-Khách chơi  vừa ngồi yên chỗ, tay kép đã so dây đàn: tằng tằng, tằng tằng, tằng tằng, tức là có ý hỏi nắn gân: “thằng nào? thằng nào? thằng nào?”. Tức thì mình vớ ngay lấy cái trống chầu, loại trống con để cho khách cầm chầu ấy mà, vung dùi nện luôn ba tiếng: tom, tom, tom, ý là đáp lời: “tao! tao! tao!”.
Ông Thà tợp ngụm rượu, đặt chén xuống chiếu, xoa cầm cười khà. Ấy là lúc rượu vào ông đã đủ. Ít khi ông bét nhè. Theo tôi biết thì chỉ duy nhất một lần ông bị “cho vào xiếc” sao đó nên quá chén đến rò rỉ ra quần. Hôm sau, truyền trong đoàn bài thơ nói là ông tự trào, nhưng có thể là của mấy tướng đầu têu “làm hộ” ông: 
“Xưa nay ruợu thánh men thần
“Đố ai bĩnh được ra quần như ta!
“Cứ cười cho hở răng ra
“Có say tới số mới là biết uông (uống)”
 
Lúc này ông đang kể chuyện ngày trước bọn ông đi hát ả đào.
-Đi hát ả đào là như đi hát karaôkê ôm bây giờ, phải không ạ? -Cậu lém nhất bọn hỏi- Cũng là một kiểu “tươi mát” chứ gì?
-Không phải. –Ông Thà lim dim mắt đáp- Đi hát ả đào, ngưòi ta hay gọi một cách khinh thị là “đi chơi cô đầu”, đúng ra là đi thưởng thức hát ca trù, về sau biến tướng đi với nhiều tay chơi tân học nhập nhằng cô đầu hát với cô đầu rượu, nhưng chưa đến mức như bây giờ. Có đâu mượn cớ hát hổng để ôm, sờ, bậy bạ. Cứ xì tiền ra rồi “nhăng cuội”, đâu phải thưởng thức hay giải trí. Đến nhà cô đầu không phải cứ ăn mặc sang, chi tiền hậu là được trọng vọng đâu. Phải là tay sành biết thẩm lời ca, điệu ca, giọng ca bằng tiếng trống cầm chầu; nó thể hiện trình độ am hiểu, trình độ thưởng thức của anh. Anh chẳng hiểu gì cứ nện trống bừa thì ngoài mặt họ vẫn thưa gửi mà trong bụng thì “coi khinh vài mươi phút”. Không chỉ trong bụng, nhiều khi lộ ra ở ánh mắt, khóe môi, cả ở câu hát của đào, tiếng đàn của kép, có khi là miếng phủ đầu trộ khách.
Ông Thà không nói ra, nhưng bọn chúng tôi hiểu ngầm rằng xưa ông từng là tay phong lưu sành điệu.. Xưa, phải rồi, hồi chưa Cách mạng. Còn nay, tức là sau này, khi ông là thành viên đoàn nghệ thuật tổng hợp thành phố, thì những gì người ta được biết về ông có khác.
Ông là nghệ nhân đa tài, cổ nhạc, tân nhạc đều rành, cả hát, cả múa. Lương ông xấp xỉ lương trưởng đoàn; ông có phiếu mua cung cấp để bồi dưỡng nghề nghiệp hàng tháng 6 hộp sữa, 4 kg đường, 5 kg thịt, một lít nước mắm,... xấp xỉ tiêu chuẩn tem phiếu đãi ngộ chủ tịch thành phố. Thời “bao cấp” mà được vậy thì đàng hoàng quá. Mà nom ông đàng hoàng thật. Mỗi lần lên sân khấu  hoặc đi giảng cho bọn đàn em hay cho lớp nhạc tư gia, ông đều lên “com-lê”, xoàng ra cũng sơ mi cổ cứng về mùa nực, đeo ca-vát hoặc nơ, đi giày da. Song, ông sống lại xuê xoa Một lần, lĩnh lương tháng xong, tôi và đứa bạn ra chợ mua chút gì về cùng nhau nấu nướng “cải thiện” bữa ăn cho tươi một chút sau nửa tháng ròng xài cơm “bếp tập thể” đã thấy ông đánh bộ cánh của dân đánh xe bò chừng một tháng chưa giặt đang ung dung trong quán thịt cầy. Ông vẫy chúng tôi lại, sốt sắng kéo ghế cho chúng tôi và gọi thêm chén uống rượu, thêm đũa, thêm bát. Thời bấy giờ, con gái ăn quà chợ chẳng còn là chuyện khó coi., kể cả đánh rượu- thit chó. Tuy nhiên, chúng tôi cố từ chối. Chúng tôi vừa đi thì một anh cùng cơ quan lảng vảng đến. Ông Thà vẫy anh ta, và anh ta chẳng hề khách khí sà ngay vào khi lời mời chưa nói hết. Sau này tôi mới biết: đã thành lệ, hễ có tiền rủng rỉnh trong túi là ông Thà đến “thăm” các quán nhậu và hễ gặp ai quen là kéo vào.[font=.vntime] Ẩm thực phải có bạn mới thú, ông bảo vậy. Một số kẻ biết thóp cung cách ấy của ông thường “tình cờ” đi qua nơi ông đang nghiền ngẫm mấy món, hoặc lòng lợn tiết canh, hoặc bê thui, chim rán, vân vân... Cần phải công bằng với ông: ông chẳng sa đà. Lần ấy, đoàn đi phục vụ một địa phương được người ta mổ bò thết. Nửa đêm, cả đoàn, chẳng chừa đoàn trưởng, ôm bụng xếp hàng trước buồng vệ sinh chung của nhà khách (thành quả của quan điểm xây dựng một thời!), trừ ông Thà. Đánh chén, với ông, là sự khoái hơn là đẫy bụng. cái  khoái ấy làm hại ông, cái tính hào phóng dở hơi(!) làm hại ông thêm. Lương ông chỉ mươi ngày nhẵn. Tiền ông dạy ngoài cũng khá nhưng cũng sớm rời bỏ ông. Ông bán “non” các phiếu bồi dưỡng sữa, đường, thịt (còn thiếu nước bán sổ gạo!). Đến bộ cánh phát riêng cho nghệ nhân biểu diễn cũng bán nốt. Người ta bảo ông chỉ có mỗi “nhất bộ nhất bái(!)”để trưng thôi. Sơ mi cũng chỉ có mỗi cái là tươm. Người tinh ý nhìn quần áo ông có thể đoán “tuổi” của chúng. Phải công nhận ông thu xếp việc mặc cũng tài, chẳng thành vấn đề nhiêu khê như lũ chúng tôi.. Điều này kích thích óc tò mò chẳng bao giờ vơi của chúng tôi, bọn con gái ngự phòng tập thể, sung sức mà thì giờ rỗi thì nhiều. Đứa bạn tôi kể: “Tao và con Bê đến chơi nhà chị Lạc, cái chị ở cạnh phòng bố Thà có chồng đi B, mày biết rồi. Chuyện tào lao chán, chị Lạc vào giường dỗ con ngủ, hai đứa tao mới đến bên cửa sổ hé cánh cửa rình... “
Trời tối đã lâu, các phòng ở khu nhà tập thể cấp bốn còn ánh đèn. Cửa phòng ông Thà hé mở, ông thò đầu ngó quanh quất rồi bước ra.. Tay phải ông cầm cái ống bơ sắt tây, loại thường dùng để đong gạo, và cái bàn chải đánh răng. Tay kia thu  thu sau lưng. Cái gì nhỉ? Cái sơ mi ông vẫn mặc kèm cái “vét”. Ông ta định làm gì vậy? Ông muốn giặt. cái áo mặc đã khá lâu rồi; phần bị che khuất chẳng nói làm gì, chứ cổ áo và tay áo thò ra để ghét bám thấy rõ thì thật là không tiện. Bể nước công cộng nằm trong khu vực cơ quan, ban đêm cổng khoá. Ông không nước dự trữ. Được cấp phát cái xô hai mươi lít, ông đã bán cho chú bảo vệ mất rồi.Thường ông vẫn phải xin nước các nhà láng giềng. Xin mãi để giặt giũ cũng cảm thấy khó coi. Vậy nên ông làm ra vẻ chỉ xin nước đánh răng thôi.. Trong sân chung chỉ có một ngọn đèn điện song cũng đủ sáng. Ông Thà đến bên thùng nước của nhà hàng xóm.  Ông hắng giọng đánh tiếng “cho xin tí nước” hẳn hoi rồi mới múc. “Đối tượng” giặt chủ yếu là cổ áo và cửa tay áo, những thứ cần được chăm sóc kĩ. Ông ém thân áo trên đùi trái, cùi tay trái đè giữ. Các việc dấp nước, xát xà phòng, giũ nước, bàn tay phải “đảm trách.”. Các khoản vò, vắt thì tay trái phò trợ. Thường ông giặt vào tối hôm mà đài phát thanh dự báo ngày mai sẽ nắng. Khi đem phơi, ông dùng hai cái kẹp kéo căng vải ra từng nơi cần thiết. Khô rồi, cổ áo và tay áo đều khá phẳng phiu, coi như được là. Hồi ấy, điện dùng khoán, lại do cơ quan trả tiền, có thể phóng tay mà xài. Bàn là Liên-xô tuy hiếm song một số gia đình trong  chung cư vẫn có, nhưng ông ngại mượn. Mà việc gì phải lôi thôi, làm như ông cũng xong, sáng kiến quá đi chứ!
Nghe những chuyện như vậy, chúng tôi cười thật sướng miệng. Dường như lúc rỗi hơi, người ta cần ai đó có chuyện gì đó, thậm chí bất hạnh, để mà kháo nhau, để mà đàm tiếu. Nhưng rồi biết thêm, thấy cười khó hơn, ít ra là với riêng tôi.
Ông Thà ở trong một căn phòng hơn chục mét vuông, một mình. Vợ con ông ở thành phố quê hương. Những người độc thân trong khu nhà của cơ quan tôi đều vào hộ tập thể, chung ba, bốn người một phòng chừng 16 mét vuông. Ông Thà được chiếu cố hơn là ưu tiên. Chúng tôi vẫn “quan tâm” đến cái phòng ở “nghệ sĩ” của ông. Đập vào mắt trước tiên là rất nhiều tranh ảnh cắt từ hoạ báo các loại dán trên vách, dường như là theo đồ án trang trí riêng hoặc theo một phong cách thẩm mĩ độc đáo sao đó. Con bé bạn thân của tôi chỉ nhòm qua, phán tỉnh bơ: “Che các vết ố, vết nứt và chắn gió mùa đông-bắc, mày ạ”. Trong góc, một chiếc giường đơn suốt ngày buông màn. Màn ấy khó giặt đã đành mà vắt hay cuộn cũng rầy, bởi có đến mấy chục lỗ dán giấy đụng đến không nhẹ tay là bong. Mùa rét, giường ông trải hai lớp chiếu, giữa lót giấy báo. Ông chỉ có một cái chăn chiên Nam Định tàng tàng. Phải hôm rét đậm,có nhà hàng xóm đem cho mượn chăn bông, ông kiên quyết trả lại. “Không. Tôi khoẻ lắm. Rét này mùi gì”. Nhiều đêm, có bao nhiêu quần áo cũ, quần áo rách ông đều mang ra mặc độn. Cũng có hôm ông chơi đàn chống rét thật khuya. Khí lạnh dương như cũng xiết vào giọng đàn.
Trong phòng ông Thà còn một vật trứ danh: cái điếu cày. Chẳng phải điếu thường! Trước hết, nó được làm bằng loại tre chỉ vùng Tây-Bắc mới có. Hai, nó là điếu theo kiểu người Mông ống rất to, khi hút miệng điếu trùm ra hai bên má; người hóp má khó mà hút được. Ba, đây là vật lưu niệm của ngườì bạn thiết của ông từng công tác lâu năm tại Lai Châu, nay đã quá cố. Cái điếu được giữ gìn cẩn thận, lên nước nâu bóng, thật trái ngược với cái vẻ ngoài luộm thuộm của chủ nhân.. Còn trứ danh hơn nữa là sự hút của ông Thà. Ông chỉ hút thuốc lào, và chỉ hút bằng điếu ấy, do vậy chỉ hút ở nhà..Trước khi hút, ông trải chiếu ra nền nhà, ngồi xệp lên đó, rót sẵn chén nước chè ngon đặt vừa tầm tay với; sau dó mới nạp thuốc, xoè diêm, ướm một hơi ngắn trước khi kéo một hơi thật dài, thả điếu vào sọt đính bên vách, chiêu một ngụm nước chè rồi nằm thẳng cẳng, mắt lờ đờ, mặt tái xạm, nom rất hãi. Một người hàng xóm lần đầu ngó thấy hoảng lên gọi người cấp cứu. Ông chỉ nằm dăm phút là ngồi dậy tỉnh táo như không, xem chừng còn sảng khoái nữa. Mỗi ngày, ông chỉ làm ba “phát” như thế, rải đều ra. Có vẻ như mỗi lần hút ông xua sạch được những phàm ý trong đầu làm vướng sự thông linh với nàng Nghệ thuật.
Ông Thà không ăn cơm ở bếp chung. Ông tự nấu lấy với cái bếp dầu. Đồ nấu nướng có giá trị nhất là cái niêu nhôm vừa để nấu cơm, vừa để nấu nước. Hôm nào nhớ ra thì nấu nước trước; hôm nào nhỡ quên thì phải kì công cạo rửa nồi mới nấu nước được. Ông là người sành trà, có mùi tạp trong nước để pha thì còn ra cái “tiết mục” gì nữa!
Người ta không nghĩ ông Thà nghèo, -quả tình ông chẳng nghèo, nói đúng ra là ông chẳng kiết, trước hết là trong tính cách.
Ông Thà là tay phong tình, nhưng là phong tình … mồm. Lũ văn công chúng tôi “em” nào chẳng hấp dẫn, hay biết cách làm cho hấp dẫn. Tiện em nào ông tán em nấy ; chỉ tán thôi, không biết hoặc không dám “đi xa”. Tán và cho quà. Dạo miền Nam mới được giải phóng, ông vào thăm một bà cô dạy tiểu học ở Sài Gòn. Khi ra, túi ông có vẻ xủng xoẻng. Bọn chúng nó xúm lại phỉnh. Chắc cũng chỉ định mua vui hoặc giải xui khi ế khách xem. Ông khoái. Với em này:”Cho dì chiếc nhẫn đây” ; với em kia: “Biếu dì cái đồng hồ đây”. Nhẫn vàng, đồng hồ Nhật thời ấy có thể làm dịu vẻ mặt của cô gái kiêu sa nhất. Vợ ông nghe tin đến tìm hiểu thì chỉ còn cái kính dâm. “Chậc! Có mấy thứ tôi còn gửi người ta giữ hộ. Dành cái này cho bà nó, đi đường khỏi hại mắt”.
Người ta chê ông Thà vô tâm với vợ con, không biết thu vén cho gia đình. Cậu con trai độc nhất của ông thi vào đại học trượt, ông bảo:”Học ôn lại một năm cho chắc, con a. Học mà đuối, theo mệt, mà khổ lắm đấy. Hay gì cái chuyện cứ mỗi lần sát hạch lại dựa dẫm bạn, xin xỏ thầy”. Con nghe ông, nhưng vợ thì chì chiết: “Vậy sao ông chạy chọt cho thằng Thảo?”. Thảo là “nhân vật” thoát thai từ phong trào văn nghệ quần chúng. Anh ta “lo được” cái bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc, thi vào trường đại học văn hoá hai lần đều không nổi, bèn chạy đến “thầy Thà”. Anh ta có học ít lâu ở lớp nhạc hoạ quần chúng khu phố, nơi ông Thà có dạy. Trước, anh ta thường tránh gặp ông để tránh chào “thầy”. Ông Thà có bạn dạy ở đại học này. “Thằng ấy không vào đại học thì biết làm gì. Cho nó kiếm mảnh bằng để khỏi lo thất nghiệp (Hồi đó, tốt nghiệp đại học là được bổ dụng. có được chỗ “thơm” hay không là chuyện khác). Nó chỉ múa may trong cái bị tri thức hạn hẹp của nó, chẳng hại gì cho ai”. Mãi về sau ông mới tỉnh ra là mình đã nhầm nặng.
Thủ trưởng cũ của chúng tôi hay kể lại:
-Lão ấy vô tâm kiểu các nhà bác học hơn là kiểu các nghệ sĩ. Được cái cũng chịu khó đi thăm vợ con, thường là sau một đợt biểu diễn của đoàn. Hầu như lần nào đi thăm về cũng trễ. Ông ta đến gặp tôi: “Báo cáo anh,buồn quá”. Tôi nói: “Đến muộn nên buồn à?”. Ông ta nghiêm trang: “Cái… vợ tôi nó… đi cúng. Tôi về tôi phải đấu tranh chống duy tâm mê tín, gay lắm”. Ông ta nói dối không chuẩn bị, mà cũng không biết cách nói dối. Lần khác, ra trễ gần hai ngày ông ta tự nhiên khoe: “Tôi đã giết mười ba con ngan ăn”, làm như tôi quan tâm đến chuyện ăn của ông ta lắm. Tôi bảo: “Anh hãy nói vì sao đến muộn đã!”.  “Báo cáo anh, con tôi bị rắn cắn phải đi  bệnh viện”. “Lần trước anh cũng bảo chị nhà bị rắn cắn”. “Lần ấy là chó cắn”. Thật là nói bốc, nói phịa vụng hơn cả con trẻ.
Người như thế chẳng phải là ngây ngô, song cũng làm cho người ta yên tâm, trước hết là các vị lãnh đạo. Ông chẳng tranh hành gì trong cơ quan, ngay cả những quyền lợi trước mắt. Các đoàn văn nghệ thường hay xin được những món hàng cuing cấp ngoài tiêu chuẩn thường kì, nhất là những khi đi lưu diễn. Những món này thường hiếm, song giá nhà nước rẻ như cho. Người ta phân cho cái gì ông được cái đó, lẳng lặng nhận hoặc đôi khi pha trò một câu,-có lẽ do cảm động chăng?. Một lần, cấp trên phân phối cho đoàn một số áo lót dệt kim ba lỗ (áo may-ô) ít hơn số đàn ông có mặt trong đoàn. Ông Thà được ưu tiên (hoặc chiếu cố!) một chiếc. Nghe tin, ông “tức cảnh” tập Kiều: “Bắt phanh trần phải phanh trần / Cho may ô mới được phần may ô”. Chiếc áo dự định của ông rơi vào tay người khác. Ông lắc đầu cười trừ. Bọn con gái chúng tôi cho là ông đụt, là không đáng mặt nam nhi. Ấy! cứ tưởng vậy.
Lần đó, ông Thà tham gia dàn dựng một vở múa. Tập tành công phu. Biểu diễn tổng duyệt được đánh giá ngoài lề là tốt. Song le, dư luận đánh giá là một chuyện, vở có được chào đời hay không phụ thuộc vào lời phán của mấy vị chức sắc nắm quyền năng, trong đó có cả những vị “ngoại đạo”, tỉ như đại diện cơ quan tài chính.. Tôi hơi lấy làm lạ là trong cuộc họp đánh giá để quyết định, các ý kiến phát ra có chiều hướng xấu, nghiêng về phủ định. Lâm, tổ phó trang trí, người ở cuộc họp nào cũng lựa cơ hội để “tôi có ý kiến” khéo léo lèo qua mình và làm vừa lòng ai đó,-cả người vắng mặt, vốn rất khen vở múa, “khai hoả” đầu tiên. Anh ta khen theo lệ một câu khá chung chung, sau đó “tiếc rằng… “. Thảo, người đang “Q” phụ trách trường sơ cấp nghệ thuật của thành phố, dướn người lên qua cái bàn hẹp cung kính lắng nghe một vị chức sắc đang quay nghiêg đầu bảo nhỏ gì đó, hẳn gợi ý cho anh ta “phát”. Con bạn thạo tin rỉ tai tôi: “Hôm trước, một vị chủ chốt đã hé ra sự không hài lòng thế nào ấy”. Ông Thà ngồi một nơi khuất im lặng nghe. Ông vẫn vậy, hay phán tào lao với bọn chúng tôi mà khi họp hành lại rất kiệm lời. Biên đạo chính thì chịu khó lên tiếng, khi tình bày, khi phản bác. Tôi không sành múa nhưng cũng “phê” là ở đoạn cao trào động tác của vai chính hơi cứng. Ông Thà đưa mát qua tôi hơi gật gật đầu.
Vị chủ chốt để cho mọi người phát biểu chán mới đứng lên:
-Xét theo tuyệt đại đa số ý kiến tại đây hôm nay, vở này không đứng được. Thú với các đồng chí, tôi không ưa nhất cái cảnh huơ gậy chọc chọc như Tây đoan khám rượu lậu, nó…
(Tôi được giảng giải cho biết Tây đoan là bọn thuế quan Pháp thời ta còn mất nước. Chứa rượu lậu mà bị bắt quả tang thì bị đi tù, khỏi nói trường hợp chính mình nấu. Tây đoan dùng cái thuốn sắt chọc trong vườn, trong ruộng, những nơi nghi chôn các vò rượu).
Ông Thà đang ngồi cù rù trong góc đứng bật dậy chỉ tay vào mặt người đang nói:
-Anh chẳng hiểu cái cóc khô gì cả, cứ phán tùm lum!
Ông bỏ đi ra. Vị chức sắc khựng lại, mặt tái đi, song chỉ trong nháy mắt, vị cười xoà nói sang nội dung tư tưởng và tính đại chúng. Lâm, Thảo và nhiều người vỗ tay. Mặc biên đạo và trưởng đoàn cố sức vớt vát, vở múa không được duyệt. Người ta bảo ông Thà đã làm hỏng bét cả. Hừ! Ông ta cay cú, lần đầu tiên được tham gia dàn dựng, cũng lần đầu tiên nhạc ông ta độc tấu có dàn nhạc đệm được dùng làm nền cho một vở múa qui mô mà! Trước nay, người ta biết ông có tài nhưng chỉ sử dụng như một nhạc công giỏi trong dàn nhạc vậy thôi. Con bạn tôi lí sự: “Con người ta có khi cương cường cả đời mà cũng có thể có một phút yếu hèn, thì người suốt đời nhũn cũng có lúc vùng lên được chứ!”. Tôi không cho là vậy. Nghĩ đơn giản về ông Thà thì dễ quá đi. Không nói các vị có vai vế của đoàn, của sở văn hoá,… hầu như mọi người chẳng ai đồng tình với ông Thà. Ngay như tôi, người tự cho là không xu phụ cấp trên, cũng thấy chướng. Nói vỗ mặt lãnh đạo là không tôn trọng kỷ cương, thiếu ý thức xây dựng. Kể cũng lạ, trong thâm tâm tôi thấy những lí lẽ bác bỏ bở múa là không thoả đáng. Cũng như tôi từng nghĩ các vị chức sắc quyết định những chuyện oái oăm, ví như cấm địa phương mình chiếu phim “Đi bước nữa”, một bộ phim Việt Nam bảo vệ nữ quyền; ví như không cho lên sân khấu thành phố vở kịch “Bạch đàn liễu”, một vở kịch lên án tệ cường hào mới đồng thời tôn vinh gia đình người ra trận; ví như chỉ cho những ai có phiếu D (phiếu cung cấp lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm) trở lên mới được xem bộ phim “Chiến tranh và hoà bình” nổi tiếng, làm như chỉ những người có mức lương tương đối cao mới đủ trình độ thưởng thức, trong khi không ít người trong số họ chưa từng sờ đến bộ tiểu thuyết của Tôn-xtôi, không biết Cutudốp, Napôlêông là ai, Bôrôđinô ở đâu, v.v… Tôi không thông mà không dám có ý kiến chỉ im lặng buồn và bực, thế nhưng khi một người cương vị cũng làng nhàng như tôi (không kể năng lực, tư cách) dám lên tiếng thì tôi lại cảm thấy khó chịu như là mình bị xúc phạm vậy.
Tôi tưởng ông Thà sẽ bị kiểm thảo, nhưng không, người ta chỉ đưa ông vào tốp văn nghệ “đánh lẻ” thường phải đi khỏi thành phố. Khi nào cần “đánh lớn” người ta mới triệu ông về. Ít ra thì ông là một trong số không nhiều cây diễn tấu  chủ chốt, ông lại đã có tuổi, ông có quyền thoái thác một sự điều động như vậy. Song ông chẳng tỏ ý gì. Chẳng biết ông thu xếp với các lớp dạy ngoài ra sao. Riêng với trường của giám hiệu Thảo thì “Anh hãy tạm nghỉ, khi nào tôi bố trí đựoc thời khoá biểu thích hợp với tình hình mới của anh hãy hay”. Trước đây, khi được làm phó cho hiệu trưởng trường sơ cấp nghệ thuật, Thảo đã đến nài ông Thà: “Anh giúp em mấy lớp đầu đàn. Em sẽ lo bố trí giờ giấc lên lớp thật thuận tiện cho anh”. Không “thầy” nữa nhưng giọng vẫn nể trọng. Bấy giờ là lúc anh ta cần thể hiện sự năng động trước sở. Hiệu trưởng đương nhiệm chuẩn bị về vườn mà phó hiệu không chỉ một, lại còn một số cán bộ sở chán “chạy phong trào”, chán cảnh “cuối trâu” muốn lên “đầu gà” vừa có tiếng, vừa có miếng.
Thời thế mới, thị trường hoá, các đoàn nghệ thuật có khó khăn. Ông Thà được cho về hưu. Dẫu có sống giản tiện đến mức khôi hài như người ta đồn đại thì ông vẫn phải lo sống. Bà vợ đã về ở hẳn với ông, ngày ngày bán xôi sáng thêm vào đồng lương hưu tạm giải quyết được sự chi tiêu vặt trong nhà. Còn những cái “thú” của ông? Người ta mải đàm tiếu thú “nhậu” của ông, lờ đi hoặc chẳng biết đến những thú tinh thần vẫn giúp ông “sống” dược. Mà có phải thú tinh thần nào cũng chỉ xài bằng tinh thần đâu! Anh con trai ông trước đây nghe lời ông đã cố gắng học và đỗ loại giỏi vào đại học được đi du học, ra trường dược nhận bằng đỏ,-tự lực chứ chẳng phải mua. Về nước, anh mang theo sách chứ không phải “hàng” như bao người khác cùng cảnh. Anh lê la kiếm việc; thiếu cái khoản “đầu tiên” nên “rách” một  thời gian dài, đến nỗi người yêu “đã ngỏ lời rồi đành lỗi hẹn”. Cho đến lúc anh gặp một xí nghiệp do nước ngoài đầu tư. Bây giờ anh ta vợ con đề huề, ngự trong một biệt thự tại một thành phố phía nam.  Ông chẳng dính gì đến chuyện kiếm ăn của con. Cơ ngơi của ông bà vẫn là gian pgòng được phân ngày nọ. chung quanh hầu hết các căn hộ đều đã được cơi nới, tôn tạo làm biến dạng khu nhà đến mức người cũ đi xa dăm năm trở về e bị lạc. Ông bảo, vui vẻ: “Tôi giữ căn hộ của tôi y nguyên để làm chứng tích lịch sử một thời cho mai sau”. Mai sau thế nào thì chưa biết, trước mắt, ông đang có nhu cầu làm thêm.. Ầy! thiếu gì nhà hàng, quán nhậu cần nhạc sống.  Khốn nỗi, nhạc dường như chỉ để khuấy động, hoặc náo động, cái chính thu hút khách  là ở chỗ “sống”. Bộ dạng ông bây giờ chỉ xua khách đi thì có. Còn các lớp nhạc tại gia? Các lớp loại này nay nằm dưới sự quản lí của “Công ti dịch vụ phụng sự tại gia”, nó bao thầu mọi thứ: gia sư, vú em, bếp, bồi, coi vườn, vệ sĩ,… mà giám đốc là giáo sư Thảo nào đó. À, hẳn là tay Thảo bên May-xuất-khẩu sang kiêm. Ông Thà ghét “thằng cha” này. Làm tôi tớ cho người nước ngoài hành hạ công nhân mình,-[font=.vntime] đã có mấy cô thợ ngất bên máy, mà đến đâu cũng xì tiền làm phúc dưới mĩ từ “làm việc thiện”. Vả lại, ai muốn xin việc phải đến văn phòng công ti đặt cọc trước; ông đào đâu ra “cọc”? Nghe người mách trường đại học dân lập nọ cần một người hướng dẫn văn nghệ theo vụ, ông lập tức tìm đến. Người bảo vệ, sau khi căn vặn, cho ông vào phòng chờ.. Một người đeo kính trắng, loại không số, tóc xõa xuống trùm tai và lưng chừng cái cổ ngẳng, ôm cái cặp to sù bước vào. Ông Thà  ngửng nhìn ngờ ngợ: “Thảo phải không?” Người kia giương mắt sau cặp kính ngắm một lúc vừa đủ: “À, anh!”. Đúng là Thảo, mới điểm trang thêm cái kính. Anh ta đường bệ bước tới chìa tay ra. Ông Thà đúng là “vào cửa quan gặp người quen”, vồ vập: “Cậu đến liên hệ công tác à?” Thảo khịt mũi: “Tôi là giáo sư ở đây”. Ông Thà giật mình, nhả vội bàn tay mình ra. Giáo sư ư? Đúng vậy. “Giáo sư” luật hẳn hoi nhá! Có gì đáng lạ đâu, thời buổi này. Anh ta đã kiếm được tấm bằng thạc sĩ…  tâm lí học. Anh ta vẫn là hiệu trưởng trường nghệ thuật, giữ một chân bên này phòng khi phải “hạ cánh an toàn” bên kia. Hôm nào, một thanh niên đã cứng tuổi bảo bạn trong một quán nước: “Tao học thêm luật để bắt chúng nó tuân luật, còn tao thì tìm kẽ hở của luật”. Hừm! Trò ấy cặp với thầy này mới xứng đôi. Thảo, giọng ái ngại, cho ông Thà biết cái chân văn nghệ ở đây anh ta đang giới thiệu cho một người học trò cũ của mình. Và, trong một sự cảm thông chan chứa, như vũ trụ nguyên thủy vẫn vậy, anh ta nhân tiện nói thêm rằng trường nghệ thuật của anh ta bớt lớp, số giáo viên có cơ thừa. Ông Thà hiểu ngay không còn giờ dạy cho người ngoài. Ông sực nghĩ ra: “của giáo sư Thảo”, cái công ti phụng sự tại gia trong tay  thằng này. Chắc rồi. Thảo này hay Thảo kia thì cũng rứa. Ngày trước mình đã tưởng “chẳng hại gì cho ai”(!).
°  °  °
ĐÃ lâu tôi không gặp ông Thà, cũng không được tin ông. Tôi mường tượng ông đã già lắm song tóc chưa bạc hết, dáng đi vẫn thẳng. Cái chuyện xin lén nước để giặt cổ áo là chuyện đời xưa, như mọi chuyện khác người ta đồn thổi về ông. Hẳn ông không ra ngoài nhậu nữa. Thôi, thế cũng là phải. Các hàng quán bây giờ, chuyện vệ sinh thực phẩm, vệ sinh đồ uống rất chi là lôi thôi. Thêm nữa, nhậu ở ngoài ngày nay hiếm ai vì sự khoái khẩu đơn thuần, cả khi họ tiêu vung những đồng tiền bất chính. Thế nào bà chẳng thỉnh thoảng sửa cho ông bữa nhậu, nhẹ mà ngon,-bà vốn khéo tay nội trợ. Ông có thể rủ bà cùng nâng chén, nâng đũa. Và người bạn nào đó đủ thân. Tôi tin ông Thà vẫn giữ được cái cười  khà khà thật rộng miệng như hồi ông kể lại chuyện ba tiếng trống chầu “tao! tao! tao!”./.

Xem Tiếp: ----