ánh xiếc Tài Năng phục vụ quần chúng ở khắp các chợ, chợ trời, chợ nhỏ, chợ chiều, chợ đuổi, chợ chồm hổm… Chợ họp có khi chỉ chừng hai, ba chục người bán, hơn trăm người mua là gánh xiếc có đất hành nghề. Bầu gánh Tài Năng (kiêm diễn viên) tự quảng cáo mình là Magician, thầy phù thủy, ảo thuật gia, đồng nghiệp với David Copperfield * lừng danh thế giới, nhưng vận hên chưa tới đành ẩn nhẩn chờ thời trong bóng tối mấy khu chợ nhỏ. Đến giờ diễn xuất, ảo thuật gia choàng qua người tấm khăn đen kim tuyến lóng lánh nhưng lổ chỗ mấy mụn vá, đội lên đầu cái nón đen, múa cây đũa thần (chế biến từ cái cần antenne TV) hô biến ra mấy chú gà con, vài con chim bồ câu, chùm bong bóng, hàng chục hoa tulip giấy đủ màu đem tặng mấy cô mấy bà đang cười nói, chỉ trỏ cái tay áo rộng rất khả nghi của thầy phù thủy. Bà Tư ngồi trên sập cao, chép miệng: - Đang thèm ăn hột vịt lộn hết biết, hô biến ra mấy cái bông giấy này ăn sao được. Phù thủy chụp ngay cơ hội: - Tưởng gì, dì Tư muốn ăn mấy chục trứng, có liền. Kỳ diệu, hắn thò tay vô túi áo, trước đó một phút còn trống rỗng, rút ra đúng chục hột vịt còn nóng hổi, bà con vỗ tay rần rần. Đứng bên quầy mỹ phẩm, cô Năm Xuân lên tiếng, có phần khiêu khích: - Có giỏi thì hóa phép ra chục hột kim cương có lý hơn không? Ảo thuật gia đến gần, đưa gậy thần lên cao, nói “biến„ với tay hái trên mái tóc quăn xù của Năm Xuân ra một tá hột xoàn…giả lóng lánh. Thiên hạ há hốc mồm kinh ngạc. - Bấy nhiêu hột xoàn đủ xài chưa cô Năm? Trước cặp mắt thán phục của người đẹp chợ trời, bầu gánh Tài Năng ngã nón cúi chào điệu nghệ. - Bây giờ mời bà con cô bác xem phần trình diễn nguy hiểm chết người của Tài Năng nhỏ. Hắn tạm ngưng làm diễn viên, đổi qua giọng MC giới thiệu màn kế tiếp của Tài Năng nhỏ. Thằng Lùn xuất hiện trong bộ quần áo chẽn, làm mấy động tác lăn lộn, chống tay, đi ngược đầu xuống đất, tiến tới kê đầu lên cái gối nhỏ, xoay người đến mấy chục vòng. Nó đứng dậy cười rạng rỡ với khán giả, sang tiết mục chính. Giữa tiếng trống dồn dập, nó phóng từ xa, nhảy lọt qua vòng tròn lửa mà Ly Ly vừa đốt lên. Không khí căng thẳng, khán giả im bặt nín thở theo dõi. Sau ba lần nhảy vòng lửa của Tài Năng nhỏ, ai nấy hoàn hồn, vỗ tay dào dạt. Chụp ngay thời điểm hưng phấn đó, Tài Năng lớn ngã nón đi đến khán giả xin tiền. Tiết mục của Ly Ly chỉ hấp dẫn đám trẻ con, nó nhịp roi điều khiển hai con khỉ chạy xe đạp vòng vòng, chạy tới rồi chạy lui, chống hai tay lên tay lái, chổng ngược chân lên trời, kêu “khẹc khẹc„ một con khỉ bị tuột cái quần vì lỏng dây thun, một tay lụp chụp nắm quần lại, tay kia che mặt ra điều xấu hổ, đám con nít cười nắc nẻ. Nghệ nhân sau cùng là chó Vàng cũng nhảy lọt qua mấy vòng tròn như thằng Lùn, nhưng không phải vòng lửa, rồi đứng thẳng bằng hai chân, hai chân kia cắp cái nón đi đến từng người xin tiền, rồi đưa ra một chân bắt tay đám trẻ con ra chiều thân mật, tụi nhóc khoái chí, bao nhiêu tiền lẻ trong túi trút hết vô nón chó Vàng. Những ngày trời nắng ráo gánh xiếc làm ăn khấm khá. Hai xuất diễn ở hai chợ khác nhau, túi tiền bầu gánh Tài Năng rủng rỉnh. Hôm đó, con bé Ly Ly với thằng Lùn không phải ăn cơm trắng với nước tương mà có thêm vài miếng thịt kho hay đậu hũ chiên, tối được chui vào góc nhà trọ ở bến xe ngủ qua đêm, nằm trên chiếu thuê đàng hoàng, dù bị rệp cắn gãi muốn rách da; chứ không phải ôm nhau ngủ dưới mái hiên nhà ai, nửa đêm bị ăn cán chổi của chủ nhà, bỏ chạy không kịp, như những ngày mưa bão kiếm không ra tiền. Hồi mới ra đời, gánh xiếc chỉ có bốn nghệ nhân là Tài lớn (kiêm bầu gánh) với thằng Lùn (Tài Năng nhỏ) và hai con khỉ. Dần dần tiếp thu thêm con chó Vàng đi hoang, theo đuôi chầu chực xin ăn. Sau khi nhặt được con bé Ly Ly thì gánh xiếc phát triển mạnh, phải có cái tên góp mặt với đời, Tài lớn bèn sáng tạo ra gánh xiếc Tài Năng, rêu rao là xuất xứ từ núi Bà Đen linh thiêng. Còn hỏi xuất xứ của từng nghệ nhân thì chẳng ai nhớ gốc rễ mình từ đâu. Tài lớn giang hồ tứ xứ, từng làm lơ xe đò, phu khuân vác, theo băng đảng móc túi, giựt dọc khắp bến bãi, ăn cơm tù phát chán. Với chút tài mọn ảo thuật học được trong tù, hắn lập gánh xiếc làm lại cuộc đời. Thằng Lùn sinh ra, lớn lên ở viện mồ côi của mấy dì phước, một hôm trốn ra ngoài xem gánh xiếc, quên mất đường về, mà ngoài đời tuy đói khổ, nhưng có phần tự do bay nhảy hơn, nó theo chân Tài lớn xin làm đệ tử. Có hôm bị Tài lớn đánh đập dữ quá, nó khóc thê thảm muốn quay về chốn cũ, nhưng tên viện mồ côi không nhớ, đường phố không biết, không ai giúp đỡ được nó. Thế mà chính nó lại đưa con bé Ly Ly về với gánh xiếc. Con nhỏ ngồi trước cổng chùa đã ba hôm, vừa đói vừa mệt, run rẩy như cánh lá trong cơn mưa. - Sao mày không bám theo người ta xin ăn mà ngồi đó chịu đói, ngu vừa phải thôi chứ. Thằng Lùn mắng con bé khi ngó thấy nó đúng hôm rằm, thiên hạ ra vô chùa tấp nập. - Mày kiếm cái nón lá rách, chìa ra kêu khóc như vầy: “con lạy ông, lạy bà thương con đói khát, cho con chút tiền mua cơm ăn, mua thuốc cho má con. Má con bệnh sắp chết… - Má tao còn sống sao mày dám nói má tao sắp chết? - Không nói vậy ai cho mày tiền? Mà má mày chưa chết sao bỏ mày ở đây một mình? Con nhỏ òa lên khóc nức nở: - Má tao không bao giờ bỏ tao, má tao nói tao ngồi đây chờ, đi kiếm việc làm mà sao lâu quá không thấy về…. Nó khóc miết, thằng Lùn chán, bỏ đi. Sẩm tối, hết giờ diễn xuất với Tài lớn, Lùn quay lại chùa, thấy con nhỏ nằm co quắp, bên cạnh gói xôi đang ăn dở dang. Mặt con nhỏ đỏ bừng, tay chân nóng như hơ lửa. “Chết cha, nhỏ này bệnh nặng rồi!” Lùn liều lĩnh chạy vào chùa cầu cứu, mấy sư cô bồng con nhỏ vô chùa chăm sóc, cạo gió, cho ăn cháo uống thuốc, tá túc ở chùa mấy hôm. Hết bệnh, nó đi theo Lùn ra mắt Tài lớn. - Có mấy mống còn chưa đủ ăn, mày đem con nhỏ về làm bà nội tao chắc? Đuổi nó về chùa. Tài lớn bạt tai, chửi Lùn mấy phen, nhưng thấy hai con khỉ, con chó Vàng tự nhiên quấn quít bên con nhỏ, chịu nghe lời nó hơn mình, hắn suy tính thiệt hơn: “Thôi mặc kệ nó bám theo, khi nào túng bấn, đem nó cho mấy người hiếm con, chắc được ít tiền, con nhỏ ngó mặt cũng ngộ. Giao việc cho nó dắt mấy con thú đi tắm rửa cũng được”. Hắn điều tra lý lịch con bé: - Mày tên gì, nhà mày ở đâu mà đi lạc đến chùa. - Má con gọi con là Hoa Lý, con theo má đi tìm ba con. - Ba mày đi đâu mà phải tìm, chắc giả có vợ khác rồi. Khi nào gặp má mày, nói bả tìm ổng làm chi mất công, uổng phí cuộc đời, gặp tao đây đời còn sướng hơn. Để tránh rắc rối có thể xảy ra, hắn đổi tên con bé là Ly Ly, rêu rao với mọi người nó là con hắn với bà vợ trước. Mụ vợ theo trai bỏ con nhỏ bên ngoại dưới quê, nên giờ hắn phải làm thân gà trống nuôi con, thằng Lùn là cháu ruột, mồ côi cha mẹ nên hắn cưu mang luôn. Nghe chuyện, ai cũng tấm tắc khen ngợi ảo thuật gia vừa có tài vừa có tấm lòng nhân từ vĩ đại. & Những đêm mưa lành lạnh là con bé nhớ má da diết, nhớ hương hoa lài trên búi tóc má nó, nhớ bánh chuối nếp nướng, nhớ tô canh hoa lý má nấu cho ăn. Nó kéo cái mền rách che qua khỏi đầu khóc sụt sịt cả đêm. Thằng Lùn nằm bên cạnh bực bội mắng: - Im cho tao ngủ, ban ngày làm mệt thấy cha, tối còn nghe mày rên rỉ, dám chết sớm. Con bé mếu máo: - Tao nhớ má tao. Hồi trước ba tao có xe máy, chở tao với má đi coi ca nhạc, đi chợ chơi hoài. Lùn thở dài: - Mày còn ba với má mà nhớ, tao lớn lên mình ên, chả ai thương tao, khỏi phải nhớ ai, khỏe! Sao khi không ba mày bỏ đi? - Người ta đến bắt ba tao, lấy luôn xe máy, không biết tại sao, má tao làm đơn đi thưa khắp nơi, từ huyện lên tỉnh, rồi tới đây. - Má mày dưới quê lên đây, lang thang không biết đường về chùa nên đi lạc, lạc mất mày luôn. Chừng nào quen đường, bả sẽ tìm ra mày, bả không bỏ mày đâu, thôi ngủ đi. Thành phố này quá rộng lớn, đâu đâu cũng thấy người, mật độ dân số người trên mỗi cây số vuông dám còn nhiều hơn số ruồi, xe cộ đông chi chít như kiến, má nó đi lạc cũng phải thôi. Ở đây lâu, quen biết nhiều, nó sẽ đi tìm má, lúc đó chắc má nó đã tìm ra ba nó. Cả nhà sẽ về quê cũ, có ngoại ở đó, có vườn mênh mông đầy hoa lài. Nó lại được ba chở đi học bằng xe máy như hồi xưa. Sau bữa cơm tối, nó chen vô ngồi giữa ba với má xem TiVi rồi ngủ luôn trong lòng ba. Trời dưới quê mát mẻ, không ồn ào, bụi bặm như ở đây, nó sẽ không bao giờ trở lại thành phố có nhiều cái đáng sợ như vầy. Ở đây cái gì cũng có thể bị mất, từ mất tiền, mất xe, mất nhà, đến mất mẹ, mất chồng, mất con…Không hiểu sao người ta phải tranh giành cái sống, cướp giật, lấy mất cái của người khác. Nó phải đi khỏi nơi đây, về quê thôi. Giấc mơ về quê đưa con bé vào giấc ngủ êm. Nó quên cơn đói chiều nay, quên cơn mưa đang gõ nhịp đều đều trên mái tôn như điệu vọng cổ buồn. Thằng Lùn không phải đứa vô tình. Những hôm sau, khi gánh xiếc Tài Năng chấm dứt màn biểu diễn, Tài lớn cho tiền nó với con Ly Ly đi ăn cơm bụi, còn hắn đi tìm thú vui riêng ở quán bia ôm, Lùn dẫn con bé về khu xóm có ngôi chùa, lân la dò hỏi: - Mấy dì, mấy bác có thấy bà nào đi tìm đứa con gái ngồi trước chùa Từ Phước không? - Mày ra chùa ngó coi, cả đống con nít ăn xin lê la ở đó. - Con nhỏ này không ăn xin, nó đi tìm má. - Vậy má nó ra sao? Ờ má nó ra sao? Từ hồi nào tới giờ chỉ nghe nó kể nhớ má mà chưa nghe nó tả má nó như thế nào. Con bé nói chắc nịch, tự hào: - Má tao đẹp lắm, sạch sẽ mà thơm nữa. Má tao ưa cài bông lài trên đầu. Thằng Lùn cau mặt: “Nhỏ này ngu thiệt tình, má mình tất nhiên là đẹp, đối với mình.” Nó nhìn lom lom vô mặt Ly Ly, lúc nào được tắm rửa sạch sẽ, mặt con nhỏ sáng ra, cái mũi hơi tẹt, cằm chẻ, miệng cười có lúm đồng tiền. Nó chép miệng: - Chắc má mày giống mày, nhưng cao hơn mà có vú bự, chứ không xẹp lép như mày, đúng hông? Ly Ly không biết trả lời sao, nó thua Lùn có một tuổi mà thằng này lúc nào cũng ra vẻ anh lớn, hiểu đời hơn nó. Không cao hơn nó bao nhiêu, nhưng Lùn khỏe hơn, vẫn che chở, chịu đòn giùm cho nó mỗi khi Tài lớn nổi cơn thịnh nộ quất roi lên lưng, lên đầu Ly Ly túi bụi, vì lũ khỉ dở chứng nhảy lung tung, không chịu diễn trò trên xe đạp. Tối đến, trước khi đi ngủ, hai đứa ngồi dưới ngọn đèn đường châu đầu vô tờ báo lượm cũ, Lùn lật vô trang trong, chỉ dẫn: - Coi chỗ này, mục “Tìm thân nhân”, muốn tìm ai nhắn tin lên đó, thêm hình chắc dễ tìm hơn. - Làm sao có hình má tao được? Nhắn chữ thôi, làm sao nói tờ báo đưa chữ lên? Lùn ra vẻ nghiêm trọng: - Tao hỏi rồi, người ta nói, muốn nhắn tin là phải trả tiền cho tờ báo, chứ đời nay hổng ai giúp mình công không đâu. Hai đứa lên kế hoạch lấy bớt tiền sau mỗi buổi diễn để có tiền đăng báo nhắn tin tìm má. Khi được khán giả cho tiền, Ly Ly thừa lúc Tài lớn không chú ý, rút lại một, hai tờ, dúi qua tay Lùn, nếu bị Tài lớn phát giác thì chỉ mình Lùn lãnh đòn. Chỗ bí mật dấu tiền là nẹp lưng quần tây của thằng Lùn, con bé vuốt từng tờ thật phẳng, xếp nhỏ lại, nhét tiền vô giữa hai lớp vải, khéo léo khâu kín lại. Cái quần trở thành bảo vật chung của hai đứa, niềm hy vọng tràn trề của Ly Ly, nó nhớ kỹ từng tờ màu xanh, màu tím. Ban đêm, Lùn cột cái quần vô người, phía sau lưng, mặc áo kín cổ bên ngoài. Phòng thủ cẩn mật, nó không sợ bị mất cắp dù sống chung với toàn dân du thủ du thực. Nỗi sợ ghê gớm nhất là bị Tài lớn phát giác ra số tiền. Nó tự hứa sẽ thú nhận tội một mình, Ly Ly vô can, tuy biết như vậy là cầm chắc một trận đòn dữ hay cái chết dưới tay Tài lớn. Tưởng tượng ra cảnh đó, nó đâm ra lo âu, không biết con bé sẽ sống ra sao ở gánh xiếc nếu ngày nào nó bị Tài lớn giết chết, nghĩ mãi không ra, nó chép miệng: - Kệ mẹ nó, tới đâu hay tới đó, lo chi đau đầu quá. Lùn làm luôn một giấc ngon tới sáng. & Hai đứa cắm đầu xuống dĩa cơm, nhưng mắt vẫn lén quan sát Tài lớn. Hắn không ăn cơm, vừa tắm gội xong, lên bộ quần áo mới, chuẩn bị đón xe ôm ra đi. Hắn căn dặn thằng Lùn: - Tối nay dám tao không về, nhớ coi chừng đồ đạc trước khi ngủ. Bóng hắn vừa khuất khỏi con hẻm, Lùn nhảy lên cái giường trải chiếu nylon của Tài lớn: - Đêm nay tao làm vua ngủ trên long sàn, nằm dưới sàn hoài đau lưng muốn chết. - Bộ tao không đau lưng hả? Bộ tao là gỗ đá sao? - Vậy lên nằm chung giường cho êm. Ly Ly mím môi lặng thinh, nó ưa giận ngầm. Dạo này nằm ngủ cạnh thằng Lùn dưới sàn, nó lấy cái gối chặn ngang giữa hai đứa, bắt Lùn nằm xa hơn, đưa lý do “nóng quá chịu hổng nổi” cho dù hôm đó trời mưa lạnh. Có hôm lấy bớt được kha khá tiền, Ly Ly tự ý thay đổi kế hoạch, không khâu dấu tiền, nói: - Tao cần tiền mua đồ, cho tao chút đi. Lùn ngạc nhiên: - Mày cần tiền làm gì, ngày ăn hai bữa đủ rồi, quần áo cũ người ta cho, mặc còn được mà. Con bé ngúng nguẩy không nói, đi vô chợ một mình đến gian hàng bán đồ phụ nữ, tự chọn cho mình hai cái quần slip, áo ngực có độn mouse và cây son hồng. Ban đêm, nó lén lấy cái gương mẻ nhặt ở đâu đó ra soi gương, tô son đánh phấn rồi trùm chăn ngủ. Không có gì lọt qua mắt Lùn, nó giả bộ ngủ say mà theo dõi hết. Hình như con nhỏ bắt đầu nhổ giò cao lên tuy vẫn ốm nhom và ngực vẫn lép. Lùn đau hơn bị rệp cắn, vì chiều cao của nó cứ dậm chân tại chỗ, trong khi Ly Ly nẩy cao hơn nó cả cái đầu. Hôm nào truyền hình có chương trình Next Top Model là con bé bám riết ngoài cửa sổ nhà bà Sáu coi cọp đến hết màn trình diễn mới chịu về ngủ. Ly Ly kiếm đâu ra đôi giầy cao gần mười phân, chờ khi Tài lớn đi vắng đem ra tập đi catwalk. Không biết nó học ở đâu mà biết để cuốn sách trên đầu, đi tới đi lui trên đôi giầy gót nhọn, hai tay chống bên hông, đánh mông ẹo qua ẹo lại, ngã bổ nhào xuống sàn, Lùn phá ra cười. Nó làm mặt nghiêm, lên lớp với Ly Ly: - Không lo tập uốn dẻo, tập luyện cho con Đốm đi, ở đó mà catwalk với dogwalk. Lúc sau này Ly Ly có màn trình diễn mới, không còn chỉ huy hai con khỉ với chó Vàng. Hai con khỉ bị Tài lớn quất roi dữ quá, một ngày khi mọi người đi ăn cơm bụi, hai con khỉ tự cắn đứt dây trói, dắt nhau ra đi tìm tự do. Thằng Lùn ăn no nê một trận đòn từ Tài lớn vì tội không giám sát chặt chẽ hai con khỉ. Chó Vàng nay quá già, không còn lanh lẹ làm trò hấp dẫn khách, Tài lớn mấy lần câu cổ nó đem bán cho nhà hàng Cầy tơ. Ly Ly khóc hết nước mắt, lạy lục xin giữ nó lại. Hắn ra lệnh: - Mày muốn giữ con chó, thì phải chịu màn biểu diễn mới với con này. Lùn với Ly Ly giật bắn người khi hắn đem ra cái giỏ mây, con rắn đen đốm vàng dài hơn cả thước, thân mình chỉ to bằng hai ngón chân cái, đang ngọ nguậy trong đó. Hắn ra điều kiện: - Một là mày huấn luyện con rắn biểu diễn với mày, màn rùng rợn này sẽ câu khách nhiều hơn, hai là con chó vô lò thiêu của hàng Cầy tơ. Ly Ly ôm con chó Vàng vô lòng, khóc, gật đầu. Con chó rên ư ử, liếm tay liếm mặt con bé như cùng chia sẻ nỗi đau. Không còn con đường nào khác cho Ly Ly và chó Vàng. Không ai ngờ con rắn chỉ phục tùng có mình Ly Ly. Con bé đặt tên cho nó là con Đốm. Mở đầu phần trình diễn, Ly Ly huýt sáo một điệu nhạc êm dịu, con rắn từ từ ngóc đầu ra khỏi giỏ, hung hăng le lưỡi phun phì phì, khán giả hoảng vía, lùi ra xa. Ly Ly đổi sang điệu nhạc vui nhộn, con Đốm uốn qua uốn lại, ngóc đầu lên xuống, lắc lư theo điệu nhạc như nhảy Twist, mọi người vỗ tay vang rân. Ly Ly đưa cánh tay ra, nó bò trườn lên cánh tay, lên cổ, sau cùng uốn quanh thân hình Ly Ly. Con bé vuốt ve thủ thỉ với con Đốm như bạn, bình thản đi lại trên sân khấu. Khán giả nín thở theo dõi, có bà sợ quá, nhắm tịt mắt lại, còn ráng hỏi: “Con nhỏ còn sống không, có bị rắn cắn chết chưa?” Ly Ly cười: - Có cô bác nào muốn thử đeo con Đốm không, coi vậy chứ nó hiền lắm! Tất cả đều lắc đầu: - Cho bạc triệu cũng không đùa với tử thần, rắn này là rắn độc nguy hiểm, nhỏ này coi thường mạng sống quá! Màn ảo thuật rắn hái ra tiền nhiều nhất cho gánh xiếc, Tài lớn hài lòng ra mặt, có phần nể nang, bớt đánh mắng con bé. Gương mặt tươi sáng của Ly Ly dường như thu được cảm tình khán giả nhiều hơn bộ mặt nhàu nhĩ của Tài lớn. Màn ảo thuật của hắn không còn gây ấn tượng cho khách, quanh quẩn có mấy màn hô biến ra chim bồ câu, mấy chú gà con và mớ kim cương…giả. Bẵng đi thời gian, Tài lớn rêu rao vừa đi tu nghiệp bên Las Vegas, rèn luyện ảo thuật với đoàn xiếc quốc tế Cirque du Soleil*, biểu diễn màn cưa người làm đôi bằng máy cưa điện thứ thiệt. Hắn trưng ra cái quan tài có nắp, chiều dài vừa đủ cho Ly Ly, ra lệnh con bé vô nằm trong đó, đậy nắp lại, bắt đầu cưa người làm đôi. Rõ ràng hai chân con bé bị cắt rời ra, khán giả sợ thót tim khi thấy máu chảy ròng ròng ra từ quan tài. Mười phút sau, chờ cho có người sắp ngất xỉu vì hãi hùng, ảo thuật gia gõ gậy thần lên nắp ván, con bé chui ra, đứng thẳng hai chân, cười tươi chào khách. Tài lớn lấy lại danh tiếng lẫy lừng trong lòng khán giả thập phương. Thật ra cũng nhờ thân hình mềm dẻo của Ly Ly, con bé khéo léo co gập người trong quan tài, phần thân bị cắt ra chỉ là chân giả và máu giả. Hắn dư hiểu Ly Ly là mỏ vàng cho gánh xiếc nên canh chừng nó chặt chẽ hơn thằng Lùn. Thời thế thay đổi đến chóng mặt, thành phố như cái bánh nướng, mỗi ngày nở phồng ra lớn hơn trước gấp mười lần, dân tứ xứ như đàn kiến kéo về thành phố sống vất vưởng kiếm kế sinh nhai. Những khu chợ trời, chợ nhỏ bị biến mất theo qui hoạch đất đai, nhường chỗ cho siêu thị của mấy đại gia. Những người buôn bán nhỏ lẻ, ít vốn, bị dạt ra lề đường đẩy xe đạp, xe ba gác bán rong khắp hang cùng ngõ hẻm. Gánh xiếc Tài Năng không thể mượn đất họp chợ làm sân khấu miễn phí như xưa, tiến lên thành đoàn xiếc nghệ thuật, chuyên trình diễn ở các đám giỗ, đám ma, tiệc cưới, mừng sinh nhật, mừng nhà mới, mừng thăng quan tiến chức. Để tăng thêm tiết mục hấp dẫn khán giả, Tài lớn bắt Lùn học múa kiếm lửa. Lùn than với Ly Ly: “Số tao chắc mạng hỏa, làm gì cũng gắn với lửa!” Hai tay cầm kiếm dài sáng loáng, Lùn múa mấy bài Rồng chầu Vua, Rắn thần lên trời, Sư tử ngọa sơn...Tên các bài múa do Tài lớn đặt ra, lấy cảm hứng từ phim võ hiệp tàu. Lùn tha hồ tung hứng nhảy lên nhảy xuống, quay tròn, múa tứ phương, khán giả chỉ thấy có Lùn giữa ánh thép vun vút biến ảo đủ kiểu, chả biết đó là rồng, rắn, chuột, hay sư tử!? Trên kiếm, Tài lớn gắn mấy ngọn đèn cầy thắp sáng, dưới đáy mỗi cây đèn có cục nam châm, nên khi Lùn mua kiếm, đèn không bao giờ rơi ra. Dẫu sao Lùn vẫn xứng danh nghệ nhân Tài Năng nhỏ, múa kiếm vùn vụt như gió mà tất cả ngọn đèn trên kiếm đều không tắt. Kiếm thuật này thành bí kiếp độc của riêng Lùn, không bao giờ truyền lại cho ai. Bầu gánh Tài lớn đang ôm trong lòng bí mật riêng, không thổ lộ với ai. Dạo này hắn giao du toàn với giới đại gia thành phố, đại gia đàn ông thì ít, đại gia đàn bà nhiều hơn. Lắm khi đi luôn cả đêm không về, sáng hôm sau về nhà lăn ra ngủ như chết, người sực nức mùi nước hoa lẫn mùi bia nồng nặc. Hắn lên đời, thuê hẳn một tài xế xe ôm, khi cần, gọi cellphone, tài xế đến tận nơi đón. Thậm chí có khi còn có xe hơi với tài xế đến đón, hắn kiêu hãnh bước đi ung dung từ cuối con hẻm Kinh nước đen ra tới đầu đường, như nhấm nháp từng ánh mắt thèm thuồng lẫn khâm phục của dân nghèo trong xóm, cả đời chưa bao giờ bước chân lên cái xe hơi. Tài lớn rêu rao: nhiều đại gia bà lớn quá hâm mộ tài ảo thuật của hắn, cho xe đến đón hắn đi trình diễn ngay tại tư gia. Tên tuổi mấy bà lớn phải giữ kín như tài liệu quốc phòng, tránh gây ảnh hưởng đến uy tín các ngài quan lớn. Ở quán café Chuồn Chuồn đầu hẻm, thiên hạ hay tụ tập bàn luận chính trị, bóng đá, thời sự thế giới, chứng khoán lên xuống…nay chuyển đề tài qua bầu gánh Tài Năng: - Tên này chuyên chém gió, không biết đại gia nào mê ảo thuật của nó. Xạo bỏ mẹ! - Tao biết màn trình diễn tư gia của hắn, dám chắc nó diễn xiếc chung với mấy bà lớn trên giường! - Không biết mấy bà mê ảo thuật hay mê thằng tiểu đồng lủng lẳng của nó, dám nó làm “trai bao” cho mấy bà góa. Thiên hạ đàm tiếu là chuyện ruồi bu, Tài lớn không quan tâm, đời hắn đang lật qua trang sử mới, sắp thành đại gia như ai. Sử sách còn ghi lại, nhiều tên hề rong, chỉ có nghề xiếc nhố nhăng hay ảo thuật nửa mùa, gặp thời vận tốt, được Vua Chúa yêu quí, một bước đổi đời lên đến chức Thượng thư, Thừa tướng bên cạnh ngai Rồng. Tại sao giờ không phải là hắn!? Hắn chịu khó rèn luyện mấy món thể dục dụng cụ để giữ thân hình săn chắc, bàn tay luôn bôi dầu cho mềm mại, trổ tài massage body cho các bà lớn. Hắn ranh khôn nắm bắt qui luật: chiếm được niềm tin yêu của bà lớn mới hy vọng có chỗ đứng bên ông lớn, con đường danh vọng đang mở ra cho hắn, chỉ tiếc nó đến hơi muộn, tóc hắn hằng tháng cứ phải đi tiệm gội, nhuộm hòng níu kéo lại đời trai trẻ. Dẫu sao muộn cũng còn hơn không bao giờ. & Ly Ly hết sức lo lắng, vừa ăn cơm trưa xong thằng Lùn thấy nhức đầu chóng mặt, lăn ra sàn nằm ngay đơ như xác chết. Sáng nay còn múa kiếm màn “Mãnh hổ quá giang”, uống xong lon bia Tài lớn cho từ tối hôm qua là nằm luôn. Ly Ly không uống được bia, nó kiên quyết từ chối khi Lùn rủ rê “uống với tao chút xíu cho vui!” Tối nay là buổi diễn xuất ở tư thất đại gia nào đó, có xe đến đón đưa đi, Tài lớn đã báo trước, vậy mà khi không Lùn ngã bệnh, dám ăn trận đòn với Tài lớn. Con bé loay hoay kiếm dầu cạo gió cho Lùn, đến chiều nó vẫn chưa tỉnh. Ly Ly thấy ruột gan như thắt lại, nước mắt ứa ra nhưng ráng nuốt hết vào lòng, nó chắp tay khấn thầm “Xin Trời Phật thương con, cứu Lùn khỏi bệnh, nó mà chết chắc con chết theo luôn!” Nhìn Lùn nằm thiêm thiếp trên sàn, tự dưng nó thấy mình sao lẻ loi bơ vơ quá, không có Lùn nó sẽ sống với ai. Ai là người an ủi chia sẻ nỗi buồn với nó, ai mắng mỏ, trêu ghẹo, làm cho nó cười, ai xoa dầu bóp tay chân cho nó khi bị hụt chân ngã lộn nhào bầm tím người. Ly Ly khóc không thành tiếng, nó đã quen khóc thầm, hồi trước còn kéo tấm chăn rách phủ qua đầu mà thút thít khóc, sợ bị Lùn la mắng, sợ Tài lớn bạt tai. Dần dần nó biết khóc câm lặng, dù nước mắt có tuôn rơi trên mặt. Nó lay gọi Lùn mạnh hơn: - Dậy đi, thức dậy đi Lùn, Tài lớn sắp về, mình phải đi diễn rồi. Nhưng Lùn vẫn im lặng. Tài lớn lù lù xuất hiện ngoài cửa, đăm đăm nhìn thằng Lùn khó hiểu. Trái với sự lo sợ của Ly Ly, hắn bình thản nói: - Không có nó không sao, tao với mày đi diễn thôi, để nó ở nhà. - Nhưng Lùn đang bệnh mà, ở nhà một mình rủi nó chết sao? Ly Ly bộc lộ nỗi lo sợ lớn nhất trong đời nó, Tài lớn nổi giận: - Bộ nó chết thì trời sập hả, mày lo cho cái thân mày đi. Tao nói lần chót, mặc kệ nó ở nhà, sửa soạn đồ đi diễn với tao, hay mày muốn chết theo nó? Cặp mắt đỏ ngầu như có gân máu của hắn khi lên cơn giận dữ làm Ly Ly bủn rủn, con bé đành nuốt nước mắt đi theo Tài lớn. Nó kéo cái giỏ mây với túi đồ nghề, Tài lớn ngăn lại: - Không cần mang con Đốm, bữa nay mày chỉ trổ tài uốn dẻo nhảy múa, tao chuẩn bị băng cassette có nhạc đệm rồi. Ở nhà đại gia này mình diễn trò đơn giản thôi. Đơn giản vậy thôi mà cho xe hơi đến tận nơi đón? Ly Ly hết sức ngạc nhiên, nó hỏi ngây thơ: - Thế biểu diễn xong người ta có trả tiền không? Tài lớn phá ra cười như sấm làm rung rinh căn phòng ọp ẹp, cho thuê rẻ tiền: - Tiền hả, khỏi lo, họ đưa trước một triệu rồi, xem đây. Hắn móc trong túi áo ra hai tờ, mỗi tờ 500.000 đồng. Ly Ly trố mắt, lần đầu tiên trong đời nó thấy tờ giấy lớn. Tài lớn được dịp lên lớp giảng dạy cho nó: - Chơi dao là phải nắm đằng chuôi, chứ đừng ngu mà nắm đằng lưỡi, hiểu không? Tao nói cứng với đại gia là nếu chịu chi tiền trước thì mới đến diễn, không là dẹp luôn. Tối nay nếu mày làm đại gia hài lòng, tao cho mày một tờ này, chịu không? Ly Ly choáng váng, sao bữa nay Tài lớn tốt với nó quá vậy, sợ hắn khoác lác như mấy lần trước, nó định nói dứt khoát: “Vậy đưa tiền trước đi, không thì tui ở nhà với Lùn, không đi diễn đâu!”. Nhưng sợ Tài lớn trở mặt, nổi nóng đánh nó, lôi cổ nó đi thì cũng phải đi, sức nó làm sao chống cự? Lần đầu tiên Ly Ly đi biểu diễn không có Lùn bên cạnh, Lùn là người nâng đỡ, khích lệ nó rất nhiều mỗi khi nó mệt mỏi diễn xuất không tốt. Khi ai trêu chọc, giở trò xấu với nó, cũng chỉ có Lùn che chở, bảo vệ nó. Ra tới cửa phòng, chừng như không yên tâm, Ly Ly lại chạy trở vô đặt tay lên trán Lùn lần nữa, có vẻ cơn sốt đã qua, trán nó dịu mát hơn, nhưng vẫn ngủ mê mệt. Tự dưng lo sợ vu vơ, Ly Ly lôi ra từ gầm giường cái túi vải, tài sản bí mật của nó, đeo lên vai ra đi, thì thầm: “Tạm biệt Lùn, đến tối Ly về, ráng chờ nghe!” & Bên ngoài nhìn vào, căn biệt thự tối om, vườn rộng mênh mông nhiều cây lớn, chỉ có ánh trăng với dãy đèn vàng dọc theo bờ tường, có vẻ âm u như nhà mồ. Ly Ly thấy lạnh sống lưng khi đi vào sân trong. Tài lớn trấn an nó: - Đừng có sợ hoảng, khu này toàn villa, biệt thự của giới đại gia, họ sống tách biệt kín đáo, không bát nháo như con hẻm Kinh nước đen chỗ mình ở đâu. Con hẻm đó chật hẹp, nhà cửa chen chúc, san sát mái tôn, ngó lên không thấy mặt trời, đúng là khu ổ chuột bẩn thỉu, tồi tàn nhất ở thành phố. Nơi đó ngày với đêm như nhau, lúc nào cũng ầm ầm tiếng người cãi nhau, tiếng xe máy nổ, nhưng ở đó có sức sống, nó không thấy sợ hãi. Còn biệt thự này chìm trong bóng tối câm lặng như dưới âm phủ. Không chừng có con ma vú dài hay quỉ một giò ẩn núp đâu đó, sắp hiện ra kéo chân, cắt cổ hút máu nó, như trong mấy truyện tranh rùng rợn, Lùn hay lượm đâu đó đem về cho nó xem. Bước vào phòng khách thấy khác hẳn, chùm đèn treo ở trần nhà sáng rực rỡ xua tan nỗi lo sợ của Ly Ly. Đại gia hớn hở bắt tay Tài lớn như bạn, nheo mắt nhìn con bé đứng góc nhà: - Vô đây, đừng sợ, sao nó nhỏ xíu vậy, mấy tuổi rồi nhỏ? Tài lớn trả lời thay nó, thêm phần quảng cáo: - Coi vậy chứ nó 15 tuổi đó, nó uốn dẻo, nhảy múa đẹp mê hồn. - Tao nghe thiên hạ nói rồi, mới kêu mày dẫn nó tới đây. Lát nữa trổ tài nghe, bây giờ ăn trước đã, có hứng mới làm được việc, đúng không Tài. Tài lớn khúm núm: “Đại ca nói gì cũng đúng!” Với Ly Ly bữa ăn giống như đại tiệc, năm sáu món ê hề, ước chi Lùn không bệnh, cùng đi với nó đến đây thì tha hồ no nê, bù lại những hôm phải nhai bắp luộc hay gặm bánh mì thay cơm. Lòng nó chùng xuống lo âu không biết Lùn ở nhà giờ ra sao. Đại gia với Tài lớn vừa ăn, vừa nốc rượu như nước lã, Ly Ly ăn uống rụt rè như chim sẻ, đôi khi ngước lên nhìn mặt đại gia. Mặt ông ta đã ngắn lại tròn, bành ra như trái bí đỏ, cằm với má xệ xuống đầy mỡ, cổ rụt đâu mất. Cặp chân mày sâu róm cụt ngủn, thêm cái nốt ruồi lớn như hột đậu đen ở dưới cằm, mọc ra mấy sợi râu thấy khó ưa quá. Ly Ly cố moi trí nhớ xem đã gặp ông ta ở đâu, có lẽ ở buổi trình diễn tư gia nào đó. Sao căn nhà rộng mênh mông mà chỉ có mình đại gia? Không lẽ hôm nay diễn xuất chỉ có ông này là khán giả, ngoài lão ra, chẳng thấy ai khác nữa? Nó nhìn khắp căn phòng rộng gấp năm, sáu lần căn gác lửng, nơi Tài lớn, Lùn với nó sống chen nhau. Cái tủ thờ có cạnh nhô ra hai bên, cong lên như sừng trâu, đứng ở góc phòng có vẻ lạc lõng với căn phòng có ghế dựa, sofa bọc nệm nhung đỏ. Mặt tủ chạm trổ xà cừ hình rồng phượng sắc sảo. Ánh sáng đèn chiếu vào mặt tủ, những hình ảnh xà cừ lóng lánh đổi màu lúc xanh, lúc tím kỳ ảo. Ly Ly như bị hút hồn vào cái tủ, đăm đăm nhìn nó không chớp mắt. Hương hoa lài ở đâu dìu dịu thoảng ra. Đại gia chừng đã no nê, quay nhìn con bé, ngạc nhiên: - Sao không ăn đi, ngó gì hoài vậy nhỏ? - Cái tủ khảm xà cừ đẹp quá, ở đâu ra vậy? Ông ta bật cười: - Nhỏ này ngộ thiệt, đồ đạc ở đây sang trọng vậy mà chỉ ngó cái tủ thờ. Tủ đó mang từ dưới quê lên, nó rất đắt giá, để ở quê sợ bị trộm rinh mất. Thôi, ăn mau đi, tới phần trình diễn được rồi đó. Tài lớn dằn mạnh ly rượu xuống bàn: - Đại ca cho em xin hết số tiền đi rồi mới diễn. - Mày làm như tao giựt nợ vậy, đưa trước một triệu rồi chưa chắc sao? - Tiền trao cháo múc đúng luật giang hồ, đại ca hay nói vậy mà. Tuy bực bội, đại gia vẫn mở cái hộp trên bàn, đưa Tài lớn thêm mấy tờ 500.000 đồng nữa: - Nhớ chia phần cho con nhỏ. Đừng có nuốt hết một mình, thất đức! Hắn cười tỉnh, nhét tiền vô túi, hất hàm ra lệnh cho Ly Ly thay đồ trình diễn. Đại gia đưa Ly Ly cái váy áo màu đen, hàng lụa mỏng có kim tuyến lóng lánh: - Mặc cái váy này chắc múa đẹp hơn, diễn xong cho nhỏ cái áo đó luôn. Cái áo hơi dài nhưng tuyệt đẹp, mặc vào, Ly Ly thấy mình như cao hơn. Nó đánh chút phấn hồng lên gương mặt hơi tái, chải tóc cao lên. Mang đôi giày múa màu hồng, nó thấy như bay bổng, giá có thêm đôi cánh, chắc nó biến thành con thiên nga đen. Ngoài phòng khách hai gã đàn ông nói cười rổn rảng, tên đại gia hứng khởi gõ nhịp trên bàn, ca rống lên: “Giòng sông nước chảy liu riu.Anh thấy em nhỏ xíu, nhỏ xíu anh thương…Mình anh ca điệu lý qua cầu…” Ly Ly bước ra, họ im bặt trố mắt nhìn. Con bé như lột xác thành nàng tiên áo đen. Tài lớn đắc ý: - Đại gia chịu chưa, em bảo đảm nó còn trinh, chưa bén hơi đàn ông bao giờ. - Chịu quá đi chứ, đáng tiền lắm. Thôi mày rút xuống nhà dưới đi, đừng léo hánh ra đây, để mình tao thưởng thức nghệ thuật. Tài lớn để băng cassette vô máy, không quên nhón lấy chai rượu với đĩa bồ câu quay đang ăn dở trước khi đi. Đại gia khóa luôn chốt cửa, tắt bớt đèn trong phòng, kéo màn lên cho ánh trăng rọi vào. Hắn cởi phăng cả quần tây lẫn sơ-mi đang mặc, trần trụi chỉ có quần đùi trên người, gác hai chân lên bàn, miệng phì phèo điếu xì gà, ngồi dựa ngửa trên cái sofa giữa phòng. Ly Ly mặt lạnh băng đứng bên tủ thờ, ánh trăng chiếu vào mặt tủ, những hình khảm xà cừ nổi lên lóng lánh. Hương hoa lài tỏa ra nồng nàn trong đêm, mắt nó mở to mà như không thấy gì. Nhạc nổi lên, Ly Ly nhón chân bắt đầu múa, từ từ nó bị lôi cuốn theo dòng nhạc, tự nó di động như người đi trong cơn mộng du. Ngoài vườn, dường như tiếng ai gọi nó: - Hoa Lý ơi, đi lẹ lên con, sắp mưa lớn đó. Đứa con gái nhỏ vừa hát vừa nhảy chân sáo sau lưng ngoại, cổ đeo dây hoa lài, trên đầu cũng cài vòng hoa lài như cái vương niệm nhỏ, bà nó ôm rổ hoa đi trước, luôn miệng kêu nó đi mau hơn. - Tối nay má con về chưa ngoại? Ngoại nó lặng im không trả lời. Má nó gửi nó về ngoại đã hơn tháng, lo chạy công việc thưa kiện gì đó. Ba nó lâu rồi không về nhà, kể từ hôm công an đến tận nhà khám xét, còng tay, dẫn ba nó đi, mặc cho má nó gào khóc, tay cứ nắm chặt áo ba nó kéo lại. Hai tên công an đẩy ba nó lên xe, dằn tay má nó ra, từ trên xe một tên đạp mạnh vào bụng má nó, khiến bà văng mạnh khỏi xe, ngã lăn ra, tay ôm bụng đau mà vẫn khóc nức nở. Nó đứng ở cửa tay ôm con búp bê, khóc òa lên theo má. Hàng xóm đứng yên ngó coi như xem một vở kịch trên truyền hình. Nước mắt lặng lẽ rơi trên gương mặt Ly Ly. Chân nó vẫn đi theo nhạc như vô thức, những bước xoay tròn nhẹ tênh. Đôi cánh tay mảnh dẻ giơ cao khỏi tay áo đen, trông như cần cổ vươn cao của con thiên nga. Nó múa say mê như cho chính nó. Ánh trăng chênh chếch chiếu vào nhà, tên đại gia như bị mê hoặc trong khung cảnh kỳ bí lạ lùng. Mắt hắn như dại đi. Ly Ly quay lại đăm đăm nhìn kỹ mặt đại gia. Đúng cái nốt ruồi đen có vài sợi râu dưới cằm! Đúng đôi lông mày sâu róm! Đúng cái tủ thờ khảm xà cừ! Và má nó ở đó, dây hoa lài kết quanh búi tóc. Má nó sụp lạy gã đàn ông chễm chệ trên ghế bành, bảnh chọe như tên vua đóng trong tuồng cải lương. Nó đứng sau cánh cửa, ráng sức đẩy cửa hé mở rộng hơn để nghe cho rõ. - Em lạy anh Tư, ngàn lạy anh Tư, anh nói giùm một tiếng để người ta thả chồng em ra, chồng em vô tội, người ta vu oan hãm hại ảnh mà. - Tui làm sao biết được thực hư gì xảy ra bên nhà máy đó, làm trưởng phòng vật tư mà nó ăn cắp hàng hóa lâu nay, trị giá tới mấy chục triệu, có người báo cáo, chứng cớ rõ ràng, oan ức gì mà cầu cứu tôi? - Anh Tư với chồng em lớn lên cùng xóm, cùng đi du kích sống chết bên nhau, anh Tư hiểu rõ chồng em đâu có thói trộm cắp bao giờ. - Nghe nói trong tù nó nhận tội rồi, mà bên ngoài cô cứ kêu oan, kỳ vậy? Sáu Lèo, giám đốc nhà máy bị mất hàng quá nhiều, giận dữ lắm. Tui nói thiệt tình, nội vụ để công an xử đi, Bảy Duyên đừng có mang đơn kiện cáo lung tung, có khi nguy hiểm cho tính mạng. - Bị người ta đánh quá, ảnh phải nhận tội. Sáu Lèo là em vợ anh Tư, anh Tư là bí thư huyện, ở đây ai cũng nể sợ, anh nói một tiếng là anh Sáu xí xóa thôi. Em cắn răng cắn cỏ lạy anh Tư, chồng em trắng án thì tụi em không bao giờ quên ơn. Nửa đêm nó choàng tỉnh dậy, không có má bên cạnh. Nhà ông bí thư rộng thênh thang, chìm trong bóng tối làm nó sợ run. Ánh đèn nhà ngoài còn sáng, nó đi lần ra phòng khách, vắng lặng. Cái tủ thờ khảm xà cừ sáng bóng dưới ánh đèn, dây hoa lài trên búi tóc má nó rơi dưới chân tủ, còn má nó ở đâu? Sao không dẫn nó về nhà, đi nơi khác tìm ba? Gian phòng bên kia đóng kín, tiếng ai khóc nức sau cánh cửa. Nó đứng co ro bên tủ, mấy ngón chân quắp lại trên sàn gạch vì lạnh. Tờ mờ sáng hôm sau má nó đánh thức nó dậy, mặc thêm áo ấm cho nó, dẫn nó ra đi. Nó thì thào: - Mình về nhà ngoại đi má, đừng đến nhà người lạ nữa, con sợ lắm. - Không, mình phải đi lên thành phố làm đơn kiện, cầu may cứu được ba con, ở đây mấy người cậy quyền thế bức hại dân, độc ác lắm. Nhạc đột nhiên ngừng bặt, Ly Ly đứng sững giữa gian nhà, nhìn thẳng mặt đại gia. - Ông còn nhớ má tôi không, má tôi là Bảy Duyên. Hắn ta tỉnh người ngó con bé, bật cười, nói đểu: - Một duyên đã chết cha tao rồi, tới bảy duyên làm sao sống nổi. Giọng nói Ly Ly đanh cứng: - Ở dưới quê, người ta gọi má tôi là cô Bảy Duyên vườn lài, ông nhớ không? Mặt ông ta đang đỏ au, dần dần biến sang tái xanh, rồi trắng bệch, miệng lắp bắp: - Bảy Duyên nào, Bảy vườn lài đó hả…làm sao có đây được? - Bây giờ ông phải nói cho tôi biết, má tôi còn sống không, ba tôi giờ ở đâu? Nói đi, nói mau! Tên đại gia ngồi chết trân, trừng trừng nhìn đứa con gái áo đen trước mặt. Gương mặt nhỏ bé của nó mờ dần, chìm xuống hồ nước, mặt nước xao động, lung linh hiện ra gương mặt khác…Bảy Duyên! Đúng là Bảy Duyên, nước mắt lả chả, tóc rối bời, đang khóc van lạy hắn. Tiếng huýt sáo nhè nhẹ vang lên, mắt hắn bị thôi miên hướng về cái túi vải để trên bàn. Trong đó có cái gì bí ẩn đang ngọ nguậy, quẫy động. Từ từ trườn ra khỏi miệng túi, cái đầu rắn! Nhạc huýt sáo nhanh hơn, dồn dập, thúc giục. Con rắn uốn lượn tấm thân mảnh dẻ, sao giống như miếng vải hắn đã siết chặt cổ Bảy Duyên năm xưa. Cơn ác mộng nhiều đêm làm hắn mất ngủ: mắt Bảy Duyên trợn ngược, hai chân dãy đập trên sàn, hai tay chới với muốn chụp lấy mặt hắn. Hắn nghiến răng, lấy hết sức siết miếng vải chặt hơn. Tấm thân Bảy Duyên bất động, hai tay buông thỏng, ngã vật xuống sàn. Đầu con rắn lừ lừ đến gần hơn, chờn vờn sát mặt hắn. Mắt tên đại gia trợn trắng kinh hoàng. & Già Lùn không qui y nên không có pháp danh, chỉ xin Sư thầy trụ trì cho làm cư sĩ, nguyện làm công quả suốt đời ở chùa Từ Phước. Những công việc nặng nhọc, tạp dịch ở chùa, Già Lùn làm tất cả, không câu nệ bẩn thỉu, cực nhọc. Già đã hóa ra người câm, không mở miệng nói với ai lời nào. Sư cụ dạy bảo điều gì, ông gật đầu, im lặng. Người rắn mắt trêu ghẹo, đổ vạ tội cho ông, để ông ra tiếng nói, ông lặng thinh chịu tội, không phiền trách ai. Không ai biết gốc rễ, quãng đời phiêu bạt thời trẻ của ông thế nào. Ông về chùa khi tóc đã bạc, gương mặt khắc khổ u sầu, âm thầm ra vào cái chái nhỏ cất tạm sau chùa. Mỗi ngày, khi nắng chiều nhạt dần trên mái hiên, Già Lùn ra ngồi ở bậc thềm trước cổng chùa, câm lặng, mắt dõi nhìn xa xôi, không chú tâm đến người, sự vật xảy ra xung quanh. Già ngồi đó đến tận đêm khuya, sương thấm lạnh hai vai, mệt mỏi, đầu gục xuống như pho tượng sám hối. Cơn bão rét năm đó cũng không ngăn cản được Già ra ngồi ở cổng chùa, Già bị cảm nặng, có lẽ bị sưng phổi, sốt cao. Sư thầy đến tận giường thăm, Già Lùn không ngồi dậy nổi, không thiết ăn cháo, không muốn uống thuốc. Thầy đặt cái khăn lạnh lên trán Già cho bớt nóng, để chén thuốc nam vừa sắc xong bên cạnh giường, khuyên nhủ: - Ráng ngồi dậy ăn chén cháo, uống thuốc cho mau hết bệnh nghe Lùn, ráng nghe… Như tiếng ai thì thầm xa xăm, mắt Già hé mở, cầm bàn tay Sư thầy, nói mê sảng: - Ừ, ráng chờ nghe…tối Ly về. Nụ cười thoáng qua trên đôi môi héo hắt, lần cuối. Thầy thở dài, xếp hai bàn tay Già Lùn ngay ngắn trên người, ra hiệu cho sư sãi tụng kinh cầu siêu. Sau lễ an táng, người ta trao lại Sư thầy một hộp thiếc, cất dấu những giấy tờ riêng tư của Già Lùn. Đó là những trang tin tức cắt ra từ nhiều tờ báo cũ mấy chục năm về trước, đưa tin về gánh xiếc Tài Năng nổi tiếng một thời ở thành phố. Gánh xiếc tan rã sau khi bầu gánh Tài Năng lớn bị kết tội giết người bằng độc dược. Hắn một mực kêu oan, nhưng ngoài dấu vết chính hắn ở biệt thự tên đại gia kia, không tìm ra dấu vết ai khác. Không ai biết tung tích của Tài Năng nhỏ và cô bé Ly Ly ngày xưa. Cả hai dường như biến mất trên cõi đời này.