Ai chiến thắng không hề chiến bại Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”. (Thơ Tố Hữu.)Tôi đi trên phố với những bước chân của kẻ mộng du. Tay phải đút sâu vào túi áo nắm chặt mảnh giấy nhỏ cuộn tròn. Chỉ một lát nữa thôi tôi sẽ chìa mảnh giấy nhỏ xíu ấy ra cho nhân viên phòng tài vụ “Thưa cô, em đến nhận học bổng”. 200 nghìn nhân với mười tháng của hai học kỳ, hai triệu - số tiền khổng lồ với một đứa sinh viên cả đời chỉ quen ăn bám vào bố mẹ. Hai triệu – tôi lại tiếp tục làm tính nhẩm - vị chi mua được 200 cuốn với giá đồng hạng 10 nghìn đồng nữa thôi, sau khi có tiền, ngay lập tức tôi sẽ ra cửa hàng sách tổng hợp mỉm cười với cô bán hàng xinh đẹp “Thế chị đã lấy đủ sách cho em chưa? 200 cuốn “Sổ tay người thợ” đấy nhé. Vâng tiền đây. Em chỉ lấy một loại sách này thôi”. Cô bán hàng tươi cười niềm nở “Chị sẽ trừ phần trăm thỏa đáng cho em. Gớm cái loại sách kỹ thuật bán trầy trật mãi, xếp lên xếp xuống cả năm mà mới chỉ bán được gần chục cuốn. Mà mua nhiều thế này chắc em mua cho cơ quan để phát cho công nhân. Dào ôi, công nhân bây giờ ấy mà mấy ai để tâm đến sách vở nâng cao tri thức đâu…”. Tôi lại cảm thấy hình như mình đang bay. Rồi vài ngày sau hẳn bố sẽ ngạc nhiên “Lam này, sách đã bán được gần nửa rồi đây. Thế mà trước đây thấy sách ế bố đã định không bao giờ viết sách nữa. Tâm huyết của cả đời người, tổng hợp biết bao kiến thức và công sức dồn vào 200 trang sách in xong lại không có ai mua. Mỗi lần đến nhà xuất bản người ta lại dành cho mình cái lắc đầu ái ngại. Bây giờ thì khác rồi. Thế mà tay giám đốc cứ kêu ca “sách kỹ thuật dành cho công nhân không có thị trường tiêu thụ, hay là bác dịch tài liệu nhé cháu lên kế hoạch tháng sau phát hành luôn”. Cũng may mà bố không nghe. Bố già rồi phải chắt lọc kiến thức của mình để lại thế hệ sau chứ. Bây giờ thì khác rồi… Sách đã đến được với tay người đọc. Công nhân sẽ đỡ vất vả hơn, họ sẽ có kinh nghiệm hơn trong thao tác”. Tôi ngập ngừng đứng trước tấm cửa kính có dòng chữ “Phòng tài vụ”. Trái tim đập thình thịch trong lồng ngực, băn khoăn thầm nghĩ. Mình không thể làm thế được, như thế là giả dối và hình ảnh bố say mê ngồi trước tập bản thảo cần mẩn cắt dán, gạch xóa bất kể đêm ngày. Rồi cả tiếng thở dài của bố cùng khuôn mặt hằn sâu nét mệt mỏi “Lam này, có lẽ bố không nên viết sách. Sách mà không có người đọc thì khác gì đống giấy lộn. Chất xám bây giờ phí hoài quá”. Thôi đằng nào cũng liều rồi – tôi tự an ủi mình – hơn nữa điểm mình cao nhất lớp, chỉ thiếu có 1 điểm thôi đáng là bao. Hơn nữa ngoài mình ra không ai có đủ điều kiện để nhận học bổng. Mình không tranh giành với ai cả. Tôi nín thở đẩy cửa phòng. Hơi lạnh từ chiếc máy điều hòa nhiệt độ ập vào mặt làm tôi khẽ rùng mình. Cô tài vụ nhìn tôi từ đầu đến chân với ánh mắt dò xét, buông thõng “Lam à? Thầy chủ nhiệm nhắn em lên văn phòng gặp thầy ngay có việc gấp”. Tôi rón rén ngồi xuống chiếc ghế đối diện. Thầy đặt bảng điểm xuống bàn, chỉ vào dòng có dấu gạch chân đậm: - Em xem lại điểm gốc của mình đi. Tại sao lại chênh với điểm báo lên trường để nhận học bổng. Em chia điểm nhầm à? - Em… - Tôi lắp bắp không thành tiếng. - Có phải em chia nhầm điểm không? Em cứ mạnh dạn trình bày toàn bộ sự thật đi. - Em… - Tôi lúng túng. Thoáng lướt qua đầu ý nghĩ hay là mình gật bừa, làm sao mà phát hiện được? Chợt gặp ánh mắt thầy, ánh mắt của sự nghiêm khắc và khoan dung. Hai bàn tay xoắn chặt vào với nhau, đỏ bầm. Trước người thầy đã giảng dạy cho mình những trí thức của nhân loại tôi biết mình không thể nói dối. Lấy hết can đảm tôi nói như người hụt hơi: - Thưa thầy em đã cố tình khai tăng điểm lên để nhận học bổng. Thầy giáo ngỡ ngàng: - Tại sao em lại làm thế? Em là sinh viên giỏi của lớp trong suốt bốn năm liền. Trường có quy hoạch giữ em ở lại làm cán bộ giảng dạy. Tại sao em lại làm thế? … - Em đã làm tôi quá đỗi bất ngờ và đau lòng. Em là sinh viên luật, lại là sinh viên xuất sắc mà cố ý vi phạm. Thử hỏi công lý làm sao mà tồn tại được với những người đại diện phái luật như em? Thôi em về đi. Không gian bỗng chùng xuống, căng thẳng. Mẹ thẳng thốt “Tại sao con lại làm thế? Như thế là không trung thực. Con cần hai triệu để làm gì? Nhà mình nghèo nhưng đã bao giờ để con đói khát đâu, sao con không hỏi xin bố mẹ?”. Tôi nhắm mắt, cảm tưởng như thời gian chững lại. Bố lặng lẽ đứng dậy đi về phòng, cái dáng đi lòng khòng như còn thêm xuống bởi gánh nặng của sự muộn phiền. Tôi đưa tay lên chặn ngực. Ngạt thở và bực bội quá đỗi. Mọi vật xung quanh bỗng chao đảo quay tít. Tôi thấy mình chông chênh và chới với, cái cảm giác như người đang đứng kề bên vực thẳm sâu hun hút. “Con cần hai triệu để làm gì? Để làm gì?”. Điệp khúc vang vọng lộng buốt trong đầu. Cổ họng tắc nghẽn. Tôi úp mặt vào hai bàn tay nấc lên. Nước mắt lóng lánh rơi qua kẽ ngón tay. Để làm gì ư? Con chỉ muốn giữ lại niềm tin và sự đam mê trong từng trang sách của bố. Tôi bàng hoàng đạp xe trên phố. Này nắng, này gió, này bụi… Tình yêu nhìn thẳng vào mắt tôi lạnh lùng “Chính Lam đã làm đổ vỡ mọi niềm tin trong tôi. Tôi thực sự thất vọng”. Mi mắt nặng trĩu, cứng đơ. Xót xa, hoang mang nhận thấy hóa ra mình là một thứ gì đấy thật xấu xa, khủng khiếp. Thản nhiên và dửng dưng tình yêu đóng sập trước mắt tôi cánh cửa của sự cứu rỗi, bịt chặt lại con đường phục thiện… Từng vòng quay, từng vòng quay… tôi ngạc nhiên khi thấy mình không đau đớn, khóc lóc - chỉ trống rỗng, vô cảm. Hoa sấu từng đám li ti tung mình trong gió ào xuống mặt đường. Mắt tôi hoa lên, nhìn trước, nhìn sau, rẽ phải, rẽ trái đâu đâu cũng gặp kỷ niệm. Nhắm mắt lại tôi điên rồ mong ước gì mình được tan ra thành trăm nghìn mảnh vụn cuốn theo cát bụi trần gian, nhẹ nhàng và thanh thản. Tôi phanh xe, người đổ quị xuống ghi đông. Thẩn thờ và choáng váng. Từng lời, từng chữ như những làn roi quất thẳng vào mặt tôi. Đau buốt. Tại sao lại là đúng lúc này? Giữa lúc tôi hẫng hụt và tự trọng bị tổn thương chứ không phải là bất kỳ khi nào khác. Tôi cần lắm chứ một tấm lòng bao dung và chân thành níu kéo tôi với cuộc sống. Tôi quỳ gối trước bệ thờ vong linh. Những bức ảnh chân dung kê san sát kế nhau, đủ mọi khuôn mặt, đủ mọi trạng thái - trẻ có, già có, vui vẻ có, âu sầu có. Bà nội tôi cũng là một trong số những vong linh gửi hồn nơi cửa Phật. Qua làn khói hương hình như thấp thoáng ánh mắt hiền hậu của bà. Tôi vẫn thường tìm đến đây sau những chặng đường dài kiệt sức mà không hề đến đích chỉ để mơ hồ nhận thấy hơi hướng của bà. Hồi nhỏ tôi thường theo bà lên chùa nghe sư thầy tụng kinh niệm Phật. Thú thực ngày ấy những pho tượng gỗ luôn làm tôi hoảng sợ, tôi cũng không hiểu nổi tại sao kiếp người lại là bề khổ trầm luân. Tôi chỉ thích tha thẩn nhặt hoa hoàng lan hay nhõng nhẽo đòi vãi già chọc cho chùm roi mọng nước. Tôi đứng giữa sân chùa. Đêm rằm, trăng lung linh sáng rỡ giữa biển trời sao. Vô thức tôi ngước mắt lên trời dõi tìm vì sao của riêng mình. Còn nhớ ngày xưa bà vẫn hát ru tôi ngủ bằng giai điệu ngọt ngào “Này em, em có biết không ngày em sinh ra đời là một ngày tuyệt vời, một vì sao trên trời xa nhấp nháy mỉm cười với em…”. Quang sẽ sẵng sàng nắm lấy tay tôi như một sự cảm thông, chia sẻ “Anh tin em Lam ạ”. Tôi cắn chặt môi, mệt mỏi gục đầu vào vai Quang. Òa khóc, Quang lúng túng vỗ về “Lam không cô độc. Mọi người luôn ở cạnh em”. Tôi im lặng, lòng thầm biết ơn Quang. Anh luôn ở bên tôi, chu đáo và độ lượng. Chính vì thế với anh tôi thấy mình trẻ con ngang ngược. Trước Quang tôi luôn mang nặng cảm giác mình là người mắc nợ, cái món nợ tình nghĩa mà tôi biết mình sẽ không bao giờ trả nổi. Giá như Quang đừng quá tốt, giá như tôi có thể dành cho Quang một thứ tình cảm sâu nặng hơn tình bạn! Hội đồng kỷ luật họp. Tôi nhận về quyết định đình chỉ học tập một năm. Bỗng chốc tôi trở thành người nổi tiếng. Người cảm thông, nhân từ thì chép miệng “Sao mà dại thế, mấy đồng học bổng đáng là bao”. Người trong sạch, dị ứng với cái xấu thì lắc đầu “Gớm thật! Chuyện này mà còn dám làm thì còn chuyện gì mà nó bỏ qua. Sinh viên xuất sắc à? Thật không hay lại mánh khóe cả?”. Bạn bè ào đến an ủi. Tôi tuyệt vọng, ngán ngẩm với những kiểu đồng cảm được diễn tả bằng những ngôn từ có sức biểu đạt cao. Tôi nhẫn nhục câm nín trong sai lầm của riêng mình. Có những nỗi đau nằm thẳm sâu trong góc tận cùng của trái tim và trở thành nỗi ám ảnh suốt đời. Tôi không thể thanh minh cũng chẳng thể phản bác. Thói đời là vậy. Tôi đã phạm sai lầm, càng không thể trách người ta khắc nghiệt khi họ khinh khi mình. Hai giờ sáng, bố ngồi cô độc bên chiếc gạt tàn đầy ắp mẩu đầu lọc thuốc lá. Chiếc đèn bàn hắt ra thứ ánh sáng vàng đục. Tôi đứng sau lưng bố, nước mắt chảy dài trên má. Bố khẽ khàng “Hôm qua vô tình mẹ đọc nhật ký của con, bố mẹ đã biết hết rồi. Con hãy xem như đây là một bài học để nhìn lại mình và nhìn vào lòng người. Chỉ có hai loại người không bao giờ mắc sai lầm. Thứ nhất là những người chưa được sinh ra và thứ hai là những người đã chết. Con cần phải nhớ rằng chỉ có thể đạt được mục tiêu bằng những phương pháp đúng. Con đã từng là niềm tự hào và bây giờ con là sự hy vọng duy nhất của bố mẹ”. Chiều nay tôi đứng trên thành cầu, thả xuống dòng sông những bằng khen, giấy khen – thành quả học tập của sự phấn đấu không ngừng trong suốt 16 năm đi học và thả tung chùm bong bóng sặc sỡ chờ nỗi buồn lên trời. Khi người ta có tuổi trẻ và có nghị lực người ta không có quyền để mất niềm tin. Tôi hiểu sự kỳ vọng của gia đình và những tấm lòng bè bạn là hai sợi dây bền chắc giữ tôi đứng vững. Quang bảo “Có rất nhiều việc em cần phải làm. Thế giới quả là rộng lớn và luôn ở phía trước em. Thế giới không đổi thay mà chính khả năng, lòng kiên trì của mình”. Và tôi tin Quang chẳng hề nói sai. 23 tuổi, tôi bắt đầu lại từ những bưới đi chập chững của trẻ lên hai. Vào đời.