chương 3

Khí trời oi nồng, khó chịu. Vừa tắm xong đã lấm tấm mồ hôi. Nguyễn Công Trứ lấy tay vuốt mồ hôi đang rịn ra trên vồng ngực trai trẻ, rồi đứng dậy bước ra sân mong đón ngọn gió của trời đêm.
Trăng thượng tuần như vệt mày bạc treo lơ lửng trên nền trời sâu thẳm. Nguyễn Công Trứ ngả người trên chiếc võng tre mắc ở đầu hè, nhìn cây khế đứng thù lù như muốn tập trung tinh lực lắng nghe tiếng côn trùng rả rích.
Từ ngày thân phụ qua đời, Nguyễn Công Trứ thấy nhà trống vắng hơn và trách nhiệm làm người của ông cũng nặng nề hơn. Trăm dâu đổ đầu tằm. Cha mẹ chỉ có mỗi mình ông, thì biết than với ai. Cái ngông nghênh thành nết cũng từ chỗ "hũ mắm treo đầu giàn" này mà ra. Chiến tranh, loạn lạc và cái đói luôn rình rập mọi nhà, mọi người, nhưng ông vẫn được cơm no áo ấm, vẫn được học hành. Bây giờ nghĩ lại, ông mới thấy thương cha thương mẹ. Thì ra, cha ông có nỗi khổ tâm mà ông nào hay biết. Tiến vi quan, thối vi sư, cha ông được vậy là tốt là hay. Ý nghĩ ấy của ông đúng là nông cạn, trẻ con hết sức. Khi được làm chồng làm cha, đúng hơn khi được làm cha, Nguyễn Công Trứ mới biết cảnh nhà túng quẫn.
No thời ra bụt, đói ra ma,
Chẳng lạ nhân tình đất kẻ ta.
Khôn khéo chẳng qua thằng có của,
Yêu vì đâu đến đứa không nhà.
Ở đời mới biết cùng thời dễ,
Muôn sự cho hay nhịn cũng qua.
Cơ tạo có đi thời có lại,
Vạch vôi lấy đó mãi ru mà.
Phụ thân ông khẽ vuốt râu, lắc đầu:
- Tố hoạn nạn hành hồ hoạn nạn (Gặp cảnh hoạn nạn thì xử sự cho hợp cảnh hoạn nạn). Nhưng đói cho sạch, rách cho thơm. Đời người không mấy ai không trải qua những cơn hoạn nạn, và mỗi lần ta vượt qua là mỗi lần ta lớn khôn thêm. Đã là người, nhất là kẻ sĩ đừng để cái nghèo làm cho hèn người, đừng để cái giàu sang làm hỏng nhân cách. Thầy già rồi, nhưng anh chưa nên người là cái lỗi ở thầy, song lực bất tòng tâm.
Thân phụ ông nén tiếng thở dài, dõi nhìn vào cõi xa xăm nào đó, rồi nói tiếp:
- Kể ra, anh cũng đã đủ lông cánh, đủ sức bay nhảy với đời. Dòng họ nhà này chỉ còn trông cậy vào anh. Phúc hay họa do anh quyết định lấy.
Ông Nguyễn Công Tấn đưa tay vuốt chòm râu bạc, nhẹ bước ra ngoài, miệng ngâm khe khẽ:
Thử địa biệt Yên Đan,
Tráng sĩ phát xung quan.
Tích thời nhân dĩ một,
Kim nhật thủy do hàn.
(Đất này biệt chú Yên Đan,
Tóc anh tráng sĩ tức gan dựng đầu.
Người xưa nay đã đi đâu,
Lạnh lùng sông nước cơn sầu chưa tan)
Thơ Lạc Tân Vương – Tản Đà dịch
Nguyễn Công Trứ thấy thân phụ nói không mấy sai, nhưng đã mấy ai làm được gì giữa thời buổi loạn ly này. Nguyễn Công Trứ rất tin vào bản thân và không mấy nôn nóng trên đường hoạn lộ. Ông không thể bì với thân phụ, hai mươi tuổi đã đỗ đầu Hương cống, hết làm Giáo thụ phủ Anh Sơn, đến tri huyện Quỳnh Lôi, rồi Tri phủ Tiên Hưng (Thái Bình), thăng Tham tán Sơn Nam. Cuộc đời của thân phụ ông những tưởng thẳng đường mà tiến bởi tài năng và đức độ. Nhưng cuộc đời đâu có đơn giản như bấm đốt ngón tay.

*

Chúa Trịnh ngày càng quá quắt và nạn kiêu binh càng làm cho dân tình thêm thống khổ. Vận nước đã đến hồi mạt rồi ư? Buồn chỉ để buồn chớ làm được gì hơn, ngoài những đêm thức trắng thở vắn than dài. Trai trung không thờ hai chúa, Gái chính chuyên không lấy hai chồng. Nguyễn Công Tấn gắng giữ đạo thần tử, thể hiện qua việc chăn dắt dân lành, còn mọi việc tới đâu hay tới đó, chớ ở đời chẳng ai bẻ nạng chống trời.
Năm Bính Ngọ (1786), nhà Tây Sơn từ phương Nam tiến quân ra phù Lê diệt Trịnh. Thực tâm, ông không mấy tin và đã lo sợ. Bởi quân nhà Tây Sơn đi tới đâu, quân tướng chúa Trịnh bỏ chạy tới đó. Mạnh ai nấy chạy, mong được thoát thân. Những tướng gọi là tài như Trịnh Tự Quyền, Đích Tích Nhưỡng... đều vứt cả thuyền bè, binh khí tháo chạy tán loạn, để chẳng mấy ngày quân Tây Sơn chiếm cả Thăng Long.
Chúa Trịnh Khải tự vận vì quân mình phản bội.
Đúng là vận nước đã hết!
Nhìn đứa con trai mới lên chín, Nguyễn Công Tấn muốn ứa nước mắt. Thương quá! Rủi thời gặp phải bề gì... Nguyễn Công Tấn không dám nghĩ tiếp, phó mặc cho số mệnh.

*

Tin Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ kết hôn với Công chúa Ngọc Hân rồi rút quân về lại phương Nam, Nguyễn Công Tấn chay tịnh bảy ngày, đặt bàn hương án ra trước sân tạ ơn trời đất. Cơ đồ nhà Lê chắc từ đây rạng rỡ, không còn nạn phủ chúa chuyên quyền. Đúng là ông trời có mắt. Nhưng tốt nhất, chẳng nên trách ai. Có khi đó là cái nghiệp mà con cháu nhà Lê phải trả. Ông sung sướng ra mặt và thấy đời đáng yêu hơn.
"Tôi nghe ngày xưa đức Thái Tổ mở mang ra nước Nam Việt, công đức như trời. Tôi tuy ở xa khuất tại miền biển phương Nam, song cũng là đất của đức Thái Tổ khai thác. Tôi vì giận kẻ cường thần hiếp chế nhà vua, nên phải làm việc tôn phò. Nếu là đất của họ Trịnh, một tấc tôi cũng không để; còn đất của nhà Lê, thì một tấc tôi cũng không dám lấy. Tôi nghĩ rằng, nước ta đây mới dẹp yên, còn nhiều việc cần phải sửa sang, vì vậy tôi phải ra để giúp đỡ nhà vua. Sau khi bốn phương đã phẳng lặng, anh em tôi lại xin rút về nước. Bây giờ chỉ mong nhà vua chấn chỉnh giường mối triều đình, cùng nước tôi đời đời kết nghĩa láng giềng, như thế là phúc cho cả hai nước vậy" (Hoàng Lê nhất thống chí, Nxb Văn học, H, 1987, trang 153).
Đã là "đất của đức Thái Tổ khai thác” mà đòi "kết nghĩa láng giềng", nghe chẳng xuôi tai. Nhưng vậy cũng là chí tình rồi. Đây chính là hồng phúc của nhà Lê. Và Nguyễn Công Tấn được cử làm Tham tán ở Sơn Nam.
Niềm vui ở những người như Nguyễn Công Tấn chưa đọng được bao lâu, thì mọi việc lại trở về với bài bản cũ. Vua Lê Chiêu Thống bất tài để cho các quan trong triều kết bè kết cánh. Họ buộc vua Lê Chiêu Thống rước Trịnh Bồng về phong làm An Đô vương. Và cung vua phủ chúa lại tiếp tục làm khổ nhân dân.
Điều Nguyễn Công Tấn suy đoán chẳng sai là bao. Vua Lê Chiêu Thống bí mật cho mời Nguyễn Hữu Chỉnh ra diệt Trịnh Bồng. Nhưng xong việc, Nguyễn Hữu Chỉnh quay lại chống Tây Sơn, muốn trở thành thứ nhà Trịnh thứ hai.
Đúng là loạn lạc!
"Ngồi trong trướng" Nguyễn Công Tấn âm thầm theo dõi thời cuộc và được biết, sở dĩ Nguyễn Hữu Chỉnh có hành động nghịch đạo như vậy chẳng qua tin vào lời xưa: "Hổ tự tây sơn xuất. Long tòng đông hải lai” (Hổ từ núi phía tây ra. Rồng từ biển đông đến). Chỉnh là người Đông Hải, anh em Nguyễn Huệ là người Tây Sơn, nên Chỉnh lấy làm đắc ý "tuân theo mệnh trời".
Nguyễn Hữu Chỉnh hí hửng chưa lâu, thì Tây Sơn đem quân bắc phạt. Tiết chế quận Nhậm (Vũ Văn Nhậm) tấn công như vũ bão, bắt giết cha con Nguyễn Hữu Chỉnh tại Mộc Sơn (Yên Thế – Hà Bắc). Vua Lê sợ quá, chạy về Hưng Hóa và trước đó đã sai nội thị Trường phái hầu Lê Quýnh bảo vệ Hoàng thái hậu, hoàng phi và "phù ấn bảo quốc" lên Lạng Sơn. Thái hậu đem nguyên tờ sắc phong và bảo ấn theo đường trạm chạy sang Tàu tâu lên triều đình nhà Thanh.
Vua Càn Long (nhà Thanh) sai Tuần phủ sứ Tôn Sĩ Nghị dẫn hai mươi vạn quân thu phục Thăng Long, lập vua nối ngôi. Vua Chiêu Thống được nhà Thanh phong làm An Nam Việt quốc vương. Nhà vua hạ chiếu kêu gọi mọi tầng lớp quan lại, dân chúng đứng lên diệt quân Tây Sơn.
Hưởng ứng chiếu Cần vương, Nguyễn Công Tấn được phong Đức Ngạn hầu. Ân tứ ấy lớn lắm. Nguyễn Công Tấn hi vọng lần này sẽ có dịp thể hiện rõ hơn đạo vua tôi để đền đáp ơn vua lộc nước. Nguyễn Công Tấn lo tích lương, luyện tập quân sĩ, sửa sang thành lũy phòng khi bất trắc. Thế rồi, tin tức hàng ngày đưa đến, Nguyễn Công Tấn càng lo, bởi toàn những tin chẳng tốt lành gì cho đại cuộc. Quân Tàu thì nghênh ngang cướp bóc, hãm hại dân lành. Vua tôi nhà Lê từ việc lớn tới việc nhỏ đều xin phép Tôn Sĩ Nghị. Nhục nhất, theo ông vẫn là việc những công văn, giấy tờ mà tất cả quan lại phải qùy xuống tiếp chỉ đều được ghi niên hiệu Càn Long. Vua hèn đã đành, bởi đó là việc của vua, chớ những người như ông cũng hèn nữa sao?
Nam quốc sơn hà nam đế cư, Tiệt nhiên định phận tại thiên thư (Nước Nam sẵn có vua rồi, Đã định rành rành ở sách trời). Từ xa xưa, Lý Thường Kiệt đã nói vậy rồi, hà cớ gì phải qùy lạy, cúi đầu trước niên hiệu Càn Long? Mà nói chi đâu xa. Mưu thần Nguyễn Trãi của Đức Cao hoàng Lê Lợi cũng đã dạy: "Nhớ Đại Việt ta từ trước, Thật là một nước văn hiến. Bờ cõi sông núi đã riêng, Phong tục Bắc, Nam cũng khác. Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước, Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đều chủ một phương. Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, Mà hào kiệt không bao giờ thiếu".
Ông cha như thế, chẳng lẽ con cháu không học được mảy may? Cơ đồ nhà Lê chắc kết thúc bởi kẻ cõng rắn cắn gà nhà, rước voi giày mả tổ. Lịch sử bao đời đã chứng minh điều ấy. Và trong lòng Nguyễn Công Tấn dấy lên những nỗi niềm không biết tỏ cùng ai. Trung quân, ái quốc ngó thế mà có lúc không dễ gì vẹn cả đôi đường. Nguyễn Công Tấn nhớ lại trong Kinh Thi có chép rằng: "Vua Thành Thang khi khởi cuộc chinh phạt (chống vua Kiệt), trước hết chiếm đất Cát. Thiên hạ đều tin tưởng Ngài. Ngài đương chinh phục miền Đông thì đoàn rợ Di miền Tây phiền trách, tới chừng Ngài chinh phục miền Nam thì đoàn rợ Địch miền Bắc phiền trách. Họ trách rằng: Sao Ngài chẳng đến sớm nước ta. Dân chúng khắp thiên hạ mong chờ Ngài đến, như lúc trời hạn người ta không cho thấy mây và mống trời. Đến chừng Ngài kéo binh vào xứ họ, họ vẫn tự nhiên chẳng sợ sệt gì cả: Người đi chợ vẫn đi, người đương cày vẫn cày. Ngài giết những vị vua hôn bạo mà giải cứu cho nhân dân. Bá tánh đều mừng rỡ, dường như được mưa tuôn phải lúc”. Và ông sẽ làm gì, nếu những điều ông suy nghĩ trở thành sự thật? Nguyễn Công Tấn cứ thở vắn than dài khi chỉ có một mình trước ngọn đèn đêm. Ông biết quyết định vội vàng trong lúc này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nhân cách của đứa con trai mà vợ chồng ông đã đặt hết niềm tin vào nó.
Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi, lấy hiệu Quang Trung, tiến quân ra Bắc. Dân chúng đất Bắc nói chung, Thái Bình, Sơn Nam nói riêng hầu như nô nức đón chờ. Và Nguyễn Công Tấn càng thấm thía lời dạy của mưu thần Nguyễn Trãi: Lật thuyền mới thấy dân như nước. Rõ ràng là chuyện Cần vương mà lâu nay ông khuyến dụ chẳng qua người người qúi ông mà vâng vâng dạ dạ, chứ thực ra lòng dân chẳng còn ai tin vào ông vua hèn, bầy tôi nhược.
Mạch suy nghĩ của Nguyễn Công Tấn dường như chưa dứt, thì đại quân của người anh hùng áo vải Tây Sơn giành hết thắng lợi này tới thắng lợi khác. Mấy chục vạn quân Thanh, kể cả Tuần phủ sứ Tôn Sĩ Nghị bỏ cả ấn tín trốn chạy về Tàu. Những bậc hiền giả cao minh ông hằng kính trọng như La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Nguyễn Nễ, Bùi Dương Lịch, Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích, v.v... sớm về với Tây Sơn. Ai cũng có cái lý cho riêng mình, nên ông chẳng trách buồn ai. Khi nghe bài chiếu Dụ cựu triều văn võ của Quang Trung: "Những người bị tù đều nhất loạt được tha. Những người trốn tránh đều không truy nã" thì Nguyễn Công Tấn cho rằng, đó là phép an dân, chẳng có gì cao minh cả. Quan trọng là thời gian. Hễ trước sau như một mới là bậc quân tử, đúng là kẻ thấm nhuần đạo thánh hiền. Thánh nhơn đã dạy: Quân tử đạo giả tam: nhân giả bất ưu, trí giả bất hoặc, dũng giả bất cụ (Đạo quân tử có ba điều: có nhân tức chẳng lo rầu, có trí tức chẳng lầm lạc, có dũng tức chẳng sợ sệt). Ông sẽ coi. Sống ỡ thác về, chẳng có gì phải lo sợ. Cùng lắm, ông sẽ hành động như Đức Khổng tử, chống gậy hát ngêu ngao: Thái Sơn kỳ đồi hồ, lương mộc kỳ hoại hồ, triết nhân kỳ suy hồ (Ôi non Thái bạt ngàn, lương mộc nát tan, triết nhân suy tàn). Nhưng trong thâm tâm, ông muốn nước nhà ổn định để đứa con trai của ông có điều kiện giúp ích cho đời. Cái tài của cậu Củng nhà ông sớm lộ rõ. Song với ông, cái đức mới là quan trọng. Đức thắng tài vi quân tử. Tài thắng đức vi tiểu nhân. Và đó là bổn phận của ông, của người cha biết lo cho tương lai con cái.
Và Nguyễn Công Tấn đã dốc hết kinh nghiệm ở đời, lẫn chữ nghĩa cho con. Nguyễn Công Tấn cố quên nhà Lê, nhưng mùa đông năm Qúi Sửu (tháng 10, Cảnh Thịnh thứ 1, 1793) được tin vua Chiêu Thống băng hà nơi đất khách, ông đã khóc. Có người cho ông biết, gia đồng của Phạm Như Tùng và Lê Huy Vượng có công khó nhọc với vua, nên được nhận làm con nuôi, đặt tên là Duy Khang. Trước giờ lâm chung, vua Chiêu Thống có di mệnh với các bề tôi và Duy Khang rằng: "Gặp khi vận nhà suy kém, không thể liều chết để giữ xã tắc, phải chạy sang đất người để khôi phục. Không ngờ lại bị người lừa dối để đến nỗi như thế này, không còn biết làm sao được. Ngày sau, các người trở về nước nhà được, nhất thiết phải mang nắm xương tàn của ta về chôn ở nước nhà để làm cho chí của ta được rõ".
Đúng là đức nhà Lê đã hết, và biết đến bao giờ, rồi ai là người thực hiện được cái chí nhỏ nhoi của vị vua cuối cùng triều Lê? Ôi, chỉ chút đớn hèn mà trở thành kiếp ăn nhờ ở đậu... Bệ hạ ơi... Nguyễn Công Tấn gục đầu xuống bàn, nén tiếng khóc mà nước mắt cứ đổ, đôi vai già cứ rung...
Nắm xương tàn về quê cha đất tổ là đúng rồi, bởi cáo chết ba năm còn quay đầu về núi huống gì con người, nhưng "chí" gì được tỏ? Chẳng có chí gì cả, bệ hạ ơi! Con không được trách cha. Bề tôi không được trách thiên tử. Nhưng... vua hèn thì tôi nhục. Cũng là cái chết, nhưng có cái chết mà không chết, còn bệ hạ thì đã chết trong lòng mọi người từ khi bỏ nước ra đi. Thần khóc chưa hẳn đã khóc cho bệ hạ mà khóc cho đức của nhà Lê ta kiệt. Nếu cõi âm có thật, thần không biết bệ hạ, thậm chí cả hạ thần ăn nói làm sao với liệt tổ liệt tông...
Nguyễn Công Tấn mệt mỏi đứng dậy, từ từ đi lại bàn thờ đốt nắm nhang ra vái tứ phương.

*

Gà đã gáy sang canh, Nguyễn Công Trứ giật mình mới hay mình đã khóc. Nguyễn Công Trứ tự trách mình quá vô tâm vô tình để khi hiểu được cha thì cha đã ra người thiên cổ. Ông vùng dậy, quay vào thư phòng, khêu ngọn đèn dầu lạc, vung bút một hơi, rồi ngâm lên sang sảng như bao lần đọc trước mặt cha:
Vũ trụ chức phận nội,
Đấng trượng phu một túi kinh luân.
Thượng vị đức, hạ vị dân,
Sắp hai chữ "quân, thân" mà gánh vác.
Có trung hiếu nên đứng trong trời đất,
Không công danh thời nát với cỏ cây.
Chí tang bồng hồ thỉ dạ nào khuây,
Phải hăm hở ra tài kinh tế.
Người thế giả nợ đời là thế,
Của đồng lần thiên hạ tiêu chung.
Riêng nhau hai chữ anh hùng.
Khí phách lắm, hào hùng lắm và cũng... chững chạc lắm lắm! Nguyễn Công Trứ tưởng chừng như thân phụ đang mỉm cười, bằng lòng với chí định của con mình.
Bên ngoài, tiếng học bài của con, tiếng lợn trong chuồng đòi ăn và tiếng vo gạo của vợ... báo hiệu ngày mới đã về