hỉ trời mới biết ông có đến thăm bà không. Chẳng bao giờ ông bước chân vào cổng viện, nói ghét, ngay từ đầu. Ông đứng đâu đó bên kia cổng làm dấu gọi. Giữa họ có dấu hiệu riêng chẳng ai biết và cũng chẳng quan tâm. Mọi người đều có nhiều chuyện để bận bịu lo toan.
Luôn luôn vào đêm, khi khách khứa đã ra về và ông  đếm tiền bán được trong ngày xong vù tới thăm bà. Ông không bao giờ quên mang cho một ít, bảo là cho bà ấm túi. Và thật ra cũng chỉ nghe  kể vậy, có ai mắt thấy tay sờ vào cái túi màu xám đã thành nâu do vết bẩn, lúc nào cũng kè kè bên hông trái của bà được đâu.
Chiều chiều cơm nước xong bà đứng rình bên cửa sổ, hễ thấy ông thấp thoáng bên kia cổng là chạy ào ra có khi chẳng kịp mang dép giày hay khoác thêm áo dù trời lạnh, hoặc vào giờ ngủ rồi thì đập cửa phòng, bắt nhân viên phải mở để ra ngoài trò chuyện với ông. Mà ở đây từ sáu giờ mười lăm đến sáu giờ bốn lăm tối là tất cả phải vào giường trong khi bên ngoài nắng mùa hè còn rạng rỡ cười đùa mãi đến hơn mười giờ đêm vẫn chưa chịu tắt đèn, ánh sáng vẫn tủm tỉm khắp trời. Các cụ nằm trên giường thao láo nhìn qua cửa sổ. Không ngủ, không cục cựa, chỉ nằm như người chết không khép mắt. Cái bà Á châu ngơ ngơ ngẩn ngẩn như nai, lúc nào cũng lầm bầm giận dữ trách chồng ôm tiền về Việt Nam để tụi con gái dụ dỗ lấy hết. Dù sao cũng công lao tần tảo thức khuya dậy sớm của bà chứ. Cái tiệm ăn đó không có bà thì làm sao có nó.  Tiền của bà đổ ra như quân Nguyên, ông chỉ được cái đứng bếp chỉ huy và làm vài món đặc biệt. Chả là ông sành và ham ăn ngon, mở miệng ra là để nói về món này món nọ, để nhai nuốt, và để trách bà chi tiền dè xẻn quá.
Bà thường bảo ổng là cái nợ của tui đó, chớ đã ly dị trước bảy lăm ở Sài gòn rồi, cơn cớ gì qua Tây còn gặp lại. Thằng chả ăn nói dẻo quẹo, dụ dỗ tui bỏ tiền ra mở tiệm ăn cho chả vừa được ăn ngon vừa có tiền xài sang đi đi về về Việt Nam như đi chợ. Bà bạn cùng phòng bảo thì như vậy bây giờ ổng mới có tiền đem tới cho bà, còn trách gì nữa. Bà ngẩn ra, cố tiêu hóa lời bạn chớ không phải không rành tiếng Pháp, rồi gật gù chống chế ờ, vậy chớ ổng cho gái ăn nhiều hơn tui. Nên có hôm bà dỗi, bảo ổng đứng nãy giờ ở cổng chờ mà tui không thèm xuống đâu, cứ rủ rê đi chơi, có giỏi thì rủ gái đi đi. Bà bạn cùng phòng không góp ý nữa, tắt đèn quay mặt vào tường:
- Thôi bà Ly, tui ngủ đây, bà cũng ngủ đi.
- Bà sướng thiệt bà Maubeuge à, vô tư, ngủ suốt ngày.
Bà với tay tắt đèn trên đầu giường, vô tình chạm phải tấm hình chồng trên mặt bàn đêm rớt xuống, tiếng khô sắc khiến bà Maubeuge mở mắt nhíu mày:
- Bà lại làm cái gì vậy bà Ly?
- Tấm hình rớt, tự động nó rớt, tui có làm gì đâu. Xin lỗi bà.
- Không làm gì sao xin lỗi.
Bà Maubeuge lại quay vào tường càu nhàu nho nhỏ. Đêm thản nhiên trôi qua, những sợi gió mỏng manh mùa hè múa hát bên ngoài ve vuốt những bức tường viện mấy tháng qua mới sơn lại trắng tinh, trắng như  nỗi lòng ngây ngô nhớ quên bất chợt của người cư ngụ bên trong. Ở đó buồn vui không còn cảm thấy, khóc cười không còn phân biệt, lời mỉa mai hay ngọt ngào đại khái như nhau. Những tròng mắt đục ngầu nhướng lên hạ xuống vô cớ chẳng vì đâu và cũng chẳng diễn cảm gì. Và có cụ lải nhải huyên thuyên thay cho nhiều người không một lời suốt tháng.
Bà Ly trằn trọc như thường lệ. Tuần rồi đoàn văn nghệ gì đó tới ca hát cho các cụ nghe. Bà dỗi. Sao lúc nào cũng dân da màu mà lại không có màu vàng xỉn xứ bà, không ai luyến láy tiếng Việt cho bà được sống thời nào để lòng thấm thiá, sao Ngọc Cẩm-Nguyễn Hữu Thiết không vào đây mùi mẫn chồng đàn vợ hát bài gì về Huế yêu qúy của bà. Cho nên bà đã ra phòng sinh hoạt, đã nhìn thấy những khuôn mặt màu da lạ hoắc rồi quày quả về phòng, trùm chăn kín đầu bịt tai mà âm thanh trống thùng thình vẫn đâm vào màng nhĩ. Phòng ăn phòng sinh hoạt tập thể suốt ngày đã nhai nhải nhạc Pháp rồi, thứ nhạc chẳng êm dịu chút nào cố đánh thức người ta. Có lần bà đã trách nhân viên, có cần phải tra khảo những lỗ tai nặng như chì ấy phải bận bịu vì thứ âm thanh mà họ chẳng còn thưởng thức nổi nữa không, hay nên để cái đầu người ta yên tĩnh. Họ nhìn bà, cái nhìn muôn đời trên cao của kẻ còn tỉnh táo, gật gù liếc nhau cười cười hứa sẽ nói lại với cấp trên.
Con gái bà đến thăm. Nó thường thắc mắc tại sao mẹ không bận mấy bộ đồ con đem vào kỳ trước mà cứ bận quần áo của ai đâu rộng thùng thình dài quá gót lỡ vấp té thì sao. Nó trách mấy cô chăm sóc. Họ cười khẩy thản nhiên Madame ơi, bà cứ vào đây làm việc rồi khắc biết, từng này người chúng tôi quay như vụ còn chưa yên mà bảo ngồi đó lựa từng bộ đồ có ghi tên tuổi của ai! Thét rồi con bà cũng thản nhiên nhìn mẹ trong bộ đồ xin xỉn màu chẳng còn màu. Bà lại bắt đầu kể tội chồng đem tiền về Việt Nam cho gái. Con gái lan man nhớ hồi cha còn nhìn rõ,  gặp bà nào vừa… khẩu vị là hí hửng huyên thuyên tán tỉnh trước cái ngúyt sắc như dao của mẹ. Bây giờ thì con gái nhìn bà, chịu đựng vẻ không chịu đựng, im lặng kiểu không im lặng, bất mãn vẻ không bất mãn:
- Thôi mẹ à, nhắc tới mấy chuyện đó làm chi nữa.
- Nhưng tao tức chớ. Tiền của tao mà.
- Ba già rồi, gái nào ham cho nổi.
- Bởi vậy ổng mới cho tiền để nó ham. Nó không ham ổng nhưng ham tiền. Mày không nghe nói Việt Nam bây giờ là một trong những nước kém đạo đức và chỉ biết chạy theo đồng tiền nhất thế giới à.
Khi con gái ra về, bà quyến luyến nắm tay, bỗng tròn mắt nhìn chiếc nhẫn hột sa-phia đỏ lừng lựng như nhìn thấy lần đầu:
- Nhẫn này của mẹ, sao mày lấy? Ăn cắp bao giờ?
- Mẹ cho con mà.
- Cho bao giờ?
Con gái bực bội tháo ra:
- Thì trả lại mẹ đây.
Rồi ngúng nguẩy bỏ đi. Bà Ly tần ngần cầm chiếc nhẫn chạy theo con, mếu máo, sôi nổi hụt hơi:
- Thảo à, mẹ chỉ muốn, biết sao lạ quá… Mẹ có ba đứa, con, mà một mình mẹ, nuôi nổi. Sao bây giờ chỉ, có một mình mẹ mà, ba đứa con, thành năm đứa rồi, lại không nuôi nổi hả con?
Con gái bàng hoàng, bần thần dừng lại ôm bà một lát rồi hôn trán vỗ về mẹ vào nghỉ đi, con phải đi làm đây kẻo trễ. Làm. Lúc nào chúng nó cũng bận bịu đi làm, ghé dăm ba phút đã vội vã đi làm. Trước kia bà chẳng đi làm à, chẳng vừa đi làm vừa dẫn đứa này tới trường đứa kia đi học nhạc  đứa nọ học Anh văn à. Bà đã quay như chong chóng giữa sở làm, con cái, chợ búa, trường học… Không một giây cho riêng mình. Không biết xi nê ca nhạc hay họp bạn họp bè. Không biết gì khác. Không biết cả mình. Chỉ biết con. Con. Và con. Bây giờ chúng nó đều tất bật hối hả đi làm. Kẻo trễ. Và bà thì nghỉ. Nghỉ suốt tháng suốt năm. Ngồi trân trân hàng ngày hàng tháng chờ chúng nó đến thăm thay vì chỉ ông chồng đêm đêm gọi chờ bên kia cổng…
- Bà biết không, ổng nằm một chỗ kêu réo hoặc mò mẫm lạng quạng vì mắt mù rồi, cái bịnh tiểu đường ác vậy đó mà ổng có chịu kiêng khem đâu, cứ cái gì ngon là đòi, nằm một chỗ mà đòi đủ thứ, có khi tui bực, mua cho ổng ăn dồn dập cho chết phức đi, mà vẫn không chết, vẫn mò về Việt Nam đem tiền nuôi gái…
- Mỗi lần gặp ổng bà có hạch sách chuyện này không?
- Có chớ, mà chối bai bải, nói gái nào mà gái, chớ mắt mù rồi mà cứ láo liên đó bà.
Bà Maubeuge tủm tỉm một mình:
- Mù thì láo liên cũng nào có thấy gì.
Như chợt nhớ, bà Ly hối hả:
- Bà Maubeuge à, khi chết, bà muốn làm sao? Thiêu hay chôn hay tặng xác cho bịnh viện?
- Tui chưa nghĩ đến. Tui chưa muốn chết. Còn bà?
- Vậy mà ổng thì nhứt định về Việt Nam chết đó bà. Ổng nói dù sao cũng quê hương xứ sở, nắm xương gửi lại chỗ chôn nhao cắt rốn. Chớ ở đây chung quanh ma nói toàn tiếng Pháp. Cho nên ổng về Việt Nam nữa rồi.
- Ủa, sao tối hôm qua ổng gọi bà ra cổng mà?
- Ủa vậy hả, ờ, vậy chắc ổng chưa đi. Nhưng rồi sẽ đi, tui biết mà, đem tiền về cho gái nó ăn.
Chợt tiếng khóc rấm rức đâu đó chạy dọc hành lang vẳng tới. Tiếng khóc đàn bà hay đàn ông mang âm hưởng như nhau: khàn đặc, khô khốc, rên rỉ, cam chịu…. Tới một tuổi nào đó hai giới tính có nhiều điểm tương đồng. Và ở đây chẳng ai buồn tìm hiểu người khóc là ai, chỉ sợ đến phiên mình phải khóc thôi. Thường họ co rúm người lắng nghe, lấm lét. Bữa trước một bà vừa khóc vừa cười vuốt ve tay cô thực tập sinh rồi hôn tay cô thắm thiết, lụp chụp sôi nổi khen cô tử tế quá, cô tốt quá, cô đẹp quá - chỉ từ một câu hỏi “bà có khoẻ không?”.  Đối với các cụ, thỉnh thoảng có người vào tập nghề như giọt mưa tinh khôi đọng trên lá đãi kẻ lạc đường dưới trời sa mạc. Ít nhất họ còn chất ngọt ngào, còn có khả năng ban tặng chất người.
 Nhưng bà Ly không sợ bị khóc vì lời nặng nhẹ của nhân viên. Bà chưa tới giai đoạn đùn bậy trên giường để bị quát mắng miệt thị, bà không làm đổ thức ăn để bị giật phăng cái khay không cho tiếp tục, bà không làm vung vãi nước để bị cấm uống suốt buổi chiều. Vả chăng nếu bị những điều không vui đó thì tối nào ông đến bà sẽ tâm sự. Bà may mắn là còn có ông để kể lể nỗi niềm. Cái duy nhất bà sợ là bị mất tiền vì chồng cho gái thôi.
Sáng đó mọi người đang dùng điểm tâm, bỗng viện rộn ràng tấp nập như động đất. Cảnh sát và ai ai ở đâu bươn bả vào ra như hội chợ. Nhiều cụ hớn hở vui, nói chẳng mấy khi mình được ngắm người bên ngoài đông đảo như vậy, té ra cũng còn người sống, hay biết đâu chẳng từ hành tinh khác đổ bộ xuống. Trông ai cũng trẻ đẹp hiên ngang. Cảnh sát nữ oai quá, súng lủng lẳng bên sườn mà mặt mày tươi hơn hớn như đeo hoa, chẳng phải thứ giết người. Nhưng cái nhìn thì nghiêm trọng.
Rồi các cụ đánh rơi thìa nĩa, há hốc mồm nhìn bà giám đốc và hai nhân viên bước đi vội vã đầu hơi cúi, mắt chẳng nhìn ai dù mọi con mắt trắng đục ngầu đang dồn vào họ, da mặt tái xám như đám người họ chăm sóc mỗi ngày.  Còi xe hụ inh ỏi rồi tất cả rơi vào im lặng, cái im lặng chết người của thói quen nơi đây và của sững sốt không thốt nên lời. Nhóm nhân viên còn lại bàng hoàng nhắc nhở các cụ tiếp tục cho xong bữa sáng, giọng điệu nhỏ nhẹ e ngại rất khác ngày thường.
Mãi đến chiều, bà Maubeuge nghe radio rồi kể cho bà Ly nghe, một cô thực tập sinh vào viện mang lén máy quay phim, thâu tất cả những gì xảy ra trong hai tuần học nghề. Cảnh các cụ bị bạc đãi, bị tát tai, bị tạt nước vào mặt, bị mắng là đồ súc sinh, bị bỏ mặc té nằm rên la không cho cô đỡ dậy, bị bỏ khát không cho cô tiếp tế ly nước… Truyền hình hôm đó ở viện “bị hư” bất ngờ nên các cụ không biết trong bản tin có thể mình được vô tình làm tài tử cho cô gái quay phim. Cả nước Pháp nhao nhao. Vidéo phát trên tòan thế giới, mặt các cụ được bôi nhoè như  thực tế từ lâu không ai còn hình dạng nữa.  Ngoài việc đổi chương trình giải trí, tại viện không gì khác lạ ngoài buổi sáng nay, mà chuyện ấy như đã trôi qua cả thế kỷ rồi.
Đêm đó tất cả đều im lặng.
Và bà Ly không bận tâm. Chương trình nào đối với bà cũng vô nghĩa như nhau. Tối qua chồng bà bảo hôm nay sẽ đến muộn, ráng chờ. Bà chờ để ông đem tiền đến.  Phải giữ kẻo ông đem cho gái. Bà kiên nhẫn. Đêm rất lạnh. Đêm rất dài. Mùa đông năm nay khắc nghiệt hơn những năm trước. Tuyết rơi nhiều, trắng xoá, trĩu trên cây lá, lấp hết vườn cỏ chung quanh. Tuyết  nằm trên mái ngói nhô ra vài đầu nhọn chẳng khác tấm vải liệm không che hết xác thân xương xẩu. Tuyết trắng bệch lạnh lùng, lặng im như chết…
Con gái bà Ly trầm ngâm nghe bà Maubeuge tỉ tê. Tiếng khóc cứ như chắn ngang ở cổ, nghèn nghẹn, không thoát ra mà cũng không nuốt xuống được. Cô nhìn đôi vai  ngã về trước oằn oại cuộc đời. Đôi tay xương xương từ lâu không còn bóc lịch. Hai tròng mắt vướng lại chút trong veo lao chao giọt nước chẳng chịu trườn xuống má. Cô đặt tay trên đùi bà lắc nhẹ khuyến khích. Bà mỉm cười méo mó:
- Tôi đã can ngăn nhiều cô à, nói trời lạnh quá đừng ra ngoài đêm nay, mà mẹ cô vẫn nhất định đòi đi. Tôi bực, xoay mặt vào tường, ngủ. Lỗi tại tôi.
- Bà không có lỗi gì cả bà ạ. Tánh mẹ cháu muốn làm gì thì phải làm cho được, không ai cản nổi.
- Nhưng mà cô thấy tuyết đó. Ở tuổi này đêm hôm khuya khoắc mà cứ ra, thì để ổng chờ một lát rồi bỏ đi chớ gì. Không gặp một bữa có sao đâu.
- Ông nào chờ hả bà?
- Ba cô chớ ông nào nữa. Coi bộ mẹ cô rất quan tâm chuyện ổng đem tiền về Việt Nam cho gái. Nghe nói  ổng hứa là tối đó sẽ đem hầu như toàn bộ tài sản cho bà an hưởng tuổi già, rồi vài bữa sau ổng sẽ về Việt Nam ở luôn.
- Ba cháu?
- Chớ ai. Hầu như đêm nào ổng cũng tới, đứng bên kia cổng gọi là mẹ cô te tái chạy ra. Ban đầu người ta còn tội nghiệp mở cửa, thét họ không mở nữa, có khi bà ấy đấm cửa ầm ầm, tôi bực quá mà không biết làm sao. Nhưng thường thì nhân viên nghe ồn là tới la ngay, bà ấy mới chịu thôi.
- Còn vừa rồi là…
- Thì cũng ba cô đến gọi bên kia cổng như mọi lần. Có điều buổi sáng bà giám đốc và hai nhân viên đã bị cảnh sát còng tay dẫn đi rồi. Về tội đối xử thiếu nhân đạo với chúng tôi, chắc cô nghe rồi đó. Xáo trộn vậy nên ai còn cho ra ngoài. Thế là mẹ cô trèo qua cửa sổ.  Cô coi, tận tầng ba… Lỗi của tôi là đi ngủ…
Tất cả vật dụng của mẹ chỉ là hình bố trên bàn đêm và cái túi vải nâu nâu xam xám từng mảng bẩn thỉu, bên trong nhiều mẩu giấy vụn nhầu nhĩ cũng lem nhem dơ dáy.  Cô bỏ túi vải vào xắc tay. Và cẩn trọng ôm tấm hình bố vào lòng. Cô đã nghĩ đến chỗ nào trong căn hộ nhỏ có thể đặt bàn thờ, sẽ ghi tháng ngày mẹ mất, năm 2012, và cha 2008.
MIÊNG
Paris, juillet 2012

Xem Tiếp: ----