Thiện là người bạn đồng quê, đồng cảnh và đồng niên từ thời hai đứa tóc còn để chỏm. Nhà hai đứa cách nhau một hàng rào dâm bụt xanh quanh năm nở đầy những đóa hoa lớn màu đỏ thắm. Gia đình Thiện chuyên nghề nông, đất ruộng nhiều. Mấy đôi trâu làm sức kéo cày ruộng, vỡ đất khi mùa màng đến để xuống vụ. Nhà Thiện có ba anh em. Người anh cả tên Lý đi lính quốc gia khi tuổi vừa tròn hai mươi. Anh Lý đã được cha mẹ hai bên hứa hôn với bà chị cả của tôi. Anh Lý đóng đồn ở xã Từ Tâm. Một đêm giặc tấn công đồn anh đã bị địch bắt dẫn đi mất tích, khiến chị tôi phải góa bụa đến mười năm sau. Chị gái của Thiện vừa tuổi trăng tròn đang đi học tại trường tỉnh. Chị có sắc đẹp khả ái, người mũm mĩm, khuôn mặt tròn, đôi mắt to và đen lánh. Xen kẻ còn ba người con nữa nhưng đã mất sớm. Thiện là út trong gia đình. Anh đang sáu tuổi, đồng tuổi với tôi và cùng đang học lớp Ðồng ấu tại trường làng do ba tôi làm thầy giáo.
Tuy cùng tuổi, Thiện đứng cao hơn tôi một cái đầu. Bản tính anh chậm, lại cái tội nói nhiều. Ngược lại tôi nhanh nhẹn hơn anh, nhưng thâm trầm ít nói. Trong lớp Thiện thường bị điểm số không vì nhác học, và thích nói chuyện nên cứ bị ăn đòn cả trứng vịt. Những lần bị đòn, Thiện phải nằm dài trên bệ gỗ. Khi ngọn roi của ba tôi vừa nhá xuống là anh nhảy tưng người lên, hai tay xoa xoa hai mông lia lịa, miệng la e é, người cong lại cứ lắc lư run rẩy. Vậy mà không chờ ai bảo, Thiện lại nằm tiếp trên bệ gỗ để hứng ngọn roi thứ hai của ba tôi, anh lại tiếp diễn các động tác lúc đầu. Cứ thế, Thiện trình diễn nhiều lần. Cả lớp học được một dịp cười thỏa thích. Thành ra, mỗi lần Thiện bị đòn vì học u, nhác học, nói chuyện, cả lớp lại được dịp cười xả hơi. Tôi thấy thương Thiện khi anh bị đòn. Tôi không cười như các bạn cùng lớp. Mỗi lần ngọn roi ba tôi quất xuống người Thiện là tôi bặm môi, nín thở như muốn góp sức chịu đựng cùng Thiện. Tôi muốn chạy tới kéo Thiện ra không để anh bị đòn nhưng lại không dám.
Trong lớp Ðồng ấu có con bé Phúc nhỏ hơn chúng tôi một tuổi nhà xóm trên. Mỗi lần Thiện bị đòn, tan giờ học, nó cứ lẻo đẻo theo hỏi Thiện có đau đớn gì nhiều không? Vừa hỏi nó vừa đưa bàn tay thoa thoa hai mông của Thiện hết sức tự nhiên. Ðược thể anh chàng Thiện giả bộ nhăn mặt rên rỉ trông thảm càng làm cho bé Phúc xúc động ra mặt. Rồi Thiện bật cười to, ù té chạy một hơi, khiến tôi và bé Phúc ngạc nhiên nhìn nhau rồi cùng chạy đuổi theo Thiện. Dần dà ba chúng tôi cùng chơi thân với nhau như anh em ruột thịt.
Những buổi trưa hè nắng gắt, ba đứa chúng tôi cổi hết quần áo nhảy xuống hồ sen lớn trước Ðình làng bơi lội, cút bắt và ôm nhau quật lộn loạn xạ dưới nước. Vậy mà chẳng có chút gì là mắc cỡ trước thân thể trần truồng của mỗi đứa. Tuổi con nít nhà quê thời đó là như thế đó, tự nhiên lắm, vui lắm, chẳng có gì e lệ thẹn thùng như con nít bây giờ.
Ngày thứ bảy, chúa nhật là thời gian thần tiên của ba đứa tôi trong lứa tuổi học trò. Tôi theo Thiện lùa trâu ra đồng thả ăn cỏ và lần nào cũng có bé Phúc chạy lẻo đẻo theo nhập bọn. Ba đứa chúng tôi tìm những khúc mương nhỏ trong ruộng đắp chận hai đầu để tát nước bắt cá. Chúng tôi bắt được nhiều cá. Cá rô còn gọi là cá gai, cá trê, cá tràu (cá lóc), cua, ghẹ, tép...Dưới ánh nắng chan chan rực lửa chúng tôi lội bì bõm trong nước bùn sền sệt, mò mẫm từng gốc lác, lùm cỏ, hốc đất...để bắt cho được những con cá ẩn trong bùn đen. Tay chân, mặt mày đứa nào cũng lấm lem bùn, mồ hôi nhễ nhãi. Nhìn đứa nào cũng giống hề, thật vui. Những con đỉa đói được dịp bám vào cổ chân, bàn chân của chúng tôi hút máu. Nào đâu có sợ gì đỉa. Cứ có con đỉa nào bám vào chân là dùng mấy ngón tay cào ra, rồi nắm hai đầu con đỉa kéo dài ra độ hai ba tấc, kéo đến khi nào nó đứt ra làm hai, ươm máu ra, rồi cười nắc nẻ thật say sưa thích thú. Ðó là một trò chơi thú vị, vui và cũng thấy ghê ghê. Con nít nhà quê bạo dạn và lỳ dễ sợ.
Một lần bé Phúc thò tay móc vào một hang sâu cứ ngỡ rằng có con cá tràu lớn nằm ẩn trong đó. Không ngờ nó nắm đúng ngay một con rắn nước bự thật bự. Bé Phúc hoảng hồn rụt vội tay ra, con rắn nước phóng mạnh ra ngoài. Bé Phúc khiếp vía ngã té ngữa trên bùn đen sền sệt, mặt mày không còn chút máu, bất tỉnh. Tôi và Thiện phải khiêng con nhỏ lên bờ ruộng, cổi hết quần áo lấm lem bùn của nó, giật tay, giật chân, bứt tóc bứt tai của nó để nó tỉnh dậy. Hồi đó chúng tôi đâu biết làm hô hấp nhân tạo là gì. Tôi phải mang quần áo đầy bùn của bé Phúc đi giặt ở khúc mương có nước trong gần đó rồi phơi khô trong lúc Thiện canh chừng Phúc. Khi con nhỏ tỉnh lại, nó nói chuyện tỉnh bơ và còn giục tôi đem quần áo đến mặc cho nó. Nghĩ thật là vui đáo để và cũng nực cười cho cái trò chơi ngồ ngộ và cũng nguy hiểm đó.
Chúng tôi có nhiều trò chơi thú vị ngoài đồng khi thả trâu ăn cỏ. Tập làm vợ chồng, Phúc làm vợ, Thiện làm chồng, tôi làm cha mẹ. Tập cưới hỏi, tôi làm ông mai. Làm quan xử kiện. Làm lính đánh giặc. Bày trò chơi chạy đua. Ðứa nào chạy thua phải cõng đứa thắng cuộc. Tôi thì bị thua hoài thôi, tệ thật, chuyên môn cõng Thiện và bé Phúc chạy từng vòng trong đám ruộng thở không lại hơi. Ðôi lần tôi cõng Phúc đang chạy giả đò té ngã sấp xuống cỏ ruộng, hai đứa nằm chồng lên nhau, nhìn nhau cười ơi là cười, cười chết ngất muốn ngộp thở. Cười một hồi đã nư, hai đứa cứ nằm im như thế mà thở cho đến khi Thiện giục chúng tôi mới lồm cồm ngồi dậy. Tuổi thơ của bọn tôi là vậy, không vướng bận, không suy nghĩ, không thẹn thùng mắc cỡ, cười đó rồi khóc đó, rồi vui, rồi làm nũng, rồi giận hờn hết hồi lại thôi không để lâu trong bụng..
Năm tháng trôi qua, tuổi tác lớn lên, học hành theo từng lớp. Lớp Tư, lớp Ba, rồi đi thi lấy bằng Sơ Học Yếu Lược. Cả Thiện, bé Phúc và tôi giã từ ngôi trường làng của ba tôi ra trường Quận học lớp Nhì nhỏ, lớp Nhì lớn, và lớp Nhất để đi thi lấy Tiểu học Văn bằng. Thời xa xưa ấy từ lớp Ðồng ấu lên đến lớp Nhất chúng tôi học Quốc ngữ và tiếng Pháp. Trong ba đứa, con bé Phúc khá tiếng Pháp hơn. Thỉnh thoảng chúng tôi "xổ Pháp" nửa nạc nửa mỡ, phát âm ngọng nghịu, tự vựng chỉ trên đầu ngón tay và văn phạm thì búa xua muốn hiểu sao đó thì hiểu.
Từ trong quê ra Quận xa hơn năm cây số đường đi, chúng tôi đi học bằng xe đạp hằng ngày. Chiếc xe đạp thời đó quí giá vô cùng, và có được nó là một niềm hãnh diện ghê gớm. Nhà giàu mới có được chiếc xe đạp làm cảnh. Thời gian học trường Quận cả ba chúng tôi đã trở thành những cua rơ xe đạp nhà nghề lúc nào không hay. Trên đường đi, đường về ngày hai bận, đứa nào cũng cố sức vượt qua mặt. Lúc đầu ngồi trên xe đạp cầm ghi đông hai tay, sau thả một tay, riết rồi thả hai tay, ngồi thẳng lưng, ào ào đạp tới với tốc độ kinh hồn. Tôi và Thiện thường bị thua cái con nhỏ Phúc đó. Thiện thường trốc trốc mồm giục tôi vượt nhanh lên mỗi lần gần qua mặt bé Phúc, nhưng chẳng thắng nổi con nhỏ. Con bé Phúc trông mảnh mai yểu điệu thế, đi xe đạp sao mà nhanh như gió thoảng. Ðôi lần xe đạp của bé Phúc xì bánh, Thiện phải đèo con nhỏ sau yên xe, còn tôi vừa đạp vừa dắt theo chiếc xe mắc dịch của nó về nhà.
Ðiều vui nhất là khi bé Phúc làm nũng, vòi vĩnh và thường khóc nhè với Thiện hoặc với tôi một điều gì không vừa ý. Nó cứ khóc lè nhè, lè nhè kéo cưa như đưa đám ma. Khóc vậy mà nhìn chẳng có tí nước mắt nào, thật cũng ngộ. Vừa khóc, bé Phúc vừa dậm chân, hai tay vùng vằn, gương mặt nhăn nhó giống như khỉ ăn trúng ớt cho đến khi nào cả tôi cũng như Thiện làm vừa ý nó, nó mới ngưng màn trình diễn, đấm thùm thụp vào lưng tôi hoặc Thiện. Có lẽ cô nàng mắc cỡ hoặc mừng vui cho chiến thắng của mình.Thiện thì chịu khó dỗ dành, thích làm vừa lòng con nhỏ Phúc. Thiện ưa nói, mình là con trai, nó là con gái. Con trai phải ưu tiên cho con gái, phải thương và chăm sóc cho con gái nhiều hơn. Vì vậy hễ có cái bánh, cái kẹo ở nhà là con nhỏ Phúc dấu thật kỹ trong túi áo, rồi đi tìm Thiện dúi vào tay nó và bảo ăn đi, đừng cho cái ông Hoàng điên điên khùng khùng kia, tức là đừng cho tôi ăn. Tôi cười nhạo Thiện mới bây lớn đã có mạng thờ bà. Nghe tôi nói, bé Phúc lại đấm vào lưng tôi thùm thụp rồi trừng tôi một cái có đuôi.
Ngày đi thi tiểu học cha mẹ chúng tôi treo giải thưởng khuyến khích con. Năm đó, chúng tôi đứa nào cũng thi đậu tiểu học hạng ưu và bình. Tôi được ba mẹ thưởng một đồng hồ đeo tay hiệu Tanco của Pháp có dạ quang xem giờ ban đêm. Tôi mừng hết lớn, suốt ngày đêm cứ xem giờ, nhìn ngắm mãi mê đồng hồ quên cả cơm nước. Lần đầu tiên được đeo đồng hồ tay đi dợt le với mấy đứa cùng xóm. Nhà Thiện có tiền, anh được ba mẹ thưởng cho chiếc xe đạp hiệu Peugeot sơn màu xanh lá cây cấu cạnh và một cặp bút máy Parker nắp mạ vàng. Lúc nào đi đâu anh chàng cũng giắt chễm chệ cặp bút máy trên túi áo trông rất ư là người lớn, thật điệu nghệ vô cùng. Nhà Phúc không thưởng gì cho con bé, chỉ làm một bữa tiệc ăn mừng. Con nhỏ Phúc được dịp rủ hai đứa tôi tham dự mừng nó thi đậu hạng ưu. Trông con nhỏ hãnh diện lên mặt lắm. Tôi xúi Thiện đem cặp bút máy Parker tặng cho bé Phúc. Thiện ừ cho là phải và thực hành ngay trong bữa tiệc, khiến cho con nhỏ Phúc nhìn anh chàng Thiện trân trối, rươm rướm nước mắt vì mừng quá.
Năm sửa soạn ra trường tỉnh nhập học lớp Ðệ Thất, cả ba chúng tôi tự như cảm thấy mình đã lớn hẳn lên thấy rõ. Lời nói, cung cách đối xử với nhau như có sự dè dặt. Bé Phúc lại đang trỗ mã ở lứa tuổi mười hai, mười ba, biết e thẹn, bắt đầu làm dáng, biết đến áo này quần nọ. Phúc đi học có lúc mặc áo dài trắng cao lên đầu gối, quần lãnh đen, có lúc mặc quần tây, áo sơ mi hở cổ, tóc kẹp thả dài sau lưng, mỗi lần bước đi đuôi tóc sau lưng lắc lư đong đua theo nhịp bước trông cũng ra dáng và dễ thương ra phết. Nàng ở trọ tại nhà bà cô ruột trong thị xã. Tôi và Thiện ở chung nhà người quen và ăn cơm tháng của họ.
Thời ấy, trường trung học công lập tỉnh nhận cả nam lẫn nữ học chung, chưa có trường nữ trung học riêng. May mắn ba đứa chúng tôi lại cùng học một lớp. Chúng tôi đậu tiểu học hạng ưu và bình, đương nhiên được vào đệ thất không phải qua kỳ thi tuyển. Hằng ngày tôi và Thiện mặc quần short xanh, áo sơ mi trắng ngắn tay, mang sandale hoặc giày bata trắng, tay đeo đồng hồ, tóc hớt cao chải rẽ một bên không còn để chỏm như ở quê ngày trước, và tay ôm cặp da đựng đầy sách vở trông ra vẻ người lớn rất ư là oai vệ.
Ðúng là Thiện nhác học từ khi biết đi học. Ở trường về nhà, Thiện vứt sách vở qua một bên để học đàn. Anh say mê âm nhạc. Ban đêm anh ghi tên theo học lớp nhạc lý của thầy Mật. Anh học mandoline, học guitare, học accordion...Vì vậy những lần thi kỳ 1 kỳ 2 Thiện cứ ì ạch cầu cứu tôi và Phúc, vậy mà loay hoay sao đó, Thiện cũng trên điểm trung bình. Không biết lúc thi tiểu học, anh xoay sở thế nào lại đậu hạng ưu mới giỏi chứ! Chính là cái tài riêng của anh chàng!
Phúc giỏi sinh ngữ Anh, Pháp. Tôi khá Toán và Việt văn. Còn Thiện thì chẳng có môn nào gọi là khá hoặc xuất sắc.Với Thiện chỉ riêng có verbe être và avoir mà từ tiểu học đến đệ thất, lên đệ tứ anh chàng vẫn chưa thông suốt, cứ đem hai verbes tròng qua tréo lại, đem râu ông nọ cắm cằm bà kia.
Nhà Thiện giàu, cha mẹ chu cấp cho anh rộng rãi. Anh thường có sẳn tiền trong túi. Thường tôi và Phúc giúp Thiện làm bài và giảng thêm về các môn anh yếu. Thế là chúng tôi luôn được Thiện bao miễn phí những chầu cà phê, ăn kem, bò viên, bò bía, gỏi đu đủ, đi ciné...cứ thế mà vui không tưởng được. Tánh Thiện cổi mở, vui tính, rộng rãi với bạn bè. Anh thích nói, xuề xòa, bông đùa, có cảm tình, ai cũng mến nhưng rất cương nghị trong việc làm.
Thiện còn có óc hài hước và tâm hồn nghệ sĩ. Trong năm đệ tứ Thiện đã sử dụng thành thạo guitare và accordion. Nhà trường có những buổi trình diễn văn nghệ vào dịp Tết và ngày mãn khóa học. Thiện được thầy Hiệu Trưởng giao trách nhiệm Trưởng ban văn nghệ nhà trường. Anh chàng đúng là có khả năng lãnh đạo chỉ huy. Anh điều động toàn thể học sinh trong trường, ai có năng khiếu đều phải tham gia sinh hoạt văn nghệ và thực hiện tờ báo tường với sự giúp đở tận tình của Thầy Cô.
Phúc có năng khiếu hát hay với gịọng hát hết sức truyền cảm. Phúc và Thiện cùng những bạn nam nữ học sinh khác quấn quít nhau trong những giờ nghỉ để tập luyện những bản nhạc, những vở kịch đem trình diễn. Phúc trợ lực với Thiện trong vai trò tổ chức đêm văn nghệ nhà trường. Phần tôi, anh chàng giao chăm sóc tờ báo tường từng tam cá nguyệt.
Cuối năm đệ tứ chúng tôi tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp, và lên đệ tam, rồi đệ nhị. Tôi và Thiện đang chuyển đổi thành người lớn rất rõ nét. Còn Phúc thì đang tuổi dậy thì, cơ thể nở nang với những đường cong "trời phú", đôi mắt đen long lanh "có khói", đôi môi mọng xinh xắn, khuôn mặt trái xoan ửng hồng, làn da trắng mịn và mái tóc mượt mà đen bóng phủ trọn bờ vai. Trong trường ai cũng công nhận Phúc là hoa khôi của nhà trường thời ấy đã khiến nhiều kẻ ôm mộng.
Ngày lễ kỷ niệm hai bà Trưng hằng năm, Phúc thường được chọn đóng vai Trưng Trắc cùng với Ngọc Hạnh, một nữ sinh xinh đẹp duyên dáng khác trong trường thủ vai Trưng Nhị. Ðúng là hai đóa hoa rực rỡ biết nói của nhà trường. Hai cô cưỡi voi (voi thật đấy), múa kiếm, thét ba quân tướng sĩ (đều là nữ sinh của trường), giữa tiếng chiêng trống thúc quân hào hùng, ào ạt xông lên diệt giặc Tô Ðịnh. Trông Phúc và Ngọc Hạnh lúc đó thật uy nghi rực rỡ như ánh hào quang. Trong tôi lúc này đang như có một tình cảm nhen nhúm sâu đậm với Phúc. Còn anh chàng Thiện thì vẫn cúc cung với bản tính thờ bà cố cựu của anh ta đã có ngay từ lúc tóc còn để chỏm ở quê. Anh thường tạo mọi sự vừa ý cho Phúc cho dù có khó khăn cách mấy.
Thời gian này trong trường đang có hai luồng khuynh hướng suy nghĩ khác biệt giữa các học sinh nam nữ. Một bên thường kể cho nhau nghe về những sinh hoạt của Chính phủ Quốc gia có Quốc Trưởng Bảo Ðại thời đó. Nghe rồi bàn cãi, suy luận, tin tưởng và ngưỡng mộ. Số này là chúng tôi và đông đảo anh chị em học sinh trong trường. Một số ít lại thích rỉ tai khoe khoang những hoạt động của Việt Minh sau này gọi là Việt cộng trong đó thường nhắc đến tên ông Hồ Chí Minh. Thời đó đa số chúng tôi chưa biết ông Hồ là ai. Nghe thì nghe vậy, chẳng ai chú ý và có thể dễ quên. Nhưng lại có nghe Việt Minh thường sát hại, bắt cóc người dân và gieo rắc khắp nơi những điều bất nhân bất nghĩa. Thiểu số này đang lôi cuốn từng người ngã theo Việt Minh hoạt động tại chỗ hoặc thoát ly ra chiến khu. Ðiều xảy ra tệ hại hơn là đã có hai học sinh đột nhiên bỏ học thoát ly lên núi mấy tháng trước biệt tăm biệt tích.
Từ lâu Thiện đã có ác cảm và mong một ngày nào đó sẽ trả thù Việt Minh đã bắt và sát hại người anh ruột của Thiện là anh Lý năm xưa. Ðôi khi Thiện tâm sự, học xong, moa đi lính cầm súng giết sạch tụi nó không để chúng thoát một tên nào. Tôi cũng đồng mong ước với Thiện, vì Việt Minh hồi đó mà bà chị cả của tôi phải ở góa một thời thanh xuân của chị. Những suy nghĩ của tuổi học trò thật hạn hẹp, chưa thấu triệt lập trường quốc gia dân tộc, sự tồn vong của đất nước. Dầu vậy, chúng tôi cũng đã thách đố, lý sự với vài học sinh đang tuyên truyền lôi cuốn những học sinh nhẹ dạ cả tin về phía họ. Phần thắng thường nghiêng về đa số chúng tôi.
Thiện đặc biệt thích tò mò để ý những học sinh ưa thích ca tụng Việt cộng và ông Hồ. Thiệu rủ tôi nhập cuộc. Anh nói rằng sợ đếch gì, mình ở trong vùng quốc gia, Việt cộng mò vào là sẽ nát thây. Thiện có người chú họ làm ở Ty Công an tỉnh. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp Thiện nói chuyện với ông chú.
Năm học đệ nhị, trong lớp chúng tôi xảy ra điều không tốt khiến cả trường ngỡ ngàng ngơ ngác. Hôm đó, lớp học nghỉ buổi trưa hai giờ, học sinh ra về và trở lại học buổi chiều. Chiều học sinh vào lớp học, đột nhiên mọi người nhìn thấy hình ông Hồ Chí Minh và lá cờ đỏ sao vàng lớn treo chễm chệ trên tường đối diện với các dãy bàn ghế học sinh. Toàn thể học sinh nhốn nháo từ các lớp chạy đến xem. Có kẻ trầm trồ vui mừng ra mặt. Có người im lặng tỏ dấu khó chịu, bực tức. Các Thầy, Cô, Ban Giám Ðốc, thầy Hiệu Trưởng, thầy Tổng Giám Thị ngơ ngác trong nổi lo ngại, xầm xì to nhỏ, hỏi han người này người khác. Cuối cùng chẳng ai tìm ra được ai đã treo cờ và hình, và cũng chẳng ai giải đáp được các thắc mắc, nghi vấn. Thầy Hiệu Trưởng đành phải báo với Ty Công An tỉnh đến để "thu dọn chiến trường". Công An đến cũng không tìm được điều gì hơn. Họ phải mang hình ông Hồ và cờ về Ty Công An.
Trước tình huống đó, ngày hôm sau Thiện nói với tôi, giọng anh chắc nịch:
- Moa biết rồi. Chính hắn không còn ai. Moa sẽ dẫn nó giao cho công an.
- Toa nghi đứa nào? Cẩn thận nhen. Chuyện này không phải chuyện đùa.
Giọng Thiện đầy xác tín:
- Thằng Nghiêm lớp mình chứ không ai vào đây. Moa đã chú ý theo dõi những cái lập lờ của hắn từ lâu rồi, vì có hôm nào đó, vô tình moa nhìn thấy hình ông Hồ trong cặp đựng sách vở của hắn.
- Tưởng đứa nào, chứ thằng Nghiêm moa thấy hắn hiền lành nhất lớp mình mà. Có thể hắn không dám làm việc đó đâu.
- Những thằng trong cuộc lúc nào nó cũng kín đáo và còn giả bộ ngu ngơ, khù khờ để đánh lạc hướng.
Thiện lại cười nhếch môi:
- Cái bản mặt hiền lành mới đáng sợ đó toa. Moa sẽ hành động để cả lớp và cả trường an tâm học hành.
Nghe Thiện nói chắc cú, tôi hỏi:
- Làm thế nào? cần moa phụ giúp toa không hả... ông thám tử?
- Ðược rồi! Cũng cần có toa nữa.
Buổi sáng hôm sau, Thiện rũ tôi đến nhà Nghiêm. Tôi cũng chưa hiểu anh chàng Thiện này sẽ làm những gì. Có hỏi anh ta cũng không nói. Vừa vào đến nhà, chúng tôi đã thấy có Nghiêm và có cả cha mẹ hắn ở nhà. Sau khi chào hỏi, Thiện vào đề ngay, giọng anh đanh thép:
- Anh Nghiêm, tôi nói cho anh biết cả trường và Ty Công An đều biết anh đã treo cờ và hình ông Hồ trong lớp ngày hôm qua. Nhưng công an chưa vội bắt anh. Họ đang chờ anh nói sự thật. Nếu bắt anh ngay thì những kẻ chủ mưu xúi giục anh sẽ trốn thoát.
Nét mặt Nghiêm tái đi sau câu nói của Thiện. Hắn bào chữa:
- Tại sao anh nghĩ tôi làm chuyện đó. Anh đừng kết tội đó cho tôi. Bao nhiêu học sinh ở trường chứ đâu phải chỉ một mình tôi...
Thiện ngắt lời, gằn từng tiếng:
- Bao nhiêu học sinh..... chẳng ai làm chuyện đó, ai ai cũng lo học. Chỉ cần một người làm thôi. Người đó chính là anh. Người ta đã nhìn thấy anh làm chuyện đó. Ðặc biệt anh đã để lại dấu tay trên khuôn hình ông Hồ mà công an đã phát hiện qua lý lịch học bạ của anh. Anh hãy nhận việc anh làm, nếu không, anh sẽ bị đuổi học và bị ở tù. Anh nên nhận để được tiếp tục học hành và mọi người sẽ thương anh, không ai làm tội anh. Anh Nghiêm có hiểu tôi nói không?
Nghiêm vẫn cố cãi:
- Sao lại gán tội cho tôi? Tôi không làm, đừng đặt chuyện.
Nghe cuộc đối đáp giữa hai người, cha mẹ Nghiêm thấy có điều gì khác thường đối với đứa con trai mình. Hai ông bà lo sợ, không biết thực hư ra sao khi nghe đến hai tiếng công an.
- Sao con ngu dại vậy? Có thật con đã làm điều đó không?Ai xúi giục con? Có thì cứ nói. Chối là con sẽ bị đuổi học, còn ở tù chứ chẳng chơi như lời bạn con vừa nói..
Dứt lời, cha Nghiêm nói với Thiện:
- Ngày hôm qua thằng Nghiêm đi học về có kể chuyện cho gia đình bác nghe, cả nhà ngạc nhiên và không ai hài lòng điều đó. Thiếu chi chỗ treo, lại đem vào trường học mà treo. Mấy ông Việt cộng đâu có thương học trò, họ bày ra chuyện hung dữ để làm tình làm tội con nít.
Tôi đã hiểu ý Thiện từ câu chuyện anh đang làm. Không biết anh chàng Thiện dựa vào đâu mà nói thế, hay chỉ bịa. Anh chàng đang đóng vai nghiệp vụ thẩm vấn điều tra đây. Tôi không ngờ thằng bạn thân của tôi đang còn có tài làm thám tử. Tôi cũng hổ trợ Thiện bằng cách lập lại những gì Thiện đã nói, và cố tô vẻ sự việc có tính cách nghiêm trọng bằng gịọng đanh thép:
- Cả trường và Công an đều biết nhưng họ không bắt anh Nghiêm, vì làm như vậy anh sẽ bị tù tội và bỏ học. Anh chỉ cần nhận đó là việc do anh làm và nhất là ai đã xúi giục anh làm? Anh Nghiêm có muốn ở tù và bị thôi học không? Nói thật đi. Anh Thiện là Trưởng lớp nên thầy Hiệu Trưởng bảo chúng tôi đến hỏi anh trước là ai đã xúi giục anh làm chuyện đó. Mình nói chuyện trong gia đình thân mật, có gì đóng cửa chỉ bảo nhau, chứ nếu để công an làm việc là chắc chắn anh sẽ bị tra tấn cực hình làm sao anh chịu nổi, trước sau gì cũng phải khai thật. Anh cứ nói thật thì không tội tình gì, thầy Hiệu trưởng hứa sẽ bảo đảm anh không bị tù tội, anh vẫn tiếp tục đi học. Công an chỉ cần bắt kẻ chủ chốt mà thôi.
Thiện tiếp tục dọa:
- Nói thật đi. Nói thật thì chẳng có gì lo sợ. Anh Nghiêm không nói thật bây giờ thì anh cũng nói thật với công an, lúc ấy anh đã mềm xương ra.
Cha mẹ Nghiêm sợ con tù tội, bỏ học, tiếp tục khuyên con, vì ông bà nghe cũng hửu lý. Chúng tôi kiên nhẫn thuyết phục Nghiêm. Tôi ngỡ rằng đây chẳng có kết quả gì với việc làm của Thiện có hơi mơ hồ thật đó, và cũng chưa chắc gì xác thực. Vậy mà cuối cùng Nghiêm đã nhận do người khác xúi giục, anh đã đem cờ và hình treo trong lớp học trưa hôm qua.
Vấn đề sau đó, Nghiêm bị công an bắt và bị đuổi học. Cả trường thán phục việc làm của Thiện, ai ai cũng khen anh hết mình. Tôi hỏi Thiện do đâu anh thực hiện được điều đó. Thiện cười, chỉ vào cái đầu mà nói bí mật. Phúc thì hết sức hãnh diện với mọi người khi nói về Thiện. Từ đó về sau học sinh trong trường không còn nghe ai rỉ tai ca tụng Việt cộng nữa. Học sinh an tâm học hành. Thầy Hiệu Trưởng thì mừng đã thoát nạn. Thầy sợ mang tiếng là chứa chấp Việt cộng trong trường.
Tình bạn của ba đứa chúng tôi ngày thêm gắn bó và gần gũi không bao giờ tách rời. Những niềm vui, nỗi buồn trong tuổi đời học sinh được chia sớt cho nhau thật sâu đậm hơn cả tình ruột thịt.
Những năm sau, chúng tôi lần lượt đậu Tú Tài 1, Tú Tài 2 vào lứa tuổi mười chín, đôi mươi tràn trề sức sống. Lúc này thật tình mà nói, tôi cũng như Thiện đã thực sự yêu Phúc. Tuy nhiên, mỗi người đều đã giữ kín trong lòng và cả Phúc nữa đã xem tôi với Thiện bằng nhau trong mọi cách đối xử, trong từng lời nói rất chừng mực. Thỉnh thoảng trong một cơ hội vui đùa nào đó chúng tôi lại nhắc vài kỷ niệm ngày xưa như tắm trần truồng dưới hồ sen trước Ðình làng, tát nước mương bắt cá, vài trò chơi con nít lúc thả trâu ngoài đồng...có cả ba người tham dự để cùng nhau cười nghiêng ngửa, chiêm ngưỡng nhắc nhớ kỷ niệm tuổi thơ thời con nít. Càng nói, chúng tôi càng bịa thêm màu mè, tạo thêm tình tiết...khiến Phúc càng lúc đỏ bừng mặt mắng yêu chúng tôi. Trong những giây phút thần tiên ấy tôi cắc cớ hỏi Phúc trong hai người bạn rất thân của mình, Phúc chọn ai sau này? Phúc không nghĩ ngợi xa vời, nàng trả lời thật nhanh là Phúc sẽ chọn cả hai, chịu hôn? Thiện nguýt dài bảo Phúc đừng có tham lam. Moa nhường cho ông Hoàng. Moa sống độc thân. Moa học hành xong rồi đi tu. Phúc nhìn Thiện cười chúm chím nói đùa, anh Thiện mà sống độc thân để đi tu thì phụ nữ tụi em không còn ai để lấy chồng.
Năm đậu Tú tài toàn phần, Phúc ở lại xin dạy học tại trường cũ. Nàng ghi tên học hàm thụ môn Luật. Tôi rũ Thiện cùng vào Saigon ghi danh vào Ðại học sư phạm. Ra trường, Thiện xin dạy tại tỉnh nhà, tôi đi một tỉnh khác. Dù xa cách, ba người chúng tôi vẫn thư từ, điện thoại thăm hỏi nhau, hoặc còn gặp nhau trong mấy tháng hè. Về dạy tại Cần Thơ, tôi may mắn gặp được Ngọc Hạnh cũng đang dạy học tại đây. Ngọc Hạnh là bạn cùng lớp thời đó, một thời từng đóng vai Trưng Nhị bên cạnh Phúc là Trưng Trắc trong những lần lễ kỷ niệm hai Bà Trưng. Nhờ vậy những năm sống xa hai người bạn rất thân tôi cũng không đến nỗi cô đơn cho lắm.
Chiến tranh leo thang khốc liệt. Quân đội Hoa kỳ và Ðồng Minh các nước đổ quân đông đảo lên vùng đất tự do miền Nam Việt Nam. Tôi và Thiện rủ nhau giả từ bục giảng, bước chân vào Vỏ Bị Dalat trước khi có lệnh động viên. Còn hơn tháng lên đường vào quân trường, bất ngờ tôi nhận được thiệp cưới của Thiện và Phúc. Cầm thiệp cưới trong tay của hai người bạn thân nhất đời, tôi lại ngẩn ngơ như có sự hối tiếc vì tôi cũng đã chờ, đã đợi, đã mong, đã mơ, đã ước...nhưng mình chậm chân quá. Ước mơ không phải là không có, nhưng ta phải phấn đãu mới có được. Tôi yêu Phúc nhưng vẫn chần chờ để nàng vuột khỏi tầm tay. Tình yêu như quả chín ngọt ngào giữa vườn cây tươi mát, ai nhanh tay ắt sẽ được. Thiện đã nhanh tay hơn tôi rồi. Tôi không buồn, không ganh tỵ với người bạn nối khố của tôi. Cho dù Phúc là vợ của Thiện hay của tôi đi chăng nữa tôi cũng cảm thấy không có gì khác thường, chúng tôi là những người bạn rất thân đã hy sinh cho nhau quá nhiều rồi cho dù phải hy sinh cả tình cảm.
Ngọc Hạnh cũng nhận được thiệp cưới của hai người bạn. Thiện và Phúc còn nhờ tôi và Ngọc Hạnh làm phù rễ phù dâu. Hai anh chị này như đang cố sắp xếp để cho hai người bạn mình không còn cô đơn. Tôi biết điều này lắm mà. Vì bạn thân mới được mời để phù rễ phù dâu. Cũng vì điều ngẫu nhiên này xảy ra trong tiệc cưới của Thiện và Phúc với những lời xúi giục của bạn bè thật là "quái ác", thành ra Ngọc Hạnh đã trở thành bà xã thật tuyệt vời và dễ thương nhất của tôi sau này.
Ngày ra trường Dalat, Thiện về Nhảy Dù. Tôi qua Chiến Tranh chính trị sau đó làm phóng viên chiến trường lê gót giày khắp bốn vùng chiến thuật. Thiện có tài chỉ huy, với lòng gan dạ, với lòng hận thù đã mất người anh ruột ngày trước, anh đánh giặc rất chì, lên lon rất nhanh, khiến địch nghe đến Tiểu Ðoàn của anh đều run sợ khiếp đảm.
Ngày giặc đến, tiểu đoàn của Thiện phải buông súng theo lệnh thượng cấp. Ðể tránh đòn thù độc hại của địch, Thiện đã may mắn đưa được Phúc và hai đứa con dại vượt biển tìm tự do.
Tôi bị địch bắt cầm tù mười năm. Ngọc Hạnh đã là người đàn bà thật tuyệt vời, một người vợ thật đảm đang trong trách nhiệm làm mẹ, làm vợ trong lúc chồng đang gian nan trong lao tù cải tạo. Sau tháng 4/75 tôi và Thiện đã mất liên lạc, không biết sống chết thế nào và nghĩ rằng có lẽ không bao giờ gặp lại nhau.
Trong mười lăm năm định cư tại Hoa Kỳ tôi cố tìm kiếm vợ chồng Thiện và Phúc, những người bạn thân thương nhất của vợ chồng tôi, nhưng vẫn không kết quả.
Trận bão Katrina tàn phá dữ dội các tiểu bang Louisiana, Alabama, Mississippị..cư dân các thành phố New Orleans, Biloxi, Galveston...hoàn toàn mất trắng tài sản. Mọi người di tản tứ tản đến các tiểu bang khác lánh bão lụt. Nửa tháng sau, thêm bão Rita tiếp tục hoành hành trên các vùng vừa bị bão và Texas...Cơ trời xui khiến tôi gặp lại vợ chồng Thiện và Phúc trong đám người chạy bão lụt đến thành phố này.
Gặp lại những người bạn cũ trong xác xơ tiêu điều, tôi và Ngọc Hạnh mừng rỡ như chưa từng thấy. Chúng tôi ôm nhau khóc cười trong nước mắt chảy dài. Ba mươi năm mất liên lạc, ai cũng nghĩ rằng đâu còn ngày gặp lại. Bây giờ gặp lại nhau trong hoàn cảnh lưu vong xa xứ, tình thân thương bạn bè vẫn khắn khít, đậm đà như mới ngày hôm qua. Giờ nhìn lại ai cũng đã thất thập cổ lai hy, có con, lại có thêm cháu, nhưng bản tính vẫn sôi nổi, tâm hồn vẫn trẻ trung năng động như ngày nào chúng tôi đua xe đạp mỗi ngày trên đường từ quê ra Quận ở cấp tiểu học. Tận đáy lòng chúng tôi chất chứa hàng khối kỷ niệm để cùng nhắc nhở và hoài vọng.
Tôi và Ngọc Hạnh đưa Thiện và Phúc về nhà, chia sẻ với anh chị mọi thứ cần thiết trong cuộc sống. Không những lá lành đùm lá rách, miếng khi đói bằng gói khi no như người đời thường nói, vợ chồng tôi còn có trách nhiệm lo cho anh chị trong lúc này bằng mọi cách. Trong niềm vui hân hoan đó, tôi nói:
- Anh chị có trở về lại New Orleans cũng chỉ còn nhìn thấy nền nhà đang ngập nước, hoặc nhìn những ngôi nhà ngã nghiêng trong biển nước, nếu có tái thiết cũng phải một thời gian lâu, chắc gì mình hưởng được. Mình lớn tuổi rồi, lo cho lắm cũng tổn thọ. Hãy ở đây với vợ chồng chúng tôi. Còn được sống năm nào để có cơ hội nhìn thế gian biến động không ngừng. Bão lụt, động đất, sóng thần, hãm hiếp, cướp bóc, khũng bố, chiến tranh, dịch bệnh, lòng hận thù và tranh chấp đang tràn lan trên quả địa cầu này mỗi ngày một nhiều thêm. Nhất định một ngày nào đó trái đất này sẽ nổ tung vỡ ra từng mảnh nhỏ và tan biến trong không gian vũ trụ bao la theo sấm ngôn của Ðức Chúa đã lưu truyền vạn đại.
Thiện nói, giọng anh thật buồn:
- Thuyết vô thường của Nhà Phật vẫn giá trị tuyệt đối. Một lần chạy giặc đã trắng tay chỉ còn bộ quần áo trên người. Giờ bão lụt tàn phá lại tay trắng. Tai trời ách nước chụp xuống không tránh một ai. Có đó rồi mất đó, rồi có lại và mất đi. Chỉ còn tình người giữa con người đồng cảnh ngộ là vĩnh cửu. Ðời chẳng có gì vui, mà cũng chẳng có gì là buồn, mỗi người dù trong hoàn cảnh nào đều phải hoàn thành trách nhiệm của mình. Vậy mà...
Thiện ngập ngừng, cười mĩm:
- Ngày trước tôi đã phải buộc cưới vợ để đánh mất cơ hội đi tu, vì tôi cũng đã có căn duyên để trở thành chân tu đắc đạo, góp lời cầu nguyện loài người thái hòa. Thế kỷ 21 cần lời cầu nguyện, lòng ăn năn sám hối hơn là hận thù, tranh chấp. Ðiều làm cho tôi không đạt lòng mong ước...Phúc của anh, em nghĩ anh nói đúng và anh cũng đã từng nói với em..!
Phúc lườm yêu chồng:
- Anh chị Hoàng ơi, có nghe anh Thiện của em đang nói như mơ kìa! Cũng tại anh Thiện cả. Ngày xưa anh Thiện bám riết em để anh ấy đánh mất cơ hội. Anh Hoàng hiểu điều đó chứ? Cả anh nữa, anh Hoàng ơi! Em nói thật, nếu anh Thiện mà có ý đi tu hả thì giờ này chúng ta không ngồi đây nói chuyện bão lụt, mất mát. Nhờ lời cầu nguyện mà người đời ăn hiền ở lành, không còn tai ương.
Tôi gợi ý:
- Ðây này, chuyện thực tế là làm sao không còn cái chế độ bất tài và tham nhũng nữa, để mình về quê hương dẫn nhau nhảy xuống hồ sen trước Ðình làng bơi lội, cút bắt...rồi đắp mương tát cá ngoài đồng có lẽ là thú vị hơn. Ðó là chuyện mơ ước...còn bây giờ thì nhà tôi có hồ nước trong sau nhà, chúng ta cứ tự nhiên...vui đùa như ngày xưạ..có ai dám không? để cuộc đời bớt căng thẳng một chút.
Tôi ngừng nói chờ ý kiến đồng thuận. Tôi không ngờ ai cũng thích thú hưởng ứng. Những cuộc vui đùa cứ thế được tái diễn với những gợi nhớ trong muôn vàn kỷ niệm giữa những người bạn cũ trong suốt dòng đời phía trước...đang có mặt hôm nay!..
(Ghi thương nhớ những hình ảnh thân thương cuộc đời để để nhớ những người bạn rất thân của tôi. )
Nguyễn Thế Hoàng

Xem Tiếp: ----