Cho M.
 Sáng Chủ nhật. Trời trong và cao. Nắng xôn xao gọi người ta xuống phố. - Mình ra Ngũ Xã ăn phở đi anh - Rũ rũ mái tóc ướt, nàng ngồi xuống cạnh giường, lay vai Hoan.
Đáp lại lời đề nghị háo hức của vợ, Hoan co người như muốn trốn sâu dưới tấm chăn mỏng:
- Anh buồn ngủ quá. Hay em đi một mình.
Mất hứng. Nàng ngán ngẩm bỏ sang phòng thay đồ. Lát sau, cánh cửa khép lại, tiếng guốc nhỏ dần về phía cuối hành lang. Căn hộ chung cư tầng 6 nằm gần ngoại ô thành phố, phải đi ít nhất 5 km mới có hàng ăn sáng tàm tạm.
Nàng chuyển từ nhà công vụ về đây sau khi Hoan ly dị, một nửa số tiền bán nhà cũ đủ mua căn hộ này và làm một đám cưới mà không phải nợ nần. Hoan nhận nuôi bé Bống. Vợ cũ chạy ngay theo bồ cũ, chưa kịp mua nhà nên để đứa con gái lớn ở nhà ông bà ngoại.
Cách một tuần, Hoan đón con lớn lên chung cư cho chị em nó chơi với nhau 2 ngày nghỉ. Nàng không can thiệp chuyện thuộc về quá khứ của Hoan, nhưng cũng không ít lần phải bực mình với cái tính cố chấp vặt vãnh khi Hoan nói về vợ cũ.
Ăn xong tô phở mới 9 giờ sáng. Nàng nhìn nắng, chợt thấy tiếc nếu phải quay về giờ này. Những vòng xe vô định đưa nàng đến con ngõ quen thuộc. Cánh cổng sắt hoen gỉ rít lên kèn kẹt như một mụ goá cay nghiệt nhưng chỉ cần đụng nhẹ là mở toang ngay ra.
Dãy nhà trọ lười biếng trong giấc ngủ muộn, cửa phòng Phú khép hờ trễ nải. Căn phòng được khoảng 10 mét vuông, Phú đặt tivi lên nóc tủ lạnh cá nhân, xe máy chen bánh giữa bếp ga du lịch và đống tạp chí lộn xộn dưới sàn nhà. Chỉ còn chừa lại một lối đi nhỏ đủ để leo lên hai tấm ván ghép lại thành giường.
Trên cái giường mọt nghiến này, nàng cùng Phú xem những chương trình cuối tuần nhạt nhẽo, đút cho nhau từng mẩu bánh ngọt thay bữa trưa. Khi bánh hết, tivi phụt tắt, buổi chiều bao giờ cũng trôi qua hối hả đến rã rời. Nhưng hạnh phúc.
Phú đưa tay ngang eo lưng, kéo nàng đổ gọn vào lòng mình. “Em chưa chốt cửa”. Tiếng thì thào cảnh giác của nàng chìm nghỉm dưới cặp môi tham lam cuồng nhiệt. Nàng chỉ kịp gợn lên chút so sánh: Hoan chưa bao giờ hôn nàng theo cách đó... Rồi buông trôi…
Nắng chiếu theo phương thẳng đứng xuống mái nhà lợp brôximăng, căn phòng nhỏ trở thành một cái lò nướng lớn. Nàng tìm lại từng “phụ kiện” lăn lóc khắp giường trong tiếng càu nhàu của Phú: “Mặc làm gì em. Tí nữa lại mất công …”.
Chiếc đồng hồ sứt sẹo trên tường thả từng nhịp đếm mệt mỏi. Giờ cơm trưa nhắc nàng bổn phận làm vợ. “Em phải về. Anh dậy đi kiếm gì ăn kẻo đói”.
Phú không đáp lại nụ hôn tạm biệt của nàng, giận dỗi quay mặt vào trong. Nàng cười nhẹ trước phản ứng trẻ con của người yêu, cẩn thận khép cửa, dắt xe ra khỏi cổng một đoạn mới lên xe.
Cửa thang máy vừa mở, Hoan mặc quần soóc, may ô trắng, tay đeo găng cao su, cầm chai nước lau sàn và miếng mút dày “Anh tranh thủ lau thang máy. Để bẩn quá sinh ruồi muỗi mất vệ sinh lắm”. Nàng thờ ơ buông một tiếng “Vâng” rồi bước nhanh về nhà.
Mâm cơm đậy lồng bàn đầy đủ các món canh kho xào theo tiêu chuẩn cân bằng dinh dưỡng đột nhiên khiến nàng có cảm giác đầy bụng. Trong bữa ăn, có lúc nàng ngừng đũa, nhìn mái đầu nghiêng nghiêng của chồng, lòng đầy thắc mắc: Sao người ta có thể nhai nuốt kỹ lưỡng và nghiêm trang đến thế nhỉ?
Dạo này nàng thường về muộn, sau giờ làm, xách xe lang thang với cái đầu rỗng tuếch cho đến khi thành phố lên đèn. Về sớm cũng không được đụng tay vào việc gì. Hoan nghỉ từ 4 rưỡi, đi đón con rồi rẽ qua chợ Phú Thượng, theo anh, thức ăn ở đây bao giờ cũng tươi mà giá lại rẻ hơn Hòe Nhai.
Về, tắm cho con xong, quay ra cặm cụi lau hết nhà cửa bàn ghế mới yên tâm nhặt rau, thái thịt, vo gạo…Đúng lúc bắt đầu nhạc hiệu chương trình thời sự, nàng mở nắp nồi cơm, xới đầy hai bát sứ. Hoan dùng kéo cắt nhỏ rau và thịt, trộn đều trong cái bát phíp in hình Picachu, bảo nàng: “Em cứ ăn trước đi. Anh bón cơm cho con đã”.
Nàng lặng lẽ bưng bát, dán mắt vào màn hình tivi để khỏi phải trông thấy cảnh Hoan chu môi há miệng, vừa dọa dẫm vừa nựng nịu theo từng thìa cơm của con bé. Bống đã quen gọi nàng là mẹ, nó rất thích nghe nàng kể chuyện cổ tích. Chuyện “Tấm Cám” được nàng lược bỏ những đoạn dì ghẻ hành hạ Tấm và luôn kết thúc vào lúc nhà vua rước Tấm về cung làm hoàng hậu.
21 giờ, Hoan lắc thật đều 200ml sữa trong bình, chờ con uống hết, mặc bỉm và đưa con về phòng, ầu ơ ru… Hồi nàng mới về, con bé vẫn ngủ chung với hai người. Sau Hoan thấy bất tiện nên sắm thêm một cái giường nhỏ kê sang phòng bên cạnh.
Nằm ngủ, đêm nào Hoan cũng thấp thỏm, sợ con nằm sát màn quá muỗi đốt đỏ tay, sợ con đạp chăn ra sẽ cảm lạnh… Chỉ cần nghe tiếng con cựa mạnh là nhổm phắt dậy khiến nàng cũng tỉnh giấc theo, không tài nào ngủ lại được.
Bực quá, nàng gắt: “Anh cứ cho con ngủ bên này hoặc ngủ luôn bên đó cũng được. Cứ chạy qua chạy lại thế này em cũng mất ngủ theo”. Hoan mang bộ mặt sầu khổ mất mấy ngày vì nghĩ nàng định kiến “mẹ ghẻ con chồng”. Cực chẳng đã, nàng xin đổi lịch trực cuối tuần, đưa Bống sang làng gốm Bát Tràng tô tượng, ai cũng khen con gái xinh đẹp dễ thương, nhưng sao chẳng giống bố, cũng không giống mẹ chút nào.
Hoan cười thầm thì với nàng: “Vì nó giống mẹ của nó chứ sao”. Chiều về, nàng mua một cái bị cói to cho con bé mang theo cả đống chó mèo, gà lợn tô màu loè loẹt mới khiến Hoan hớn hở trở lại.
Sống với Hoan, nàng luôn thấy mình thừa quá nhiều thứ: thừa thời gian, thừa những câu đùa cợt, thừa luôn cả vai trò làm vợ của mình. Nhưng không có lý do gì mà trách giận, cũng chẳng có hứng mà làm mình làm mấy, vì lúc nào Hoan cũng tỏ ra chu đáo, đúng mực.
Mọi thứ diễn ra theo một quy trình chặt chẽ, từ việc thức ngủ, ăn uống cho đến sinh hoạt vợ chồng…Nàng được tôn trọng và tin tưởng tuyệt đối, có lẽ nhờ bộ đồng phục nàng khoác lên người mỗi buổi sáng đi làm. Chỉ riêng tên cơ quan nàng cũng đủ để người ta đặt lòng tin vào sự nghiêm túc, công bằng. Nhưng nàng đang chán ngấy tất cả. Không biết có phần nào, từ cuộc sống chung với Hoan?
Một buổi trưa, người quen cũ ở Sài Gòn ra Hà Nội công tác, đòi lên thăm nhà nàng, phần vì tò mò muốn biết chồng nàng là ai. Nàng gọi cho Hoan, nghe rõ tiếng máy lạnh rì rì chạy trong cái giọng ngái ngủ: “Anh sắp đến giờ làm rồi. Về nhà được một tí lại phải đến cơ quan ngại lắm”.
Nàng tắt máy, hình dung cái dáng nằm nghiêm ngắn của Hoan trên bốn chiếc ghế xếp thành hàng dọc, bật lên tiếng cười khe khẽ. Vòng tay và hơi thở của người quen cũ vẫn nồng nàn như chưa hề xa cách. Nàng chỉ kịp nghe tiếng reo của những chiếc khoá đồng loạt vang lên, đã chìm ngay vào trạng thái ngất ngây tuyệt đỉnh. Kết thúc cũng bất ngờ như khi bắt đầu.
Người đó chỉnh lại trang phục cho nàng, cử chỉ âu yếm cuối cùng là bế nàng ra sofa phòng khách. Rồi từ phút đó, “chú” lại về vị trí của “chú”, và nàng lễ phép như một đứa cháu ngoan ngoãn đích thực.
Tối, lúc kéo lại tấm ga trải giường cho phẳng phiu để chuẩn bị mắc màn, Hoan nhìn dấu vết còn sót lại đã kịp khô, chợt cau mày: Sao lại bất cẩn thế này được? Hoan luôn để sẵn một chiếc khăn bông sạch phía trong gối, công đoạn khởi đầu bao giờ cũng là trải chiếc khăn đó ra, đặt nàng đúng vị trí rồi chỉ xoay xở trong diện tích cho phép đó thôi.
Đây chắc chắn là do thói lười biếng của nàng, đã nhắc nhở là phải vào toa-let vệ sinh ngay, vậy mà nhiều hôm nàng cứ nằm ì ra, ngủ luôn đến sáng. Kiểu này sáng mai phải dậy sớm thay giặt ngay tấm ga.
Nàng mua cho Bống bộ váy mùa hè màu xanh nước biển rất xinh xắn. Mặc đồ mới, con bé tung tăng chạy khắp nhà, đứng cả lên ghế soi gương tạo dáng. Hoan dời mắt khỏi con, quay sang nàng: “Mình cưới được 6 tháng 10 ngày rồi em nhỉ?”. Nàng ngỡ ngàng cười. Ô, hoá ra Hoan lãng mạn hơn nàng tưởng. “Vậy mà sao em vẫn chưa thấy gì?” Nụ cười thoáng tinh nghịch “Ừ nhỉ. Hay là tại anh lao động không năng suất?”. Hoan bĩu môi, giọng nói tự tin hẳn lên: “Chỉ có thể là tại em thôi. Bằng chứng là anh đã có tới hai đứa con”.
Nàng sững người chết lặng, hai bàn tay lạnh ngắt bám chặt lấy chiếc điều khiển tivi. Hoan đứng dậy gọi con: “Nào, đến giờ uống sữa đi ngủ rồi, không chạy lung tung nữa, cục cưng của bố”.
Nàng vào nhà tắm, mở vòi sen hết cỡ, những tia nước lạnh xối xả tuôn vào mặt, để không phải nhận ra mình đang khóc. Đêm mùa hạ dài và lạnh lẽo, bên cạnh là Hoan đều đặn từng nhịp thở…
Giấc ngủ mê mệt vào lúc gần sáng làm nàng đến cơ quan muộn mất 10’. Vị trưởng phòng giương mục kỉnh, nghiêm giọng: “Chưa con cái gì mà đã đi muộn. Sau này thì làm thế nào?”. Nàng mở máy tính, đối chiếu từng hồ sơ lưu lần cuối để chắc chắn không có nhầm lẫn nào trước khi gửi file đi.
Công việc lưu trữ hồ sơ luôn có vẻ nhàn nhã, nhưng thực ra rất căng thẳng vì phải thật cẩn thận, kỹ càng, chỉ sai sót một chút có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Tính chất công việc tạo nên tính cách con người, ở phòng này, không ai dám làm gì quá nhanh (sẽ bị đánh giá là ấu đoảng), nói gì quá to hay nghĩ đến những điều…ngoài tầm kiểm soát của cấp trên.
Giờ ăn trưa, trưởng phòng ngồi  ở ghế đối diện, nhìn nàng chăm chú: “Trông phờ phạc như ốm nghén ấy nhỉ? Ừ thôi, đẻ luôn năm nay đi, sang năm đồng chí Oanh cũng lấy chồng rồi. Mà này, tiêu chuẩn của đồng chí là chỉ được đẻ một đứa thôi đấy, Vì trong hộ khẩu, gia đình đồng chí đã có một con”.
Cổ họng nàng tắc nghẹn. Trời đất! Ngay cả việc sinh con đẻ cái của chính mình cũng phải dựa trên những nguyên tắc, kế hoạch, chỉ tiêu do người khác đặt ra nữa  cơ đấy. Nàng xin phép rời phòng ăn, đi thẳng xuống nhà để xe, bấm số máy của Phú: “Em cần anh. Ngay bây giờ. Chỗ nào cũng được”.
Nàng ôm ghì lấy Phú: “Yêu em “nguyên chất” đi anh”. Phú nhìn ô vuông nhỏ hiển thị lịch trên mặt đồng hồ đeo tay, nhẩm tính rồi gỡ nhẹ nàng ra, luồn ngón tay vào giữa ngăn ví, moi một chiếc condom nhập khẩu tẩm mùi hương táo, định dùng răng xé vỏ bao.
Nàng ngăn lại: “Em muốn có một đứa con của chúng mình”. Phú sửng sốt. Ánh mắt bất chấp của nàng cho biết đây không còn là kiểu đùa thường khi nữa. Phú cài lại hàng cúc áo, ngồi xuống cạnh nàng. “Anh không thể làm tổn thương Hoan quá nhiều như vậy”. Nàng bật khóc tức tưởi.
Không ai hiểu nàng, ngay cả Phú tưởng như đã thấu suốt cho nhau từng nỗi giằng xé trở trăn. Nàng nhận lời lấy Hoan với sự đồng ý của người yêu. Bởi chỉ làm vợ Hoan, nàng mới có thể có nhiều hơn mong muốn của một người vợ: nhà cửa yên ấm, một người chồng để an tâm tuyệt đối, và vẫn có Phú mỗi lúc nàng cần.
Phú là tình yêu, là sự đồng điệu sâu sắc, là đam mê bất tận của nàng. Vì vậy mà Phú mãi mãi ở vị trí của một người tình. Làm chồng thì phải khác, không bao giờ được phép chỉ trở về nhà sau khi đã tả tơi, kiệt quệ cả hơi sức lẫn tiền bạc vào những trận bia rượu, bóng đá, bi-a hết ngày này qua ngày khác. Nhất là với tính cách lãng tử và bốc đồng của Phú, chưa biết đến bao giờ mới hết cảnh ở nhà thuê, lâu lâu lại lếch thếch chuyển đống đồ đạc cũ mèm từ xóm trọ này đến khu nhà nọ.
Lúc đó, nàng đã nhận định như thế, và Phú cũng ngạo nghễ thừa nhận nếu hai người lấy nhau, sớm muộn gì cũng phá nát tổ ấm mà thôi. Không thể hủy diệt tình yêu bằng cái cách tầm thường ấy được. Chi bằng nàng tìm cho mình một chốn yên ổn, và tình cảm với người yêu vẫn vẹn nguyên.
Để những khi quá mệt mỏi với những đơn điệu nhàm tẻ của đời sống, vẫn còn một nơi cất giữ tất cả yêu thương bỏng cháy của riêng mình. Phú hiểu điều đó. Phải hiểu để lấy đó làm một phương thuốc dưỡng thương suốt thời gian qua. Nếu không, hẳn Phú đã phát điên vì những cơn đau thúc lên từ lòng tự trọng của một thằng đàn ông phải đẩy người yêu vào tay một thằng đàn ông khác, chỉ vì hắn “nặng kí” hơn mình theo cách đong đếm của đàn bà muôn thuở.
Cho dù tình yêu của nàng không hề nghiêng sang phía đó, điều này đã an ủi, vuốt ve những cơn tự ái bất thần nổi dậy suốt những đêm dài cay cú. Nhưng có một điều không bao giờ nàng biết được, có một tiếng nói khác quất thẳng vào Phú sau mỗi lần nàng tìm đến với anh. Rằng anh chỉ là một thằng đê tiện và hèn hạ nếu tiếp tục chạy theo những ham muốn vô độ của nàng.
Nàng rời bỏ anh để tìm giải pháp cho cuộc đời mình, và cũng chính nàng lại dùng anh như một giải pháp để nâng cấp cái chương trình đó thêm hoàn hảo. Cuối cùng thì anh, và cả Hoan nữa, không thoát khỏi cái vòng quẩn quanh nàng giăng ra cho cả ba người.
“Để anh đưa em về cơ quan. Chiều nay anh phải ra sân bay”. Nàng hụt hơi: “Anh đi luôn phải không?”. Phú vòng tay ôm nhẹ vai nàng: “Như thế sẽ bình yên cho cả ba chúng ta”.
Anh mở tung cửa phòng, nụ cười rạng rỡ hồn nhiên như cỏ cây được vươn mình trong ánh mặt trời: “Cất giữ cho anh bí mật yêu thương này nhé, cô nàng ghê gớm của tôi! ”.
Chiều nay nàng không lang thang, ghé qua chợ mua thịt bê về xào xả ớt, món duy nhất nàng được Hoan khen. Hoan vẫn chưa về. Căn bếp tối om làm nàng hụt hẫng. Giờ này ở nhà Hoan thường làm gì nhỉ? Nàng loay hoay cầm cây chổi rồi lại bỏ xuống, bây giờ phải nấu nướng trước đã, lát nữa Bống về mới có cơm ăn ngay.
8 giờ. Mâm cơm nguội ngắt, những cọng rau muống luộc chuyển sang màu nâu nhạt. Nàng bắt đầu thấy bực bội. Hoan chưa bao giờ về muộn mà không gọi điện kiểu này. Lại còn bé Bống nữa, đi đâu cũng phải biết đường mà cho con về ăn cơm đúng giờ chứ.
21 giờ. Nàng hậm hực ôm gối ra sofa nằm. Mặc kệ mâm cơm còn đầy nguyên. 22 giờ. Hết kiên nhẫn, nàng nhấc máy gọi cho Hoan. Cửa bật mở, Hoan về một mình “Anh…” Nàng kịp ngừng lại khi nhận thấy vẻ mặt khác thường của chồng. “ Con đâu, anh?” Bỗng dưng Hoan đổ vật xuống ghế, gương mặt rúm lại bộc lộ nỗi đau đớn tột cùng. Nàng hơi giật mình, hay là Hoan đã bắt gặp mình với Phú trưa nay? Hoan ngẩng lên, kéo nàng lại gần: “Đừng hỏi con nữa, bây giờ nó không còn là con anh”.
Nàng kín đáo giấu một tiếng thở phào, lấy lại bình tĩnh ngồi nghe hết nỗi uất ức Hoan giãi bày. Vợ cũ đến gặp Hoan cùng một người đàn ông, chìa ra trước mặt Hoan tờ xét nghiệm AND còn tươi nguyên dấu xác nhận của trung tâm.
“Anh nhìn rõ đi nhé. Chúng tôi đến để xin đón con về. Dù sao cũng rất cảm ơn anh đã chăm sóc cháu trong thời gian chúng tôi chưa ổn định được gia đình. Nếu anh có điều kiện gì, xin cho chúng tôi được biết luôn để sau này khỏi lằng nhằng”…
Nàng ngồi im lặng một lúc lâu mới khe khẽ hỏi: “Anh bảo họ thế nào?”. “Tình cảm của anh đối với các con không bao giờ thay đổi, cho dù sau này có thể chúng không còn coi anh là bố nữa. Anh chỉ yêu cầu cô ta nói với con như vậy”.
Hoan bóp mạnh hai bàn tay vào thái dương, nén những tiếng thở dài chua xót. Nàng đặt tay lên trán chồng, hốt hoảng: “Ôi, anh bị ốm mất rồi. Anh ăn gì chưa? Để em lấy thuốc cho anh uống nhé”. Hoan lắc đầu: “Anh không sao đâu. Đi nằm một lát chắc sẽ đỡ”.
Lần đầu tiên nàng thức trắng một đêm để nằm bên cạnh và chỉ nghĩ về chồng.
Hà Nội 13/ 6/ 2008

Xem Tiếp: ----