Thời Hán Vũ Đế có người tên là Tang Hoành Dương, xuất thân trong một gia đình buôn bán ở Lạc Dương, giỏi về tính toán nên được Hán Đế mến mộ cho vào cung. Năm 13 tuổi đã làm Thị trung. Chức Thị trung thuộc về nội triều, quan hệ gần gũi với hoàng đế, lại được tham gia vào nghị luận quốc gia đại sự. Có lẽ do sự ảnh hưởng từ gia đình hoặc là môi trường xung quanh mà Tang Hoành Dương có được một tài năng hiếm có về quản lý tiền bạc, kinh tế, thương nghiệp. Năm 39 tuổi ông được Hán Đế bổ nhiệm làm Đại nông thừa. Đây là chức quan phụ trách quản lý tài chính lớn và quan trọng trong triều. Tang Hoành Dương giữ chức này 5 năm, những công việc quan trọng của quốc gia như "toán mân", "cáo mân" thống nhất tiền tệ... đều được ông hoàn thành trong nhiệm kỳ của mình. Sau này, Hán Đế lại phong cho ông làm Trị túc đô úy và Đại lý đại tư nông, và đó cũng là thời kỳ ông cho thực hiện quản lý, điều chỉnh việc kinh doanh muối và sắt trong cả nước.Tang Hoành Dương có tài trác việt về quản lý tiền bạc, chính điều này đã giúp cho quân đội có được một khoản chi phí lớn trong các cuộc chiến tranh. Và ông đã cống hiến cho triều đình nhiều công lao. Chính vì lẽ đó mà trước khi băng hà Hán Vũ Đế mặc dù phản đối chính sách mở rộng đồn điền do ông đưa ra nhưng vẫn phong ông cùng với Kim Nhật Đan Điền Thiên Thu, Thượng Quan Kiệt, Hoắc Quang làm ngự sử đại phu phò tá Chiêu Đế còn nhỏ dại.Tuy nhiên, cái tư duy bảo thủ hình như là khó có thể thay đổi được nhất là đối với những người tuổi đã cao. Lúc này Tang Hoành Dương đã luống tuổi, nhưng ông vẫn tự cho mình là công thần, trong đầu ông có tư tưởng thâm căn cố đế "quan tôn giả lộc hậu”, "phu tôn giả tử quý", nên thường xuyên đưa ra những đòi hỏi với triều đình. Khi mà tham vọng của ông không được đáp ứng thì ông căm tức đại tư mã, đại tướng quân Hoắc Quang người nắm đại quyến triều chính lúc bấy giờ. Cuối cùng ông đã gia nhập bọn âm mưu phản loạn.Khởi sự của việc này là anh trai của Hán Chiêu Đế tên là Yên Vương Lưu Đán. Khi Hán Đế còn sống Lưu Đán đã muốn được kế vị ngai vàng, và điều này từng làm cho Hán Đế nổi trận lôi đình. Sau khi Hán Đế băng hà, Lưu Đán công khai cấu kết với bọn tôn thất Lưu Thích, Lưu Trương, lập kế hoạch làm phản, Lưu Thích bị xử trám, Lưu Đán bị phạt. Tuy vậy Lưu Đán vẫn tiếp tục câu kết với cha con Thượng Quan Kiệt âm mưu trừ khử Hoắc Quang, phế ngôi thiên tử. Thượng Quan Kiệt lúc đầu lấy danh nghĩa của Lưu Đán tâu với Chiêu Đế rằng Hoắc Quang có mưu đồ làm phản, Chiêu Đế lúc ấy đã 14 tuổi không dễ bị lừa, liền nghiêm sắc mặt quát "đại tướng quân là trung thần, tiên đế ủy thác ông ta phò tá triều chính, ai còn nói xằng bậy sẽ trị tội". Mưu đầu tiên không thành Thượng Quan Kiệt nghĩ ra mưu khác. Ông ta để cho chị của Chiêu Đế là công chúa Cái Trường tổ chức yến tiệc mời Hoắc Quang tới dự, sau đó sẽ giết hại Hoắc Quang và phế ngôi vua, lập vua mới là Lưu Đán. Không ngờ âm mưu bại lộ, cha con Thượng Quan Kiệt và những ai có liên quan đều bị chém đầu. Trong suốt quá trình bày mưu tính kế này Tang Hoành Dương đều tham dự từ đầu đến cuối nên kết cục bản thân bị xử chết, gia tộc bị tru di, thật là "nhất thất túc thành thiên cổ hận".Sau khi kết thúc chiến tranh Vũ Đế đã chuyển trọng tâm sang đối nội triều chính, vì thế từ một trung thần, chức vụ của Tang Hoành Dương cứ hạ xuống dần, thậm chí còn xếp sau Hoắc Quang. Đáng lẽ ông phải sớm nhận ra sự thay đổi này mà tìm cách rút lui bảo vệ bản thân thanh sạch, cứu lấy tuổi già của mình. Đáng tiếc là ông không nhận ra điều này cứ muốn cố giữ ngôi vị độc tôn trước đây, rồi thì vô thức đi vào con đường làm phản để sau cùng nhận lấy kết cục bi thương.Theo thời mà biến, đó không phải chỉ là mưu lược dùng trong quan trường, mà trên thương trường ngày nay, nó cũng có ý nghĩa và tác dụng sâu sắc. Nếu ai không chú ý đến điều này, không chú ý hành động cho hợp với trào lưu của thời đại thì nhất định sẽ gặp phải trở ngại trên thương trường.Những năm 50, thành viên hội đồng công ty Ford đều có đầy đủ lý lẽ hợp lý để cho sản xuất loại xe mang nhãn Aderson. Loại xe này có công suất lớn, hầu như vượt xa công suất của các xe thời bấy giờ và cũng là xe có mã lực lớn nhất. Ngoài ra nó còn rất nhẹ và tiện sử dụng, đặc biệt bộ phận hộp số có tính ưu việt lớn hơn gấp nhiều lần so với loại truyền thống. Vì vậy, công ty Ford quyết tâm đầu tư một khoản tiền lớn vào vụ sản xuất này. Năm 1954 tiến hành thiết kế toàn diện loại xe này. Sau khi hoàn thành khâu thiết kế công ty lại đầu tư 50 triệu đô la cho khâu quảng cáo, tiếp thị. Số tiền 50 triệu đô la lúc bấy giờ được coi là con số khổng lồ, đó là chưa kể tới số tiền công ty phải bỏ ra để xây dựng các điểm bán hàng trên 60 thành phố trong toàn quốc. Vậy mà kết quả thì sao? Năm 1958 loại xe Aderson này chỉ bán được có 34.481 chiếc, không đạt được 20% kế hoạch. Lần tiêu thụ thứ hai vào tháng 11 cùng năm, tuy có khả quan hơn một chút nhưng cũng không mang lại kết quả như mong muốn. Lần thứ ba vào năm 1959, thị trường phản ứng hết sức lạnh nhạt, đến đợt tiêu thụ lần thứ tư vào cuối năm thì đã chứng thực loại xe này không có đất dụng võ. Tổng cộng công ty Ford đã phải chi 0,2 tỉ đô la cho vụ làm ăn này mà kết quả thì như đá ném xuống biển.Tại sao lại như vậy? Nguyên nhân chính là bởi quyết sách mù quáng. Chưa nắm chắc được nhu cầu của thị trường và trào lưu của người tiêu dùng đã vội vàng lên kế hoạch sản xuất. Trên thực tế, lúc đó thu nhập phổ biến của người tiêu dùng chưa cao. Họ muốn có một loại xe nhỏ, đẹp, vừa túi tiền để sử dụng, còn loại xe công suất lớn họ không quan tâm đến.Còn có một trường hợp sai lầm như thế xảy ra ở công ty xe hơi Claire vào năm 1979. Khủng hoảng dầu lửa những năm 1973 làm cho hầu hết các công ty xe hơi bị thiệt hại. Các công ty General, Ford đều tìm giải pháp ứng biến như thiết kế các loại xe nhỏ tiêu hao xăng dầu ít. Thế nhưng công ty Claire thì vẫn sản xuất các loại xe to, tiêu hao năng lượng lớn như trước đây. Đến năm 1978 khủng hoảng dầu lửa lại tiếp tục phát sinh, các loại xe cỡ lớn không tiêu thụ được, nằm bẹp trong kho, mỗi ngày thiệt hại 200 vạn đô la. Năm 1979 công ty bị lỗ 0,7 tỉ đô la, năm 1980 cắt giảm 20% sản xuất mà vẫn bị nợ tới 1 tỉ đô la. Lần thua lỗ nặng nề này đẩy công ty đến bờ vực phá sản, chủ tịch hội đồng quản trị phải từ chức.Năm 1962, loại máy bay Xeha do Anh và Pháp hợp tác nghiên cứu sản xuất cũng suýt nữa lâm vào cảnh tương tự. Đặc tính của loại máy bay này là tốc độ nhanh, hào hoa, sang trọng. Phải mất 15 năm và số vốn hàng tỉ đồng thì mới có thể sản xuất xong. Thế nhưng vào thập kỷ 70 trong sự khủng hoảng năng lượng, mong muốn của hành khách đi máy bay là an toàn và kinh tế. Các hãng hàng không thích sử dụng loại máy bay tiết kiệm nhiên liệu, chở được nhiều, cho nên máy bay Xeha không tiêu thụ được."Người mù cưỡi ngựa mù, nửa đêm đến ao sâu”, đó chính là cách nói hình ảnh để chỉ những người hành động mù quáng, không biết ứng biến với thời cuộc. Dù là cổ đại, hay hiện đại, trong lĩnh vực chính trị, quân sự hay kinh tế thì những kẻ như thế tất sẽ nhận kết cục bi thương.