Hán Vũ Đế là vị vua làm được nhiều việc quan trọng nhất trong thời Tây Hán, và cũng là một trong số ít các hoàng đế kiệt xuất của lịch sử Trung Hoa. Hán Đế có một thú vui giống như Tần Thủy Hoàng, đó là thích tiếp xúc với bọn phương sĩ, hy vọng rằng bọn phương sĩ này sẽ tìm được loại thuốc trường sinh bất lão. Người ngoài nhìn vào ai cũng cho rằng đây là chuyện hoang đường. Nhưng Hán Đế luôn tràn trề hy vọng vào số phương sĩ trong tay sẽ tìm ra được loại thuốc trường sinh đó. Đông Phương Sóc là một quan cận thần được Hán Đế tin yêu, ông làm chức Thị trung trong nội triều. Đông Phương Sóc là người có tài ăn nói, ông thường gửi gắm ý tứ của mình trong những câu chuyện hài hước hoặc ngụ ngôn, do đó rất được Hán Đế tán thưởng. Thấy Hán Đế mê hoặc bọn phương sĩ, ông cũng áy náy, lo lắng trong lòng. Một hôm, thấy Hán Đế tâm tính vui vẻ ông bèn nói: "Bọn phương sĩ có thể tìm ra phương thuốc trường sinh bất lão nhưng tất không thể bì kịp với cái có trong thế giới tự nhiên. Chỉ có điều trên thế gian này thì tìm đâu ra loại thuốc ấy, chỉ có cách lên thiên đàng thì mới có". Hán Đế nghe vậy thích lắm hỏi: "Làm thế nào để lên được thiên đàng lấy thuốc". Đông Phương Sóc làm vẻ thật thà nói: "Chỉ có thần mới làm được việc này". Hán Đế tin ngay, cho tìm một vị phương sĩ đến đi cùng ông và hẹn 30 ngày phải lấy được thuốc. Sau khi rời khỏi cung, Đông Phương Sóc không vội vàng lên trời ngay mà ngày ngày đến các nhà vương hầu uống rượu, vui chơi. Vị phương sĩ nọ thúc giục thì ông cười nói: "Việc của quỷ thần rất kỳ diệu, không thể nói ra được. Đến thời điểm đã định thần núi sẽ xuống đón ta". Thấy Đông Phương Sóc tự tin như vậy, vị phương sĩ kia không hỏi nhiều nữa mà yên tâm uống rượu tới lúc say khướt. Nhân lúc phương sĩ đang ngủ say, Đông Phương Sóc vờ vội vàng chạy tới đánh thức và nói: "Tôi gọi mãi mà ông không tỉnh, tôi vừa từ trên thiên đàng xuống, thuốc vẫn chưa lấy được". Vị phương sĩ nghe vậy vội báo lại cho Hán Đế, Hán Đế giận lắm đòi trị tội Đông Phương Sóc. ông này vừa khóc vừa nói "Không ngờ một công mà hai lần chết". Hán Đế nghe vậy ngạc nhiên liền vặn hỏi, Đông Phương Sóc đáp: "Sau khi thần lên thiên đàng, ngọc hoàng đại đế hỏi: "Quần áo dưới trần hình thành như thế nào?" Thần đáp: "Do côn trùng làm ra." Ngọc Đế lại hỏi' "Côn trùng là gì." Thần đáp: "Nó mồm giống con ngựa, màu sắc giống con hổ." Ngọc hoàng nổi trận lôi đình cho là thần lừa dối ông ta, hạ lệnh cho người xuống trần kiểm tra, cuối cùng vỡ lẽ con côn trùng đó là con tằm mới tha cho thần. Lời thần nói đều là thật, nếu không tin, bệ hạ cho người lên đó hỏi". Đến lúc này Hán Đế đã rõ, ý nghĩ lên thiên đàng tìm thuốc của mình hoang đường biết bao. Vốn là người thông minh nên Hán Đế bèn đáp: "Bọn phương sĩ quả chẳng ra gì, nhưng nhà ngươi cũng thật lắm trò quỷ. Ngươi muốn ta không tiếp xúc với bọn phương sĩ và không đi tìm thuốc trường sinh bất lão nữa đúng không?" Từ đó Hán Đế không còn tiếp xúc với bọn phương sĩ nữa. Chiêu mà Đông Phương Sóc dùng là lấy lời hoang đường để trị lời hoang đường, đem ẩn ý khuyên răn lồng vào câu chuyện. Trong chế độ chuyên chế chủ nghĩa đó là một biện pháp hay của bề tôi khi muốn bày tỏ ý kiến với bề trên. Lấy độc trị độc, cuối cùng thì kẻ nhiễm độc tự mình cai được độc. Tuy nhiên để làm được điều này phải có phương pháp khéo léo khuyên nhủ đối phương, để đối phương tự nhận ra và mình thì không bị quở trách, quả là không dễ dàng gì. Thương chiến hiện nay, đặc biệt là thương nghiệp tiêu thụ hàng, phương pháp hay còn gọi là cơ mưu này nếu biết vận dụng tốt có thể giải quyết được nhiều vấn đề nan giải. Một vị lão luyện trong ngành tiếp thị ở Mỹ cùng một chàng thanh niên học nghề đi tiếp thị máy đếm tiền. Vị lớn tuổi này mặt mũi phương phi, da dẻ hồng hào, nét mặt rất sinh động, linh hoạt, còn chàng thanh niên có vẻ bối rối, rụt rè. Hai người đến một cửa hàng, ông chủ cửa hàng thấy ông tiếp thị đến thì muốn đóng cửa lại không tiếp nói: "Tôi không thích loại máy đếm tiền này". Ông tiếp thị không nói, đứng dựa vào quầy hàng mà cười rũ rượi như vừa nghe xong một câu chuyện hài hước vậy. Ông ta cứ ôm bụng mà cười, cười đến nỗi chảy cả nước mắt, nước mũi, sau đó ông mới từ từ chỉnh lại tư thế nói với chủ tiệm "Xin lỗi, tôi không tài nào nhịn cười được, bởi vì thái độ của ngài khiến tôi nhớ tới một ông chủ của một cửa hàng lớn. Lúc đầu ông ta cũng nói không thích loại máy này, vậy mà sau đó, ông biết không, ông ta đã trở thành khách hàng thân thiết của chúng tôi." Nói xong ông ta lập tức giới thiệu rành mạch các ưu điểm của sản phẩm và sự hợp lý của giá cả. Vị chủ cửa hàng nghe xong, vẫn biểu thị thái độ dửng dưng, vị tiếp thị lão luyện kia lại bắt đầu cười và kể một câu chuyện. Kể xong lại quảng cáo cho sản phẩm một cách say sưa không biết nhàm chán. Chàng thanh niên học việc đứng bên cạnh sốt ruột lắm nghĩ trong bụng "Thế nào hôm nay người ta cũng bảo là gặp hai thằng ngốc". Đúng lúc đó, điều kỳ lạ đã xảy ra, ông chủ kia từ chỗ dửng dưng đã đồng ý mua. Chàng thanh niên không dám tin ở tai mình, mãi đến khi thấy ông chủ bê chiếc máy đi vào trong mới dám tin là thật. Trong lúc đó vị tiếp thị lão luyện kia vẫn không ngừng giới thiệu phương pháp sử dụng và dịch vụ bảo hành sau khi mua hàng. Nghề tiếp thị thường phải tiếp xúc với thái độ dửng dưng và sự từ chối của khách hàng. Nếu nản chí, không muốn giới thiệu sản phẩm nữa thì chắc chắn sẽ không bán được hàng. Cơ hội ở dưới chân, ở trên miệng bạn, có biết thuyết phục hay không, có nắm được nghệ thuật nói chuyện hay không, đó là điều sẽ mang lại kết quả khác nhau cho mỗi tiếp thị viên.