rời sụp tối thật nhanh đúng  như câu mà dân gian thường nói "Tháng mười chưa cười đã tối ", đang giăng cái mùng trên bộ "đi văng" phía nhà trên để chuẩn bị cho giấc ngủ, Ông Ba làu bàu nói một mình:
  - Mới lua có mấy miếng cơm vô bụng,  vừa dọn xong  xuống bếp, chưa kịp uống miếng nước vậy mà ông trời ổng tối thui rồi.
  Chực nhớ đến cái chuồng gà phía sau nhà, ông Ba lên tiếng nhắc thằng Hải con của ông:
  - Hải ơi! Bây ra sau nhà coi cái chuồng gà tía có khóa lại chưa? Mắc cái giống gì lúc này ăn trộm quá chừng, nếu tía chưa khóa bây khóa lại dùm, chứ không khéo cái đám mắc dịch mắc gió nó vô quơ hết thì tết này nhà mình có nước treo mỏ hết trơn đó nghe bây.
  Đang phụ bà Ba dọn dẹp sau bếp, nghe tía dặn Hải vội  vàng lên tiếng:
  - Con nghe rồi tía ơi, tía yên chí đi, có con ở nhà thì hổng có tên trộm  nào dám mò vô đâu, tía quên con rồi hả, đệ nhị đẳng huyền đai Karate nha tía.
  Nghe thằng Hải khoe ba cái chuyện nghề võ của nó làm cho ông ba thấy vui trong bụng, bởi nó có được huyền đai đệ nhị đẳng gì đó là nhờ ông Hai Nghĩa người bạn  nối khố của ông chỉ dẩn cho thằng Hải nơi tầm sư học đạo, lúc trước Hải thường hay bị mấy đứa trẻ bên kia sông ăn hiếp, có hôm hai ba đứa nhóc xúm lại dí thằng Hải chạy có cờ, thậm chí lúc đang bơi xuồng chở mấy bao lúa mới gặt đem về phơi trong sân nhà, đến ngã ba sông Hải vừa cho xuồng vô con kênh để  chèo về nhà, không biết đám nhóc kia phục kích hồi nào chúng chống xuồng vây quanh chiếc xuồng nhỏ bé của thằng Hải  rồi nhào qua định ăn thua đủ khiến cho Hải hồn vía lên mây nên nhảy ùm xuống kênh bơi vào bờ chạy trối chết về nhà, trong lúc vội vàng nó làm chiếc xuồng tròng trành rồi lật ngang chìm tại chổ lúa má ướt sạch trơn báo hại ông Ba phải nhờ đám thanh niên gần nhà đến nơi trục vớt xuồng và lúa lên  đem về nhà, cũng may là vớt lúa kịp thời và phơi hong kịp lúc,  bằng không lúa nẫy mầm chỉ còn cách cho gà vịt ăn mà thôi.
Ở đời khi có duyên rồi thì cho dù có đi đây đi đó rồi cũng gặp lại cố nhân, với Hải cũng vậy, ông Hai Nghĩa kêu thằng Hòa con của  ông lấy chiếc Gobel chở Hải ra thị trấn học võ để tự vệ  để đề phòng cái đám nhóc tì bên kia sông làm càn thêm lần nữa. Người ta thường nói " oan gia ngỏ hẹp ", cứ tưởng vô cái lò học võ thì tránh được đám nhóc quậy phá kia, không dè khi đặt chân vào phòng học thì Hải chạm mặt ngay với ba tên tiểu yêu mà nó đã nhìn thấy hôm rồi trên ngã ba kênh.
Ngày đầu hai bên vừa học vừa gầm gừ nhau, sang buổi học thứ hai một thằng trong đám đến gây sự với Hải, thời may ông thầy dạy võ biết được gọi cả hai lên quở trách nặng nề, khi biết Hải có quen Hạnh cô bạn gái dễ thương ở ấp bên kia sông, nên một trong ba tên nhóc kia đã từ lâu  thầm thương trộm nhớ Hạnh mà chưa dám tỏ tình, khi thấy Hải tới lui nhà Hạnh  có lúc chơi tận khuya mới về đâm ra ghen tức,  đó là nguyên nhân vì sao đám nhóc thù oán với Hải.
Biết được nguyên nhân của sự hiềm khích kia , thầy dạy võ  đứng ra giảng giải cho đôi bên nghe về chữ duyên chữ phận của con người, và nói về cách đối nhân xử thế của đồng loại, cũng may hai bên đều thấm thấu được sau lời khuyên bảo của ông thầy nên Hải và ba thằng nhóc nọ kết nghĩa đào viên với sự chứng giám của thầy, sau lần đó cả nhóm bạn Hải  cùng nhau chia sẻ vui buồn trong cuộc sống,  khiến thầy dạy võ và gia đình rất vui mừng khôn siết.
Trở lại chuyện cái chuồng gà, sau khi nói đùa với tía như trên, Hải ra sau nhà xem lại chuồng gà, nó khóa cửa, che thêm bạt cho dảy chuồng để tránh gió cho lũ gà khi đêm về.
  Đêm ở vùng quê trời tối mịt mùng, bóng đêm bao trùm  cả không gian, xa xa  có vài ánh đèn dầu lập lòe từ những mái tranh nghèo dọi đến, thỉnh thoảng có vài ba ngọn gió thổi hiu hiu cũng đủ làm  se lạnh những ai còn có việc đi lại trong đêm tối.
Đang yên giấc bổng Hải nghe tiếng gầm gừ của con Phèn phía sau hè, có lúc Phèn sủa vang lên khiến màn đêm cô tịch bắt đầu lao xao dậy sóng.
Trước đây khi còn đi học, Hải có nghe qua các câu ca dao tục ngữ, trong đó có câu:
  " Chó đâu chó  sủa lổ không?
Chẳng thằng ăn trộm cũng ông ăn mày".
  Nghe con Phèn ngày càng làm dữ, Hải bật dậy leo xuống giường, nghi ngờ  có trộm viếng nó quơ vội cây gậy tầm vông nắm trên tay để đề phòng bất trắc, nó rón rén đến bộ đi văng thò tay vào mùng lay nhẹ ông Ba thức dậy, do cả ngày công việc đồng áng mệt nhọc nên khi đặt lưng trên bộ đi văng thì ông Ba đã ngáy khò khò như cái đầu máy xe lửa đang ráng sức leo lên con dốc, đang say sưa giấc nồng bị thằng Hải khều liên tục nơi bàn chân khiến ông tỉnh ngủ lòm còm ngồi dậy, thằng Hải ra dấu cho ông biết là có trộm đang rình mò phía sau nhà khiến ông Ba điếng hồn rồi nhảy phóc xuống đất nhanh như con Sóc chuyền cành.
Hai tía con rón rén men theo vách lá trong nhà, đi lần xuống nhà dưới lấy tay mở nhẹ cái chốt cửa Hải đẩy hé cửa vừa đủ hai cha con len qua, loay hoay thế nào không biết Hải đá trúng cái khạp đựng gạo khiến nó đau điếng bật kêu lên
- Ui da đau quá tía ơi!
  Ông Ba giật mình vì tiếng kêu thất thanh của thằng con, ông vội hỏi:
  - Bây làm cái giống gì mà la bài hãi vậy? Rình ăn trộm mà bây la làng kiểu này thì tết ma rốc mới túm cổ được tụi nó.
Bà Ba nghe tiếng thét của thằng con vang lên khiến bà giật bắn người tỉnh giấc, bà lật đật vặn lớn cây đèn dầu cho cháy sáng hơn, trước mắt bà thằng Hải nằm ôm bàn chân mặt mày nhăn nhó như khỉ ăn ớt,  còn ông Ba thì há hốc nhìn Hải.
  Khi biết thằng Hải vô tình đá trúng cái khạp gạo bà Ba liền cự nự ông ba liền một khi:
  - Đó tui nói ông hoài, mần cái gì rồi làm ơn để lại chổ cũ, hồi chiều trút gạo vô khạp xong phải chi ông lùa nó vô chổ cũ thì lấy đâu thằng nhỏ đá trúng, cũng may phước không có máu me gì, còn bằng không chết thằng con cưng của tui rồi, mai mốt ông làm liền đừng có lần lựa mà sanh chuyện như bữa nay đó.
  Nghe bà vợ càm ràm muốn nhức xương, nhưng vì có tính nể nang bà vợ nên ông chống chế một vách yếu ớt:
  - Biết rồi bà ơi! Tại hồi chiều trút bao gạo vô khạp xong tự nhiên tui đau lưng thấy mồ nên tui để tạm đó sáng mai mới làm, ai có dè đâu ra nông nổi như vầy.
  Nghe tía mà rầy rà nhau thằng Hải muốn chấm dứt câu chuyện nó bèn nói:
  - Tía cằm đèn ra chuồng gà xem có gì ngoài đó không, lúc nảy con Phèn mà mình nó sủa dữ lắm.
Ông Ba liền làm theo lời Hải, sau một hồi quan sát ông thấy không có dấu hiệu nào bị trộm đột nhập, trở vô nhà ông nói lớn giọng:
  - Tía ngó kỹ rồi, có cái con khỉ khô gì đâu mà con Phèn nó sủa, có khi nó gặp chó của Bà Sáu chui rào qua nhà mình nó muốn "de "con chó kia thôi bây ơi.
Nghe ông Ba nói cà rỡn như vậy, bà Ba lườm ông một cái rồi nói:
  - Cái ông này, nói vậy mà nghe được.
  - Chứ còn cái giống gì nữa bà, " Gà tui nuôi tui biết bà ơi", con Phèn nhà mình nó cũng có cái tật mê gái lắm, lúc mới đem nó về đây chừng vài bữa tui biết liền.
  Bà Ba xỏ ngọt:
  - Ông hay quá trời hén, chắc ông là nhà động vật học hay sao mà rành "sáu câu" vậy?
Hai tía con Hải bật cười sau câu nói của bà Ba, muốn kết thúc câu chuyện nhanh chóng để dỗ tiếp giấc ngủ dỡ dang, Hải bèn lên tiếng:
-Đi ngủ tía má ơi, trộm không có mình thức làm chi cho mệt, có " Thằng Phèn" làm  gác gian ngoài kia rồi còn sợ gì nữa.
  Nói dứt câu Hải che miệng ngáp dài một cái rồi lũi vô mùng nhanh chóng chìm vào giấc điệp.
  Người có tuổi một khi thức giấc bất chợt thường thì rất khó dỗ lại giấc ngủ, ngó lên cây cột nơi treo cái đồng hồ treo tường ông Ba nói với vợ mình:
  - Chèn ơi mới có ba giờ sáng hà, ngủ tiếp không xong thức luôn tới sáng cũng dở, giờ tính sao đây bà.
  - Thức luôn ông ơi! Ngủ nghê gì được, à mà ông nè ông thấy thằng Hải dạo này nó còn qua nhà con Hạnh chơi nữa không, tui thấy con nhỏ này giỏi nghe ông, hơn nữa nó lễ phép lắm tui ưng ý con nhỏ này rồi, sau này nó mần dâu nhà mình thì còn gì bằng hén ông.
Ngồi trên cái ghế đẩu nơi chiếc bàn gỗ tròn dưới bếp, rót trà trong bình tích ra cái ly, hương thơm của trà lan tỏa khiến ông ba phấn chấn hớp một ngụm nhỏ rồi khẻ trả lời:
  - Tui thấy hai đứa này nó đeo sát nhau như Sam  dễ gì nó không gặp nhau, mà hơi đâu bà lo cho mệt số phận hết bà ơi, nếu đã là duyên nợ thì cho dù có ngăn sông cách núi thì tụi nó cũng chắp cánh sáp lại thôi.
  - Ờ thì tại tui mến con Hạnh tui mới hỏi vậy thôi, chứ ai mà không biết duyên số là do ông Tơ bà Nguyệt se.
  Câu chuyện tình cảm của thằng Hải là đề tài của ông bà Ba đề cập đến khi ngoài trời sáng bửng mới xong, ông Ba chuẩn bị cơm nước để mang theo ra ruộng cày cấy cùng cặp Trâu đến chiều tà mới trở về nhà, bà Ba thì luôn tay chăm sóc cái chồng gà và bầy heo sau hè  với hy vọng  sau này có số tiền kha khá lo dựng vợ cho Hải để có cháu nội bồng ẳm với thiên hạ, đôi khi ngồi đan mấy cái rọ để ông Ba đi bắt cá, có lúc tình cờ ngó sang nhà hàng xóm bà chợt thấy bà Năm đang bồng cháu ngoại vừa hôn hít đứa cháu vừa nói oang oang như muốn khoe cho cả làng cả xóm biết cái hạnh phúc mà bà Năm đang có,  những lúc như vậy ba Ba cảm thấy tủi thân rồi bà thầm mong:
  - " Cháu nội của mình sau này chắc nó dễ thương không thua cháu ngoại của bà năm đâu ".
***
Cặp xuồng vào mé rạch trước nhà Hạnh, chưa vội lên bờ Hải chắp hai tay làm loa gọi:
- Hạnh ơi! Có nhà hông cưng?
Đang xới đất để trồng mấy líp Cải bẹ xanh, hôm rồi cũng chổ đất này Hạnh bỏ công trồng đám cải ngọt,  cải vừa nhú mầm khỏi mặt đất những mầm xanh tươi mát,  chưa kịp vui mừng khi thấy thành quả của công việc của mình thì Hạnh đã thấy đám cải bị phá tan hoang bởi con heo mọi của bà Năm mua ở chợ Quận đem về nuôi, bà nhốt tạm trong cái bội mà ông Năm thường nhốt con gà Nòi hôm nào, do chổ ở chật chội con heo mọi ủi tung cái bội nó hất máng cám văng tung tóe ra đất, khi  thoát ra ngoài nó dùng cái mỏ khỏe mạnh ủi luôn cái hàng  rào ngăn ranh giữa hai nhà, nó nhào vô líp cải ngọt hất ủi tung lên, khi phát giác ra kẻ " Xâm nhập gia cư  bất hợp pháp"  Hạnh bẻ nhánh Mận quơ ra hù dọa khiến "hắn"chạy cúp đuôi về nhà, báo hại bà Năm phải năn nỉ Hạnh bỏ qua và đền bù thiệt hại để khỏi làm phiền lòng hàng xóm.
Nghe Hải gọi Hạnh lên tiếng:
  - Hạnh đây. Anh Hải dô đi.
  Chống cây sào rồi neo chiếc xuồng lại, Hải leo lên bờ nhanh chóng đi vô nhà, thấy Hải thấp thoáng ngoài sân Hạnh gọi:
  -Em đây anh Hải ơi!  Đang trồng lại mấy líp cải nè.
  Hải đi vòng sang hông nhà nhìn về phía đám đất trống thấy Hanh đang ve vẫy cáu nón lá quạt cho mát, Hải đến gần rồi hỏi đùa một câu:
  -Chà chà trồng cái đám cải này có hỏi ý kiến ai chưa? Có được cho phép chưa?
Nghe người yêu hỏi Hạnh ngớ ra và nói:
- Đất nhà em em muốn trồng cây gì thì em trồng chứ đất của ai mà phải xin phép tắc hả anh Hải?
- Ậy có nhân vật ở ấp này ghê lắm nha, em trồng mà không xin phép là không yên với ổng đâu.
- Anh nói gì nghe ngộ ghê, ông nào mà uy quyền dữ dậy. Ngoài trưởng ấp ở đây đâu có ai dám hoạnh họe bà con, dân bây giờ họ biết luật lệ dữ lắm, ai sớ rớ cậy quyền cậy thế là bà con viết đơn kiện liền nên mấy ông " lốc cốc leng keng" ớn lắm không dám đụng đến bà con nữa, chứ chừng chục năm về trước dễ gì, lúc đó ông nào hét cũng ra lửa hết ráo đó anh.
  Hải cười vang rồi nói:
  - Anh nói mà em không tin thì cứ trồng đi vài bữa thì biết kết quả liền.
Lúc này Hạnh hết nhẫn nại, cô nàng níu áo Hải rồi nói:
- Có gì thì anh nói hụych tọec  cho rồi, úp úp mở mở hoài ai mà chịu đời cho thấu.
- Em có Hỏi con Heo mọi nhà bà Năm chưa? Nó qua kiếm chuyện thêm lần nữa thì coi như công dả tràng xe cát biển đông đó cưng ơi.
Nghe câu nói của Hải, Hạnh bật cười giòn tan:
  - Ha ha ha. Cái ông quỷ này nảy giờ ghẹo người ta, sau vụ hôm trước bà Năm " gả " nó đi rồi còn đâu nữa mà quậy phá.
  Nói xong Hạnh đấm thình thịch vô lưng người yêu, thằng Hải lật đật chạy quanh cây rơm trong sân nhà Hạnh rượt theo sau, chừng đôi ba vòng cả hai ngã vào nhau dựa lưng vào cây rơm rồi trao nhau những nụ hôn nồng cháy, dường như ông mặt trời cũng tôn trọng giây phút riêng tư của đôi trẻ nên ông cũng vội ẩn vào đám mây trên cao...
* * *
Dòng  đời cứ tuôn chảy, mọi việc tưởng chừng như sẽ vuông tròn theo ý muốn của mọi người, vậy mà...
  Cuộc tình của Hải và Hạnh thật trong sáng và nên thơ, hai đứa thường hẹn hò nhau qua những đêm trăng sáng trên đồng lúa chín vàng, trên chiếc cầu nhỏ bắt qua con rạch trước nhà. Bao nhiêu nguyện ước cùng nhau sống đến lúc răng long đầu bạc, họ còn mong sẽ sanh cho ông Bà Ba một đàn con đông đúc cho vui nhà vui cửa.
  Đang ngồi xếp lại các tấm thiệp cưới chuẩn bị gửi đến nội ngoại hai bên và bè bạn xa gần, liếc mắt nhìn Hạnh ngồi mân mê tấm thiệp với dáng điệu không khỏe, Hải lên tiếng hỏi:
  -Em có sao  không? Thôi vô nằm nghỉ đi ba cái vụ này anh chạy cái vèo là gửi xong thôi, giữ sức khỏe chứ đến ngày cưới là mệt lắm đó.
  Nghe Hải khuyên như vậy Hạnh gật đầu rồi lui vào phòng nghỉ ngơi. Một mình Hải loay hoay với đống thiệp đến tận khuya mới xong.
  Hôm sau đang chèo chiếc xuồng đi gửi thiệp cho bà con các ấp phía trên, điện thoại trong túi quần Hải reo lên liên tục, ngơi tay chèo Hải móc điện thoại ra nghe, bên kia đầu dây bà ba khóc thúc thít:
  - Hải hả con, con quay về gấp chở con Hạnh đi cấp cứu gấp con ơi, má sợ quá sao con Hạnh nó tái méc hà, lẹ lên con.
  Trời đất như quay cuồng, Hải vội xoay ghe lại và chèo cật lực, vừa đến nhà Hải chạy  nhanh vào nó thấy bà con cô bác lối xóm bu lại thật đông, vẹt đám người đang chen chúc nơi cửa Hải vào đến cửa phòng ngủ cũng là lúc Hạnh thở hắt hơi cuối cùng. Ôm thân hình người vợ sắp cưới mà Hải như tan nát cỏi lòng, từ nay đôi chim liền cánh ngày nào không còn bên nhau nữa, Hải sẽ trơ trọi một mình bên vô vàn ước nguyện của đôi uyên ương. Hải đỗ gục xuống người Hạnh với nước mắt tuôn trào, bà Ba mẹ Hải thì mắt cũng lưng tròng, với bà thế là hết, bà chưa kịp có cháu nội để nâng niu như bà Năm hàng xóm.
  Bất giác trong cơn đau này bà Ba buông ra câu trách:
- Trời ơi! sao ông nỡ lòng nào để con phải gặp hoàn cảnh đau khổ như vầy..
  Cơn mưa từ đâu cũng chợt đến, dường như trời già cũng nghe thấu tiếng kêu nên ông cũng nhỏ lệ chia sẻ , dòng nước mưa chảy trong sân nhà như muốn cuốn trôi đi thân phận bất hạnh của những con người này.
Đêm 19.6.2015
Hai Hùng SG

Xem Tiếp: ----