Phần II

A. Sáng tác văn học
Trương Minh Ký là người có công lao to lớn trong công cuộc truyền bá chữ quốc ngữ. Bên cạnh việc phiên âm nhiều tác phẩm Pháp, Hán-Nôm ra chữ quốc ngữ, ông còn có một số sáng tác bằng chữ quốc ngữ. Đến nay, việc phổ biến những tác phẩm này vẫn chưa được làm “đến nơi đến chốn.” Có thể kể đến một số sáng tác chính sau:
Vở Tuồng Joseph, do nhà hàng Rey et Curiol in vào năm 1888. Trước đó, vở tuồng này được đăng tải ở Gia Định báo từ ngày 26 tháng 4 năm 1887, được diễn lần đầu tại Chợ Lớn ngày 13 tháng 7 năm 1887. Đây là vở tuồng đầu tiên của Việt Nam được sáng tác bằng chữ quốc ngữ. Nội dung của vở tuồng được lấy từ Kinh Thánh, được đánh giá là tác phẩm xuất sắc nhất của Trương Minh Ký.
Tác phẩm du ký bằng thơ: Như Tây nhựt trình được khởi đăng ở Gia Định báo từ ngày 10 tháng 4 năm 1888 trong hơn một năm mới hết. Tác phẩm sau này được nhà hàng Rey et Curiol in vào năm 1889. Như Tây nhựt trình gồm 2000 câu thơ song thất lục bát. Năm 1880, Trương Minh Ký dẫn đoàn du học trường Bổn quốc sang Anger du học, trong đó có Diệp Văn Cương (Chủ bút tờ Phan Yên báo) và Nguyễn Trọng Quản (tác giả của cuốn truyện bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta Thầy Lazaro Phiền). Như Tây nhựt trình kể về hành trình qua Châu Âu và Bắc Phi của Trương Minh Ký với những ấn tượng sâu sắc về phong tục, nếp sống xa lạ của người dân bản xứ.
Chư quấc thại hội là cuốn du ký bằng thơ kể về lần làm thông ngôn cho sứ bộ triều đình Huế sang Pháp tham dự hội đấu xảo ở Paris năm 1889. Thiên du ký dài 2000 câu được xuất bản hai lần vào năm 1891 và năm 1896.
B. Tác phẩm dịch từ văn chương Pháp sang chữ quốc ngữ:
Trương Minh Ký, cái tên cho đến nay dường như vẫn còn khá xa lạ đối với giới nghiên cứu văn học Việt Nam, lại là người đi tiên phong trong công tác dịch thuật tác phẩm văn học Pháp sang chữ quốc ngữ. Trước khi Nguyễn Văn Vĩnh dịch tác phẩm thơ ngụ ngôn của La Fontaine (được nhà xuất bản Trung Bắc Tân Văn ở Hà Nội in năm 1928 (gồm 24 bài)) mà bấy lâu nay vẫn được xem là công trình mở đầu cho nền văn học dịch của Việt Nam, thì từ năm 1884, Trương Minh Ký đã công bố những công trình dịch thuật đầu tiên của mình, như Truyện Phansa diễn ra quốc ngữ (gồm 16 truyện của La Fontaine) và tác phẩm Morceaux Choisis của Pháp ra chữ quốc ngữ.
Cũng năm 1884, Trương Minh Ký tiếp tục xuất bản những tác phẩm dịch bằng văn xuôi khác nhưng không phải là những tác phẩm của La Fontaine nữa mà tập hợp của nhiều tác giả như: J.Wirth, Schmid, R.Dodsley nhiều nhất là tác phẩm của P. Larousse. Công trình gồm có 12 truyện trong đó có 8 - 9 truyện của P.Larousse.
Năm 1885, trên Gia Định báo, Trương Minh Ký khởi đăng tác phẩm Phú bần truyện diễn ca. Có nhiều người đã nhầm lẫn tác phẩm này là truyện dịch từ truyện thơ Nôm sang chữ quốc ngữ nhưng thực chất đây là tác phẩm được dịch và phóng tác từ văn học Pháp. Trong quá trình dịch tác phẩm, dịch giả đã Việt hóa tên nhân vật: thầy dòng được đổi thành nhà sư, nhà thờ thành ngôi chùa. Có hai câu thơ trong tác phẩm cho thấy đây không phải là tác phẩm được sáng tạo hoàn toàn:
Việc đời nhơn lúc thảnh thơi,
Phansa ngoại truyện diễn lời quấc âm.
Mặc khác, như nhà nghiên cứu Bằng Giang đã nói: “hiếm có một tác phẩm nào bị gây nhiễu” nhiều đến mức như tác phẩm này. Phú bần truyện diễn ca đã bị một số nhà nghiên cứu ngộ nhận là của Trương Vĩnh Ký (như Đào Văn Hội, Lê Thanh, Nguyễn Cao Kim, Nguyên Hương, Phạm Thế Ngũ, Nguyễn Sinh Duy và Phạm Long Điền), thậm chí có người còn cho rằng đó là tác phẩm của cả hai người: Trương Vĩnh Ký và Trương Minh Ký (A.Brébion, Trần Văn Giáp…). Cũng có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề: đây là một sáng tác hay là một tác phẩm dịch? Phạm Thế Ngũ, các tác giả của bộ Từ điển văn học, tập II [tr. 26] cho rằng đây là một sáng tác. Đào Văn Hội, Nguyễn Cao Kim lại cho đây là một tác phẩm “sưu tập và phổ thông văn Nôm.” Trần Văn Giàu và một số tác giả khác coi Phú bần truyện diễn ca là một tác phẩm dịch Pháp văn ra quốc ngữ. H.Cordier, Phạm Việt Tuyền nhận định đây là một bản dịch/phóng tác từ tác phẩm văn xuôi tiếng Pháp ra văn vần quốc ngữ…. Tóm lại, xung quanh tác phẩm tồn tại khá nhiều vấn đề thú vị. Sau này, chính nhà nghiên cứu Bằng Giang là người cất công tìm hiểu, chứng minh và đưa ra lời kết luận thuyết phục cuối cùng: Phú bần truyện diễn ca là một bản dịch/phóng tác từ văn xuôi tiếng Pháp ra văn vần quốc ngữ.
Năm 1886, Trương Minh Ký tiếp tục xuất bản những tác phẩm dịch, khoảng 150 truyện ngụ ngôn Tây Phương. Một số tác phẩm được dịch theo lối văn xuôi, một số được chuyển tải thành thơ lục bát cũng tập hợp trong bộ Truyện Phansa diễn ra quốc ngữ.
Năm 1887, Nhà hàng Rey et Curiol xuất bản cuốn sách Chuyện Tê-lê-mặc gặp tình cờ của Fenelon (1651-1715, tu sĩ và là nhà văn Pháp), bản dịch của Trương Minh Ký. Bản dịch theo thể lục bát đã được khởi đăng ở Gia Định báo số 25 ngày 20 tháng 6 năm 1885 và in thành sách năm 1887. Nguyễn Văn Vĩnh cũng có dịch truyện này ra văn xuôi vào năm 1927: Tê-lê-mặc phiêu lưu ký.
C. Những tác phẩm dịch từ Hán, Nôm sang chữ quốc ngữ của Trương Minh Ký:
Trị gia cách ngôn khuyến hiếu ca (1895) là tác phẩm dịch những áng văn chương nổi tiếng của Trung Hoa sang chữ quốc ngữ: gồm những tác phẩm có giá trị như Trị gia cách ngôn của Châu Bá Lư, Khuyến hiếu ca của Vương Trung Thơ, Phụ bát phản caHọa sơn thủy ca của Ngô Dung.
Ca từ diễn nghĩa (1896) dịch những áng văn nổi tiếng của Trung Hoa sang chữ quốc ngữ như: Chính khí ca, Liên xương cung từ, Đường thi, Tô Huệ hồi văn, Hiếu thuận ca.
Vở tuồng Phong thần ấp bá khảo, không rõ tác giả là ai, được Trương Minh Ký dịch ra chữ quốc ngữ, xuất bản năm 1896. Tác phẩm lấy tích ở truyện Phong thần sau được dịch ra tiếng Pháp bởi giáo sư M. Chéon.
Tuồng Kim Vân Kiều, xuất bản năm 1896, đây là tác phẩm phiên âm từ vở tuồng bằng chữ Nôm của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (1807-1972). Trương Minh Ký là người đầu tiên phiên âm tuồng Kim Vân Kiều ra chữ quốc ngữ.
Thi pháp nhập môn là cuốn sách dịch từ chữ Hán sang chữ quốc ngữ. Cuốn sách đưa ra bảng mẫu bằng trắc của từng loại thơ rồi cho ví dụ kèm theo với mục đích hướng dẫn cho những người mới tập làm thơ có thể làm thơ đúng vần, đúng luật. Sách được xuất bản năm 1898.
D. Tác phẩm phục vụ cho việc dạy học:
Là một nhà giáo có tâm với nghề nghiệp, Trương Minh Ký luôn trăn trở đi tìm phương pháp sư phạm hay để có thể khai dân trí một cách tốt nhất. Vì vậy, trong sự nghiệp của ông, phải kể đến một số lượng đáng kể các tác phẩm viết về phương pháp sư phạm.
Cuốn Tập dạy học tiếng Phansa và tiếng An Nam, nhà hàng Rey et Curiol xuất bản năm 1892.
Ấu học khải mông, nhà hàng Rey et Curiol xuất bản năm 1892. Tác giả đề ra phương pháp sư phạm mới để chữ Hán trở nên dễ học hơn. Phương pháp của ông chia bài học thành ba phần:
1. Một bài học độ mươi chữ mới, được phân giải ra bộ, nét, nét nào viết trước, sau, trên, dưới. Dễ nhận và dễ nhớ.
2. Những mẫu câu có chỉ rõ vị trí từng từ loại trong câu chữ Hán và trong câu nói thông tục.
3. Bài tập áp dụng cho những điều vừa học.
Hiếu Kinh diễn nghĩa cũng là cuốn sách dạy chữ Nho của Trương Minh Ký được nhà hàng Rey et Curiol xuất bản năm 1893.
Pháp học tân lương, sách dạy học chữ quốc ngữ của Trương Minh Ký. Toàn bộ cuốn sách gồm 50 bài học về chính tả và ngữ pháp tiếng Việt.
Quốc ngữ sơ giai, nhà hàng Rey et Curiol xuất bản năm 1896, là cuốn sách giảng dạy chữ quốc ngữ của Trương Minh Ký.
Tiểu học gia ngôn, nhà hàng Rey et Curiol xuất bản năm 1896, là cuốn sách dành cho học trò học chữ Hán.
Cổ văn chơn bửu là cuốn sách dạy học chữ Nho của Trương Minh Ký. Sách gồm 18 bài văn rút từ một tuyển tập cổ văn của Tả thị và hợp tuyển nhiều bài của nhiều tác giả cổ điển khác. Sách được xuất bản năm 1896.
Hán học tân lương của Thế Tải Trương Minh Ký là cuốn sách dạy cho người Tây muốn học chữ Nho theo cách thế của người phương Tây. Sách được xuất bản năm 1899.
Tiểu học gia ngôn diễn nghĩa là sách dành cho người học chữ Nho, không phân biệt lứa tuổi. Sách in một bên chữ Nho, một bên chữ Tàu. Sách dẫn những câu châm ngôn, những mẫu chuyện xưa nhằm mục đích giáo huấn những luân lý được rút ra từ sách Tiểu học của Chu Hy.
E. Sưu tầm văn học:
Câu hát An Nam là cuốn sách sưu tầm những câu dân ca, ca dao của người Việt.
Ngoài những tác phẩm kể trên, Trương Minh Ký còn là tác giả của nhiều tác phẩm phiên âm, dịch thuật chưa được in thành sách mà chỉ được công bố trên Gia Định báo như: Truyện nhi đồng Francinet (truyện dịch từ văn học Pháp, Gia Định báo bắt đầu đăng từ số 36 năm 1885), Lục súc tranh công (tác phẩm phiên âm chữ Nôm sang chữ quốc ngữ), Phansa quốc sử diễn ca (lịch sử nước Pháp được phiên dịch thành chữ quốc ngữ dưới hình thức thơ song thất lục bát), Nhị thập tứ hiếu (tác phẩm phiên âm chữ Nôm ra chữ quốc ngữ), Quốc phong (dịch từ chữ Hán ra chữ quốc ngữ, trích từ Kinh thi), Đại Nam quốc sử diễn ca (phiên âm chữ Nôm ra chữ quốc ngữ), Phương ngôn ngạn ngữ (tác phẩm sưu tầm).
Trần Hải Yến nhận định: “Với những tư liệu văn học sử hiện có, Trương Minh Ký được coi là người đi tiên phong cả trong dịch văn học Hán-Việt lẫn văn học Pháp-Việt--một công việc vừa có ý nghĩa khải mông: góp phần đưa vào đời sống văn hóa nước nhà những giá trị mới tích cực, lại vừa là sự thể nghiệm và rèn luyện khả năng biểu đạt ngôn ngữ viết dân tộc vừa mới hình thành.” Chẳng những thế, Trương Minh Ký còn là người đi đầu trong công tác sáng tác văn học bằng chữ quốc ngữ. Nhờ những con người như Trương Minh Ký mà thứ chữ Việt được La Tinh hóa dần được phổ biến trong đông đảo công chúng văn học và hướng đến hoàn thiện về nhiều mặt (từ vựng, cú pháp, khả năng diễn đạt, chuyển tải hiện thực cuộc sống…). Với số lượng tác phẩm đáng kể và những đóng góp lớn lao, Trương Minh Ký xứng đáng là một nhà văn hóa lớn, một tác gia lớn của nền văn học Nam Kỳ những năm 1862-1913.
TÚ NHI
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1.Trần Hữu Duy, Nguyễn Phong Nam (chủ biên, 1997), Những vấn đề lịch sử và văn chương Triều Nguyễn, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
2. Nguyễn Đăng Điệp (2003), Vọng từ con chữ, Nxb Văn học, Hà Nội.
3. Đỗ Đức Hiểu (chủ biên, 1984), Từ điển văn học, Tập 2, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
4. Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (chủ biên, 2005), Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb Thế giới, Hà Nội.
5. Hoàng Lại Giang (2001), Trương Vĩnh Ký – Bi kịch muôn đời, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
6. Bằng Giang (1994),Sương mù trên tác phẩm Trương Vĩnh Ký, Nxb Văn học, Hà Nội.
7. Phạm Mạnh Hùng (2006), Sự xuất hiện của thế hệ nhà văn mới ở Nam Bộ cuối thể kỷ XIX - đầu thế kỷ XX (Tham luận hội nghị khoa học “Văn học quốc ngữ Nam Bộ cuối thế kỷ XIX-1945”), Khoa Ngữ văn và Báo chí, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.
8. Đinh Xuân Lâm (chủ biên, 2001), Đại cương lịch sử Việt Nam, tái bản lần thứ ba, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
9. Phạm Thế Ngũ (1998), Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập 3, tái bản, Nxb Đồng Tháp.
°
VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ
Tú Nhi sinh năm 1981, tốt nghiệp Thạc sĩ với luận văn: Trương Minh Ký (1855-1900) và tác phẩm du ký bằng thơ “Chư quấc thại hội.”
Biên khảo nầy là đăng trích một phần bài nghiên cứu luận văn của Tú Nhi. Cô thuộc thế hệ trẻ Việt Nam trong nước đi theo lời khuyên của Trương Vĩnh Ký, thầy của Trương Minh Ký, “Hãy đi đi và hãy trở về, như những con chim, biết tha những cọng cỏ khô làm tổ hạnh phúc cho dân tộc mình.”

Xem Tiếp: ----