Nhà Y ở trên đỉnh đồi xưa kia nhìn xuống một thung lũng thật lớn có tên là Nam Đại Cốc, nhưng nay đã mọc lên những khu nhà ở đông đúc trên đỉnh đồi lẫn ở dưới chân đồi. Từ ga đi vào nhà Y có hai cách. Hoặc ra khỏi nhà ga, cứ thế đi dọc theo đường rầy. Bên này đường rầy là đường nhựa rộng đủ hai giòng xe chạy ngược chiều nhau, nhưng chỉ có một lề đường dành cho người đi bộ sát với hàng rào ngăn cách đường dành cho xe hơi với đường rầy. Đường rầy chạy càng đến gần nhà Y càng đi xuống dốc. Đường dành cho xe hơi thì đi dần lên đồi cao, nên người ta mới phải làm hàng rào cản như trên đường đèo. Bên kia đường rầy là công viên rất rộng và có lẽ xưa kia cũng là một thung lũng mọc đầy rau cần, nên mới có tên là Seri ga ya hay Cần Cốc. Đi dọc theo đường rầy về nhà được ngắm cảnh bốn mùa trong công viên bên kia đường, mùa này có thể nhìn thấy những ngọn cây hoa anh đào hồng nhạt gần như trắng xóa. Chỉ có điều là vì chỉ có một lề đường duy nhất dành cho người đi bộ, nên khách bộ hành đi về hướng nào cũng phải đi cùng trên một vỉa hè.
Một cách thứ hai để đi về nhà, đó là khi vừa ra khỏi nhà ga vài chục thước liền rẽ sang bên trái, để đi theo con đường lớn, hai bên đường có nhiều cửa hàng, rồi tòa thị chính, các công sở. Con đường này có vỉa hè rộng rãi ở hai bên đường, trên vỉa hè có cả một hàng cây bạch quả cao vút, và giậu hoa đỗ quyên thấp ở dưới các gốc cây bạch quả. Xe buýt trong thành phố chạy trên đường này, nên khi chỉ đường cho xe tắc xi chỉ cần nói " Xin về đường xe buýt ". Xong vì trên đường còn có sở cứu hỏa, nên cũng có khi người tài xế tắc xi hỏi lại " À, Đường Sở cứu hỏa phải không? ".
Trên Đường Sở cứu hỏa này, sau khi qua khỏi sở cứu hỏa một quãng, sắp đến gần nhà Y, có một hiệu bánh ngọt tên là hiệu Wakabado, viết chữ Hán là Nhược Diệp Đường, tức là Hiệu bánh Lá Non. Hiệu ở ngay ngã tư của con đường nhỏ hơn từ trong khu phố dân cư có tên là Nakamachi chạy ra cắt ngang đường xe buýt. Đối diện với Nhược Điệp Đường, có một tòa biệt thự rất lớn, có lẽ xưa kia là cơ ngơi của một phú nông hay hào nông trong vùng, mà ở góc vườn còn có một cây anh đào cổ thụ, cành lá vươn ra ngoài mặt đường. Hơn nữa trong vườn của tòa biệt thự ấy còn có bóng dáng của một cái cổng sơn son màu đỏ của các đền thờ thần đạo. Y đoán đó là đền thờ thần cây anh đào. Thế là tình cờ mà trước hiệu bánh Nhược Diệp Đường lại có một cây anh đào. Từ Sở cứu hỏa đi tới hay từ nhà Y đi ra đều trông thấy cành lá xum xuê của cây anh đào vươn ra che kín cả mặt đường. Một cây anh đào cổ thụ trước cửa một hiệu bánh Nhật, thật không có cảnh nào đẹp hữu tình đến thế.
Bởi vậy mỗi khi mời khách tới nhà chơi, Y thường chỉ cho khách đi theo cách thứ hai này, tuy rằng có thể xa hơn vài phút vì phải chờ đèn đường ở ngã tư gần tòa thị chính, một ngã tư lớn vì có Kamakura Kaidou ( Nhai đạo Kamakura )cắt ngang đường xe buýt. Nhai đạo Kamakura là một con đường có từ thời đại Kamakura vào thế kỷ thứ 13, đi về thành phố Kamakura thơ mộng còn có tên gọi là một cố đô thu nhỏ của Nhật bản. Ngày xưa hẳn đã có biết bao lữ khách vai đeo bị tay nải, đầu đội nón lá, mình khoác áo tơi, đi theo nhai đạo này để tới Kamakura, nơi có phủ chúa Minamoto no Yoritomo, và dọc đường cách đó không xa có một quán nước bán trà bánh. Phải chăng đó chính là tiền thân của hiệu Nhược Diệp Đường dưới bóng cây anh đào nay đã gần ngàn tuổi.. Dĩ nhiên đây chỉ là những điều trong trí tưởng tượng của Y, đã phác họa ra khi đi tìm nhà và là một trong những lý do khiến Y muốn mua nhà ở đây.
Khi con còn bé, ngày ngày đi chợ Y thường đẩy chiếc xe chở con đi theo ngã hiệu bánh Nhược Diệp Đường có lề đường rộng rãi, đi qua cửa hiệu bánh. Mùa xuân đầu tiên được ngắm cây anh đào nở hoa, thật là hạnh phúc.Y rối rít gọi chồng cùng đi ra chụp ảnh trước cửa hiệu bánh, với cây anh đào nở hoa phía sau lưng. Hiệu Nhược Diệp đường bán các loại bánh Nhật điển hình như mọi hiệu bánh Nhật khác, nhưng chồng Y thích bánh Yakushi-ike của hiệu này nhất. Đó là loại bánh monaka, có nhân đậu đựng trong một cái vỏ bánh mỏng giống như bánh kẹp.Tên Yakushi-ike hay Dược Sư Trì chính là tên một vườn hoa nổi tiếng của thành phố xưa kia là vườn thuốc của một người thầy thuốc, giữa vườn có một hồ nước rất rộng, cảnh đẹp hữu tình. Lâu lâu Y lại ghé Nhược Diệp Đường mua bánh Yakushi-ike cho chồng.
Ở đây cũng có các loại bánh khảo, bánh thạch, bánh trôi, bánh chay, bánh hấp, bánh đậu. Bánh khảo của Nhật làm bằng bột gạo và đường, được in thành những cái bánh nhỏ hình cánh hoa, chiếc lá, chỉ bé bằng cái kẹo, ngậm vào miệng liền tan ngay, rất dễ ăn. Bánh thạch thì nấu bằng thạch với đường mạch nha, rất dẻo và khô ráo, cũng có hình dáng như những miếng pha lê trong suốt xinh xắn đủ mầu. Bánh hấp gần giống như bánh bao nhưng có nhân đậu, bánh trôi không nhân ô đangô, bánh chay ôhagi bọc bằng nhân đậu đỏ chứ không không phải là nhân đậu xanh. Ngày mồng 5 tháng 5 lễ mừng con trai, Nhược Diệp Đường bán bánh kashiwa mochi bằng nếp có nhân đậu gói trong chiếc lá kashiwa ướp muối.
Các loại bánh Nhật nói chung, chỉ trừ bánh thạch và bánh khảo vừa kể, hầu hết làm bằng đậu trộn đường, đều ngọt quá là ngọt, hình như chất đậu càng làm cho vị ngọt của bánh tăng lên gấp bội, có vẻ ngọt hơn cả đường nguyên chất. Y còn nhớ mãi nét mặt nhăn nhó kêu "Ngọt quá " của bà Nakamura chủ nhà trọ cũ, mỗi khi có ai đem bánh đến biếu. Bà Nakamura thường chỉ ăn thử một cái, rồi đẩy cả hộp bánh về phía Y, ý muốn bảo Y ăn hết đi dùm bà. Nhưng Y cũng chỉ nhón lấy một cái rồi lắc đầu đẩy hộp bánh trả lại cho bà.
Khi con được ba tuổi bắt đầu đi mẫu giáo, cũng vào ngày khai giảng của vườn trẻ, Y mới biết ngoài bánh kashiwa mochi, có một loại bánh Nhật ngọt vừa phải thôi. Vào ngày nhập học này, vườn trẻ của con Y đã phát cho mỗi em bé mới đi vườn trẻ lần đầu một hộp bánh có hai chiếc, dường như làm bằng bột nếp, một cái màu trắng và một cái nhuộm màu hồng như cánh hoa hải đường. Đó là hai màu hồng bạch tượng trưng cho sự vui mừng của người Nhật. Thoạt nhìn tưởng chỉ là bánh dầy vô vị, mà nào ngờ ăn thử thấy có vị ngọt giống hệt bánh dẻo trung thu, tiếng Nhật gọi là su-ama. Y nghe tên ngẫm nghĩ rồi tự nhủ " À, su-ama có lẽ có nghĩa là bánh nếp ngọt, mà là bánh suông không có nhân ở trong ". Lâu nay cứ đến trung thu khi nào Y cũng đi mua bánh nướng ở phố Tàu Yokohama, nhưng không thể nào tìm đâu ra bánh dẻo. Nay biết được bánh su-ama này rồi, Y mừng qúa vì từ nay Y chỉ cần mua bánh su-ama, cho vào khuôn bánh trung thu in ra là có bánh dẻo. Y còn nghĩ bụng khi nào sẽ muối trứng gà, và lấy lòng đỏ trứng muối làm nhân bánh dẻo nữa cho đẹp.
Con Y có vẻ thích bánh su-ama phát vào hôm lễ nhập học, nên từ đó thỉnh thoảng Y thường dắt con ra hiệu Nhược Diệp Đường mua bánh. Dạo này Nhược Diệp Đường lại dành ra một góc hiệu làm thành trà thất, ba mặt tường vách gỗ trang trí thật trang nhã na ná giống như trà thất dành để cử hành nghi thức trà đạo, tuy nhiên ở đây người ta để một bộ bàn ghế gỗ chứ không lát chiếu tatami như trong trà thất. Y thường mua một đĩa bánh su-ama cho con. Hiệu bánh sẽ bưng ra một chiếc bánh xinh xắn đặt trên chiếc đĩa nhỏ, có chiếc nĩa để xắn bánh làm bằng một mảnh gỗ nhỏ, kèm theo một chén trà xanh. Trên bàn thể nào cũng có một bông hoa nhỏ cắm trong chiếc bình thấp nhỏ. Y chậm rãi uống trà hồi lâu chờ con ăn xong chiếc bánh. Cậu bé con cũng vừa cắn từng miếng bánh nhỏ ăn chậm rãi. Nhân viên hiệu bánh là mấy bà Nhật đứng tuổi, hay ông chủ còn trẻ của hiệu bánh thỉnh thoảng dòm vào phòng hỏi chuyện cậu bé con
-Bé thích bánh su-ama hả? Bánh ngon không?
Chủ nhân thực sự của Nhược Diệp Đường có lẽ đã ngoại lục tuần, có dáng dấp một người thợ cả khắc khổ. Trái lại người con trai trưởng được gọi là Wakadana- ông chủ còn trẻ - khoảng ba mươi tuổi, dáng người cao lớn mà hơi phốp pháp, khuôn mặt tròn xoe, khiến Y thường liên tưởng đến khuôn mặt búp bê kiểu Nhật. Dường như anh ta mới cưới vợ chưa có con, nhưng có vẻ như rất thích trẻ con, thường hay ân cần với con Y, cậu bé khách hàng tí hon của hiệu bánh. Đôi khi anh còn tự ý tặng thêm cho cậu bé vài cái bánh su-hama xinh xinh nhỏ như cái kẹo hay đôi khi cả một cái bánh manju.
Mùa hè qua rồi sang thu, trời mát dần, Y thường đi qua hiệu Nhược Diệp Đường hơn, chờ xem hôm nào thì trước cửa hiệu có để một chiếc vại sành lớn cắm đầy hoa lau và hoa rindo thì biết hôm ấy đúng vào ngày rằm trung thu. Khách vào mua bánh trôi bày cỗ ngắm trăng đều được tặng hoa lau và hoa rindo, muốn lấy bao nhiêu cành tùy thích. Qua rằm trung thu sẽ đến tháng 11 có lễ Shichigosan, tức là lễ mừng những trẻ em đã lên ba, lên năm và lên bảy tuổi. Ngày ấy hiệu bánh thường bán những thanh kẹo kéo chiyoame đựng trong phong giấy rất trịnh trọng, kẹo này cho trẻ ăn để cầu cho được khỏe mạnh sống lâu, bởi chiyo là cách đọc chữ Thiên Đại.
Năm tháng trôi qua, mỗi mùa lại có một dịp lễ lạc để Y đến mua bánh cho con, thì lại được người chủ trẻ tuổi giải thích về từng loại kẹo bánh của hiệu. Không chỉ mua bánh cho con, Y cũng thích vào hiệu xem ngắm nghía những chiếc bánh làm bằng đậu tuyệt đẹp gọi là namagashi, là bánh ăn liền không để lâu được. Mỗi hiệu bánh có những namagashi riêng của hiệu, biểu lộ tài năng của người chủ hiệu. Ông chủ hiệu bánh nay đã lớn tuổi, theo lời wakadana tức người con trai kể lại thì lúc còn trẻ ông đã đến học ở một hiệu bánh tại cố đô Kyoto, và có học cả môn họa Nhật bản. Thảo nào mà mỗi chiếc bánh namagashi của Nhược Diệp Đường quả là một tác phẩm nghệ thuật, và mùa nào thức nấy. Vào tháng ba, khi những hoa anh đào còn chưa hé nở, Nhược Diệp Đường đã bày những chiếc bánh ửng hồng màu cánh hoa anh đào. Tuy nói mùa nào thức nấy, nhưng thật ra tháng ba hoa anh đào chưa nở mà hiệu Nhược Diệp Đường đã bày bán bánh hoa anh đào, là vì người sành điệu bao giờ cũng đón mùa sớm hơn người khác, tương tự như trai thanh gái lịch ở thủ đô vẫn thường khoác lên người những kiểu áo mới sớm hơn bất cứ ở thành phố nào trên toàn quốc. Sang tháng tư bánh có màu xanh của lá non vừa nhú trên cành. Tháng năm bánh có những sợi thạch trong suốt vắt ngang tượng trưng cho mùa mưa mai vũ trong tháng sáu sắp tới.Cứ thế, từng chiếc bánh thể hiện cho cảnh sắc bốn mùa xuân hạ thu đông, thực sự là những tác phẩm điêu khắc tí hon làm bằng bột và đường. Người thợ càng khéo tay và có tâm hồn nghệ sĩ thì chiếc bánh càng có vẻ đẹp thanh thoát. Wakadana của Nhược Diệp Đường dáng người cao lớn, bàn tay to rộng bản, thế mà những chiếc bánh của anh mới đẹp và thanh nhã làm sao. Ở những hiệu bánh trong siêu thị thường bày bán những chiếc bánh nặn hình hoa lá cũng rất khéo, cúc nhìn ra cúc, đào nhìn ra đào. Thế nhưng bánh của hiệu Nhược Diệp Đường không mang những hình dáng cụ thể như thế, mà chỉ có những màu sắc và dáng dấp tượng trưng cho cảnh sắc bốn mùa. Trên chiếc bánh ấy có thể đang có một đỉnh núi tuyết ửng hồng dưới ánh thái dương, một vầng mây nhạt bay ngang đỉnh núi, một hồ nước trong vắt mát rượi giữa buổi trưa hè. Nhìn chiếc bánh mà tưởng như có cả một rừng thu phong rực đỏ trước mặt, như nghe thấy tiếng lá khô vang lên xào xạc dưới gót chân nai.
Một mùa xuân nọ qua đầu tháng tư, khi những cánh hoa anh đào rơi lả tả thành từng bè hoa trôi trên những giòng nước hay biến mọi ngả đường thành những chiếc thảm màu hồng nhạt, Y bắt gặp wakadana đang ngồi phác thảo từng cánh hoa trên cuốn tập vẽ của anh. Có lẽ vì biết Y là người nước ngoài, anh không ngần ngại cho Y xem những ký họa khác trong cuốn tập vẽ ấy. Mỗi trang đều có những bức ký họa từ chân phương cho tới cách điệu, cho thấy được những ý tưởng độc sáng của anh. Thảo nào mà những chiếc bánh của anh khác hẳn với của những người thợ khác. Trong những trang vẽ hoa anh đào, Y thấy có cả hình chiếc cổng đỏ của ngôi đền thờ nhỏ dưới gốc cây anh đào trong vườn nhà bên kia. Bất giác anh chỉ vào chiếc cổng đền ầy mà bảo
-Đây là ngôi đền hộ mạng của hiệu bánh chúng tôi. Ông tổ của chúng tôi trước kia ở dưới chân núi Isehara cũng là khu suối nước nóng Tsurumaki-Onsen nổi tiếng, một ngày nọ đem bánh đến dọn trong tiệc trà của Trường Kiến Tự ở Kamakura, lúc trở về theo Nhai đạo Kamakura đến đây định rẽ vào Cần Cốc xem rau cần, thì thấy nơi đây có cây anh đào đẹp quá, mới chọn địa điểm để mở hiệu bánh.
Y gật đầu tán đồng với câu nói này của anh ta, và được dịp kể lể về chuyện mình hay chỉ đường cho khách đến nhà chơi đi theo lối này qua gốc anh đào và qua cửa hiệu Nhược Diệp Đường.
Wakadana liền lịch sự cảm ơn Y đã quảng cáo cho hiệu bánh của anh, và hãnh diện chỉ cho Y xem tấm biển treo phía bên phải cửa hiệu có ghi giòng chữ " Ngự Dụng Quả Phố "cho biết là bánh của Nhược Diệp Đường đã từng được dọn trong tiệc trà của hoàng gia.
Anh cũng cho Y biết vì có lúc túng quẫn nên dòng họ của anh đã bán bớt thửa đất bên kia dưới gốc cây anh đào cho người khác. Nhưng dù sao thì cây anh đào ấy vẫn còn mãi mãi ở đó, như hình với bóng trên mái của Nhược Diệp Đường

°

°
Từ khi con lên tiểu học Y thường đưa con ra ga đi học sớm nên đã lâu ngày không còn đi theo ngã Nhược Diệp Đường, mà thường đi theo đường rầy cho mau. Y cũng không còn hay đi mua bánh ở Nhược Diệp Đường, vì con nay thích nhiều loại bánh kẹo khác chứ không chỉ còn thích su-ama nữa. Bánh Yakushi-ike ngon nhưng làm toàn bằng đậu và đường, Y cho là ngọt quá, khuyên chồng nên bớt ăn ngọt, vì vậy Y cũng không còn đi mua bánh, tuy biết rằng thỉnh thoảng chồng viện cớ đi dạo vẫn ra Nhược Diệp Đường tự tay mua về vài gói.
Một hôm Y thấy ông bà nhà hàng xóm khuân về một thân gỗ khá lớn, như thể là một khúc cây vừa được cưa ra từ một gốc cây tươi nào đó. Y trầm trồ khen thân cây gì mà lớn thế, liền được bà hàng xóm giải thích:
-Ô thế bà không biết ư? Cây anh đào ở trước Nhược Diệp Đường cành lá sum suê vươn ra che khuất cả đèn đường mà chủ nhà không chịu tỉa bớt, bởi cũng phải thuê xe cần cẩu cắt dùm, tốn kém. Vì vậy mà mấy hôm nay họ đốn đi rồi. Mọi người đang đến xin mỗi người một khúc thân cây ấy về để trong vườn, làm mặt bàn hay các thứ đấy.
Y nghe vậy, sửng sốt chạy bổ ra xem, thì hỡi ôi chẳng còn thấy bóng dáng của cây anh đào đâu nữa. Như một phản xạ tự nhiên, Y lại vào hiệu Nhược Diệp Đường, có ý tìm ông chủ hiệu hay Wakadana để chia buồn, nhưng chẳng thấy bóng dáng anh ta đâu. Chỉ có mấy bà bán hàng, nghe Y tỏ ý ái ngại tiếc cây anh đào, họ kể lại đại khái rằng nếu được thì bên hiệu Nhược Diệp Đường cũng muốn bỏ tiền ra cắt tỉa cành anh đào hàng năm để khỏi phải đốn cây, xong làm như thế thì e rằng mất mặt chủ nhà bên kia, nên không dám ngỏ lời.
Góc đường từ dạo mất cây anh đào nhìn trơ trụi lạ thường. May mà còn hàng cây bạch quả trên vỉa hè, và hàng giậu hoa đỗ quyên dưới thấp, nếu không thì hiệu Nhược Diệp Đường nằm trơ trụi chẳng có cỏ hoa. Y thầm nghĩ từ nay mỗi năm cứ đến mùa hoa anh đào có lẽ Wakadana sẽ phải sang bên công viên để ngắm hoa và tìm ý tưởng cho tác phẩm vào mùa hoa năm sau.
Thời gian lại trôi qua, con Y nay đã sắp vào đại học. Nhà nào có thí sinh thì suốt năm ấy mọi sinh hoạt như quay cuồng theo các kỳ thi thử chuẩn bị cho kỳ thi nhập học vào đầu năm tới, giữa mùa tuyết đổ. May sao con thi đỗ ngay, Y cảm động chợt nhớ ngày nào lần đầu tiên đưa con đi học mẫu giáo và hai chiếc bánh su-ama hồng bạch mừng nhập học, liền vội ra Nhược Diệp Đường mua bánh. Vẫn hiệu bánh mọi khi, nhưng các bà bán hàng quen thuộc hình như đã nghỉ việc, thay vào đó là mấy cô gái trẻ. Trà thất ở góc hiệu nay đã bị phá bỏ để thay vào đó một chiếc tủ mới. Trên mặt tủ kính còn có để một loạt hình ảnh cắt từ tạp chí, nhìn kỹ thì ra đó là bài báo giới thiệu Nhược Diệp Đường, có hình người ký giả chụp với chủ hiệu đội mũ màu trắng của người đầu bếp. Nét mặt người ấy không trẻ không già, không phải là Wakadana, cũng chẳng phải là ông chủ hiệu. Y đưa mắt vào sau tủ bánh chỗ quầy gói bánh, có ý tìm người quen. Rồi cuối cùng Y cũng không đủ kiên nhẫn, buột miệng hỏi thăm
-Wakadana và ông chủ có khỏe không ạ?
Cô nhân viên vội vàng mời Wakadana ra, hóa ra đó là một người lạ.
Y không giấu được sự sửng sốt
-Ông là em của Wakadana trước đây à?
Người đàn ông trẻ tuổi ngập ngừng đáp
-Không phải ạ, chúng tôi là chủ mới. Chủ cũ đã nhượng lại cho chúng tôi cửa hiệu này.
Y vội vàng xin lỗi và mua vội vài chiếc bánh đoạn nhanh chân rời hiệu bánh. Lòng buồn man mác, chẳng hiểu vì sao mà có sự thay ngôi đổi chủ như vậy.
Về sau Y mới hỏi những người hàng xóm quanh nhà và mới hay Wakadana qua đời rất đột ngột đã mấy năm qua, vì đứt mạch máu. Người vợ còn trẻ, và ông bố thì đã già, cả hai đều buồn rầu không còn đủ sức lực và ý chí truyền nghề lại cho đứa cháu trai đích tôn còn nhỏ. Và thế là họ đành nhượng cửa hiệu này cho một người thợ phụ, đồng ý nhượng luôn cả thương hiệu Nhược Diệp Đường gia truyền gần hai trăm năm qua.
Năm năm hoa anh đào lại nở trên khắp nẻo đường. Cứ đến mỗi mùa hoa nở, nhìn những cánh hoa rơi trên mặt nước trôi bồng bềnh về nẻo xa, Y lại ngậm ngùi nhớ đến cây anh đào không còn nữa, cùng với những người chủ cũ của Nhược Diệp Đường, kẻ mất người còn nhưng chẳng biết nay đã lưu lạc về đâu.
Quỳnh Chi
( 23/5/2008)

Xem Tiếp: ----