ăn nhà nhỏ với mảnh vườn đầy hoa mẫu đơn đã từng là thiên đường hạnh phúc. Mê vở nhạc kịch Mẫu đơn đình, vợ gọi tên căn nhà như vậy. Ở đó hai vợ chồng và thằng con rộn rã nói cười, có khi đuổi bắt nhau hay chơi trò cút bắt bên cạnh khóm hoa đang mùa nở rộ.
Nhưng bây giờ, cách lấy nồi niêu song chảo của chị nhẹ nhàng như thể mọi thứ đều bằng thủy tinh dễ vỡ, và con dao cắt miếng thịt như phát súng ân huệ, nhanh mà khẽ khàng sợ làm nó đau. Vậy mà mọi cử động của chị đều hờ hững chậm buồn, rất buồn, mắt ươn ướt thiu thiu, môi thỉnh thoảng rung rung trễ xuống.
“Cơm anh ơi”. Tiếng gọi như từ cõi nào vọng tới. Chồng đến bàn ăn, nhìn vợ ái ngại.  Anh nhanh nhẩu xới cơm so đũa, cử chỉ săn đón lấy lòng. Rồi hai người dùng bữa lặng lẽ, có đôi mà một mình. Đũa chạm chén nhè nhẹ, muỗng cũng sợ ồn ào khi xoắn tô canh. Mọi âm thanh tự kìm hãm tối đa giữa cái nóng tháng tư bắt đầu ngột ngạt. Người chồng xới chén thứ hai “Cá em kho ngon quá”. Câu nói rơi lửng lơ giữa bàn, lướt trên đôi mắt cá ngỡ ngàng trong đĩa.
Xong trước, chị cầm chén bỏ vào bồn rửa và mang đĩa dưa hấu trở lại bàn ăn,  thong thả nhón. Anh tiếp tục nhai, ngấu nghiến xé nát sự im lặng bao trùm từ hôm cái tai nạn ghê gớm chụp xuống mái ấm gia đình họ. Im lặng lạnh người, anh cố ý chắp chắp xác nhận mình còn sống, còn sinh họat, còn cần đời. Chị nhìn mọi thứ mà không thấy gì, anh có đó mà không có đó. Một lát chị dửng dưng “Anh ăn uống ồn ào quá”. Thở hắt, anh đứng lên thu chén đĩa bỏ vào bồn rửa, mạnh tay, chắc có cái bể rồi. Lúc quay lại chị đã vào phòng rửa mặt. Nước chảy ào ào.
Cuộc sống nhàm chán như thế kéo dài. Một hôm về nhà, anh hớn hở:
- Nhân dịp lễ gặp cuối tuần, sở tổ chức đi chơi biển bốn ngày em ạ. Mình ghi tên nhé.
- Không.
- Anh nghĩ cũng nên ra khỏi nhà một chút, dù sao thì đời sống vẫn tiếp tục mà em.
- Nếu thích thì anh cứ đi một mình.
Anh nhìn vợ. Hình như đây là lần đầu tiên kể từ ngày kinh hoàng đó, anh nhìn chị với ánh mắt trách móc:
- Em nghĩ mình có thể sống như vầy cả đời sao? Đi ra ngoài có người nọ người kia cho khuây khỏa chứ.
- Và họ có con quấn quýt, mình thì không?
Chị gào. Anh nhắm mắt quay đi. Một lát dỗ dành:
- Mình còn trẻ, sẽ sinh đứa khác…
- Không đứa nào thay thế thằng Bô được.
- Dĩ nhiên không ai thay thế được nó. Nhưng chẳng lẽ nó mất rồi mình cũng chết theo sao?
Người đàn bà ngúng nguẩy bỏ vào bếp như cả đời chỉ biết duy nhất con đường ấy, chồng ngồi thịch xuống ghế ôm đầu. Quyển album gia đình vẫn nằm trên bàn, vợ anh dúi mũi vào đó mỗi ngày cố lôi thằng bé bước ra từ những tấm ảnh, bằng nước mắt và than vãn. Hầu hết các hình anh quàng vai vợ đang ôm con hay ngược lại, chị tươi cười như hồi mới quen đã khiến anh trằn trọc đêm đêm. Anh thèm nghe vợ con ríu rít. Anh ngước nhìn hình trên tường chị mang bầu ngồi bên dương cầm hay giá vẽ, lúc đó nháy mắt với anh: em tập cho con học vẽ học đàn từ bây giờ. Và chắc Bô học được nhiều, nó ngủ nhanh khi mở cát xét những bản nhạc đã thâu trong mấy tháng bầu bì. Tấm hình bãi biển nước tung tóe che hết mặt thằng bé lên hai, có lần chị nói như điềm báo gỡ: em ghét tấm này, nước xóa con mình mất tiêu - bây giờ chỉ dính lại vài mảnh lam nham đã xé.
Chị hầu như không ra khỏi nhà và giật mình nghe tiếng xe rồ, không trả lời điện thoại, không tiếp bạn, thu nhỏ đời sống giữa bốn bức tường với bước chân không sát đất. Những đóa mẫu đơn đóa hồng tàn héo theo nỗi lòng bà chủ và mảnh vườn con hoa nhường cho cỏ. Chị cũng tự trách mình sao đặt tên căn nhà là Mẫu đơn đình, bởi vì cũng có thể hàm nghĩa là nhà của người mẹ cô đơn. Như chị hiện tại. Còn lại gì cho người mẹ khi không còn con nữa?
Phần anh, nỗi mất mát đè nặng hai người, vậy mà anh phải gánh thêm nỗi đau bị vợ lạnh lùng, chẳng khác chiếc xe nghiến con do anh lái và cố ý tông vào nó. Nhiều khi ánh mắt chị khiến anh hãi, không dịu dàng yêu quý, không nhân nhượng nể nang, nó là của người muốn nuốt trửng kẻ thù. Mỗi lần như vậy anh chỉ biết tránh đi như tên tội phạm, vừa thương vừa ngại. Một hôm thấy vợ đứng bên bồn rửa chén ngẩn ngơ nhìn trăng, anh gợi ý: “Trằng rằm đẹp quá em nhỉ”. Chị mơ màng: “Em thấy con trên trời”. Đặt tay lên vai vợ, anh bảo nói anh nghe em muốn gì. Tỉnh thức, chị xoay vai bỏ đi, xẵng giọng như cả đời chỉ chờ câu ấy mà anh cố tình hỏi muộn “Muốn con sống dậy”.
Họ sống lặng lẽ như hai cái bóng. Đêm, chị ôm quyển album đi ngủ trước. Sáng dậy anh chào đi làm chị không nghe vì mải ôm giá vẽ, những bức tranh trừu tượng tối tăm hay thần chết lảng vảng khắp nơi và thằng con hiện diện khắp nơi, màu lạnh, u uất. Căn nhà vừa thênh thang vừa chật chội. Đến lúc việc nói với nhau giữa hai người là một cố gắng kinh hoàng, rồi không còn điểm chung gì nữa. Chẳng biết phải cư xử cách nào, một hôm anh nói với ánh mắt thương xót:
- Phải giúp anh duy trì hạnh phúc gia đình. Anh không thể giữ vững nếu em không cộng tác.
Chị nhìn anh như bất ngờ thấy con chuột sình trong đĩa:
- Anh nghĩ con chết rồi mà mình vẫn có hạnh phúc để giữ à?
- Mình không phải là người duy nhất có con chết, nhưng phải tiếp tục sống chứ. Trừ phi em muốn mình chết theo nó.
Không trả lời, chị khinh khỉnh bỏ đi chỗ khác.
Chiều đi làm về, có bao thư trên bàn. Anh mở, tay run. “Em không sống như thế này được nữa. Em không hiểu mình tiếp tục sống với nhau làm gì khi con khắp nơi trong nhà mà không hề gọi bố mẹ ơi? Chúc anh hạnh phúc”. Abum và băng quay phim gia đình đã đi theo vợ. Chị hoàn toàn muốn hai mẹ con rứt khỏi đời anh. Còn hạnh phúc nào cho anh mà chúc?
Miêng
Paris, avril 2009

Xem Tiếp: ----