ùi ít bước vừa dán mắt vào khung ngắm cố thu vào cho hết bao nhiêu là đầu với chân tay lố nhố, tôi chợt thấy mình tựa lưng vào gốc thông của mười hai năm trước. Đúng lúc ấy mặt trời rơi tỏm vào đám mây bùng nhùng xám ngắt. Lũ ve im bặt rồi bất thần lại inh tai. Xoè mấy ngón trên sân chầu tìm chút bóng nhạt làm chuẩn, tôi vội điều chỉnh lại khẩu độ. Đám người sau đó tản ra, bọn trẻ nít nhanh chân phóng về lũ voi ngựa đá. Lẹ làng nhất, thằng con tôi đã bám vào bụng con voi to kềnh cố trèo lên. Mẹ nó lúc ấy cũng vừa bước tới lần lượt đỡ từng chú nhóc lên chiếc bành hoa cương, thân hình đàn bà chắc khoẻ trong bộ áo mùa hè gọn gàng nổi bật giữa bọn nhi đồng. Tôi bước lên mấy bậc tam cấp, đưa máy ảnh ngang tầm mắt ngắm quẩn quanh…
Dãy núi xa mờ, mấy mép hồ khô khốc, dăm khóm sen tàn rìa lá cuốn gãy. Thoang thoảng hương vị gay gay của thứ mùa hè bị lũ sâu dĩ vãng mỏi mòn gặm nhấm. Nhìn qua ống kính tưởng tượng nó là thời gian trong suốt tôi cố hình dung bóng dáng mình với người con gái thuở nào, nhưng vô vọng. Chỉ nghe tiếng chân nô đùa chạy đuổi với âm thanh réo gọi của bọn trẻ con giữa khu lăng tẩm tiêu điều. Dưới mấy nhánh thông vi vu, cây cầu đá tịch mịch in bóng trên mặt nước lặng lờ. Bây giờ em có thể an tâm, người vợ giá thú của tôi, bao nhiêu tình địch đã tan tác theo mưa nắng hai mùa; và cái ống kính chụp bắt thời gian đứng lại chưa được phát minh đâu, hỡi các văn sĩ thi nhân hoài cổ!
Chúng tôi đến Huế đã được mấy hôm, cộng vào số du khách ít oi bị tan loãng không để lại âm vang giữa cái không gian meo mốc đang bị ngọn nắng hanh hao đốt xém. Một cuộc du ngoạn đường trường không mấy thư thả, lũ nhóc đua nhau ói sốt, người lớn ngất ngư. Gã tài môi thâm gốc Nghệ vẫn chưa bỏ được cố tật chạy như ma đuổi dưới những cơn mưa bom Trường Sơn đã đưa chúng tôi từ Sài Gòn ra Trung trong một thời gian kỷ lục trên con đường nhiều đoạn hỏng hóc với lắm đèo dốc hiểm trở. Ăn trưa Phan Thiết, ngắm hoàng hôn Nha Trang, sớm sau mua cua Đại Lãnh luộc ăn tại Bồng Sơn, dạo chợ trời Đà Nẵng, sắm tượng đá Ngũ Hành Sơn, rồi vượt đèo phóng một mạch táp vào trú náu trong cái khách sạn hình vòng cung với những máy điều hòa không khí đang cố gắng chống chọi lửa mặt trời như một tảng băng sắp tan bên miệng cái hỏa lò vĩ đại.
Ngoại trừ tôi, hành khách trên chiếc minibus Nhật màu da cam này chưa ai biết cố đô. Nhưng vùng đất đã một thời ngang dọc giờ đây chẳng còn liên hệ gì với kẻ trở lại. Con sông xanh lơ lạnh lẽo, mấy chiếc đò thiêm thiếp giấc nồng, thành quách lở lói. Lúc xe dừng vài phút ngắm trời đất trên Hải Vân tôi đã cao hứng buột miệng ngâm Chu Thần, viễn tình hạo hạo nhất quy tiên, nghĩ bụng sẽ tìm thấy lại vài cảm xúc thân thuộc trên hành trình về quá khứ, nhưng tôi đã lầm. Chính tôi đã trở thành một con người khác! Chỉ còn những buổi ăn nghi thức trên lầu thượng khách sạn với chén bát thức ăn trang nhã và cô chiêu đãi viên trong tà áo dài vàng thắm, dáng dấp kiêu sa như thoát ra từ một bức tranh xưa. Chỉ còn du khách vô tâm chẳng biết ở đâu đến túa ra như dơi từ các khe ngách của đá xưa, bia cũ, lăng các phong trần. Thậm chí chiến tranh, biến cố khốc liệt từng phủ tang tóc lên vô số mái nhà cũng đã âm thầm lui gót không để lại vết tích gì ngoài chiếc ghe lắp ghép bằng mảnh vỏ phi cơ đang đưa chúng tôi trở qua sông.
Thoáng gió thổi nhẹ. Hơi nước mát dâng lên cùng với mùi bùn rong tanh nhạt. Đợi cho người lớn, trẻ con bớt huyên náo động đậy, cô hướng dẫn viên đưa khăn chậm giọt mồ hôi bên thái dương rồi chậm rãi nói:
- Thưa ông, thưa các anh chị, đây là nơi gặp nhau của hai nhánh Tả Ngạn và Hữu Ngạn từ núi đổ xuống và cũng là khởi điểm của Hương Giang.
- Bây nghe cô nói chưa. Con cháu rửa mặt đi, nước ở đây tốt lắm đó bây! Cụ già Nam bộ vừa phụ họa vừa nghiêng người thò tay vục nước sông lên khỏa vào mặt. Ngồi ngay phía sau, người đàn ông trán hơi hói mang kính cận nắm cánh tay cha phòng hờ cụ mất thăng bằng, vui cười tiếp lời:
- Và kính thưa quí vị, đây cũng là nơi kết thúc cuộc viếng thăm cố đô của chúng ta.
Bọn trẻ đồng loạt la ó phản đối nhưng anh chàng đã lớn tiếng nói át:
- Nhân tiện xin thông báo là sớm mai chúng ta sẽ trở lại Nha Trang viếng các đảo vài ngày, rồi sẵn đó lên Đà Lạt nghỉ ngơi ít buổi trước khi quay về.
- Hoan hô, hoan hô đồng chí trưởng đoàn! Lũ nhóc lại hét rân. Chiếc ghe tròng trành. Không gian thanh vắng trên sông bị khuấy động một cách giả tạo. Cánh chim lẻ đàn vụt bay ngang.
Anh ta lấy cô em, tôi cô chị. Quan hệ giữa chúng tôi chỉ có thế, thỉnh thoảng cộng thêm vài cuộc đi chơi xa với nhau. Hai vợ chồng đều là bác sĩ Sài Gòn, tay này lại là lưỡi dao phẫu thuật đắt giá vào cái thời buổi mọi sự đều đi xuống trừ vật giá và bệnh tật. Anh ta tổ chức chuyến viễn du này cốt cho ông bố gần bát tuần có dịp viếng kinh thành cũ một lần. Tháp tùng theo cụ là cô dâu thứ hai với đám cháu nội từ Bến Tre đi theo, cha chúng bận coi sóc cái lò đường dưới quê không lên được. Ngoài ra còn gia đình chúng tôi và gia đình một kỹ sư, bạn từ thuở hàn vi với ông bác sĩ. Đại khái tới đâu chúng tôi cũng chiếm đóng ít nhất là năm phòng khách sạn loại gia đình với hai dãy bàn ăn. Bởi thế tôi thường viện cớ bạn bè mời để lẻn đi lang thang, mặc dù dĩ nhiên điều này khiến vợ tôi không được vui lắm.
Bỗng đâu bọn trẻ lại reo hò. Ông cụ chới với quay người kêu to, cái nón, bây ơi, cái nón! Nhưng dòng nước xuôi nhanh đã cuốn cái nón ni lông nhẹ khỏi tầm tay, tầm chèo của mấy người trên đò thong dong trôi về mạn Trường Tiền, Cồn Hến. Không biết đây là cái thứ mấy, hôm trước vừa qua khỏi Hội An một đoạn ngọn gió nghịch ngợm đã hứng gọn một cái khác quăng mất biệt vào bụi tre làng. May cho cái áo bành tô lúc nào cụ cũng mang trên người để tỏ lòng thành kính với đỉnh với bia và gạch đá cổ độ. Bất giác cụ khiến tôi bùi ngùi nhớ đến cha tôi, người sẽ không bao giờ có dịp sờ soạng đọc mấy chữ Hán trên cửu đỉnh. Và tôi lại nghĩ đến mình, kẻ bất hiếu sống dỡ chết dỡ, ký sinh vào gia đình cả bên mình lẫn bên vợ, sắp nửa đời mà sự nghiệp vẫn lỡ làng.
Chiếc đò từ từ cập bến. Sóng lăn tăn trên triền cát nâu liếm ướt các gấu quần. Chúng tôi noi theo dốc đất hẹp bên hông chợ quê tìm lối ra lộ. Ghé vào hàng trái cây giữa các sạp trống trơ, gọi là hàng chẳng qua chỉ là mấy trái mít vườn nhà, mấy người đàn bà lựa chọn mà cả. Tôi nép vào bóng mát hàng hiên nhìn mảng lưng áo dài đẫm mồ hôi của chị hướng dẫn, thầm nghĩ không biết cái áo sẽ đóng góp giá trị thặng dư của nó cho ngành du lịch Bình Trị Thiên được bao lâu nữa. Những lúc thư thái giữa các lần thuyết minh cô gái Huế ấy đã tâm tình về gia cảnh và thân phận. Chưa chồng con vì nhan sắc quá trung bình, chị cười gượng nói, mẹ bệnh thấp khớp, cha huyết áp cao, điều kiện y tế địa phương quá sơ sài mà giấc mộng đưa cha mẹ vào Sài Gòn chạy chữa là một mơ ước xa vời mặc dù ông bà bác sĩ khi biết chuyện đã hứa tận tình giúp đỡ nếu chị đưa song thân vào trong ấy được. Tiền xe, tiền ăn ở thuốc men, vạn sự đổ lên vai người con gái tội nghiệp mà thu nhập khiêm tốn chưa chắc đã cho phép chị nghĩ đến việc sắm cái áo dài hay đôi guốc mới, dù đó là phương tiện lao động bắt buộc đối với chị chứ chẳng phải là xa xí phẩm.
Đám con nít miệng nhai tay cầm mấy múi mít chạy đến. Tên tài nãy giờ biến đâu cũng vừa xuất hiện, đóng mở các cánh cửa xe. Tôi ngoái nhìn về Truồi và xa hơn, nơi khoảng sông núi cỏ cây hòa làm một dưới ánh nắng chiều chếch rực. Tôi sực nhớ đến người sĩ quan Pháp hơn trăm năm trước đã một mình lội ngược dòng sông này lên tận thượng nguồn đoạn mò mẫm bao nhiêu tháng trời giữa chốn núi non hoang vu ấy để tìm đầu nguồn Nam Ô, con sông đổ ra biển phía nam chân đèo Hải Vân. Kẻ phiêu lưu khác thường ấy muốn cống hiến cho đời một con đường thứ hai ra Huế noi theo lòng hai dòng sông lớn, tránh được đoạn đèo mây phủ nhiều trắc trở hiểm nghèo. Nhưng dự án đó không bao giờ được thực hiện và đã đi theo tác giả của nó về cõi thiên thu hư ảo; câu chuyện nghe như cổ tích ấy giờ đây chỉ còn lưu vết trong mấy gánh sách phế thải bị các mụ hàng rong mang đi gói xôi gói mắm. Tôi định hỏi chị hướng dẫn xem chị có biết gì về cuộc phiêu lưu xa xưa ấy không nhưng không còn thời giờ nữa. Chiếc minibus đã nổ máy, bà kỹ sư đang dìu ông cụ râu tóc bạc phơ bước lên xe, chị con gái Huế cũng vén tà áo theo sau mấy đứa trẻ. Tôi tưởng tượng một dấu chân khổng lồ mờ dần nơi góc núi thẳm kia và nghĩ bụng, thôi ngoái lại làm gì.
*
Chiếc xích lô như không còn sức lăn dù bác phu nhổm người cố đạp. Người con trai nhảy gọn xuống bên lề vừa cười đùa:
- Nàng chịu khó ngồi kiệu một mình nhé!
Rồi khoan thai bước theo người phu xích lô lúc ấy đã xuống yên đẩy bộ chiếc xe lên dốc. Cổ thụ đổ bóng râm khắp nơi, nhánh to nhánh nhỏ vẽ đường nét lung linh giữa các chùm hoa nắng.Trên xe người con gái sau tà áo dài thiên thanh nửa hân hoan, nửa e thẹn dặn chừng:
- Lát nữa anh không được nói với me là hai đứa cùng ngồi xích lô đến, hiểu chưa?
-  Răng rứa? chàng trai hỏi nghịch với cái giọng baryton của mình.
Người con gái đỏ má, đôi mắt long lanh:
- Đập chết chừ! Không nói dối thì me sẽ đuổi anh ra khỏi nhà chứ răng!
Chàng trai nhìn người yêu, cố nén nỗi ngây ngất dạt dào để buông thêm một câu đùa:
- Cô đẹp như thế ai nỡ để ngồi xích lô. Tôi sẽ báo cáo với cả nhà là đã bồng cô trên tay đi từ bờ sông đến đây.
Và trong đầu chàng nghĩ, nếu thật được như vậy thì mười cái dốc mình cũng trèo chứ nói chi một cái dốc Nam Giao đáng tội này!
Cô gái làm mặt lạnh một phút nhưng niềm hạnh phúc khó kềm đã buột miệng thay:
- Bạo gan đến rứa thì em gọi cảnh sát bắt đem về đồn cắt trụi tóc cho biết chừ!
Chiếc xe đã lên hết dốc, người con trai năn nỉ với ánh mắt thiết tha:
- Cho anh lên kiệu với.
Vừa an tọa xong, chàng kề miệng vào mái tóc mật của nàng thì thào:
- Cái mặt trữ tình lãng mạn coi vậy mà ác! Tôi bị cạo trọc thì ai sẽ phạm tội dụ dỗ kẻ tu hành?
Mái tóc dài sinh viên văn khoa của chàng lúc ấy là mục tiêu bố ráp của cảnh sát và quân cảnh mấy vùng chiến thuật. Nàng biết rõ gót chân của người hùng vì mỗi bận đe dọa như thế chàng cụt hứng mất năm phút không còn bụng dạ chòng ghẹo ai nữa. Cũng bởi chuyến ra mắt ba me nàng mà anh chàng đã phải tỉa gọn mái đầu vì nàng đã viết dăm ba bức thư với cái điệp khúc chiêu dụ:“Anh phải hy sinh chuyện tóc tai nếu thật lòng thương em. Gia đình bằng lòng anh mọi mặt chỉ trừ khoản đó.” Ôi công sức nàng đã bỏ ra để làm tâm lý chiến với hai đấng sinh thành: tài ba, đứng đắn, lịch thiệp, thôi thì đủ thứ mỹ từ nàng đã gắn lên diện mục người mình yêu. Cũng may chàng đã đổ đầu kỳ thi tốt nghiệp vừa qua và trên mấy bức ảnh chụp với nhau mặt mũi chàng cũng không đến đổi tối tăm hốc hác. Trong thư nàng còn viện thêm giai thoại về bộ râu tên vô phúc nào đang ngắm nghé cô em kế; bộ râu đã bị tế thần vì không lọt được vào cảm quan ông bố vợ tương lai. Vậy về phần mình, chẳng lẽ chàng không thỏa hiệp được vài phân tóc?
Giờ đây mái tóc đã lấy lại phong độ sau mấy tuần giang hồ. Nghĩ lại, chàng không ân hận lắm vì đã toa rập với khổ nhục kế của nàng. Bù vào đó, hai người đã sống bên nhau những ngày thần tiên dưới mái nhà với khu vườn nhỏ của nàng, tung tăng trên những con đường thuở học trò mơ mộng của nàng. Mối tình được các bậc phụ mẫu ban phép lành khiến đôi môi nàng ngọt ngào hơn, sóng biển xôn xao hơn, đêm trăng trong vườn ngất ngây hơn. Hỡi những ngày hè tuyệt vời hơn bất cứ bài thơ tình nào của chàng và hắn ta bỗng la to với mấy thân cây già và gạch ngói rêu phong:” mùa hè muôn năm! mùa hè vạn tuế!” khiến người con gái ngơ ngác, đôi mắt nai rừng mở to âu yếm.
Xuống xe nơi góc đường họ cùng rão bộ. Chiếc xe hơi dài màu trắng đã đưa cả hai thăm viếng khắp cố đô đậu trước hàng hiên, buổi giỗ kỵ chắc đã bắt đầu. Hai người bước vào nhà. Nơi chái nhà, ba mẹ và dì nàng đã tề tựu quanh mâm cúng. Chàng được giới thiệu thân mật với các họ hàng chưa quen rồi được mời vào tiệc. Hơn nửa tháng qua ở Đà Nẵng, chàng là khách thường xuyên của gia đình nàng. Hôm nay chàng chính thức xuất hiện với gia đình lớn bên ngoại nàng ở Huế. Mới ngày nào là hai người hoàn toàn xa lạ thế mà…ấm cúng thay không gian nhỏ của gia tộc khi đã được chiếc chìa khoá tình yêu mở cửa. Chợt dâng lên trong lòng chàng niềm cảm kích đối với tất cả, trời đất, thánh thần, định mệnh, loài người, với tà áo tha thướt và bóng dáng kiều nữ đã dâng cho mình tâm hồn với trái tim. Người con trai hạnh phúc lặng ngắm bạn và nàng, như đọc được ý nghĩ của chàng, đỏ mặt gắp thức ăn vào chén cho chàng vừa nói qua hơi thở: ăn đi anh.
Nhưng chàng thưởng thức bằng mắt nhiều hơn là miệng các món chả, nộm, gõi, mắm, mặn, ngọt, chua, cay bày la liệt trên phản trong vô số đĩa, cái nào cũng nhỏ bằng hộp diêm, gắp một đũa là sạch nhẵn. Chàng sẽ nhớ mãi sự cầu kỳ dễ thương này, sẽ cảm nhận khoảnh khắc khó quên này với toàn bộ óc tim tri giác, sẽ mang niềm hạnh ngộ này về cõi chết xa xăm. Lâng lâng trong nỗi đắm say, chàng không còn biết mình đang sống thực hoặc chiêm bao; tiếng chuyện trò quanh mâm cúng âm vang xa vắng, giọng nói thanh và khẻ của người con gái cứ phải nhắc:
- Răng anh như mất hồn không nói năng chi rứa?
*
Tôi thờ thẫn bước qua ngạch cửa. Có phải lịch sử là tên đạo diễn thất học đã lắp ráp một cách vô duyên đến thế hai đoạn phim của đời tôi? Cũng nơi này, chốn này, cái chái hiên, mấy căn buồng tối hẹp…Bỏ dở cái rổ đầy bèo, rau muống vung vãi nơi sân sau, con bé ốm còm đã địu thằng em choắt đẹt chạy qua hàng xóm – nó ngờ nghệch khi nghe tôi hỏi chuyện và chợt nhớ ra tôi đã cười thầm cho nỗi nông cạn của mình. Chúng nó lúc ấy chưa đầu thai làm sao biết được gốc gác lai lịch căn phố này với những chủ xưa của nó. Cái gì đã xảy ra, hỡi bèo cám, rau muống, lợn gà! Mấy câu thơ về thời gian dâu bể bất ngờ dội ngân trong tiềm thức. Orphée với Từ Thức ơi, cho tôi xin gia nhập câu lạc bộ của các người!
Cơn địa chấn thời thế đã xé đôi tất cả và mấy thước vuông không gian này có phải là cái hộp thần thoại còn đậy kín chút hương tàn? Tôi nhắm mắt đưa tay sờ soạng mấy tấm phên vách như một người chết rờ rẫm vách nhà mồ, gan tim co thắt.
- Chú tìm bà thẩm phán hỉ? Bà chừ không còn ở đây mô!
Tiếng nói lạ đập vào thần trí, tôi mở mắt nhìn. Hai nhóc bẩn thỉu khi nãy đã quay lại dẫn theo một cụ hom hem nhưng ánh mắt còn linh lợi:
- Bà bán nhà năm, bảy năm rồi, từ hồi con gái theo chồng sang Mỹ. Con trai bà vẫn còn trong trại cải tạo chưa được thả. Nghe đâu bà xuống Nha Trang ở với đứa cháu.
Không đợi tôi cật vấn, lão đã sốt sắng giảng giải. Tôi còn tần ngần nơi mép hiên tranh tối tranh sáng nhìn đám người tò mò tụ tập bên kia hàng dậu; chưa biết lui tới ra sao thì lão ta đã sốt sắng cung cấp thêm lượng thông tin tối hậu làm quà cho người khách phưong xa:
- Này, bà phán còn người cháu ruột gọi mình là cô nhà ở gần đây. Ông ta dân tập kết sau bảy lăm về làm nhân viên bưu điện Huế. Chú qua con lộ, men theo hông cái nhà kho kia, vừa nói lão vừa chỉ hướng với mấy ngón lấm đất vì giồng khoai đang cuốc dở, rẽ tay mặt đến ngôi nhà có khu vườn rộng hỏi ông Sung, Tôn Thất Sung, cho tường tận.
Tôi cảm ơn ông già, nghĩ bụng còn gì nữa đâu mà đánh liều nhắm mắt đưa chân, vậy mà vẫn bước thấp bước cao như kẻ mộng du nương theo mấy khoảng tường nặc danh ngoặt vô một lối cây lá um tùm, lần nữa chui vào ngõ bí quá khứ.
Vậy mà tôi đã nhắm đúng hướng. Đứng giữa cái sân rộng cố chấn chỉnh lại tâm thần và bộ dạng điềm tĩnh của một kẻ văn minh vào những dịp thăm viếng xã giao, tôi chờ người nhà gọi ông Sung ra. Cây kiểng chung quanh có vẻ tiêu sơ, vài lá chết nằm trên mặt đất trơ vơ không cọng cỏ. Tôi ngước nhìn trời chiều giữa mấy tàng cây, chợt ý thức mơ hồ rằng mình đang đóng kịch với nỗi niềm và ký ức khói sương. Giờ này bên kia trùng dương em đang làm gì? Chiếc xe nho nhỏ lạc loài đâu đó giữa mê hồn trận xa lộ liên bang, và chiếc răng sâu tình yêu còn dăm mảnh gãy vỡ chôn vùi đáy nhớ thỉnh thoảng có còn gây nhức buốt?
Cuộc gặp mặt diễn ra ngắn ngủi với ít câu trao đổi gần như vô vị. Chúng tôi ngồi nơi cái bàn nhỏ kê sát cửa ra vào. Ông Sung tuổi trạc ngũ tuần người còn quắc thước chịu khó nghe mấy câu hỏi của kẻ không quen và có vẻ trả lời cho xong chuyện. Gần như đôi mắt ông không nhìn thẳng mặt tôi bao giờ mà mệt mõi hướng về đâu đâu, đôi lúc trở nên xa vắng như chủ nhân chúng đã lùi về một nơi chốn mịt mù thoát khỏi thực tại và thời đại. Tôi đoán nhanh: thế cuộc đã làm tan nát gia tộc ông và chia rẽ hai phe, một bên trôi giạt phía trời Tây, một bên còn lại ông cô độc với mớ kinh nghiệm tang thương; và tôi đã vô tình đánh thức một vết thương ông chỉ muốn chôn vùi vào quên lãng. Sau mấy mươi năm gian khổ, trở về gia hương làm người công chức hai buổi đi về với đồng lương không đủ để mua thuốc hút trong khi quan thày cấp trên ra rả hàng ngày những khẩu hiệu chỉ tiêu, giành ăn với dân đen từng miếng thịt. Quá khứ đối với ông chỉ là tha ma vĩ đại, trước mặt là sa mạc và những ngày thiếu nước. Cũng may còn ngôi nhà ông cha để lại làm chốn nương thân. Vẻ cằn cỗi trong nét mặt tố giác một nỗi buồn gặm nhấm tâm can ông vào lúc chiều tà. Bất giác tôi ớn mình trong mối đồng cảm u uất: cũng như tôi, ông là một kẻ thất chí.
Phải ra đi ngay, và không bao giờ trở lại. Vĩnh biệt, vĩnh biệt tất cả. Chập choạng tôi bước khỏi khu vườn thê lương, trong đầu trống hoát. Người con cả của ông Sung đưa tôi ra đường cái, vừa đi vừa nói như bào chữa:
- Huế bây giờ đói rách lắm. Người thân đến nhà nhau không dám mời cơm. Thèm ly cà phê nhỏ cũng phải nhịn!
Anh ta dẫn tôi qua cây cầu ngắn đến bến xe, móc gói thuốc trong túi ra mời và nói thêm:
- Mấy năm trước tôi có vào Sài Gòn chơi. Thấy dân trong đó tiêu tiền như rác mà thất kinh. Người trong Nam vậy mà vẫn sướng.
Tôi ậm à ậm ừ chìa tay nhận điếu thuốc đen vì lễ phép – tôi cai hút đã lâu – cúi xuống mồi đóm lửa đoạn bắt tay anh ta leo nhanh lên yên sau chiếc xe đạp thồ.
Chiếc xe vòng vèo một đỗi trên mấy lối vắng rồi đâm ra đường lớn dọc sông Hương. Tôi ngó trân mặt nước vàng cháy dưới nắng quái, ngôi trường Đồng Khánh, nhà Thủy Tạ, mấy băng ghế đá trống… Chỉ qua rạp hát bên kia sông tay thồ xe đạp kể tiếp về vụ án vừa xét xử hôm qua trong rạp, nãy giờ anh ta huyên thiên chuyện vợ mới sanh đứa con còn bú, hộp sữa không có tiền mua, miếng cơm manh áo ngày càng đắt đỏ. Mấy tên công an thuế vụ đã lừa tiền và lừa tình một mụ đi buôn, tôi chịu đựng nghe anh ta thêm thắt chi tiết cho cái đêm bọn chúng thay phiên hành lạc với nạn nhân sau khi đã hứa quịt là sẽ trả tự do sáng hôm sau cho mụ cùng với món hàng lậu bị bắt giữ. Trong đầu xáo trộn những chuyện xưa nay tôi ngồi im không nói năng gì. Chen vào đoàn xe đạp nơi ngã tư Trường Tiền, chiếc xe thồ vọt lên đằng trước. Tôi ngoái nhìn lối nhỏ rẽ qua nhà bưu điện nơi tôi đứng viết bức thư tình gấp gáp duy nhất ở Huế năm xưa, xót xa nhìn khu cư xá cuối đường vừa hồi tưởng một đêm đơn độc trên lầu cao nhìn từng cặp trai gái quây quần ấm cúng trong buổi văn nghệ trong sân cư xá mà ruột gan co thắt vì người tình đã rời khỏi vòng tay mình ngày hôm trước. Lách qua mấy xích lô chạy ngược chiều kiếm khách, chiếc nào như chiếc nấy chỉ có mấy manh gỗ hoặc sắt thép kê lót chỗ ngồi, tưởng tôi im lặng để lắng nghe gã xe thồ vừa đạp gấp vừa kể thêm về cuộc sống cùng khổ thường ngày của dân tình dưới ách hà chính và công an bạo ngược. Tôi chợt nhận ra vầng dương đang xuống thấp trên mái chợ Đông Ba. Giữa mấy nhịp cầu lớn chắp vá, thưa thớt người qua lại. Ngày cuối cùng của tôi với Huế đang âm thầm chấm hết.
Nhét vội món tiền gấp nhiều lần cuốc xe vào tay xong bỏ gã lại bên lề phố với nỗi bất mãn ứ tràn, tôi bước nhanh vào khách sạn, leo hai ba bậc một lúc phóng lên cầu thang. Sân thượng khách sạn hầu như trống vắng. Gió mát từ máy điều hòa phả vào những bức màn mỏng làm nhảy múa các đóa hoa tím vàng in trên lụa. Tôi kéo ghế gieo mình xuống. Mặt trời lừ con mắt quái vật bên kia khung kính nhìn vào. Mấy chiếc đò neo dưới bến, đen đủi như lũ côn trùng to xác giữa những đóm lửa trời lấp lánh trên dòng nước. Tà áo bay bay, cô hầu bàn thướt tha bước đến rót bia vào ly rồi thoăn thoắt quay đi, yễu điệu như chim. Tôi nâng ly sủi bọt trắng ngầu pha trộn sắc tà dương lên miệng. Thằng con giờ này chắc đã tắm mát xong, diện áo quần mới tụ tập chơi domino với mấy bạn nhóc. Trên nệm êm phòng ngủ dưới lầu, thân hình đàn bà vừa ngâm trong nước ấm thơm ứ căng sức sống đợi chờ mời mọc.Vầng dương đang rơi nhanh trước mặt. Tôi mường tượng quang cảnh rách rưới, hôi tanh, mệt nhọc của buổi chợ chiều với đám mụ già gạ bán vài rổ tré nem ế ẩm. Tôi lại lê bóng trong trí tưởng xuyên đoạn cầu kỷ niệm, tạt qua Kim Long một mình lên Linh Mụ ngắm lần cuối ánh hoàng hôn trên mối tình chết…
Thực khách lần lượt kéo vào, ghế bàn chung quanh bắt đầu bị xâm chiếm. Còn vài khoảnh khắc nữa là đêm, là sự dỗ ru của bóng tối cho những hố mắt chất chứa bất bình và
cam chịu. Tôi gọi thêm thức uống và cô chiêu đãi, cũng là nàng ấy từ mấy hôm qua, đến rồi đi đài các kiêu sa như lướt trên một diện tích pha lê sau khi đã đặt nhẹ trước mặt tôi mớ ly chén vô tình. Tôi chợt nhớ đến các kiều nữ Botticelli, cảm thấy khôi hài và lạc lõng chút kiến thức thẩm mỹ còn vấn vương trong não bộ. Này mặt trời sắp tắt, ta xin uống những giọt máu cuối của mi pha với hoài niệm hấp hối của ta, uống lần cuối cho những con đường xưa, những bờ cát vắng, những rặng thùy dương, những tối công viên, uống lần cuối cho âm thanh của biển và tiếng hát của em, lần cuối cho vòng tay ta, cho khúc sông buồn…
Hai người ngoại quốc đi kèm với tay thông dịch kéo ghế cái bàn bên cạnh. Thứ tiếng nói lạ tai râm ran, hình như có âm sắc slave, Ba Lan hay Tiệp? Đúng lúc ấy, ghi ta điện với trống bập bùng trỗi lên. Khúc ca khốn khổ mấy năm rồi thịnh hành khắp các trà đình, tửu quán quốc doanh lại sắp gào rên. Tôi rảo mắt một vòng. Thiên hạ cắm cúi ăn uống trò chuyện, không một ai có vẻ giật mình hay xao xuyến vì mấy câu hát định mệnh vừa bắt đầu lải nhải. Tôi nốc liên tiếp mấy hơi, đặt ly cạn xuống nhìn lên mới hay mặt trời đã lặn mất. Tôi bước ra bao lơn, nhìn theo dòng sông chảy xuôi về Vĩ Dạ, chảy xuôi về Thuận An, xuôi ra biển Đông, lẩm nhẩm hát theo:
On the river of Babylon,
There we sat down,
And then we wept…
Huế, 1985 -  Bataan, 1987

Xem Tiếp: ----