ang,đẩy giúp tủ sắt này qua bên góc kia. Cang, cái bàn này đem lên lầu hai đổi cái bàn có mặt kính dày xuống đây. Cang, mấy hộc hồ sơ đâu rồi. Cang, nhấc kệ sách kia qua. Cang, Cang, sơ Dorothy áo chẽn trắng khoác ngoài bộ đồng phục đúng phong cách New England, hai má hóp sâu thêm -- chắc mấy đêm rồi mất ngủ, túi bụi chỉ huy. Cha Hoàng, người gốc Huế, cũng đang chia xẻ trách nhiệm lãnh đạo, lăng xăng đốc thúc mấy cậu học trò Việt có, Lào có khuân chồng lên nhau mớ bàn, tủ sắt nặng trịch. Thuộc hạng chí thú làm ăn và biết trọng giá trị đồng bạc, ngày nào cũng tranh thủ chạy ra ngoài dạy thêm vài giờ toán lý hoá cho các trường cần giáo viên song ngữ, cha vừa tiếp tay bọn trẻ vừa than vản, bàn ghế gì hư móp ráo, người đâu mà xài không biết giữ gìn… Mẹ giám đốc nghỉ mát suốt tháng tận bên lục địa căn-gà-ru ; tiền rent đột biến nhảy vọt đẩy cả bọn từ cái cơ sở hiện đại đầy thủy tinh với thép không rỉ dưới ngoại ô lếch thếch kéo theo đống bàn ghế văn phòng ô hợp tiếp thu sau nhiều lần dâu bể về chiếm đóng địa điểm mới này. Mỗi lần xuống phố đổi xe buýt về nhà trước đây, ngắm cái nhà thờ cổ kính ngói đá nhuộm màu thời gian thu mình khiêm tốn giữa các cao ốc ngất ngưỡng đầy kinh mạn, Cang thường nghĩ vẫn vơ về sự suy tàn của tôn giáo: thánh điện nóc chuông, đền thờ, mái chùa trên toàn thế giới cộng lại có lẽ chưa bằng thể tích của bất cứ một nhà chọc trời nào ở Nữu Ước, Đông Kinh hay Mạc Tư Khoa ; cũng như có bận xuống chơi Manhattan đứng trên sân thượng World Trade Center cao vút trời ngắm tượng Thần Tự Do mờ nhạt trong sương chiều, anh đã cảm thấy tội nghiệp cho tâm linh nhân loại sẽ không bao giờ có được một chỗ cư trú oai nghiêm tương tự. Vậy mà cơ quan làm việc thiện mỗi tuần năm ngày của anh và đồng nghiệp đã chui gọn một cách thoải mái vào lòng ngôi nhà thờ xưa ấy như Jonas trong bụng cá voi. Té ra, trừ cái vỏ đá bên ngoài cổ lổ, nó cũng đã được sửa chữa, kiến tạo lại hoàn toàn từ lúc nào không rõ với đầy đủ phòng ốc, điện nước, bếp lò, tủ lạnh, máy điều hoà không khí. Thánh đường thuở nào giáo dân tề tụ xưng tội nghe lễ thứ bảy chủ nhật đã biến mất nhường chỗ cho các ngăn sách của một thư viện nhỏ ; vòm trần của nó được thay thế bằng hai tầng lầu ngăn làm nhiều phòng nhỏ, to được đám thập tự chinh mới tha hồ quân quản. Đẩy cái ghế xoay của mình vào chỗ được phân phối đằng sau chiếc bàn sơn màu sơn môi có cái mặt bàn láng trắng màu ngà, Cang gieo mình xuống và mỉm cười chợt nhớ ra vị trí này trước đây có lẽ đã được chiếm ngự bởi những thiên thần bay lượn vô hình bên trên các cố đạo và phụ tế áo thụng lúc nâng mình thánh trước miệng con chiên vào những dịp Giáng sinh, Phục lâm hoặc bởi linh hồn những kẻ vừa từ giã cõi đời còn vương vấn mùi khói hương của lễ tống tiễn người mất. Cang đưa mắt nhìn quanh, rồi đây anh sẽ làm quen với gian phòng rộng chất chứa linh tinh đủ thứ tiếp giáp với nhà bếp, nhà kho và mấy cửa exit bị phong tỏa này. Bên trái anh, thiên thần Hung-gia-lợi Ibe, vóc dáng hạt mít, nét mặt dễ coi, sang Mỹ đâu được hơn năm, sáng nay không biết tham gia vào bộ phận khuân vác, sơn phết nào đành ngồi ủ rủ giữa đống thùng, tủ hồ sơ, ghế thấp ghế cao, bàn vuông bàn tròn đủ cỡ. Bên phải, dấn thân hơn – có lẽ kinh nghiệm lịch sử đã hung đúc thiên thần, hay linh hồn chết? đã từng chạy bộ sang Thái Lan trốn đại lãnh tụ họ Pol này – cô Rattana người Khờ me bỗng mở miệng phát biểu câu nói nghiêm trọng đầu tiên trong ngày: - Tụi nó phân biệt chủng tộc, cho mình ngồi ở chỗ tồi nhất. Phòng tốt có máy lạnh, bàn ghế đẹp, cửa sổ nhìn xuống đường phố, chúng dành hết cả. Rồi nín bặt, như thể để cho Cang có thì giờ ngẩm nghĩ về nghệ thuật xã giao của những đồng nghiệp thân mến trong cái ngành nghề cứu độ nhân thế này, cô ta lui cui khuân mấy cái quạt đặt lên nóc tủ hồ sơ tìm chỗ cắm dây, buộc cột lại tấm màn buông thỏng từ trần tìm cách làm cho hé ra một mảng trời và một nhúm lá cây ngoài ô kính, đoạn vác đâu về một bức độc long ngoạn châu trang trí cho khoảng tường trống hoát kề cận. Lúc ấy Cang mới buông một câu đùa, cho mình là chính: - Có lẽ họ cho rằng bọn ta thuộc thành phần siêu thoát nhất ở đây… Cô ta chẳng buồn tìm hiểu ý vị bỡn cợt của anh bạn láng giềng, vừa chấm xà phòng nước đi lau lại cái mặt bàn vừa lầm bầm: - Điện thọai không có dây gắn, tủ thì mất hộc, làm ăn cái nỗi gì! Cô nàng Khờ me này quản lý khoảng năm mươi gia đình Miên, Lào, Mít đang ăn welfare và luyện tiếng Anh chờ ngày hội nhập vào cõi địa đàng. Suốt ngày cô ta cần mẫn loay hoay với hồ sơ lý lịch, đơn từ và điện thoại, thỉnh thoảng biến đi rồi trở về với đứa con gái rất xinh vừa rước từ một nhà trẻ nào đó. Chẳng bù với Ibe sinh động hơn, thức khuya dậy sớm, lái xe ra phi trường, khách sạn, hăng say suốt tuần chăm non bọn tị nạn giống như đàn bò vừa đổi trại, ngơ ngáo giữa những vùng đất lạ. Nhàn hạ nhất trong đám nhân viên có lẽ là Cang, một phần vì anh là người mới tập sự, một phần vì anh lo công việc phụ giúp người tị nạn đã qua giai đoạn đầu vật lộn làm quen với cuộc sống mới. Năm thì mười họa, một cú điện thoại cớ mất giấy tờ, nhờ đưa con nhỏ đi khám bệnh, hoặc xin khiếu nại với nhà đèn về số tiền điện cuối tháng quá cao. Những chuyện rắc rối hơn như xin thẻ xanh, nhập tịch, ân xá tội cư trú bất hợp pháp thì anh bấm nút extension chuyển cho chức năng liên quan của các đồng nghiệp khác. Có buổi rảnh rang không biết làm gì cho hết giờ anh ngồi sáng tác vài câu lục bát trong đầu hoặc dịch một bài thơ nước ngoài. Khi nào cạn hứng, anh quay điện thoại về nhà nhắc thằng con bảy tuổi uống sữa và sinh tố, hỏi thăm cô vợ còn trẻ xem chứng nhức mỏi đã thuyên giảm tới đâu hoặc phát thư trong ngày có đem tin gì mới đến. Ánh nắng lọt qua khe màn, chiếu xuống lưng Cang một vệt sáng và nóng. Cái quạt máy xoay đều như một đoá hướng dương tâm thần theo đuổi mãi một vầng dương thích chơi ú tim. Ibe đã xuống bếp pha cà phê, Rattana đến giờ rước con, khoác cái xắc lên vai quay lưng đi ra. Cang cũng rời ghế đứng dậy, đẩy dẹp bàn ghế chung quanh, khuân xếp lại mớ thùng hộp cho quang cảnh được ngăn nắp hơn. Suốt sáng giờ chưa rảnh tay, anh bước mấy bước dợm rời phòng, định bụng tìm cái bathroom rửa mặt và nhét cái áo xốc xếch vì các động tác bốc xếp vào quần cho gọn, lại chạm trán với một bà tiên khác, eo nhỏ mông đầy, tóc búi củ cải: - Cang rảnh không? Xin vui lòng giúp tôi việc này một chút. Làm sao từ chối, Stephany luôn luôn tươi cười, nhã nhặn, chuyên viên tìm việc làm đồng thời kẻ thù đối với mọi loại thất nghiệp ăn bám trong tiểu bang này. Vâng ạ, tiểu nhân xin hết lòng hết sức. Năm giây sau, anh lại thót lên mấy nấc thang kê trên cái mặt bàn, tay lon sơn, tay huơ cọ như một nghệ sĩ lành nghề pha trộn các gam màu xám, trắng, trứng gà đi một đường finishing bay bướm cho bức tranh trần nhà. Mấy chỗ rách bể, trốc sơn bị anh truy lùng không thương tiếc. Một chân nhón cao, một chân múa bắt thăng bằng. Cang chới với tô đi tô lại từng phân diện tích, chẳng tha cho bất cứ một hạt bụi khuyết điểm nào. A, Michelangelo, tôi cũng đang phối hôn cho chân, thiện, mỹ đây nè! Đầu óc đang lâng lâng sáng tạo, Cang nghe tiếng sơ Dorothy gọi mình như từ bên kia những giấc mơ. Anh định thần nhìn xuống thấy sơ nói vói lên, cái cằm có vẻ nhọn thêm mấy giác độ: - Anh khuân cái bàn có chân sắt xếp ngoài hành lang đi theo bà khách này ra xe. Nhớ đòi ba mươi lăm đô, bà ta chưa trả tiền nghe chưa. Hoàn toàn trở về với thực tại, đặt chân xuống đất anh sực nhớ đến tờ giấy to dán trước cửa nhà thờ sáng nay anh không để ý lắm lúc đẩy nó bước vào, hình như ai đó đã viết trên ấy một chữ sale bự tổ! Thì ra, họ bán rẻ các tủ, bàn, kệ để giải phóng các căn phòng đang bị tràn ngập vì đồ đạc y như trong một màn kịch ngắn nào đó của Ionesco. Đã đến lúc phải thanh lý mớ đồ chùa quyên góp của bá gia bá tánh từ bao nhiêu thập niên chứ chẳng lẽ đợi hồng thủy đợt hai đến dọn dùm à! Cang cười thầm, bậm miệng trệch xương chậu sang một bên ì ạch kè cái bàn xuống từng bậc thang. Gần đến tầng trệt, anh lại phải ép sát vào tường nhường cho cha Hoàng hớt hải chạy lên. Đi ngang anh, cha không quên hỏi nhanh: - Bán à, được giá không? Cang chịu khó gật gật cái đầu rồ thò chân đạp cửa thánh đường bước ra lề phố ngập tràn ánh nắng đúng ngọ, anh khệ nệ đi xuống con phố -- bà khách chắc không tìm được chỗ đậu xe nào gần hơn -- vừa đi vừa tăng cường hô hấp. Chiếc xe đây rồi, mở cửa đằng đuôi, tháobăng ghế sau, ấn cái mặt gỗ rộng vào cho trót lọt cả bề dọc lẫn bề ngang. Cang hổn hển đóng ập cửa lại. Đưa tay nhận mấy tờ giấy bạc, anh mới để ý đến vẻ nhộn nhịp khác thường ở ngã tư trước mặt. Hít mấy hơi sâu để ổn định nhịp tim đang đập loạn, Cang chậm rãi bước tới gần và hiểu ngay: mình chưa bao giờ đi ngang trung tâm downtown này vào giấc trưa, hèn gì… Nhân viên các ngân hàng, bảo hiểm dịch vụ kinh thương quanh đó đều đổ về khoảng công viên xanh ngồi, nằm, relax, ăn trưa và trò chuyện. Một giờ lunch vàng ngọc đang được tận dụng tối đa. Bọn bán hàng rong cũng kéo đến mấy chiếc xe đút đít vào lề, bày ra nào hoa tươi, chậu kiểng, trái cây mới hái, plum, peach, nectarine… và gì gì đó, anh không biết hết. Có cả mấy tay đẩy xe bánh mì, nước uống, dù che sặc sỡ trên đầu, nhanh nhẩu cắt, gói… Có lý đấy, hôm nào ta sẽ ra đây ăn trưa ngắm cảnh ngắm người, bẻ vụn bánh mì ném cho lũ bồ câu hoang. Cang nghĩ bụng. Thẩn thơ giữa đám đông vui nhộn thêm mấy phút, anh chợt nhớ cái góc trần nhà sơn dở dang bèn quay trở về. Né tránh một cô tóc hung đi giày cao gót trên khoảng lề chật hẹp đã bị chiếm đóng bày hàng. Cang vấp vào một gã da đen ở đâu trờ tới khiến anh suýt ngã vào mớ chậu kiểng nằm la liệt. Trong lúc cố lấy lại thăng bằng, anh tình cờ nhìn thấy một chậu bé tí giữa bao nhiêu là lá, hoa cành ; trong chậu nhô lên những lá no mủm mỉm của giống vạn niên thanh, mấy năm sau này giới y học dân tộc gọi là ‘sống đời ‘ mẹ anh trồng trước nhà, bên kia trái đất. Anh bỗng nhớ căn nhà nhỏ dột mưa, cái gác chật đêm đêm chuột chạy, mẹ già và mấy đứa em. Thật là khó tưởng tượng rằng mình đang đứng lạc loài giữa dân da trắng, da đen, trên tay cầm chậu đất nhỏ với cây thuốc nam vừa được chiết nhánh này. Chưa đầy một năm, chợ phố, quán xá, mùi vị quê hương hình như còn phảng phất đâu đây… Cái góc trần được kết thúc khá nhanh. Dạ dày đã bắt đầu nhắc nhở chủ nhân của nó. Sau mấy đường cọ cuối cùng cho lớp sơn được đều mặt, Cang nhảy xuống đất ngắm nghía qua loa căn phòng tiếp tân vừa được sơn phết tươm tất đoạn mang chậu sống đời đã bỏ gần hai đồng ra mua lúc nãy tự giờ nằm chờ trên bâu cửa sổ trở về chỗ mình. Đặt chậu cây xanh lên bàn làm việc bên cạnh cuốn lịch công tác, anh nói nhỏ với nó: - Bây giờ mày sẽ làm bạn với tao, hỡi đại biểu vô tri của tất cả những chồng chất tủi hận, đau thương đói rách, ngục tù đã bỏ lại sau lưng. Mỗi ngày tao sẽ tưới nước cho mày để nuôi nổi sầu trong tao sống mãi. Tiếng cánh sắt quạt máy phần phật trong căn phòng rộng đèn thắp sáng choang làm tăng thêm vẻ vắng ngắt. Người của cơ quan đã đi ăn trưa hết. Đưa tay sửa lại vị trí chiếc chậu, rờ rẫm mấy chiếc lá, Cang mới nhận thấy mười ngón tay đều lấm sơn bê bết. Bẩn thế này thì làm sao ăn cơm tay cầm, hỡi họa sĩ chưa được ai phát hiện thiên tài, Cang vừa nói đùa trong bụng vừa bước xuống nhà kho tìm mảnh vải kỳ cọ bớt lớp sơn trước khi rửa sạch bằng xà phòng. Anh nhặt được chiếc áo ngắn có lẽ đã được các học trò thợ hồ của cha Hoàng dùng làm tạp dề mấy hôm nay quăng vứt bỏ. Cảm thấy vương vướng cái gì, Cang nhấc hẳn cái áo lên cao, lôi theo một cây thập giá dính vào thân vải bởi chất sơn khô. Một tay cầm cái áo bẩn, một tay nắm thập giá, anh tách tượng Chúa ra đua gần mắt ngắm. Tượng gỗ chạm khắc công phu, đầu ngoẻo sang bên, hai khoé miệng rúm ró bi thương, nơi hông lộ rõ vết đòn đâm rách thịt. Phần dưới là cặp chân khẳng khiu nối dài với mười ngón co quắp, cây đinh đóng ngập cả hai bàn chân ghim sâu vào thân gỗ phía sau. Nhà điêu khắc nào đó đã gửi gấm không ít xúc động và cảm hứng vào tác phẩm tôn giá đang biểu hiện dưới mắt Cang. - Món này chắc không đổi chác được mới nằm đây…, anh buồn cười nhếch mép. Sẵn tay, Cang cầm miếng vải lau qua lớp cáu bụi đóng trên thập giá, tẩn mẩn tỉ mỉ cạo sạch từng vệt sơn nhỏ. Sau đó anh rảo quanh mấy tấm vách tìm một cây đinh hoặc cái móc để treo nó lên. Anh không phải là dân Công giáo, cũng chẳng theo đạo Tin lành ; có một thời trước đây tôn giáo của anh là rượu, thơ và gái. Nhưng không thể bỏ đấng Cứu Thế nơi nhà kho như thế được ; tội nghiệp, trước đây từng là Chúa tể cả thế gian! Cuối cùng, tận bên trên tấm băng tréo sau lưng chỗ anh ngồi, Cang tìm thấy một que sắt thò cái đầu uốn cong ra vừa vặn cái khoen cột đằng sau thập giá. Anh treo tượng lên, dù sao cũng có một tâm linh soi sáng cho những giờ cạo giấy tối tăm vô vị. Xong đâu đó, anh ngồi xuống ghế xoay mấy vòng trước khi ngừng lại trước chậu sống đời, vui miệng nói luôn: - Mày sẽ đỡ phần cô độc. Ngoài tao ra, còn Đức Chúa trên kia nhìn xuống chứng giám cho sự hiện hữu của mày. À, chút nữa thì quên, một lát ăn trưa xong tao sẽ tưới cho mày chút nước. Rồi Cang kéo hộc tủ, lấy khẩu phần ăn trong túi nhựa ra. Miếng xăng-uýt kẹp chả và xà lách dòn ngấu trong miệng. Cơn đói bị nén quên giờ xuất hiện một cách hồ hởi. Nhân viên bàn giấy bất thần chuyển sang lao công tạp dịch, từ lúc đặt chân vào cơ quan từ thiện này Cang nghĩ rằng chưa có hôm nào mình lao động cật lực như hôm nay. Biết vậy đem theo vài bọc mì gói nấu nước sôi ăn thêm. Chốc nữa rảnh gọi điện thoại về phỏng vấn bà xã xem chiều nay nấu món gì, Cang chợt nhớ, à sữa tươi cho thằng Cu đã cạn từ tối qua, phải tạt vào tiệm mua bình mới lúc rẽ về nhà. Ăn xong miếng cuối, anh thấy hai mí mắt muốn cụp sắp đến giờ cầu cứu trà đậm với cà phê không bỏ đường rồi.Đưa tay lên định gỡ kính cận ra chợp mắt năm phút, anh bỗng giật mình chớp mắt nhìn cho rõ. Bên cái vách tay trái đằng kia, nằm trên nóc tủ hồ sơ cao, một đức Chúa khác đang chịu nạn, to gấp nhiều lần vị khi nãy, đằng một gang tay, đằng cả thước. Cũng lạ, cả buổi dọn dẹp mà anh không khi nào nhìn thấy cái tượng gỗ bề thế ấy, hình như có một phép lạ đã che dấu Người không cho ai ngắm. Bây giờ, chung quanh vắng ngắt, Người mới chịu hiện hình. Anh lặng nhìn một lúc, đoan chắc đến tám, chín mươi phần trăm rằng đấng Ki Tô này đã từng được treo ở chính điện nhà thờ trước đây, to như thế để các tín đồ quì khấn từ xa có thể nhìn thấy. Bây giờ, Người nằm quay đầu về phía anh, mái tóc đen tương phản với cái khố trắng đã ngã màu vàng ố, thân hình gập lại rướn cong, hai đầu gối xương xẩu nhô lên, lặng lẽ chịu đựng đau đớn. Cang không thể không tưởng tượng đến cái khoảnh khắc bi tráng lúc bọn lính La –mã đẩy người ngã ngửa lên thập ác, đè mấy ngón tay ra cắm mũi đinh nhọn vào giữa lòng bàn tay đóng phập, và tiếng thét đau đớn, và gương mặt Người rung bần bật, nhoà đi như một đạo diễn tài hoa nào đó đã dựng lại trong một phim Chịu Nạn gần đây, hình ảnh cuối cùng trước khi chữ The End hiện ra mà mỗi lần nhớ lại Cang vẫn thấy bàng hoàng vì cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của hai chữ ấy. Bây giờ, Người nằm đó, sóng sượt, nhẫn nhục, máu thấm ướt mấy đầu ngón tay, phó cho quyền lực trần gian mặc tình xử lý – kéo Người bật dậy trên thập tự giá, đóng cọc sâu xuống đất để phơi mưa phơi nắng đến lúc tắt lịm hoặc bỏ quên bên cạnh các thứ linh tinh khác. Rồi Cang nhìn xuống chậu kiểng nhỏ của mình, hình dung những tế bào thực vật đang sinh trưởng thản nhiên, đang uống từng giọt nước, đang hít từng hạt không khí để nuôi lớn dần mấy cái chồi vô tâm xanh mởn.Chân Phương