Chín tháng sau, trong một căn phòng tập thể ở một cái trường huyện nghèo ở cao nguyên, một đứa bé ra đời. Trước đó, bố của đứa trẻ đã rất băn khoăn vì không biết tại sao vợ mình lại mang thai.
- Năm chục triệu hai người.
- Năm chục?
- Năm chục. Đồng ý thì chồng tiền sớm cho tôi.
Chị nhìn anh nhưng không phải cái nhìn họ vẫn thường trao nhau khi còn ở giảng đường, khi cùng dắt tay nhau đi dưới mưa… mà là một ánh nhìn đầy ngụ ý ngầm báo hiệu cả một nỗi buồn không kiềm chế được. Chú của chị vẫn lặng thinh sau cái “thánh chỉ” của ông trưởng phòng giáo dục. Ở cái huyện nghèo vùng cao nguyên này, nếu ai muốn chạy việc cho con em mình thì qua cửa của ông là “uy tín” nhất. Bởi ông có nhiều mối quan hệ trên tỉnh - thứ quan hệ mà lũ dân đen như chú của chị không hề có. Họ thừa biết với nhau rằng, trong cuộc chạy đua với những người khác có cùng nguyện vọng không bị “mất dạy” sau khi ra trường, họ phải nhanh chân tìm những gương mặt có “chất lượng” để “gửi vàng”. Trong hành trình đó, hai thứ quan trọng hơn cả là quen biết và tiền bạc. Thật đáng tiếc, cả hai thứ đó, anh và chị đều nghèo nàn.
Sinh ra trong cái nắng, lớn lên trong sự khắc nghiệt của dải đất miền Trung. Cả anh và chị đều nuôi những hoài bão, những ước mơ lớn cho đời mình. Đó là hành động thường thấy ở những người trẻ tuổi. “Ngựa non háu đá”, họ vẫn thường nghe như vậy. Bởi ở một “đấu trường” được bao bọc bằng xã hội, gia đình như giảng đường đại học, họ có đầy đủ các quyền được hăng máu giành giật những kết quả tốt, những học bổng, những vinh dự cho bản thân… Và sau khi rời mái trường sư phạm - nơi mà anh chị đã đổi biết bao nhiêu gánh lúa của cha, vụ khoai của mẹ, những con trâu lần lượt ra đi, anh chị hồ hởi với cái nhiệt huyết được cống hiến. Nhưng càng “háu đá” bao nhiêu thì sức lực của anh chị càng cạn kiệt bấy nhiêu. Tìm được một chỗ “dung tài” ở quê nhà thật khó biết bao khi mà đồng tiền không đi cùng tài năng. Anh chị quyết định “Nam tiến”, đó là lựa chọn của khá nhiều những người trẻ đã nản lòng với quê hương như anh chị. Bố mẹ của cả hai nhà đã phải cắm sổ đỏ vay cho anh chị những đồng tiền quý hơn cả tính mạng. Gia đình đã đổi cả cơ ngơi để lấy tiền trang trải cho anh chị vì người ta vẫn truyền miệng nhau một câu nói xanh rờn: “Bây giờ đi đâu chẳng tiền!”. Biết đâu câu nói ấy sẽ sớm trở thành một câu thành ngữ nổi tiếng thì sao. Gia đình hết lòng vì anh chị vì họ biết anh chị yêu nhau, họ cổ vũ cho cái tinh thần vì nhau ấy của anh chị.
Nhưng đáp lại tất cả những mong đợi của anh chị về một miền đất hứa trong cái vùng đất cao nguyên xa xôi này, cái giá năm chục triệu cho hai chỗ dạy ở cái trường huyện nghèo ấy cũng là khá “xương”. Ông chú người quen của chị mặc dù thương yêu cô cháu gái và anh người yêu của nó hết lòng cũng chỉ đủ sức nuôi chúng vài tháng ăn ở, giới thiệu chúng đến địa điểm “vàng” và cùng giấu những cái thở dài hết sức chính đáng với chúng.
- Sao? Nếu anh cảm thấy không được thì để tôi nhường cho người khác?
Ông trưởng phòng vừa xoa cái bụng to như cái trống của mình vừa hỏi những đôi mắt đang tối sầm vì tiền bạc ấy. Cái bụng của ông ấy to quá. Nó có thể chứa cả vali tiền chứ chẳng chơi!
- Xin anh cho chúng tôi thời gian suy nghĩ. Thư thư vài hôm có được không ạ?
- Tùy anh thôi! Bây giờ nhiều người có nhu cầu, không riêng gì hai cháu nhà anh. Để lâu mất chỗ thì ráng chịu!
- Cũng tại gia đình hoàn cảnh quá… Anh thông cảm cho!
Rồi sau những cái nhìn qua nhìn lại, những cái thở dài cố giấu lại trào ra, họ lủi thủi rời cái dinh cơ to đẹp của ông trưởng phòng. Ngôi biệt thự ba tầng gần như là một nốt nhạc lạc nhịp giữa các thị trấn nghèo này nhưng nó có thể là niềm tự hào của người dân trong huyện vì chủ nhân của nó là cứu cánh cho biết bao nhiêu con người đang có nhu cầu cống hiến cho đất nước trong ngành giáo dục.
- À mà này!
Ông chủ nhà gọi giật những vị khách quý của mình lại. Tất nhiên mong ước của ba vị khách ấy là câu gọi của ông chủ nhà hàm ý sự giảm giá cho họ.
- Em, quay lại đây anh bảo!
- Chú gọi cháu ạ?
- Chú với cháu cái gì! Vào đây!
Chị hơi ái ngại vì sự ưu ái của ông trưởng phòng. Nhưng rồi bằng những bước đi dè dặt của những kẻ không có tiền, chị cũng bước trở lại chỗ ông chủ nhà.
- Dạ…
- Đây là số điện thoại của anh, khi nào cần thì gọi.
- Dạ…
Chú của chị không giấu nổi nỗi buồn khi nhìn bầy con bốn đứa của mình. Rồi chúng cũng sẽ lớn, cũng học hành và chạy việc… Ông ngán ngẩm nhìn chúng và hận mình bất tài không làm cách gì để đồng tiền sinh ra nhanh chóng như những đứa con của ông được. Gia sản trong nhà gom góp, thế chấp, vay mượn liệu có đủ được mười triệu để thể hiện cái tình thương cho cô cháu gái không? Và liệu nó đủ thì sau đó gia đình ông sẽ sống như thế nào?
Chị hiểu những suy tư của chú mình lúc này. Cả anh và chị cũng đủ trưởng thành để nhận thức được rằng tình máu mủ không thể thay thế được đồng tiền của kinh tế thị trường. Đây không phải là xã hội nguyên thủy để mọi người chấp nhận kiểu trao đổi ngang giá mà luôn là trao đổi hơn kém, đôi khi là sự thua thiệt rất rõ ràng nếu bạn lỡ sinh ra là người nghèo.
- Anh sẽ về quê chạy thêm ít tiền.
Anh đã nhìn vào mắt chị khi nói những lời ấy. Chị hiểu quá rõ hoàn cảnh của hai gia đình nên chị im lặng.
- Đã thế chấp cả hai cái nhà, vay ngân hàng được ba chục triệu. Giờ về quê thì đào đâu ra tiền?!
Câu nói của ông chú không sai chút nào mà nó còn có tác dụng khơi dậy sự tủi thân trong lòng chị. Một vài giọt nước mắt rơi xuống. Đó phải chăng là bản tính yếu đuối của phụ nữ hay đơn giản chỉ là những giọt nước mắt thất bại trước đồng tiền? Anh vỗ về chị an ủi:
- Em đừng lo, Anh sẽ có cách. Ở hiền gặp lành mà em!
Mặc cho tất cả những khó khăn trước mắt, anh vẫn về quê vào ngày hôm sau. Anh chị đủ thông minh để nhận ra rằng, năm chục triệu cho cả hai người là một cái giá khá “bèo” nếu so với nơi chôn rau cắt rốn của anh chị. Việc anh về quê chẳng qua cũng chỉ là cách để đổi lấy sự an tâm hão mà thôi. Còn thiếu hai chục triệu cho cái tương lai của mình, đó quả là một số tiền không nhỏ cho những người chỉ có lý tưởng như anh chị.
°
Chị nhận được điện thoại của ông trưởng phòng vào một buổi sáng đẹp trời sau khi anh về quê vài ngày.
- Em đến nhà anh bàn công việc ngay nhé!
- Dạ, chú của cháu không có nhà, người yêu cháu mới về quê. Chú để khi khác được không ạ?
- Thế à?... Ừ… Nhưng chuyện gấp lắm! Em phải đến ngay! Thế nhé!
Chị chưa kịp từ chối thì người đàn ông đã gác máy. Chị bỗng có cảm giác sợ hãi. Lâu nay chị quen với sự bao bọc, che chở của anh. Nghĩ đến việc đi đến đó một mình, chị thấy chột dạ. Nhưng ông ta bảo là gấp lắm. Nó lại liên quan đến công việc của anh chị. Biết đâu ông ta đã đổi ý, sẽ giúp đỡ anh chị theo hướng tích cực thì sao? Rồi anh chị sẽ có việc, sẽ lấy nhau, sẽ có những đứa con… Chị khẽ mỉm cười vì cái suy nghĩ “người lớn” ấy của mình… Chị quyết định đi. Đằng nào thì ông ấy cũng đáng tuổi bố mình cơ mà.
Ông trưởng phòng đón chị ở cổng với một nụ cười tươi rói và những câu nói nhẹ nhàng, thanh thoát đối lập với cái bụng phệ của ông:
- Mời em vào nhà! Em cứ tự nhiên, vợ con anh về quê hết rồi!
- Dạ... Cháu…
- Nếu em còn xưng hô thế nữa thì em cầm luôn hai bộ hồ sơ trong nhà về đi! Anh đã già thế cơ à?
Người đàn ông đầy quyền thế đẩy chị vào tình huống khó xử. Nếu chấp nhận cách xưng hô mà ông đề nghị thì có nghĩa là chị cũng thoải mái vỗ vai bố mình và xưng “Anh” ngọt xớt! Nhưng rồi chị cũng thốt ra cái từ “Anh” đầy giả tạo khiến chị cảm thấy lợm giọng và xấu hổ với chính mình.
Sự đon đả, nhiệt tình của người đàn ông trước mặt vẫn không khiến chị quên đặt câu hỏi về mục đích của việc chị đến đây.
- Chú… À… Anh gọi cháu đến đây có việc gì không ạ?
- Anh với cháu, nghe chẳng tình cảm chút nào. Em gọi lại anh xem nào!
- Dạ… Anh gọi em đến có việc gì không ạ?
Chị đặt một câu hỏi khiến chính chị cũng đỏ mặt về cách mà chị dùng từ.
- Có thêm vài người nữa mới đến đặt vấn đề để xin vào cái trường đó. Hồ sơ đây này, em xem đi.
Ông trưởng phòng đẩy cho chị mấy bộ hồ sơ để trên bàn. Chị cầm chúng mà cảm thấy “nóng tay”. Ai cũng có nhu cầu xây dựng tương lai cả. Mà cái cửa chạy việc của ông trưởng phòng thật đắt khách. Chị bỗng cảm thấy lo cho mơ ước của anh chị quá đỗi.
- Em chạy được bao nhiêu rồi?
- Dạ, mới được ba chục. Người yêu em mới về quê chạy thêm.
- Nhà em và nhà cậu ấy khó khăn lắm hả?
- Dạ phải… Mong anh giúp cho.
- Anh biết! Anh thông cảm với em!
- Dạ, cảm ơn anh! Em cũng chẳng biết phải làm gì nữa…
- Để anh giúp cho…
Câu nói kèm theo cái nhìn đầy ẩn ý của ông trưởng phòng khoét sâu vào vị trí chiếc cúc áo bị bật ra trên bộ ngực căng tròn của chị khiến chị rùng mình. Chị đỏ bừng mặt, luống cuống cài lại chiếc cúc áo đã “biểu tình” với bộ ngực tràn đầy sức trẻ của chị. Người đàn ông giấu cái nụ cười thích thú đằng sau câu mời đon đả:
- Em uống nước đi! Anh sẽ tìm cách giảm bớt cho em và cậu ấy.
Không biết đó có phải phút ngẫu hứng sau khi đã được chiêm ngưỡng đôi chút da thịt trên thân thể chị hay không nhưng dẫu sao đó cũng là một tín hiệu mừng với chị. Nhưng rồi chị cũng chẳng suy nghĩ thêm được điều gì sau cái cốc nước oan nghiệt ấy. Tất cả được giải thích bằng nụ cười nham nhở của cái thằng người mà anh chị đã đặt niềm tin…
Chị tỉnh dậy trên giường với không một mảnh vải che thân. Người “đồng hành” với chị cũng trong tình trạng tương tự. Chỉ cần nhìn cái bụng đầy lông lá của ông ta chị đã muốn ói. Những giọt nước mắt và tiếng nấc nghẹn ngào của chị không phải chỉ vì lần đầu tiên chị lõa thể trước một người không phải là anh mà vì chị đã nhận ra tất cả cái “công việc” mà người đàn ông kia đã yêu cầu bàn bạc. Tất cả sự tủi nhục dâng tràn trong chị. Sắc đẹp hay sự căng tràn nhựa sống trong cái thân thể này đã làm hại chị? Nhan sắc không có tội mà dục vọng của con người mới chính là kẻ thù của sự lương thiện. Điều đầu tiên mà chị có thể nghĩ được là cái chết. Chị càng khóc to hơn vì trong cái suy nghĩ ấy hình ảnh của anh lại hiện về trong chị. Chị không còn xứng đáng với anh nữa. Mặc dù chị đã trao cho anh tất cả, cả sự trinh tiết của mình khi còn là sinh viên. Nhưng khuôn mặt của kẻ khốn nạn kia khiến chị cảm thấy như mình bị cướp trinh lần thứ hai.
- Cô còn khóc cái nỗi gì? Khỉ thật! Tôi cứ tưởng là cô còn trinh kia đấy! Các anh chị thời này yêu đương khiếp nhỉ? Toàn là một lũ vô văn hóa!
Hóa ra thằng người vừa tước đoạt thân thể chị không chỉ biết chạy việc kiếm tiền mà còn biết nhục mạ người khác. Nhưng rồi sau đó hắn lại nhẹ nhàng đến mức không thể tưởng tượng được.
- Thôi, cứ mang ba chục ấy đến cho anh, còn hai chục kia coi như là trả cho em vụ này!
Thằng người ấy lại thò bàn tay nhơ bẩn của hắn về phía bộ ngực đang được che bằng cái chăn của cô gái.
- Đồ khốn nạn! Để tôi yên!
- Khốn nạn? Cô tưởng cứ hiền lành như cô thì tôi có thể ngồi yên trên chiếc ghế ấy hả? Thằng đếch nào chẳng khốn nạn! Hai chục triệu cho cái sự khốn nạn này đối với cô là quá hời còn gì!
Hắn bỏ đi bằng cái vùng vằng khá chính đáng của một thứ lý luận chợ trời của hắn. Có lẽ hắn nghĩ mình đã bị xúc phạm về phẩm chất của một công chức. Chị đã nhân cơ hội đó, mặc vội quần áo, vuốt lại mớ tóc bù xù của mình và thoát khỏi ngôi nhà khốn nạn đó…
Anh rất bất ngờ khi chị bảo đã lo xong thủ tục, họ đã nhận hồ sơ và anh chị chuẩn bị đi dạy vào tháng sau. Sự ngỡ ngàng ấy của anh được trả lời một câu đơn giản là ông trưởng phòng thương anh chị hoàn cảnh lại có nghị lực nên giảm giá. Đó là một tin mừng đối với hai cái bìa đỏ của hai gia đình nhà anh chị. Nghĩa là họ có quyền hy vọng được sống lâu dài trong những căn nhà đó.
Anh trở lại với chị bằng sự vồn vã của nỗi nhớ và niềm vui vì tương lai đã mở ra trước mắt. Gặp lại anh, chị ôm chầm lấy anh và khóc. Anh nghĩ rằng đó là một thứ cảm xúc rất đỗi bình thường của tình yêu. Mặc dù thấy cháu mình khác hẳn lúc trước kể từ một hôm cách đây một tuần nhưng ông chú không dám đả động gì. Chắc là nó buồn vì chuyện việc làm, ông nghĩ thế.
°
Chín tháng sau, trong một căn phòng tập thể ở một cái trường huyện nghèo ở cao nguyên, một đứa bé ra đời. Trước đó, bố của đứa trẻ đã rất băn khoăn vì không biết tại sao vợ mình lại mang thai. Cuối cùng anh chỉ biết trách hãng bao cao su nào đó đã không đảm bảo chất lượng như người ta vẫn cam kết trên bao bì. Anh cũng thấy lạ lùng khi vợ anh nhất quyết phải bỏ cái thai ấy. Nhưng khi họ phát hiện thì cái thai đang ở tháng thứ ba, một bệnh viện tư nhân nơi họ tìm đến đã từ chối phá bỏ vì lý do sợ không gánh nổi trách nhiệm. Thế là đứa bé ấy buộc phải ra đời trong những giọt nước mắt đầm đìa của người mẹ. Trong những trường hợp như vậy, người ta nghĩ ngay đến những giọt nước mắt hạnh phúc…

Xem Tiếp: ----