Dịch giả: Hoàng Cường
Lời nói đầu

    
rong nền văn học Ấn Độ thế kỷ 20, các tác giả càng ngày càng muốn nắm bắt và thể hiện được cuộc sống trong dạng chân chất, nguyên khai của nó, không thỏa mãn với các miêu tả đầy lãng mạn và huyền bí, cũng như không chỉ thu hẹp vào thế giới tinh thần mang đậm màu sắc tôn giáo của con người, như trong những tác phẩm viết về Ấn Độ thế kỷ 19. Trong số các tác giả có nhiều cách tân, Thakazhi Sivasankara Pillai là một ngòi bút có nhiều đóng góp xuất sắc.
Ông sinh ngày 17/4/1914 tại làng Thakagi, bang Kerala, một trong nhưng bang nghèo bậc nhất ở Ấn Độ, nhưng lại có truyền thống lâu đời về văn hóa - nền văn hóa Malayalam.
Thiên nhiên ở miền nam Ấn Độ này hết sức khắc nghiệt, cộng với một bối cảnh xã hội còn chịu ảnh hưởng nặng nề của đời sống đẳng cấp đã khiến đời sống người dân nghèo luôn luôn đứng trước những xung đột, tai họa, bất công. Thakagi Pillai có ý thức rõ rệt muốn góp một tiếng nói, một cách nhìn xây dựng vào thực tế xã hội của quê hương mình. Từ bút pháp lãng mạn thời kỳ đầu, ông chuyển sang bút pháp hiện thực.
Năm 1942, ông sáng lập Liên đoàn các nhà văn tiến bộ bang Kerala. Từ những tác phẩm thời trẻ (Hoa mới nở, 1934), (Những câu chuyện Thakagi, 1938), Pillai đã dũng cảm đứng về phía người nghèo, phê phán những bất công xã hội.
Trong nhiều truyện dài của ông, nhân vật chính thường là những con người lao động, xuất thân từ những đẳng cấp thấp, luôn phải hứng chịu những thử thách khốc liệt của cuộc sống (như trong Cái đầu lâu,1947), (Con trai người quét rác, 1948), tiểu thuyết Hai vốc cơm, 1949 miêu tả đời sống những người cố nông cùng cực nhất ở một vùng đồng lầy.
Tiểu thuyết Mùa tôm (1956) viết về tình yêu khác đẳng cấp và tín ngưỡng ở một vùng dân chài, đã đem lại vinh quang cho Pillai, được giải thưởng của Viện hàn lâm văn học Ấn Độ, do thổng thống Ấn Độ trao tặng (năm 1957) Giải thưởng căn học cao nhất của Ấn Độ. Tuy chứa đựng một vài yếu tố tôn giáo, tự nhiên chủ nghĩa, nhưng nói chung tác giả đã thành công trong việc kết hợp khéo léo chủ nghĩa hiện thực phê phán với bút pháp trữ tình uyển chuyển. Đời sống vật lộn khắc nghiệt hàng ngày của người lao động tại một làng chài Ấn Độ hiện lên rất sáng rõ trong bối cảnh thiên nhiên nghiệt ngã, giữa những hàng rào vô hình mà tai ác, ngăn cách những con người ở những đẳng cấp xã hội và tính ngưỡng khác nhau, dẫn đến kết cục thật bi thảm.
Có lẽ chính do cách đặt vấn đề không khoan nhượng này, mà cuốn sách từ khi ra đời đã được bàn cãi sôi nổi, đã được in đi in lại mười bốn lần, trở thành một sự kiện trong đời sống văn học Ấn Độ những năm 50-60. Giới thiệu Pillai với bạn đọc Việt Nam, chúng tôi muốn giới thiệu một tác giả đã góp phần quyết định vào sự phát triển của chủ nghĩa hiện thực trong nền văn học mới của Ấn Độ, một ngòi bút giàu lương tri, nhân ái, suốt đời chiến đấu cho sự đổi mới và tiến bộ xã hội, dũng cảm bênh vực những khát vọng của con người ở dưới đáy xã hội, và luôn kêu gọi họ hợp lực lại đấu tranh cho một cuộc sống thật xứng đáng với con người.

Truyện Mùa Tôm Một bi kịch tình yêu hiện đại Lời nói đầu Phần một - Một agrave; cá trích. Palani bồn chồn đứng ngồi không yên. Anh sẽ làm gì bây giờ? Căm hờn, anh bắt đầu nguyền rủa. Con người gan góc cường tráng ở trong anh đang trỗi dậy.
Sức mạnh của Karuthamma cũng đang trỗi dậy. Nếu anh là một chàng trai dân chài thì cô cũng là một người con gái dân chài. Cuộc sống của có cũng tùy thuộc ở biển cả. Không có người đàn bà dân chài nào sinh sống bằng cách khác. Cô cũng vậy.
- Em có nên đi về miền đông bán cá nữa không? - Karuthamma hỏi.
Palani không muốn để vợ đi.
- Không. Em nên ở nhà. Đến tháng này em không được đội nặng trên đầu và không được đi đâu cả.
- Em không mệt. Em đã đến lúc mệt đâu.
Palani thân thương bảo vợ:
- Anh đưa em về đây vì anh nghĩ anh có thể làm người để em nương tựa. Em hãy nhớ lấy điều đó. Em không cần phải làm gì.
Đây là một ngày trong cuộc đời Karuthamma mà cô sẽ không bao giờ quên. Thật ra, đây mới chính là ngày cô trở thành người vợ của anh. Cô còn thiếu thốn gì nữa? Không có người đàn bà nào ở làng này có một người chồng can đảm hơn. Hai người đã đi đến chỗ thực sự hiểu nhau như vợ chồng. Duy còn một điều nữa.
- Karuthamma, - Palani nói - chỉ cần em sống theo đúng như tập tục và nề nếp của một cuộc sống đức hạnh. Em hãy sống đúng như một phụ nữ dân chài tại làng này.
Palani đòi hỏi một cách rành rọt điều đó ở Karuthamma. Cô thì hàng ngày thường quỳ bên chân anh cầu xin anh hãy đòi hỏi ở mình chuyện này chuyện kia. Nhưng anh chưa bao giờ đòi hỏi điều gì.
Thực ra, người chồng không cần phải yêu cầu hoặc đòi hỏi những điều đó. Nhưng không có những đòi hỏi ấy của người chồng, niềm hạnh phúc người vợ sẽ không trọn vẹn. Đòi hỏi đó còn là một phần trong nghi lễ cưới xin “Phải sống theo đúng tập tục và nề nếp” - yêu cầu ấy là một phần không thể tách rời của bổn phận người vợ đối với chồng.
Sung sướng và mãn nguyện, Karuthamma ngả người vào lồng ngực nở nang của chồng. Lệ dâng lên đầy khóe mắt, trào ra đám đìa. Tự đáy lòng, cô hỏi:
- Sao anh lại nói thế? Em đã sai trái một lần. Lẽ nào em lại lạc đường lần nữa?
Palani vuốt nhẹ lưng vợ:
- Đừng khóc, em đừng khóc nữa. - Anh vỗ về.
Sự thèm muốn, đã có lúc mất đi, nay lại bùng lên. Cánh tay rắn chắc của anh ghì chặt lấy tấm thân nhỏ nhắn của cô làm cô gần như nghẹt thở. Họ lại sống trong trạng thái đê mê ấy một lần nữa.
Là người trước kia chưa từng được ai chăm lo hoặc để tâm đến mình, Palani hiểu rằng nay đã có người lo lắng đến anh. Và ngược lại, Karuthamma là người trước kia không nhà không cửa, không nơi nương tựa thì nay đã tìm được người bạn đời thực sự. Chỉ có hai người với nhau. Họ nắm chặt tay nhau, cùng tiến lên đấu tranh giành cuộc sống.
Nền tảng cuộc sống của họ đã được xây dựng. Bây giờ hai người là một. Nhưng họ sẽ làm gì? Họ phải sống.
- Chúng mình sẽ làm gì bây giờ? - Karuthamma hỏi - Em đã để dành được mười hai rupi.
Món tiền nhỏ đó không giúp được gì nhiều. Một chiếc lưới con đã mất ba mươi rupi.
Karuthamma nảy ra một ý nghĩ:
- Tại sao chúng mình không đánh cá bằng lưỡi câu hả anh?
- Ví thử có lưỡi câu rồi thì lấy đâu ra thuyền?
- Với lại, chúng mình phải có thêm một người nữa cùng làm. Ai sẽ đến làm cho chúng mình?
Palani xem thường những khó khăn trở ngại đó, anh bảo vợ:
- Em đừng bận tâm. Chỉ cần có một chiếc thuyền nhỏ, anh sẽ đi đánh cá một mình và sẽ kiếm đủ tiền tiêu hàng ngày.
Ngoài bãi biển có năm, sáu chiếc thuyền nhỏ dùng để đi câu cá. Karuthamma tự hỏi tại sao vợ chồng cô lại không đến thuê một chiếc.
- Không ai cho chúng mình thuê đâu. Họ sợ mất thuyền.
- Có cách nào khác không anh?
Palani suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Đưa anh tiền. Để anh đi kiếm ít lưỡi câu về đã.
Karuthamma đếm tiền đưa cho chồng.
Cô cảm thấy may mắn được làm vợ một người trai có ý chí. Một lần nữa, mơ ước về một ngôi nhà có đầy đủ mọi thứ cần dùng, có thuyền có lưới riêng, lại bắt đầu le lói, lại có thể trở thành hiện thực. Ngay cả việc đi dự ngày hội Ayliam ở Mannácxala cũng vậy.
Karuthamma cầu mong đứa bé trong bụng mình đừng là con gái. Cô đã biết những nỗi nhọc nhằn của đời người phụ nữ. Rất có thể câu chuyện đời cô sẽ lặp lại. Không nó sẽ không bao giờ tái diễn nữa. Cô sẽ không để cho con gái có lớn lên cùng bọn con trai. Con cô sẽ không được dính líu vào một chuyện tình nào. Nếu là con trai thì sao? Cô sẽ không để cho một đứa con gái nào vì nó mà gặp hoạn nạn.
Karuthamma vào bếp nấu cơm và cari. Hôm nay cô muốn ăn cùng một đĩa với Palani như ngày trước. Cô sẽ lấy tay nắm cơm đưa chồng ăn. Không phải là những nắm cơm nhỏ mà là những nắm to. Karuthamma cứ thế mơ tưởng vẩn vơ đến nhiều thứ.
Bây giờ, dù có phải đói khát, cô cũng chịu đựng được hết. Chồng cô yêu thương cô. Anh đã tha thứ cho cô. Cô còn cần gì hơn? Đó chính là sự che chở của Thượng đế đối với cô.
Chập tối. Palani đem lưỡi câu về nhà. Anh phân ra từng loại và treo lên, sắp đặt mọi thứ sẵn sàng.
Lúc cả làng đã yên ngủ thì Palani chuẩn bị ra đi, mang theo chùm lưỡi câu. Karuthamma không để chồng đi nếu anh chưa cho cô biết anh định làm gì. Anh định lấy một chiếc thuyền nhỏ của một ai đó ngoài bãi rồi ra biển. Trước khi người trong làng tỉnh dậy thì anh đã đem cá về bờ rồi.
- Anh cũng phải sống nhờ biển chứ. - Palani bảo vợ.
Karuthamma kinh hãi. Đi biển một mình giữa đêm hôm đầy nguy hiểm.
- Em xin anh.. - Cô nói.
- Sao em?
- Anh đi một mình ư?
- Anh là đứa con của biển mà.
Khi anh bước đi, cô gọi theo:
- Đừng theo cá đi quá xa, anh nhé!
Palani không hứa hẹn gì.
Cả đêm, Karuthamma không sao chợp mắt được, cô bỏ ra ngoài ngồi bên gốc dừa mé tây ngôi nhà. Chếch về phía nam, cô thấy một chiếc thuyền nhỏ đang được đưa xuống nước. Lời câu nguyện của Karuthamma sẽ là thần hộ mệnh của anh.
Palani trở về trước khi trong làng có người dậy. Anh đánh được một ít cá. Sáng ra, anh mang tới chợ Cácthikeppili, bán được tám rupi.
Anh cần phải có một chiếc thuyền nhỏ. Nếu anh dành dụm để mua thì phải mất một thời gian dài. Mua một chiếc thuyền cũ cũng mất một trăm năm mươi rupi. Karuthamma có ít đồ trang sức. Nhưng Palani không chịu mua thuyền bằng tiền bán đồ trang sức của vợ.
- Không, số vàng bạc này là của em. Mẹ em cho em mà.
- Nhưng ai lại đem của cải của vợ đi bán...
- Thế anh với em không phải hai người là một hay sao?
Anh không có lòng nào nói là không, nhưng mua thuyền bằng đồ trang sức của vợ thì cũng hơi xấu mặt một chút.
Công việc làm ăn mới của Palani không đến nỗi tồi. Có hôm anh kiếm được năm hoặc mười rupi. Có hôm không đánh được gì. Nhưng chiếc thuyền đối với anh quá nhỏ và nhẹ. Anh cảm thấy chưa làm việc đủ cho một ngày. Sức anh chưa dùng hết. Anh chưa thấm mệt. Không, chiếc thuyền này và mái chèo này không thấm tháp gì đối với một người sức vóc như anh. Anh phải kiếm một chiếc lớn hơn. Anh phải đứng ở tay lái với một mái chèo cái lớn. Sau mùa tôm, anh sẽ phải đi đánh cá tận chỗ biển sâu.
- Có thuyền lớn, anh có đi một mình được không? - Karuthamma hỏi - Anh sẽ chẳng tìm được ai đi với anh đâu.
- Khi anh có thuyền riêng rồi, họ sẽ theo anh như chó con.
Anh quyết một điều:
- Palani sẽ không bao giờ đi biển trên thuyền người khác.
Karuthamma bắt đầu cảm thấy sự mệt mỏi của người sắp đến ngày sinh nở. Gương mặt cô biểu lộ rõ trạng thái hiện tại của cô. Khi đi biển, Palani lo vợ ở nhà phải ngồi một mình, anh không ở ngoài biển lâu được. Một hôm, lúc về, anh thấy bốn năm người đàn bà loanh quanh gần nhà. Họ mỉm cười vui vẻ với anh và nói: “Con gái”.
Họ sang tắm cho đứa bé mới ra đời. Nó gào khóc như mọi đứa trẻ sơ sinh. Họ trao đứa bé mới tắm rửa xong cho Palani. Anh không biết cách đỡ lấy đứa bé hay giữ lấy nó như thế nào. Trong đời mình, anh chưa bế một đứa bé bao giờ.
Khi còn lại có hai vợ chồng, Palani hỏi vợ:
- Sao em có vẻ không vui? Có phải vì em sinh con gái không?
- Giá nó là con trai. - Karuthamma nói.
- Em đừng băn khoăn.
- Anh không nghĩ như em sao? - Cô nói tiếp.
- Không. Con trai hay con gái có khác gì nhau?
Karuthamma nói rõ cảm nghĩ của mình với chồng bằng một câu:
- Dù thế nào đi nữa em cũng sẽ không nuôi dạy đứa bé này trở thành một Karuthamma thứ hai.
- Còn Palani sẽ không bao giờ trở thành một Chemban Kunju. - Anh mỉm cười nói.
Đứa con làm cho cuộc sống của họ thêm một ý nghĩa mới. Bây giờ, hai người còn sống vì một con người khác nữa. Đối với Palani, đứa bé là niềm hạnh phúc bất tận của anh. Lúc anh đi đánh cá, nước biển lại làm anh nhớ đến đôi mắt của vị thiên thần tí hon đó. Thế là anh muốn quay thuyền về nhà ngay. Karuthamma dạy chồng cách bế con.
Rồi cô rầy la chồng.
- Anh cứ bế con suốt ngày, nó hư mất!
Lo ngại, Palani lại đặt con xuống.
Đối với Karuthamma, đứa bé nhiều khi gợi lại những kỷ niệm đau buồn. Mẹ cô không còn sống để trông thấy cháu. Khi nhìn vào mặt con, cô nghĩ đến Panchami. Hồi bé Panchami cũng thường vung tay chân như thế này. Cô tự hỏi không biết bây giờ Panchami ra sao. Ý nghĩ đó như ngọn lửa nung đốt tâm can Karuthamma.
Một hôm, Palani đem về nhà một tin mới. Chemban đã đem từ Chéctalai hay từ một nơi nào đó một người đàn bà về nhà làm vợ. Palani nghe người làng nói lại, những người ấy lại nghe được của một người bên Niakunnam. Thế là, tại ngôi nhà mẹ cô đã cai quản, nơi Karuthamma đã ra đời và lớn lên, bây giờ có một người đàn bà mà cô không quen biết làm chủ. Mẹ cô đã gây dựng nên ngôi nhà ấy. Mọi thứ ở đó là của mẹ cô. Người đàn bà xa lạ kia sẽ đối xử với Panchami ra sao?
Một hôm đang tắm cho con, Karuthamma nói với chồng:
- Cứ nhìn vào mặt con, em lại nhớ đến Panchami lúc nó mới đẻ. Em không rời tay bế nó một lúc nào.
Nước mắt rưng rưng, cô nói tiếp:
- Có lẽ con bé tội nghiệp bây giờ bị mẹ ghẻ hành hạ chưa biết chừng.
- Vì sao? - Palani hỏi.
- Mẹ ghẻ nào chả như nhau.
- Chúng mình phải làm gì?
Dè dặt, cô nói:
- Em muốn gặp nó.
Palani lặng thinh.
Vào một dịp khác nữa, lúc hai vợ chồng đang vui đùa với nhau, Karuthamma lại hỏi:
- Em về Niakunnam được không anh? Để gặp con Panchami nhà em mà.
Palani không nghe.
Cô cười lên một tiếng làm bất kỳ ai cũng phải mủi lòng và nói:
- Anh xem này. Đây là con gái anh. Anh có muốn nó về thăm anh khi nó lớn lên không?
- Em muốn gì nào? - Palani hỏi vợ với giọng đay nghiến - Em nói em muốn gặp Panchami. Hay em vẫn ao ước gặp Parikutti?
Karuthamma bàng hoàng. Người đàn ông trong anh đã không thay đối một tí nào. Cái bóng đen của Parikutti vẫn chưa bị xóa đi. Liệu cái bóng đó có bao giờ xóa đi được không?
Karuthamma hiểu ra cô đã bước một bước lầm.
- Không. Em sẽ không bao giờ trở lại Niakunnam nữa. Em sẽ không đả động đến ngay cả chuyện đi nữa.
Nhưng lòng cô không còn thư thái. Bóng đen ấy vẫn làm u ám cuộc đời Karuthamma.
--!!tach_noi_dung!!--

Đánh máy: casau
Nguồn: casau - VNthuquan.net - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 23 tháng 6 năm 2015

--!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!--