Đánh máy: Trung Võ và Trung Lê

Chỉ một kỳ thi tốt nghiệp.
“Có một mùa hoa cải
Nắng vàn trong mê mải”.
Em là con gái nhà quê, nhút nhát và tự ti. Miền quê của em nằm bên kia sông Đuống với những cách đồng hoa cải vàng mướt mát chảy dài chân đê. Ở cái mảnh đất nghèo khó “Chó ăn đá, gà ăn sỏi” ấy tuổi thơ của em đã đi qua trong trẻo, hồn nhiên. Nơi ấy cha em, ông nội em và cả cụ tổ nữa đã định cư và sinh sống. Lên Hà Nội theo học ngành Sư Phạm em chỉ mong ngày tốt nghiệp trở về quê làm cô giáo. Em sẽ dạy cho bọn trẻ trí thức của nhân loại. Khi lớn lên chúng sẽ hiện đại hóa nông thôn. Cuộc sống sẽ thay đổi, sung túc hơn và đầy đủ hơn. Ủy ban sẽ không phải trả lương cô giáo cho em bằng thóc. Học sinh sẽ không còn ngồi học trong cái đình làng lụp xụp ẩm thấp rêu mọc xanh mờ. Ngày nhập học mẹ đưa em ra bến xe. “Đất quê mình bạc lắm thoát ly đi học đại học được mười người thì chín người bon chen ở lại Hà Nội, may mắn họa hoằn mới được một người về làng, lấy trí thức đâu mà phát triển nông thôn?”. Nhìn dáng mẹ nhỏ bé giữa bến xe huyện mời mịt khói xăng, lòng em quặn thắt. Thương lắm cái mảnh đất nhọc nhằn đã nuôi em khôn lớn.
Anh là người cùng quê với em, học Kinh Tế, thông minh và tự tin. Lơ ngơ giữa thành phố náo nhiệt và xa lạ, anh nghiễm nhiên trở thành nơi nương náu duy nhất của em. Anh hợp với những vùng đất năng động chứ không lạc hậu, thô sơ như quê mình nhưng em vững tin vào tình yêu. Chỉ với niềm tin người ta mới có đủ sức mạnh để vượt qua trở ngại. Ngày xưa mẹ đã theo cha về đây. Và vì một lời hẹn ước mẹ đã mỏi mòn chờ đợi cha đi qua cuộc chiến trong tuổi xuân của mình. Em thích kể với anh về những bông cải vàng mảnh mai như nắng. Hồi nhỏ mỗi sáng em vẫn thường chân trần lúp xúp chạy giữa cánh đồng, sung sướng xoè tay hứng những giọt sương còn đọng lại trên búp. Anh ngạc nhiên lắng nghe em say sưa diễn thuyết, nhè nhẹ kéo tóc em mỉm cười “Sao em nhớ kỹ thế, nhưng ở huyện đã có công ty nước nào dám bỏ vốn đầu tư chưa?”.
Tối thứ bảy, em loay hoay bật tắt, bật tắt công tắc đèn. Quyển sách đặt ngay ngắn trước mặt. Chuông đồng hồ ngân nga gõ mười tiếng. Em thần người. Trống vắng và cô độc ùa đến. Em rũ người ra vì mệt mỏi. Cảm giác như sự kiên nhẫn trong em đã cạn kiệt. Có tiếng kẹt cửa. Hạ về, “Vẫn chưa đến hả Thùy?”. Em im lặng. Gió ùa theo Hạ thổi vào phòng lạnh buốt. Hạ đặt tay lên vai em “Đừng nhập nhằng mãi Thùy ạ. Mọi thứ đều cần có giới hạn của nó”. Em mím môi, tưởng như mình sắp ngã quị mất. Vậy ra anh muốn tránh mặt em. Việc gì anh phải làm thế? Anh đã nói yêu cũng có thể nói chia tay lắm chứ. Cứ im lặng thế này lại làm em nuôi ảo vọng, cứ nấn ná chờ đợi lại làm em tự chất vấn bản thân, mình có lỗi gì? Hay mình đã làm gì sai? Người nhà quê như em thật thà lắm. Nói yêu là yêu, nói ghét là ghét chứ không tế nhị, kiểu cách như người thành phố… Em gục mặt xuống bàn. Khóc òa. Hạ choàng tay ôm ngang người em. Gió vẫn lùa lạnh buốt khắp căn phòng trống. Có lẽ Hạ quên không cài cửa.
Mùa đông, em tì hai tay lên thành cầu, tóc bay xấp xõa. Hun hút phía dưới dòng nước đen ngòm cuồn cuộn như đang cố nén tiếng gầm gừ trong cổ họng. Em nhướng mắt. Ngọn đèn cao áp lành lạnh xanh hắt xuống mặt sông thứ ánh sáng leo lét ma quái càng làm tăng thêm vẻ bí hiểm lù đù của những con sóng đập mình vào chân cầu. Lâm đứng cạnh em, nhún nhẩy trên đôi giầy khủng bố to sụ giọng kiêu hãnh:
- Thùy nhìn mà xem hoành tráng chưa. Đây là cây cầu thế kỷ, niềm tự hào của Hà Nội đấy.
Em kiễng chân, rùng mình choáng ngợp trước sự kỳ bí mênh mang. Dòng sông như con quái vật khổng lồ. Con người chợt bé tẹo như những chú kiến lăng xăng. Em thì thào:
- Nhảy từ trên này xuống thì thế nào nhỉ? Biết đâu đường tới thiên đàng cũng nên.
Lâm hốt hoảng:
- Thùy nói cái gì đấy? Điên à?
Vùng vằng lôi em đi “Thùy bám chắc vào. Về”. Em rón rén ngồi sau lưng Lâm. Tai ù đi.Nao nao thấy thương Lam, thương cả mình nữa.
Tuần trước Hạ đưa em đến tìm anh. Hai đứa đứng ngoài cửa. Anh không giải thích, không bóng gió xa xôi “Thôi coi như mình chưa quen nhau Thùy nhé”. Em sững sờ. Khi gặp anh em mới 18, giờ đã 22. Bốn năm, tình yêu đã lôi tuột em những tháng năm sinh viên, sao lại có thể chưa quen? Em ngẩn ngơ như người lỡ tay đánh rơi mất vật quí hoảng hốt chạy tìm. Hạ nắm chặt tay em, giọng nó lành lạnh “Tôi không ngờ”. Em bồng bềnh trôi trong cơn mộng du. Vô thức.
Lâm phanh xe, tắt máy.
- Thùy vào nghỉ đi. Cấm nghĩ linh tinh đấy nhé.
Mi mắt nặng trĩu, em hẫng hụt bước lên trên những bậc cầu thang tối om, về đến cửa phòng vẫn thấy Lâm đứng dưới đường, điếu thuốc lập lòe trên môi. Em đưa tay vẫy vẫy. Sực nhớ anh chưa bao giờ chờ em như Lâm. Ngày trước mỗi lần đưa em về anh thường chống một chân lên vỉa hè, nghiêng đầu ngó bâng quơ “Thôi anh về”. Em đứng lại đằng sau, lơ ngơ nhìn hút theo chiếc bóng đèn hậu đỏ lập lòe, nhòe nhoẹt dần. Em mấp máy môi “Ngày trước”, nghe như một thanh âm lạ lẫm, xa xôi.
Hạ bảo “Mình có nghị lực và tuổi trẻ, rồi sẽ qua cả thôi. Mày cứ ra bến tàu mà xem, ối người khốn khổ mà người ta vẫn phải sống cả đấy”. Em khác Hạ. Em không phải là trò chơi đã được lập trình trước. Hạ lúc nào cũng chính xác, tỉnh táo và biết phân tích mọi vấn đề. Em không là Hạ nên luôn nhầm lẫn giữa đúng và sai, giữa thật và giả. Em không thích nghi được với lối sống thành thị. Em thấy mình lạc lõng và yếu đuối. Thanh bình và yên ả đã ăn sâu vào tế bào, vào máu thịt của em.
Hạ chống nạnh, lè vè lượn khắp phòng sôi sùng sục hệt như trong chuyện này nó là người bị bỏ rơi chứ không phải là em “Mày phải tìm hiểu cho ra lẽ. Để thế mà chịu được à? Phải có lý do chính đáng chứ”. Em quay mặt vào tường kéo chăn trùm kín mít. Sáng lên thư viện, em không dám rẽ vào con đường quen thuộc dẫn qua nhà anh ở trọ - ngôi nhà có giàn hoa tigôn màu hồng mà em vẫn đùa là hoa tim vỡ. Em đi bằng những ngả đường rối rắm quanh co khác, hết ngã ba lại đến ngã tư chỉ để tránh cho anh khỏi cảm thấy phiền hà. Con gái bọn em ngờ nghệch lắm nhưng cũng không cần đến lòng trắc ẩn của thiên hạ. Em không tự huyễn hoặc bản thân. Khi không còn tình yêu người ta có trăm ngàn cách để biện minh cho hàng động của mình. Giữa em và anh chẳng ai nợ nần gì ai. Anh đã bao giờ hứa hẹn gì đâu. Chỉ có em cả tin. Tin vào những điều không có thật. Hạ ngồi phịch xuống giường, ủ ê “Bốn năm. Trắng tay. Bây giờ nghĩ đến cảnh bắt đầu lại từ đầu sao mà mệt mỏi thế. Lại có một thằng mon men đến làm quen. Năm đầu ngồi chơi đến mười giờ. Năm sau rủ nhau đi xem phim, thuận buồm xuôi gió năm sau nữa mới tính chuyện tìm hiểu. Kinh quá thế thì chết già mất”. Em thò mặt ra ngoài chăn gật đầu đồng tình như cái máy “Ừ, kinh quá” và lơ mơ nghĩ đến anh. Tưởng tượng ra cảnh hai đứa dắt nhau về quê, phát hoảng không biết lúc em dạy học thì anh làm gì? Không lẽ để anh ngồi làm nhà kinh VAC?
Em đẩy cửa. Sững sờ. Đóa hoa cải vàng rực, dịu dàng được đặt trên bậu cửa hắt lên màu kiêu hãng của sự sống. Một mảnh giấy gấp tư cài phía dưới rơi ra. Nét chữ của anh
“Thùy thương!
Gửi cho em chút nắng vàng hiếm hoi đầu đông. Đêm qua, anh đã phóng xe về quê chỉ để tìm cho em những bông cải cuối mùa còn sót lại. Chút nữa trên đường ra sân bay anh sẽ mang chúng đến nhà em.
Anh được cơ quan cử đi học và anh hiểu đây là cơ hội mà anh cần nắm lấy. Anh biết em yêu hoa cải đến nhường nào nhưng anh không có sự lựa chọn nào khác. Mẹ đã chờ đợi cha dù cha không bao giờ trở về. Anh không giống mẹ lại đem cả cuộc đời ra chờ đợi mà mọi điều đều có thể đổi thay. Hơn nữa chắc gì ở quê anh đã có việc để làm…
Tha lỗi cho anh. Cầu chúc cho em được hạnh phúc.
Anh”.
Em lặng lẽ đứng trên ban công tầng bốn. Bầu trời u ám, loang lổ một màu xám xịt. Nắng vàng gom cả lại trong vòng tay em, rực rỡ. Chợt nhớ em đã quên không nhắc anh hoa cải không cắm được trong lọ. Nó chỉ sống được với đất ven đê quê mình. Có lẽ em sẽ mang chúng về quê. Chỉ ở nơi ấy hoa cải mới có thể dắt em đi hết mùa đông lạnh lẽo này. Vâng, em sẽ về quê. Nơi ấy đang chờ em. Nơi ấy mẹ vẫn thường hát:
“Có một mùa hoa cải
Chia tay bởi chiến tranh
Em đã chờ đợi anh
Sao anh mãi không về”.
Anh có biết không người ta chỉ thực sự hạnh phúc khi người ta có quê hương và có tình yêu.

Xem Tiếp: ----