Năm Hoá vốn người ít nói, lại hay cười xuề xoà làm mấy đứa nhỏ cứ theo chọc hoài. Những lúc ghé lại, neo xuồng vô cột nhà rồi bước lên, gần như Năm Hóa không hề gây ra tiếng động. Chỉ thấy cái mùi mồ hôi hăng hắc phả ra từ đằng sau, chớ không hề nghe tiếng chân đi trên sàn gỗ. Những lúc như vậy, tim Út Lượm như muốn rớt ra ngoài, người nó run lên như đang phát cỏ ngoài đồng gặp phải gió chướng. Nó nén lòng hỏi nhỏ: “ Anh Năm héng?”. Thường thì Năm Hoá đáp lại bằng một câu bâng quơ:“Nước rong dữ quá! Làm gì đó.. Út?”. “Thấy người ta làm gì rồi mà còn giả bộ hỏi hoài!”, Út Lượm lại đỏ mặt cười thầm như vậy. Nhưng lần nầy Út Lượm bỗng giật mình vì mãi không nghe tiếng Năm Hoá, lại ngửi thấy mùi mồ hôi khang khác. Nó quay ngoắc lại. Hai Luông, cha nó, đang đứng nhìn trừng trừng: - Mầy với Năm Hoá có gì rồi? Út Lượm đỏ mặt, dúi mạnh bó lá dừa nước vào bếp cho khói bốc mù trời, rồi bỏ chạy ra ngoài. Hai Luông ném theo một câu đầy bực dọc: - Tao không ưa cái thằng lụt lịt đó. Mầy mà ưng nó, tao bằm...nát xương! Nói thì nói vậy chớ Út Lượm biết cha nó cưng nó nhất xứ. Chỉ cái tội quá nặng tình với nhà chú Tư Mỡ mà ra vậy. Nó dòm xuống mặt kinh thấy nước đã lên tràn bờ rồi, liền thở hắt ra một cái. Giác nầy mà anh Năm hổng ghé chắc là giận cái chuyện bữa hổm rồi. Bữa đó đám giỗ nhà chú Tư Mỡ, Út qua nấu giùm món Sư tử hầm. Đang buổi nhậu, chú Tư kêu nó nói nửa giỡn nửa thiệt: - Hai Chắc...nó thương mầy thiệt tình, sao mầy hổng chịu là hổng chịu làm sao Út? Út Lượm tía mày tía mặt chưa biết mở miệng sao thì Ba Sáng đã đế vô: - Con Út nó khoái có Năm Hoá thôi hà, chú Tư! Tư Mỡ dằn ly rượu gạo xuống chiếu: - Hừm! Ham chi cái thứ lang bạt kỳ hồ đó mậy! Cả đời một mình một chiếu, trên trời dưới nước có mình ênh. Từ sáng tới chiều cứ lếch ra lếch vô rồi cái mông bự như cái giỏ cần xé mầy biết hôn. Còn như mà...mầy chịu lấy Hai Chắc, nhà cửa ao dzuông nầy, cả mấy chục công ruộng trong hậu, cho tụi bây hết, lo mà mần ăn! Đó là tao thương cái nết hay mần hay ăn của mầy mà tao nói dzậy nghe Út, mầy đừng có bỏ bụng tao nghe Út! Đó là Tư Mỡ mượn rượu để nói, mà nói thẳng với Út Lượm theo kiểu mặt đối mặt, lời đối lời để mai kia không ai chối được, để Út Lượm sau nầy khỏi trách chú Tư sao không thương nó. Nghe chú Tư nói mà Út Lượm muốn bể cái đầu, lòng rối như đám chà chuôm dưới đáy kinh. Từ hồi nao hồi não tới giờ, cái con bé Lượm nầy chạy vô chạy ra nhà chú Tư như con lươn con chạch trong nhà. Hai Chắc là con đầu của chú Tư, Út coi như anh ruột. Từ những ngày còn tí tẹo, hai đứa thường dẫn nhau đi mò cua bắt ốc, đi lượm trứng chim trong rừng. Lớn lên một chút thì phát cỏ mần ruộng. Lớn chút nữa là đua xuồng máy rần rật dưới kinh...Giờ Hai nói thương Út mà Út lại không thương Hai, theo cái kiểu mà ta nói là tình yêu, Út vô cùng khó nghĩ... Út Lượm ra giựt cống lấy nước vô vuông tôm, nó chợt thấy chiếc xuồng của Năm Hoá đang lấp ló dưới sàn nhà chú Tư Mỡ. Thình lình, một con ó bụng trắng bỗng từ đâu lao vút xuống trước mặt nó, quặp được con cá đối thiệt bự, rồi nặng nề bay lên. Út Lượm thốt cười, nghĩ rằng Năm Hóa sẽ không bao giờ bỏ nó. Thiệt tình mà nói thì Năm Hóa cũng đã tính ghé thăm Út, nhưng rồi nó muốn gặp Hai Chắc trước. Con nước kỳ nầy lại gặp triều cường khiến chiếc xuồng chở đầy gạo của Năm Hoá trở nên quá nặng. Từ nhà máy xay ra tới miếu Bà mà Năm Hoá phải cong lưng chèo hơn nửa ngày trời. Suốt nửa ngày trời đó, nó nghiền ngẫm mãi câu nói của chú Ba bữa trước: - Hai Luông nó không ưa mầy về cái chuyện Út Lượm, mầy liệu nói sao đó thì nói, chớ tao cũng hết lời rồi. Tao thấy Hai Luông khó chịu dữ lắm rồi đó! Mười hai tuổi, Năm Hóa đã một thân một xuồng linh đinh trên khắp các kinh rạch của vùng kinh Năm xã Hiệp Tùng (huyện Ngọc Hiển) nầy để bán các thứ hàng tạp hóa. Hồi đó chưa có nuôi tôm như bây giờ. Bà con ai cũng trồng lúa. Năm Hoá mồ côi, ở với chú Ba Chữ từ nhỏ. Nhà chú Ba ít ruộng không đủ chia cho các con. Thấy chú Ba nghèo mà phải đeo mang mình, Năm Hoá bèn xin chiếc xuồng cũ của chú Ba, ngày ngày chở các thứ mắm muối vào xóm bán cho bà con. Và rồi, Năm Hoá đã lớn lên hồi nào không hay, trên chiếc xuồng đó, trên dòng kinh nầy. Giờ đây Năm Hoá đã hai mươi sáu tuổi đời rồi. Nhiều lúc nó nghĩ, con nước biển Đông còn biết đi rong đến những bờ đất lạ, huống là người như nó, suốt đời chịu bó mình vào chiếc xuồng linh đinh nầy mãi sao?... Nó gặp Hai Chắc đang ngồi chặc khúc mấy con đẻn để làm mồi cắm cua. - Cua khá hôn, Hai Chắc? – Năm Hoá hỏi. - A...ha, cũng được...năm ký ngoài. – Hai Chắc bị hỏi bất ngờ, lúng túng đáp – Anh Năm ghé chơi! - Ừa, tao định gặp mầy...nói chút chuỵên, có được hôn? - Chèng ơi! Chuyện gì dzậy anh Năm? - Thì chuyện... Út Lượm đó mà! Mà chú Tư có nhà hôn? - Ba tui đi xóm rồi!- Hai Chắc đứng phắt dậy – Anh...anh Năm ngồi chơi để tui kiếm chút gì đặng mình sương sương anh héng! - Ừa, sơ sịa thôi! Hai Chắc, mình trần trùng trục, cầm cái vợt đi ra vuông tôm. Mấy con ba khía đang mon men kiếm ăn bên bờ mép nước nghe động tuông chạy, chui tọt xuống các lổ hang mất dạng. Năm Hoá nhìn theo, nghĩ mình lớn tuổi hơn phải cư xử sao cho đáng mặt, đừng để em út nó khi dễ. Nghĩ thì nghĩ vậy chớ nó cũng chưa biết nói sao với Hai Chắc, để khỏi mang tiếng là ỷ lớn. Năm Hoá có dè đâu chính Hai Chắc lại mở miệng trước, lại đưa ra cái giọng dễ thương hết biết: - Tui với anh Năm đều thương Út Lượm. Giờ Út Lượm không biết tính sao, thấy tội nghiệp lắm. Tui nghe người ta nói nhường cơm nhường rượu chớ không ai nhường cái người mình thương. Tui nghĩ mần gì thì mần, chớ con người ta ở đời cái tình là quý. Tui với Út Lượm là tình anh em từ nhỏ tới giờ. Mà tui với anh Năm cũng là tình...bà con lối xóm. Đó là tui nghe ba tui nói dzậy. Ba tui biểu không được huýnh lộn, bà con ta cười. Bị dzậy đó mà nhiều đêm, tui nằm tui nghĩ nát cái óc cũng tính hổng ra đường. Giờ anh Năm đã tới kiếm tui, thì chắc cũng nghĩ như tui. Thôi thì, - Hai Chắc vừa nói vừa ngó mông lung lên trời – Con sáo nó bay trên trời, con cá nó lội dưới kinh, xin nhờ ly rượu để nó tính giùm. Tui với anh Năm, đứa nào ngả trước thì... Năm Hoá ngồi nhậu với Hai Chắc tới xế chiều, vẫn chưa ai chịu say. Chỉ một ly rượu gạo chuyền tay, tới phiên thì uống. Mà uống một hơi không được ngập ngừng. Lúc nào chóng mặt thì dựa lưng vô vách mà ngồi chớ không được nằm. Hễ đến phiên là phải uống. Còn uống được là còn tỉnh. Cặp mắt Hai Chắc đỏ kè kè như muốn lộn ra ngoài, nhưng nó thấy Năm Hoá vẫn còn “tư cách” lắm. Lúc đầu thì nó tính ăn đứt Năm Hoá, nhưng bây giờ nó không dám chắc... - Rượu ơi là rượu, mầy thương tao chút đi! Mầy hạ nó giùm tao đi!...Tao thương mầy lắm nghe rự... ượu...- Hai Chắc cầm ly, lặc lừ đưa qua cho Năm Hoá, miệng lầm rầm khấn vái con ma rượu. Nhưng Năm Hoá lại nghe Hai Chắc kêu ra “ Lượm ơi là Lượm”, nghĩ nó kêu Út Lượm chắc chịu hết nổi rồi. Nó gần thua rồi. Tội nghiệp thằng nhỏ dễ thương hết biết! Ai xui khiến chi mà đi thương Út Lượm, để giờ phải chịu khổ... Trời chợt mưa chợt nắng, hửng ánh sáng trong veo vàng ruộm phủ lên rừng đước xanh ngan ngát. Nước lên ngập gốc cây bần già giữa sân. Mấy con cá thòi lòi leo lên tới chạc ba, lỏ mắt ngó quanh. Út Lượm như có lửa đốt trong lòng, cứ chạy vô chạy ra mà không biết phải làm gì. Đã mấy lần nó tính đi kêu Tư Mỡ về, nhưng rồi lại dùng dằng không bước nổi. Chừng nửa buổi, Hai Luông không biết ở đâu về, kêu Út Lượm biểu xẻng lẻng: - Tụi nó...chưa có gì trong bụng. Sao mầy hổng đi xúc mấy con cá kèo vô nấu cho nó nồi cháo. Út Lượm vùng vằng cầm cái vợt đi ra ruộng, nghĩ mình đâu có ăn ở ác đức gì mà gặp cái cảnh nầy. Trời đang nắng lại mưa. Cá kèo nổi lềnh mặt nước. Tiếng ca cãi lương từ chiếc máy cát-sét bên nhà bà Tư Bụng cứ ỉ-eo nghe buồn nhức xương... Chờ cho Út Lượm đi rồi, Hai Luông mới lò dò qua nhà Tư Mỡ. Hì hục mãi một lúc lâu ông mới đưa được chiếc xuồng đầy gạo của Năm Hoá đang bị kẹt dưới sàn nhà Tư Mỡ ra ngoài. Con nước nầy chưa biết còn rong tới đâu. Hai Luông sợ xuồng gạo của Năm Hoá bị nhận chìm, ai dè Năm Hoá lại vọt miệng nói: - Cho nó chìm xuồng luôn chú Hai! Không lấy được Út Lượm thì cũng kể như chìm xuồng gạo rồi. Nhưng mà, Hai Chắc ơi Hai Chắc, hổng biết làm sao, mà cái bụng tao cứ thấy thương...thương...Hà hà!...Ha ha!...- Năm Hoá vụt lớn tiếng ca – Ai xui mà con nước nó đi rong. Để cho mà Năm Hoá, nó phải lòng...là lòng...Hà hà!... Út Lượm vùng bịt hai tai lại chạy ù vô nhà. Nó chui vào xó bếp khóc nấc lên. Ầu ơ...Ai xui con nước đi rong, Để cho Út Lượm phải lòng anh Năm... ầu... ơ... Đã lâu lắm rồi, chẳng nhớ là mấy năm nữa, cứ mỗi lần chèo xuồng qua đây, Năm Hoá lại cất tiếng hò ghẹo Út Lượm chơi. Hồi đó, Út còn chưa biết gì, không hiểu sao anh Năm lại nghĩ ra cái câu hò oan nghiệt đó. Để rồi, cứ mỗi lần gió chướng về cào sàn sạt vào vách lá dừa nước làm cho Út không ngủ được, câu hò của anh Năm lại trăn trở cùng với Út hết cả đêm dài... - Anh Chắc ơi anh Chắc! Đừng có trách Út nghen! – Út Lượm nấc lên. Nó len lén gom mấy bộ quần áo vô cái bọc ny lông, rồi ra mở chiếc xuồng nhỏ lẹ làng chèo vọt đi. Gió chướng tràn về thổi tung mặt nước. - Con nhỏ làm sao mà khóc dữ vầy nè! - Một bà ngồi trên chiếc xuồng máy chạy vụt qua, nhìn Út Lượm nói to. Con nước biển đông sao mà cứ tràn lên, cứ lớn mãi không dừng. Lại gặp cơn gió chướng, xuồng của Út Lượm như lóc đi trên mặt kinh. Nhưng lòng nó thì ngổn ngang trăm mối, chẳng biết về đâu... ĐN.091001.PNCN