1.- Ra đảo gặp đúng mùa biển động, tôi cảm thấy thất vọng. Mới chiều qua theo tàu ra đi, tôi còn thấy bầu trời xanh ngắt một màu, mây dát vàng bóng nắng như vành khăn cô dâu ngày cưới. Vậy mà sau một đêm ngủ dậy, trời đã xám xịt, mây kéo đùng đùng, biển cuồn cuộn sóng.
Từ doi đất bé tẹo như cái vũng, tôi nhìn ra biển chẳng thấy gì, cả một phía xa xa như khói, như hơi dầy đặc và đe dọa. Những tàu đánh cá đều neo lại, chiếc nọ buộc rịt lấy chiếc kia, để tránh bị cơn bão bứt xô nghiêng xô ngả. Sóng giập ào ào, đánh chòng chành, lắc lư những chiếc tàu như say rượu.
Tôi bước những bước nặng nề trên cát lổn nhổn đầy vỏ ốc, nghe nhoi nhói dưới gan bàn chân. Tôi men ra sát biển, nước vỗ đục ngầu, rào rào như tiếng mọt gặm, hàng dừa xõa tóc, khô khan đứng chờ, mà chả biết chờ gì.
Tôi chợt thở dài, một giọng nói nào đó thoang thoảng: ông buồn lắm hả vì mới ra đảo đã gặp ngày biển động. Tôi gật đầu, giọng cô gái nghe rất nhẹ, thì thào: tôi không hiểu sao ông lại bỏ thành phố đến đây, có gì tha thiết đâu mà ông háo hức.
Chẳng hiểu sao tôi đem suy nghĩ ra bộc bạch hết trơn: nghe nói mùa chim én trên đảo rất rộn ràng, nên muốn đi xem một lần cho biết. Cô gái cười rinh rích có vẻ trêu chọc: thì ra vậy, người thành phố có lắm mơ tưởng lãng mạn.
Tôi lảng sang một việc khác: vậy không ai đi biển hôm nay? Cô gái giảng giải: phải, mấy năm trước còn có người phiêu lưu dám lặn lội ra đi, nhưng giờ không ai chọn cách đó nữa.
Tôi có vẻ chưa hiểu, cô gái nói thêm: bởi người chết nhiều quá, có gia đình liên tiếp 3 năm có 3 người bỏ cuộc và vĩnh viến xa nghề, từ đời cha lan đến đời con lại sang cả đời cháu. Ông vừa đến nên chưa kịp nhìn thấy những mảnh khăn tang héo hắt quẩn quanh. Cả đảo chẳng còn nhà nào không có người hiến mình cho biển.
Lời cô gái ngưng ngang như bị chặt bởi một nhát dao ngọt xớt, nhưng dư âm thì lãng đãng rất lâu. Tôi dè dặt cất một lời hỏi hết sức ngớ ngẩn: sao không kiếm nghề khác mà làm. Cô gái cười bù trất, nhưng kìm lại ngay, hỏi ngược gay gắt: ông bảo đổi nghề khác, vậy ông hiến cho một kế đi.
Tôi sượng ngắc như nhai phải hạt sạn trong bát cơm bốc khói. Tôi nghẹn ngào lí nhí thưa: tôi xin lỗi. Cô gái quay ngoắt nhìn tôi, bây giờ tôi mới nhận ra một vẻ đẹp kín đáo. Tôi gật đầu chào, cô cũng gật chào lại. Mây giăng kín trên trời bôi nhọ nhờ nhờ cả khuôn mặt, dù là giữa ban ngày. Cô gái có vẻ bẽn lẽn.
Tôi định quay gót trở về, nhưng cô gái giữ chân lại. Cô hỏi cho có hỏi: ông biết gì về chim én mà lại cố ra tìm ra đảo để xem. Tôi lúng túng hết sức kể: tôi thích loại chim be bé, khi bay hai cánh xòe ra mỏng manh, nhưng tiếng kêu chít chit thật vui tai. Tôi nghĩ buổi sáng sớm vừa thức dậy, lao xao ngoài khung cửa bầy chim én bu đậu đen đầy trên dây điện che kín một khoảng trời. Tôi nghĩ đến một rặng hòn chênh vênh giữa biển bám đầy những tổ cheo leo để mỗi sáng én bay túa ra chào những đoàn tàu ra khơi, cô có thấy đó là hạnh phúc chứ.
Cô gái im lặng hơi lâu, song chỉ nói rất ngắn: ông thật lãng mạn.
2.- Cơn bão đến với đảo quá đột ngột. Mưa vừa rơi lắc rắc thì đã vội thành con thuồng luồng quẫy dọc quẫy ngang. Gió thổi long hàng dừa như muốn lôi bật rễ ném loạn xạ lên bầu trời mù mịt. Biển bị xóa nhòa, tàu bè cọ vào nhau tựa nghiến răng, các dây đỏi bựt tưng tưng dường sắp đứt. Tiếng í ới của vạn chài gọi nhau xem chừng xem đỗi dây buộc thuyền, nghe loáng thoáng chen lẫn trong mưa.
Những căn nhà nằm nép quanh mép vũng co ro và ướt sũng, lem nhem chẳng khác người bị xối nước vuốt mặt không kịp. Niềm im lặng bên trong thi nhau cùng sự chộn rộn bên ngoài làm cho lòng ai cũng chùng xuống, nghe rất nặng.
Tin tức từ chiếc máy thu thanh bị nhiễu sóng, nghe lúc được lúc mất, loan báo sức gió, sức bão còn dài. Tôi muốn nẫu cả người. Bà chủ nhà cảm thấy tội nghiệp nên chốc chốc lại đi ra đi vào an ủi: không sao đâu, bão ở đảo hung hăng nhưng chóng hết. Sau cơn mưa trời lại sáng.
Lòng tôi càng nặng hơn khi thấy ông chồng của bà lúc này không có nhà. Tôi đem câu ấy ra hỏi, bà chủ thở dài mà nói: ông ấy bận rộn lắm vì cảnh “ trồng trầu thì phải khai mương…” Tôi xót xa cả dạ khi thấy cái đoạn sau được bà buông lửng, bỏ buông như chính cuộc đời chông chênh của bà.
Tôi nói một câu lấy lòng: đàn ông nào chẳng vậy. Họ như chiếc gậy trong tay người ăn mày, bạ đâu cũng chọc, nhưng sớm muộn rồi cũng phải quay về. Không ngờ lời tôi chẳng những đã chẳng được hưởng ứng mà còn làm bà chủ tỏ ra đanh đá hơn: tôi cũng từng hi vọng thế.
Tôi nghĩ về cô gái ngoài bãi. Chợt thấy cuộc sống của mỗi người nữ trên đảo như cụm xương rồng khẳng khiu mọc trơ vơ nơi bãi cát. Gió thổi vùi lên lấp xuống, quay quắt với cát, mưa, khô rang khoe những cạnh xù xì, đưa lên trời như bàn tay cầu xin ân sủng.
Tôi muốn hỏi bà chủ lý do chịu đựng của các cô gái trên đảo, nhưng cổ cứ tắc nghẹn. Tôi trằn trọc, hết trở mình lại bò dậy. Tôi ra đứng cạnh ô cửa sổ nhìn mưa gió vằng vật ngoài kia, trời xám ngoe xám ngoắt, oặn mình nôn thốc nôn tháo những luồng quét thô bạo. Bão mạnh quá, như xé rách đất trời ra thành những sợi lưa tưa.
Tôi gạn hỏi bà chủ: những ngày bão, đảo lấy gì sống. Bà chủ không đáp thẳng vào câu hỏi: người làm biển chỉ dựa vào biển. Mùa êm thì con tôm, con mực, mùa động thì nhặt nhạnh ba mớ phơi khô mà nhá qua ngày. Ốc cũng biết tìm đường lánh khi bão đến vì bản năng tồn tại. Kẻ này chạy trốn thì kẻ khác lại đôn đáo đi lùa, có lẽ vậy mà oán ân càng lưu cữu, muôn đời khó gỡ được.
Bão rớt suốt ngày, càng lúc càng to. Đêm yên tĩnh nghe còn dễ khiếp hơn. Chỉ qua một ngày mà đảo xơ xác hẳn, nhiều tàu dừa bị lốc bứt nằm lăn lóc trên cát nhão, trông thật thảm thương. Sang đến ngày thứ hai, bão có ngớt, nhưng sóng lại bủa dữ, từng ngọn nước như chiếc lưới rộng phủ úp lên những thân tàu, đua nhau muốn lật úp hay bẻ gãy chúng ra. Vạn chài càng gọi nhau chống trả để giữ lấy tài sản.
Tin tức khí tượng cho biết cơn bão như đứa bé trai tinh nghịch quậy phá lung tung lang tàng. Tôi thú vị khi nghĩ tuổi nhỏ của mình cũng vậy, chẳng có cây nào quên trèo, chẳng có quả nào quên vặt dù còn xanh, chẳng có trò nào không phá dù có bị rầy la mắng chửi. Bây giờ bão là tuổi trẻ của tôi, của một đứa trai chẳng hề biết sợ. Ví thử có ai tinh nghịch đặt một quả ngon đè dưới chân cọp thì cách này cách khác đứa bé cũngcố lật bàn chân ấy ra mà lấy quả.
Bão tới tấp, gió xoay chiều rất lẹ, mưa té tát vuốt mày vuốt mặt không kịp, cứ tưởng đất trời sắp vỡ bung ra. Những cơn gió rít réo quặn mình trông giuống hai gọng kìm ê tô càng lúc càng nghiến đứ đừ da thịt. Mùi muối rất mặn bay xồng xộc khắp trời, chắc hẳn mái tôn cũng muốn rỉ hoen rời rã vì hơi nước từ khơi thổi ập vào.
3.- Bước sang ngày thứ ba thì bão mới ngưng. Đảo thê thảm sau những ngày bị tàn phá. Những ghềnh đá như bị giũa vẹt, sóng đập những cột nước làm méo mó hình dạng chúng đi, song đám coòng vẫn cố bò ngoi lên giữa những vạt sóng dội té tát để rồi bị lột văng ra rơi tõm xuống nước.
Tôi ra bãi, gặp lại cô gái hôm nao. Cô hỏi tôi: ông sợ chứ. Tôi gật đầu. Cô nói nữa: chúng tôi thì quen rồi, năm nào chẳng vậy. Tiếng thở dài nghe mông mênh. Tôi hỏi cô: sao chưa thấy chim én bay.
Cô gái tủm tỉm: ông muốn nói loại én nào. Tôi ngây ngô nói về bầy én thành phố đã từng kể với cô. Lần này thì cô ngửa hẳn cổ ra mà cười, tiếng cười the thé như trêu chọc. Tôi cảm thấy hổ thẹn. Một lúc sau, tiếng cô thoang thoảng trổi lên.
Tôi nghe đều đều như một lời ru ngủ: loại én mà ông nói không hề làm tổ ở các ghềnh đá ngoài khơi đâu. Có lẽ ông nhầm với loài chim yến mới có công dụng tốt. Người nào đó nói với ông về mùa chim én ngoài đảo có lẽ là nói về giống chim này. Dãi của nó mới làm ra tiền ra bạc. Còn thứ chim én ông nói chỉ là một loại trang trí cho thành phố vui tai thích mắt mà thôi.
Tôi như vừa bị xối một gáo nước đá trong đêm giá buốt. Ngượng ngùng nói lí nhí: xin lỗi, tôi không rành. Cô gái lại châm chọc: tôi có bắt bẻ ông đâu mà lúc nào cũng xin lỗi. Tự dưng tôi thấy thích cô gái. Tôi đưa lời ướm: hôm nào cô có thể đưa tôi đi thăm chỗ chim yến làm tổ được chăng?
Cô gái có vẻ không tin tôi ngây ngô đến vậy: ông nói nghe dễ quá. Người khai thác phải đóng thuế rất lớn để độc quyền thu nguồn lợi. Họ xem nơi đó là lãnh địa riêng của họ, tuyệt không cho ai vào. Ta có đến cũng chỉ chạy vòng vòng bên ngoai mà nhìn thôi, còn muốn xem tận tổ phải dám trèo lên những giàn giáo, mà việc đó thì chắc là chẳng ai cho.
Cô gái lại giảng giải thêm: từ đây đến đó tuy xa mà gần, tuy gần mà xa. Phải dùng tàu vượt ra biển và rành đường mới có thể tìm tới. Về khoản này, tôi mù tịt vì vừa không có dịp đến lần nào vả cũng không có tàu thì đưa ông đi thế nào được.
Tôi cười khan để che lấp nỗi quê kệch đang dâng. Cô gái cũng góp cười theo và nói: ông vui thật. Song để khỏa lấp chỗ trống vắng chông chênh của hai người, cô đề nghị: hay là tôi đưa ông đi thăm ngôi chùa trên đảo, biết đâu ông cũng tìm thấy một điều gì khi xa thành phố.
Tôi phấn khởi liền. Cô gái loong toong đi trước, tôi lẽo đẽo theo sau, như một anh chàng đi xem mặt vợ. Cô gái men theo con đường mòn, len lách vào những bệ đá sứt mẻ đi lần ra mút tận cuối bãi. Hàng dừa đã được thay bằng rặng phi lao phát tiếng u u. Cát ở đây rất mịn, êm, nhuyễn, bước chân trần nghe lún sâu như đang bước trên lớp đường xốp.
Chùa lộ ra ở khúc quanh cuối đảo, mái cong vút lên trời. Một cổng tam quan nho nhỏ không xứng với ngôi chùa nằm hiền hòa ngăn khoảng sân sau với thế tục bên ngoài. Cửa chính ở giữa bị đóng, chỉ chừa cánh cửa con con một bên còn mở ngỏ. Cô gái dẫn tôi vào. Hai bức tượng ông Thiện, ông Ác trấn dềnh dang trước chánh điện, cửa cũng chỉ mở hé cánh một bên.
Tôi vào chùa, rũ sạch bụi trần gian trước khi nhập chánh điện. Một quả chuông treo nặng trĩu bên tả và một mặt trống treo đối diện bên hữu, cả hai im lìm vì thiện nam tín nữ không có. Cô gái đi song song bên tôi, theo đúng vị thế nam tả, nữ hữu của chùa. Không bảo nhau, cả hai cùng sì sụp lễ Phật, sau khi cô gái đã cáng đáng đốt hộ luôn nắm hương chia cho cả hai.
Chánh điện rất cao, mùi hơi nước thoang thoảng, tôi nghĩ giá không có cơn bão thì chùa vẫn mát lạnh cả năm. Tôi lẩm nhẩm khấn dù chẳng biện bạch gẫy gọn lòng mộ đạo của mình. Cô gái thành tâm hơn và lễ lạy trông thật nghiêm trang, sùng bái.
Sau đó, cô gái dẫn tôi ra liêu sau chào sư cụ. Vị đạo trưởng hiền từ với lớp áo nâu sồng mời nước. Cô gái nhanh nhảu giới thiệu tôi, nhưng không nhắc về lý do ra đảo của tôi. Thầy nghe xong cũng nói: đệ tử ra đảo nhằm ngày giông bão chắc là buồn. Tôi i a cho xong. Thầy mời ở lại thời ngọ, nhưng cả hai đều từ chối.
Tôi lại đi sau cô gái trên đường về, im lặng lắng nghe nỗi u trầm vừa mang từ tự viện vào tâm. Cô gái cũng không nói gì, chắc đang xôn xao về một điều nào đó. Trên đường ra khỏi cổng tam quan, tôi mới chợt để ý mớ rêu xanh bám dọc theo gờ tường chùa, những vết thời gian như dấu chân chim đè nơi mắt tục.
Cô gái đến lúc này mới thoát lời hỏi tôi: ông định bao giờ trở lại thành phố. Câu nói như biển mặn đổ xô vào, tôi lấp lửng: tôi còn chờ mùa chim én đã cô. Tôi được để buông thả lửng lơ vì cô gái biết cái mùa chim én đó chẳng bao giờ ghé đảo vì trùng dương bao la không để chim yến dám bay tạt về. Vả chăng những người canh đảo yến cũng không muốn bầy chim vẫy cánh quá xa để thất thoát dọc đường.
Nhưng cô gái để mặc tôi trôi nổi theo dòng hi vọng. Có lẽ cô nghĩ hi vọng có khi làm con người lớn dậy thêm chăng.
4.- Tôi ở lại đảo một thời gian. Sau ngày bão, tàu lại lao ra khơi mỗi ngày và quay về khi nắng bắt đầu dịu lần và sắp tắt. Đảo rộn lên vì những chuyến đánh bắt xôn xao. Đêm túy lúy càn khôn bên mùi mực nướng và rổn rảng với những cuộc rượu say mèm. Những người đàn ông khật khưỡng, những trai tráng lè nhè và những bà, những cô lao chao vì cảnh chồng con hay cô độc.
Con nít cứ bỏ học dài dài, trường vắng hoe vì chẳng thầy cô nào tình nguyện ra nơi đảo. Chỉ có khoản ngày càng đông dân là tích cực và sung túc nhất. Đầu ghềnh cuối bãi, các bà, các mẹ thay phiên làm mụ đỡ cho nhau. Những mảnh chai hơ lửa được xem là lưỡi dao y tế cắt cuống rún và đem chôn ngay hông nhà khi trẻ ra đời. Những lườm nguýt vẫn xảy ra khi ông này lẹo tẹo với bà kia khiến ghè tương lăn kềnh loảng xoảng.
Có những chuyến đánh bắt dài ngày, tàu rủ nhau vào tận sâu xa để chuyển địa bàn thu gom của biển. Những đợi chờ chập choạng trong đêm, những rạo rực vùi chen giấc ngủ. Đảo vẫn dửng dưng, thủy triều vẫn duềnh lên hụp xuống hoặc vỗ uỳnh oàng vào ghềnh đá rung rinh.
Nhưng mùa chim én trên đảo chờ hoài không thấy đến. Cô gái lâu lâu lại hỏi tôi: khi nào về. Tôi lấn cấn vì cánh chim én lẻ loi chập chờn trong giấc ngủ trằn trọc. Cánh chim én mường tượng như mang dáng hình người, trầm mặc, âm u, e dè và câm nín. Ngày tôi lên tàu chỉ còn đem theo riêng một cánh chim én nhỏ nhoi không chịu rời đảo, tôi đã mời cô gái, nhưng cô không nhận lời. Cô bảo: ông cứ về thành phố, bữa nào lại trở ra đảo, biết đâu ngày đó mùa chim én sẽ về rộ với ông?
Có thật vậy hay không?
Đỗ Thành

Xem Tiếp: ----