng chắc viết lên: "Vào Đảng từ 1903” và bên cạnh hạ một chữ ký chân phương.
- Ký rồi đây, chú mày. Tôi biết chú không bao giờ làm nhơ mái tóc bạc của lão.
~*~ Trong phòng, không khí ngột ngạt. Ai cũng chỉ có một ý nghĩ: làm sao mau đến phía đằng ấy, đến những con đường hai bên trồng cây hạt dẻ ở khu phố Xô- lô-men-ca, gần nhà ga.
Svê tai-ép mồ hôi nhễ nhại, nói như van nài:
- Đề nghị cho nghỉ thôi, Páp-ca ạ. Mình nóng quá không chịu được nữa.
Ca-chi-u-sa và sau chị, nhiều người khác cũng đều đồng thanh tán thành ý kiến Svê-tai-ép.
Pa-ven gấp sách lại. Buổi học của nhóm nghiên cứu hôm đó đến đây là xong.
Toàn nhóm đứng dậy nói cười huyên náo. Giữa lúc ấy chuông dây nói reo lên hối hả. Svê-tai-ép cầm ống nghe và trả lời, cố nói to át mọi giọng ồn ào trong phòng.
Nói xong, buông máy, Svê-tai-ép quay về phía Pa-ven:
- Pa-ven ơi, ngoài ga có hai toa ngoại giao của lãnh sự quán Ba Lan đang đỗ. Họ bị hỏng điện mà một giờ nữa tàu chạy. Phải chữa dây điện. Cậu cầm hòm đồ đi ngay đi. Việc cần lắm.
Hai toa xe lộng lẫy của công ty toa xe giường ngủ quốc tế đậu ở ke thứ nhất ngoài ga. Toa phòng khách thì đèn sáng trưng, còn toa bên cạnh thì tối om. Pa-ven lại gần toa xe, nắm lấy thành sắt của bậc toa, định trèo lên.
Từ tường nhà ga, một người đàn ông chạy vội đến, nắm lấy vai anh.
- Anh này đi đâu?
Giọng nói quen quen, Pa-ven quay lại. Người ấy mặc áo khoác da, đội mũ cát-két vành rộng, mũi lõ mỏng dính, mắt nhìn trừng trừng ra ý dò xét.
Đến lúc ấy, Ác-chu-khin mới nhận ra Pa-ven. Anh buông vai người trẻ tuổi, nét mặt tươi dần, song cặp mắt lại nhìn hòm đồ như dò hỏi:
- Cậu đi đâu thế?
Pa-ven trả lời vắn tắt. Một bóng người nữa từ sau toa hiện ra:
- Để tớ đi gọi người liên lạc của họ.
Pa-ven theo chân người liên lạc bước vào. Trong toa phòng khách, có mấy người ngồi, ăn mặc cầu kỳ, quần áo du lịch sang trọng. Ở bàn khách phủ khăn thêu hoa hồng, một người đàn bà ngồi quay lưng ra cửa. Lúc Pa-ven bước vào, người đàn bà ấy đang nói chuyện với một viên sĩ quan cao lớn đứng trước mặt. Người thợ điện vừa bước vào thì họ im ngay không nói chuyện nữa.
Pa-ven xem xét rất nhanh những dây điện từ bóng đèn cuối cùng của toa này đi sang toa sau. Thấy không việc gì, Pa-ven ra khỏi phòng khách, cố tìm ra chỗ hỏng. Người liên lạc bụng phệ, cổ như cổ trâu, mặc đồng phục có đốm khuy đồng mang hình diều hâu một đầu. Hắn ta theo sát anh không rời một bước.
- Ta sang toa bên, ở đây không có gì hỏng, pin đèn vẫn chạy. Chắc là hỏng ở bên kia.
Người liên lạc khóa trái cửa lại, rồi đi vào lối đi tối mò của toa sau. Pa-ven bấm đèn soi những đường dây; anh tìm ra ngay chỗ chập dây. Chỉ mấy phút, bóng đèn đầu tiên bật lên trong lối đi, tỏa ánh sáng đục mờ. Pa-ven bảo người liên lạc đi theo anh:
- Phải mở buồng này ra để thay bóng. Bóng trong buồng cháy hết rồi.
- Thế thì phải gọi bà ấy sang. Bà ta giữ chìa khóa.
Người bảo vệ không dám để Pa-ven đứng đấy một mình, kéo anh đi theo. Người đàn bà bước vào trong buồng trước. Pa-ven đi theo ngay sau. Người liên lạc đứng ở ngưỡng cửa, thân hình phì nộn chật cả lối ra vào. Pa-ven nhìn qua gian phòng: hai hòm da xinh treo trên lưới, một áo khoác lụa quàng trên giường, một lọ nước hoa và một hộp phấn bé xíu bằng ngọc thạch để trên bàn con gần cửa sổ. Người đàn bà ngồi vào góc giường, rồi vừa quấn lại mớ tóc màu gai, vừa trông người thợ làm.
Tên liên lạc cúi cổ trâu xuống, trịnh trọng thưa:
- Xin phép bà cho con đi một phút. Quan "pan" thiếu tá gọi con lấy rượu bia ướp lạnh để ngài xơi.
( Pan: Tiếng Ba Lan nghĩa là "ông, ngài")
Người đàn bà trả lời, giọng uốn éo, đỏng đảnh:
- Cho người đi.
Hai người nói với nhau bằng tiếng Ba Lan.
Vệt sáng của ngọn đèn ngoài hành lang rọi vào, đổ ngang vai người đàn bà. Tấm áo dài bằng lụa nõn Ly-ông, do nhà hàng thợ may giỏi nhất Pa-ri cắt, để lộ hai cánh tay và đôi vai. Một viên kim cương óng ánh như một giọt nước chấm sáng ở vành tai nhỏ nhắn. Pa-ven chỉ nhìn thấy cánh tay và vai người đàn bà, nõn nà như tạc bằng ngà voi. Mặt người ấy lẩn trong tối. Pa-ven lấy tuốc-nơ-vít xoay xoay mấy cái thay bóng đèn trần và chỉ một phút sau, cả gian phòng lại sáng. Chỉ còn phải xem lại cái bóng đèn thứ hai mắc ở mé trên chiếc giường người đàn bà đang ngồi. Pa-ven dừng lại trước mặt người đàn bà ấy.
- Tôi cần thử cái bóng này.
- À phải, tôi cản trở việc anh làm.
Người đàn bà trả lời bằng tiếng Nga rất đúng giọng, rồi nhẹ nhàng ngồi dậy và đứng gần Pa-ven. Giờ thì anh nhìn rõ cả người. Đôi mày gãy góc, đôi môi mím chặt kiêu kỳ. Không còn nghi ngờ gì nữa: nó là con Nen-ly Lê-sinh-ski. Đứa con gái lão thầy kiện cũng vừa nhận ra cái nhìn sửng sốt của Pa-ven. Nhưng nếu Pa-ven nhận ra nó, thì nó lại không nhận ra được người thợ điện này là thằng bé láng giềng ngỗ ngược, mới có bốn năm qua mà đã lớn hẳn lên.
Để trả lời vẻ ngạc nhiên của Pa-ven, nó cau mày khinh khỉnh đi ra cửa phòng; đứng ở đấy nó gõ mũi giày nhỏ tí bóng nhoáng vào tường gỗ, tỏ ý sốt ruột. Pa-ven tháo bóng thứ hai, soi lên ánh sáng xem và chính anh không ngờ tới, cả con Nen-ly Lê-sinh-ski lại càng không ngờ tới nữa, anh buột mồm hỏi nó bằng tiếng Ba Lan:
- Vích-to cũng có ở đây chứ?
Pa-ven hỏi thế, song không quay mặt lại. Anh không trông thấy mặt con Nen-ly, nhưng thấy lâu nó không đáp, đủ hiểu nó nghe hỏi thì ngơ ngác đến thế nào.
- Thế anh biết Vích-to à?
- Sao lại không biết! Ta trước ở cạnh nhà nhau mà. - Pa-ven quay lại nhìn nó.
- Anh là Pa-ven, con mụ.. - Nen-ly nói nửa chừng.
Pa-ven nhắc tiếp:
- Con mụ nấu bếp đấy.
- Ô anh lớn nhanh thật. Tôi nhớ ra anh trước kia là một thằng bé con rất gấu.
Nen-ly nhìn anh từ đầu đến chân một cách sống sượng:
- Anh hỏi Vích-to làm gì? Nếu tôi không nhớ lầm thì anh với Vích-to có ưa nhau đâu.
Nen-ly nói giọng lanh lảnh như chim, những mong cuộc gặp gỡ bất ngờ này làm nó đỡ sốt ruột chờ tàu. Đồ nghề của người thợ điện bắt rất nhanh vào tường gỗ một chiếc đinh ốc mới.
- Vích-to còn nợ tôi. Nếu cô gặp hắn thì cô bảo hắn là tôi vẫn đợi có dịp hắn trả nợ đấy.
- Anh cho biết Vích-to nợ anh bao nhiêu để tôi trả hộ.
Nó rất hiểu cái "nợ” Pa-ven đòi là cái nợ gì. Nó biết chuyện xảy ra với tên lính nguy Pết-lu-ra ngày trước, nhưng nó thích trêu "thằng nhãi này” nên giở giọng chọc tức chơi.
Pa-ven im không nói. Nen-ly buồn rầu hỏi thăm:
- Anh này, có phải biệt thự nhà tôi đã bị cướp phá tan tành và giờ đổ nát rồi, phải không anh? Giàn cây và những bồn hoa cũng bị phá trụi sạch rồi phải không?
- Nhà ấy nay thuộc về chúng tôi rồi, không phải của các người nữa. Việc gì chúng tôi lại phá.
Nen-ly cười mỉa:
- Ô ô! Tôi xem ra cả anh nữa cũng bị người ta lên lớp cho rồi. Nhưng toa này là toa của phái đoàn Ba Lan. Trong toa này, tôi là chủ và anh vẫn là thằng hầu của tôi như ngày trước. Giờ anh đang chữa điện cho tôi có đèn dùng, để tôi nằm đọc sách thoải mái trên chiếc giường này. Trước kia thì mẹ anh giặt quần áo cho nhà tôi, còn anh thì xách nước. Bây giờ ta lại gặp nhau nhưng phận người nào vẫn phận người ấy, không có gì khác trước.
Nó nói với vẻ đắc thắng, lấy làm thú vị một cách tinh ác. Pa-ven vừa lấy dao con cạo đầu dây điện vừa nhìn con bé Ba Lan, chẳng giấu vẻ chế nhạo.
- Nếu chỉ vì nhà chị thì chỉ một chiếc đinh gỉ tôi cũng chẳng thèm chịu đóng cho chị nhờ. Nhưng vì bọn tư sản đã sinh ra cái giống ngoại giao thì chúng ta đây, chúng ta cũng muốn tỏ ra cho chúng nó biết ta đã có chính quyền trong tay, chúng ta không thèm lấy đầu các người, chúng ta lại còn tỏ ra lễ độ nữa. Chứ chẳng có ăn nói xách mé như nhà chị.
Nen-ly đỏ chín má.
- Giá các anh chiếm được Vác-sa-va thì chẳng biết các anh sẽ định làm gì tôi? Bắt tôi làm nàng hầu hay băm thịt tôi ra làm ba-tê?
Nó đứng ưỡn ở cửa, điệu bộ đỏm dáng; hai lỗ mũi rất dâm quen mùi thuốc phiện trắng, phập phồng, mấp máy. Đèn bật sáng trên đầu giường, Pa ven đứng nhổm dậy:
- Ai người ta thiết gì nhà chị? Ngữ ấy thì chết non sớm vì thuốc phiện trắng, chứ chẳng phải đợi đến gươm đây chém cổ. Cái con người chị như thế, cho đây ngủ đây cũng chẳng thèm.
Pa-ven nhặt hòm đồ, đi hai bước ra cửa. Nen-ly nép về bên. Ra đến đầu lối đi, anh mới nghe thấy. tiếng nó chửi thầm:
- Thằng bôn-sê-vích chết tiệt!
~*~ Tối hôm sau, Pa-ven đang đi ra thư viện thì gặp Ca-chi-u-sa. Chị đưa bàn tay nhỏ xíu nắm lấy áo Pa- ven, vừa cười vừa chặn đường.
- Chạy đi đâu thế hở ông Chính trị và Huấn luyện?
Pa-ven cũng đùa, đáp lại:
- Thưa mẹ ranh, con ra thư viện. Xê ra cho người ta đi.
Anh khẽ nắm lấy vai Ca-chi-u-sa, đẩy nhẹ cô xuống đường. Ca-chi-u-sa gỡ tay anh ra và quay lại đi theo anh.
- Pa-vơ-lu-sa này, người ta không thể lúc nào cũng học tập. Hôm nay, anh có biết không, anh phải đến dự tối vui của chúng tôi. Bà con hôm nay tụ tập ở nhà Di-na Gơ-la-đúc. Bọn con gái bảo tôi phải kéo anh đến. Nhưng anh thì anh chỉ biết độc có cắm đầu vào chính trị thôi. Có thể nào anh chẳng nghĩ gì đến vui chơi, giải trí cả. - Ca-chi-u-sa cố nài ép. - Thôi, hôm nay anh nghỉ đọc sách một tối thì ngày mai đầu óc anh lại càng nhẹ nhõm!
- Tối vui gì mới được? Ở đấy người ta làm gì nào?
Ca-chi-u-sa nhại lại anh, giọng chế nhạo:
- Người ta làm gì ấy à? Người ta không cầu kinh là được rồi. Đến đấy vui một lúc, thế thôi. Anh chơi được đàn gió phải không? Tôi chưa được nghe anh chơi bao giờ. Nào, anh chiều lòng tôi một chút. Chú con Di-na có cái đàn gió, nhưng ông ta chơi tồi lắm. Bọn con gái chú ý đến anh lắm, mà anh cứ gầy khô đi trên đống sách. Có luật nào cấm thanh niên cộng sản vui chơi giải trí đâu? Tôi còn khẩn khoản mời thì anh đến đi. Nếu không tôi giấn đấy, giận rõ một tháng cho mà xem.
Người con gái có đôi mắt to làm nghề thợ sơn ấy là một đồng chí tốt và một đoàn viên khá. Pa-ven không muốn mếch lòng cô, tuy nghĩ đến tối vui ấy, anh thấy có một cái gì không quen và ngớ ngẩn nữa.
Nhà người thợ chữa đầu máy xe lửa Gơ-la-đúc tối nay đông người và rất ồn ào. Để cho bọn trẻ tha hồ vui chơi, người lớn rút cả vào phòng trong. Ở buồng lớn phía trước và ở hàng hiên trông ra vườn nhỏ, có chừng mười lăm thanh niên nam nữ quây quần. Lúc Pa-ven tới thì ở đấy họ đang chơi trò gọi là "mớm cho chim bồ câu ăn". Giữa hiên ngoài, hai ghế dựa áp lưng vào nhau, cô chủ nhà làm trưởng trò ra lệnh: một anh con trai và một chị con gái ngồi vào ghế. Trưởng trò hô lên: "Mớm chim bồ câu!" Thế là gã trai và ả gái đang ngồi áp lưng vào nhau, quay ngay đầu lại hai miệng gặp nhau và hôn môi nhau giữa công chúng. Rồi người ta gọi chơi trò "cái nhẫn", trò "người đưa thư", trò nào cũng có ôm nhau hôn. Khi chơi đến trò "người đưa thư" thì vì ngoài hiên sáng, người ta đưa nhau vào trong buồng tắt đèn hôn nhau để không ai trông thấy. Ai không thú những trò ấy thì ở một góc, trên mặt bàn tròn, có cỗ bài để chơi trò "lơn hoa". Cô bé ngồi cạnh Pa-ven, mới mười sáu tuổi, tên gọi Mua-ra, đưa đôi mắt xanh liếc anh và chìa ra cho anh một lá bài, thủ thỉ:
- Hoa tím này.
Mấy năm trước đây, Pa-ven cũng đã dự những buổi tối như thế này. Tuy bấy giờ anh chẳng trực tiếp chơi mấy, anh còn cho cái cách chơi ấy hết sức tự nhiên. Song bây giờ anh đã thoát ly hẳn cuộc đời tủn mủn tiểu tư sản của thị trấn nhỏ, buổi vui tối nay đối với anh có một cái gì kỳ quái và hơi lố bịch nữa.
Dù sao, tay anh cũng đã cầm lá bài "chim chuột" rồi. Trên lá bài, cạnh chữ "hoa tím", có dòng chữ "Em ưa anh lắm".
Pa-ven nhìn cô bé. Cô bé nhìn lại, chẳng bối rối chút nào.
- Thế nào?
Câu hỏi của Pa-ven hơi nặng nề. Mua-ra đã nghĩ sẵn câu trả lời.
Cô bé chìa một lá bài nữa cho Pa-ven.
- Hoa hồng nữa này.
Cạnh chữ "hoa hồng", có dòng chữ: "Anh là người trong.mộng của em". Pa-ven quay sang cô bé, dịu giọng hỏi:
- Tại sao em cứ nghịch trò vớ vẩn này?
Mua-ra bối rối, xấu hổ.
- Em bộc lộ tình cảm của em làm cho anh bực mình hay sao?
Rồi bĩu môi đỏng đảnh.
Pa-ven không trả lời. Nhưng lại muốn hiểu xem cô bé là con nhà ai. Anh hỏi lại mấy câu, cô bé vui vẻ trả lời. Mấy phút sau, anh được biết cô bé đang học trường bảy năm, cha là công nhân đường sắt, đã gặp Pa-ven từ lâu và muốn làm thân với Pa-ven.
- Tên em là gì?
- Mua-ra Vô-lưn-xép.
- Có phải anh trai em là bí thư chi đoàn sở đầu máy không?
- Vâng.
Giờ thì Pa-ven hiểu cô bé là ai rồi. Rõ ràng là Vô- lưn-xép, một trong những đoàn viên thanh niên tích cực nhất quận này, đã không chú ý đến giáo dục em gái mình, và cô bé cứ là một cô ả tiểu tư sản tầm thường mãi. Từ một năm nay, cô bé năng lui tới những tối vui tổ chức ở nhà bạn, đem đến đấy những chiếc hôn làm chóng mặt được. Cô bé đã gặp Pa-ven nhiều lần đến chơi với anh mình.
Mua-ra nhận ra người con trai ngồi bên không tán thành thái độ của mình; khi người ta gọi cô vào chơi "mớm cho chim bồ câu ăn", cô thấy Pa-ven cau mày, liền từ chối thẳng. Hai người ngồi với nhau mấy phút nữa, Mua-ra kể chuyện đời mình. Ca-chi-u-sa đến tìm họ.
- Mình mang đàn gió lại nhớ, Pa-ven chơi hộ vài bài!
Rồi nheo mắt nhìn Mua-ra một cách láu lỉnh, Ca- chi-u-sa hỏi:
- Thế nào, quen nhau rồi chứ?
Pa-ven kéo Ca-chi-u-sa ngồi cạnh anh, và nhân lúc chung quanh đang cười đùa, la hét ầm ĩ, anh bảo bạn:
- Mình không chơi đâu. Mình đi dạo với Mua-ra một lúc.
- A, a, có người cắn câu. - Ca-chi-u-sa hỏi, ra dáng hiểu cả rồi.
- Phải. Cắn câu rồi đấy. Tôi hỏi Ca-chi-u-sa, ở đây ngoài hai chúng ta, có ai là đoàn viên nữa không? Hay chỉ có hai chúng ta rơi vào một "ổ chim bồ câu"?
Ca-chi-u-sa làm lành, nói cho Pa-ven biết:
- Họ thôi không làm trò điên nữa đâu. Sắp nhảy rồi.
Pa-ven đứng dậy:
- Thế thì tốt. Mời mụ cứ nhảy. Còn tôi với Mua- ra đi đây.
Một buổi tối, An-na Bô-khác đến nhà Ô-cu-nhếp. Chỉ gặp có Pa-ven ở đấy.
- Anh bận lắm phải không? Đi dự phiên họp toàn thể của Xô-viết đi nào. Để lúc về, đi có bạn cho vui, chứ họp về khuya lắm.
Một lát, Pa-ven mặc xong quần áo. Đầu giường anh treo khẩu Mô-de: khẩu súng này nặng quá. Anh mở ngăn kéo Ô-cu-nhếp, lấy khẩu Bơ-rao-ninh cho vào túi. Rồi viết lại mẩu giấy cho Ô-cu-nhếp và giấu chìa khóa vào chỗ đã hẹn với nhau.
Ở rạp hát, hai người gặp Pan-cơ-ra-tốp và Ôn-ga. Mấy người cùng ngồi gần nhau. Những lúc phiên họp tạm nghỉ, họ đi dạo chơi với nhau ngoài sân. Như An-na đã đoán trước, buổi họp kéo dài đến một giờ khuya. Ôn-ga đề nghị:
- Hay các cậu về cả nhà mình ngủ. Khuya lắm rồi mà các cậu lại ở xa.
An-na từ chối:
- Thôi, mình đã hẹn với Pa-ven đi về rồi.
Pan-cơ-ra-tốp và Ôn-ga cứ dọc đường cái đi xuôi, còn bọn về khu phố Xô-lô-men-ca thì đi ngược lên.
Đêm ngột ngạt, tối mịt như bưng lấy mắt. Cả thành phố đã ngủ kỹ. Các đại biểu ra về, mỗi người mỗi ngả, đi theo các phố im phăng phắc. Tiếng nói và tiếng chân họ cứ chìm dần trong đêm. Pa-ven và An- na đã đi khỏi các phố lớn một quãng xa. Đến phố chợ, vào giờ này vắng tanh, vắng ngắt thì gặp đội tuần tra họ giữ lại hỏi giấy rồi cho đi. Qua con đường lớn, vào một phố vắng không có đèn. Phố này chạy ngang một bãi đất bỏ hoang. Hai người rẽ sang trái, rồi men theo con đường chạy dọc những kho chính của nhà máy xe lửa. Những nếp nhà dài bằng bê-tông, trông tối đen và ghê sợ. An-na đột nhiên đâm lo. Chị len lét nhìn vào đêm tối, trả lời Pa-ven nhát gừng chẳng ra đâu vào đâu. Đến khi cái bóng đen làm chị hoảng hóa ra là cái cột dây thép thì chị cười phá lên, cắt nghĩa cho Pa-ven hiểu điều làm mình sợ. An-na khép cánh tay mình dưới cánh tay Pa-ven, sát vai mình vào vai bạn và thấy vững lòng hơn.
- Mình năm nay mới có hai mươi hai tuổi đầu nhưng thần kinh bị rão như một bà lão rồi, Pa-ven có thể cho mình là nhát gan. Mình không phải nhát gan đâu. Nhưng hôm nay không hiểu tại sao mình thấy não cân bị kích thích lạ. Giờ có Pa-ven đi bên cạnh, mình không lo nữa và thấy xấu hổ là đã hốt hoảng.
Vẻ trấn tĩnh của Pa-ven, đầu lửa đỏ của điếu thuốc lá anh cầm chốc chốc lại soi lên một bên mặt anh, đôi mày của anh cong một cách cứng cỏi, tất cả những điều đó làm An-na tiêu tan hết nỗi hoảng sợ vì đêm hôm tối mịt, vì cảnh hoang vắng của bãi đất bỏ không, cả vì câu chuyện giết người khủng khiếp xảy ra hôm qua ở khu phố Pa- dôn, vừa được nghe kể chuyện xong lúc ở rạp hát.
Hai người đã vượt qua dãy nhà kho, đi qua cái cầu nhỏ bắc ngang con lạch và đi vào con đường phố ga; con đường này đưa tới khúc đường hầm dưới gầm đường xe lửa chạy, khúc đường hầm nối thông mé bên thành phố với cả khu phố đường sắt.
Hai người đã bỏ xa nhà ga ở mé bên tay phải. Một đoàn xe chạy vào đường đỗ xe, ở cuối dãy nhà kho. Đây đã là giang sơn mà họ quen thuộc rồi. Trên kia, đường tàu chạy, ánh sáng màu óng ánh ở những đèn kho và đèn hiệu; gần kho đầu máy, một chiếc đầu máy chạy đi chạy lại, thở dốc ra như một con vật mệt lử sắp được nghỉ đêm.
Cửa vào đường hầm, có cái đèn treo trên móc sắt gỉ. Gió hiu hiu khẽ đưa đẩy ngọn đèn, ánh sáng mờ vàng ệch đong đưa, hắt lên tường bên này rồi lại hắt lên tường bên kia của đường hầm.
Khỏi đường hầm mười bước, ngay bên đường có nếp nhà nhỏ trơ trụi, chính giữa căn nhà ấy có vết thủng lớn há hốc. Hai năm trước đây, một quả trái phá hạng nặng tương trúng ngôi nhà, làm trong nhà bể tung từng mảng và mặt nhà đổ vỡ tan nát. Trông nếp nhà ấy chẳng khác một ông lão ăn mày ngồi bên vệ đường chìa vết thương của mình ra cho người qua lại trông thấy. Trên mặt đường cao, một chuyến tàu chạy qua.
An-na thở phào.
- Ta gần đến nhà rồi.
Pa-ven gỡ tay An-na ra. Song An-na không chịu bỏ. Hai người qua một căn nhà đổ nát.
Bỗng có tiếng động sau lưng. Tiếng chân chạy gấp, tiếng thở hồng hộc. Có người đuổi theo họ.
Pa-ven giật tay ra định đối phó, nhưng An-na thất kinh cứ ôm ghì lấy anh. Đến khi Pa-ven gỡ tay ra được thì muộn quá rồi: những ngón tay cứng như sắt đã nắm lấy cổ anh; anh quẫy mạnh nhưng kẻ hành hung đã sấn đến trước mặt. Nó lấy tay sờ cổ họng anh, nắm lấy cổ áo vặn mạnh, rồi ngẩng đầu anh lên trước nòng một khẩu súng ngắn, khẩu súng từ từ giơ lên vẽ thành một vòng cung.
Mắt người thợ điện như bị thôi miên, nhìn theo khẩu súng giơ lên theo đường vòng cung, óc anh căng thẳng quá sức người chịu đựng. Cái chết từ nòng súng đen ngòm nhìn thẳng vào mắt anh, và Pa-ven không đủ sức nhìn đi chỗ khác, dù chỉ là một Phần trăm giây đồng hồ. Anh đợi phát súng, nhưng không thấy nổ. Mắt anh tròn xoe nhìn thấy mặt thằng cướp. Sọ nó to, cằm nó bạnh, râu ria đen sì tua tủa; mắt nó nấp dưới bóng đen vành rộng mũ cát-két.
Pa-ven liếc nhìn An-na mặt trắng bệch như vôi.
Một đứa trong ba thằng cướp kéo An-na vào xó thủng của căn nhà đổ. Nó vặn tay người con gái, đè ra đất. Một bóng đen nữa đi kèm Pa-ven, anh chỉ thấy bóng nó in trên tường hầm. Đằng sau, trong gian nhà đổ nát, có tiếng vật lộn. An-na cố giãy không chịu; tiếng kêu cứu bỗng im bặt: An-na bị nó lấy mũ cát-két nhét vào mồm. Tên cướp to đầu đang ôm ghì Pa-ven không chịu để đứa khác hiếp mà nó chỉ đứng xem: như con thú dữ, nó muốn sán ngáy đến mồi ngon. Hình như nó là chủ tướng và nó không ưa làm cho đứa khác ăn. Anh con trai nó nắm trong tay này mặt non choẹt ấy mà. Trông cách ăn mặc, dáng chừng là "một thằng mọi" làm ở sở đầu máy thì phải. Thằng nhãi con này chẳng có gì nguy hiểm cả.
"Ta gõ hai ba lần cái củ tỏi này vào hoa cái nó, rồi ta chỉ cho nó con đường chạy qua bãi hoang thì nó sẽ chạy biến về phố, không dám ngoái cổ lại". Và thằng cướp nới nắm tay đang siết chặt của nó ra.
- Xéo! Chạy đi khỏi đây ngay lập tức. Hễ mở mồm kêu, ông cho kẹo vào mồm ngay. - Và nó lấy nòng súng cốc vào trán Pa-ven. - Cút đi ngay! Nó rống lên, rồi hạ súng xuống cho nạn nhân của nó chạy đi, khỏi sợ nó cho ăn đạn vào lưng.
Pa-ven lùi lại phía sau, đi chếch hai bước, mắt không rời thằng cướp. Thằng cướp lại tưởng gã thanh niên non choẹt ấy vẫn còn sợ nó bắn vào đầu và không để ý cứ đi về phía căn nhà.
Tay Pa-ven thò ngay vào túi. "Chỉ cốt là đừng chậm quá!”, Anh quay phắt lại, giơ thẳng tay trái, nhằm đúng thằng cướp. Nó nhận ra nó đã tính lầm thì chậm quá mất rồi. Viên đạn chọc thủng mạng mỡ.
Nó không kịp giơ tay lên trời, loạng choạng ngã khuỵu vào tường hầm, rồi kêu lên không ra tiếng, ngón tay bíu chặt lấy tường, xác nó từ từ rơi phịch xuống đất. Từ chỗ thủng của căn nhà đổ, một bóng đen vụt ra, nhảy phắt xuống rãnh sân. Pa-ven bắn phát thứ hai theo nó. Một bóng nữa lom khom, ba chân bốn cẳng chạy vụt vào hầm tối. Súng lại nổ. Đạn bật vào tường bê-tông, bụi trắng rắc theo lên bóng đen. Nó nhảy né sang bên, rồi biến mất vào đêm tối. Khẩu Bơ-rao-ninh còn bắn theo ba phát inh tai nữa. Dưới chân tường hầm, thằng cướp to đầu hấp hối, quằn quại như con giun.
Pa-ven đỡ An-na dậy. Chị chưa hết kinh hoàng, nhìn tên cướp già giãy giụa, còn chưa tin hẳn là thoát nạn.
Pa-ven dìu An-na đi trong đêm tối, về phía phố, xa dần chỗ có ánh đèn. Hai người cùng chạy về phía nhà ga. Trên bờ cao của đường sắt, gần đường hầm, có ánh đèn đi tuần soi rối rít. Một tiếng súng báo động nổ ầm trên đường sắt.
Khi hai người về đến nhà An-na thì gà nhà ai đã gáy sáng trên đồi Ba-ti-sep. An-na nằm dài trên giường. Pa-ven ngồi bên bàn. Anh hút thuốc, nhìn những vòng khói tỏa đang bay lên trần nhà... Thằng cướp vừa bị bắn chết là người thứ tư anh đã giết trong đời.
Nói chung, trên đời này, có thể nào có một đức can đảm tuyệt đối, bao giờ cũng biểu hiện một cách toàn vẹn không nhỉ? Nhớ lại những cảm nghĩ của mình trong việc xảy ra vừa qua, Pa-ven thú thật với mình là những phút đầu tiên, con mắt đen ngòm của nòng súng đã làm anh sợ hết hồn. Và anh đã bắn trượt hai bóng đen chạy trốn, có phải chỉ vì anh hỏng một bên mắt, phải dùng tay trái bắn không? Không. Cách có vài bước mà thôi, anh có thể bắn tin hơn nhiều. Thế mà lại bắn không trúng, tại anh đã cuống, đã hấp tấp, điều đó chứng tỏ tâm thần anh có Phần nào hốt hoảng.
Đèn để bàn chiếu lên đầu anh. An-na nhìn bạn, theo dõi từng nét cử động trên mặt. Thoạt trông, Pa- ven có vẻ bình tĩnh. Chỉ có nếp nhăn trên trán tỏ ra anh đang nghĩ lung.
- Nghĩ gì thế Pa-ven?
Những ý nghĩ của anh bị câu hỏi đột ngột đánh bạt, bay đi đâu mất như làn khói thuốc đang tỏa ra khỏi ánh đèn. Anh trả lời theo ý nghĩ đầu tiên nảy ra trong óc:
- Tôi phải tìm đến đồng chí chỉ huy đơn vị bảo vệ thành phố. Tôi phải báo cáo với đồng chí ấy mới được.
Anh cố nén mệt mỏi, miễn cưỡng đứng dậy.
An-na không chịu buông tay anh ngay; chị không muốn phải ở lại nhà một mình. An-na tiễn Pa-ven ra cửa, đứng nhìn theo mãi con người đối với mình từ nay thân quý và gần gũi quá. Chờ cho đến khi Pa- ven đã đi khuất vào bóng tối, chị mới trở vào đóng cửa lại.
Có Pa-ven đến gặp cho biết, cơ quan bảo vệ của đường sắt mới hiểu.ra vụ giết người khó hiểu này. Người ta nhận ngay ra mặt tên bị giết là Phim-ca Sê-rếp, một tên cướp đường và giết người đã tái phạm nhiều lần mà các bộ phận điều tra hình sự đã nhẵn mặt.
Ngày hôm sau, ai cũng biết chuyện xảy ra ở đường hầm.
Nhân đó mà có chuyện va chạm bất ngờ xảy ra giữa Pa-ven và Svê-tai-ép.
Giữa lúc cả xưởng đang mải miết làm việc thì Svê- tai-ép bước vào, gọi Pa-ven ra ngoài hành lang, kéo đến một chỗ xa, có vẻ cảm động lắm, lúc đó không biết bắt đầu câu chuyện thế nào, cuối cùng hỏi Pa-ven:
- Cậu cho mình biết chuyện xảy ra đêm qua thế nào?
- Cậu biết cả rồi còn gì?
Svê-tai-ép nhún vai một cách cáu kỉnh. Người thợ điện hiểu đâu là câu chuyện ở đường hầm động đến lòng Svê-tai-ép hơn người khác. Pa-ven không biết anh chàng thợ rèn bề ngoài phớt lạnh này trong bụng rất cảm An-na. Đối với An-na, chẳng phải mình anh chàng có thiện cảm, song cảm tình ở hắn ta phức tạp hơn người khác. Được Ta-li-a vừa cho biết chuyện xảy ra đêm qua ở đường hầm, Svê-tai-ép nghe xong, một câu hỏi làm hắn ta nhức óc. Hắn biết không thể nào đem hỏi trực tiếp Pa-ven được; song hắn muốn biết rõ sự thật thế nào. Hắn cũng cảm thấy lờ mờ những điều mình lo ngại đây có Phần ích kỷ bần tiện; song lần này, trong cuộc đấu tranh của những tình cảm mâu thuẫn ở lòng hắn; bản năng thô bạo, bản năng thú vật đã thắng mất rồi. Hắn bắt đầu nói với Pa-ven bằng giọng khàn khàn:
- Pa-ven này, câu chuyện mình hỏi, cậu đừng kế với ai. Cậu hiểu mình muốn cậu đừng nói với An-na, làm An-na nghĩ ngợi. Mà cậu cũng có thể tin là mình cũng không nói với ai hết. Mình đề nghị cậu cho mình biết, khi thằng cướp giữ chịt lấy cậu thì mấy thằng kia có hiếp được An-na không?
Nói đến đoạn cuối của câu, Svê-tai-ép sượng mặt quá quay đi nhìn chỗ khác.
Pa-ven bắt đầu lờ mờ hiểu Svê-tai-lo np: "Nếu cậu ta đối với An-na không có gì thì cậu ta cũng. chẳng lo cuống cuồng như thế. Nhưng nếu cậu ta yêu An-na thì...". Pa-ven thấy có điều gì tổn thương đến An-na.
- Cậu hỏi thế làm gì?
Svê-tai-ép nói lí nhí, chẳng hiểu nói gì cả, rồi thấy người ta đã đoán được bụng mình, hắn đâm cáu:
- Tại sao cậu lại nói lảng đi như thế? Tôi hỏi cậu để cậu trả lời tôi. Cậu lại đi hỏi vặn lại tôi.
- Cậu yêu An-na phải không?
Im lặng. Rồi Svê-tai-ép khó nhọc dằn ra tiếng:
- Phải.
Pa-ven không nén được phẫn nộ, quay gót đi ra hiên, không thèm ngoái lại nhìn.
~*~ …Ô-cu-nhếp đứng quanh quẩn ở gần giường bạn, lúng ta lúng túng hồi lâu rồi mới đến ngồi sát xuống mép giường, để tay lên cuốn sách Pa-ven đang đọc.
- Pa-vơ-lu-sa ơi, cậu có biết không, mình phải kể cậu nghe chuyện này, cậu biết chưa nhỉ? Câu chuyện có vẻ vớ vẩn mà lại chẳng vớ vẩn tí nào. Chuyện là... giữa Ta-li-a La-gu-chi-na với mình. Cậu hiểu, mình ưa cô ấy. - Ô-cu-nhếp, vẻ ngượng ngùng, đưa tay gãi đầu nhưng không thấy bạn chế, đánh bạo nói nốt.
- Và Ta-li-a cũng thế... Chắc cậu hiểu rồi. Mình chẳng phải kể nữa. Câu chuyện rõ ràng chẳng phải soi đèn mới hiểu. Hôm qua, hai chúng mình bàn nhau, tính xem duyên phận thế nào, định lập gia đình với nhau. Mình hai mươi hai tuổi, hai đứa cùng có quyền bầu cử cả rồi. Mình định xây dựng với Ta-li-a trên nguyên tắc bình đẳng. Cậu nghĩ thế nào?
Pa-len suy nghĩ một lát.
- Cậu bảo mình còn nghĩ thế nào nữa? Cậu cũng như Ta-li-a là bạn thân của mình. Bọn chúng ta như người ta nói là cùng một dòng máu mủ. Các mặt lợi ích khác, ta cũng đều giống nhau cả. Với lại Ta-li-a là một nữ thanh niên rất tốt... Rõ ràng là nên lắm rồi.
Hôm sau, Pa-ven mang hòm xiểng sang với anh em ở tập thể gần sở đầu máy. Vài ngày sau ở nhà An-na có tổ chức một tối vui, chẳng có rượu chè nhậu nhẹt gì, thật là một buổi tối vui cộng sản, để mừng cặp vợ chồng mới Ta-li-a La-gu-chi-na và Nhi-ca-lai Ố-cu-nhếp. Một buổi tối gợi lại những kỷ niệm xưa và đọc những quyển sách say mê nhất. Người ta hát đồng ca với nhau, hát nhiều bài và hát rất hay nữa. Những bài ca chiến đấu vang bay đi xa. Đến khuya, Ca-chi-u-sa và Mua-ra mang đàn gió lại. Tiếng đàn trầm mượt và tiếng láy đệm thánh thót như nhịp chuông bạc, vang âm khắp gian phòng. Tối hôm ấy, Pa-ven lại cầm lấy đàn chơi như ngày nào. Và đến khi chàng gấu Pan-cơ-ra-tốp lại xông ra nhảy nữa là điều mà mọi người lạ nhất thì Pa-ven bốc hẳn; đàn gió của anh lại như xưa, dốc hết nhiệt tình:
Này kìa, đường phố, đường phố với bao ánh sáng!
Thằng chó đểu Đê-ni-kin đang giận điên người!
Ở Xi-bê-ri Ủy ban đặc biệt chống phản cách mạng!
Đã đập chết tan tành bọn Côn-sắc, Ha! Ha!...
Đàn gió ca ngợi dĩ vãng, những năm rực ánh lửa và tình bạn ngày nay, ca ngợi đấu tranh và lòng yêu đời. Nhưng khi Vô-lưn-xép đỡ lấy đàn chơi bài "Ô này! Quả táo!"... hết sức vui nhộn của những người thủy thủ thì chỉ có Pa-ven nhảy, làm điệu vũ say sưa đến điên cuồng ấy! Bị điệu nhạc hầm hập sôi nổi lôi cuốn Pa-ven đã nhảy cuộc nhảy thứ ba và cũng là cuộc nhảy cuối cùng trong đời anh.