- Chào anh Chiến, lâu lắm mới được gặp lại anh, Bình vui vẻ bắt tay bạn mình đang ngồi trầm ngâm ở một quán cóc bên đường.- Mừng thấy lại anh. Lâu rồi chúng mình ít có dịp chén thù chén tạc với nhau như ngày xưa, nói chuyện việc đời, phê phán tự do choảng nhau tùy ý.- Nhớ thời kỳ trước kia, bạn bè chúng ta lúc nào rảnh rang cũng đưa đề tài ra tranh luận, ai cũng bảo vệ cho đến cùng quan điểm của mình có lý, không ai chịu thua ai. Buồn cười nhất tên anh là Chiến nên luôn luôn ủng hộ ưu điểm chủ chiến và bênh vực khuyết điểm phe nầy. Tôi thì một lòng một dạ với hòa bình. Napoléon 1er đã chẳng nói: « Muốn có hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh. ». Vậy là sự có mặt của người nầy tất có liên quan đến người kia, phiên anh rồi thì lại tới tôi và ngược lại. Phải có anh mới có tôi, không có tôi ai chẳng biết anh là ai.- Ðiều khác nhau là anh tượng trưng như ân nhân, người cứu độ, tôi kẻ gây tội ác, anh là phúc thần sứ giả của an vui hạnh phúc tôi nhà độc tài đầu sỏ gây tai ương, lưới hái tử thần chết chóc xâm lăng. Quan niệm đó có hoàn toàn đúng không?- Thật ra từ trước đến nay đó là hai biểu tượng đối nghịch, địch thủ không đội trời chung tượng trưng là Chim Ưng Bồ câu, mưu mô gian xảo như Tào Tháo và đại trượng phu Quan công,…Phạm vi hoạt động của chiến tranh bao trùm nhiều lảnh vực và với sự tiến bộ văn minh của thế giới lan dần mọi địa hạt khác như siêu nhiên, tôn giáo, văn hoá, tâm sinh lý, môi trường rồi kinh tế. Ðể gây cao trào toàn thế giới ta thấy có mặt bao ‘dòng tộc’ chính trị như Tư bản, Ðế quốc,Cộng sản, thể chế Cộng hòa, Quân chủ, Dân chủ, xếp giai cấp hạng giàu nghèo kém mở mang. Rồi lại leo thang lên, mạnh ai nấy thi đua không ai nhường ai, khai thác khắp cùng đất núi rừng biển cả, sa mạc tuyết băng, thám hiểm không gian hành tinh tranh nhau tìm đất mới. Ðể bảo vệ hay đúng hơn để biểu dương lực lượng, dụng cụ vũ khí tối tân càng ngày càng cơ giới khoa học siêu vi hoàn hảo hiệu lực hơn, kẻ cả nước giàu hay nghèo.- Không phải tôi bào chữa cho chiến tranh, nhưng mọi việc đều có hai mặt tích tiêu, ưu khuyết. Xét cho cùng chúng ta cũng không thể tự sinh, tự hiện hữu mà chỉ là sản phẩm trí óc của con người, được đặt tên rồi hà hơi vào biến thành hành động như từ tác phẩm văn chương chuyển thành bộ phim vậy thôi. Chúng ta cũng chỉ là con cờ mà các bộ chỉ uy đối thủ toàn là kỳ vương khi có thật, hạng tài tử, khi tự phong tự xưng tạm thời. Mục tiêu đạt được tất yếu là do bộ óc sáng kiến ý thức của người chủ chốt mạnh hay yếu chủ trương hòa hay chiến. Chỉ vì lòng tham lam ích kỷ quá khích, đố kỵ, tự tôn mới biến chiến tranh thành công cụ xâm lăng cướp bóc giết chết lẫn nhau. Thói thường con thú mới giết nhau vì miếng ăn, đói ăn còn con người siêu việt hơn, thật là nghịch lý, lại không bao giờ « thương người như thể thương thân » mà tìm cách mọi cách để tiêu diệt nhau thường vì dư ăn.Thật ra trong vũ trụ luôn luôn có dòng luân lưu năng động bất tận thường xuyên trường kỳ ở mọi mặt hữu hay vô hình. Ðâu đâu cũng có nguồn chảy không ngừng, sinh hoạt kiến tạo và phá hủy, cuốn hút rục rịch nhúc nhích động đậy, cuộc chiến mất còn nầy xảy ra khi ta có cảm nhận được khi hoàn toàn không thấy. Trong đời sống con người cũng chẳng khác, muốn sinh tồn tất phải có sự tuần hoàn liên tục, cuộc vật lộn trên mọi mặt thường xuyên không ngừng nghỉ. Hết thở mới hết còn tranh đấu, chứ còn hấp hối vẫn cố ‘vật lộn với Tử thần’.Thế đó phải chăng là bản năng của mọi sinh vật để sống còn sao? « Terre, tu redeviendras terre », thuyết luân hồi nhân quả chẳng hạn là bằng chứng không những cuộc chiến chỉ có tính liên hoàn thành vòng lẩn quẩn triền miên mà còn không đứt đoạn như ta thường cho rằng chết là chấm dứt.- Nhìn qua dòng lịch sử thế giới, nhờ kinh qua bao cuộc chiến, bao sáng kiến phát minh sưu tầm khoa học kỷ nghệ vĩ đại mở rộng bao trùm mọi địa hạt. Không thể tưởng tượng được bộ óc nhỏ bé của con người sao mà không cùng không cạn sáng tạo, tiếc rằng cái Tâm con người khó dứt nợ trần gian không làm chủ nổi cái ‘ tính bổn thiện’ mà thôi.- Anh có thấy con người ta cũng độc đoán bất công vô lý khắt khe. Oái oăm hơn là không khoan dung vì định kiến, dốt nát, tự cao tự đại tự tôn vinh, đố kỵ, ích kỷ, hèn nhát không dám sửa sai nhận khuyết điểm, bám chặt địa vị, hận thù dai, tự kỷ ám thị, nếu thành phần nầy thuộc giai cấp lèo lái, cầm cân nẩy mực thì mang tai họa cho người dân lành.Hơn thế nữa chống lại mặt tiêu cực xã hội là xấu à? Ðối với việc xâm lăng, lấn cướp đất, bổn phận của mỗi công dân là phải chiến đấu cho đến cùng không khoan nhượng. Thế mà vẫn có quái tượng « cõng rắn cắn gà nhà ». Mặt trận đời rộng bao la vô hình thế mà chỉ có chệch một tí quá khỏi lằn mức qui định là có sự khấp khểnh không ăn khớp với nhau rồi huống hồ nhắm mắt không chống ngăn để vết dầu lan ra rồi không tài nào nguyên sạch hóa được. Ngay cả các nhà tu cũng phải phấn đấu ngày đêm để có tâm an lạc chứ, ăn chay diệt dục, đọc kinh thiền định tĩnh tâm. Ưu điểm của chiến tranh chỉ có thật khi vì cứu cánh hòa bình xây dựng phát triển, hòa đồng bình đẳng, tình người.Anh đừng tưởng hòa bình với kẻ thù mạnh hơn mình, kẻ cuồng tín, quá khích, phản bội, tàn ác là có sự thông cảm nhượng bộ, chia sẻ, nếu hễ họ tát má nầy thì tình nguyện đưa tiếp má kia. Cái túi tham vô cùng, lòng ham muốn, cao ngạo như con ngựa bất kham bất chấp cái tinh túy của chân thiện mỹ trong con người biến kẻ ngu muội mà đáng buồn hơn là cả lương tâm thành phần thông minh cũng bị mà mắt trở thành tàn khốc hơn dã thú. Con chó sói còn biết sống đàn bầy, bảo vệ gia đình và lãnh địa chiến đấu một mất một còn trước bất cứ sự tấn công nào dù lực lượng hai bên không cân bằng nhau. Con thú giành giật giết chóc vì bản năng sinh tồn tự nhiên, còn chúng ta siêu đẳng hơn mọi mặt thế mà lại tàn bạo, mưu độc, tàn nhẫn hành hạ sinh sát nhau không tiếc thương.- Chiến tranh chủ yếu là phá vỡ tiêu diệt gây hận thù, chết chóc. Không ai nhớ đến điểm tốt của chiến tranh như anh hùng hồn biện hộ, vì hậu quả khủng khiếp tàn khốc sau cuộc chiến khó mà lường trước được. Bao thứ đáng lý được bảo tồn phát triển lại tiêu tan, bao mất mát không thay thế được, nền chính trị lung lay bấp bênh, kinh tế khó vươn lên.Thiên tai hằng năm cũng có làm thiệt hại nhưng không đáng kể so với sức tàn phá mọi địa bàn đời sống xã hội tâm linh do chiến tranh. Hạn hẹp nhất nội chiến nồi da xáo thịt trong một nước thôi cũng làm đình trệ sự tiến bộ, mất mát người của, xáo trộn sinh tâm lý bao thế hệ, giai tầng người dân.Từ ngàn xưa cho tới ngày nay, anh Chiến ơi, anh chỉ thay đổi chiêu bài thôi như mang mặt nạ mới, anh lợi dụng thế lực mạnh để xâm lăng bắt nhường đất đồng hóa, cai trị. Không từ bỏ chính sách chiến lược thủ đoạn nào có lợi cho mình, bất chấp cả thánh thần thiên địa nên có chiến tranh tôn giáo, chẳng kể đến đạo lý làm người vì quyền lợi riêng giữ thế ngôi cao.- Vậy theo anh, muốn có hòa bình thì phải làm gì? Con đường nào ngắn nhất?- Dẫn chứng Việt Nam ta, suốt con đường lịch sử dân ta đã trải qua bao cuộc chiến hòa, từ cuộc thương lượng, dù thắng đẩy lui địch, để xin triều cống hằng năm, cho đến sau nầy với tổ chức quốc tế Liên Hiệp quốc, bao thỏa hiệp, hoà đàm, hòa ước, đình chiến, anh có thấy hòa bình an vị lâu được chưa? Tính hiếu chiến tham sinh bất tử và háo thắng hám danh vị lợi ích kỷ tột độ cộng thêm óc sáng tạo vô biên ngự trị ở con người, anh biết rõ quá đi chứ, nó khôn ngoan quỉ quyệt không biết « Ra vào sượng mặt, nói năng ngại điều » đâu.Hơn thế nữa, chiến tranh đủ mánh khoé quỉ khốc thần kinh, tài nhả ngọc phun châu của kẻ bé miệng trong việc ngoại giao như « đàn gảy tai trâu » thôi, nuốt lời hứa Cuội, « đi đêm » mưu mô bán nước không cần văn tự, đội mũ mang hia gióng trống phất cờ thủ vai nay chính mai phụ, lúc phúc thần lúc gian manh độc tài thật trọn vai, xuất thần bất cần đến hậu quả điêu linh. Bằng chứng hiển hiện nhất là cho đến thế kỷ thứ 21 nầy rồi mà chiến tranh có chấm dứt đâu, Ðông vừa ngầm ngầm êm dịu, phía Tây cao trào thay đổi, nó giống con ròng rọc, cái bông vụ luân lưu nơi nầy sang nơi khác, nay hiện mai ẩn, khó truy khó kích!- Hòa bình không phải là món quà biếu cũng không phải là do sự giàn xếp quốc tế vì ngay chính những nước thành viên Liên Hiệp Quốc cũng có ý đồ quyền lợi riêng. Vì hòa bình rất quí báu nên phải trả đắt giá, quyết liệt đấu tranh mới có, có rồi vẫn phải tiếp tục kiên trì duy trì không ngừng gìn giữ tránh nội chiến nồi da xáo thịt. Không có con đường nào dễ dàng hết đâu anh.- Nhưng anh cũng nhận thấy rằng bản tính con người « nhân chi sơ, tính bổn thiện » mà cái miệng lại đòi ăn. Do đó phe chủ chiến các anh không từ bỏ chiến thuật chiến lược nào mang hậu quả có chiều hướng tốt cho mình bất kể hậu quả thảm khốc thế nào kể cả hai bên. Một ưu điểm tôi thấy rõ ở anh là chiến tranh quả là điển hình chu kỳ thay đổi tương phản,cân bằng mất còn, không có gì bất diệt vĩnh cửu trên đời nầy mà thôi.Ðể kết luận và chứng minh sử kiện tái diễn và leo thang luôn theo thời đại, xin dẫn chứng qua cuộc đối thoại giữa nữ anh hùng dân tộc Pháp thế kỷ thứ mười lăm Jeanne d’Arc với vị sĩ quan chỉ huy tùy tùng góp ý với Bà nên tuyên bố thế nào để kích động tinh thần ba quân chiến sĩ khi tiến về Paris.Theo ông, lúc bấy giờ không nên kêu gọi đến bổn phận, lòng yêu dân thương nước một cách cao siêu để giải phóng thủ đô mà nói hoạch tẹt ra, « terre à terre » trần tục, cụ thể, thực tế trắng trợn, đánh động mạnh vào lòng ham muốn thấp hèn của con người như ‘ Chúng ta nhất định phải chiến thắng bằng mọi giá vì Paris là thành phố giàu có nhất nước. Chiếm thủ đô là vì tại đây chúng ta sẽ có tất cả gì ta muốn tài sản vinh quang trong tầm tay. Tiến về thủ đô ta tiến về thủ đô hỡi các chiến sĩ anh hùng! Chiến thắng ắt phải về chúng ta. Nói như thế mới động kích được lòng quả cảm hy sinh đến tột cùng ’.Jeanne d’Arc điềm nhiên trả lời: « C’est le dernier des hommes » (Ðó là người cuối cùng của nhân loại).Trần Thành Mỹ