CÁCH DÙNG TIẾNG “ĐÂU” TRONG TRUYỆN KIỀU

Ngoài giá trị vô song về mặt văn học, truyện Kiều còn có một giá trị rất lớn về ngôn ngữ học mà chúng ta mới nhận chân và bắt đầu khai thác từ mấy chục năm nay. Khi soạn bộ Tự Điển V.N. và ngữ pháp V.N., muốn qui định ý nghĩa của những hư từ, bán hư từ, ta phải dẫn văn thơ cổ nhân làm tỉ dụ, mà trong những áng văn thơ nôm còn lưu truyền tới nay, truyện Kiều có giá trị nhất về cả hai phương diện lượng và phẩm: lượng vì nó vừa dài lại vừa tả nhiều tình tiết, cảnh ngộ, cảnh vật, do đó giúp ta được nhiều tỉ dụ[1]; phẩm vì cách dùng tiếng của Nguyễn Du đúng hơn hết mà lời của ông lại có giọng bình dị, không chịu ảnh hưởng quá nhiều của Trung Hoa như Hoa Tiên hoặc Cung Oán ngâm khúc.
 
Hội Khai Trí Tiến Đức đã nhận thấy như vậy nên trong bộ Việt Nam tự điển đã trích nhiều câu trong truyện Kiều để dẫn vào phần Văn liệu. Nhưng có lẽ vì thiếu người, thiếu tiền, Hội chỉ mới kịp sơ thảo thôi, hình như nhớ đâu trích dẫn đó, hoặc không lục soát kĩ để tìm đủ các nghĩa và cách dùng của mỗi tiếng.
 
Theo chỗ chúng tôi biết, người đầu tiên có công lục soát ấy là Phan Khôi. Trong cuốn Việt ngữ nghiên cứu (Nhà xuất bản Văn nghệ, 1955), chương “Hư tự trong truyện Kiều”, ông viết:
 
“Dùng hư tự[2], theo tôi thấy, truyện Kiều của Nguyễn Du dùng đúng hơn hết, ta lấy đó làm gương mẫu. Tôi bèn đọc cả cuốn truyện, gặp mỗi hư tự thì lục riêng từng chữ ra với nhau, có chữ dùng năm ba lần hay mươi, mười lăm lần, có chữ dùng đến năm bảy chục lần. Xong rồi tôi soát đi soát lại từng chữ, qui nạp nó vào một nghĩa hay mấy nghĩa và tìm cái qui luật ứng dụng nó…” (trang 130)
 
Dùng phương pháp ấy, ông phân tích được ý nghĩa và cách dùng những tiếng: bao, bây, bấy, đâu, dầu, đưa ra được nhiều nhận xét mới mẻ và gợi cho chúng ta suy nghĩ, tìm tòi thêm.
 
Chính vì đọc chương “Hư tự trong truyện Kiều” đó mà chúng tôi mới có bài viết này. Số là đọc đoạn ông viết về tiếng Đâu, chúng tôi thấy những nhận xét của ông tuy đại khái thì đúng song có chỗ chưa được minh bạch. Nhưng đọc kĩ lại những chỗ lập luận của ông, chúng tôi không tìm ra được cái lẽ vì đâu mà đoạn ấy không làm cho chúng tôi hoàn toàn mãn ý. Rốt cuộc chúng tôi đành bỏ lập luận của ông, đi lại bước đường của ông đã đi, nghĩa là lục hết những tiếng đâu trong truyện Kiều để rán tìm ý nghĩa và cách dùng của nó; và chúng tôi thấy Nguyễn Du đã dùng tiếng ấy khoảng chín chục lần, theo những nghĩa dưới đây:
 
I. “ĐÂU” diễn tả ý bất định.
 
Trong trường hợp này chỉ gặp độ mười lần trong truyện Kiều:
 
1. Mặt mo đã thấy ở đâu dẫn vào 1170[3]
2. Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh 2020
3. Dón chân đứng núp độ đâu nửa giờ 1996
4. Nàng Ban ả Tạ cũng đâu thế này 406
5. Tiểu thư lại giở những lời đâu đâu 1582
 
Mấy câu trên là những câu thường, không phải là câu hỏi hoặc câu cảm thán. Trong hai câu đầu, “đâu” trỏ một nơi nào đó. Câu 3 “đợi đâu nửa giờ” nghĩa là đợi khoảng nửa giờ. Câu 4 “cũng đâu thế này” là cũng đại khái như thế này. Câu “những lời đâu đâu” là những lời bâng quơ, không có căn cứ. Vậy “đâu” hoặc “đâu đâu” trong những tỉ dụ đó có một nghĩa chung là trỏ cái gì bất định.
 
6. Năm chầy cũng chẳng đi đâu mà chầy 1517
7. Lạ tai nghe chửa biết đâu 947
8. Khắp thế giới đâu đâu cũng có chiến tranh (câu này chúng tôi đặt ra, truyện Kiều không dùng “đâu dâu” theo nghĩa khắp mọi nơi như vậy).
 
Ý nghĩa câu 6 và 7 là phủ định hẳn hòi, mà phủ định là vì có tiếng “chẳng”  (câu 6), tiếng “chửa” (câu 7), còn tiếng “đâu” trong hai câu vẫn chỉ có cái nghĩa không xác định (indéterminé): (chẳng) đi đâu = (chẳng) vì một lẽ nào; (chửa) biết đâu = (chửa) biết điều này hay điều khác. Rõ ràng nhất là câu 8 diễn ý khẳng định, “đâu đâu” nghĩa là nơi này hay nơi khác = ở mọi nơi.
 
So sánh hai tỉ dụ này:
 
a- đi đâu cũng gặp nó
b- không tìm đâu ra nó,
 
thì ta thấy “đâu” vì có nghĩa là khắp nơi, nên ở trong một câu khẳng định (a) thì làm sao cho ý khẳng định mạnh lên, mà ở trong một câu phủ định (b) thì làm cho ý phủ định mạnh lên; chứ bản chất nó, trong trường hợp[4] này, không có nghĩa khẳng định mà cũng không có nghĩa phủ định, chỉ có nghĩa là nơi này hay nơi khác, là khắp nơi, rốt cuộc cũng là cái nghĩa bất định
 

° °

°

 

II. “ĐÂU” dùng trong một câu hỏi, nghĩa là: ở chỗ nào?
 
Tỉ dụ:
 
1. Hỏi rằng “Này khúc ở đâu?” 2573
2. Nàng trong khê các đâu mà đến đây? 296
3. Phận tôi đành vậy, vốn người ở đâu? 1147
 
Trong truyện Kiều chúng tôi thấy có năm, sáu tiếng “đâu” dùng theo nghĩa đó. Câu 2 “đâu mà đến đây” = ở đâu đến đây: lược trạng từ . Câu 3 “vốn người ở đâu”, “đâu” từ cái nghĩa ở chỗ nào? chuyển ra cái nghĩa để làm gì? như ta thường nói: “Túi khôn của anh để đâu?” = để làm gì mà không đem ra dùng? “Đâu” trong trường hợp này đều đi với một động từ.
 

° °

°

 

 
III. “ĐÂU” dùng trong một câu vừa có ý hỏi vừa có ý phủ định mà ý phủ định lấn ý hỏi.
 
Trường hợp này dùng nhiều nhất, trên bốn chục lần. “Đâu” cũng đi với một trạng từ[5] thường là đứng sau, cũng có khi đứng trước mà không phải là do sự bó buộc vì luật bằng trắc trong thơ.
 
a- Đứng sau trạng từ (trên ba chục lần).
 
Tỉ dụ:
 
1. Còn tình đâu nữa, là thù đấy thôi 3156
2. Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ? 1244
3. Trẻ thơ đã biết đâu mà dám thưa! 336
4. Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu! 262
 
Trong những câu đó, ý hỏi đã rất nhẹ, gần như chỉ còn ý phủ định: Còn tình đâu nữa = không còn tình nữa; cảnh có vui đâu = cảnh không vui; trẻ thơ đã biết đâu = trẻ thơ không biết gì; thấy gì nữa đâu = không thấy gì nữa.
 
Câu 2 có ý hỏi mạnh hơn ba câu kia là vì có thêm tiếng “bao giờ”; bỏ tiếng này đi thì ý hỏi sẽ chỉ còn rất nhẹ, mà để nó thì ý hỏi cũng chỉ ngang ý phủ định thôi.
 
Chính vì ý phủ định lấn ý hỏi, nên cuối những câu 1, 3, 4 ta không nên đáng dấu hỏi (?) mà nên đánh dấu cảm thán (!). Ngay như câu 2, đánh dấu cảm thán cũng vẫn được.
 
Tuy nhiên ý hỏi không phải là mất hẳn, mà hỏi thì có nghĩa là nghi ngờ, cho nên những câu đó không phủ định mạnh bằng những câu dùng tiếng “không”, chẳng hạn: không còn tình nữa; người buồn cảnh cũng không vui; trẻ thơ không biết gì; không trông thấy gì nữa.
 
So sánh với Hoa ngữ, chúng ta thấy rằng câu “Quỉ thần an năng tri thử sự” xây dựng cũng y như câu “Quỉ thần không biết được việc đó” của ta. Về điểm ấy, hai ngữ pháp giống nhau.
 
b. Đứng trước trạng từ (chúng tôi chỉ đếm được bốn lần, có thể còn bỏ sót, nhưng dù sao, trường hợp này cũng hiếm).
 
1. Nguyên người quanh quất đâu xa 147
2. Cũng người một hội một thuyền đâu xa 202
3. Tin xuân đâu dễ đi về cho năng 368
4. Nhân duyên đâu lại còn mong[6] 1927
 
Cũng như trường hợp nêu trên (đứng sau trạng từ), ý phủ định lấn hẳn ý hỏi: đâu xa: không xa; đâu dễ = không dễ; đâu lại còn mong = không còn mong.
 
Đặt tiếng “đâu” trước trạng từ như vậy, không phải là muốn trọng luật bằng trắc, vì trong lời nói hằng ngày, chúng ta thường nghe: Tôi đâu muốn vậy – việc đó đâu phải dễ - Đâu có xa gì…
 
Ý phủ định trong trường hợp (b) này hình như có mạnh hơn trong trường hợp (a) một chút.
 
Tựu trung về ý nghĩa, trường hợp này cũng như trường hợp trên: “đâu” từ cái ý bất định biến ra ý hỏi, rồi biến lần nữa, thành ý phủ định. Luật đó chúng ta có thể kiểm soát được: tìm những câu tạo như những tỉ dụ trên (nghĩa là dùng tiếng “đâu” có ý hỏi mà như phủ định), nhưng có thêm một tiếng phủ định nữa, xem nghĩa có hóa ra khẳng định không, vì hai phủ định thành một khẳng định.
 
Trong truyện Kiều chúng tôi kiếm được hai câu (có thể chúng tôi bỏ sót vài ba câu thôi, chứ không nhiều), xin chép lại đây:
 
1. Đi đâu chẳng biết con người Sở Khanh? 158
(= phải biết chứ)
 
2. Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao? 444
(= sẽ là chiêm bao)
 
Hai câu ấy đều có ý khẳng định cả. Tất nhiên, tùy cách cấu tạo của mỗi câu, tùy những tiếng trong câu, mà cái ý khẳng định, câu 1 còn chứa thêm ý trách móc; câu 2 diễn thêm ý nghi ngờ, tuy khẳng định nhưng chỉ có thể là chiêm bao thôi, chứ không nhất định là chiêm bao, vì trong câu dùng tiếng “biết đâu” mà tiếng này trỏ sự phỏng đoán (biết đâu = biết đâu chừng). Ta thấy câu 2 tạo thêm một ngữ pháp giống với Trung Hoa. Chẳng hạn câu: “Tái ông thất mã, an tri phi phúc” cũng dùng tiếng “an tri” tương đương với “biết đâu” và cũng dùng tiếng “phi” tương đương với “chẳng”, mà dịch câu đó ra tiếng Việt, ta phải nói: “Ông lão ở biên cương mất ngựa, biết đâu chẳng là phúc”.
 
Vậy ta có thể tin rằng luật nêu trên là đúng: ý hỏi biến ra ý phủ định.
 
Ngược lại, chúng tôi còn thấy ý phủ định và ý bất định dùng trong câu hỏi. Những tiếng không, chẳng, chưa, vốn là những tiếng phủ định:
 
Nó không ăn
Nó chẳng uống
Nó chưa làm
rồi lần lần biến ra ý hỏi:
 
Nó ăn hay không ăn? -> Nó ăn hay không? -> Nó ăn không?
Nó uống hay chẳng uống? -> Nó uống hay chẳng? -> Nó uống chăng[7]
Nó làm hay chưa làm? -> Nó làm hay chưa? -> Nó làm chưa?
 
Thì ra có một liên lạc mật thiết giữa ý hỏi và ý phủ định: hỏi thành phủ định, phủ định thành hỏi; hai ý đó chuyển lẫn cho nhau và chúng ta có thể viết: hỏiphủ định.
 

° °

°

 
IV. “ĐÂU” dùng với một ý hỏi rất nhẹ, nhất là với ý gần như hoang mang, ngạc nhiên, cảm thán. Dùng như vậy, “đâu” thường biểu thị nhiều tình cảm.
 
Trường hợp này rất thường gặp trong truyện Kiều, trên ba chục lần; có một điểm giúp ta phân biệt được với trường hợp III là tiếng “đâu” không đi với một trạng từ mà thường đi với một thể từ (nom).
 
Tỉ dụ:
 
1. Duyên đâu chưa kịp một lần trao tơ 540
2. Gió đâu dịch bức mành mành 213
3. Khúc đâu Hán, Sở chiến trường 473
4. Kiệu hoa đâu đã đến ngoài 778
5. Người đâu gặp gỡ làm chi? 181
6. Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi 2169
7. Thoát đâu thấy một tiểu kiều 187
8. Phút đâu trận gió cuốn cờ đến ngay 120
 
Những câu trích ấy tuyệt nhiên không có nghĩa phủ định, có thể là hàm ý một chút cái nghĩa hỏi, nhưng là ngạc nhiên mà hỏi, hay hoang mang mà hỏi. Câu 1 diễn cái ý chua xót; câu 2 trỏ cái ý hơi ngạc nhiên; câu 3, 4 có giọng cảm thán; câu 5 có nghĩa hỏi nhưng nghĩa ấy do bốn tiếng cuối “gặp gỡ mà chi”, còn tiếng “đâu” cũng như ở câu 1 thôi; ba câu cuối khác hẳn với những câu trên, “đâu” đi với “bỗng, thoắt, phút”, chỉ còn diễn cái ý ngạc nhiên.
 
Tới đây, ta có thể bổ túc luật ở đoạn III: tiếng “đâu” trỏ một ý bất định, đã biến nghĩa, diễn cái ý hỏi rồi ý phủ định, sau cùng lại biến một lần nữa, diễn cái ý ngạc nhiên, cảm thán, và ta có thể viết:
 
 
Chúng tôi còn nhận thấy luật đó chỉ đúng với tiếng đâu, mà còn đúng cả với những tiếng khác cũng trỏ một ý bất định, như ai, chi, gì, nào, sao. Chúng tôi xin dẫn chứng:
 
a. Ý bất định:
 
1. Ai có thân nấy lo, ai có bò nấy giữ (tục ngữ)
(Ai = không trỏ người nào)
2. Làm chi cũng chẳng làm chi (tục ngữ)
3. Dẫu có làm cũng chẳng làm sao
(chi và gì = bất kì cái gì)
4. Muốn cách nào cũng được (= bất kì cách nào)
5. Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi 1274
(= làm bất kì cách nào cho sỉ nhục…)
 
b. Ý hỏi:
 
1. Nào người tích lục tham hồng là ai? 90
2. Vào luồn ra cuối, công hầu làm chi? 2468
3. Nhà huyên chợt tỉnh hỏi “Cơn cớ ?” 224
4. Mặc lòng nghĩ lấy, muốn xin bề nào? 2546
5. Xe tơ sao khéo vơ quàng vơ xiên 2600
 
c. Ý phủ định nhiều hơn ý hỏi:
 
1. Một cây[8] một buộc, ai giằng cho ra? 1288
(= không ai giằng cho ra)
2. Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình 1542
(= không tốt)
3. Thiệt đây mà có ích đến ai? 340
(= không ích gì)
4. Nỗi gần nào biết đường xa thế này? 1790
(= không biết)
5. Còn mang lấy kiếp má hồng được sao? 798
(= không được)
 
Trong trường hợp (c) này, nếu dùng thêm một tiếng phủ định nữa thì hóa ra khẳng định (cũng như trường hợp III của tiếng đâu); tỉ dụ:
 
1. Ai mà chẳng hiểu điều đó? (= ai cũng hiểu)
2. Làm chi mà chẳng được (= làm gì cũng được)
3. Anh bảo mà nó chẳng nghe?  (= bảo gì thì nó cũng nghe)
4. Vẻ nào chẳng mặn, nét nào chẳng ưa? 1282
(= vẻ nào cũng mặn, vẻ nào cũng ưa)
5. Nghĩ mình chẳng hổ mình sao? 3103
(= thật hổ mình)
 
d. Diễn một cảm thán:
 
1. Lần lừa ai biết hãy còn hôm nay! 326
(ý mừng và cảm động)
2. Ba sinh âu hẳn duyên trời chi đây 282
(ý mừng)
3. Những mình nào biết ý xuân là ? 1240
(ý buồn tủi)
4. Nào hay con tạo trêu ngươi (Cung oán)
(ý buồn và tức)
5. Còn nhiều nợ lắm sao mà thác cho! 1269
(ý than thở)
 
Xét vậy thì chúng ta thấy hình như từ cái ý bất định tới cái ý hỏi, rồi từ ý hỏi, thêm ý phủ định, cuối cùng thêm ý hoang mang, ngạc nhiên, cảm thán, có một sự liên lạc nào đó trong trình tự tư tưởng, cho nên chúng ta mới tự nhiên dùng một tiếng (như đâu, hoặc ai, chi, gì, nào, sao…) để diễn tất cả những ý đó.
 

° °

°

 
Đấy, trong khoảng chín chục câu Kiều dùng tiếng “đâu” chúng tôi phân tích được những ý nghĩa và công dụng kể trên mà chúng tôii xin tóm tắt lại như sau:
 
1. Mới đầu tiếng “đâu” trỏ cái gì bất định. Nó dùng trong một câu thường, không phải là câu hỏi, và có thể đi với một trạng từ hay một thể từ.
 
2. Rồi dùng trong một câu hỏi, nó chỉ có cái ý hỏi, chứ không diễn một ý gì khác; trong trường hợp này nó đi với một trạng từ và luôn luôn đứng sau trạng từ.
 
3. Khi nó phát biểu thêm ý kiến (nghĩa là dùng trong một câu có phát biểu ý kiến) thì cái nghĩa của nó có giảm đi, mà thêm nghĩa phủ định, nghi ngờ. Trong trường hợp này, nó cũng đi với trạng từ, đứng sau trạng từ nhiều hơn đứng trước.
 
4. “Đâu” vẫn còn giữ một chút ý hỏi nhưng mất ý phủ định và thêm cái ý ngạc nhiên, cảm thán. Nó phát biểu tình cảm hơn là ý kiến. Trong trường hợp này, nó thường đi với một thể từ.
 
Sự biến nghĩa của nó theo trình tự nào, chúng ta không thể căn cứ vào đâu mà quyết định được, chỉ có thể đoán rằng nghĩa 1 hoặc nghĩa 2 xuất hiện trước[9], nghĩa 3 và nghĩa 4 xuất hiện sau.
 

° °

°

 
Phân tích và qui nạp như vậy rồi, chúng tôi đọc lại chương “Hư tự trong truyện Kiều” của ông Phan Khôi và thấy kết quả của ông và của chúng tôi giống nhau, nhưng những nhận xét đưa tới kết quả thì khác nhau. Về tiếng đâu ông ra hai luật:
 
Luật A. -Đâu khi đi với một động từ[10], phó từ, hình dung từ nào có sức làm cho ý hỏi của nó mạnh lên thì nó thành ra ý “không” hay là ý “phủ định” (trang 136)
 
Mới đọc luật ấy chúng tôi thắc mắc tự hỏi: Trong những câu:
 
Còn tình đâu nữa, là thù đấy thôi 3156
Nguyên người quanh quất đâu xa 147
 
hoặc trong câu này mà ta thường nghe nói:
 
Sự hi sinh của chiến sĩ đâu đã sút giảm?
 
thì tiếng nào làm cho ý hỏi mạnh lên?
 
Xét lại thì chúng tôi thấy luật này thuộc trường hợp III của chúng tôi. Ý hỏi nhẹ đi chứ không phải mạnh lên; mà sở dĩ nó nhẹ là vì trong những câu đó, người nói không phải hỏi mà thôi, mà còn phát biểu thêm ý kiến, ý kiến phủ định hoặc nghi ngờ.
 
Vã lại cứ xét câu:
 
Hiếu tình có lẽ hai bề vẹn hai? 730
 
chúng ta thấy chẳng cần dùng tiếng “đâu” hoặc “nào” để hỏi, mà dùng tiếng “có lẽ” làm cho ý hỏi nhẹ đi mà nghĩa cũng là phủ định.
 
Ngược lại, có trường hợp “đâu” đi với những tiếng làm cho ý hỏi mạnh lên như câu:
 
Mày có biết nó ở đâu không?
 
(có… không? làm cho ý hỏi mạnh hơn, gắt lên) mà câu không có ý phủ định, chỉ có ý hỏi. Như vậy thì lối giảng của Phan Khôi chưa thật thỏa đáng.
 
Luật B. – “Chữ đâu phủ định khi nó đi theo sau một chữ phủ định khác thì nó làm cho ý phủ định của câu càng gắt hơn, - nhưng có đứng trước một phủ định khác thì mới kể là hai phủ định làm thành ra một khẳng định để chỉ cái khả năng tính” (trang 137)
 
Rất đúng mà cũng thật mới mẻ.
 
a. Năm chầy cũng chẳng đi đâu mà chầy 1517
 
“Đâu” đứng sau tiếng phủ định “chẳng” làm cho ý phủ định của câu gắt hơn.
 
b. Đi đâu chẳng biết con người Sở Khanh 1158
 
“Đâu” đứng trước tiếng phủ định “chẳng”, kể là hai phủ định làm thành một khẳng định. Cơ hồ như chỉ đảo ngược vị trí của tiếng “đâu” mà ý câu cũng đảo ngược lại. Tại sao lại lạ lùng như vậy?
 
Chỉ tại Phan Khôi cho “đâu” đi với “chẳng” và xét vị trí hai tiếng đó đối với nhau. Sự thực, cả trong hai câu ấy, “đâu” với “chẳng” phải tách rời nhau ra; “đâu” đi với đi (đi đâu) và “chẳng” đi với đi trong câu (a), đi với biết trong câu (b).
 
Phân tích như vậy, chúng ta sẽ thấy “đâu” trong câu (a) thuộc trường hợp I và “đâu” trong câu (b) thuộc trường hợp III của chúng tôi; và chúng ta không còn thấy gì là lạ lùng, khó hiểu nữa.
 
Nhưng có lẽ Phan Khôi cũng đã nhận thấy như vậy; chỉ vì ông viết tắt, không phân tích tỉ mỉ, nên luật B tuy đúng mà cách phô diễn làm cho ta bỡ ngỡ, khó hiểu, thế thôi.
 
Tóm lại, nếu chúng ta muốn sửa lại luật của Phan Khôi cho thêm rõ ràng thì chúng tôi xin đề nghị sửa như vầy (sau khi sắp đặt lại cho có thứ tự):
 
Luật I. – “Đâu” vốn trỏ cái gì bất định, có nghĩa là chỗ này hoặc chỗ khác, bất kì chỗ nào, mọi nơi; như vậy đứng trong một câu khẳng định nó làm cho ý khẳng định mạnh lên mà đứng trong một câu có ý phủ định cũng làm cho ý phủ định mạnh lên.
 
 
Luật II. – “Đâu” đứng trong một câu bày tỏ ý kiến thì vừa có ý hỏi, vừa có ý phủ định, do đó ý hỏi của nó nhẹ đi. Cũng trong một câu như vậy, nếu chúng ta thêm một tiếng phủ định nữa thì thành hai ý phủ định, tức bằng một khẳng định, nhưng khẳng định mà không quyết liệt, vẫn còn ý nghi ngờ, vì “đâu” vẫn có chút ý hỏi mà hỏi thì có nghĩa là nghi ngờ nhiều hay ít.
 

° °

°

 
Chúng tôi chưa dám chắc rằng sự phân tích của chúng tôi đã đúng, sở dĩ viết bài này chỉ để chất chính cùng độc giả. Phải có nhiều người cùng nghiên cứu rồi mới có thể châm chước ý kiến số đông mà tạm quyết định được.
 
Nhưng công việc phân tích này cũng giúp chúng tôi rút được hai nhận xét dưới đây.
 
1- Môn ngữ học là một môn phức tạp. Tìm ra được một định lệ thật là khó khăn mà có khi còn táo bạo nữa vì có thể cùng một tiếng mà mỗi người hiểu theo một nghĩa. Hiểu theo hai nghĩa khác nhau mà phân tích thì kết quả khác hẳn nhau rồi, có khi ngược nhau nữa. Nhất là trong thi ca, nhiều khi phải tìm hiểu nghĩa rồi mới định được vị trí của mỗi tiếng mà phân tích được (vì phần từ pháp – morphologie – của mình không có gì). Chẳng hạn ở trên chúng tôi đã phân biệt tiếng “đâu” đi với trạng từ (trường hợp II, III) và tiếng “đâu” đi với một thể từ (trường hợp IV). Nhưng nhiều khi nó đứng sau một thể từ và trước một trạng từ:
 
Gió đâu sịch bức mành mành 213
Tin xuân đâu dễ đi về cho năng 368
 
thì làm sao biết được nó đi với tiếng nào? Đành phải tìm hiểu nghĩa trong câu. Trong hai câu trên, ý nghĩa rõ ràng, ta phân tích được: câu trên, “đâu” đi với “gió”, hơi có ý ngạc nhiên; câu dưới, “đâu” đi với “dễ”: tin xuân đâu dễ = tin xuân không dễ gì.
 
Nhưng còn những trường hợp khó phân tích vì hiểu cách nào cũng có lí ít hay nhiều, như câu:
 
Nhân duyên đâu lại còn mong 1927
 
thì nên cho “đâu” đi với “nhân duyên” hay đi với “lại”?
 
Rồi như câu này nữa:
 
Tiếc cho đâu bỗng lạc loài tới đây? 1067
 
Theo hình thức của câu thì “đâu” đi với “lạc loài” và thuộc vào trường hợp III của chúng tôi. Nhưng thực ra không phải vậy: câu đó không có nghĩa phủ định mà có nghĩa hỏi; và ta phải hiểu rằng “đâu” đi với một tiếng khác, tiếng người hay hiểu ngầm (tiếc cho đâu = tiếc cho người đâu hoặc cho ở đâu), mà nếu cho nó đi với tiếng người thì phải sắp vào trường hợp IV, cho nó đi với tiếng thì phải sắp vào trường hợp II. Hiểu cách nào cũng được, thực rắc rối. Cho nên có người nói rằng trong ngôn ngữ chỉ có cái khái quát. Thật đúng quá.
 
2 – Mỗi tiếng, nhất là những hư từ, bán hư từ, tuy có một tính cách nhất định, không thể lầm lẫn với tiếng khác, nhưng nghĩa của nó cơ hồ như không nhất định, có nhiều tiểu dị, biến thái tùy những tiếng đứng trước đứng sau nó, có khi tùy nghĩa cả câu, có khi chỉ tùy giọng người nói thôi. Là vì cảm xúc, ý tưởng của loài người thì rất nhiều mà dụng ngữ để diễn tả thì thiếu thốn. Một người như Nguyễn Du, cảm xúc và ý tưởng phong phú, tế nhị gấp mấy người thường mà dụng ngữ để phô diễn thì cũng chỉ có chừng đó; vậy mà tiên sinh diễn được hết, diễn khéo hơn những người khác, chỉ nhờ tiên sinh sắp đặt những tiếng với nhau trong một câu để cho tiếng này chiếu vào tiếng khác, thanh âm này ảnh hưởng với thanh âm nọ, và ta có cảm tưởng rằng Việt ngữ nhờ tiên sinh mà phong phú thêm lên, tinh xác thêm lên, tế nhị hơn lên. Thiên tài ở chỗ đó, và đó là điểm ta nên để ý tới mà đem ra phân tích khi đọc truyện Kiều. Tiếng “đâu” vốn trỏ cái gì bất định mà phân tích non chín chục câu của tiên sinh, chúng tôi gom được bốn nghĩa chính; nhưng trong mỗi nghĩa chính vẫn còn những tiểu dị (nuance), chẳng hạn trong sáu câu chúng tôi dẫn làm tỉ dụ trong trường hợp IV, thì tiếng “đâu” cũng đã có bốn nghĩa khác nhau rồi. “Đâu” trong câu 2: “Gió đâu sịch bức mành mành” không hẳn là “đâu” trong câu 1: “Duyên đâu chưa kịp một lời trao tay”; mà “đâu” trong câu 1 cũng không bâng khuâng tình tứ như “đâu” trong câu 5: “Người đâu gặp gỡ làm chi”; rồi “đâu” trong câu 6: “Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi” có ý ngạc nhiên thích thú, khác những tiếng “đâu” trong những câu trên. Khả năng của ngôn ngữ hay ảo thuật của bút pháp?
 

Bài này cũng viết năm 1965,

chung với Trương Văn Chình,

nhân kỉ niệm 200 năm Nguyễn Du ra đời.

 

Chú thích:
[1] Trong truyện Kiều ta thấy xuất hiện đủ hạng người trong xã hội, trừ hạng nông dân.
[2] Danh từ này ông Phan Khôi dùng để trỏ tất cả “những chữ không cứ thuộc về từ loại nào mà đã không có hình thể lại không có đối tượng như “nếu, bàn, mà, ư…” (trang 129), như vậy những tiếng ông gọi là hư từ gồm những tiếng chúng tôi gọi là hư từ và bán hư từ.
 
[3] Những số này chỉ số câu trong bản Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim.
 
[4] Đúng như Phan Khôi đã nói (trang 143 sách đã dẫn) đâu thay cho đằng nào, cũng như bao thay cho bằng nào.
[5] Trong bài này chúng tôi gọi trạng từ là tiếng để tỏ sự trạng, nghĩa là trỏ sự vật trong trạng thái động hoặc tĩnh nào đó, còn thể từ là tiếng để trỏ chính sự vật (coi Khảo luận về ngữ Pháp VN – Đại học Huế 1963, trang 157).
 
[6] Về câu này xin coi thêm đoạn kết.
[7] Chẳng biến ra chăng có phải là vì ở cuối một câu hỏi, giọng thường kéo dài ra, nên ta thường dùng tiếng có phù bình thanh (ton plein)? Đọc lớn tiếng, ta thấy: “Nó chịu chăng?” vang hơn, ngân hơn là: “Nó chịu chẳng?” Nếu giả thuyết ấy đúng thì chúng ta có thể trả lời được câu hỏi này của Phan Khôi trong bài “Hư tự trong truyện Kiều” (trang 131): “Tại sao bao dài (dài bao nhiêu) biến ra: bao dai; bao nhiều biến ra bao nhiêu?”.
[8] Nhiều bản ghi là “Một dây”. Ở đây có lẽ do in sai mà thành “Một cây” [Goldfish]
[9] Vì có người cho rằng “đâu” cũng như ai, chi, gì, nào, sao…) vốn có nghĩa rồi.
 
[10] Những tiếng này đứng về phương diện từ tính (nature des mots) chúng tôi sắp vào loại trạng từ, như đã chú thích ở trên.