nh ta đứng hút thuốc ngó ra cửa kính, bình thản ngắm máy bay lên xuống. Quyên cất ngay cái bảng tên công ty vào túi. - Chào ông, ông là người của công ty Amcodi? Xin lỗi, kẹt xe nên đến hơi muộn. Tôi là... - Cô là Quyên phải không? Giám đốc bên công ty cô cho biết sẽ có đồng hương ra đón. Tha hương mà ngộ đồng hương thật là diễm phúc. Tôi là Đỗ Khanh, phụ tá kiêm cố vấn của giám đốc Schneider. Anh ta bắt tay Quyên, giữ hơi lâu. Bàn tay mỏng, mềm mà lạnh. Quyên rùng mình, ớn lạnh, tưởng như chạm vào con lươn, muốn rụt tay lại nhưng ngại bất lịch sự. Hắn bước lại gần hơn, nghiêng đầu hôn lên má cô. Tự nhiên hơn tây ba-lô! Giá như bạn thân thì sá gì, đây mới là lần đầu gặp nhau, có phải người xưa tình cũ gì đâu. Mặt Quyên cau lại. Nhân vật “phụ tá kiêm cố vấn” đánh hơi thái độ thiếu hưởng ứng của Quyên, nghi ngại “cô này dám bị lãng tai chưa hiểu ra ý mình”, hỏi thêm: - Xin lỗi, tôi chưa biết cô phụ trách phòng gì ở công ty, chắc là phụ tá đặc biệt của giám đốc Volker? Biết ngay mà! Mặt Quyên tươi rói: - Thế ông Volker chưa cho anh biết sao, tôi là bộ trưởng...bộ không bộ. Cô này định ám chỉ gì đây, anh ta nhìn Quyên lom lom, cảnh giác. - Bộ không bộ, chính danh là bộ lon-ton, gì cũng làm, đi mua chewing-gum cho chef, đến tiệm giặt lấy quần áo cho chef, đưa xe của chef đi rửa, hôm nào vợ chef ốm thì đi đón con của chef giống như đi đón anh hôm nay vậy đó! “Phụ tá kiêm cố vấn hãng Amcodi” im thin thít suốt quãng đường từ phi trường về công ty. & Chấm dứt phiên họp, giám đốc Volker hài lòng ra mặt. Lúc đầu ông nổi nóng vì phần lời chia cho công ty bị giảm, không đúng như thoả thuận ban đầu. “Phụ tá kiêm cố vấn của Amcodi” chứng tỏ tài thuyết khách, mặt lạnh băng, thao thao nói như nước chảy: - Quí ông bình tĩnh xem lại, phần lời có giảm chút ít, nhưng chúng tôi tăng thêm hợp đồng ký kết, trị giá cao hơn, thì chính công ty bên ông có lợi nhuận nhiều hơn, đúng không? Tôi xin chứng minh.... Volker thở ra: - Thằng cha Schneider lãng tai mà sáng mắt, loại phụ tá như anh đúng là của hiếm! Chỉ nói cái lợi của người khác mà dấu cái lợi bên công ty mình. Thôi kệ, thời buổi kinh tế suy thoái, có thêm hợp đồng nào thì thêm việc làm cho nhân viên. Đỗ Khanh hơi nghiêng đầu, lịch thiệp cám ơn lời khen. Cái robe tím cổ rộng, mái tóc cuốn cao của Quyên, để hở cổ và bờ vai trắng ngà, cứ hút ánh mắt anh ta về phía góc phòng. Ba ngày họp, dù mê mãi nói, anh ta vẫn kín đáo tia cặp mắt đến Quyên, ngồi cạnh ông trưởng phòng marketing. Cuối buổi họp, Quyên thu nhanh mớ giấy tờ, định chuồn trước. Không xong, giám đốc gọi giật lại: - Làm gì biến nhanh thế. Tối nay cô có nhiệm vụ mới, đưa đồng hương đi dạo phố, kiếm nhà hàng đặc sản Viêtnam chiêu đãi hắn. Ông nháy mắt với Quyên, nói nhỏ: - Này, hắn mới hơn bốn bó, không vợ không con, sắp vào ban giám đốc, một tay VIP đấy! Cơ hội không đến hai lần đâu. - Sorry, không con thì đúng, nhưng vợ thì đã ly dị lần thứ hai. - Sao nắm vững đối tượng vậy? - Thế không phải chính ông giáo huấn tôi rằng phải nắm vững đối tác của mình trước khi lâm trận sao, làm ơn giao việc cho Albert đi. Đàn ông với nhau, họ biết nơi cần đến hơn. - No comment*, đây là lệnh đấy. Quyên không ngờ Đỗ Khanh nhảy đẹp đến thế, bước đi Tango dứt khoát mà uyển chuyển, hắn dìu Quyên theo điệu nhạc nhẹ tênh. Trong bộ áo sakko đen hắn giống như con beo dịu dàng mà nguy hiểm. Kéo ghế cho Quyên ngồi xuống trước, Khanh đưa cô cuốn thực đơn, để Quyên chọn thức ăn trước. - Tôi sang Âu châu không phải lần đầu, hồi Berlin chưa phá bức tường, có mặt tôi rồi, sau đó đi khắp Đông Âu, Balan, Tiệp, Ukraina, Hungari. - Bộ anh là VIP bên ngành ngoại giao sao mà đi nhiều thế? - VIP gì đâu! Lúc đó tôi là correspondent cho tờ báo lớn ở Mỹ, đi viết phóng sự Đông Âu mở cửa. Quyên tròn mắt thán phục: - Anh nhiều tài ghê, vừa kinh tế vừa chính trị. Hắn cười, nói nhỏ có vẻ bí mật: - Tôi vừa viết cho báo Mỹ, vừa tìm hiểu về tình hình người Việt ở Đông Âu, để sau này viết hồi ký. Cuốn phóng sự về Đông Âu viết xong rồi, sắp ra mắt đọc giả nay mai. Thêm tài văn chương nữa, núi Thái Sơn trước mặt mà mình cứ tưởng cái gò mối, hơi dại xem thường hắn. Quyên nén tiếng thở ra, Giám đốc Volker có lý, cơ hội đâu dễ đến hai lần. - Thế tên sách là gì? Quyên sẽ tìm đọc khi sách phát hành, anh viết báo, có bút hiệu hay giữ tên thật? - Không thể tiết lộ trước khi sách ra đời, Quyên yên tâm, anh sẽ gửi tặng Quyên một cuốn làm kỷ niệm..... Đỗ Khanh cụng ly rượu của hắn vào ly của Quyên, cười tươi, đôi mắt đen hơn: -....để kỷ niệm ngày chúng mình gặp nhau chứ, nào, uống đi. Ánh nến trên bàn chiếu vào mắt Quyên lấp lánh như hạt trân châu đen. Mắt cô hơi xếch, chân mày dài đậm nét. Đôi môi dày, khóe miệng sâu, như mời gọi một nụ hôn nồng nàn. “Thông minh mà đa tình, cỡ này không dễ chiêu dụ bằng những bó hoa lộng lẫy hay những món nữ trang đắt giá. Chỉ khuất phục được bằng cái đầu thôi.” Khanh mỉm cười tự tin, cuộc đuổi bắt như vậy mới đáng giá. Được thôi cô em, anh sẽ đưa em vào mộng thiên đường. - Mai thứ bảy, Quyên rảnh không? Anh định ở lại đây chơi vài hôm nữa. Quyên ngạc nhiên, hai má hồng lên: - Anh phải bay về New York ngày mai rồi mà. - Đúng, vé máy bay đặt rồi, nhưng đổi ngày về đâu có sao, tay giám đốc không dám phản đối anh đâu, cứ để lão ta đợi. Nếu thích, mình đi Hamburg hay Berlin chơi luôn. & Con đường dọc theo sông Rhein về đêm yên vắng, như rộng ra, dài hơn. Bên kia bờ có con tàu lớn như cao ốc bốn tầng, không bao giờ ra khơi vì đã biến thành nhà hàng với cái tên sang trọng, Royal Schiff. Ánh đèn đủ màu từ trên tàu sáng rực, soi bóng con tàu lung linh trên mặt nước. Lần nào ngắm con tàu-nhà hàng này về đêm, với những ngọn tháp giả gắn đèn lồng kiểu xưa, Quyên hay tưởng tượng đến một thành phố huyền ảo trong truyện cổ tích của Andersen. Khanh đề nghị: - Mình lên tàu chơi đi. - Quyên thích ở đây ngắm nó hơn, nhưng nếu anh muốn thì mình đợi ở bến cầu, sông rộng, có thuyền nhỏ đưa khách ra tàu. - Hay nhỉ, cứ như đi vượt biên, có taxi nhỏ đưa ra tàu lớn. - Anh cũng đi vượt biên sao, năm nào? - Không, anh đi du học, năm 72 chiến sự căng thẳng, anh xin du học tự túc ở Đức, lúc đó xin đi Đức dễ nhất, chủ yếu là chạy thoát nạn động viên, sau này mới qua Mỹ. - Anh chạy giỏi nhỉ? - Phải nhanh chân chứ, cơ hội chỉ đến với ta khi ta biết nắm lấy, nên thuộc châm ngôn đấy. Ở Đức có ba năm, anh tìm cách chạy qua Mỹ vì biết Mỹ là đất của cơ hội. - Thế anh nắm được bao nhiêu cơ hội rồi? Khanh cười lớn: - Biết bao nhiêu là đủ, như gặp được Quyên cũng là một cơ hội may mắn cho anh. Khéo nịnh thật! Quyên nhủ thầm. Kể ra anh ta khá đẹp trai, đôi mắt sắc sảo, dáng cao ráo, ăn mặc chải chuốt một cách kín đáo, cặp kính trắng tăng thêm vẻ trí thức. Chỉ có một tật lạ phải chú ý mới thấy, Khanh hay đưa đầu lưỡi ra liếm môi, thật nhanh, mỗi khi bị căng thẳng. Quyên chợt nghĩ đến loài rắn hay thè lưỡi ra, rút lưỡi vào, như tia chớp, khi rình rập con mồi. Hai người chọn bàn ngồi sát lan can tàu ở tầng cao nhất. Cô nhân viên nhà hàng đem rổ hoa đến mời. Khanh ngó Quyên giây lát, chọn lấy cành hồng lớn màu đỏ. - Quyên thích hoa hồng không? Cô ngắm nghía rổ hoa: - Hồng cũng đẹp, nhưng Quyên thích mấy cành hoa trắng nhỏ kia hơn. - Anh không biết đó là hoa gì, hoa hồng có ý nghĩa hơn chứ. - Tiếng Việt gọi hoa trắng đó là linh lan hay hoa chuông, tây đặt tên là Muguet, chỉ nở vào tháng năm, có ý nghĩa là hoa của hạnh phúc, mùi thơm dịu, tiếc là hoa mau tàn. Khanh lắc đầu, nói đùa: - Hạnh phúc mà mau tàn thì đời chắc buồn tàn thu luôn, nhưng Quyên thích thì được thôi. Có bốn cành hoa Muguet trên rổ, Khanh chọn hết, lấy thêm cành hồng. Cô gái kết nhanh thành bó nhỏ, mấy nhánh hoa trắng bao quanh cành hồng. Khanh đưa lại cho Quyên. - Tặng em, cả hạnh phúc lẫn...niềm vui, hy vọng cả hai sẽ không tàn. Quyên cười thầm “anh chàng láu lỉnh còn làm bộ dè dặt, chắc đang dò phản ứng đối thủ”. Khanh chỉ tay về phía rực sáng ánh đèn bên kia sông. - Quyên biết nơi đó không? Đó là trung tâm thành phố có nhà thờ Dom nổi tiếng và khu phố cổ, đi xuống con đường dốc là gặp ngay khu đèn đỏ. Người ở đây hay nói:“thiên đường và địa ngục hóa ra chỉ cách nhau có con dốc thôi.” - Sao anh biết rõ thế, anh từng sống ở đây sao? - Không, anh chỉ đến đây dự cuộc họp với cộng đồng người Việt, ở nhà thờ Tin Lành gần trường Đại học, vào hè năm 92 thì phải. Quyên suýt kêu lên, cô có mặt ở buổi họp đó! Căn phòng hẹp chen đông người, quá ồn ào, mất trật tự. Cái micro rè rè, lúc có tiếng lúc không, ngồi tận hàng cuối, cô nghe loáng thoáng giới thiệu có nhà báo lớn, một VIP từ Mỹ tới, không nghe rõ tên. Rồi một nhân vật với cravat, áo sakko, lên sân khấu trịnh trọng đọc diễn văn, mọi người đứng dậy vỗ tay rào rào vì những lời hứa hẹn nồng nhiệt. Hóa ra đó là Đỗ Khanh này. - Em biết không, lần đó họ tranh nhau đón tiếp anh như ông hoàng, đưa đi ăn các nhà hàng lớn ở Frankfurt, chi tiền cho anh ở Hotel, đưa đi thăm khu đèn đỏ nữa. Anh chỉ mới đề nghị là họ đánh xe hơi đưa anh qua Amsterdam chơi luôn, chịu chơi thật! - Chắc là anh giúp đỡ họ nhiều. Khanh chậc lưỡi: - Cũng muốn thế, nhưng khó lắm, đâu phải chuyện đùa. Họ muốn anh đưa bài viết, tên tuổi họ lên báo, để có lý do xin tị nạn chính trị. Họ tính bỏ con tép để bắt con tôm đấy thôi, ngu sao mà không hiểu. Quyên đặt mạnh ly cocktail xuống bàn, ngó thẳng vào đôi mắt một mí của Khanh: - Thế anh có hứa gì với họ không? - Thì phải hứa hẹn họ mới chiều đãi mình, anh nói đưa lên báo Mỹ, chi phí hơi mắc, nhưng báo Việt dễ hơn, với anh thì no problem! Làng báo Việt ở Cali, anh quen hết cả. Trời, em biết không, họ đưa tiền, tặng quà cho anh tưng bừng cứ như mình là star của Hollywood ấy! Khanh đứng bật dậy, phá ra cười, ly rượu trên tay sóng sánh muốn đổ. Hắn có vẻ hơi say. - Nhưng chả có báo nào chịu đăng mấy bài viết lẩm cẩm của đám tị nạn, anh nói với một tay giám đốc Đài phát thanh là họ chỉ cần có tên trên báo một lần thôi, sau đó đừng hòng moi thêm tiền của họ. - Lúc đó chính phủ Đức kiên quyết ngăn chặn làn sóng tị nạn từ Đông âu tràn qua. Ai cũng sợ bị trục xuất nên tìm đủ cách để xin tị nạn, tình cảnh họ như sống dở chết dở, sống bằng trợ cấp xã hội, hàng tháng chỉ có tí tiền còm, vài chục mark. Có trại tị nạn chỉ cho thức ăn hàng tuần, phải lén lút làm chui mới có chút tiền chi tiêu. Nếu tên họ không lên báo được thì họ có lấy lại tiền không? Hắn uống cạn ly rượu, ném thẳng cái ly xuống dòng sông, cười khùng khục trong cổ họng. - Này, em có bị ấm đầu không? Tiền ấy hả, đã chi ra rồi, muốn đòi lại thì cứ bắc thang mà hỏi ông trời nhé! Cánh nhà báo Mỹ hay ăn xài rộng, đi xa là mắc nợ, anh thì ngược lại, bao giờ cũng dư giả. Lần đó anh chả tiêu hao gì, việc ăn ở thì tờ báo Mỹ trả đủ, còn ăn chơi thì đám kiều tị nạn lo cho anh, nhờ chuyến đi đó anh đổi được con BMW mới cóng. Bà vợ anh phải thán phục anh lăn lóc. Quyên không nghe anh ta nói gì nữa, cô ngã đầu ra thành ghế, nhắm mắt lại. Cuốn phim cũ từ góc tối nào lầm lũi hiện ra. Hai năm lao động ở xưởng đồ hộp bên Tiệp, chỉ chuyên mỗi một việc xếp tấm carton cứng thành thùng, đẩy ngay vào đầu dây chuyền để đồ hộp tự động đưa vào. Chỉ tiêu lao động “năm phút một thùng” phải làm liền tay, làm thật lực cho kịp dây chuyền, để đồ hộp không rơi ra ngoài. Như cái máy dập nút đơn giản, vậy mà sau 8, 9 tiếng mỗi ngày, hai cánh tay Quyên như xụi xuống, không giơ cao lên nổi. Rồi những ngày lẩn trốn trong rừng phấp phỏng chờ giờ hẹn, cùng nhập bọn vượt qua biên giới. Vượt biên lần đầu, cả nhóm chạy thoát, Quyên với cô bạn chạy chậm, bị chó săn đánh hơi, cảnh sát biên giới tóm lại. Một tuần lăn lóc trong trại tạm giam chung đụng với bọn trộm cắp và gái điếm, đói ăn khát uống, không nước tắm, quần áo hôi bẩn như mụ điên, bị đuổi trở lại Tiệp thì tên ở xưởng làm đã bị xóa sổ. Cùng đường. Đi tiếp. Lần thứ tư cạn hết tiền, liều mạng trốn chui trong toillet trên xe lửa mới đi thoát qua biên giới Đức. Ngày đầu nhập trại tị nạn ở Berlin phải chiến đấu dữ dội giữa đám đông hàng trăm người, đủ màu da, đủ thứ ngôn ngữ, mới chen vào được phòng ghi danh xin tị nạn. Những lần phải chuyển trại tị nạn bất ngờ, nơm nớp sợ bị đưa về vùng Đông Đức, nơi dân tị nạn phải sống trong các container không cửa sổ, không lò sưởi. Sau cùng là những ngày tạm trú ở “khách sạn Hilton”! Đó là phòng tập thể dục của trường học biến thành nơi ở tạm cho dân tị nạn, giường ba tầng xếp lớp như cá hộp, tất cả đàn ông, đàn bà, trẻ con ồn ào như vỡ chợ, tuần nào cũng có chuyện cãi vả, đánh nhau, có khi chỉ vì dành chỗ đứng xếp hàng lãnh thức ăn. Làm sao người như Khanh hiểu được nỗi khốn khổ của dân tị nạn, mà có khi hắn cũng chả cần hiểu. Đó không phải là mối lo nghĩ của đời hắn. Trên tay cầm ly rượu khác, Khanh đứng dựa lan can tàu, ngó con tàu nhỏ lướt qua trên sông, đám khách trẻ bên đó đang ca hát vang lừng, chắc họ làm tiệc sinh nhật trên tàu. Quyên kéo khăn choàng lên vai, gió sông gờn gợn làm cô thấy lạnh, tự dưng thấy mình lẻ loi, buồn heo hút như vì sao nhỏ cuối chân trời. Chưa bao giờ cô tin việc có tên trên báo sẽ được chấp nhận tị nạn, chính phủ Đức rất khắt khe trong việc thanh lọc, tỉ số được chấp nhận tị nạn chỉ có 2%. Vì thế nhiều người phải bám vào cái phao cuối cùng là tờ báo, phải vét tiền đóng cho mấy tờ báo cuội. Những tờ báo lá cải xuất hiện nhan nhản với bộ sậu biên tập không viết nổi lấy một bài báo, chỉ biết cắt, dán mấy bài từ các báo khác, chế biến thành tác phẩm của mình, lại sinh ra đám viết thuê ăn tiền. Những cặp vợ chồng tan rã hay giả vờ ly dị, để kết hôn với tây và được ở lại Đức với giá cắt cổ từ 20.000 đến 30.000 Mark thời đó. Những người trốn chui trốn nhủi, làm chui ở nhà hàng, xưởng may với giá rẻ mạt, làm việc 12 tiếng mỗi ngày, sống dưới tầng hầm, không thấy ánh mặt trời. Và triền miên những đêm mất ngủ, sợ hãi từng tiếng rít thắng xe ngoài đường, tiếng chân đi ngoài hành lang, sợ bị bắt lúc nửa đêm, đưa vào trại tạm giam chờ trục xuất. Nhiều lần Quyên tự hỏi, bao giờ cuốn phim cũ thôi ám ảnh mình? Khanh quay lại, đắm đuối nhìn Quyên, cặp mắt hắn gợn đỏ. Tửu lượng hắn ghê thật, ở nhà hàng Gala buổi chiều, mình hắn uống hết chai Brandy, ở đây gần hết chai Whisky, vẫn đứng vững, càng nhiều rượu mặt anh ta càng xanh tái. - Hỏi thật nhé, sao ngần này tuổi em vẫn sống một mình. Kén chọn quá phải không? - Sao anh biết Quyên vẫn một mình? - Anh phải nắm vững đối tác trước khi bàn chuyện kinh doanh chứ? - Thế ra anh đang tính chuyện kinh doanh với Quyên? Quyên hỏi vặn lại. Hắn bất ngờ vì câu hỏi thẳng, nhưng tỉnh táo phản ứng: - Chuyện kinh doanh là với công ty, còn với em thì mình bàn chuyện tình cảm chứ. - Anh định bàn chuyện tình cảm từ lúc nào? Hắn ngạc nhiên, hiếm có phụ nữ nào nói với hắn bằng phong cách như vậy. Mình đâu phải thứ thường. Tốt nghiệp Đại học MIT, chuyên chơi BMW đời mới, sắp thăng chức giám đốc nay mai. Hàng tá phụ nữ đẹp hơn, sang hơn đã đi qua đời mình. Cô nàng này cỡ nào mà ngang ngạnh? Khi hai người ngồi vào xe, Khanh nói: - Mai mình đi Berlin hai hôm nhé, anh muốn thăm lại Berlin xem nó đổi mới ra sao. - Không được, thứ hai, các phòng ban phải họp với ban giám đốc, Quyên không vắng mặt được. - Thì báo bệnh đột xuất đi, anh còn bỏ công việc được, chỉ vì em thôi. - Rất tiếc, Quyên có nguyên tắc, không ép buộc mình phải làm việc gì mà mình không thích. Hắn quay hẳn lại ngó cô, đầu lưỡi đưa ra liếm môi, rất nhanh, mặt cau lại: - Thế ra Quyên không thích đi chơi với anh? Hay em giận anh, vì cái gì? Quyên lặng im, “giận anh ư, không, có lẽ chỉ là sợ và khinh, sợ cái tham vọng quá lớn và cái ích kỷ quá nặng trong người anh, anh đánh rơi mặt nạ rồi”. Cô cười buồn, buông lỏng tay lái, để xe lướt đi trên đường vắng. - Đưa anh ghé qua nhà em cho biết được không? - Xin lỗi, Quyên không tiếp khách của công ty tại nhà. - Em vẫn xem anh là đối tác kinh doanh? Sao cứng rắn vậy? - Quyên có câu hỏi, anh muốn trả lời hay không tùy ý. Sao anh ly dị đến hai lần? - Thì ra em lo sợ điều đó? Có gì lạ đâu, không hợp nhau thì chia tay, mình đang sống ở xứ tây phương mà, em đừng lạc hậu nhé. Tử vi nói không sai, số anh chỉ may mắn đường công danh còn tình duyên cứ lận đận, nhiều khi anh thấy mình cô độc quá. Giọng nói Khanh trầm xuống. Quyên cố ngăn tiếng thở dài. Khanh chưa biết gì về cô nhưng cô nhớ về hắn khá đủ. Vài người tị nạn đã thì thầm với nhau về một nhà báo Việt có quốc tịch Mỹ, dùng passport giả của người khác, lái xe đưa họ vượt biên giới Đông Âu, hạ cánh an toàn vào nước Đức, với giá dao động từ 3000 đến 5000 dollar thời đó. Hắn đã đưa bao nhiêu người đến thiên đường tây âu, đã thu được mấy chục ngàn dollar khi chụp lấy cơ hội hiếm có đó. Và mọi người vẫn phải mang ơn hắn! Đến trước Hotel, Khanh chần chờ chưa chịu ra khỏi xe, đôi mắt buồn vời vợi nhìn cô níu kéo. Vở bi kịch dường như được tái diễn nhiều lần với nhiều phụ nữ khác. Hắn định cầm tay Quyên nhưng cô rút tay lại. - Anh hỏi thật nhé, em thấy anh đáng ghét lắm phải không? - Vì sao anh lại nghĩ như vậy? Một cách tự vệ, Quyên thuộc bài từ khi vào đời, tránh né câu trả lời bằng câu hỏi ngược lại. Đối thủ bối rối ngay thôi. - Bye, good night! Quyên kéo cửa xe đóng sập lại, cho xe chạy chậm ra đường lớn. Cô liếc mắt sang bó hoa để trên ghế bên cạnh, mấy nhánh hoa linh lan còn tươi nhưng cành hồng đã rũ xuống, ủ dột. Ngừng xe ở ngã tư, cô quay lại nhìn lần cuối, Khanh vẫn đứng bên lề đường. Đèn đỏ sau đuôi xe của Quyên nhấp nháy, xa dần, biến mất. “Sao cô ta thay đổi thái độ đột ngột như vậy, mình có nói gì sơ hở? Đàn bà muôn đời cứ thế, như chong chóng, đang thân mật tự dưng hóa ra lạnh nhạt, chả hiểu thế nào!” Đầu hơi choáng váng, Khanh ngồi luôn xuống phiến đá gần bồn hoa trước Hotel, buồn bực phát cáu, cá sắp cắn câu lại sổng mất, hắn thấy hụt hẫng như bị thua cuộc, bị bỏ rơi. Ở đây không ai cần hắn, trở về nhà không ai mong hắn. Giá tự dưng hắn biến mất, chắc chả ai nhớ tiếc cất công đi tìm hắn, mà dường như hắn cũng chưa thực sự yêu thương ai bao giờ. Đàn bà qua tay hắn hoặc chỉ để thỏa mãn nhục dục hay là bàn đạp để đi lên. Thế thôi, khi cần cắt đứt, hắn dứt điểm nhanh gọn. Từ trước đến nay hắn chỉ yêu tiền, chỉ cần có tiền, thật nhiều tiền và chăm chút cho thân xác mình, rồi...để làm gì!? Hắn dò dẫm con đường hơi tối hướng về cửa Hotel. Sao đêm nay mình lại đổ đốn, sa sút tinh thần, bi quan rởm đời thế này, lại chỉ vì một nàng đồng hương, nhảm thật! Cô ta là cái thá gì mà kiêu kỳ ngạo mạn, ăn nói dấm dẳng như chó cắn ma, thôi đi, ngữ này vướng vào khó dứt ra lắm, có khi rủi mà hóa may. Hay kêu taxi đến khu đèn đỏ tìm một em cho ấm đêm nay. Nghĩ vậy nhưng hắn vẫn đi đến quày bar ở Hotel, gọi bồi đem chai Whisky lên phòng, hắn sẽ uống cho cạn hết đêm nay. Tuổi thật của hắn đã quá năm mươi nhưng ngày xưa, khi làm giả giấy khai sinh, đã khai nhỏ tuổi hơn để dễ du học. Tên Khanh cũng không phải tên thật. Hắn tự biến dạng nhiều quá, đến nỗi đôi khi nhìn lại những tấm hình hồi niên thiếu, hắn không chắc đó có phải là mình không? Một đời vợ trước sống bên Mỹ nhờ mai mối giới thiệu, Khanh quyết chí bỏ nước Đức tìm đường sang Mỹ, miền đất hứa đầy cơ hội. Vào được quốc tịch Mỹ là chia tay ngay với cô vợ vừa xấu vừa đần, không thể sánh đôi khi hắn có địa vị. Lần kết hôn thứ hai với bà góa Mỹ lớn tuổi hơn nhiều, nhưng có gia sản và địa vị, con đường tiến thân của Khanh mở rộng. Hắn chỉ chịu ly dị khi được chia một phần gia tài. Điều Quyên không thể hiểu nổi, với cái tài sản đủ bảo đảm cuộc sống cho tới khi vào lò hỏa thiêu, sao hắn vẫn vơ vét những đồng tiền còm của nhóm người Việt tị nạn, thản nhiên và đắc chí như vậy. Minh Thùy (Germany) (trong tập truyện ngắn TERMINAL, MIỄN PHÍ!)