Một buổi chiều cuối thu, trời se lạnh. Tôi đang tranh thủ vá nốt mấy chỗ lưới rách trước khi trời tối, chợt trông thấy trong đám Chuồn chuồn bay lượn trên mặt ao có ai đó rất giống bà Chuồn ớt. Vẫn vóc hình đó bộ cánh đó và nhất là dáng bay. Cái dáng bay nhẹ nhàng, uyển chuyển nhưng rất tự tin, không lẫn vào đâu được Chỉ có điều bây giờ.trông bà hơi mập hơn trước. Nhưng bà đang làm gì thế kia nhỉ? Đang bay, thỉnh thoảng bà tách khỏi đoàn, sà xuống sát mặt nước, cong đuôi nhúng hẳn vào nước, rồi lại vội vã bay lên nhập vào đoàn. Ban đầu tôi nghĩ chắc bà vướng phái cái gì khó chịu nên cần rửa ráy. Nhưng không phải, vì động tác được lặp đi lặp lại nhiều lần. Tò mò, tôi đem điều thắc mắc hỏi anh Nhện nước. Anh cười ngất: - ồ! Chú mày ngây thơ quá! Bà ấy đang gia tăng dân số đấy. - Thế nghĩa là thế nào? - Có vậy mà cũng không hiểu. Bà ấy đang đẻ đấy Cái hồ này là nhà hộ sinh của tất cả các bà. - Thế nhưng mà hồ đầy nước thế này thì chuồn con làm sao mà bay? Nó không bị chết ngạt à?- Không đời nào. Con cái các bà đâu có giống các bà. Các bà xinh đẹp thế mà con cái thì lại xấu hoắc, chẳng có cánh mỏng, chẳng có đuôi dài, màu sắc thì nhợt nhạt. Nhưng chúng có thể bơi lội trong nước thoải mái, ăn uống dủ thứ, để rồi đến một ngày nào đó khi đã đủ lớn chúng sẽ leo lên một cành cây ngọn cỏ nào đó ở ven hồ, trút bỏ bộ cánh xấu xí đi. Và thế là, cứ như trong chuyện cổ tích, từ trong cái vỏ già nua cũ kĩ kia sẽ bước ra những nàng tiên Chuồn ớt đẹp mê hồn, làm say đắm biết bao anh hùng hào kiệt.- Ôi! Anh nói hay quá anh Nhện nước ạ! Nhưng anh có thể làm ơn gọi giúp hộ tôi bà Chuồn ớt được không?- Được thôi! Nhưng để làm gì? Hay là chú mày lại định đóng vai hiệp sĩ, nhận trông nom săn sóc cho đàn con tương lai của bà chăng? - Không đâu! Về chuyện đó tôi đâu dám qua mặt anh. Anh cứ gọi giùm tôi một tiếng. Không nói gì, anh nhún mình lướt đi, chỉ một loáng sau dã tới chỗ bà Chuồn ớt. Tôi không nghe rõ họ trao đổi gì với nhau, chỉ thấy bà Chuồn ớt ngước nhìn về phía tôi gật gật, sau đó đôi cánh mỏng hơi khẽ rung. Bà nhẹ nhàng đậu xuống chiếc lá tre sát cạnh tổ tôi, thoảng như một hơi gió. Anh em tôi đón tiếp vị ân nhân như một thượng khách, nhưng bà từ chối không ăn uống gì, viện cớ còn phải kiêng cữ. Chuyện vãn hồi lâu, bà tỏ ý mừng cho anh em tôi và khuyên chúng tôi nên đi học để mở mang đầu óc. Bà cho biết ở khu rừng bên cạnh có cụ Ve sầu, hè nào cụ cũng mở lớp mà học trò vẫn đông như kiến cỏ. Người ta ngưỡng mộ cụ chẳng những về sự uyên thâm của kiến thức mà còn cả về sự trong sáng của đạo đức nữa. Đã bao lần Nhà Vua mời cụ giữ những chức vụ quan trọng nhưng cụ đều khước từ, chấp nhận cuộc sống thanh bạch để được làm một nghề có ích cho đời... "Không học thì không thành người được đâu các cháu ạ!". Đó là lời khuyên cuối cùng của' bà Chuồn ớt trước khi từ giã chúng tôi. Ngẫm nghĩ lại, ạnh em tôi thấy bà nói có lí. Cuộc sống sẽ vô nghĩa biết chừng nào nếu suốt ngày chỉ có ăn, ngủ và tán chuyện tào lao. Chúng tôi thật sự ngỡ ngàng khi nghe bà Chuồn ớt nói về văn học nghệ thuật, âm nhạc, mĩ thuật... Bà phân tích tính chất bay bổng trong thơ ca, tính chất trữ tình trong các làn điệu quan họ... Tôi càng nghe càng thấy mình ngu dốt, tối tăm. Ngu dốt, tối tăm đến mức thảm hại. Phải đi học thôi. Không thể nào khác được. Lâu nay tôi cứ nghĩ là mình đang sống một cuộc sống bình thường.. Bây giờ mới té ra là không phải vậy. Đó chỉ là sự tồn tại chứ không phải sống. Tôi phải thay đổi, phải làm lại, chậm còn hơn không. Để chuẩn bị cho việc đi học, anh em tôi phải lao động cật sức trong ba tháng trời. Chúng tôi phải căng lưới ở nhiều chỗ, thu gom và bảo quản con mồi kịp thời để làm lương thực dự trữ. Rồi lại còn phải nhờ người vận chuyển trước tới gần trường chứ anh em tôi làm sao mang hết Về chuyện này các chị Vành khuyên hết sức vô tư và nhiệt tình. Chiều nào trước khi về tổ các chị cũng ghé qua chỗ chúng tôi xem có cần mang gì là sẵn sàng chuyển hộ. Nhìn các chị ríu rít quàng vào cổ những chuỗi thức ăn của chúng tôi giống như người ta đeo chuỗi hạt, trông vui đáo để.Thắm thoắt rồi ngày tựu trường cũng tới. Chúng tôi phái cắt rừng đi tắt, tới trước hai ngày để còn thu xếp nơi ăn chốn ở. Địa điểm chúng tôi tá túc sát ngay cạnh trường, vậy mà buổi sáng khai giảng vẫn phải xếp hàng gần cuối. Rất nhiều đứa láu cá đến căng lều ngủ sát cổng trường, trời chưa sáng chúng đã sắp hàng đợi sẵn thì còn có ai đứng trước chúng được nữa. Lớp học là một gốc đa cổ thụ, cành lá sum suê. Nhìn bên ngoài cây vẫn xanh tốt bình thường, vậy mà trong ruột lại hoàn toàn rỗng. Cụ Ve sầu chọn chỗ này làm giảng đường thật là lí tưởng. Đang ở ngoài ồn ào là vậy mà bước qua cửa ngách vào trong là một không gian hoàn toàn tĩnh lặng, mát mẻ và trang nghiêm. Học trò chúng tôi gồm nhiều loài, từ nhiều phương trời hội tụ về đây. Hoàn cảnh, nếp sống khác nhau đã đành, ngay cả kiến thức cũng chênh nhau một trời một vực. ấy vậy mà tất cả cùng ngồi chung nhau trong một hội trường, cùng nghe một bài giảng. Điều kì lạ là mọi người đều hiểu, tuy nhiên nhận thức vấn đề thì ở nhiều mức độ khác nhau. Cụ Ve sầu thường bắt đầu bài giảng bằng một câu chuyện kể. Cuối chuyện, bao giờ cụ cũng nêu lên một vài câu hỏi để thầy trò cùng tranh luận, rồi từ đó rút ra ý nghĩa của vấn đề. Nội dung các câu chuyện thường đơn giản nhưng ý nghĩa thì bao giờ cũng sâu sắc. Tôi nhớ mãi câu chuyện "Con Hổ và đàn Hươu" mà Cụ đã kể cho chúng tôi nghe vào một sáng cuối Thu, trời đã bắt đầu se lạnh. ... "Trong khu rừng nọ có một đàn Hươu và một con Hổ cùng sống. Đàn Hươu quyến luyến khu rừng vì có nhiều lá non chồi biếc, hoa đẹp và suối trong. Con Hổ cũng không muốn rời khu rừng vì có đàn Hươu. Thỉnh thoảng chán thịt Cầy Cáo thì nó lại vồ một con Hươu làm bữa cái thiện. Những tưởng' đàn Hươu rồi sẽ lụi tàn hoặc phải chuyển nơi cư trú. Nhưng không, chúng vẫn bám trụ và vẫn tồn tại... Một ngày nọ, trong khu vực có thêm người gác rừng đến ở. Nhìn cánh đàn Hươu bị Hổ đuổi chạy tán loạn anh động lòng trắc ẩn, quyết tâm "diệt ác phò nguy". Cái bẫy của anh giương lên đến ngày thứ ba thì con Hổ bị dính. Nó giẫy giụa, gầm rú vang động cả khu rừng nhưng cuối cùng cũng đành thúc thủ... Từ ngày vắng bóng Hổ, Hươu Nai Cầy Cáo mặc sức tung hoành, phát triển. Số lượng các con trong đàn đông lên trông thấy. Chỉ có điều lạ là sau một thời gian phồn thịnh đã thấy lác đác xuất hiện trong đàn những con dị hình, dị tật như vẹo sừng, sứt môi, cụt móng... Và rồi vào một mùa hè oi bức, bệnh dịch tả đã gần như xóa sổ đàn Hươu! Người gác rừng vò đầu bứt tai cho rằng Trời không độ mình. Anh lẩm bẩm "Mưu sự tại Nhân, thành sự tại Thiên"... Kể đến đây Cụ đột ngột dừng lại và đặt câu hỏi: - Có đúng là tại Trời không các con? Mọi người ngẫm nghĩ nhưng chưa ai dám lên tiếng. Cụ chậm rãi tự giải đáp. - Không phải tại Trời đâu. Tại con Người không hiểu biết quy luật nên đã can thiệp không đúng chỗ đấy các con ạ! Con Hổ quả là có ăn thịt mất một số Hươu. Nhưng điểm lại những con Hươu bị bắt, nếu không dị tật thì cũng ốm yếu, chậm chạp nên mới không chạy thoát. Thành thử ra khi săn mồi, vô tình con Hổ đã giúp đàn Hươu loại bỏ những dạng hình bất lợi, những cơ thể ốm yếu vốn là nguồn gốc phát sinh bệnh tật ảnh hưởng tới sự tồn vong của loài, giúp cho đàn hươu khỏe mạnh, phát triển ổn định. Từ ngày thiếu sự sàng lọc, cộng đồng Hươu trở nên pha tạp, xấu xí và ốm yếu dần để rồi cuối cùng là kết cục bi thảm như vậy đấy các con ạ!Ngừng một lát, Cụ chậm rãi nói như để kết luận: - Thế mới biết trong cái Thiện vẫn ẩn chứa cái ác và ngược lại trong cái ác cũng có mặt Thiện. Lớp học chìm đi trong im lặng suy tư, ai cũng ngẫm nghĩ về cái lẽ Thiện, ác ở đời và tự phán xét mình. Cũng có hôm Cụ dùng chuyện cổ tích hoặc thần thoại để giáo dục. Cụ kể: - Ngày xửa ngày xưa, trên đỉnh cao nhất của ngọn Ba Vì có một ngôi đền thiêng. Trong đền có hai buồng đặc biệt chứa hai cái gương. Một gương soi vào cho người ta thấy toàn bộ quá khứ từ lúc lọt lòng cho tới khi trưởng thành. Gương còn lại hiện lên toàn bộ tương lai từ vợ chồng con cái tới công danh sự nghiệp, rồi cả tuổi già và lúc lâm chung nữa. Khách hành hương đến ngôi đền suốt ngày đêm, đông như trẩy hội. Có điều lạ là hầu như ai cũng chỉ bận tâm tới tương lai, chẳng ai thèm ngó ngàng tới quá khứ. Họ chỉ cần biết ngày mai ta sẽ làm gì? Sẽ sống ra sao? Còn hoàn toàn không lưu ý tới chuyện ta là ai? ta từ đâu tới? Nhiều người tới đây với bộ mặt ủ ê sầu não nhưng khi ra về lại tràn đầy hi vọng lạc quan. Họ đã nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Một chị bị bệnh phong, thân hình tiều tụy, bàn tay rụng ngón, bế theo một đứa con còi cọc trôi dạt trong dòng người... Phải vất vả lắm chị mới len được tới trước chiếc gương tương lai. Nhìn vào, chị sững người, không còn tin ở mắt mình nữa. Trong gương là một người đàn bà sang trọng, rất giống chị nhưng tóc đã điểm bạc, hồng hào khỏe mạnh, bàn tay cụt ngón đã được gắn các ngón giả cử động theo ý muốn, đang kí. hợp đồng bán các sản phẩm chăn nuôi gia đình loại đặc biệt như Rùa, Cá sấu, Kì đà... Mỗi bản hợp đồng giá trị hàng chục ngàn đôla. Phía sau là thằng con chị, một thanh niên cao lớn, khôi ngô, trên ngực gắn chiếc phù hiệu màu xanh của sinh viên trường Y. Ôi! Thượng đế lại ưu ái chị đến thế kia ư? Nghĩ về những ngày qua, nếu không vì đứa con thì chị đã tự tứ Nghèo đói, bệnh tật, chị còn chịu đựng được, nhưng đến sự ruồng rẫy, phụ bạc, sự quay lưng lại của những người thân thì đau đớn quá! Vậy mà nay, hạnh phúc đang lồ lộ trong tấm gương kia, bảo chị không sung sướng sao được. Chị bước ra ngây ngất, nét mặt rạng rỡ, quyết tâm lao động để đổi đời... Người tiếp theo là một cô ca sĩ đang nổi danh tài sắc Cô xỉu ngay khi vừa nhìn vào gương vì thấy một bà già xấu xí, ngơ ngác như một bệnh nhân tâm thần, đang ngồi một mình trên chiếc ghế đá trong nhà nuôi người già và tàn tật. Mọi người vừa khiêng cô ca sĩ ra thì đã thấy một ông bụng phệ khệnh khạng từ một chiếc ô tộ đời mới đi vào. Trong gương lập tức hiện lên một người đầu cạo trọc lốc, mặc áo số tù, đứng sau song sắt. Ông bụng phệ tái mặt, mồ hôi ướt đầm lưng áo, loạng choạng đứng vịn vào cột, phải mấy phút sau mới trấn tĩnh được. Ông lặng lẽ lần theo cửa ngách ra phía sau đền. ở đó có một cái giếng sâu lắm... Vị sư trụ trì hình như đã biết trước, đứng chặn đường. - Mô Phật! Nợ trần gian còn dài! Xin thí chủ vui lòng quay lại. - Bạch Cụ! Thực sự bây giờ tôi chỉ muốn chết! - Mô Phật! Sự đời có nhân ắt có quả, không dễ trốn tránh. Nhưng bần tăng thiết nghĩ, nghiệp chướng dù nặng đến bao nhiêu vẫn có thể chiết giảm nếu sớm biết hồi tâm hướng thiện. Bần tăng khuyên thí chủ hãy tĩnh tâm nhìn lại quá khứ để suy gẫm thêm. Như một người mất hồn, ông bụng phệ lê bước tới trước chiếc gương quá khứ. Thắp nén nhang thứ nhất, trong gương hiện lên thời ấu thơ của ông. Bà mẹ ông sau bữa cơm khoai sắn đang cố vắt kiệt dòng sữa hiếm hoi của mình để nuôi sống ông. Bên ngọn đèn khuya leo lét, mẹ vừa quạt vừa canh giấc ngủ cho ông... Thắp nén nhang thứ hai, những hình ảnh ấu thơ mờ đi và thay vào đó là thời niên thiếu. Ông thấy mình hớn hở trong bộ quần áo mới, cắp sách đến trường, phía xa xa là bà mẹ đang còng lưng mò cua bắt ốc... Thắp nén nhang cuối cùng, toàn bộ cuốn phim đời của tuổi trưởng thành hiện lên quá sống động khiến ông sợ hãi, nhắm mắt. Tuy không nhìn mà hình ảnh vân cứ rõ mồn một trong óc ông. Từ cảnh kí những hợp đồng ma, cuội tới cảnh ăn chơi trác táng, rồi ô tô, nhà lầu... Nhưng đáng lưu ý hơn cả là hình ảnh một túp lều lợp tôn nằm khuất sau ngôi nhà sang trọng. Trong lều, một bà cụ lưng còng, gầy guộc đang ngồi đuổi Kiến trong bát cơm thừa từ ngày hôm trước... Nhà sư dã lặng lẽ đến sau ông tự lúc nào. - Thưa thí chủ! Xin ngài hãy vui lòng nhìn thẳng vào sự thật. So với cảnh sống trong tù về cuối đời ngài thì cánh sống của bà cụ trong túp lều này còn cay đắng nghiệt ngã hờn gấp mấy ngàn lần. Song sắt nhà tù nhằm ngăn chặn, cách li ngài với những hành vi sai quấy do ngài gây ra. Đó là lẽ công bằng của luật pháp. Còn bà cụ! Sao ngài nỡ "đền ơn đáp nghĩa" với cụ như vậy? Cuộc đời cụ, nếu có tội thì chỉ là tội đã trót sinh thành, dưỡng dục và cưu mang ngài mà thôi!... Ông bụng phệ, nét mặt hối hận, đau khổ đến tột độ, quỳ xuống lạy bà cụ trong gương ba lạy rồi giật lùi quay ra. Kể tới đây Cụ Ve sầu ngừng lời giây lát rồi hạ một câu có tính khái quát, nửa như hỏi, nửa như nhắc nhở răn đời. - Tuổi trẻ bây giờ sao mà chóng quên ơn bố mẹ quá!? Chúng tôi lặng đi mất mấy phút... Buổi học kết thúc, ai nấy ra về, lòng nặng trĩu ưu tư. Đêm đó tôi bàn với thằng út tới cuối khóa học phải về thăm mẹ, nó hoàn toàn tán thành. Cũng nhờ lớp học là người tứ phương hội tụ về nên tôi hỏi thăm được gần đầy đủ tin tức về các thành viên trong gia đình tôi. Mẹ tôi, từ ngày chúng tôi ra đi, vẫn âm thầm một mình trong căn nhà cũ. Bà không ốm đau gì nhưng già đi nhiều lắm. Các anh em tôi tản mát mỗi người một phương, nghe nói cũng làm ăn khá giả, nhưng không hiểu vì xa xôi cách trở hay vì vô tâm vô tính mà chẳng thấy giúp đỡ gì cho mẹ tôi cả. Tôi nóng ruột và rất mong tới ngày được về thăm mẹ. Thời gian cuối của khóa học, Cụ Ve sầu không giảng thêm bài mới mà để cho học sinh nêu thắc mắc rồi giải đáp. Chị Ong ruồi cứ băn khoăn mãi là tại sao muôn loài lại phải tàn sát lẫn nhau mới tồn tại được. Có cách gì không cần đụng chạm tới nhau mà vẫn phát triển được không? Cụ Ve sầu chậm rãi giải thích. - Tạo hóa sinh ra muôn loài, có sống và có chết, không loài nào có thể trường sinh bất tử được. Sống và chết là hai mặt trái ngược nhau nhưng liên quan mật thiết với nhau. Cái chết nuôi dưỡng sự sống và trong sự sống cũng đã chứa mầm mống của cái chết. Trong tự nhiên, muôn loài đều phải đổi cái sống của mình bằng cái chết của các sinh vật khác, để rồi đến lượt nó, một lúc nào đó, cũng sẽ phân rã làm mồi nuôi sống cho những vật thể có khi nhỏ bé hơn nó hàng triệu lần... Đó là quy luật tuần hoàn của vật chất, con muốn tránh cũng không được. Ngay như bản thân con cũng tưởng mình chỉ ăn mật hoa và không làm hại ai cả. Nhưng thử hỏi, con xây tổ bằng gì? - Bằng phấn hoa. Đó chính là mầm sống đấy con ạ! Chỉ có điều con chẳng cần phải bận tâm về cái mầm sống ấy làm gì. Nó cần thiết cho sự phát triển bầy đàn của con, cứ yên tâm mà làm! Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Lời giảng của Cụ đã giúp mọi người xóa đi những mặc cảm tội lỗi mà ít nhiều ai cũng vướng phải trong đời thường. Anh Cua đá từ trong một hốc đá rụt rè nêu thắc mắc: - Thưa thầy! Không hiểu vì sao mà mấy năm gần đây thời tiết bỗng trở nên khắc nghiệt, bão lũ triền miên, khiến cho đời sống chúng con nhiều phen điêu đứng. Không cần đắn đo, Cụ Ve sầu trả lời ngay: - Đó là cái giá mà con Người đang phải trả cho những hành động kém hiểu biết của họ. Họ cho rằng họ đang cải tạo tự nhiên mà không biết rằng như vậy là đang tàn phá tự nhiên. Khi họ điều hòa khí hậu cho những căn phòng cũng chính là lúc họ đang hủy hoại khí hậu của cả hành tinh. Chúng ta chỉ là nạn nhân thôi các con ạ? Biết làm sao được khi mà họ chưa tự mình tỉnh ra! Biết làm sao được... Cụ lắc đầu, thở dài, vẻ thất vọng! ......Khóa học kết thúc vào một ngày cuối Đông, gió lạnh tê người và mưa phùn rả rích, lác đác đó đây đã thấy có vài gian hàng Tết đơn sơ. Sau buổi liên hoan chia tay đầy lưu luyến, chúng tôi vào chào tạm biệt Thầy và khăn gói lên đường. Tôi và thằng út không trở về xóm Ao Tre mà nhằm hướng quê nhà cất bước. Nghĩ đến nỗi vui mừng khi được gặp mẹ chúng tôi quên cả dường dài mệt mỏi.