nghi ngút khói. Phía trước bên kia đường là khu bệnh viện nơi ông làm việc hàng ngày. Tách biệt với không gian xô bồ người xe nườm nượp bên ngoài, ông đang hoàn toàn tự cô lập trong cõi riêng. Giọng hát liêu trai của cô ca sĩ trầm buồn nhừa nhựa, hình như đang đưa ông về một khoảng trời, một quãng đời tưởng chừng đã lùi xa đã phai mờ… con sông bỗng rõ nét hơn lững lờ trong vùng ký ức, chập chờn những tà áo  bay qua nhịp cầu như những cánh bướm…lãng đãng mây in trên mặt nước, thuyền lướt trôi, mang theo dáng ai mờ khuất trong bóng hoàng hôn…Lời ca chậm buồn thấm nhè nhẹ như những giọt cà phê buổi sáng…"ta thấy em đi quanh từng giọt nước mắt…nghe tiếng em kêu tên một ngày xa lắc muôn trùng…những con mắt bình minh tắt trên dòng sông…những con mắt mùa đông tắt trong hoàng hôn…"[1]
Đang lan man trong dòng suy tưởng chợt ông bỏ tách cà phê xuống. Bên kia đường trước cổng bệnh viện giữa dòng xe cộ ngược xuôi một cảnh tượng thoáng qua làm ông chăm chú theo dõi. Một người đàn ông vừa bước chân khỏỉ tắc-xi đã vội vã cúi xuống đỡ một người đàn bà từ trong xe ra.  Rồi anh ta choàng tay qua lưng bà dìu bà đi từng bước một cử chỉ thật ân cần nhẹ nhàng trìu mến. Nếu đó không phải là người đàn bà vóc dáng lụ khụ thì ông nghĩ chắc hẳn họ phải là một cặp tình nhân đang yêu nhau say đắm. Người đàn bà một tay cầm gậy dò dẫm nhưng cả thân hình buông theo dựa hẳn vào ngừơi đàn ông. Cứ thế bà đi trong vòng ôm che chở dìu dắt của anh ta. Họ đi vào bệnh viện. Mãi chú ý đến khi nhìn đồng hồ dường như đã trễ, bác sĩ rút tiền để dưới ly cà phê mới uống lưng chừng nay đã lạnh tanh rồi vội vã lao ra khỏi qúan băng qua đường…Tiếng hát vẫn như đeo đuổi theo ông "Ta thấy em đêm đêm đòi lại tiếng nói…nghe tiếng em vang trong một ngày bão tố..”
Từ phòng giao ban ra bác sĩ rẽ vào hành lang và lại nhận ra họ giữa đám đông.. Họ ngồi chờ cùng với một số bệnh nhân khác trên ghế dài dọc theo lối đi. Hai người đang thủ thỉ tâm sự chìm đắm vào thế giới riêng của họ. Một vài bệnh nhân nhận ra ông vội vã đứng lên trịnh trọng cúi đầu chào. Là bác sĩ trưởng khoa mắt, tuy đã cao tuổi nhưng ông vẫn là người phụ trách những ca mổ mắt phức tạp đặc biệt. Hôm nay là ngày  khám mắt miễn phí cho những bệnh nhân nghèo do một tổ chức quốc tế tài trợ. Nhưng ông không có ca mổ nào cho chương trình miễn phí này chút nữa ông chỉ đi giám sát thôi! Bây giờ ông vào phòng khám cho những ai có giấy hẹn trước và lẽ dĩ nhiên đây là những bệnh nhân phải tự chi phí. Người ta đồn rằng phải may mắn lắm mới được bác sĩ chữa mắt cho. Cái hành lang nhỏ hẹp dẫn tới phòng khám của ông được nhiều người mệnh danh là “con đường sáng”. Trưởng thành khi đất nước chiến chinh nhưng tốt nghiệp y khoa với bằng ưu ông may mắn  được cấp học bổng tu nghiệp nước ngòai một thời gian. Tiếp cận với những tiến bộ kỳ diệu về phòng ngừa và trị liệu mắt, điều này cho phép một bác sĩ như ông có những xét nghiệm chính xác hầu có thể tìm lại hoặc giữ thị lực tốt cho bệnh nhân. Khi đến gần họ ông kìm bước chân chậm lại, liếc nhìn. Người đàn ông khoảng trên 30. Người đàn bà nhìn gần đã qúa già. Nhưng mà người đàn ông trời ơi hình như đã gặp anh ta ở đâu rồi! Không thể dừng lại để quan sát thêm bác sĩ bước vào phòng làm việc khép cửa lại.
Cô y tá đưa cho ông xấp hồ sơ đề tên bệnh nhân mổ miễn phí đợt này. Ông xem qua ký rồi trao lại xấp hồ sơ cho cô y tá dặn dò:
_Cô đưa xấp hồ sơ này cho bác sĩ Mai, bác sĩ Nhân bác sĩ Khương hôm nay phụ trách mổ miễn phí cho các bệnh nhân ở trên lầu. Còn các bệnh nhân không thuộc diện miễn phí đang ngồi chờ ngoài kia thì hôm nay tôi sẽ khám.
Cô y tá ngập ngừng một lúc rồi nói:
_Thưa bác sĩ hồ sơ của bệnh nhân Thao xin bác sĩ duyệt cho để ông ta có thể mổ đợt này luôn ạ!
Bác sĩ khoát tay:
_Cứ để đó đã! Ca nào phải làm trước giấy tờ hợp lệ thì tôi xét ngay! Cô khỏi phải nhắc! ông Thao mắt bị mộng thịt tức mộng tiến triển [ 2 ] chứ không phải mộng xơ nhưng chưa tiến triển đến độ phải giải phẩu ngay, cắt thì dễ nhưng sợ tái phát lúc đó chữa lại khó hơn có khi phải bổ sung liệu pháp vật lý chiếu tia beta,tia laser hoặc nhiều khi phải ghép giác mạc mới lành…Mà thôi dù có mổ có cắt thì ông ta cũng không nằm trong các trường hợp được xét miễn phí lần này!
Cô y tá đỏ mặt lúng túng cầm xấp hồ sơ đi ra.
Bác sĩ thở hắt ra dáng vẻ bực bội lẩm bẩm:
_Cứ mỗi lần có cái gì miễn phí là y như rằng muốn điên cái đầu. Hình như ở bất cứ lãnh vực nào, thân thế quen biết  vẫn là phương cách tốt nhất để hưởng những trợ cấp  xã hội chứ không phải là những người ở bước đường cùng cần đến sự giúp đỡ của cộng đồng.
Cánh cửa phòng lại mở ra, một cái đầu ló vào hỏi:
_Thưa bác sĩ sẵn sàng khám chưa ạ để em còn đọc số thứ tự mời bệnh nhân vào?
Bác sĩ Hân đứng dậy vừa khoác vội  áo blouse trắng vừa đáp:
_Mời bệnh nhân vào đi!
_Ai số 1 mời vào!
Giọng cô y tá vang vang ngoài hành lang
_Dạ có tôi! Một giọng mừng rỡ đáp lại
Cứ thế người vô người ra, cửa mở rồi lại khép. Những đôi mắt và những đôi mắt…Mắt lé, mắt cận thị, viễn thị, loạn thị, mắt toét viêm bờ mắt…Bác sĩ khám như một cái máy
Thế rồi khi gần hết giờ khám cánh cửa lại bật mở..người đàn ông hồi sáng dìu người đàn bà vào.
Bác sĩ Hân chỉ tay vào ghế trước mặt ông nói:
_Mời anh và bà ngồi!
Người đàn ông kéo ghế từ tốn nói thì thầm:
_Mời me ngồi xuống đi!
Bác sĩ nhìn họ đăm đăm. Rồi chợt ông nghe lòng gợn đau. Một thoáng đau rất mơ hồ…Cứ có cảm giác như họ rất thân quen dù họ là những người xa lạ. Trí nhớ bác sĩ còn tốt lắm chẳng lẽ quen mà chẳng nhận ra sao?
Bác sĩ định thần rồi quay lại hỏi người con:
_Bà cụ sao vậy anh?
Người con trai:
_Mắt mẹ tôi tuy mở to nhưng không nhìn thấy gì xin bác sĩ khám giúp cho!
Bác sĩ tiến lại gần người đàn bà lúc này khoảng cách chỉ trong gang tấc. Khuôn mặt gầy gò hốc hác, làn da sạm đen hằn nhiều vết chân chim nơi đuôi mắt khoé môi…nhưng khuôn mặt vẫn còn những nét khiến người đối diện khi mới nhìn đều đoán được vẻ đẹp yêu kiều, một thời xuân sắc giống như khi ta nhìn thấy cánh hoa khô được ép cẩn thận nhưng lại chìm vào quên lãng rồi một ngày nào đó vô tình lật trang sách nhìn cánh hoa khô vẫn giữ được sắc màu ta lại tưởng tượng ra cái thưở đoá hoa còn tươi mơn mởn trên cành.
Bác sĩ cúi xuống gần hơn để quan sát đôi mắt. Đôi mắt làm ông giật mình. Làn mi, lông mày, tuy là đôi mắt mù sượng trơ nhưng sao vẫn gợi nhớ một ánh nhìn nào đó.. ánh nhìn bốc lửa mới kỳ! Nét mặt tàn tạ đã để lộ dấu tích của một thời giông bão đau thương … Nhìn bề ngoài đôi mắt vẫn mở to tuy ánh nhìn trân trối bất định nhưng theo kinh nghiệm nghề nghiệp ông linh cảm thương tổn không nằm trực tiếp ở mắt mà có lẽ ở một dây thần kinh nào trong não liên quan đến thị lực, ông lạc quan thầm mong như vậy, nếu quả thật như thế, thì không phải là vô phương cứu chữa!
Người con trai đứng cạnh hồi hộp chờ đợi lời phán xét của bác sĩ. Xem xét một lúc ông quay  lại bàn mở cuốn sổ cầm bút  rồi hắng giọng hỏi người con trai:
_Xin anh cho biết tên bà cụ?
Người con trai trả lời:
_Nguyễn Đan Phượng.
Trong tích tắc cảm xúc ùa về. Bác sĩ nhìn sững người đàn bà trước mặt. Nãy giờ bà vẫn ngồi yên lặng không hề thốt lên một câu.
Bác sĩ kêu thầm: Trời ơi! Ôi chị Phượng! Chị Phượng của anh Ước đây sao? Tôi có nằm mơ không vậy?
Bác sĩ nhìn kỹ vẻ mặt dáng người... Sâu thẳm tận cõi lòng vọng từ ký ức xa xăm bác sĩ nhớ lại tuổi thiếu niên ngồi học toán trên căn gác nhỏ do anh Ước dạy kèm. Cũng là nơi anh ấy thường thủ thỉ tâm sự, thường  đàn, thường ngâm thơ ngợi ca một bóng hình. Những buổi tan trường lẽo đẽo theo anh Ước ngắm những tà áo trắng của các nữ sinh ùa về khắp mọi nẻo đường. Những tà áo nối đuôi nhau qua cầu Tràng Tiền nhìn xa như những cánh bướm rập rờn bay.  Có một cánh bướm bay lạc vào hồn anh Ước. Cánh bướm ấy là chị Phượng. Nghiệt ngã thay cũng chính Đan Phượng người đàn bà đang ngồi trước mặt ông đây  đã bị kết tội  là một trong những nguyên nhân đưa đến cái chết thương tâm của anh Ước.
Là em họ, Hân kém anh Ước đến cả chục tuổi nhưng có chuyện gì anh ấy cũng tâm sự với Hân. Tình yêu hai người một thời gây xôn xao. Ngày ấy chị Phượng đẹp lắm! mái tóc đen mượt óng ả như một làn suối, giọng nói êm ru. dáng thanh mảnh, khuôn mặt với đôi mắt ướt ấp e sau chiếc nón bài thơ làm ngẩn ngơ bao kẻ si tình.Người phản đối quyết liệt nhất mối tình của hai người chính là bác gái Hân, mẹ anh Ước. Cứ mỗi lần ai đề cập đến chị Phượng là y như rằng bà lại đọc làu làu những câu thơ về tướng số chê bai chị ấy, riết rồi ai trong nhà cũng thuộc như cháo. Vì vậy khi anh Ước đặt vấn đề hỏi cưới chị Phượng thì gia đình phản đối kịch liệt. Là con trai duy nhất trong một gia đình thanh thế nên gia đình đã có chỗ môn đăng hộ đối cho anh rồi! Thuở ấy Hân nghe mẹ mình (em ruột của bác gái) kể lại khi bác gái lấy chồng nhưng chậm con, mẹ phải theo bác ấy vào tận Hội An tìm đến một miếu đường để cầu tự. Nghe nói bác gái quỳ gần như suốt ngày thành tâm khấn nguyện vập đầu trước bệ thờ thần linh sau đó viết điều ước nguyện xin có con trai trên một tờ giấy màu vàng rồi gấp lại. Bác gái tự tay đốt khoanh nhang  rồi móc mảnh giấy ước nguỵên theo với vòng nhang từ từ đưa tất cả treo lên toòng teng trước điện thờ, nhang vòng cứ vậy cháy suốt tháng trời để thần linh chứng giám lời ước nguyện.
Thế rồi chẳng bao lâu sau bác gái thụ thai sinh ra anh Ước nên anh ấy mới có tên đầy đủ là Phan Như Ước. Hân còn nhớ khuôn mặt bác gái tái lại môi run lẩy bẩy,khi biết anh Ước cứ nhất định đòi lấy chị Phượng cho được. Bác nói mà cứ như gào lên:
_Tui nói cho anh biết, anh là con trai duy nhất trong cái nhà này, tui sanh ra anh tui đặt đâu anh phải ngồi đấy. Trứng đừng đòi khôn hơn vịt. Cái con Phượng nhìn tướng là đã thấy sát phu rồi!Tướng nó là tướng đào hoa diện. Mắt nó sáng quá mới nhìn là ớn ngay! Như sao chớp tui nói đâu có đó. Hôm trước me thấy nó nói cười cợt nhã với thằng nào giữa ban ngày ban mặt giữa đường phố đông người cái mặt cứ trơ ra không biết e thẹn là gì! Loại đàn bà mà…mà…nói tới đây bác đọc một lèo không ngơi nghỉ “ má hồng mặt đẹp trái xoan ngoại gian mê đắm lấy vàng cũng cho, Ánh mắt chiếu rực mây mưa nhìn ngang liếc dọc đẩy đưa duyên tình. Lại như ướt rượt mày xanh mi dài, đa tình không gởi cho ai, trong nhà dù có ra ngoài cũng thêm…”.  Nghe mẹ mình liên tục rủa người yêu anh Ước bực quá thét lên:
_Thôi me ơi! Con lạy me, me tha cho tụi con đừng dị đoan vớ vẩn nữa!
Thế rồi Hân không biết sao mà chừng nửa tháng sau khi đi học về ngang qua cầu Tràng Tiền thấy đám đông bàn tán xôn xao, dừng lại hỏi ra mới biết Ước vừa bị Đan Phượng đâm đã đưa vào nhà thương. Hân chạy vào nhưng không kịp anh Ước đã mất rôì! Nhìn bác gái đau đớn vật vả như sắp điên bên cạnh thi thể đẫm máu của anh Ước, Hân rùng mình. Cái cảnh tượng người mẹ ngất lên xỉu xuống bên xác con cứ ám ảnh Hân cho đến khi rời Huế vào Sàigòn học. Lâu lâu nằm mơ Hân vẫn thấy lại cảnh ấy. Phượng bị bắt và bị xử thật nhanh chóng. Đứng trước vành móng ngựa chị Phượng khai rằng sáng hôm ấy anh Ước tới nhà chị sau một trận cãi vả kịch liệt với mẹ trong người giấu một con dao. Anh ấy lôi chị Phượng ra tận cầu Tràng Tiền trong lúc hoảng loạn uất ức anh ấy  rút dao từ trong áo ra giơ lên trời thề rằng nếu sống không thể lấy được nhau thì thà chết có đôi cho trọn tình với nhau. Nói rồi anh đưa dao cho chị bảo chị đâm anh trước đi rồi anh đâm chị sau. Chị Phượng không chịu dây dưa mãi anh uất lên tự đâm mình trước. Thấy người yêu tự vẫn Phượng thét lên rút dao ra nhưng không đủ can đảm đâm mình nữa vội vã kêu cấp cứu…Chị Phượng bị xử 5 năm vì tội ngộ sát. Mệt mỏi bất hạnh vì những đau đớn không thể biện minh được chị úp mặt xuống vành móng ngựa đôi vai run bần bật rồi bất giác ngước nhìn về phía quan toà khi tuyên án thổn thức kêu lên:”Anh Ước ơi! Em đáng bị trừng phạt như vậy mà! Em đã không giữ được mạng sống cho anh mà cũng tệ quá không đủ can đảm đi theo anh! …Đôi mắt ấy dáng người ấy làn tóc ấy một thời làm người ta rùng mình. Dư luận lúc đó rất bất lợi cho chị Phượng. Bây giờ ngồi trước mặt bác sĩ Hân là Đan Phượng một bà già tóc đã điểm sương làn da nhăn nheo…
Tiếng người con trai phá tan sự im lặng:
_Thưa bác sĩ, bác sĩ khám cho mẹ tôi thấy có hy vọng gì không ạ?
Bác sĩ bừng tỉnh quay lại nhìn người con trai. Ông có cảm giác như đang nói chuyện với anh họ ngày nào! Sao lạ vậy?
Bác sĩ thay vì trả lời, từ tốn giải bày:
_ Mắt được coi như một máy ảnh. Muốn có được tấm ảnh đẹp phải có nơi rửa. Đó là trung khu thị giác ở não giúp ta phân biệt được màu sắc hình ảnh của vật nhìn. Có nhiều nguyên do dẫn đến mù loà như cườm khô hay đục thuỷ tinh thể, cườm nước hoặc vì một thứ bệnh khác như tiểu đường…Muốn chữa mắt  trước hết phải tìm ra nguyên do sau đó phải biết thời gian bị mù đã lâu chưa? Khám kỹ càng trước khi đưa ra quyết định.
Người con trai năn nỉ:
_Xin bác sĩ giúp cho.
Rồi anh hạ thấp giọng:_Tôi đến đây hy vọng rất ít nhưng tôi muốn mẹ nhìn thấy ánh sáng những năm cuối đời. Mẹ tôi xứng đáng được như vậy! mắt là vật báu nhất trên đời nhờ nó mà mình có thể thấy những điều kỳ diệu. Mắt có thể giúp mẹ nhìn thấy một người con như tôi nay đã lớn ra sao mặt mũi như thế nào? Mắt giúp nhận ra người thân hay người xa lạ. Có thể điếc không nghe không ngửi nhưng làm sao có thể sánh với nỗi đau khổ của một người không bao giờ nhìn thấy mặt mũi con cháu mình ra sao?
Bác sĩ hiểu ý đứng dậy nói:
_Xin mời anh qua phòng bên làm thủ tục giấy tờ.Rồi ông quay sang người đàn bà nói:_Xin bà chịu khó ngồi chờ chút tôi thảo luận với anh xem sao đã!
Người đàn bà gật nhẹ đầu nhưng vẫn câm lặng.
Bác sĩ Hân  vỗ nhẹ trán như chợt nhớ ra hỏi:
_À quên anh tên gì nhỉ?
_Tôi tên Phan Như Nguyện
Hân sững người lại vội vàng kéo Nguyện qua phòng bên thì thào:
_Xin anh kể cho nghe tại sao mẹ anh mù. Theo tôi nghĩ bà nhất định không phải mù bẩm sinh.
Người con bắt đầu kể: _Tôi lớn lên trong một xóm lao động nghèo.Những người xung quanh tôi đều nói giọng đặc sệt miền nam chỉ có mẹ tôi nói giọng hơi khác sau này tôi mới biết đó là giọng Sông Hương. Căn nhà hai mẹ con ở nằm khuất  trong một con hẽm hun hút. Lúc nắng thì bụi lầm nóng như thiêu như đốt lúc mưa thì hì hụp trong nước.Nắng thì không nói chi nhưng những hôm mưa dầm lầy lội  mới tội,mẹ tôi vẫn ngày hai bữa lầm lũi gánh chè đi bán. Tuổi thơ tôi là những chuỗi ngày đứng mãi trước hiên nhà lặng nghe tiếng rao bán lanh lảnh của mẹ suốt dọc con ngõ hẹp rồi cứ nhỏ dần lạc dần nơi cuối phố. Những đêm khuya âm thầm một bóng bên ngọn đèn dầu mỏi mòn chờ dáng mẹ gầy guộc lùng bùng trong tấm ni lông quấn quanh người thay áo mưa, xiêu vẹo lắc lư gánh hàng đi về.Thế rồi một đêm ngồi chờ mãi vẫn không thấy bóng mẹ sau đó được người ta báo cho biết bà đã bị tai nạn giao thông. Tôi vội vàng chạy vào thăm mẹ nhưng đó cũng là lúc bà vĩnh viễn không nhìn thấy tôi nữa sau những ngày hôn mê mặc dù khi tỉnh lại  được chẩn đoán là chỉ bị chấn thương nhẹ vùng đầu và xây xát tay chân thôi. Lúc đó tôi bảy tuổi! Nghe tới đây bác sĩ thở hắt ra hơi gật nhè nhẹ đầu. Mặc dù chưa khám nghiệm nhưng ông hy vọng linh cảm của ông lúc đầu là chính xác. Giọng người con hơi lạc đi run run như là đang thổn thức: _Sau đó mẹ đi bán vé số. Tiếng gậy khua dò dẫm từng bước trên vỉa hè lại là những âm thanh không bao giờ phai mờ trong ký ức nó đã ám ảnh tôi cho đến bây giờ. Khi lớn hơn một chút hiểu rõ nỗi cực khổ vất vả của mẹ nhiều lần tôi muốn nghỉ học để phụ giúp mẹ nhưng bà không cho. Tôi cảm phục bà vì tuy mù loà như vậy nhưng không bao giờ mua bán mà thối nhầm tiền cả. Chính trong thời gian đầu bị mù loà chưa thích ứng được với môi trường xung quanh vào những ngày mưa dai dẳng mưa trói chân người trong nhà không thể đi đâu được, những bữa ăn cơm hẩm với muối cho qua mẹ tôi thủ thỉ kể lại quãng đời son trẻ của bà. Tôi được biết chuyện tình đau khổ của ba mẹ tôi. Bị buộc tội ngộ sát cha tôi, mẹ tôi bị bắt và bị xử 5 năm tù giam. Khi ở trong tù mẹ tôi mới biết là mình có thai vừa lúc đó vua Bảo Đại phong tước vị cho vợ là Nguyễn Hữu Thị Lan làm hoàng hậu nhân dịp này mẹ được ân xá, mẹ ra tù và đi biệt xứ.
Tuy thấy Như Nguyện gợi lại hình ảnh về anh Ước  nhưng bác sĩ vẫn cắt ngang câu chuỵên hỏi:_ Mẹ anh không lập gia đình à?
Người con trai lắc đầu rồi thì thầm kể tiếp:
-Tôi nghĩ do cứ khóc thầm mãi ăn uống thiếu thốn mà mắt mẹ tôi ngày càng kém sau đó lại bị thương đau yếu nên dễ dẫn đến mù loà. Đôi mắt mẹ, đôi mắt ấy là một biển hồ nơi nước mắt thả sức tuôn trào. Khi tôi sắp thi tú tài thì bất ngờ làm sao trong những lá số ế ẩm mẹ tôi trúng được một số tiền kha khá, có nghĩa mẹ con tôi có thể thảnh thơi được chừng một năm mà không phải kiếm ăn độ nhật. Tôi bèn đến một bác sĩ tư xin ông tư vấn xem có cách nào giúp mẹ tôi sáng mắt được không?. Ông nói rằng phải đưa mẹ đến để ông khám nhưng cũng bảo rằng số tiền chữa mắt là không nhỏ đâu! Tôi về khuyên mẹ nên dùng số tiền “trời cho” ấy cho việc chữa mắt xem sao? Mẹ tôi bằng lòng nhưng nói rằng sẽ tự tìm đến địa chỉ của vị bác sĩ để thương lượng giá cả và không muốn không cần tôi đi theo. Tôi cứ ở nhà ôn bài thi đi! Ngày hôm sau mẹ tôi đi suốt ngày chạng vạng tối mới về bà kể rằng vị bác sĩ bảo mắt bà vô phương cứu chữa. Tôi nghi ngờ tìm đến nhà vị bác sĩ hỏi cho ra lẽ thì mới biết ông không hề gặp mẹ. Khi biết không thể giấu được nữa bà nói rằng bà quen với bóng tối rồi mũi tai thính nên mắt có mù cũng không sao. Bà chỉ mong có tiền để lo cho tôi học lên đến đại học mới thôi! Thuyết phục mẹ mãi không được tôi đành phải chuyên tâm học hành để khỏi phụ lòng mẹ. Kể tới đây người con trai chép miệng với giọng tiếc rẻ:_Tại lúc đó tôi còn trẻ người non dạ không suy nghĩ sâu cứ nghĩ rằng thôi thì cứ học mai sau làm có tiền chữa mắt cho mẹ sau, đâu ngờ rằng nếu chữa mắt càng sớm thì khả năng phục hồi càng cao…Bây giờ mong bác sĩ giúp mẹ tôi. Chi phí cao cũng không sao miễn có hy vọng là được. Anh ta nói với giọng khẩn khoản.
Trong một sự xúc động choáng váng đến tận cùng không làm chủ được bản thân ông vỗ vai người con trai hết sức thân mật hai tay run run lấy cuốn sổ riêng nho nhỏ trong túi áo viết nguệch ngoạc tên Nguyễn đan Phượng ca đặc biệt  rồi ông vồn vã nói với anh ta bằng một giọng quá ư trìu mến như một người thân:
_ Nguyện à! Mẹ Phượng sẽ được mổ miễn phí xuất cuối cùng, tôi sẽ phụ trách chữa trị mắt cho mẹ. Bây giờ Nguyện về lo sửa soạn một số đồ dùng cá nhân cần thiết  rồi đưa mẹ nhập viện ngay!
Quá ngạc nhiên vì thái độ thân mật bất thường của bác sĩ người con trai hơi khựng lại nhưng rồi niềm vui hy vọng người mẹ sẽ sáng mắt làm anh ta không để ý nữa. Anh ta mừng rỡ kêu lên:
_Cám ơn bác sĩ! cám ơn bác sĩ! Hân hạnh được bác sĩ chữa trị. Có lẽ đây là sự may mắn đầu tiên mà mẹ con tôi được hưởng. Nói rồi anh ta vội vã bắt tay bác sĩ hấp tấp chạy ra nói thì thầm vào tai mẹ. Người mẹ hơi rướn người lên gật gật đầu ra vẻ hài lòng đưa bàn tay gầy guộc âu yếm vuốt nhẹ khuôn mặt người con nói nho nhỏ điều gì rồi cả hai dắt díu nhau ra khỏi phòng khám.
Bác sĩ lặng lẽ nhìn theo họ, ông gọi thầm thật tha thiết:
_Chị Phượng ơi em mong lắm giây phút chị tìm lại được ánh sáng cho đôi mắt, chị em mình sẽ tái ngộ chị nhé! Em mong qúa chị ơi! Cả đời đau khổ nhưng bù lại được một người con như Nguyện thì cũng đáng phải không chị?
 Lúc nãy ông ghi ca miễn phí  nhưng thật sự ông sẽ tự bỏ tiền và công sức cho ca chữa trị này. Ông chỉ nói vậy cho người con khỏi nghi ngờ. Đèn nơi hành lang đã tắt. Không còn ai. Đã quá giờ làm việc, ông nhìn theo bóng hai mẹ con lờ mờ mò mẫm suốt dọc hành lang rồi khi đến ngã rẽ nơi ánh trời lọt  vào bóng họ rõ hơn…Bác sĩ có cảm giác một điều gì đó đang mơn man, đang xoa nhẹ lòng ông khiến cho nhịp thở của ông trở nên thoải mái hơn. Ông mỉm cười nhìn ánh sáng chiếu lên chậu hoa với những cánh nho nhỏ tươi mát xanh dìu dịu gợi cảm giác êm đềm đặt bên khung cửa nơi hai mẹ con vừa đi qua và khuất dạng…Những xúc động bàng hoàng như những cơn sóng khuấy động tâm hồn ông lúc nãy hình như đã lắng xuống.
 
Hết
 
Chú thích:
[ 1 ] Lời bản nhạc ”Ru đời đã mất” của Trịnh Công Sơn
[ 2 ] Mộng thịt một chứng bệnh về mắt  tên gọi y khoa là (pterygium-ptérygion): đó là phản ứng kết mạc, biểu hiện bằng một màng đục hình tam giác mà định hướng về trung tâm của tròng đen. Mộng lan từ rìa giác mạc rồi cứ tiến triển qua bờ đồng tử, khi chạm qua con ngươi  thì phải giải phẩu nếu không mộng sẽ che kín đồng tử.

Xem Tiếp: ----