Tặng em Nguyễn Chiến Thắng Xe tôi lướt trên đường phố như bị ma đuổi, đằng sau là người bạn gái ôm đứa con nhỏ độ bốn, năm tuổi đang vùng vẫy thét gào. Chị phải ôm ghì nó vào ngực tỳ chặt nó vào lưng tôi, hai tay chị nắm lấy hai cổ tay nó cho đứa trẻ khỏi vùng vẫy cấu cào. Phố hàng Bột đông nghẹt người qua lại, tôi cứ phải luồn lách phi đến thục mạng. Cái tiếng khóc nhỏ nhoi, khàn khàn vì la hét vùng vẫy cứ ngoằn ngoèo trải dài trên đường phố. Không đi đằng này – nó cứ vùng vẫy và gào lên như thế. Được rồi không đi đằng này, anh rẽ đi – chị bảo tôi. Mẹ nó cố dụ dỗ bằng cách rẽ đi lối khác mà nó không biết, nhưng nó vẫn hiểu là mọi con đường đều đưa nó đến bà ngoại, mà ở đấy thì nó thấy buồn chán biết nhường nào. Ở nhà ngoại không có mẹ, chỉ có mình bà và bao thứ đồ đạc nhếch nhác, hôi hám đến buồn tẻ. Nó cứ phải ngồi trên chiếc giường duy nhất trong căn buồng tối sẫm vì thiếu ánh sáng. Nó cứ phải ngồi như thế đã từ lâu lắm rồi, trên chiếc giường ấy. Mọi thứ trong trái tim nó dường như đã bị héo đi khi còn thơ dại, ở với bà, là ăn đúng bữa và ngồi một chỗ, chỉ được phép nghịch ngợm trong khuôn khổ manh chiếu mà thôi, bọn trẻ cùng lứa, chẳng có đứa nào, nên con bé cứ gầy còm đi trông thấy. Nỗi nhớ đang thiêu đốt trái tim nó từng giờ, từng khắc trong đời, tính tình con bé cứ dần dần trở lên bẳn gắt và hung hãn làm sao, nó sẵn sàng hỗn láo và hằn học với tất cả mọi người khi mới gặp, có thể vì sợ họ sẽ lại lôi mẹ đi xa nó. Cuộc đời nó chỉ có mẹ và nó yêu mẹ biết nhường nào. Bố chết từ khi nó còn chưa mở mắt, cả cuộc đời nó chỉ có mẹ và mẹ là tất cả những gì nó có trên đời. Nó có một anh, một chị, nhưng cả hai đều không mặn nồng với em, có lẽ vì nó chiếm nhiều tình cảm trong lòng mẹ quá, choán cả chỗ của người khác nên sự lơ là của lũ trẻ cũng có lẽ, mà trẻ con xưa nay thì vẫn vậy, chúng muốn chia mẹ mình thành từng phần đều nhau dù rằng không thể nhưng chúng vẫn ao ước như thế. Một người phụ nữ chồng chết, phải loay hoay với ba đứa con nhỏ mà xoay sở vật lộn trong cõi đời này kiếm miếng ăn cho cả gia đình thì cơ khổ xiết bao. Việc gì chị ta cũng làm, từ hầu bàn, đến gội đầu, xoa bóp, bấm huyệt việc gì cũng được, miễn là ra tiền, nên thường cả tuần chị mới về ngoại thăm con được. Vừa là tiếp tế lương thực, vừa là trang trải nỗi nhớ mẹ con. Và cứ mỗi tuần như thế, mẹ nó cứ như bà tiên hiện về trong tâm tưởng, nó ôm ghì lấy mẹ và biết bao là thương nhớ và trách móc như nước chảy cứ tràn vào lòng mẹ, có lẽ đến cả ngày vẫn chưa hết được bao chuyện mà nó tấm tức trong lòng. Nó chẳng rời mẹ lấy nửa bước, trong bữa nó ăn nhiều hẳn lên, nó kêu thèm bánh nọ, kẹo kia và chẳng quên nỗi ao ước là hộp bút chì màu và cái váy mới như lũ trẻ thường mặc mà nó nhìn thấy. Mẹ ạ! cái váy phải xoè ra như thế này - Tay nó dang ra làm cữ - Phải có cái nơ và nhiều chấm hoa xanh đỏ – Những búp tay nhỏ xíu như muốn tô vẽ lên một chiếc váy mà nó thường ấp ủ trong lòng. Được rồi, mẹ sẽ để dành tiền mua váy cho con, nhưng con ở với bà phải thật ngoan – Một nỗi trống rỗng trong mắt nó - Bên mâm cơm nó nép vào lòng mẹ, thời khắc của sự xa cách như rũ bỏ trong nó bao nỗi ao ước trong lòng. Thời gian hiện sinh từ buổi đầu của mọi kiếp sống, nó hiện diện từ lúc đứa trẻ chào đời cho đến ngày thấm khổ, và khi đã thấm khổ nó sẽ bắt đầu suy nghĩ về thời gian. Thời gian của đứa trẻ thơ sắp xa mẹ dường như đang hiện dần lên trong nó, nỗi trống vắng mơ hồ tràn ngập nỗi lòng trẻ nhỏ, trào dâng trong đôi mắt ngây thơ. Thời khắc này, hình ảnh ấy, sẽ chứa đựng trong lòng người mẹ khi vật lộn với đời, và cái lẽ bao người mẹ phải sống mãi để trả lại niềm vui và tình yêu cho những đôi mắt ấy. Tôi nhớ mãi về ngày tết vừa qua, trời rất lạnh, con bé phong phanh trong bộ váy mới – Tôi chợt rùng mình vì thấy lạnh, nhưng tôi hiểu dù lạnh nhưng nó sẽ dứt khoát không mặc thêm chút đồ cũ nào – Nó muốn khoe trước mọi người về món quà năm mới mà mẹ nó tặng. Nỗi buốt giá của cái nghèo còn thao thức trên từng thân xác, nó chẳng còn là sự hãi sợ nhưng nó là điều thách thức trong trái tim người mẹ. Tiếng khóc trẻ thơ làm trái tim ta cảm nhận một nỗi bầm dập đâu đó trong tâm hồn, có thể nhỏ bé thôi nhưng tấm lòng người mẹ đớn đau đến thế… họ phải giằn lòng xuống - giằn cho tới đáy của mọi nỗi khổ đau mà vực lên sự sống. Có lẽ đó là sứ mệnh của tấm lòng người mẹ. Cái tiếng khóc khản tiếng hôm nay - trên đường phố này, len lỏi giữa muôn dòng xe cộ, cái tiếng khóc như đeo bám lấy đời mà hờn, mà oán. Mẹ cố ôm ghì lấy nó như muốn nhận về mình mọi nỗi khổ đau, nhưng trái tim nó đã sẵn sàng gánh chịu, nó đòi lại tuổi thơ dại đã mất và tình yêu của mẹ trong đời. Tôi hoảng loạn như kẻ bắt cóc trẻ con, tay vít ga rồ máy như cố phóng ra khỏi cõi đời khốn khổ, sau lưng tôi con bé dữ dội thét gào… - Phải dừng lại thôi em? - Không dừng được đâu, dừng lại thì không ai dỗ nổi nó nữa. Càng đến gần nhà ngoại, con bé càng trở lên hung dữ, những ngón tay nhỏ xíu cào cấu vào lưng tôi, miệng gào lên đến khản đặc: - Không đi đường này. - Trong điên cuồng nó cắn vào lưng tôi, hai hàm răng thù hận như xiết chặt lấy da thịt, như nỗi đau đớn của loài thú cùng đường. Xe đến gần nhà ngoại, tôi dừng lại bên hàng nước đứng chờ, ôm ghì lấy nó trong tiếng thét gào hoảng loạn: - Mẹ còn phải đi làm, cuối tuần mẹ về – Mẹ nó gào lên trong cơ khổ, và lời dỗ dành ấy cứ xa dần khuất sâu trong ngõ nhỏ. Tôi mệt lả ngồi lặng trong quán nước, tay chân run run rã rời, cả thế giới dường như tan đi trong đau đớn, nhìn đồng hồ điện thoại – chắc giờ đây cháu nội tôi đang hờn khóc tìm người bồng bế và kia rồi cô bạn tôi đang hớt hải chạy ngược ra đầu ngõ, trong mắt chị còn ngập đầy nước mắt, gương mặt nhạt nhoà lặng lẽ quay đi cố chôn dấu biết bao điều đau khổ: - Đi đi anh không con cún ở nhà nó khóc. Nhìn chị tôi chợt nhớ đến câu cửa miệng mà cõi đời hay dùng “Phụ nữ ba đảm đang”. Một câu nói vô nghĩa và đau đớn đến thế, bao bà mẹ phải phó mặc con mình cho tiếng khóc ru quên mà đằm mình trong nỗi đau trần thế. Tại sao họ không cận kề bên lũ trẻ mà vỗ dậy cõi đời vì bổn phận của họ xưa nay là thế, người phụ nữ phải lo toan việc cửa nhà, sinh nở và nuôi con, trong xã hội loài người đó là một công việc lớn lao không hề nhỏ, nó dường như là một nửa gánh nặng gia đình và tại sao họ lại phải “Lo việc nước, đảm việc nhà”, câu nói trên đã cướp đi biết bao nhiêu hạnh phúc trong đời con trẻ. Người phụ nữ phải làm lụng như đàn ông, sinh nở và nuôi con, và tiếng khóc trẻ thơ cất lên từ đấy. Người đàn ông không đùm bọc, nuôi dưỡng nổi gia đình mình! Đó là điều ô nhục cho cánh đàn ông trong xã hội văn minh. Cả xã hội hô hào giải phóng cho phụ nữ và tôi ngẫm: Giải phóng phụ nữ đi đâu khi họ có một gia đình và những đứa con thơ? Hãy giải phóng họ về với chính họ tồn tại bên những đứa con, người đàn ông sẽ cố gắng cho bớt nhục vì không bao bọc nổi gia đình. Chiến tranh đã kết thúc từ lâu, câu nói trên nay trở thành sáo rỗng và tàn ác làm sao! Mọi trật tự chẳng lẽ không trở về đúng chỗ cho yên bình trở lại hay sao? Bao tiếng khóc trẻ thơ từ mọi góc đời tăm tối đang cố nhoài tìm về lòng mẹ, cái nôi của nó, tình yêu của nó, tiếng khóc xé lòng vô vọng ngân lên như dấu hỏi một thời. Xe tôi trở về trong nỗi buồn tơi tả, sự im lặng như đè lên tất cả, tôi sẽ nói gì và bạn tôi sẽ nói gì. Một nỗi buồn mê sảng cứ phảng phất trên con đường trở lại. Cháu tôi sẽ vui và con chị sẽ buồn, một bàn cân luôn luôn thiên về nỗi khổ, ở đó có tiếng khóc con chị và lòng tôi thầm nhủ: Thắng ơi! nỗi đau của bạn là nỗi đau của tôi. Khi tiếng khóc trẻ thơ cất lên dằn dỗi thì tôi đèo cô bạn về đến nhà.