Dịch giả: Từ Du
Chương 11

Bàn ăn hôm nay được bày biện rất trịnh trọng, khăn trải bàn trắng tinh, muỗng nĩa bằng đồng sáng loáng, hoa Kiếm Lan đầy bình. Giữa bàn ăn, một chiếc hộp giấy tròn to tướng, cô tớ gái mở nắp hộp, một chiếc bánh sinh nhật trên có rất nhiều đèn cầy nhỏ trông rất đẹp mắt.
Tôi và Đức Sanh đều ngơ ngác, cả đến giáo sư Trung cũng ngạc nhiên không kém.
Cô Phụng trang điểm như một cô dâu. Trước đây chưa bao giờ tôi trông thấy nàng ăn mặc lịch sự như thế, chiếc áo dài ren trắng, bên trong lót vải hoa đỏ rực. Giày cao gót trắng, bông tai trân châu, kiểu tóc mới nhất, cao như tháp Eiffel ở Ba Lê.
Hiển nhiên, gương mặt của nàng cũng được trang điểm tỉ mỉ. Mặt nàng tròn như một quả táo, chân mày tô đậm nét, nụ cười ngây thờ bao giờ cũng gắn trên môi, giờ đây tô đỏ thắm, tất nhiên khi nàng đã đánh phấn, thì ngay cả tàn nhang ở hai bên cánh mũi cũng bị che lấp mất.
Đức Sanh bối rối:
Sao không cho chúng tôi biết trước? Ngay cả quà của bác, chúng tôi cũng không mang đến!
Phụng đáp:
Tôi không cho một ai biết cả, kể cả cha tôi! – Hai ông đã mang rượu và hoa đến rồi, và hai ông cũng mang đến cho cha tôi một niềm vui trong ngày hè hôm nay!
Tôi thật đúng là một người cha hồ đồ! – Giáo sư Trung cười gượng - Đến đỗi sinh nhật của con gái cũng không nhớ.
Trước nay cha chưa hề mua một bó hoa nào vào ngày giỗ của mẹ, nhưng mỗi một nụ cười và mỗi một chỗ nào trong quán rượu ở Ba Lê cha nhớ không sai một chi tiết nhỏ.
Đàn ông đều hồ đồ như vậy cả! Con xem cả đến thằng bé Lưu Triết cũng quên mất.
Phụng nũng nịu:
Cha! Con không cho cha nhắc đến anh ấy nữa, người anh ấy cũng có loại máu xấu mà cha anh ấy di truyền lại đấy!
Giáo sư Trung cực chẳng đã phải gượng gạo nói lảng:
Hay lắm! Thôi chúng ta hát mừng sinh nhật đi!
Hát xong bài ca sinh nhật, dùng xong cơm tối, Đức Sanh và giáo sư Trung lại chuyển câu chuyện sang đá banh, đầu phiếu và đánh cờ. Phụng biết rõ ý họ, nên mang bàn cờ “vây” ra sắp cho họ như thường lệ.
Phòng khách được trả lại yên tĩnh. Tôi và Phụng không thích chơi cờ “vây”, nàng bảo cô tớ gái mang hai chiếc ghế mây và một mâm trái cây đặt dưới giàn hoa trong vườn, ngồi trò chuyện với tôi.
Tôi nhớ đến sự khó khăn trong công việc sáng tác của tôi nên nhân cơ hội này khai thác tâm trạng của những cô gái khi yêu nhau thật sự như thế nào. Ít nhất tôi cũng có thể tìm hiểu tình cảm của nàng dành cho Lưu Triết.
Tôi không thể đường đột vào đề ngay. Tôi phải đi vòng vo từ chuyện học hành, chuyển qua các thói quen trong cuộc sống của cha nàng; rồi nàng hỏi thăm các tác phẩm của tôi. Phung đang học văn học Anh tại một đại học của Giáo hội, đối với văn chương nước nhà nàng không biết gì cả.
Tôi chán môn học này quá, niên học sau tôi muốn sang ngành khác!
Sao vậy!
Tôi hiểu rõ tâm trạng của  những người học ngành này lắm, phần đông đều vì nghề nghiệp sau  này của họ, mà họ vốn không có hứng nghiên cứu văn chương; các giáo sư cũng không muốn đào tạo họ trở thành nhà văn, hay thư ký. Nếu cứ như thế mãi chẳng những Anh văn của tôi học không ra gì, mà cả đến tiếng mình tôi cũng ngờ nghệch luôn.
Cô định chuyển sang ngành nào vậy?
Triết hoặc thương mại.
Hai môn học đó tương phản nhau quá!
Đối với tôi thì nó cũng vậy thôi, mình phải là một người thông minh, bằng không, thì là một thằng khờ người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm. - Phụng thành khẩn hỏi tôi – Anh thấy thế nào?
Tôi không rõ hai vấn đề này. – Tôi được dịp hỏi dò – Lưu Triết dù sao cũng có chút căn bản triết học, cô không bàn với anh ta về vấn đề này à?
Đã lâu lắm rồi tôi không gặp anh ấy.
Lạ thật! – Tôi bất giác buột miệng – Đêm qua, anh ta không phải hẹn với cô sao?
Không. -  Phụng cố giữ vẻ bình tĩnh – Đêm qua tôi ngồi nghe nhạc cả buổi tối bên điện thoại, có lẽ anh ấy hẹn với người khác.
Thế thì tôi đã đoán sai rồi – Tôi bịa chuyện giải vây cho Lưu Triết – Có lẽ anh ta biết cô không đến được, hèn gì anh ta ngủ sớm thế?
Sao hôm nay anh ấy không đến đây?
Anh ta đang bận viết một bài, có lẽ anh ta đến thư viện tìm tài liệu rồi.
Không có lý! – Phụng cười héo hắt – Rõ ràng anh muốn chạy tội cho anh ấy, đã ba tuần lễ nay, anh ấy không bước chân đến đây; lẽ đương nhiên, anh ấy sẽ không bao giờ làm phí thì giờ của hai người một cách vô ích.
Láo thật! – Tôi ngượng ngùng – Tôi phải mắng anh ta một phen mới được!
Trách chuyện gì thế?
Tôi không thích những hạng người không dám chịu trách nhiệm đối với tình cảm. Nhưng, cô cũng phải có trách nhiệm, trong ba tuần lễ này, tôi cũng chưa nghe co gọi điện thoại cho anh ta.
Sao tôi lại phải gọi điện cho anh ấy chứ! - Phụng cắn một miếng cam, thoáng chau mày - Vả lại, anh ấy cũng không có trách nhiệm đối với tình cảm của tôi.
Tôi không thích những người không chịu nói thật!
Anh tưởng tôi và anh Triết có gì đặc biệt à! Anh đừng xem chúng tôi như những nhân vật trong tiểu thuyết. Quen biết nhau không hẳn là yêu nhau.
Cô phủ nhận mối tình của cô và Triết à?
Chớ nên cộng thêm thời gian, quá khứ và tương lai, hoặc sự thay đổi của hiện tại.
Thế giới chưa có loại văn tự nghiêm khắc thì sự thay đổi hiện tại sẽ đưa đến một kết quả chưa thể biết được.
Rất rõ! Anh Triết đã dùng hành động để trả lời các thắc mắc của anh rồi.
Cô cho rằng anh ta đã có người yêu?
Chẳng lẽ anh còn muốn như diễn viên phụ để như trong kịch của Shakespeare?
Cô có biết người đó là ai không?
Tôi cần gì phải biết? - Phụng trố to đôi mất u uất – Tôi không muốn biết đến việc làm ăn của Trương Đức Sanh.
Cô nên câu thúc anh ta chứ!
Sao tôi lại phải làm thế? Tôi không dại dột như thế đâu.
Vì sao?
Phụng bụm miệng cười:
Tôi là kẻ thuộc Duy Tâm Luận (Idealism), tôi tự biết mình không biết cách phong toả quả tim của người khác.
Phải, Triết là một con ngựa hoang.
Tôi không thích nhìn người ta khắc phục ngựa hoang. Ở một quan điểm khác, những con ngựa bị mất tính ngựa, không dễ thương bằng cả con lạc đà nữa.
Thí dụ nếu cô có một con ngựa chứng thì sao?
Để cho nó chạy, khi chạy mệt nó sẽ mang chiếc bụng đói tìm đồng cỏ ngay.
Hàng rào bằng gỗ không thể ngăn được một con ngựa không cương! Đồng cỏ của cô bao lớn?
Không lớn lắm! Hàng rào trong buồn tim của mỗi người đều nhỏ bé. Có lẽ anh ấy chưa thấy rào cản là đã rơi vào cạm bẫy rồi.
Tôi ngạc nhiên thực sự trước quan niệm tình yêu của Phụng. Nàng hiểu biết và cởi mở trong khi số tuổi chỉ mới được mười chín.
Anh ta không đồng ý quan niệm của tôi sao?
Tôi chỉ lạ vì sự hiểu biết và tuổi tác của cô không tương xứng với nhau.
Anh chẳng hiểu tâm lý của sinh viên hiện nay. Mình thực tế hơn lớp người trước, phải không anh?
Tôi miễn cưỡng gật đầu.
Anh không phải phí thì giờ để nghiên cứu vấn đề này. Rất giản dị, thế giới tiến bộ, nhân loại càng thông minh hơn thì càng thực tế hơn. Tôi cảm thấy điểm tiến bộ của nhân loại ở thế kỷ này, chính là con đường sai lầm của lớp người đã đi qua; do đó, chúng tôi sẽ không rơi vào thảm trạng của Juliette nữa. Nhưng chúng tôi lại có cảm giác như bị đánh mất một cái gì, cái nhận được càng đau khổ hơn cả một tấn kịch bi thảm, anh có biết đó là gì không?
Không…
Tôi không thể nói một cách cụ thể, nhưng tôi có thể đưa ra một thí dụ điển hình là câu chuyện của cha tôi. Thật ra ông đã nói điều này hơn hai mươi lần rồi, tuy mỗi lần đều khác nhau, nhưng tôi đã khám phá ra sự bí mật thực trong bí mật đó.
Cô biết gì?
Tôi biết ông vẫn còn yêu người đàn bà Pháp đó, anh có để ý cái giọng nói của ông dường như là chế nhạo bà ta, nhưng thật ra chính ông tự chế nhạo mình đấy.
Sao lại như thế?
Vì nó sẽ xoa dịu lòng hối hận của ông. Mỗi khi cha tôi uống rượu đôi mắt ông sáng lạ lùng, các bạn về rồi ông sẽ ngồi ngâm nga một mình, có khi ông xúc động đến rơi nước mắt. Nhưng tôi không đến an ủi, phá rẫy ông vì tôi biết ông đang sung sướng.
Ông ấy nhiều tình cảm quá nhỉ?
Đó chính là nỗi thảm thương nhất của lớp người chúng tôi đấy! Trí thức mang sự bi ai đến cho chúng ta, khoa học mang chúng ta lên không gian làm sự tôn thờ thần thánh của chúng ta bị lung lay. Máy móc đã thay đổi định chế xã hội, và cũng mang sự hão huyền đến cho nhân loại. Cuộc sống của chúng ta đã trở thành đồ ăn, giáo dục xã hội khiến cho chúng ta được rất nhiều bi kịch và giúp chúng ta khắc phục nó một cách sáng suốt.
Tôi định dò dẫm tâm trạng của nàng, mà không ngờ lại phải nghe nàng triết lý, tôi chẳng hiểu trời trăng gì cả.
Tôi nói quá nhiều đấy nhỉ! Có lẽ tôi hơi say, à, đó là rượu của Thôi Vạn Thạch biếu cha tôi đấy, tôi giữ một chai.
Tôi thừa dịp chuyển hướng câu chuyện:
Thôi Vạn Thạch đến đây bao giờ vậy?
Tôi cũng không rõ nữa! Hôm Giáng sinh ông ấy nhờ người đưa đến, cả đến địa chỉ cũng không có.
Đã lâu lắm rồi tôi không gặp anh ta.
Có một lần đi ăn tiệc mừng thọ của mẹ một người bạn, tại quán Đông Kinh ở Tiêm Sa Chuỷ, ông Thạch ngồi ở chiếc bàn bên cạnh chúng tôi. - Phụng bỗng cười khúc khích – Tôi bước sang chào ông ấy, ông ấy đang ăn, thấy tôi đến nên vội vã rút đôi đũa trong miệng ra, không ngờ vì lúng túng ông làm sao mà cả bộ răng cũng ra luôn.
Tôi tưởng tượng cảnh tượng lúc đó, phải bật cười lăn lộn:
Mọi người cười nói xong, tôi khuyên ông ấy nên thay một bộ răng khác. Ông ấy ngượng quá nên cố giải thích với mọi người là răng của ông ấy bị gãy lúc bị lật xe hồi kháng chiến.
Tôi cũng có nghe anh ta nói đến điều này! Nhưng anh ta chỉ gãy mất ba bốn chiếc thôi, sao bây giờ lại thay cả hàm vậy!
Hiện nay có rất nhiều bà thay răng giả cho đẹp cả hàm.
Anh ta còn vẽ không?
Có lẽ vẫn còn, vì áo ông ấy còn giây bẩn sơn màu. Có lẽ mấy bà đầm ngồi cùng bàn là khách hàng của ông ấy.
Anh ta không nói gì thêm nữa à?
Lúc sắp đi, ông ấy có bảo khẽ cho tôi biết là Lưu Triết cũng có mặt tại đó. - Phụng thở dài – Anh ấy đang ngồi với một cô, tôi chỉ nhìn phía sau lưng của cô ấy thôi.
Anh ta không trông thấy cô à?
Đông như thế, tôi chắc anh ấy không thấy tôi đâu.
Nhất định cô gái ngồi chung với Lưu Triết là cô biên tập viên. Nhưng tôi lại không thể giải thích hộ Lưu Triết, và cũng không có cách nào để an ủi Phụng.
Giữa lúc cả hai chúng tôi đang trong cơn bối rối, thì có tiếng giáo sư Trung gọi vọng ra:
Trà! Cho tôi một ly trà.
Tôi và Phụng trở vào phòng khách. Nhìn những con cờ nằm la liệt dưới đất, giáo sư Trung say mềm bò loạn trên mặt đất. Trương Đức Sanh ngủ say trên ghế sa lông. Tôi giúp Phụng đỡ giáo sư vào phòng. Phụng lấy một chiếc khăn đắp lên mình Đức Sanh. Tôi nhìn đồng hồ, đã sắp hết phà qua sông rồi!
Tôi bảo Phụng:
Trễ rồi tôi về nhé!
Xin anh đừng nên nhắc chuyện này với anh Triết nhé!
Tôi hiểu, cô có cần gì tôi không?
Anh chờ cho chút. - Phụng cắt một miếng bánh ga tô bỏ vào hợp giấy, cười cay đắng – Dù thế nào đi nữa, anh Triết cũng phải ăn một miếng bánh sinh nhật của tôi.