hững tia nắng đầu tiên trong ngày len lỏi qua mành của sổ dọi vào mặt An và chàng bừng tỉnh dậy. An đưa tay dụi mắt và khám phá ra mặt chàng đầy vã mồ hôi. Những hình ảnh của giấc mơ hiển hiện mồn một trong ý thức An và chàng bỗng rùng mình. Đây là lần thứ ba như hai đêm trước đó An đã mơ thấy người con gái, trở lại trong giấc mơ của chàng, những hình ảnh, âm thanh và hành động nối tiếp nhau như một cuốn phim chiếu mỗi đêm, đứt đoạn với mỗi lần tỉnh giấc và nối tiếp khi chàng vừa thiếp đi. An xuống giường vào phòng rửa mặt, đánh răng, đầu óc chàng vẫn đầy hình ảnh của giấc mơ đêm vừa qua. Hình ảnh người con gái hiện rõ hơn trong ký ức và sự quen thuộc bắt đầu thành hình. Từ vùng sâu thẳm của trí nhớ những kỷ niệm cũ chợt trở về và An biết người con gái là ai. Hai mươi năm trước, An là giáo sự dậy toán trẻ tuổi nhất của trường Chí Thiện, một trường tư thục nằm trong Chợ Lớn, do một linh mục Công giáo làm hiệu trưởng. Chàng được một người bạn lớn tuổi hơn dạy ở đây đã nhiều năm giới thiệu với vị linh mục và sau khi biết chàng là con của người bạn hoạt động trong hướng đạo, cha Hòa đã sắp xếp để chàng dạy toán cho lớp Đệ Nhị A, một lớp học với đa số là nữ sinh. An không biết điều gì đã xảy ra, nhưng mỗi lần vào lớp dạy, chàng thường hơi mất bình tĩnh và phải đến vài phút sau khi cất tiếng, chàng mới tự trấn an và giảng bài được. Hôm đó, An ra một số đề toán trên bảng và gọi một vài nữ sinh lên bục để giải toán. Chàng chọn đại một ít tên trong danh sách và gọi từng người. Người cuối cùng là Phan Thị Hà Liên và An không thấy ai trả lời. Chàng gọi tên một lần nữa và một lúc sau từ hàng ghế dưới cùng mới thấy một nữ sinh khó khăn đứng dậy. An lần đầu tiên mới để ý đến nàng và chàng sửng sốt nhìn. Hà Liên có khuôn mặt tuyệt đẹp và thân hình trên nẩy nở của một thiếu nữ mới lớn đầy nhựa sống nhưng nàng bị tật nguyền một bên chân. Một chiếc nạng gỗ được nàng dùng để thay cho chân trái, khẳng khiu, co quắt do bệnh tê liệt từ hồi nhỏ. Hà Liên chậm chạp đi lên và An bỗng cảm thấy đau lòng. Một thiếu nữ đẹp, quyến rũ như người nữ sinh đang tiến về phía chàng bị một căn bệnh quái ác tàn phá một phần cơ thể. Đôi mắt đẹp kỳ lạ, đầy buồn thảm của nàng là bí mật của sự hồi hộp mỗi khi chàng vào lớp. Đôi mắt nàng đã theo dõi chàng, nhìn chàng đăm đăm, xoáy vào tâm hồn chàng và mặc dù không để ý đến trước kia, đã là nguồn giao động cho chàng phải phân tâm, một sức mạnh kỳ bí phủ vây lấy chàng làm chàng khó thở. An dạy học và tận tâm với nghề của mình, chàng không hề để ý đến các nữ sinh trong lớp dù đẹp đến đâu chăng nữa, nhưng Hà Liên là một trường hợp ngoại lệ. Có lẽ vì vẻ đẹp khác thường của nàng hoặc vì sự tật nguyền của nàng, An chú ý đến nàng nhiều hơn mỗi khi vào lớp dạy và sau vài tháng, chàng bắt đầu nhận ra sự sai lầm của mình. Niềm hồi hộp và phân tâm của chàng chỉ có tăng mà không giảm, An cảm nhận sự say mê của người con gái đối với chàng và tình yêu mãnh liệt qua cặp mắt của Hà Liên mỗi lần nhìn chàng làm An choáng váng và sợ hãi. An không muốn có những xúc động mạnh, chàng là một người chừng mực, nhất là trong vấn đề tình cảm. An ngại những cuộc phiêu lưu, những đam mê của người khác làm chàng bối rối và khó hiểu. Chàng muốn sống một cuộc đời bình thản, êm ả dù rằng cuộc sống đó có thể buồn nản thế nào đi chăng nữa. Hà Liên quả tình làm chàng khó xử. Chàng thương hại nàng vì sự tật nguyền của nàng và vẻ đẹp của nàng làm chàng bị lôi cuốn. Nhưng sự kỳ lạ trong cặp mắt của nàng và nỗi niềm đam mê như một cơn lốc cuồng phong diễn tả trong những bức thư kẹp trong bài nộp của nàng làm An e ngại. Tình yêu một chiều của nàng càng ngày càng lớn mạnh và An bắt đầu cảm thấy sợ những giờ toán chàng phải giảng dạy tại trường Chí Thiện. Chàng sợ đôi mắt của nàng, sợ ngọn lửa cuồng nhiệt trong luồng mắt theo dõi từng cử động của chàng, sợ sự say đắm của người con gái nghe từng tiếng giảng bài của chàng như lời Thánh Kinh. Và chàng nhận thấy tình trạng không thể kéo dài, chàng cảm nhận một sự nguy hiểm, đe dọa nào đó cho cuộc đời bình yên của chàng và điều tốt nhất với An theo chàng nghĩ là sự trốn tránh. Sau kỳ nghỉ Tết năm đó An viện cớ sức khỏe thông báo cho linh mục hiệu trưởng kiếm giáo sư khác thay chàng. An vẫn thường nghĩ về người thiếu nữ tật nguyền những năm sau đó. Đôi lúc chàng cảm thấy mình tàn ác. Chàng thắc mắt không hiểu Hà Liên sẽ ra sao sau khi chàng đột ngột nghỉ dạy nhưng chàng hy vọng nàng sẽ quên. Các cô gái mới lớn có lẽ cũng đều như vậy cả, yêu say đắm một lúc một thời rồi cũng sẽ phôi pha, nhạt nhòa và sẽ lấy chồng, đẻ con và an phận với cuộc sống. An nghĩ thế nhưng trong thâm tâm có một điều gì đó nơi Hà Liên làm chàng không tin như vậy. Và chàng thấy ngăn ở nơi ngực mỗi lần nghĩ đến mối tình đơn phương của người nữ sinh tật nguyền đối với chàng, một tình yêu chàng không thể đáp lại. Lần cuối An gặp Hà Liên là những ngày cuối tháng tư 1975 tại đảo Guam. An rời khỏi Việt Nam tương đối sớm sủa và tới Guam được đưa về một building ở tạm vài ngày trước khi sang Mỹ. Một buổi tối trong khi ngồi ăn tại phòng ăn rộng mênh mông của building tạm trú, An nghe vợ chàng nói nhỏ: - Anh xem có cô nào đang nhìn mình ghê quá! An quay đầu lại để vừa lúc thấy người thiếu nữ tật nguyền với chiếc nạng gỗ đang tiến về phía chàng. Nàng nói giọng nhỏ ấp úng: - Thưa thầy, em trước học trường Chí Thiện. Thầy có nhớ em không ạ? An buột miệng đáp ngay: - Cô Hà Liên. Tôi nhớ chứ! An thấy hối hận, chàng tự trách mình đáng lẽ không nên nhận nàng. An vừa thấy được niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt nàng và ánh mắt của nàng chàng lại thấy loé lên ngọn lửa si mê của ba năm trước. Nàng cười nói huyên thuyên, giọng ríu rít như chim hỏi thăm An, hỏi thăm người vợ mới cưới của chàng. An nói chuyện nhưng chàng tránh nhìn thẳng vào đôi mắt của nàng, sự cuồng nhiệt trong luồng mắt chàng thấy vẫn còn đó, và đằng sau tiếng cười, tiếng nói của Hà Liên, chàng cảm nhận niềm đau khổ và tuyệt vọng nơi nàng. Sự thương hại pha lẫn một chút sợ hãi bắt đầu xâm chiếm lấy An. Tình yêu mạnh mẽ của người con gái tật nguyền này hầu như không giảm đi chút nào với thời gian. An cảm thấy bối rối, cảm giác mình là nguyên cớ cho sự đau đớn của người khác, một điều chàng không bao giờ muốn nhưng không biết cách nào giải quyết. An thấy may mắn khi sáng hôm sau hai vợ chồng chàng được gọi tên để lên phi cơ sang Hoa Kỳ và chàng không hề gặp lại Hà Liên sau buổi đó. Một đời sống mới đang chờ đón chàng và An thấy không có lý do gì để chàng phải vướng mắc, bận tâm về Hà Liên. Xứ sở này quá rộng lớn, cuộc đời quá nhiêu khê, An nghĩ rằng chàng sẽ chẳng còn dịp nào để nghĩ đến Hà Liên, đừng nói đến chuyện gặp lại người con gái tật nguyền đã một thời hệ lụy trong tình yêu một chiều đối với người thầy giáo. * * * An nghĩ về những giấc mộng trong ba đêm vừa rồi. Chàng không thể tưởng tượng sau hai mươi năm, hình ảnh Hà Liên lại hiện về trong những cơn mơ vật vã như thế. Những cơn mơ như một đời sống thực sự với đầy đủ cảm xúc, âm thanh và hình ảnh của một cuộc sống thật. An ngẫm nghĩ và chàng chợt rùng mình. Tại sao những giấc mơ có thể nối tiếp nhau, như một cuộn phim tạm ngưng vào lúc chàng tỉnh dậy và quay tiếp vào đêm sau, vào đúng chỗ đứt đoạn của đêm hôm trước. Những giấc mơ bình thường không thể có sự liên tục như vậy, như một cuộc đời thứ nhì cho chàng trở thành sự thực trong cơn mơ với chàng và Hà Liên là vai chính. Và tại sao lại là Hà Liên, một kỷ niệm nhạt nhòa của hai mươi năm trước? Đời chàng đã có biết bao biến động, chàng đã có biết bao vết hằn lên tâm hồn và quá nhiều cảm xúc mãnh liệt để lại những ký ức khó phai mờ, tại sao một dấu vết nhỏ nhoi trong những nếp nhăn sâu thẳm của trí nhớ lại có thể chiếm ngự hoàn toàn những cơn mơ từ đêm này qua đêm khác và liên tục như thể muốn tạo ra một đời sống riêng trong tâm thức chàng? An nhận thấy một điều khác lạ khi chàng tỉnh giấc về hình ảnh của Hà Liên. Chàng nhớ Hà Liên là một cô gái tật nguyền với cả một bên chân trái bị hỏng vì bệnh tê liệt, nhưng trong giấc mơ, Hà Liên trở thành một người đi đứng bình thường và đẹp tuyệt vời, như tất cả những khuyết điểm nơi nàng đều đã bỗng dưng biến mất và những ưu điểm của nàng được trau chuốt để sáng chói hơn trước. Và những giấc mơ có cốt chuyện như một cuộc đời dành riêng cho Hà Liên và chàng, trong đó Hà Liên và chàng là đôi tình nhân với những gì đẹp đẽ nhất có thể xảy ra cho một đôi tình nhân. Hạnh phúc là chủ đề cho những giấc mơ của chàng với Hà Liên, như những cơn mộng liên tục của chàng đã là những gì mơ ước của Hà Liên, biến thành một đời sống thực trong những giấc mộng của An, một điều hoàn toàn ở ngoài ý muốn của chàng, và không để cho chàng có thể thay đổi, biến cải được. * * * An là một người giản dị, bình thường và chàng suốt đời ao ước được sống một cuộc đời bình thường, giản dị, không làm phiền ai và cũng không muốn ai làm phiền mình. Tuy nhiên có lẽ như tất cả những ước muốn về đời sống, những gì trái ngược là điều người ước muốn thường được nhận lãnh, An nhận thấy đời mình không thể gọi là bình thường và chàng đành chấp nhận. Những giấc mơ kỳ lạ đến từ khi chàng rời khỏi bệnh viện về nhà, sự việc chàng sống sót sau lần giải phẫu, tất cả là những điều không bình thường xảy đến trong cuộc đời đầy bất trắc của chàng và An không còn ngạc nhiên khi mở đống thư từ tích tụ hơn một tháng trời từ ngày chàng vào bệnh viện, An thấy một gói lớn gửi cho chàng, người gửi đề tên Phan Thị Hà Liên. Cuốn nhật ký Hà Liên gởi cho chàng khá dầy và An đọc một mạch. Đến đoạn chót, chàng phải đọc lại vài lần để hiểu sự gì đã xảy ra. Ngày... tháng... năm... Tại sao định mệnh có thể sắp đặt như vậy? Sau cùng mình cũng gặp lại được chàng. Đã mười chín năm từ ngày cuối thấy chàng lần chót ở đảo Guam, mình sung sướng biết bao khi trông thấy chàng, nhưng cũng đau đớn biết bao khi thấy chàng với người vợ mới cưới. Nhưng mình biết mình đau khổ là vô lý, có bao giờ chàng biết mình yêu chàng đến mực nào và có bao giờ chàng để ý để kẻ tật nguyền là mình. Bao nhiêu năm mình đã đi tìm chàng trên khắp đất Mỹ mà không hề bao giờ gặp. Mình cũng không hiểu tiếp tục đi tìm chàng làm chi. Gặp lại để làm gì? Chàng cũng sẽ không bao giờ để ý đến mình và mình vẫn mãi mãi mang sự đau khổ. Nhưng dù biết như vậy, có bao giờ mình nguôi ý nghĩ về chàng và có bao giờ mình ngưng đi dò hỏi, tìm chàng mỗi khi có cơ hội? Nhưng gặp lại chàng trong tình cảnh này có lẽ không hề gặp lại là điều hay hơn. Hoặc nếu chàng được đưa vào khu bệnh lý khác, không phải khu mình làm hồ sơ cho bệnh nhân thì có lẽ mình cũng không bao giờ biết chàng ở ngay trong bệnh viện này. Carol đưa cho mình hồ sơ đề tên Đặng Hoàng An để làm giấy tờ và mình giật nẩy người. Có lẽ một người trùng tên chàng. Nhưng không! Linh tính báo cho mình biết, bệnh nhân tên Đặng Hoàng An, 45 tuổi này chỉ có thể là chàng, và mình không nhầm. Mình chạy vội lên phòng hồi sinh cấp cứu và nhìn qua khung cửa kính, quả đúng là chàng. Và chàng đã hôn mê rồi! Chao ôi! Tại sao định mệnh có thể khắt khe như vậy. Mình đã đi tìm chàng khắp nơi trong 19 năm, có lúc nào mình ngưng ý nghĩ về chàng và giờ đây chàng nằm đó, sát với ngưỡng cửa của tử thần. Tại sao chàng có thể bị một thứ bênh tim gì độc hại như vậy được. Mình hỏi bác sĩ Gilbert, ông nói bệnh tim loại này không chữa được và ông nói chàng chỉ còn được vài ngày là nhiều. Mình đứng lặng người. Chàng chỉ còn sống được vài này nữa và không có cách nào cứu chàng thoát chết. Mình gặp lại chàng để nhìn chàng chết. Tại sao có thể như vậy được? Tại sao những bất hạnh tiếp tục đến với mình như vậy? Mười chín năm nay mình chỉ nghĩ đến lúc gặp lại chàng và mình sống cho giây phút đó. Giờ đây gặp lại chàng, chàng không thể nhận ra mình và cũng chỉ còn vài ngày. Định mệnh ơi, ta oán thù mi! Nhưng không được, ta không thể cho phép định mệnh dày vò ta như thế được. Ta phải thách đố định mệnh, ta phải cứu chàng. Nhưng ta làm được gì đây? Những bác sĩ giỏi nhất ở đây cũng phải bó tay rồi, một người làm giấy tờ, hồ sơ quèn như ta có thể làm gì được? Ngày... tháng.. năm.. Mình đọc hồ sơ chàng mỗi ngày. Bệnh chàng càng lúc càng nguy kịch hơn. Hôm nay có một bác sĩ mới đến thăm bệnh. Ông này có ghi câu: “Chỉ có cách ghép tim, thay hẳn trái tim mới có thể cứu được”. Nhưng ông viết tiếp: “Người bệnh này không có ưu tiên và tình trạng nguy kịch hiện tại cũng không thể kéo dài cho đến lúc có thể tìm người chết thích hợp để ghép tim”. Mình suy nghĩ mãi về câu viết trong hồ sơ của bác sĩ Stevenson. Như vậy có cách cứu chàng. Nhưng thay quả tim bằng tim người mới chết là chuyện hãn hữu. Bệnh viện này có làm được chuyện ghép tim nhưng hiếm khi có được tim người mới chết thích hợp để ghép. Mình hỏi bác sĩ Stevenson, ông nói có đến hơn mười người đang chờ để ghép tim có ưu tiên. Ông nói phần lớn chết trước khi tìm được tim thích hợp để ghép. Như vậy chàng cũng không có hy vọng gì. Chàng chỉ còn vài ngày, làm sao có thể chờ đợi lâu hơn được? Ngày... tháng... năm... Một ý nghĩ kỳ lạ vừa đến trong óc mình. Tại sao mình không nghĩ ra ngay. Mọi ý tưởng chợt đến cùng một lúc như một cơn chớp loé sáng. Mình biết mình sẽ phải làm gì. Và chàng sẽ sống. Chàng không thể chết được, chàng sẽ bắt buộc phải sống. Định mệnh ơi, ta sẽ đánh bại mi. Và ta sẽ sống mãi. Với chàng. Mãi mãi. Không bao giờ ngừng.... * * * An ngồi đối diện với bác sĩ Stevenson, trước bàn làm việc của người bác sĩ giải phẫu tim nổi tiếng. Ông nhìn chàng chăm chú và nói: - Chúng tôi có thông lệ giữ kín danh tánh của người chết cho tim để ghép thay tim cho người khác nhưng trường hợp của ông là trường hợp đặc biệt. Vâng! Ông đoán đúng! Quả tim của người chết dùng cho ông là của cô Phan Thị Hà Liên. Ông là người may mắn lạ thường. Ông không có ưu tiên nào so với hơn mười người đang đợi để được ghép tim, tuy nhiên rất nhiều điều may mắn đã xảy ra cho ông. Cô Phan Thị Hà Liên là một nhân viên làm trong phòng hồ sơ ngay tại bệnh viện này. Trên đường lái xe đến bệnh viện làm việc, không hiểu lý do gì làm cô lạc tay lái đụng xe vào một cây cột đèn lớn cách đây hơn nửa dặm. Chỗ này cũng hay xẩy ra tai nạn nhưng trước giờ không có ai bị nặng như cô Hà Liên. Cô bị chấn thương nặng ở đầu và được đưa ngay vào bệnh viện này. Cô ngừng thở khi vừa đến phòng cấp cứu. Tuy nhiên vì trên bằng lái xe cô Hà Liên đã ưng thuận cho phép lấy các cơ quan của cơ thể cho người khác nếu bị tai nạn chết nên chúng tôi đã giữ cho quả tim của cô vẫn sống dù cô chết với óc hoàn toàn ngưng hoạt động. Chúng tôi đã bàn luận gay go về việc dùng quả tim của cô Hà Liên cho người bệnh cần thay tim. Tuy ông không có ưu tiên, nhưng trường hợp ông may mắn là loại máu và mô tế bào của ông phù hợp với các đặc tính của cô Hà Liên trong khi những người khác không thích hợp nên chúng tôi đã dùng quả tim của cô ta để thay cho tim ông. Cũng đúng lúc vì tình trạng của ông lúc đó không thể kéo dài hơn nữa. Chỉ cần chậm nửa ngày là chúng tôi cũng đành bó tay. Một điều khác nữa tôi chỉ nói riêng cho mình ông. Cô Hà Liên hỏi tôi nhiều lần về tình trạng bệnh lý của ông. Tôi không hiểu liên hệ giữa cô ta và ông như thế nào nhưng tôi nghĩ rằng mặc dù tai nạn xảy ra bất ngờ cô ta chắc hẳn muốn người được quả tim của cô là ông chứ không phải một người bệnh khác. Toi không biết rõ nữa, nhưng lúc bàn cãi về vấn đề này với các bác sĩ khác, tôi có cảm giác rất mạnh về ước muốn của cô ta dù cô Hà Liên đã chết. Một điều gì đó đã thôi thúc tôi phải quyết định như vậy. Và sự thích hợp về loại máu của ông là cái cớ để tôi thuyết phục các bác sĩ khác để bằng lòng việc thay tim cho ông. An thấy nhói ở ngực. Tim chàng, không, quả tim của Hà Liên đã mường tượng ra sự thể nhưng nghe chính bác sĩ Stevenson, người bác sĩ mổ thay tim cho chàng, chàng mới biết đích xác hẳn. An nghĩ đến những giấc mơ của chàng và chàng bàng hoàng. Hà Liên đã trở thành một phần của thân thể chàng, sống với chàng từng giây từng phút và cho chàng sự sống, giật chàng khỏi tay tử thần đã đứng đợi trước ngưỡng cửa. Nàng đã cho chàng tặng phẩm của tình yêu đích thực, cho chàng tình yêu kỳ diệu và lạ thường của nàng, chất chứa trong quả tim nàng, để biến thành chính quả tim chàng và tiếp nối sự sống cho cả hai người. An lặng người trước sự rộng lớn, bao la và sâu thẳm của tình yêu của người nữ sinh tật nguyền hơn 20 năm trước, chàng cảm thấy mình không xứng đáng với một tặng phẩm như vậy. Hà Liên đã cho chàng sự sống của nàng, cho chàng tình yêu của nàng để tiếp tục sự sống cho chàng và chàng đã không hề hay biết. An hít một hơi dài, tim chàng, tim Hà Liên trở lại nhịp đập bình thường. Ánh sáng từ khung của hắt vào căn phòng như bừng lên dọi vào mặt chàng. An bỗng dưng thấy một cảm giác bình yên lạ lùng. Chàng chợt nhớ đến những giấc mơ của chàng mỗi đêm. Hà Liên đã cho chàng tình yêu kỳ diệu của cả cuộc đời nàng và tiềm thức chàng đã đáp ứng, để chàng sống với nàng mỗi đêm trong những cơn mơ, để dâng hiến lại tình yêu cho nàng, cho một đời sống mới giữa chàng và nàng. An chợt thấy tâm hồn phủ đầy, những giấc mơ không còn là một đe dọa hay ám ảnh nữa và từ quả tim, những cảm xúc dâng lên ào ạt như một luồng sóng đổ, những hình ảnh của giấc mơ trở lại trong ý thức chàng, rõ rệt, sáng ngời. An biết rằng từ đây mỗi đêm chàng sẽ đi vào trong giấc ngủ yên lành để tiếp tục đời sống của Hà Liên và chàng, hòa hợp làm một như quả tim của chàng, của Hà Liên, mãi mãi sống trong một tình yêu bất diệt. Nguyễn Đình Phùng