Tập truyện ngắn (Trong Vùng xoáy Luân hồi)

  …Một bóng đen xuất hiện giữa nhà làm tim tôi thắt lại. Tôi định vùng dậy để tìm cách chống cự, kêu cứu, nhưng chân tay như bị một sợi dây vô hình trói chặt, ngực tôi như bị một áp lực ma quái đè nén, tôi vẫn cố gào thét nhưng tuyệt vọng. Tưởng như chính cái bóng đen kì quái kia đã làm thân xác tôi bị tê liệt.
  - Đừng sợ! Ta đến gặp ngươi với thiện ý. Ta cho phép ngươi được nói với ta – Giọng ông ta ầm ầm như tiếng vang của vách núi. Tôi cảm thấy mồm, lưỡi mềm trở lại và, tôi cất lên được tiếng:
  - Ông là ai mà giữa đêm khuya lại lẻn vào nhà tôi?
Người đàn ông kì quái bỗng cất lên giọng cười sảng khoái đến mê hoặc rồi êm như ru tiến về phía tôi.
- Ta là Diêm Vương! Thống soái âm phủ!
- Diêm Vương gì mà ăn mặc trông như một chú rể vậy?
- Ngươi quên rằng ngươi đang sống ở thế kỷ XX  à? Trần sao âm vậy mà!
- Nếu quả thật ông là Diêm Vương, ông hãy cho tôi cử động!
- Ta cho phép!
Tôi đã làm được theo ý muốn.
  - Ông cần gì ở tôi, hay tôi đã đến ngày tận số?
  - Không! Số ngươi chưa hết. Ta gặp ngươi, chỉ để cảnh cáo ngươi một điều!
  - Tôi có trêu chọc gì ông mà ông cảnh cáo?
  - Ngươi là thợ mổ tử thi?
  - Bác sĩ mổ tử thi!
  - Tại sao thời gần đây, trần thế các ngươi lại trả về âm phủ có xác chết không còn một tí óc nào cả?
  - Tôi chưa hề làm điều đó, vả lại công việc này không phải chỉ có riêng tôi.
  - Nếu vậy, ngươi phải thông báo cho tất cả đồng nghiệp!
  - Tại sao ông cần óc tử thi đến thế nhỉ?
  - Bởi vì không có nó, ta không thể xử phạt công minh được. Người đời các người quên rằng: âm phủ đâu phải cõi vĩnh hằng.
  -Chết xuống âm phủ, theo ông chưa phải là hết?
  - Đúng! âm phủ, không và chưa bao giờ  là dấu chấm hết: mà chỉ là nơi phân loại để: trừng phạt, cho đi đầu thai thành muôn kiếp và đưa những vong hồn nào thật trong sạch, thật đẹp đến cõi thoát tục.
  - Như vậy thì cuộc sống thực tại của chúng tôi chỉ là để thử thách sao?
  - Đúng! Chỉ là một sự thử thách không hơn không kém!
Tôi bỗng cảm thấy rùng mình vì cách sống buông thả của mình.
  - Bây giờ, hình phạt của âm phủ chắc phải rùng rợn lắm nhỉ?
  - Không rùng rợn lắm đâu. Nó được tính âm ỉ  bằng thời gian múc nước giếng này, đổ sang giếng khác.
  - Bao nhiêu lâu với một tôi nhẹ, như tham nhũng chẳng hạn?
  - Chu cha!... Tham nhũng mà bảo là nhẹ à? Riêng cái tội tham nhũng thì hình phạt ở “ dưới này ” tối thiểu cũng là 200 năm gánh nước giếng này đổ sang giếng kia!
  Tôi lại thấy ngươi mình nổi da gà, thầm nghĩ “dưới ấy chắc phải có nhiều giếng lắm”. Và thương cho cô, dì, chú bác nội ngoại nhà tôi…
  - Hình phạt tối thiểu là 200 năm…ai mà sống lại được qua cái kì hạn dai dẳng ấy!?
  - Ta nhắc lại với nhà ngươi là: Ở dưới âm phủ,không ai được chết! Không có sự chết chóc nào cả,không được chết!
Nếu những lời ông Diêm Vương “đời mới” này vừa nói là sự thật thì…hỡi ôi! Bi kịch cho đời rồi! Để lấy lại chút tình cảm với Diêm Vương,tôi dịu dàng hỏi:
  - Ông cần óc tử thi làm gì?
  - Để phân tích trong một cỗ máy hiện đại mà cả loài người phàm tục các ngươi chưa hề có. Chỉ cần bỏ một gam óc vào máy,sau một phút,ta đã có một bản tuờng trình về người có bộ óc đó.
  - Tôi tưởng ông có phép thuật thì cần gì đến máy móc?
  - Ta không hể có phép thuật mà chỉ có lòng nhân đạo và sự công bằng! Cái đó ở dưới “Âm quốc” còn quí hơn cả phép thuật.
  - Như vậy,nếu không có óc tử thi,dù chỉ một gam, ông không thể hiểu nổi những người trên dương thế tốt xấu  ra sao?
  - Đúng như vậy! Ta đành chịu bó tay không phân xử được. Những loại người “xuống đây” không còn óc đó ta phải để riêng ra “khu chờ” cùng với những người tuy còn óc,nhưng với loại óc ấy thì máy móc của ta dù có hiện đại cũng không thể phân tích nổi. Trần thế các ngươi gọi là “óc bã đậu”. Ta gặp ngươi đêm nay cũng vì điều đó.
…Vô tình,tôi đã khám phá ra một điềi bí mật vô cùng quan trọng của “Âm Phủ”. Tôi cảm thấy sung sướng và hả dạ,vì cả nhân loại thực tại này chỉ mình tôi biết. Cái điều đơn giản đến ngớ ngẩn mà hàng tỉ người không biết! Tôi phải tìm cách mà tận dụng nó…Bỗng như có tiếng đập cửa uỳnh uỵch…rồi nhận ra tiếng cô em gái. Tôi vội mở cửa. Vẻ mặt tái dại,hơi thở hổn hển và đôi mắt đỏ ngầu của nó làm tôi giật mình khi nghĩ đến bố tôi ốm nặng đang nằm trong bệnh viện.
  - Bố vừa đột ngột chết rồi anh ơi!...
Vừa nói hết câu,nó đã thảm thiết gào lên những âm thanh hoang dại…rồi nó biến đi như chưa bao giờ xuất hiện.
  - Trời!...
Tôi đau đớn thốt lên,cổ nghẹn lại. Tôi thương bố vô cùng. Mới ở cái tuổi ấy mà ông đã vội vã ra đi. Tôi nghĩ đến bố tôi…Và Chợt nhớ đến những giây phút gặp Diêm Vương vừa qua…Tôi bỗng cảm thấy đã xảy ra một sự ngẫu nhiên đến khó tin ập đến với tôi. Phải chăng,số mệnh đã có nhã ý dành cho tôi lần báo hiếu cuối cùng!?
Một ý nghĩ lóe lên trong óc tôi nhanh như tia chớp: “ Phải thay óc cho bố!”  Ở cương vị cúa tôi,công việc này hoàn toàn có thể thực hiện dễ dàng bởi vì tử thi lúc nào cũng sẵn trong nhà xác. Nhưng…thay bằng óc của ai?..biết người đó lúc sống có trong sạch và đẹp đẽ hay không? Trời ơi! Thời buổi này biết tìm đâu ra một tử thi có bộ óc trong sạch bây giờ?...Hay là tìm hiểu qua bệnh án và lí lịch? Không được rồi…ai dại gì “thổ lộ” những điều ám muội ra chứ!...Tôi như mê đi trong đau xót,quằn quoại bởi suy tư. Nhưng bằng giá nào cũng phải thay được óc cho bố…nhưng, óc của ai bây giờ? Óc của tử thi nào mà dĩ vãng phải sống trong sạch,liêm khiết,thanh tao?...Tôi chợt nhìn lên tường: Một bức tranh “Hài Đồng” …tim tôi như ngừng đập bởi phát hiện tuyệt vời này. Chỉ cần nhìn vào ánh mắt và nụ cười của đứa trẻ thôi,thì những người dù khó tính nhất cũng phải bị khuất phục bởi tính cách hoàn hảo của nó. Quanh đầu đứa trẻ như đang phát ra những ánh hào quang rực rỡ nhất của loài người.
°
°
…Tôi run rẩy tháo đôi găng tay cao su quen thuộc, nhớp nhúa những tinh thể màu trắng của óc trẻ thơ Và những lổn nhổn,lầy nhầy màu xám nhạt óc người già. Công việc trao đổi óc tử thi đã hoàn tất. Tôi lẩm nhẩm khấn vong hồn đứa trẻ xa lạ: “ Thôi,em sống khôn chết thiêng hãy tha thứ cho anh. Đây là công việc bất đắc dĩ anh phải làm…Nếu em rơi vào hoàn cảnh này,chắc em cũng phải làm như vậy!”.
Nhìn bộ mặt vàng như sáp,với vóc dáng gầy guộc của bố tôi đang thanh thản nằm. Tôi lại hình dung ra cảnh (nếu tôi chưa kịp thay óc) Bố phải quằn vai gánh nước giếng này đổ sang giếng khác…hàng ngàn năm dưới âm phủ chắc sẽ là hình phạt khủng khiếp nhất mà bố tôi phải chịu. Bố ơi!...yên tâm rồi bố nhé…dù bố có khôn khéo đến mấy,có nhiều “tầng” che chở đến mấy,có bào chữa uyên bác đến thế nào đi chăng nữa thì bố cũng chỉ che đậy nổi trên dương thế phàm tục này thôi. Chứ xuống dưới âm Phủ,bố làm sao giấu được cái cỗ máy tinh vi đến rợn người của Diêm Vương! Bây giờ,bố đã có bộ óc của trẻ thơ này,bố sẽ nhanh chóng được đầu thai kiếp khác.
…Rồi cảnh vắng lặng của nhà xác…bỗng biến thành ảo ảnh của nghĩa trang một buổi chiều ảm đạm…một mình tôi quì trước nấm mồ mới đắp…khói hương bốc lên nghi ngút…mặt trời đã lặn,chỉ còn để lại cho bầu trời một quầng mây bầm máu ngầu bọt…Từng cơn gió lạnh như những mũi kim vô hình xăm vào da thịt buốt nhói…Gió lay động những hàng cây đã trút hết những lá vàng trông thảm hại như những bộ xương người… Tôi bỗng giật mình cảm thấy cô đơn trên cõi sống này,và tuyệt vọng thét lên: “ Khi ta chết…ai là người thay óc cho ta!”
…Tôi choàng tỉnh vì tiếng chuông đồng hồ hối thúc.
Ồ!...Hóa ra tôi nằm mơ. Chỉ là mơ sao? Trong tôi bỗng bừng lên một khát vọng:
  “ước gì mọi người trên thế gian này…chỉ một lần trong đời được mơ như tôi!”
Hàng Giầy tháng 12…

Xem Tiếp: ----