Chương 2

 
Sự nghiệp nhà Lý khởi đầu nhờ những vị anh quân dày công dựng nước, mở đất, cải tổ phong tục và phát huy văn hóa dân tộc hết sức mạnh mẽ. Những chiến công chinh Chiêm phạt Tống lừng lẫy một thời khiến các lân bang phải e dè kiêng nể. Nhưng đến đời thứ bảy, khi vua Cao Tôn lên trị vì, sự nghiệp nhà Lý bắt đầu tuột dốc.
 Vua Cao Tôn tên là Long Cán, lên ngôi năm Bính Thân°, lúc mới ba tuổi. Thời gian đầu nhờ sự phụ chánh của quan Thái phó Tô Hiến Thành, một vị quan văn võ toàn tài, thanh liêm chính trực, nên đất nước vẫn được yên bình. Đến năm Kỷ Hợi, Tô Hiến Thành mất, người thay thế ông là Đỗ Yên Di quá bất lực khiến việc triều chính trở nên suy bại, xã hội trở nên bệ rạc.
 Năm Bính Ngọ° thì vua Cao Tôn chính thức cầm quyền. Ngài là vị vua ít hiểu biết về chính trị, ham chơi vô độ không ai can ngăn nổi. Ngài cho xuất của công xây dựng nhiều nhà cao tường đẹp làm nơi vui thú riêng. Ngài thường chểnh mảng việc triều chính, dành nhiều thì giờ để ngao du khắp chốn. Mỗi lần đi chơi xa ngài lại đem nhiều phi tần cung nữ theo để vui đùa. Xe vua đến đâu mà nghe có thần linh, ngài đều phong hiệu, cho lấy của kho và truyền lệnh dân chúng đóng góp để lập miếu thờ. Quan lại các địa phương cũng nhân cơ hội này vơ vét thật nhiều, phần cung đốn cho nhà vua, phần tư túi. Dân chúng đói khổ uất ức chỉ biết kêu trời. Ngoài ra, ngài còn sai nhạc công dựa theo lời hát của các cung nữ Chiêm bị các tiên vương bắt đem về trước đây, chế ra khúc nhạc Chiêm Thành để sử dụng trong cung đình. Khúc nhạc này tiếng trong trẻo, ai oán buồn rầu khiến người nghe phải chảy nước mắt. Đến nỗi vị Tăng phó Nguyễn Thường phải than: "Ta nghe bài tựa Kinh Thi nói rằng: Âm thanh của nước loạn nghe như ai oán, giận hờn. Nay dân nước loạn nguy, chúa thượng thì rong chơi vô độ, triều đình rối loạn, lòng dân trái lìa, đó là triệu bại vong".
 Mùa thu năm Kỷ Mùi° trời lụt lớn, lúa má ngập hết, khắp nước đói to. Mùa xuân năm Canh Thân° vua phải ra lệnh mở kho nhà nước để chẩn cấp thóc gạo cho dân chúng, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu.
 Thế mà năm Quí Hợi° vua lại cho xây gác Kính Thiên, một công trình to lớn hết sức tốn kém. Để có đủ tiền chi phí, vua Cao Tôn phải thi hành kế hoạch bán tước mua quan. Đến năm Mậu Thìn° lại mất mùa, đói to, nhà nước không còn thóc trữ để phát chẩn, người chết đói nằm gối lên nhau thật là khủng khiếp.
 Vì vậy dân chúng ngày càng oán hận triều đình. Giặc giã khắp nơi nổi lên như ong. Quân nhà Tống lẫn quân Chiêm Thành cũng thừa dịp cướp bóc quấy rối ở biên cương.
 Cũng năm Mậu Thìn, vua Cao Tôn cho Phạm Du ra coi việc quân ở châu Hoan. Phạm Du nhân cơ hội dân chúng đang đói khổ, bèn làm phản, thu nạp những kẻ vong mệnh và trộm cướp để chống lại triều đình. Mùa xuân năm sau (Kỷ Tị°), vua sai quan Phụng ngự Phạm Bỉnh Di đem quân đi đánh dẹp. Phạm Du thua trận phải chạy trốn. Phạm Bỉnh Di bèn tịch biên gia sản của Phạm Du đem đốt hết. Du căm tức ngầm sai người về Thăng Long đem vàng bạc đút lót cho Lý Kinh Hà, một viên quan thị đang được vua Cao Tôn tin dùng, nhờ y tâu dối với vua Phạm Bỉnh Di tàn ác giết người vô tội và bày tỏ oan trạng của mình. Với mánh lới ton hót của Lý Kinh Hà, vua Cao Tôn tin chuyện đó là thật. Ngài bèn cho người gọi Phạm Du vào chầu. Phạm Du đã trổ tài ăn nói làm cho vua hết sức tức giận Phạm Bỉnh Di. Thế rồi ngài cho triệu Bỉnh Di về triều. Khi Phạm Bỉnh Di về, vua chẳng thèm hỏi han phải trái, liền cho bắt ông cùng với con ông là Phạm Phụ giam vào ngục thất.
 Thấy chủ tướng có công lớn mà lại bị hàm oan, phó tướng Quách Bốc vô cùng bất mãn, bèn tuyên bố:
 - Trong triều có gian thần lộng hành thì tướng sĩ ở trận tiền không thể yên tâm đánh giặc. Chúng ta phải về kinh thỉnh cầu thánh thượng thả chủ tướng ra và trừng trị bọn gian thần mới được!
 Chúng quân nghe thế bèn hô lớn:
 - Chúng ta phải cứu chủ tướng! Chúng ta nhất định phải diệt bọn gian thần!
 Thế là chúng quân kéo ồ ạt về kinh thành. Bọn Lý Kinh Hà thấy vậy hoảng hốt lập tức tâu với vua Cao Tôn:
 - Nay chúng quân làm loạn chính là do ý đồ của Phạm Bỉnh Di. Như thế là tội trạng của Phạm Bỉnh Di đã rõ. Xin bệ hạ cho đem cha con Phạm Bỉnh Di giết ngay để tuyệt lòng chúng và tránh hậu hoạn!
 Vua Cao Tôn nghe tâu nổi giận phán:
 - Phạm Bỉnh Di đang ở trong ngục mà dám ngầm xúi quân sĩ làm phản thật tội lớn không thể tha thứ được! Vậy phải đem ngay y ra chém đầu bêu trước cửa thành để bọn phản loạn mất tinh thần mà rút lui!
 Thế là cha con Phạm Bỉnh Di đều bị hành hình.
 Quân sĩ của Quách Bốc thấy chủ tướng bị bêu đầu trước cửa thành thì càng thêm phẫn nộ. Chúng tấn công dữ dội vào thành Thăng Long. Quân giữ thành chống không nổi, vua Cao Tôn và con là Thái tử Lý Hạo Sảm mỗi người một đường tan tác chạy trốn...
°
 Thái tử Lý Hạo Sảm, con vua Cao Tôn, cùng một đám tùy tùng bị giặc đuổi phải chạy miết về miệt Thái Bình. Khi chạy đến địa phận Ấp Hải, làng Lưu Xá, Thái tử bị một toán người có võ trang chận lại, một người quát hỏi:
 - Các người là ai? Đến đây làm gì?
 Thái tử Lý Hạo Sảm tái mặt than thở: "Mạng ta cùng rồi!".
 Cũng vừa lúc ấy, toán quân truy đuổi của Quách Bốc lố nhố xa xa đang kéo tới. Thấy đường cùng, Thái tử Sảm bèn nói với toán võ trang chận đường:
 - Ta chính là Thái tử Lý Hạo Sảm đây! Các ngươi muốn làm gì thì làm!
 Người cầm đầu toán võ trang nghe nói thất kinh, lập tức quì xuống trước mặt Thái tử. Những người khác cũng vội quì theo. Thái tử Sảm thấy vậy mừng như chết đi sống lại, liền khoát tay:
 - Vậy thôi khỏi làm lễ gì cả! Các ngươi thương ta thì cho ta chạy thoát qua đây kẻo bọn phản loạn đang đuổi tới kia rồi!
 Người cầm đầu toán võ trang chính là Trần Thủ Độ. Nghe Thái tử nói thế chàng liền đứng dậy với vẻ phấn khởi, hăng hái thưa:
 - Tôi là Trần Thủ Độ đây! Thái tử chẳng cần phải chạy nữa! Hãy ở lại xem chúng tôi giết bọn giặc này!
 Rồi Độ hô lớn:
 - Anh em ơi, hãy chuẩn bị chiến đấu!
 Mấy hồi tù-và rúc vang lên. Toán quân đuổi theo Thái tử cũng vừa đến nơi. Hai bên xáp lại đâm chém nhau dữ dội. Ban đầu thì toán võ trang địa phương hơi yếu thế vì ít hơn. Nhưng những toán thanh niên khác trong làng nghe tiếng tù-và báo động đã nhanh chóng kéo ra tiếp ứng mỗi lúc một đông. Toán quân truy đuổi liệu chống không nổi phải bỏ chạy sau khi đã để lại mấy xác chết.
 Một lát sau đó nhà hào phú Trần Lý dẫn một số chức sắc trong làng ăn mặc chỉnh tề kéo ra nghênh đón Thái tử Sảm. Họ mời Thái tử tạm nghỉ dưới một gốc cây cổ thụ rồi cho người dâng một mâm cơm rượu. Trần Lý thưa:
 - Bọn thôn phu lỗ mãng chúng thần ngàn năm một thuở mới có dịp chiêm ngưỡng được thiên nhan, chúng thần lấy làm hân hạnh lắm! Thái tử điện hạ vừa trải qua một chuyến bôn ba đường xa chắc hẳn đã thấm mệt. Chúng thần xin dâng chút cơm rượu hèn mọn xin Thái tử tạm dùng đỡ dạ.
 Thái tử Sảm vui vẻ nhận lời, ngài nói:
 - Bọn thuộc hạ của ta có lẽ cũng đói lắm. Các ngươi có gì cũng nên cho chúng chút ít. Ta sẽ không quên ơn các ngươi đâu!
 Trần Lý thưa:
 - Bẩm Thái tử, hạ thần đã cho người lo việc ấy rồi.
 Trong lúc Thái tử ăn uống, bọn Trần Lý cung tay đứng hầu chung quanh. Khi xong bữa, Thái tử bèn nói sơ lược tình hình cho mọi người nghe. Ai nấy tỏ ra lo ngại cho vua Cao Tôn, không biết giờ này ngài lưu lạc ở đâu, tình cảnh ra thế nào. Trần Lý lại thưa:
 - Nếu điện hạ Thái tử không chê tệ xá nghèo chật thiếu tinh khiết, hạ thần xin kính thỉnh điện hạ về đấy tạm nghỉ vài ba bữa để chờ nghe tin tức triều đình ra sao rồi lo tính sau.
 Thái tử nói:
 - Tính như vậy cũng được. Nhưng ta còn ngại bọn giặc sẽ kéo trở lại đây đông hơn để tìm ta. Các ngươi tính liệu thế nào về việc đó?
 Trần Lý suy nghĩ giây lát rồi thưa:
 - Điện hạ lo ngại như vậy rất có lý. Hay là điện hạ cho phép hạ thần tuyển mộ cấp thời một số dân đinh để làm vây cánh chống lại bọn giặc kia? Nếu mở rộng được thế lực, ta còn có thể xuất quân cứu giá Hoàng thượng khi cần hoặc kéo về tái chiếm kinh thành?
 Thái tử Sảm lộ vẻ vui mừng:
 - Ý kiến hay! Ta cho phép, nếu ông làm được như vậy thì tốt lắm!
 Thế là Trần Lý cho người em vợ ông là Tô Trung Từ cùng hai con Trần Thừa, Trần Tự Khánh và cháu là Trần Thủ Độ lập tức tỏa ra quanh vùng chiêu mộ dân binh. Chẳng bao lâu Trần Lý nghiễm nhiên trở thành tư lệnh một đạo quân khá hùng hậu làm Thái tử Sảm rất mừng.
 Mấy ngày sau thì người của Trần Lý dò được tin vua Cao Tôn đang lánh nạn ở Qui Hóa (Phú Thọ). Ở Thăng Long thì Quách Bốc đã tôn hoàng tử Thầm mới tám tuổi lên làm vua. Thái tử Sảm lo sợ hỏi Trần Lý:
 - Bây giờ ta biết làm sao? Lực lượng của ông có thể kéo về tái chiếm kinh thành Thăng Long không?
 Trần Lý đã vững lòng tin không ai dám xâm phạm làng Lưu Xá, hơn nữa, ông đã chuẩn bị cả hầm bí mật tại nhà để sử dụng khi cần, bèn thưa:
 - Lập hoàng tử Thầm lên ngôi tức Quách Bốc đã lo tranh chính nghĩa với chúng ta rồi! Việc tái chiếm Thăng Long lúc này là việc tối cần thiết. Nếu diên trì để Quách Bốc củng cố cơ sở được vững chắc rồi thì thật nguy. Vậy, xin điện hạ cho lệnh thần được kéo quân về Thăng Long càng sớm càng tốt. Hiện tại chưa rõ tình trạng Hoàng thượng thế nào, điện hạ là chỗ trông cậy của ba quân và dân chúng, không nên khinh xuất. Trong lúc hạ thần ra quân, xin điện hạ cứ tạm thời nương náu ở nhà hạ thần. Thần tin rằng sẽ có báo tiệp sớm về cho điện hạ!
 Thái tử Sảm nói:
 - Khanh nói vậy cũng phải, tạm thời ta vẫn ở lại đây một thời gian. Khanh hãy mau chuẩn bị xuất quân. Ta hi vọng sẽ nhận được báo tiệp của khanh sớm!
 Thế là Trần Lý lo chỉnh đốn lại đội ngũ, chuẩn bị kéo quân về kinh sư.
 Đạo quân của họ Trần với những người chỉ huy mưu lược, với nhiều tay võ nghệ thuần thục, với tinh thần dũng cảm, đã tiến rầm rộ về kinh với cái thế chẻ trúc phá ngói. Quân của Quách Bốc không bao lâu tan rã cả. Đó là vào cuối năm Kỷ Tị.
 Ổn định tình hình xong, Trần Lý cho người lên Qui Hóa (Phú Thọ) rước vua Cao Tôn hồi kinh. Tiếp đó ông lại cho người về làng Lưu Xá đón Thái tử Sảm.
°
 Nói về Thái tử Sảm, khi đến nhà Trần Lý, được Trần Lý dành cho một căn phòng khá đầy đủ tiện nghi và đẹp đẽ để ở tạm. Căn phòng này trước kia ông đã dành cho vị thầy dạy con cháu ông học hành. Phòng cũng có một số sách do ông thầy để lại nên Thái tử có thể đọc giải khuây.
 Những người đi theo Thái tử cũng được sắp xếp chỗ ăn ở gần đó để họ dễ bề hầu hạ Thái tử.
 Tuy tạm yên thân, Thái tử vẫn hết sức lo rầu. Mãi đến khi ông Trần Lý tuyển mộ được một đội quân khá mạnh, Thái tử mới có chút sắc vui. Sau ngày Trần Lý kéo quân về kinh thành, Thái tử lại mất ăn mất ngủ hồi hộp trông ngóng tin tức. Sợ Thái tử lo rầu mà sinh bệnh, những người hầu tìm đủ cách để làm cho Thái tử khuây khoa. Một hôm, người hầu thân tín là Anh Huy thưa với Thái tử:
 - Xin điện hạ bớt âu sầu, biết đâu chuyến ở đậu nhà này lại chẳng là duyên lành của điện hạ!
 Thái tử ngạc nhiên:
 - Ngươi nói gì? Sao lại gọi là duyên lành được?
 Tên hầu Anh Huy nét mặt có vẻ cầu tài, thưa:
 - Bẩm điện hạ, hạ thần dò biết trong nhà vị hào phú họ Trần này có một giai nhân tuyệt sắc. Hạ thần thấy nàng xinh đẹp không thua kém gì những cung nữ bậc nhất ở kinh thành đâu.
 Thái tử ngạc nhiên, mắt sáng rỡ lên, hỏi:
 - Ngươi không trông lầm đấy chứ! Sao đã mấy ngày ta không hề thấy?
 - Bẩm, có lẽ họ ngại ngùng chi đó nên bắt nàng ẩn mặt. Từ hôm ông Trần và các con ông kéo quân về kinh thành, mọi việc trong nhà đều do Trần phu nhân và một bà vú điều hành hết. Tình cờ hôm kia, hạ thần thấy một thiếu nữ tuyệt đẹp từ phòng Trần phu nhân vừa bước ra bị Trần phu nhân đẩy trở lại rồi khép cửa liền. Có lẽ đó là con gái của ông Trần...
 - Thật ư? Thế mà ở đây đã hơn mười ngày ta cứ tưởng nhà này không có con gái! Vậy, ngươi hãy kín đáo thăm dò mấy đứa ăn ở trong nhà coi thử đúng sai thế nào rồi cho ta hay!
 Anh Huy sung sướng thưa:
 - Hạ thần sẽ cố gắng hết mình!
 Ngay buổi chiều cùng ngày, Anh Huy thưa với Thái tử:
 - Bẩm điện hạ, hạ thần đã dò hỏi đích xác, nhà này quả thật còn có một người con gái út, nàng ấy tên Dung.
 Thái tử nghe xong nói:
 - Nếu thật như thế, về triều ta sẽ hậu thưởng cho ngươi!
 Hôm sau, Thái tử cho mời Trần phu nhân đến nói chuyện. Sau khi phu nhân làm lễ bái kiến, Thái tử hỏi thăm qua loa rồi đột nhiên hỏi:
 - Ta nghe ông bà còn có một người con gái út, sao đi đâu không thấy mặt?
 Trần phu nhân giật mình. Biết không thể giấu mãi được, phu nhân thưa:
 - Bẩm điện hạ, tiện nữ quê mùa xấu xí quá nên không dám cho ra mắt...
 Thái tử nói như ra lệnh:
 - Không có sao hết, ta đã ở trong nhà phu nhân, phu nhân hãy cho tiểu thư ra đây cho ta biết mặt!
 Trần phu nhân đành phải cho người vào gọi tiểu thư. Một lát sau, tiểu thư Dung yểu điệu bước ra. Thái tử Hạo Sảm vừa thấy mặt đã choáng váng cả người! Quả thật tiểu thư không khác chi tiên giáng trần! Thái tử cười run run vừa trách vừa nịnh:
 - Người như tiểu thư đây phải đúc nhà vàng cho ở mới xứng, sao phu nhân lại nói với ta là quê mùa xấu xí?
 Phu nhân nói giả lả cho qua chuyện, sắc mặt không vui lắm. Trong khi đó, tiểu thư Dung thì lại càng làm ra vẻ yểu điệu, duyên dáng...
 Thật ra, ngay từ ngày đầu khi Thái tử đến nhà mình, tiểu thư Dung đã nhìn thấy chàng. Cái vẻ quyền quí cao sang của Thái tử đã làm lu mờ ngay hình bóng anh chàng vai u thịt bắp miền quê vừa nhen nhúm trong lòng nàng thiếu nữ. Nàng rất tin tưởng vào sắc đẹp của mình. Nàng nghĩ nàng có quyền mơ ước, mơ ước vượt qua khỏi vùng biển khơi đầy bất trắc với sóng cồn hung hãn, với nắng cát rát da luôn sặc mùi tôm cá để hướng về chốn kinh thành hoa lệ...
 Nhưng Trần phu nhân không bao giờ muốn thế. Bà đã không cho tiểu thư Dung ra chào Thái tử như tất cả mọi người khác trong nhà khi Thái tử mới đến. Trần Tự Khánh thấy vậy thắc mắc thì bà nói:
 - Con gái nhà quê lo thủ phận, ra chào Thái tử để làm gì?
 Trần Tự Khánh lại nói:
 - Thì mẹ cứ cho em Dung chào Thái tử biết đâu lại không có điều hay? Em Dung cũng sắc nước hương trời chứ kém ai đâu! Không chừng nó được phong hoàng hậu, hoàng phi thì giòng họ mình cũng được nhờ chứ!
 Phu nhân lắc đầu nguầy nguậy:
 - Thôi! Thôi! Đưa con vô nội, bao nhiêu bậc cha mẹ phải ray rứt hối hận cả đời! Một vạn cung phi mới có một người được lên hoàng phi, hoàng hậu chứ đâu có dễ! Còn bao nhiêu người khác phải sống một đời tối tăm khô héo cả trái tim lẫn thân xác, xa mẹ xa cha, không nếm được một chút ái tình cho tới chết! Các con không biết chứ các triều đại trước, mỗi lần có lệnh tuyển cung phi tại một xứ nào thì lập tức ở xứ đó, con gái còn tân bị cha mẹ đem gả thốc gả tháo cho bất cứ chàng trai nào, không phân biệt đui, què, sứt, mẻ... Dù gả cho ai thì ít nhất họ vẫn còn có cơ hội gặp lại con gái của mình, chứ đưa vô cung cấm là hết rồi...
 Trần Tự Khánh bật cười:
 - Thế chắc cũng có chuyện chàng mù bế được nàng tiên hả mẹ?
 - Có chứ sao không! Những dịp ấy chán chi những kẻ tật nguyền được người ta mời lấy vợ đẹp!
 Dung không đồng ý với mẹ nhưng không dám trái lời. Giờ thì nàng hết sức thỏa nguyện. Nàng biết mẹ không vui nhưng nàng tin rằng nàng sẽ không để mẹ phải buồn lâu. Nàng quyết lòng bằng mọi cách phải hớp hồn vị Thái tử này. Quả thật, nàng đã thành công dễ dàng... Chẳng bao lâu, hai người đã thề non hẹn biển cùng nhau...
 Nhân dịp quan quân về Lưu Xá rước mình về kinh, Thái tử Sảm bèn xin đính hôn luôn thể, chấm dứt hẳn bao nhiêu mộng ước của những chàng trai Lưu Xá.
 Riêng tiểu thư Dung, nàng biết chắc người đau khổ nhất  chính là người em họ của nàng. Nhưng trước hào quang rực rỡ của tương lai, đối với người em họ ấy, nàng chỉ có một chút tình thương hại của kẻ bề trên chứ đâu có tình yêu! Nhớ lại lời "Độ này nguyền sẽ giết sạch cả giòng họ đứa nào lấy chị sau này!", nàng chỉ thấy đó là một lời tức khí của trẻ con đáng tức cười...

Chú thích:
Bính Thân: 1176, Kỷ Hợi: 1179, Bính Ngọ: 1186, Kỷ Mùi: 1199, Canh Thân:1200, Quí Hợi: 1203, Mậu Thìn: 1208, Kỷ Tị: 1209.