CHƯƠNG 1
Hãy tha lỗi cho em

     gười sỹ quan trực ban đứng trong bóng tối của một lùm cây, quát to:
- Tiếp tục bò, không được dừng lại nghỉ! Ê, bò thấp xuống, phải bò bằng hai khuỷu tay và hai đầu gối, không được bò bằng bàn tay và bàn chân! Nếu bò cao sẽ bị doi quật vào đít! Được, cứ thế tiếp tục bò, khẩn trương lên!
Và cái bóng đen đang bò lồm cồm ở dưới sân lại nằm bẹp dí xuống mặt đất và tiếp tục bò toài đi, từng bước,  từng bước, mỗi lúc chậm dần nhưng vẫn tiếp tục bò, bò một cách chật vật và mệt mỏi.
Một lát sau, cái bóng đen bò dưới sân đi qua chân người trực ban, anh ta lại hô:
- Hai mươi ba!
Đó là vòng thứ hai mươi ba mà người lính đang bò đã thực hiện được, sau mỗi vòng đi qua chân anh ta, người trực ban lại có nhiệm vụ đếm to lên như vậy cho tất cả mọi người xung quanh đều nghe thấy.
- Hai mươi bốn!
Cái bóng đen vẫn lầm lũi bò dưới sân, không một lời van xin, không cất một tiếng kêu ca thán hoặc mệt mỏi, nhưng cứ nhìn vào tốc độ bò cứ chậm dần và những tiếng thở phì phì của anh ta, thì mới thấy anh ta đang kiệt sức dần, và phải cố gắng lắm mới bò lên được. Không một tiếng động, hay tiếng cười nói ở xung quanh, người ta có cảm giác cái sân chùa hẻo lánh của một làng trung du này như một bãi tha ma giữa đêm hôm khuya khoắt, ánh trăng xuông lạnh và bàng bạc soi xuống cái sân đất sỏi đã rộng lại càng như rộng thêm, tưởng chừng như một bãi hành hình rộng mênh mông thời trung cổ. Không khí im lặng đến rùng rợn, chỉ nghe thấy tiếng thở một cách nhọc nhằn và tiếng sạn sỏi kêu lạo sạo dưới khuỷu tay và đầu gối người bò.
- Hai mươi lăm!
Cái bóng đen vẫn cứ lầm lũi bò dưới sân. Như một con chó bò ẹp người xuống khi làm xiếc. Nhưng con chó chỉ bò một đoạn ngắn không quá một vòng cái sàn xiếc bé nhỏ, và nó được chủ thưởng cho những viên đường sau mỗi lần diễn, lại được đám đông khán giả vỗ tay hoan nghênh cổ vũ. Còn con người đang bò như con chó ở đây cứ phải bò, bò mãi, có lẽ phải hết đêm mới hết được năm mươi vòng sân, mà cái sân lại rộng như một sân bóng đá thế này, liệu đến sáng anh ta có bò xong không? Anh ta có chấp hành nổi cái lệnh "thi hành kỷ luật" quái ác này không? Hay là anh ta bị gục giữa chừng phải bỏ dở? Nếu bị gục phải bò dở thì tối mai anh ta lại phải bò tiếp, thậm chí phải bò lại từ đầu, buổi bò dở hôm nay không được tính, đó là cái lệ cái luật ở đây nó như vậy. Vì thế nên anh ta cứ phải lầm lũi bò, dù mệt, dù đau, dù chậm vẫn cứ phải bò, bò cho đến kỳ cùng.
- Hai mươi sáu!
Khi cái con người đang bò như  một con chó ấy từ vùng tối lộ ra dưới ánh trăng, người ta mới nhìn thấy toàn thân anh ta, một người lính trẻ, gầy còm, mặc bộ quần áo Ka ki màu vàng, đầu cạo trọc, chứng tỏ anh ta đang là học viên sỹ quan hoặc là học viên bị thải bị loại về cơ quan làm công tác phục vụ. Mặt anh ta cứ cúi gằm xuống đất, vẻ nhịn nhục, chịu đựng, và cố gắng cặm cụi bò lên từng bước, từng bước một.
- Hai mươi bẩy!
ánh trăng bỗng sáng bừng lên, anh ta vẫn lầm lũi bò, ánh trăng soi rõ một vệt đen đen in trên nền sân theo đằng sau anh ta. Từ trong một bóng tối gần đó, có tiếng một cô gái bỗng kêu rú lên:
- Máu! Trời ơi máu!
Và sau đó là những tiếng con gái khác thì thầm phù hoạ theo, vẫn ở trong bóng tối, không một ai dám lộ ra ngoài sân dưới ánh trăng.
- Ôi, anh ấy bị rách hết tay áo, rách hết ống quần rồi, toạc hết cả đầu gối và khuỷu tay kìa, máu chảy ra nhiều quá, làm thế nào bây giờ, có cách gì giúp anh ấy được không?
- Chà, kỷ luật gì mà ác nghiệt thế không biết, trời chu đất diệt những lão chỉ huy tàn ác ấy đi. Tớ mà bị như thế này thì thà bỏ quách nó bộ đội mà về nhà còn hơn.
- Chuyện! Kỷ luật sắt cơ mà, thế này đã ăn thua gì, nhiều cái còn ác ôn hơn ấy chứ.
- Ôi, anh ấy mệt quá ngất đi rồi kìa, có lẽ máu ra nhiều quá, này có  đứa nào chạy lại đỡ anh ấy dậy được không?
- ấy không được đâu, đứa nào ra bây giờ bị bộ đội người ta bắt đấy, có khi còn bị buộc tội là phản động, phá hoại kỷ luật quân đội đấy. Thôi kệ xác họ với nhau. Đừng dại mà cho con cho em đi bộ đội nhé, ra mặt trận bị mũi tên hòn đạn đe doạ, về hậu phương lại còn bị chỉ huy hành hạ thế này thì chết mất thôi.
- Này, cuộn cho anh ấy một nắm rơm nắm cỏ để mà tỳ đầu gối cho đỡ đau - ấy không được đâu, rơm mấy cỏ to quá, trực ban họ trông thấy họ không cho dùng đâu, không khéo anh ta còn bị phạt thêm đấy. Đứa nào về lấy giẻ rách cho anh ấy lót chân tay đi! Khổ quá, tội nghiệp - Người bé nhỏ thế kia mà bò hết năm mươi vòng sân thì chết chứ sống được à?
- Hai mươi tám! Tiếp tục bò, không được dừng lại nghỉ! Người trực ban lại hô, lại quát như một cái máy, và anh ta vẫn đứng nguyên tại chỗ, dưới bóng một cây gạo, để quan sát, để theo dõi và giám sát người bò. Mặc cho sương đêm phủ lạnh, mặc cho muỗi đốt liên tục, anh ta không được chạy đi chạy lại, không được rời vị trí quan sát của mình, không được hút thuốc lào thuốc lá, cũng không được nói chuyện với một ai, cũng không được cho ai đến gần quanh mình hoặc đến khu vực "thi hành kỷ luật", anh ta đang thực hiện một nhiệm vụ, một chức trách nặng nề, một mệnh lệnh của cái kỷ luật sắt thiêng liêng nhất của người lính. Nếu người bị kỷ luật phải bò cực khổ mười phần thì anh ta là người giám sát kỷ luật cũng phải cực khổ năm đến sáu lần chứ chả kém! Nhưng cả người bị kỷ luật và người thi hành kỷ luật, đều hoàn toàn tự giác, không ai dám bỏ cuộc hoặc có ý định bỏ cuộc, thậm chí đến làm gian dối cũng không có.
- Hai mươi chín!
Cái bóng đen vẫn cứ lầm lũi bò dưới sân, tốc độ mỗi ngày một chậm dần. Trên dọc đường bò của anh ta trong vùng bóng tối đã thấy xuất hiện những cuộn giẻ rách nhỏ và cả những cái bùi nhùi bằng rơm bằng cỏ để cho anh ta có thể làm đệm đầu gối, khuỷu tay để bò. Nhưng anh ta đều gạt ra không dùng đến, coi như không có nó.
Những tiếng thì thầm trong bóng tối đuổi theo anh ta. 
- Này nhặt lấy những nắm giẻ buộc vào đầu gối mà bò cho đỡ đau, hết thì lấy rơm lấy cỏ... Cứ yên trí bọn này sẽ tiếp cho. Này cầm lấy buộc vào gối đi!...
Nhưng anh ta  vẫn cứ lầm lũi bò, cứ như người điếc, không nghe thấy gì cả, cứ như người mù không nhìn thấy gì cả. Cái bóng đen vẫn cứ cặm cụi cố gắng nhích lên, nhích lên từng bước, vệt máu đen vẫn cứ rỉ ra chạy dài theo anh ta.
- Trời ơi, sao dốt thế, trực ban không nhìn thấy đâu mà sợ! Này cầm lấy đi, buộc vào. Này cả một cái quần thâm cũ nữa đây này, mặc vào mà bò cho đỡ đau, chẳng ai biết đâu mà lo, chẳng ai nhìn thấy đâu mà xấu hổ...
- Thôi, mặc xác anh ta, lại còn sợ! Lại còn sỹ nữa! Trời đã khuya lắm rồi, có lẽ đã quá một hai giờ đêm, đám con gái, những con mắt rình mò trong bóng tối đã tản mát dần và kéo nhau về hết. Một phần vì trời đã khuya, họ phải về ngủ đến sáng mai còn dậy sớm đi làm, một phần vì họ chán ngấy cái trò bị kỷ luật này rồi, mà bực nhất là lòng thương hại của họ lại không được nạn nhân đáp lại và tiếp nhận.
- Muốn chết thì cho chết, không ai thương nữa, đi về thôi chúng mày ơi! Thế là họ kéo nhau về.
Buổi tối, khi cuộc "hành hình" thi hành kỷ luật mới bắt đầu, rất nhiều người trong làng kéo nhau ra xem. Phần lớn là bọn trẻ con, có một số thanh niên nam nữ, có cả một số người già nữa. Họ chẳng lạ gì những trò kỷ luật sắt của bộ đội cả, phạt đánh đòn, phạt đứng nghiêm, phạt bò, phạt giam chuồng trâu v.v... thế mới gọi là kỷ luật chứ, bộ đội là phải nghiêm "Quân lệnh như sơn" cơ mà. Nhưng đơn vị này mới về đóng quân ở đây có mấy hôm, để xem họ kỷ luật nghiêm đến đâu? Họ thường tò mò xem việc thi hành kỷ luật nặng hay nhẹ, từ đó suy ra xem người chỉ huy đơn vị có hắc hay không, hắc nhiều hay hắc ít. Người chỉ huy càng hắc bao nhiêu càng oai phong lẫm liệt bấy nhiêu.
- Ê chúng mày ơi, người bò như chó ấy, ra mà xem này, êu êu, cút êu!...
Bọn trẻ con hỗn láo, vô ý thức cứ chạy theo người bò dưới sân mà la, mà hét, mà cười, mà chế giễu. Làm cho người trực ban phải quát lên xua đuổi, phải mắng mỏ, chúng mới chịu im mồm đứng xem, mắt la mày lét. Nhưng đến khi thấy người bò đến mười vòng sân, hai mươi vòng sân, ướt đẫm hết quần áo, nước chảy dòng dòng trên mặt.
- Ê anh bộ đội khóc chúng mày ơi!
- Không phải, mồ hôi đấy!
Rồi anh bộ đội bị xây xát hết cả chân tay, rách toạc cả quần áo thì chúng từ cười cợt đến lo lắng và sợ hãi. Mặc cho anh bộ đội cứ nhịn nhục bò, lầm lũi bò, cặm cụi bò, chúng chán cái trò này rồi, chúng kéo nhau ra về hết.
Các cô gái là những người cuối cùng rời khỏi "Pháp trường" với vẻ vùng vằng mặc kệ "Thích chết thì cho chết".
"Các bạn gái ơi, tôi hiểu tấm lòng các bạn, xin cảm ơn sự nhiệt tình của các bạn, nhưng tôi không thể nhận sự giúp đỡ của các bạn được, tôi đã phạm sai lầm thì tôi phải chịu tội, tôi không muốn mình bị nặng tội thêm, càng không muốn để liên luỵ tới các bạn, các bạn hãy về đi, xin đừng thương hại tôi, ngày mai các bạn còn phải lao động cực nhọc nữa, xin đừng vì tôi mà mệt mỏi thêm, xin cảm ơn các bạn, cảm ơn, cảm ơn...!”.
- Ba mươi!
Cái bóng đen vẫn lầm lũi bò dưới sân, tốc độ mỗi ngày một chậm dần. Anh ta phát hiện thấy cả một thảm cỏ có ai đó mới rải trên dọc đường bò của anh ta. Anh ta bò trên lớp cỏ mỏng và thấy những vết đen dịu hẳn đi, tưởng như đang được bò trên tấm thảm nhung hay trên một tấm đệm bông. Mùi cỏ khô thơm nồng làm anh tỉnh người lại và anh nhớ đến những ngày còn nhỏ ở nhà, mùa đông anh thường ngủ ổ cỏ ở nóc chuồng châu rất ấm, thỉnh thoảng lại thấy con trâu ngẩng lên kéo một mớ cỏ khô mà nhai sột soạt suốt cả đêm.
- Ba mươi mốt!
Cái bóng đen vẫn lầm lũi bò dưới sân. Anh chưa phát hiện ra những người rải đệm cỏ cho anh. Hình như chỉ có một người, vì anh không nghe thấy tiếng  thì thầm to nhỏ của cả bọn con gái như lúc nãy. Ôi! Lại có cả cỏ tươi này nữa, hình như là cỏ mới cắt, mùi cỏ hăng hắc và còn ẩm sương đêm. Anh bò vào đám cỏ tươi, người đang nóng bỗng thấy mát lạnh, hai đầu gối và khuỷu tay đã bị tê liệt từ lúc nào bỗng thấy sót vì thấm nước. Cái thảm cỏ đã kéo khá dài, có lẽ được đến một phần ba vòng sân rồi. Không hiểu người trực ban có biết hay không? Có lẽ anh ta không trông thấy, vì toàn bộ thảm cỏ mới rải trong bóng tối của hàng cây phía sân đối diện với anh ta, nên anh ta chưa nhìn thấy.
"Hãy thôi đi cô gái ơi, đừng rải ra ngoài ánh sáng nữa, kẻo tôi lại bị tội nặng thêm và  cô lại bị vạ lây vì tôi. Xin cảm ơn, cảm ơn!".
- Ba mươi hai!
Cái bóng đen vẫn lầm lũi bò dưới sân. Tốc độ mỗi lúc một chậm dần.
Lúc đầu anh bò sấp, nhưng da thịt đã bị toạc hết rồi, đau quá, không bò lên được nữa, sau đó anh phải bò hơi nghiêng, nghiêng bên trái, rồi nghiêng bên phải, dùng má bên đầu gối làm điểm tỳ để bò, nhưng đến lúc này thì cả hai bên cũng đều bị toạc cả da rồi chỉ còn đằng sau khoeo không bị toạc mà thôi. Máu bị chảy ra, rồi đông lại, đầy xung quanh đầu gối và chảy dòng xuống đỏ hết cả bắp chân, chiếc ống quần anh đã kéo lên và đã bị rách tướp cả từ đầu gối tới chân quần rồi không còn chỗ nào có thể che đỡ được nữa. Bây giờ anh phải toài lên, dùng hai bàn tay bấu xuống mặt đất mà toài lên, nhích lên từng gang từng tấc một. Anh cố gắng toài tới thảm cỏ thì có thể bò nhanh hơn được. ít ra cũng được một phần ba sân, có thể được đến non nửa sân rồi.
Bỗng có tiếng gọi thầm thì phía sau:
- Đen ơi, hãy tha lỗi cho em. Thu đây, em đây mà, anh hãy tha lỗi cho em, em thương anh quá!
Cái bóng đen vẫn cứ lầm lũi bò dưới sân. Không nói, không trả lời, mặc cho cô gái cứ thì thầm đằng sau và cô gái bỗng khóc nấc lên vẻ ấm ức và giận dỗi, chạy vội vào trong làng. Bỏ mặc cho Đen một mình cứ lầm lũi bò, toài. Với người trực ban vẫn nghiêm chỉnh không rời vị trí, với những tiếng hô dõng dạc như một cái máy:
- Ba mươi ba!
Tiếng hô của người trực ban văng vẳng vào trong đêm khuya và lạc lõng như tiếng báo danh của thần chết giữa bãi tha ma.

* * *

Lỗi tại ai?
Ngày hôm sau, trên nương chè xảy ra một cuộc tranh cãi nhau khá gay gắt giữa các cô gái hái chè. Sau khi hái đầy một sọt chè của mình, các cô nghỉ giải lao và kéo sang nương chè của cô Thu.
- Cái anh bị kỷ luật  bò năm mươi vòng sân tối qua là tiểu đổi trưởng liên lạc đóng ở nhà cái Thu đấy.
- Tiểu đội trưởng mà còn bị phạt nặng thế cơ à? Ông chỉ huy đơn vị này hắc lắm nhỉ?
Chỉ huy đâu, cái lão trung đội phó tên là Đường, Phí Hải Đường đóng ở nhà tao hôm qua ra lệnh phạt tiểu đội trưởng Đen đấy, chà, hơn nhau có một cấp mà cũng phạt người ta nặng thế cơ chứ, chả là hôm qua lão ta làm trực ban đại đội mà, trực ban đại đội có quyền thay đại đội trưởng cơ mà.
- Cậu làm sao mà lại biết tên lẫn cả họ anh ta nhanh thế, lại biết cả cấp bậc chức vụ nữa?
- Xung quanh nhà tao ai mà chả biết cái lão mặt choắt như lưỡi cầy ấy, người thì vừa lùn vừa gầy, lại còn cái tội lúc nào cũng bị anh em gọi là "Thưa anh rằng" là "Răng anh thừa", hớ hớ, lão ta liền cấm không cho thưa gửi như thế, mà bắt phải "báo cáo" đúng theo điều lệnh. Nghe đâu một hôm cái anh chàng Đen nhà mày ấy Thu ạ, - Hả, không phải của mày à, ừ thì cái anh chàng đóng quân ở nhà mày ấy mới liền cải cho anh ta một cái tên, trong lúc anh em quây quần vui vẻ anh ta liền bảo lão Đường: "Báo cáo anh, anh nên cải tên đi, cái tên Đường, Hải Đường nó yếu ớt quá, nghe có vẻ con gái lắm, con nhà quân sự mà tên như con gái thì còn gì là oai phong nữa, theo tôi anh nên đổi tên là Hiến Mai, Phí Hiến Mai nghe nó mạnh mẽ hơn, này nhé...". Chẳng biết anh ta tán chữ phịa ra như thế nào, rồi lại được mấy cậu xung quanh tán thưởng nữa, mà lão Đường lại nghe bùi tai và đồng ý đổi tên, "ừ từ bây giờ trở đi các cậu gọi tớ là Phí Hiến Mai nhá, được đấy!". Thế là hôm sau, cậu nào cũng đều đến xưng hô: "Báo cáo đồng chí Phí Hiến Mai", "Thưa anh Phí Hiến Mai", "Kính chào anh Phí Hiến Mai"...
Nghe đâu lão này trước đây ở nhà tên là thằng còi hay thằng quắt gì đó, vào bộ đội mới đổi tên, lại đổi tên đến mấy lần rồi ấy chứ, thành thử cứ nghe người ta tán tên nào hay hay là ưng đổi luôn. Anh ta thích oai mà, người ta bảo nhất lé, nhì lùn... chẳng sai, khốn nỗi đã ranh ma quỷ quái, đã lùn thì còn oai làm sao được. Đến mãi hai ngày hôm sau có một tay ra vẻ thông thạo chữ nghĩa mới nói toạc cái ý châm biếm "Hiến Mai" là "Mái hiên" ấy ra, làm cho anh ta đỏ mặt tía tai tức lộn ruột lên, biết là mình dốt nên bị lừa, anh ta liền cấm chiến sỹ không được gọi như thế nữa, từ đó cứ thâm thù anh chàng Đen, chờ có dịp trả thù anh ta. Ngay hôm ấy anh ta bắt chiến sỹ phải xưng hô với anh ta đầy đủ, tên họ chức vụ hẳn hoi cho oai: "Báo cáo đồng chí trung đội phó Phí Hải Đường..." lúc nào cũng vênh vênh cái mặt bắt người ta "Báo cáo" lên mặt ta đây. Chắc rằng cái vụ kỷ luật tối qua là hành động trả thù của lão ta đấy thôi! Thật là kinh tởm! Thế mà còn định tán tớ ra phết đấy, lúc nào cũng lằng nhằng đi theo lên nhà, xuống bếp, ra vườn lão ta cứ dai như đỉa đói ấy- Thế nào cũng có lúc tớ trả đũa cho một trận để trả thù hộ cái Thu nhé - hớ hớ hớ - cô gái cười nói rất hồn nhiên, làm cả bọn cười theo như vỡ chợ.
- Nhưng phải có lý do gì thì lão ta mới có cớ phạt anh chàng Đen để trả thù chứ.
- Xuỳ, khi người ta đã có ý định thâm thù, thì thiếu gì cớ để mà phạt vạ, không có thì người ta phải nặn ra cớ chứ, trên đời này thiếu gì chuyện gắp lửa bỏ bàn tay, thiếu gì chuyện vu oan giáo hoạ.
- Tất nhiên là phải có cớ hợp lý rồi, lão này là cáo lắm. Tối hôm kia, lão ta làm trực ban, điểm danh quân số trước giờ đi ngủ. Khi điểm danh là mọi người phải ăn mặc chỉnh tề, đầy đủ trang bị đến tập họp, đội ngũ ngay ngắn. Chẳng may tiểu đội liên lạc của cậu Đen có một chiến sỹ tân binh, đang chơi ở sân đại đội ngại không chạy về lấy mũ, ở lại tập họp, đầu trần luôn. Thế là lão ta phát hiện được, liền tuyên bố kỷ luật cậu chiến sỹ phải mười lăm phút đứng nghiêm, giao cho tiểu đội trưởng thi hành.
Sau khi giải tán đại đội về, tiểu đội trưởng Đen liền gọi cậu chiến sỹ nọ ra thi hành kỷ luật "Đứng nghiêm" tại sân nhà đóng quân, sân nhà cái Thu ấy - giữa lúc cậu chiến sỹ đang đứng nghiêm thì mẹ cái Thu bảo cái Thu bê ra một rổ khoai luộc và lạc luộc mời các anh vệ quốc đoàn cùng ăn cây nhà lá vườn cho vui - Tiểu đội trưởng Đen không nỡ ngồi ăn trong khi chiến sỹ đang bị "Đứng nghiêm" nên bảo mọi người hãy chờ khi nào thi hành kỷ luật xong thì cùng ăn luôn thể. Khốn nỗi cả tiểu đội không ai có đồng hồ, mà mọi người thì sốt ruột, tắc lẻm ngồi chờ. Đen liền hỏi anh em: "Liệu đã được mười lăm phút chưa các cậu? Anh em nhao nhao lên: "Có lẽ được rồi đấy", "Cũng sắp được rồi". Giữa lúc anh chàng Đen đang phân vân thì cái Thu đứng ở cửa bếp nói chen vào " ối dào, lại không đến hai mươi phút ấy à, khoai nguội hết cả rồi đấy, ăn lạnh mất cả ngon!". Rồi nhiều ý kiến khác nhao nhao: "Đủ rồi", "Cho nó nghỉ đi thôi", "Thừa mười lăm phút rồi đấy", "Nhanh ăn khoai kẻo nguội"...
Thế là cậu Đen ra hô cho cậu chiến sỹ nghỉ.
Vừa lúc đó lão Đường xuất hiện, từ trong bóng tối ngoài cổng chui ra, hình như lão đứng núp sẵn ở đó từ lúc nào ấy. Và lão quát với tiểu đội trưởng Đen:
- Mới có mười ba phút, chưa đủ mười lăm phút đã cho nghỉ, xem đồng hồ đây này - Lão dơ đồng hồ đeo tay của lão vào sát mặt Đen, trời tối ai nhìn thấy gì mà xem - Như vậy là tiểu đội trưởng đã chấp hành mệnh lệnh không nghiêm, được rồi ngày mai sẽ biết!.
Rồi lão hầm hầm quay ra, mặc cho bố mẹ cái Thu mời ở lại uống nước, ăn khoai, lão không thèm trả lời.
Tối hôm sau, sau giờ điểm danh, lão dõng dạc hô to: 
- Tiểu đội trưởng tiểu đội liên lạc phải phạt bò năm mươi vòng sân chùa, vì tội không chấp hành nghiêm mệnh lệnh của trực ban đại đội, trực ban trung đội chịu trách nhiệm thi hành! Giải tán!".
- Chung quy chỉ tại cái Thu mà thôi! - Đúng, chỉ tại cái Thu mà anh chàng Đen bị kỷ luật, này liệu mà đền người ta cái gì đi hớ hớ!.
- Chả phải tại cái Thu, nguội cả một rổ khoai mà lại không đầy mười lăm phút à? Hơn quá đi chứ lại, có lẽ lão Đường vặn đồng hồ lại để lấy cớ mà phạt trả thù cậu Đen thôi. Chả thế mà lại đứng rình sẵn, chờ người ta cho nghỉ rồi mới ló mặt ra à? Tớ nghe nói là  lão ấy thường hay vặn đồng hồ gác đêm lại, để lấy cớ nạt nộ chiến sỹ, ra oai với mọi người cơ mà. Đúng là một thằng xấu bụng, đồ hèn.
- Thôi, dẫu sao cái thì cái Thu cũng có liên quan rồi!
Nếu không có rổ khoai thì chắc gì lão Đường đã bắt bớ được anh chàng Đen! Chứ tao nói lại sai à? - ối, không có tật tại sao lại giật mình. Này nhé, không liên quan mà đêm qua có kẻ thức suốt đêm để ôm cỏ, cắt cỏ rải thảm cho "Anh chường" bò đấy à? Hí hí hí.
- "Em thương anh lắm, anh chường là anh chường ơi ý à..."
- Cô gái vừa cười vừa hát một cách dí dỏm làm cả bọn cùng cười theo, còn cô Thu thì cứ đỏ nhừ cả mặt lên.
- Này thôi, thức đêm, lại khóc nữa, mắt còn xưng húp, đỏ hoe ra kia kìa, liệu mà về sớm mà chăm sóc đền người ta đi, nghe đâu phải bò mãi đến gần sáng mới xong, rồi ngất lịm đi, anh chàng trực ban phải cõng cậu Đen về cấp cứu có phải không?
- Họ khiêng lên trạm xá cấp cứu từ bốn giờ sáng cơ.
- Thôi, liệu mà về đi thăm người ta đi cho cánh mình gửi lời chia buồn và... chia vui nữa nhé - Hớ hớ hớ!

* * *

Sau vụ kỷ luật đó, Đen phải đi nằm trạm xá mất một tuần lễ để chữa các vết thương, sau đó về nhà nghỉ ốm gần một tháng nữa mới khỏi hẳn, và mới tham gia sinh hoạt lao động bình thường được. Trung đội phó Phí Hải Đường chỉ bị đại đội trưởng nhắc nhở "Lần sau không nên phạt nặng quá như vậy làm cho đơn vị mất một công lao động hàng ngày"!.
Những ngày nằm ở trạm xá, Đen mới thấy thấm thía hết nỗi đau đớn nhục nhã của một người lính vi phạm kỷ luật bị phạt ở trường sỹ quan lục quân này và, cũng mới thấy sự nham hiểm độc địa kinh tởm của viên sỹ quan trực ban. Anh đã phải nhịn nhục chịu đựng hình phạt, không hề sỹ diện, không hề tự ái, không kêu ca phàn nàn hay phản ứng chống đối hoặc khóc lóc van xin hay bỏ cuộc. Mỗi một sự việc xảy ra, anh đều tự xác định coi đó là những bài học thử thách chính mình, để vượt qua, và để chuẩn bị cho những thử thách nặng nề phức tạp hơn. Vì thế anh đã tự giác thực hiện một cách nghiêm chỉnh, cho dù có chậm chạp kéo dài thời gian, cho dù đớn đau, xày da nát thịt phải đổ máu, bị thương đến ngất đi và bị què hàng tháng trời. Cho đến phút cuối cùng, anh đã mừng vì anh đã vượt qua thử thách gian lao đó. Anh đã chiến thắng! Kẻ thất bại lại chính là đối phương, cái cậu trung đội phó Đường đó, cứ tưởng là đánh quỵ anh mãi mãi, cả thể xác và tinh thần. Sau khi khỏi các vết thương, anh lại tiếp tục học hành, công tác bình thường tinh thần vẫn lạc quan, phấn khởi yêu đời, coi như không có chuyện gì xảy ra cả. Cái đó càng làm cho tay Đường tức xôi máu lên mà chả làm gì được.
Trong lúc bò như một con chó dưới sân, trước sự nô đùa chế diễu của bọn trẻ con vô ý thức, trước những cái nhìn khinh bỉ hoặc thương hại của những nam nữ thanh niên và nhân dân trong làng xóm đóng quân; trước những nỗi xót xa của đồng đội và những nụ cười mỉa mai đắc chí của tay Đường, đối thủ của anh. Anh cứ cặm cụi bò, coi như không có người nào ở xung quanh, phớt mặc tất cả, chỉ có một mình anh trong địa ngục trần gian này mà thôi. Vừa bò anh tự xác định và an ủi mình: "Nỗi đớn đau nhục nhã này đã thấm vào đâu với những đòn tra tấn ở trại Phượng Vũ, trong nhà tù Kim Bôi, đã thấm vào đâu với cảnh bị chôn sống ở đồng Chùa Thôn và đau đớn nào bằng thời gian ở Chùa Hạ hay trại cải tạo Miếu Cô?" Cứ nghĩ như thế nên anh đã bò một cách bình thản như không, và mỗi lần sắp gục xuống vì đau vì mệt, anh lại nghĩ đến điều đó và người anh lại thấy khoẻ hơn, anh lại vùng lên tiếp tục bò. Mỗi lần mệt mỏi, sắp gục xuống không bò được nữa, anh lại còn nghĩ "Đây không phải lần lần đầu tiên ta chịu đựng cái kỷ luật tàn khốc kiểu phát xít này, và đây cũng chưa phải là lần cuối cùng ta chịu đựng nó, có lẽ sẽ còn nhiều hình phạt tàn ác hơn nhiều, phát xít hơn nhiều nữa, ta cần phải rèn luyện để sẵn sàng chịu đựng, sẵn sàng vượt qua những kỷ luật khốc liệt hơn". Cứ nghĩ như thế, anh lại bò được nhanh hơn, toài được mạnh hơn, khoẻ hơn.
Sự lì lợm của anh, sự nhịn nhục và bền bỉ của anh không những làm cho những người đứng xem từ ngạc nhiên, đến thương hại, từ lạ lùng đến thương sót mà còn làm cho họ từ thương sót đến cảm phục, từ cảm phục đến căm giận cho những kẻ dã tâm hành hạ chiến sỹ dưới quyền như vậy, từ thương sót Đen, họ liên hệ nghĩ đến con em họ, ở một đơn vị nào đó, ở một chiến trường nào đó, chắc cũng bị chà đạp lên nhân phẩm con người như thế này chăng? ở đâu cũng chỉ là một tổ chức vệ quốc đoàn. Cái trường sỹ quan to nhất nước này đã đào tạo ra cũng cùng một duộc sỹ quan như những tên Đường thế này chăng? Từ đó một điều gì đó lo lắng cứ canh cánh trong lòng những ông bà bố mẹ có con em đã đi bộ đội và họ còn bàn nhau, có nên cho con em mình đi tiếp vào vệ quốc Đoàn nữa hay không?
Sự lì lợm của anh, không những có tác động trực tiếp đến nhân dân đứng xem, mà còn làm cho đối phương của anh, tay Phí Hải Đường nham hiểm từ thái độ ngạo mạn kiêu căng đến im lặng và nem nép trước đám đông, từ cái vẻ khinh thường hống hách đến nơm nớp, run sợ và câm như hến. Từ sự ngạc nhiên đến hãi hùng, từ sự hãi hùng đến sợ hãi chính cái kẻ mà hắn đang chà đạp, và cuối cùng hắn không dám ở lại hiện trường để nhìn, cái con người gan lì cóc tía ấy nữa. Hắn linh cảm thấy một cái gì đó sẽ xảy ra mà hắn cứ canh cánh trong lòng. Nhất là sau khi Đen đi trạm xá về,  lại tỏ ra coi thường hắn, không thèm chấp hắn, thì hắn càng lo sợ, càng tức tối và càng phải nể nang Đen, hắn sợ Đen trả thủ hắn một cách hèn hạ kiểu tiểu nhân như hắn vẫn thường làm.
Càng lo sợ, càng tức tối bao nhiêu thì hắn lại càng âm mưu nham hiểm bấy nhiêu, để tìm cách tránh xa khỏi Đen hoặc là hắn đi, hoặc là Đen phải đi, đi khỏi đơn vị này, đi cho xa, khuất mắt hẳn hắn đi. Con rắn độc trong người hắn lại tìm cách luồn lách và âm mưu phun nọc độc làm hại con người lương thiện.

* * *

Nỗi lòng cô gái hái chè
Cô con gái bà chủ nhà có cái tên là Giang Thu - Giang Thị Thu, nhưng lại có thân hình khoẻ mạnh, chắc lẳn và trông có vẻ già dặn hơn cái tuổi mười bảy của cô. Bù lại với nước da ngăm ngăm của cô, trời lại phú cho cô có bộ mặt xinh xắn, rất có duyên, nụ cười lúc nào cũng tươi vui, đôi mắt sắc như dao cau, lúc nào cũng cứ lúng la lúng liếng, làm cho mấy cậu lính mới của tiểu đội liên lạc lắm lúc cứ như người bị thôi miên, ngẩn tò te ra mà nhìn, mà ngắm cô gái và cô ta luôn luôn là đề tài để họ bàn tán những lúc rỗi rãi hoặc trước khi đi ngủ.
Tuy nhiên cô gái lại có vẻ kiêu kỳ, chưa thèm nhòm ngó đến một ai, cũng chưa cần biết cậu nào trắng, cậu nào đen, cậu nào béo, cậu nào gầy, thậm chí hàng chục ngày nay bộ đội đến ở nhờ trong nhà, có năm người mà cô cũng chưa thèm biết hết tên họ là gì. Việc cô cô làm, việc họ họ làm, cô coi như chẳng có liên quan gì hết cả, chuyện! người dưng nước lã cả ấy mà - Mấy anh bộ đội có gánh nước, quét sân quét nhà hộ, cô cũng mặc kệ, chẳng can ngăn, cũng chẳng nhờ vả. Thích thì làm, bày ra thì cũng phải dọn, rửa ráy thì phải gánh nước - Đó là lẽ thường tình, chẳng đáng khen cũng chẳng đáng chê gì ai cả. Cô còn thực hiện khẩu hiệu "Ba không" không nói, không hỏi, không bắt chuyện với ai, đó cũng là cái tính đỏng đảnh kiêu căng của mấy cô gái có chút nhan sắc, biết mình có ưu thế hơn người. Cô những tưởng có lẽ đến hàng năm hàng đời cô cũng không bao giờ có thể quen thuộc với mấy anh lính ở cái tiểu đội liên lạc này.
ấy thế mà, một hôm gần đây thôi không biết một cậu nào đó vác về một cây đàn ghi ta và cứ tập phập phình suốt cả ngày đến nhức cả đầu xuýt nữa cô Thu phải kêu lên "Có im đi không, cứ bật bông suốt ngày suốt đêm ai mà chịu được"!.
Nhưng đến tối hôm ấy, cái anh chàng tiểu đội trưởng người gầy nhẳng cao và đen thủi đen thui ấy lại vừa đàn vừa hát mãi theo yêu cầu của mọi người. Ôi giọng anh ta mới ấm áp làm sao, và cây đàn trong tay anh ta cứ rung lên những âm thanh dịu dàng và điêu luyện làm sao. Lúc đầu cô gái cũng chỉ nghe để mà nghe, một cách ngỡ ngàng và lạ lùng, dần dần cô lại thấy quyến luyến với những âm thanh ngọt ngào và sâu lắng ấy, và chính cô cũng là người yêu cầu Đen anh chàng tiểu đội trưởng đen đủi ấy hát đi hát lại đến mấy lần. Ôi không ngờ cái anh chàng xấu xí ấy mà lại hát hay như thế. Một tối, rồi hai tối... cô cứ nhanh chóng làm xong việc để ngồi nghe anh hát, hoặc vừa làm vừa nghe... Hễ tối nào vắng tiếng đàn tiếng hát của anh là cô lại thấy thiếu  một cái gì ấy và cô lại cứ nhơ nhớ, có hôm ra ngẩn vào ngơ, cứ loanh quanh ở trong nhà ngoài sân mà không đi đâu được. Tuy nhiên cô vẫn kìm mình chưa đến nỗi phải nói lên lời hoặc bộc lộ những tình cảm của mình với anh chàng tiểu đội trưởng đó.
Nếu không có cái buổi tối cô bưng rổ khoai lang ra mời các anh và "Cái lời nói bâng quơ vô tổ chức về thời gian" đó, thì có lẽ họ còn lâu mới gặp nhau hoặc bộc lộ tình cảm một cách rõ rệt và mãnh liệt như thế. Cô cứ đinh ninh rằng, vì cô đã nói câu có vẻ trách móc đó thì Đen mới ra lệnh cho cậu chiến sỹ nghỉ và thế là tai vạ đổ lên đầu anh, vì vậy nên cô rất ân hận, một nỗi ân hận đau đớn tưởng chừng như không bao giờ có thể cứu vãn được. Cô ân hận, cô xót xa, cô đau khổ, lương tâm bị dày vò, cho nên cô đã lao ra sân chùa theo dõi việc "Hành hình" và cầu cứu các bạn cô, cùng cô làm hết sức mình để giúp đỡ anh, làm cho anh bớt khổ sở đau đớn, hòng cứu vãn lại cái sai lầm của cô đã chót xảy ra. Nhưng cố gắng của cô, dù có bao nhiêu cũng không thể bù đắp lại cho anh trong buổi tối bị "Hình hành" và cả về sau này nữa.
Những hôm anh đi bệnh xá và những ngày nằm nghỉ ốm ở nhà, cô đã hết lòng trông nom săn sóc giúp đỡ anh, phục vụ anh và động viên an ủi, vỗ về anh, để anh giảm bớt nỗi thương đau, và để anh đỡ thầm oán trách cô. Trong những ngày đau ốm, cô cứ lo lắng âu sầu và thương sót anh, cô như người mất ăn mất ngủ vì lo cho anh, ngày nào anh chưa khỏi thì cô chưa yên lòng ngày ấy, những ngày ấy cô bớt cả cười cả nói mặc dù những ngày trước cô hồn nhiên là thế, cô chẳng bao giờ quan tâm đến ai, chẳng bao giờ biết lo biết nghĩ gì cả, ấy thế mà trong mấy tuần lễ ấy, người cô gầy hẳn đi, cứ như ngày càng héo mòn vậy.
Cô đã lên rừng hái lá thuốc đắp cho anh chóng lành vết thương. Cô nấu cháo, nấu chè gạo nếp, bột đậu xanh, bột sắn cho anh ăn được ngon, cô đi xin mật gấu để xoa bóp cho anh chóng khỏi, cô dành dụm từng quả cam, quả chuối cho anh, cô xin tiền cha mẹ mua cả đường, sữa, trứng gà cho anh tẩm bổ, cô đun nước tắm và giặt giũ quần áo cho anh. Không lúc nào để anh bẩn thỉu hôi hám. Anh chỉ còn một bộ quần áo ka ki bộ đội đã bị rách, cô đã khâu vá lại cho lành lặn và sạch sẽ. Bộ đội vệ quốc Đoàn dạo đó nghèo lắm, phần lớn mỗi người chỉ có một bộ quần áo họ phải mặc chung mặc lẫn nhau, rách rưới không biết vá hoặc vá không kịp nên mới phải buộc túm lại, vì thế mới có cái tên là "vệ túm" "vệ rách" có người có dép, có người phải đi chân không, hành quân trèo đèo lội suối; chẳng mấy người có màn, chỉ một mảnh chăn chiên hoặc chăn trấn thủ. Khi hành quân thì quấn tròn quàng qua người, khi ngủ thì chùm cả đầu, cả chân; ốm đau, bệnh tật, ghẻ lở nhiều, nên còn có tên gọi là "vệ ghẻ" nghe đến là buồn cười, mà trông đến thật là thương. ấy thế mà những anh vệ túm, vệ rách, vệ ghẻ ấy lại luôn luôn yêu đời, hết sức lạc quan, tự nguyện tự giác hy sinh gian khổ, đi chiến đấu để trả thù nhà đền nợ nước, không hề kêu ca phàn nàn, không hề đoái hoài ai thương hại!.
Nằm trên giường bệnh ốm đau, hay còn đi lại khập khễnh, anh chàng Đen vẫn đàn vẫn hát, phấn khởi yêu đời, cô Thu đã mượn đàn về cho anh để anh khuây khoả. Cô đã đem toàn bộ số tiền cô dành dụm để cuối năm may quần áo, đi mua vải về may cho anh một chiếc quần vải mới màu cỏ úa cho anh mặc. Cô đã bí mật đi đến tận phố huyện mới có thợ may để may quần cho anh. Đến khi đem về đưa cho anh, anh từ chối, cô nói mãi anh vẫn không chịu nhận. Anh bảo:
- Đến cuối năm, anh sẽ được phát quần áo mới, anh chẳng dám lấy của em đâu.
- ôi, từ giờ đến cuối năm còn những sáu tháng nữa, chả nhẽ anh cứ mặc một chiếc quần rách này hay sao? Cởi trần mà giặt áo còn được, chứ cởi truồng mà giặt quần mãi được à?
- Thì cũng đành phải thế chứ biết làm thế nào được, lính nghèo mà em!
Nói mãi chẳng lay chuyển được cái bệnh sỹ của anh chàng Đen, một hôm cô liền bí mật dứt hết chỉ ở những miếng vá ở đũng quần ka ki mà cô đã vá hộ, chỉ một lúc sau chiếc quần của anh ta cứ trống huếch trống hoác đến nỗi lòi cả cái số ta ra, trước đám đông người ở giữa sân, làm anh ta xấu hổ quá, chạy vội vào trong nhà rồi ngồi thụp xuống không dám đứng lên nữa. Mọi người đều cười ồ lên chế diễu, làm anh ta cứ đỏ mặt cúi gằm xuống. Mãi đến lúc cậu chiến sỹ lục ba lô quẳng cho anh ta mượn một chiếc quần mới nói là của gia đình mới gửi lên cho, anh ta vội vàng thay quần rồi mới dám ra sân làm việc tiếp với mọi người được. Đến hết giờ làm việc, anh em lại cười ồ lên, chỉ vào cái quần của anh ta, anh ta nhìn xuống mới nhận ra cái quần mình đang mặc chính là cái quần của cô Thu cho anh.
- Thế là mặc rồi nhé! Ê, không trả lại được nữa rồi, đã bóc tem của cô Thu rồi nhé! ê ê!
Thì ra mấy cậu lính cũng thương hại tiểu đội trưởng nên đã âm mưu với cô Thu bày ra chuyện này, để đánh bại cái bệnh sỹ của anh ta.
Từ đó anh chàng Đen có thêm một chiếc quần mới, và cả tiểu đội liên lạc cũng có thêm một chiếc quần để thay nhau mặc từ nay cho đến cuối năm mới được phát quân trang mới.

* * *

Cửa ngõ thiên đường
- Này, thế có giận người ta nữa không?
- Còn để dành sức đánh Tây, hơi sức đâu mà giận đàn bà con gái!
- Hôm bị phạt bò ấy, chắc vừa bò vừa giận em lắm nhỉ, đến nỗi người ta gọi cũng không thèm thưa!
- Đang bò mệt bở hơi tai ra rồi, còn sức đâu mà thưa với gửi.
- Làm người ta tủi thân, ức quá phát khóc lên đấy!
- Chắc lúc đó giận anh lắm hả?
- ừ, giận nhưng mà lại thương!
- Thôi xí xoá nhé!
Hai người đứng ở hai bên một luống chè, vừa hái búp chè họ vừa nói chuyện với nhau, lúc đầu cứ nhúng nha nhúng nhẳng như thế đấy. Đó là một buổi chiều chủ nhật, đơn vị được nghỉ để lấy củi nộp cho nhà bếp - Đen đang định đi lấy củi cùng anh em, thì Thu ghé vào tai Đen nói nhỏ:
- Lên nương hái chè với em, rồi em cho một gánh củi, trên nương ối, em đã chặt sẵn rồi, về tha hồ mà nộp.
- ừ thì đi!
Thế là Thu đã rủ được Đen lên nương- lần đầu tiên hai người đi với nhau và cũng mới có dịp nói chuyện riêng với nhau.
Lúc đầu Đen chẳng biết hái chè ra sao, anh cứ nắm lấy từng búp chè mà dứt lấy dứt để, làm nát hết cả búp chè non: Thu phải kêu lên:
- Ôi, ai lại lôi cả gốc chè lên thế kia thì còn gì nữa. Trông em làm đây này, phải nhẹ nhàng bấm ngọn, không được động đến gốc cây, cũng không được làm nát chè. - Rồi cô vừa làm vừa hướng dẫn cho Đen - Đen cũng chăm chú nhìn tay Thu và vừa học vừa làm, phải một lúc lâu mới quen dần, nhưng làm rất chậm, Thu hái được ba, bốn ớp, anh vẫn chưa được một ớp - Hai người cứ đi theo nhau dọc theo từng luống chè, vừa làm vừa nói chuyện.
Sau một lát im lặng, người con gái lại hỏi trước:
- Này!
- Gì cơ?
- Quê anh ở mãi đâu, xa lắm phải không?
- ừ xa lắm, mãi tận khu Ba cơ.
- Thế ở làng anh có chè không? Có đồi núi thế này không?
- Không, chỉ có đồng bằng toàn là lúa thôi.
Ngừng một lát, người con trai nói tiếp với giọng bùi ngùi:
- Nhưng quê anh đã bị bọn giặc chiếm đóng từ lâu rồi, anh chẳng còn tin tức gì hết.
- Thế anh có em gái không?
- Có, một đứa cũng gần bằng em đấy, nhưng nó đã bị Tây bắn chết trong một trận càn rồi.
- Thế bố mẹ anh còn sống không?
- Cũng không biết nữa, nghe nói Tây nó bắn giết, đốt phát hết cả, vì có con đi bộ đội Việt Minh mà!
- Ôi, thế thì khổ thân anh quá nhỉ. Hoàn cảnh của anh vậy em thương lắm.
Cô gái cúi xuống rơm rớm nước mắt.
- Này khóc đấy à?
- Không, em chỉ thương anh thôi.
Lại một lúc im lặng khá lâu, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng của mình, chỉ còn nghe thấy tiếng hái chè, dứt búp rào rào mà thôi. Người con trai thì nghĩ đến thân phận cô đơn của mình, còn người con gái thì bùi ngùi thương cảm cho hoàn cảnh gia đình của người con trai - lại người con gái lên tiếng:
- Này
- Gì cơ?
- Có muốn lấy vợ rồi ở trên này không?
- Muốn, nhưng ma nào nó thèm lấy mình, đen đủi xấu xí như thế này ấy!
- Xuỳ, ai bảo anh xấu, xấu mà vẫn có người thương đấy. 
- ừ, thấy xấu thì người ta mới thương hại chứ sao? Người ta thương chứ người ta có yêu đâu, người ta có lấy đâu cơ chứ!
- Xuỳ, thế thương không là yêu à? Không yêu mà người ta lại thương à? Đã thương, đã yêu thì người ta muốn lấy chứ, sao mà ngốc thế!
- Nhưng mà ai cơ?
- Xuỳ, đúng là "đồ ngốc"!
Người con gái nguýt người con trai một cái, mắt cô sáng rực, lúng la lúng liếng, rồi mặt cô đỏ nhừ lên - im lặng, không có ai hái chè nữa, tự nhiên họ cầm lấy tay nhau từ lúc nào, bốn mắt nhìn nhau đắm đuối. Người con trai bước qua luống chè lúc nào cũng không hay. Lần đầu tiên, anh mới được ngắm người con gái rất gần như vậy - Em thật là đẹp, một vẻ đẹp hơi thô và man rợ, nhưng ôi, thật quyến rũ làm sao.
Giữa nắng chiều vàng nhạt, bên nương chè màu xanh êm dịu, gió vờn tóc em bay bay, khuôn mặt hoang sơ của em, đôi mắt tình tứ của em và nụ cười tươi thắm của em, làm cho anh ngây ngất tưởng chừng như đất trời nghiêng ngả.
Mặc cho chè, mặc cho củi, mặc cho nhiệm vụ liên lạc, mặc cho cả tên trực ban với những vòng sân của hắn, mặc cho cả đất trời mênh mang. Trong lúc này chỉ còn có anh và em. Tay tìm tay, mặt tìm mặt, môi tìm môi và ngực tìm ngực. Họ ôm chặt lấy nhau tha thiết và đổ xuống trên thảm cỏ, đè lên cả những cây chè non từ lúc nào không ai biết. Một hương vị thơm như mít mật, ngọt như mía lùi, dịu mát như cam đường, trên làn môi họ, ướt át, ngọt ngào.
Khi người con trai đã bị kích thích đến cao độ, muốn đòi hỏi được nếm mùi trái cấm, thì người con gái lại ra sức chống đỡ:
- Đừng anh, em sợ lắm, đến khi nào cưới em mới cho cơ! Người con trai rụt tay lại không dám tiến lên nữa, chỉ còn biết tận hưởng hương vị ngọt ngào trên môi và trên ngực người con gái.
Nhưng chỉ một lúc sau, thì chính người con gái, đã không còn chịu đựng được nữa, muốn được nếm mùi trái chín, muốn được hiến dâng, muốn được liều lĩnh tận hưởng hết đến giai đoạn cuối cùng tuyệt đỉnh của tình yêu, và lúc này cô còn nghĩ rằng, nếu không có cái đỉnh cao thần tiên đó thì cô không thể giữ nổi tình yêu của anh, không thể giữ nổi niềm tin của anh, và do đó cô đòi hỏi được thoả mãn, cô chủ động muốn được hiến dâng.
Nhưng bây giờ người con trai lại gạt đi:
- Đừng em, anh sợ lắm, thôi để dành!
Tưởng người con trai chỉ nhại lại mình để trả đũa lúc nãy, người con gái liền mạnh bạo hất tung hết ra, quyết thực hiện bằng được cái đích cuối cùng. Bọn con gái chúng nó chả mách bảo nhau là gì. Khi đã bày của ấy ra thì đến bồ tát cũng phải phủ phục xuống, huống gì bọn con trai, chưa bao giờ có một kẻ đàn ông nào lại ngoảnh mặt đi mà không vơ lấy cái của thiêng liêng ấy!.
- Này, em cho đấy; Cứ thử xem, anh là người đầu tiên đấy! Thôi đừng làm bộ, cứ vờ vĩnh mãi, nào mau lên rồi về, kẻo lại tối.
- Không, anh cảm ơn em, cứ để dành đấy cho anh.
- Để dành đến bao giờ?
- Đến khi nào anh cưới em!
- Bao giờ cưới em?
- Đến khi nào độc lập!
Ôi lâu quá, hay là học xong trường sỹ quan anh về cưới em nhé - Thế là hay nhất đấy.
- Không được, học xong anh còn phải đi chiến đấu, nhỡ anh hy sinh, không về được nữa thì sao? - Anh không muốn để em đau khổ và không muốn em phải giàng buộc với anh, không muốn em phải cảnh vợ goá con côi, chiến tranh mà em, không ai có thể nói trước được đâu!
- Thế đến bao giờ thì độc lập?
- Nào ai biết, trường kỳ kháng chiến cơ mà!
- Ôi thế thì còn hy vọng gì nữa.
Cô gái ngồi dậy ngẩn người ra một lát rồi bỗng oà lên nức nở.
- Có lẽ anh không yêu em nữa rồi, hay là anh giận em lúc nãy không cho anh ngay?
- Không phải thế đâu, lúc nãy anh nóng vội tý nữa thì có tội với em, anh xin lỗi em - Anh vẫn yêu em, yêu lắm, nhưng anh khổng thể làm hại đời em được. Hãy tin ở tấm lòng của anh. Thôi nào, lau nước mắt đi, cười lên nào.
- Anh lại ôm lấy cô mà hôn thắm thiết, để xua tan nỗi nghi ngờ và ân hận trong lòng cô. Người con gái tỏ vẻ hờn giận, suốt trên đường về không thèm nói với anh một câu nào.
ý chí rửa hận của anh và những con mắt của kẻ thù, đối phương của anh, lại một lần nữa chặn đứng anh trước cửa ngõ thiên đường.