Tôi vẫn thích nghe bài hát chị tôi của Trọng Đài. ( Thế là chị ơi rụng bông hoa gạo, ô hay trời không nín gió cho ngày chi sinh... ) Chị hơn tôi 2 tuổi, là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục, được sinh ra ở một vùng quê miền núi ( Tuyên Quang ) chị cao và có một dáng người chuẩn mực, mái tóc dài đen láy dài quá mông, một núm đồng tiền trên má và khuôn mặt trái xoan đầy đặn, cộng thêm chiếc răng khểnh đáng yêu duyên làm sao, ai cũng nói hai chị em tôi giống nhau ở cái miệng, ở nụ cười. Mỗi khi chị cười làm bao chàng trai ngất ngây với nụ cười của chị. Người ta nói ( Hồng nhan thì bạc phận ) Câu nói ấy quả đúng cũng không sai so với cuộc đời của chị. Ngày tôi bắt đầu vào đại học cũng là lúc chị lên xe hoa về nhà chồng, chị lấy một người ở xã trên. Chị đi lấy chồng bao chàng trai nhìn theo chị tiếc nối. Ngày đám cưới của chị, tôi cũng tất tả từ trường về mừng đám cưới chị, để ngắm chị mặc chiếc áo cô dâu trắng ngần như tâm hồn trinh nguyên, trong trắng của chị. Nhìn chị trong ngày cưới hệt như cô người mẫu kiêu sa trên sân khấu, hay ví chị như một nàng công chúa. Chị khóc nhiều trong ngày cưới, chị khóc, tôi cũng khóc. Chị lấy chồng, tôi thì đi học đại học vậy là hai chị em tôi giờ thì xa lắm rồi, xa tiếng cười khúc khích trẻ thơ mỗi khi cùng nói, cùng cười bên nhau, tiễn chị về nhà chồng tôi khóc đỏ con mắt.... Thế rồi thời gian trôi đi tôi mới khóc ngày chị đi lấy chồng thì hôm nay tôi lại buồn lại khóc khi nghe tin chị ra tòa, hai anh chị ly dị nhau ( chỉ bởi vì chị không chịu được những trận đòn anh đánh chị...) Tôi thấy thương chị quá, trong thời gian đi học tôi cũng chỉ về thăm nhà có vài lần. Tôi bị tai nạn và phải nghỉ lưu không đi học được. Sau khi hồi phục tôi không trở lại trường nữa mà xin đi làm luôn, tôi làm vũ công, và làm nhảy mẫu cho một vũ trường ở Hà Nội .... .... Chị sau khi ly dị chồng, chị xuống ở chung với tôi, giúp tôi cơm nước dọn dẹp nhà cửa. Rồi tôi làm mối anh cho chị, một người Hà Nội gốc. Anh hơn chị 12 tuổi, đã từng có vợ và đã chia tay. Tôi chép miệng, thôi thì rổ rá cạp lại, mong sao hai người tìm hiểu và hợp nhau, có đến được với nhau sau này hạnh phúc là được. Gia đình tôi ai cũng phản đối cho hai anh chị đến với nhau, chị không ở Hà Nội với tôi nữa, chị trốn chạy anh nên chị trở về quê ở với mẹ. Anh vẫn không từ bỏ quyết tâm, con đường chinh phục gia đình tôi, anh vẫn từ Hà Nội lên tận Tuyên Quang thăm chị. Tôi ở Hà Nội lo làm ăn ít có dịp về quê thăm nhà. " Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén " chị có bầu với anh, tôi lo lắng thay cho chị, thế mà gia đình tôi vẫn không đồng ý chấp nhận anh. Đã đủ ngày đủ tháng chị sinh một bé trai thật kháu, không giống anh, cũng không giống chị. Mẹ gọi điện thoại tôi bỏ hết công việc để về thăm chị, thăm cháu, tôi thấy lòng vui và rạo rực, khó tả. Nhìn đứa trẻ đang nằm ngủ trong tay chị thật đáng yêu, mẹ nói tôi đặt tên cho cháu, tôi liền đặt tên Kiên, anh họ Đỗ nên tôi đặt là Đỗ Trung Kiên, nhưng mẹ tôi đã sửa là Đỗ Minh Kiên, vì theo mẹ Minh là sáng, mẹ muốn trước cái tên nó phải được soi sáng, để có những sự khởi đầu, sẽ thông minh.Anh cũng về, vừa về đến nhà mọi người hỏi anh muốn đặt tên cho con là gì, anh nói ngay, đặt tên là Kiên đi, cả nhà ồ lên ngạc nhiên, mẹ nói với anh, dì nó cũng vừa đặt cái tên ấy rồi đấy... Sao anh lại có ý nghĩ giống tôi đến thế, mãi sau này đây tôi mới nhận ra là tôi và anh rể rất hợp nhau về nhiều mặt, sở thích, tiếng nói... Khi chị sinh đứa con đầu lòng với anh, cả nhà tôi và anh dường như khoảng cách đã gần nhau hơn mọi người không cấm cản việc anh chị đến với nhau nữa. Thấy anh hiền lành và cũng biết cách ăn nói, biết ứng xử nhân thế nên mọi người cũng gật theo chị cho qua. Đùng một cái anh trở thành anh rể tôi chỉ với vài mâm cơm ra mắt họ hàng, và thắp nén hương cho tổ tiên. Chị về Hà Nội ở với anh cùng với một đứa con riêng của anh với người vợ trước, được 8 tuổi .... .... Anh rể tôi rất dễ hòa đồng với mọi người trong gia đình, thương yêu và quý trọng mọi người bên nhà vợ, và nhất là tôi, anh rất thương tôi, anh nói với tôi: _- Dì có đôi mắt buồn thật,chị tôi cũng thêm vào:- Ừ lúc nào cũng thấy em cười mà đôi mắt lại buồn như muốn khóc.Những lúc đó tôi chỉ cười thôi vì ngoài cười ra tôi cũng không biết phải làm gì. .... Có những ngày mưa anh ở nhà cả ngày buồn anh lại đi đánh bài, chị biết nhưng không khuyên được anh. Chị bảo tôi đi kiếm anh về ăn cơm, tôi thường bao che cho anh, nhiều lúc nhìn thấy anh ngồi đánh bài tôi lại nói với chị là không có anh ở đấy đâu, tôi thường ủng hộ anh, rồi nhiều chuyện xảy ra trong cuộc sống bấp bênh ấy, anh chị thường xuyên cãi cọ lẫn nhau, chị không cho anh đi làm thêm vào ban đêm nữa, nhưng anh nói anh muốn đi vì buổi tối ở nhà không biết làm gì cũng buồn, rồi chị cũng đồng ý nhưng với một điều kiện rằng anh phải về nhà trước 11 giờ đêm, anh đồng ý. Nhưng thỉnh thoảng anh cũng phá luật đi về muộn hơn, thế là anh chị lại lùng bùng, lại cãi nhau, lời qua tiếng lại, mỗi lúc như thế chị lại sang phòng ngủ với tôi, làm anh chị lại càng xích mích với nhau nhiều hơn. Anh trai tôi khuyên tôi nên dọn ra ngoài ở. Tôi tất tả đi tìm nhà trọ để thuê, thời gian này tôi cũng một tuần chỉ đi làm ba buổi còn lại ở nhà chơi suốt .... .... Nhiều lúc thấy chị để cửa thức đợi anh về tôi lại thấy chạnh lòng xót xa thương chị quá cả đời sao cứ lận đận, hai đời chồng mà vẫn không như ý, vẫn khổ... Cuộc sống gia đình làm chị một người phụ nữ cam chịu hiền lành bỗng trở nên cứng cáp, rắn giỏi và ghê gớm hơn trước, hay cáu gắt với chồng, anh chị cũng cãi nhau thường xuyên hơn. Tôi đã tìm được nhà trọ và dọn ra ngoài ở, tiễn tôi đi chị chỉ im lặng, nét buồn phảng phất. Thỉnh thoảng cuối tuần tôi vẫn về thăm chị và nhóc Kiên, thường ngày nhiều khi nhớ nhóc Kiên quá tôi vẫn đến nhà trẻ để thăm nhóc một lúc. Mọi chuyện trong cuộc sống tưởng như yên bình nhưng không ( Nếu cuộc sống này cứ trở nên bình lặng êm đềm thì liệu cuộc sống còn có ý nghĩa gì nữa ) Một hôm tôi vừa thức giấc sau một giấc ngủ muộn, tôi nhận được điện thoại của chị, nói sang ngay, tôi tất tả chạy xe đến chỗ chị, chị đã chuẩn bị một ít đồ. Hỏi ra mới hay là anh rể thường đi đêm về hôm, có hôm đi đến sáng mới về chị khuyên bảo mãi cũng không được. Anh hứa nhiều rồi lại quên thế rồi ở đời nói rồi chẳng sai (tức nước vỡ bờ ) Chị không thể cam chịu, chịu đựng nổi anh nữa, anh chị thường cự cãi lẫn nhau ( một giọt nước làm tràn ly ) Thế là chị đòi về nhà mẹ ở, chị nói: - Dì giúp chị ôm cháu và mang ít đồ về nhà còn chị đi xe gắn máy.Tôi đồng ý ngay, không một chút phân vân. Tôi ôm nhóc Kiên về nhà giúp chị ngay trong sáng hôm đó, bằng xe ô tô khách. Về nhà mẹ tôi là người rất tâm lý, mẹ hiểu, thông cảm cho chị, nên chị ở cùng mẹ. Mẹ và anh tôi làm cho chị một căn nhà nhỏ, chị mở một đại lý bán đồ lặt vặt, cuộc sống qua ngày. Anh rể thường xuyên lên thăm chị. Thời gian trôi, tôi vẫn ở Hà Nội làm việc .... ... ( Mưa dầm thấm lâu ) Cuối cùng anh cũng thuyết phục được chị trở về lại Hà Nội ở với anh, thế là một lần nữa chị trở về nhà anh sống. Anh ngoan hơn, tôn trọng vợ và chịu khó làm ăn, anh chị vay tiền làm ăn, trồng hai vườn quất, nhóc Kiên đã lớn, đã biết nói chuyện rất nhiều, hát cho tôi nghe, biết tô, biết vẽ nghịch trên giấy. Rồi đến một ngày tôi xa nhà, tôi đồng ý một chuyến phiêu lưu tới một vùng trời khác để sống, một phương trời Tây, không có tiếng nói và ngôn từ trung, không có chị, không có anh rể và nhóc Kiên, không người thân, bạn bè,... thật xa lạ. Trước khi tôi ra sân bay tôi có ghé thăm chị, nỗi lo toan, những áp lực cuộc sống gia đình hằn rõ trên khuôn mặt chị, nét khắc khổ, cam chịu, nhưng khuôn mặt vẫn phảng phất một nét đẹp trời ban, nụ cười chị vẫn khiến tôi an tâm, vẫn làm bao người say đắm... Tôi đi xa thỉnh thoảng tôi vẫn gọi điện về cho mẹ, cho chị. Tôi đi mấy năm, nhóc Kiên giờ đã lớn, đã biết huyên thuyên qua điện thoại với tôi, đã biết vòi vĩnh tôi mua cái này, cái nọ. Chị cũng sinh thêm một đứa nhỏ nữa cũng là con trai. Nhóc Kiên rất thích và thương yêu em. Hiện tại nhóc Kiên đã là một cậu bé học lớp hai. Suốt thời gian khi tôi đi xa nụ cười của chị vẫn theo tôi, giúp tôi tự tin, tôi luôn nghĩ đến nụ cười ấy và tự thấy hài lòng cuộc sống của mình, nụ cười an ủi tôi những năm tháng tha phương xứ người lạnh lẽo trở nên ấm áp.Tôi làm quản lý cho một công ty thời trang và kiêm thiết kế mẫu, cuộc sống độc thân làm tôi cảm thấy cô đơn và hiu quạnh vô cùng nơi xứ người, tôi vẫn thường xuyên gọi điện thoại về nhà. Bữa nay tôi nhận được điện thoại của anh trai, khi nghe diện thoại, tôi chết đứng người, khi nghe tin anh rể tôi mất do một tai nạn đêm qua, tai tôi ù đi, chân dường như không còn đứng vững nữa, nước mắt chạy dài trên hai gò má lạnh xuống cổ, Tôi gọi điện thoại về nhà thật nhiều, nói chuyện thật lâu, tôi khóc lặng, mấy ngày liền tôi chỉ có khóc, khóc không có một lý do nào khác là thương chị, thương hai đứa nhỏ, đứa thứ hai mới được hơn một tuổi. Mấy ngày từ khi anh rể mất, tôi chỉ gọi điện về cho mẹ và anh trai để hỏi về tâm trạng của chị, mẹ nói chị khóc ngất lên, ngất xuống, còn nhóc Kiên cứ ôm lấy đầu quan tài bố gào khóc thật to. Tôi hình dung ra cảnh chị tôi khóc, nhóc Kiên gào mà không sao kìm được nước mắt, và niềm xót xa. Gia đình tôi nghĩ rằng sau khi anh rể mất thể nào họ ( người nhà bên chồng của chị tôi ) Cũng đuổi chị ra khỏi nhà ..... .... Sau một tuần anh rể mất tôi gọi điện thoại về cho chị, khác với những lo lắng của tôi là một giọng nói thật chững chạc, không run, rất bình tĩnh. Hình như chị không lộ vẻ buồn cho tôi thấy, chị cười qua điện thoại với tôi, tôi hỏi chị có buồn không? chị nói: Chuyện gì đến nó đã đến rồi em ạ, ta có muốn tránh nó cũng không được, chị không sao, không có gì đâu em đừng lo...- sao con vẫn khóc? Nó trả lời tôi trong tiếng nấc, bố không về nữa nên con khóc. Bố sẽ không về với con nữa phải không dì? Tôi bỗng nghẹn lại sau lời nói của một đứa trẻ, mắt tôi nhoè đi, từng giọt lệ lăn dài, tôi nghẹn lại một lúc mới nói được, con đừng khóc nữa, con mà khóc mẹ sẽ khóc, sẽ buồn, con lớn rồi phải biết an ủi mẹ nhé., Nó dạ lý nhí trong cổ nhưng tôi cũng nghe thấy. Tôi thấy tiếng mẹ alô mẹ vẫn ở đấy cùng chị và cháu, mẹ dặn tôi vài điều, mẹ nói sau 49 ngày anh rể mẹ mới về, mẹ ở lại cùng chị cho chị đỡ buồn đỡ thấy trống vắng trong căn nhà rộng, thiếu tiếng nói và bóng dáng anh........ Sau 49 ngày anh rể, chị tôi vẫn ở lại trong căn nhà ấy, chị cho thằng thứ hai đi làm con nuôi của một gia đình họ hàng bên nhà chồng, vợ chồng gia đình ấy đã ngoài 40 tuổi mà vẫn không có con nên ngỏ ý muốn nuôi giúp một đứa, thế là chị cho đi, nói thật tâm tôi cho đến tận bây giờ tôi cũng không thể hiểu được lý do tại sao chị lại cho đứa thứ hai đi làm con nuôi, chắc chị phải có một lý do nào đó, mà tôi lại ngại không muốn hỏi chị, tôi vẫn thỉnh thoảng gọi điện thoại về cho chị vẫn nói chuyện với nhóc Kiên. Nhiều lúc đang huyên thuyên điện thoại với tôi thằng bé bỗng im lặng khi nghe tôi hỏi nó một câu : - Con có nhớ bố không? Con có đến thăm em cu không? Thấy thằng bé đang nói nhiều bỗng im lặng tôi hỏi: Kiên sao con không nói gì? Nó lí nhí nói gì đó tôi không nghe rõ, hình như nó đang khóc, và thấy chị tôi cầm điện thoại trở lại... Thời gian lại trôi, tối nay tôi gọi điện thoại về máy điện thoại di động của chị tắt máy, tôi lo lắng liền gọi về máy điện thoại bàn, chị không nhấc máy mà thay vào là nhóc Kiên alô, nó chào tôi rồi im lặng chờ đợi tôi nói. Tôi hỏi nhóc Kiên mẹ đâu con? Nó trả lờ mẹ ở bên bà nội, tôi hỏi nó: Con không sang bà nội cùng mẹ à? Nó cười tiếng cười vọng qua điện thoại nói với tôi, con phải học bài, dì quên à? Tôi chỉ ừ! dì quên mất. - Dì ơi! Con được điểm 10 dì mua màu vẽ cho con dì nhé, con muốn học vẽ để vẽ được đẹp như dì vẽ _ Ừ, để dì mua và gửi về cho con. Đang cười nói bỗng nó im lặng một lúc rồi nói nhỏ qua điện thoại, nói nhỏ như chỉ đủ một mình tôi nghe thấy : Dì ơi! Đêm nào mẹ cũng khóc, nhiều lúc thấy mẹ thức, con hỏi mẹ: Sao mẹ không vào ngủ với con? Mẹ bảo: mẹ đợi bố về, rồi nó nói lớn hơn một chút ( Bố con sẽ về phải không dì? ) Tôi giật mình sau câu hỏi của nó, một câu hỏi thật khó trả lời, nhất là của một đứa trẻ 7 tuổi. Tôi im lặng chìm vào suy nghĩ miên man và chợt tỉnh khi nghe đầu dây bên kia tiếng nhóc Kiên nói: Dì đâu rồi sao không nói với con nữa? Tôi ấp úng rồi lấy lại bình tĩnh giữ cho giọng nói không bị run ( Tôi đành lẫn tránh hay nói đúng hơn là trốn chạy câu hỏi trẻ thơ ấy, tôi nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ tôi có thể trả lời được.) Tôi nói nhanh, con học bài tiếp đi nhé, dì đang bận lúc khác dì gọi về, thằng bé dạ, chào tôi rồi cúp máy. ...... .... Nhóc Kiên cúp máy rồi, tôi nghĩ về chị, thì ra chị vẫn khóc, đêm đêm vẫn chờ anh trở về, vẫn đợi cửa như những ngày anh còn sống và đi làm đêm. Tôi thấy mơ hồ ái ngại, lo lắng cho chị, có lẽ chị vẫn chưa thể nào chấp nhận sự ra đi của anh, sao chị lại trở nên ảo như vậy. Đúng là ( hồng nhan bạc phận ) Cho đến bao giờ niềm đau trong chị mới nguôi ngoai, đến bao giờ cảm giác ảo đợi anh về hàng đêm mới tan biến... Tôi nằm úp mặt xuống nệm khóc. Giá như tôi đang ở bên chị lúc này, ước gì tôi có thể chạy ào về nhà lúc này để có thể nhìn thẳng vào nỗi đau và sự mất mát to lớn của chị, để hiễu chị hơn, nhưng tôi không thể, ngàn vạn lần không thể, tôi thương chị và nhóc Kiên quá, có lẽ chị đã khóc khô rồi những giọt lệ chạy dài trong đêm. Đợi đến một năm ngày giỗ đầu anh tôi sẽ về Trong tiềm thức nụ cười của chị giờ đã tan biến thay vào cảm giác và khuôn mặt chị với ánh mắt buồn đau và những giọt lệ khóc cho anh, chồng chị anh rể tôi, mãi khóc và suy nghĩ miên man tôi chìm vào giấc ngủ từ khi nào. Trong giấc ngủ tôi vẫn mơ màng tiếng nói của chị, khuôn mặt chị cứ ẩn hiện trong tôi cùng với những niềm đau Trong giấc mơ tôi vẫn còn vang đâu đó lời của một đứa trẻ thơ hỏi tôi: ( Bố con sẽ về phải không dì? ) , Nghĩ đến tiếng cười trong trẻo trẻ thơ của cháu tôi, vậy mà dòng đời nỡ cướp đi tiếng cười trong trẻo ấy. Chị ơi! Chị đừng buồn chị nhé, mọi nỗi đau rồi cũng sẽ qua đi, sẽ không còn gì là tồn tại vĩnh hằng, vĩnh cửu. Em thương chị rất nhiều. ( Nếu cái gì cũng trở nên tốt đẹp, dễ dàng, suôn sẻ... thì cuộc sống sẽ không còn là cuộc sống.) ( HẾT )Phong Linh° Những bạn đọc thâm mến! Tôi cam đoan với các bạn rằng câu chuyện trên đây là có thật, có thật về một người phụ nữ, đó là chị gái tôi. TB: ° Tôi đang có một điều mà không biết làm thế nào có thể giải tỏa được. Tôi mong ai đó " vô tình " ghé qua và đọc hết câu chuyện ( Chị tôi ) Hãy giúp tôi trả lời câu hỏi của một đứa trẻ 7 tuổi ( Bố con sẽ về phải không gì? ) Nếu là bạn, bạn sẽ trả lời thế nào với câu hỏi ấy, hay cách tốt nhất là không nói gì,hoặc lẫn tránh ( im lặng )... Vì tôi sợ một ngày nào đó câu hỏi ấy nó sẽ lập lại với tôi. Biết đâu đấy nhóc Kiên sẽ hỏi tôi một ngày nào đó nữa câu hỏi ấy khi tôi gọi điện thoại về nhà nói chuyện với nó ( Ai dám chắc là nó sẽ không hỏi tôi nữa ) Đối với tôi thật khó có thể trả lời phải không các bạn? Có lẽ các bạn là người ngoài cuộc, ở bên lề, có lẽ sẽ giúp được tôi trong câu hỏi ấy. ° Cám ơn tất cả những ai đã ghé qua trang ( Truyện viết đầu tay ) của tôi và đọc những gì mà tôi đã viết. Thân mến Phong Linh 27/11/2008