Lốc. Những túi ni-lon đen căng gió bay vồng lên, xoay tròn, lượn xuống sát đất rồi lại vồng lên, xoay tròn… Một vũ điệu ma quái giữa ban ngày. Người đàn bà hớt hãi chạy về phía trước, lại đột ngột vòng ngược về phía sau, vấp chân ngã chúi nhũi, lấm lem, lồm cồm bò dậy, lại chạy, lại vòng vèo… Một cơn ám sợ hoảng loạn giữa ban ngày…
Tôi nhắm mắt, mường tượng lại cảnh hoảng sợ của chị trước những cái túi đen mà rưng rưng trong lòng. Quanh đồi, gió nóng thổi khô hết cây chồi, cỏ dại, chỉ một màu vàng đến nhức mắt trải rộng. Gió kiểu này dám thổi khô cả con người, tôi lại nghĩ về chị trong lúc nhấc từng bước chân nặng nề trên con đường mòn. Đến lưng chừng đồi, tôi thả túi đồ nghề xuống định ngồi nghĩ nhưng nhổm người dậy thật nhanh vì dưới đất không biết cơ man nào là kiến. Kiến đen lúc nhúc, kiến gió xiêu xiêu, kiến lửa, kiến càng hối hả như đang dàn trận, kiến bồ nhọt cắn đuôi nhau vòng vèo dưới chân những hòn sỏi… Phủi hết kiến vừa bám trên túi đồ nghề, tôi ngạc nhiên thấy có sự bất thường trong những bước đi lũ lượt của các loài kiến, đi kiểu gì thì chúng cũng đang nhắm hướng đỉnh đồi mà trực tiến. Chợt nhớ một kinh nghiệm dân gian, tôi rùng mình, mắt tự dưng bám chặt lên ngôi nhà nhỏ gọi là Trạm khí tượng. Xương sống tôi bắt đầu dợn lạnh, tôi vụt chạy về phía trạm, sức mạnh của nỗi sợ hãi đã chiếm chỗ cơn mệt mỏi, rã rời tay chân. Tôi khom người chạy ngược cơn gió. Tôi ào vào nhà. Trống trơn. Gió thốc vài tờ báo nằm vương vãi trên nền. Không có ai. Tôi gọi chị. Tôi chụm tay lại gọi chị thật to. Tôi hú. Tôi hú thảng thốt. Vẫn không có ai trả lời. Tôi vén tấm màn vải, sựng người lại. Chị còng queo nằm đó, mắt trợn ngược. Kiến đã đen kịt dưới chân giường. Tôi cố nghĩ là chị bị bệnh, thử đưa tay gần mũi kiểm tra hơi thở, tay tôi chạm vào da thịt lạnh ngắt. Tôi bung ra khỏi nhà.
Lúc lâu sau hai tay tôi mới lập cập bấm được các phím trên chiếc điện thoại di động. Nhiều người đến, người ta lột tấm vải màn quấn xác chị khiên xuống đồi. Chỉ còn tôi trơ trọi đứng lại với quyển nhật ký của chị trên tay, quyển nhật ký bị gió hất xuống nền đất. Đứng lặng hồi lâu trong bàng hoàng, đầu óc tôi mới nảy ra ý định đọc quyển nhật ký. Tôi vuốt sạch từng chữ, những con chữ hiện dần lớp bụi màu hoàng thổ, tôi vừa vuốt vừa đọc trong nước mắt ràn rụa.
… “7 tháng 3
Loài linh vũ sinh ra từ trong tôi, chúng bò ra, vờn quanh, chẳng biết từ lúc nào, tôi thấy mình run sợ trước chúng thật sự. Loài linh vũ trườn quanh ngọn đồi, vào trong trạm, tôi đóng cửa thật chặt, chúng cứ vào được, chúng trong suốt nhưng đầy đủ hình tướng. Hằng đêm, nó rình rập ăn tuổi của tôi, ăn cả tuổi thanh xuân, tuổi tha thiết sống, tha thiết làm người của tôi. Nó gặm, nhai, ngốn ngấu từng vốc tuổi của tôi, chưa bao giờ thoả mãn, nó luôn đay nghiến, hành hạ. Tôi càng gục xuống nó càng đắc thắng. Nó là ngọn gió cõng trên lưng một xác chết hình nhân, giọng nó thì thào, hạ âm, nhưng xuyên thủng, nhưng xé nát, nhưng đâm sầm, quất rát những ngọn roi vào bến trái tim, làm tái tê, trĩu nặng lồng ngực, trĩu nặng cả thể xác lẫn tâm hồn. Dù có nhét hàng đống bông gòn vào tai, tôi vẫn phải nghe tiếng nói của chúng. Giọng nói của linh vũ u u âm âm rin rít quấn ngộp, lời nói của linh vũ phán xét, đay nghiến; tức thở. Tôi ngã quỵ từng giây một, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, hai tay tôi ôm vào ngực trái, ôm vào vết thương không hình dạng. Vết thương do linh vũ gây ra hay do tôi gây ra? Tôi cũng không còn biết nữa.
“Rít ri… iii… uuu… uuu… Hỡi lỗi lầm! Xác chết này vẫn còn tươi rói, ta mang xác này trên những bước chân của loài gió đa mang, nhưng mi, đừng bao giờ tưởng mình được an thân, mi phải luôn quay ngược vào lòng mình để mục rữa lần hồi, để ăn năn, để im lặng, chỉ có im lặng mới thật sự là bão tố. Mi không thể né tránh nếu mi còn viết lên ngực mình dòng chữ “Tôi là người”. Người ư? Một tên gọi vời vợi cao đại mà cũng mang chứa hố thẳm hoà lẫn. Khổ thân mi chưa?!
Chính ta, ta sẽ đuổi theo mi, đuổi tới nơi ẩn náu cuối cùng. Hoặc mi phải chao đảo bay cùng ta trong vô vọng hoặc tự dìm mình đến chết ngất trong đời sống mỏi mòn. Mệnh lệnh này cho hôm nay, cho ngày mai và cho khi nào mi còn viết lên ngực mình dòng chữ “Tôi là người”. Làm người, ai “biểu”mi làm thế!?…”
 
Thương xót! Chị tự kinh tởm mình, tự hành hạ mình, tự nhốt mình trong cái khung vô hình của gió, của loài linh vũ tưởng tượng, của hạ âm mơ hồ để chuộc lỗi lầm, để chuộc tội lỗi. Sống chỉ để chuộc lại tội lỗi thì đó là một cuộc hành xác, hành hạ tâm hồn mình không gì đau đớn hơn.
Nhiều lần tôi hỏi lý do chị xung phong cắm chốt nơi đèo heo hút gió này, chị trả lời vòng vo theo kiểu bệnh nghề nghiệp: “Mình bị chứng thấp khớp, rất nhạy cảm với sóng hạ âm, không ở phố được, dưới đó mình bị đau nhức suốt”. “Chị nói vậy chớ ở đây gió to cũng sinh ra những dao động hạ âm rất mạnh. Nếu chị nhạy cảm hạ âm sao không xin về dưới trạm biển mà làm thần báo bão ơn ích hơn”. Mỗi khi tôi chọc ghẹo như vậy chị chỉ cười, nụ cười của chị cũng khó thấy, tôi để ý hai mảng da sạm se nắng gió ở hai gò má chị hơi dúm dó kéo về phía mắt mà biết là chị đang cười. Hồi còn ngồi ghế nhà trường, tôi cũng có học qua tác hại của hạ âm, một loại âm thanh có tần số thấp, nếu gặp hạ âm công suất cao con người có thể bị đau nhức, rối loạn não bộ, chóng mặt, buồn chán, hoảng sợ, thậm chí là mù tạm thời hay tử vong, tôi hiểu những điều chị nói nhưng sao tôi vẫn chưa tin đó là lý do thật, hình như ở chị còn có điều gì thầm kín? Cho mãi tới lần tôi lên đồi sửa lại cái máy đo gió, những thắc mắc của tôi mới được giải đáp đôi chút…
Gió thổi như quạt lửa. Không khí ngột ngạt. Cây cỏ héo rũ, vàng xơ. Chân trời phía tây mù khô da cam. Xế nắng mà gió vẫn còn thổi như quạt lửa. Da mặt tôi hầm hập sốt. Thứ gió Lào này thật ác nghiệt, tôi đã từng “nếm mùi” gió Ô quy hồ ở cực bắc đất nước nhưng cũng chưa thấy sợ bằng thứ gió Lào ở đây, năm nay, đột nhiên chúng thổi đến hơn hai mươi ngày, một đợt kéo dài như vậy là chưa từng có. Tôi thay cặp “chén” mới, chỉnh đồng hồ cho phần đo tốc độ, cả phần áp suất, vặn lại ốc vít cho cái máy đo gió rồi ngồi quệt mồ hôi trán. Chị bưng ra một ấm chè xanh, rót cho tôi nửa ca lớn. Tôi ngửa cổ lên trời ừng ực như sắp chết khát, chị nhìn tôi nở một nụ cười, lại không thành tiếng.
-Chị ở đây một mình buồn chết!
-Già lớn rồi, buồn vui gì.
-Chị cứ nói vậy, chị trẻ chán. “Soi gương có thể thấy già, soi lòng lại thấy rất là… thanh niên”. Hi hì… Tôi tếu táo rồi cười, trong bụng cũng muốn xua tan cái cảm giác đèo heo hút gió. Thực lòng tôi rất ái ngại cho chị đêm hôm khuya khoắc, có chuyện gì thì thật nguy hiểm, nhưng nghe nói là chị trình bày với ban Giám đốc một cách tha thiết, chị tự nguyện, xung phong với lý do “nhạy cảm với sóng hạ âm” khiến ban Giám đốc mãi rồi cũng siêu lòng. Nhiều người cho chị là học nhiều quá bị “tẩu hoả nhập ma”, “bị bệnh nghề nghiệp”, “hâm hâm” nên thích ở một mình… Riêng với tôi, từ ngày đầu về cơ quan Khí Tượng, tôi đã coi chị như người chị tinh thần không thể thiếu của mình. Thường ngày, có một chị đồng nghiệp nữa ở trạm, nhưng chị này hay lấy cớ kia cớ nọ, tháng ba đau máu tháng sáu đau lưng, mà xin về chữa bệnh, thăm nhà liên tục. Tôi là lính kỹ thuật, chỉ trèo lên đây khi cần sửa chữa, còn thì chúng tôi an nhàn dưới thị trấn, thiếu đèn đường một đêm đã thấy bứt rứt huống hồ…
-Sao chị không xin về thị trấn? Một đèn một bóng vầy sao chịu nổi?
-Để làm gì? Em có bao giờ nghe được giọng nói của gió chưa? Riết rồi sinh ghiền à nghen. “Lại hạ âm”, tôi thầm nghĩ vậy, nên kéo lệch câu chuyện sang hướng “thực tế”.
-Chị cẩn thận, đêm hôm có gì thì gọi người ngay nghen. Chị dạo này xanh xao hốc hác lắm. Chị sống có vẻ chịu đựng quá, đóng kín quá kẻo héo gan héo ruột.
-Em thấy vậy à? Chị trầm ngâm một lúc rồi vừa lấy cái mũ quạt quạt vào ngực vừa nói, giọng trầm hẳn xuống, có khi phải cố lắng tai tôi mới không bị nghe câu được câu mất: “Sống ở đây… mới được nghe rõ ràng… giọng nói của gió… Chị ghiền nặng rồi. (Da mặt chị lại kéo về phía mắt, đang cười mặt chị đột ngột thừ ra, đôi mắt chất chứa một nét buồn đến u ám). Đóng kín trong thế giới nội tâm. Em nói rất phải. Nếu có thể nói một dòng nào đó về cuộc đời chị thì câu này xác đáng. Chị thường “quay vào” và rất khó khăn khi tiếp xúc mọi người, vì vậy mà bạn bè, người quen gọi chị là Mặt Đỏ, biết sao được, cái tạng mình nó vậy”.
-Em lại thích gọi là chị Hạ… Âm vì chị hay nhắc đến hạ âm. Chị là người sống nội tâm, khép kín, sâu sắc, không bù cho cái đám trời trợt phô phang dưới cơ quan.
-Tất cả đều có nguyên do, chị cũng thèm cuộc sống vô tư tươi trẻ lắm chớ, nhưng… chỉ cần khoảnh khắc nào đó, với một sai lầm trầm trọng và thế là phần còn lại của cuộc đời chúng ta chỉ để… chuộc lại lỗi lầm. Không bao giờ có chuyện an thân… Không bao giờ!
Chị Hạ Âm nói điều đó một cách nghiêm trọng, cái nghiêm trọng của một người từng trải làm cho tôi tin, trước đây, tôi cứ nghĩ nếu mình biết quên nó đi thì lỗi lầm sẽ qua, nhưng rồi nghe cái cách nghiêm trọng của chị tôi lại thấy mình ngây thơ khi nghĩ như vậy.
Câu chuyện của chị hút lấy tôi:
“…Có năm con linh vũ vô hình, năm ngọn gió sẽ đến, dằn vặt, hành hạ, dẫn chúng ta đi, xé tan nát chúng ta rồi ném từng mảnh về nơi bất định, sau một lỗi lầm trầm trọng. Nó đớp sạch tuổi tác, ước mơ, khát vọng, nó ngốn cả tâm hồn người. Còn lại gì chăng? Cái xác không hồn bần thần ra vào, ngẩn ngơ vào ra, cuộn mình vào những cơn lạnh thấu máu. Có thực thể nào ngoài con người mình không? Có và không. “Có”, chỉ là “thực- thể- bóng”, tôi tự tạo ra bằng sự chạy trốn và huyễn hoặc. “Không”, là câu trả lời lúc tôi chân thật đến trần trụi, ác nghiệt với chính mình, thường câu trả lời này càng ngân dài, trong tôi ý định hành hạ, tự trừng phạt mình càng rõ ràng hơn.
1970. Lúc ấy, gia đình tôi ở quận lỵ Hàm Tân, rất gần với Chi khu, nơi trung tâm quân sự, hành chính cấp quận trong chế độ trước. Ba má tôi sinh vỏn vẹn được hai chị em, tôi nhỏ hơn chị đến năm tuổi, chị hai mươi mốt còn tôi mười sáu. Ba tôi làm việc ở Chi Thanh Niên nên việc anh Lê trốn lính ở nhà tôi thật sự an toàn. (Không ai dám nghĩ đến việc trốn lính ở một nơi trung tâm đồn bốt như vậy nên hơn năm qua mà chẳng ai nghi ngờ gì cả). Trong nhà tôi có một ngăn gác nhỏ dùng để chứa các vật dụng cũ, thùng hộp không xài tới. Phía sau cái đống lỉnh kỉnh bụi mốc ấy là nơi chui ra chui vào của anh Lê mỗi khi có người lạ hoặc có tin bao vây lùng sục bắt lính. Theo lời ba tôi, anh chỉ trốn tạm trong khi chờ liên lạc để “thoát ly” lên vùng Xanh. Ba anh Lê và ba tôi là đôi bạn chí cốt, họ cùng là hội viên hội Văn Nghệ Sĩ, thành viên nhóm chủ trương tạp chí Biển Đen đăng tải những sáng tác thơ văn phản đối chiến tranh.
Chị tôi và anh Lê yêu nhau cả nhà tôi đều biết, cả tôi cũng biết điều đó. Họ suốt ngày quấn riết lấy nhau như hình với bóng, lúc thì nói chuyện văn chương, khi lại tranh luận triết học, lý tưởng, khi thì chỉ ngồi ngắm nhau đăm đắm. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp họ ôm hôn nhau rất lâu, sau những bắt gặp kiểu ấy bao giờ tôi cũng nổi cáu suốt cả ngày, tôi vặt đầu cả những đoá hoa vô tội bên hiên nhà. Nhưng có một lần, tự dưng tôi thấy tâm hồn mình bị thương tổn nặng nề đến không thể nào chịu nổi…
Ban ngày, ba mẹ tôi đều đi làm, tôi đi học, nhà chỉ còn hai anh chị với nhau. Hôm ấy, thầy dạy môn văn của tôi bị “tổng động lùa” ra chiến trường, chưa có thầy khác thay thế nên chúng tôi được nghỉ hai giờ sau. Tôi bước vào nhà, đang thả bước chân nhún nhảy qua phòng khách chợt sựng lại vì một chiếc khoen tai hình vòng tròn của chị tôi rơi ra trước cửa phòng an. Tôi bước tới vòng sáng lấp loá, nhặt chiếc khoen lên mân mê trên tay hồi lâu. Căn nhà im ắng. Tôi đẩy cửa bước vào can phòng?y mà không hiểu sao mình lại vào đó vì tôi chẳng hề đói bụng mà cũng chẳng phải giờ ăn. Và tôi đứng như trời trồng: Ngay dưới sàn gạch là hai tấm thân trần đang quấn vào nhau. Tôi cứ đứng như vậy nhìn chằm chằm, tôi đã bị thôi miên bởi hình ảnh da thịt trắng nõn quện quyện của đàn ông và đàn bà, tôi há miệng rồi đưa tay lên che mặt, không nói được lời nào. Họ, chị tôi và anh Lê từ từ dừng nhịp hai cơ thể vào nhau, từ từ rời tay chân, rồi hai cơ thể cũng rời ra, hấp tấp, vội vàng lom khom đi nhặt quần áo vãi ra khắp nơi, họ không kịp mặc, hai người đều tum túm quần áo che chỗ kín của mình. Họ bước qua mặt tôi mà không thèm nhìn tôi, dù là một cái liếc xéo. Trong mắt họ, tôi chỉ là một đứa con nít hỉ mủi chưa sạch. Cơn tức tối, nỗi tổn thương sôi lên, tôi lao về phòng mình ngã vật xuống. Chỉ một mình tôi biết nguyên nhân của cơn khổ đau này. Những rung động đầu đời, những thổn thức tinh khôi trong trái tim tôi, tôi biết mình đã âm thầm trao cho anh Lê, trong thâm tâm tôi luôn hy vọng anh dòm ngó đến mình, dù thực tế anh chỉ sẵn sàng giảng giải cho tôi những bài toán khó và hoạ hoằn có những cái vuốt đầu rất kẻ cả, anh chỉ một “con bé” hai “con bé”. Tôi mà là “con bé” sao? Một cái nhìn say đắm, một nụ hôn môi tha thiết, một vòng tay siết chặt, chút mùi đàn ông, làn hơi ấm nồng nàn, cái nép mình vào bộ ngực vạm vỡ… Đó là tất cả những gì trí tượng tượng của tôi đã vẽ ra hằng đêm trong những giấc ngủ chập chờn mộng tưởng của một cô nữ sinh vừa đến tuổi dậy thì. Đôi khi tôi mơ màng những cảnh mình thế thay vị trí chị mình, được yêu đương say đắm, được chăm chút cho anh từ những chén cơm đến vạt áo rách mòn, được cùng anh trồng những vạt hoa lớn trong vườn và cùng bầy con xinh xắn đùa giỡn, tiếng cười vui âm vang những buổi mai hồng… Nhưng khi nhìn thấy hình ảnh loã thể của hai người vừa rồi, tất cả đã sụp đổ trong tôi, từ sự rung động ôm ấp yêu thương, lòng tôi đã chuyển sang một xúc cảm khác, là sự đòi hỏi nung nấu trả hận rất trẻ con mà lúc ấy tôi cứ nghĩ phần lẽ phải thuộc về mình. Đêm, tôi nằm trăn qua trở lại không sao ngủ được, khi thì tôi bị bồng bềnh trôi trong vòng xoáy những ô màu nóng rực khi lại thấy rõ mồn một đôi mông trắng non của anh Lê nhịp nhịp lên xuống trêu ngươi. Tim tôi tức nghẹn. Phổi tôi tức nghẹn. Đầu tôi như có ai đổ chì vào, nặng trình trịch. Tôi cũng chẳng biết mình sẽ làm gì nhưng ý định đó làm cho đầu tôi nóng rực lên, tim tôi lại hối hả đập thình thịch trong lồng ngực. Trời xui đất khiến cuộc bao vây bắt lính lại diễn ra ở vùng Chi khu ngay lúc ấy, chính tôi đã lén lút thì thào báo chính xác chỗ trốn của anh Lê với một ông sĩ quan quân đội. Thật ra tôi cũng đã ba lần bước tới cổng Chi khu, tim đập loạn xạ, môi tôi lập bập run, mãi lần thứ tư tôi mới mạnh dạn được. Ngay lập tức lính rầm rập kéo tới, anh Lê đang nằm co ro trên gác, anh ngơ ngác không hiểu vì sao lại như vậy.
Tiếng còi roét roét inh ỏi, tiếng giày lính nện thình thịch, tiếng súng ống va nhau lách cách, tất cả sự huyên náo của buổi trưa hung dữ đó làm sao tôi quên được, nhưng ám nhất, bao trùm lên mọi hình ảnh vẫn là chị tôi. Khi anh Lê bị đẩy lên chiếc xe GMC, chị tôi mặt mày tự dưng lả xanh, người nhũn ra ngất đi trong tay má tôi. Tôi phụ má dìu chị nhưng lại hả hê hất mặt, vuốt lại mái tóc, kiêu hãnh. Lòng tôi nhẹ nhõm như vừa nhổ được cái gai ra khỏi cơ thể. Khi không gian im ắng trở lại tôi lại ngồi thừ ra. Mình làm gì thế này? Bao nhiêu lần tôi tự vặn hỏi mình nhưng các câu trả lời đều mơ hồ. Không ai biết được đêm đó nước mắt tôi lại trào ra ướt một góc bao gối.
Linh vũ thứ nhất mang trong người nó những việc đắc y,Ô một ngọn gió màu lửa hừng hực. Khởi đầu khi thực hiện được ý định ta cảm thấy đắc ý hả hê. (Những đêm nằm một mình ở đây, vào đầu hôm, bao giờ tôi cũng bắt mình nhớ thật chi tiết từng hình ảnh, ánh mắt thất thần của anh Lê, khuôn mặt chị tôi lã xanh, cơ thể chị tôi nhũn ra ngã quỵ. )
Rất nhanh chóng cả nhà tôi đều biết chính tôi là thủ phạm của việc tày đình ấy. Không ai nói chuyện với tôi nữa. Chị tôi thì ngày càng héo quắt héo queo, chiều nào chị cũng đứng nhìn ở góc sau nhà, trừng trừng nhìn mà không nhìn gì cả, mắt dại đi. Tôi ngày càng cô độc ngay chính trong gia đình của mình. Điều đó làm tôi tức tối vô cùng, tôi không thể hiểu nổi tại sao người ta cứ mãi thương xót một người dưng nước lã trong khi lại lạnh nhạt, ruồng bỏ một người là máu thịt như tôi.
Linh vũ thứ hai có cái bụng chứa việc thất ý, tôi cũng bắt mình phải nhớ lại hằng đêm như một bài học quan trọng trong đời.
Thời gian trôi qua, khi chị tôi bắt đầu nói chuyện lại với tôi thì chỉ toàn những lời trách móc thậm tệ. Tôi chủ động bước vào buồng ngủ của chị, chị xoay lưng quay mặt vào tường.
-Chị! Chị còn giận em hả?
-Ai dám giận mấy người. Giận để bị tố giác đưa ra chỗ chết à… Ừ chết, cũng được… nhưng chết một cách phi lý, phi nghĩa mới tức chớ… Thỉnh thoảng má tôi cũng nhìn tôi thở dài rồi ngăn chị: “Thôi con, mía sâu có đốt, nhà dột có nơi, em nó lỡ lầm nông nỗi, con tha cho em!” Nhưng luôn luôn cuộc nói chuyện giữa tôi với chị dừng ở những câu nói đó, phần đầu chị trách móc tôi còn phần sau trách móc cuộc đời. Rồi chị tôi lại ôm mặt khóc, má tôi lại ngồi ôm con gái, dỗ như dỗ vong suốt ngày. Có những lời trách móc làm ta đau lòng nhưng qua đêm thì ta cũng quên ngay, cũng có những lời trách móc như ngọn gió lồng réo trong lồng ngực ta mấy mươi năm mà vẫn còn y nguyên sức mạnh như ngày đầu. Linh vũ thứ ba tua tủa những cái móc bén nhọn, nó cắn rách tâm hồn ta từng chút một, là những lời dèm chê trách móc, những giọt nước mắt như vậy đó”…
Có lần tôi hỏi thật chị: Ngoài mối tình đơn phương tuyệt vọng với anh Lê, có khi nào chị nghĩ tới một người đàn ông khác không? Chị khe khẽ: Có chứ, một trung tá chuyển nghành hẳn hoi, anh ấy cũng dân sửa máy như em… Chị nhìn về phía phố xá, ánh mắt buồn rười rượi, xa xôi khi kể lại chuyện của mình, chị nói “Đây không phải là chuyện tình”:
Người ta gọi anh ấy là Châu La Ve, Châu La De vì đêm nào anh ấy cũng “nốc” hai chai bia rồi lăn ra ngủ, sau thì lại gọi là Châu Nhang Khói vì suốt đêm cứ lui cui đi thắp nhang cho mấy cái miếu nhỏ tự làm trên sân thượng. “Anh ấy cũng có nỗi lòng nặng trĩu của mình, lỗi lầm trong chiến tranh ấy mà, chị nghe kể anh ấy đã “nướng” sạch trung đội của mình vì một mệnh lệnh sai lầm, cũng do một phần lỗi của anh lính chấm toạ độ cho pháo bị sai, nhưng anh ấy nhận lỗi hết về phía mình. Cứ ngỡ chia sẻ lỗi lầm sẽ vơi nhẹ, ai biết là nó cứ nặng nề thêm hơn.
Đêm ấy, anh lên đây sửa máy, mưa, trời mưa như trút nước không chịu dừng, chị đành để anh ấy ở lại. Chuyện đàn ông đàn bà ở chung một phòng giữa trời giữa đất thế này sao tránh được chuyện đó.
… Người đàn bà vặn nhỏ cây đèn dầu rồi ngồi tắm bên kia bức màn vải, ngoài trời mưa vẫn như trút nước, không ra ngoài được đành phải ngồi tắm trong nhà như vậy, mà chuyện tắm táp ở đây cũng đơn giản, chỉ hết một can nước là xong. “Anh nằm xoay mặt vô vách cho em tắm”, Người đàn bà rất khó khăn để có được cái cách xếp đặt như vậy.
Tiếng nước chảy, tiếng kì cọ vào da thịt làm cho người đàn ông không sao nhắm mắt được, mà nhắm mắt cũng thấy những đường cong ấy, bóng người đàn bà ngồi tắm in sờ sờ trên vách, mà nhắm mắt cũng nghe cái mùi ấy, cách mấy bước chân làm sao không nghe mùi da thịt cho được. Người đàn ông xoay người lại. Nằm ngắm, khẽ hít sâu vài hơi thơm tho mùi đàn bà, ngồi ngắm, căng ngực hết cỡ để cho mùi đàn bà thấm đẫm vào người mình, rồi người đàn ông đứng dậy đờ đẫn, đứng dậy mụ mị đầu óc, mê mê dại dại, thèm khát dâng lên tột cùng. Người đàn ông bước tới sau bức màn vải. Bóng họ nhoè vào nhau, họ quyện vào nhau ngay trên nền nhà. Nhưng đang nửa chừng thì người đàn bà đột ngột bật dậy. “Sao vậy em?” Trả lời câu hỏi ấy là tiếng khóc thút thít, chỉ có tiếng khóc và sau đó là tiếng thở dài của người đàn ông, lắng nghe tiếng thở dài của chính mình làm cho cơ thể người đàn ông co lại, rúm lại đến lạnh lẽo, đến đột ngột giá băng.
Họ ngồi với nhau suốt đêm ấy.
“Anh chị đã kể hết cho nhau nghe những vết thương trong lòng của mình. Cuối cùng anh chị xin được coi nhau như là bạn thân, chị không thể dối lòng mình được”.
Sau ngày chuyển nghành, không còn bị cuốn đi, không còn bị ràng buộc bởi quyền lợi, danh vọng gì nữa, càng đối diện với chính mình anh càng bị ám ảnh nặng nề. Trên sân thượng nhà mình, anh ấy làm hàng chục ngôi miếu nhỏ, khói nhang nghi ngút suốt ngày, cứ lẩn thẩn ra ra vào vào hết đốt nhang lại đứng nhìn đăm đăm lên trời xanh, miệng lầm bầm điều gì đó không ai hiểu được. Người ta nói: “Cha nội Châu Nhang Khói bị ma ám”. “Chị còn nghe người ta nói anh ấy đã dùng dao lam rạch nát da thịt mình hàng đêm”…
Khi kể đến đây, tôi và chị cùng thở ra một lúc. “Chị và anh ấy cùng một loại bệnh nên không ai chữa cho ai được.” Chị lại nói một cách nghiêm trọng rồi phẩy tay ra hiệu cho tôi đừng nhắc chuyện này nữa.
Tôi thấy quyển nhật ký của chị thật đặc biệt vì phần hồi ký lại nặng hơn rất nhiều:
Lúc bấy giờ tạp chí Biển Đen của ba tôi và ba anh Lê đã bị “đóng cửa”, một vài người bạn thân của họ bị bắt.
…- Điều gì lâu dài hơn cả một kí ức?
-Vết thương chiến tranh…
-Chính nghĩa giải phóng dân tộc sẽ làm phá sản mọi âm mưu, mọi cục diện…
-Điều gì chi phối con người hơn hết thảy, tình yêu hay lý tưởng?
-Tùy người…
Ba tôi và ba anh Lê dạo này hay ngồi với nhau hơn, họ nói chuyện thâu đêm, những câu nói kiểu nghiêm túc, nghiêm trọng như vậy tôi chỉ nghe lóm những khi thay nước bình trà hoặc núp sau tấm rèm dỏng tai lên. Thật tình tôi nghe mà chưa hiểu gì cả. Sau này, tôi cũng không giải thích được tại sao ba tôi lại suốt ngày ngồi nhìn bức tường trắng, rồi mù hai mắt luôn. Lúc này, chị tôi đã “thoát ly”, sau cuộc “biểu tình ngồi” với ni sư và phụ nữ ở ngay trước cổng Chi khu; đề phòng chị bị bắt, ba tôi và ba anh Lê đã lo cho chị đi ngay trong đêm. Nghe nói chị tham gia một đội y tá cứu thương đi hết chiến trường này đến chiến trường khác. Tôi hiểu ý nghĩa của chuyện chị ra đi và cả khát khao cháy bỏng muốn được gần anh Lê của chị, dù chị đang ở bên này chiến trường. Lý do thứ hai này không nói ra được nhưng mạnh mẽ thúc giục đưa bước chân chị tôi ra chiến trường. Khi người ta yêu, điều không tưởng nhất cũng có thể xảy ra.
Mùa hè đỏ lửa 1972, tin báo tử đưa về vào một buổi sớm. Chị tôi không có mặt trong đám tang ghê rợn đó. Người ta kể với nhau: Trong quan tài của anh Lê là rất nhiều túi ni-lon nhỏ màu đen, mỗi túi chứa một ít thịt da tay chân phèo phổi óc não xương gân gom lượm vội vã trên chiến trường. Trời hôm ấy mưa tầm tã, nước trong huyệt ứ lên, tát kiểu gì cũng không cạn, cuối cùng, người ta quyết định cử hai người đàn ông to lớn đứng ở hai đầu quan tài cho quan tài chìm xuống dễ lấp đất. Cũng thật khó khăn, chiếc quan tài cứ như bơi nổi trong vũng nước, lúc chỏng đầu này lúc chỏng đầu kia, hai người đàn ông quơ tay liên tục để khỏi té nhào. Xẻng đất đầu tiên vừa phủ rào rào lên nắp quan tài, ba anh Lê đột ngột rú lên rồi băng chạy như một người điên, mọi người rượt theo sợ ông quá đau buồn mà không kiểm soát được mình. Đó là đám tang hoảng loạn nhất từ xưa đến nay ở quê tôi.
Ngay sau đó mấy tháng, tin dữ lại đến với gia đình tôi: Chị tôi bị một toán lính Mỹ bắt được và hiếp cho đến chết. Cái giá cho việc muốn lấy được xác chị là hai đồng chí đồng đội của chị vĩnh viễn nằm xuống. Xác chị bị chúng gài mìn. Chúng khiên cả ba cái xác nữ Việt cộng còng queo bầm dập máu me ấy về đặt ở đầu chợ quận để cảnh cáo mọi người. Ai khóc lóc chửi bới đều bị ghi vào hồ sơ theo dõi của lực lượng đeo kính đen. Một cuộc biểu tình lớn đã nổ ra. Rồi bố ráp. Rồi những tiếng còi cảnh sát, tiếng súng nổ lảnh lói giữa những đêm khuya. Ba tôi cụp đầu quá gối, ngồi im như tượng, ngồi đó mà người đã chết rồi. Đó là những ngày kinh hoàng nhất từ xưa đến nay của khu quận lỵ.
Thời gian ấy trở về sau, tôi rất sợ túi đen, mỗi lần thấy cái túi đen đâu đó là tim tôi như ngừng đập, tôi ngộp thở, rồi thấy chờn vờn bóng ma của chị tôi và anh Lê trước mặt. Tôi ù té chạy như một con rồ dù giữa chốn đông người hay nơi hoang vắng.
Ngọn gió thứ tư này, linh vũ thứ tư này mang những chiếc vòi bạch tuộc trong suốt, có sức mạnh ghê gớm, nó siết quấn vào tim tôi, những ngọn roi đau điếng từng đêm, trước khi nó ăn tâm hồn tôi nó làm tôi sợ hãi tột độ, muốn hét lên nhưng chỉ ú ớ, âm thanh không có ý nghĩa gì lúc này; tôi muốn chạy trốn nhưng chạy đâu rồi cũng phải đối diện vì các ngỏ lối trong cơn sợ hãi chỉ là những đường tròn khép kín; tôi muốn che mắt lại nhưng khốn nạn là con người ta lúc ấy lại thấy bằng con mắt bên trong, lại phải thấy những chớp loé ánh sáng, hình ảnh tử thi khòng khoèo bầm dập, nát bấy rùng rợn. Tôi buộc tội mình đã giết chết chị tôi và anh Lê.
Linh vũ thứ năm bức não thân và tâm hơn mọi thứ vì nó làm ta hoảng loạn, nửa mê nửa tỉnh, nửa thực nửa hư. AƯo giác. Ngọn gió ảo giác.
Ngay lúc chiến tranh chấm dứt, đất nước đã được thống nhất, tôi đã tốt nghiệp ra trường mà vẫn còn lẫn lộn cả hình ảnh má tôi với chị tôi, hình ảnh của ba anh Lê với anh Lê. Tôi thấy họ là hét lên ngất xỉu tại chỗ. Trầm trọng hơn nữa sau này, nghe tiếng gào rít của gió mưa trong đêm tôi phải bịt tai lại, phải nhét cả bông gòn vào tai, phải trùm kín mền, phải co rúm người lại vì tôi nghĩ đó là tiếng nguyền rủa của anh Lê và chị tôi. Nhưng càng trùm kín tôi lại càng nghe họ rõ hơn. Tôi đã bị buộc ràng rịt vào lỗi lầm ghê gớm mà tôi đã tạo ra.
Đọc đến gần cuối quyển nhật kí tôi mới hiểu ngọn gió thứ sáu là gì, linh vũ này tên là Lạc, là những ngọn gió nồm mát rượi, là sự hoá giải, là an nhiên tự tại, tức thân tâm luôn nhẹ tênh, đã qua hết mọi đớn đau dằn vặt, là ngọn gió chị hy vọng đến “nhỏ máu mắt”, là ngọn gió chị mơ hồ muốn vươn đến; bàn tay chị, tâm hồn chị luôn chới với nhưng không chạm được.
…“ Linh vũ thứ sáu luôn ở thật xa ngoài tầm mắt, tầm tay với của tôi. Nhiều đêm, tôi thấy mắt mình nhỏ ra những giọt máu bầm nâu, những giọt máu không còn hồng tươi nữa. Tôi chạy đến Ngọn gió nồm ấy bằng những bước chân chới với trong mơ của mình, bằng sức lực tàn hơi có thật của mình, nhưng rồi tôi càng bước đến con linh vũ này càng rời xa, nó như một thứ đường chân trời an lạc mà con người tu trọn kiếp vẫn chưa chạm được”.
Khát khao mà không bao giờ đạt tới cũng hành hạ con người không thua kém những dằn vặt, dày vò khác. Tội nghiệp chị! Hy vọng giờ chỉ là vô vọng, chị không còn sống được đến ngày chạm ngọn gió thứ sáu, ngọn gió thanh thản mát mẻ, ngọn gió không mang trên mình nó xác chết hay bất cứ một câu hỏi dằn xé nào nữa, ngọn gió sẽ không còn gọi tên chị là “Tội Lỗi” nữa, không réo gào hành hạ trong những đêm trắng triền miên nữa. Thật khó mà chạm được ngọn gió thứ sáu, vì như chị đã viết lại giọng nói của gió, lời nói của gió trong quyển nhật kí, những trang viết không bao giờ còn khép lại được với tôi:
9 tháng 3
“Hỡi Tội lỗi! Mi sẽ mãi là mặt đỏ, lòng đen. Mi sẽ chín rục sự khám phá sau cùng trong mệt nhọc, mệt mỏi, trong chán ngán cuộc sống chính mình. Khám phá gì ư? Vô vọng. Tội lỗi. Nan y. Người đời có thể rộng lượng tha thứ cho mi, còn mi thì không. Mi không thể vừa là bệnh nhân vừa là bác sĩ điều trị chứng nan y đó. Cái gì dành riêng cho tội lỗi? Sống mòn sống mỏi. Chết mòn chết mỏi. Chết không nhắm mắt được… Hú… huuu… uuu… ù ù… ù… Rít ri… iii… uuu… uuu…”
Tôi chôn quyển nhật ký lại trên đồi Khí Tượng, rồi lầm rầm khấn vái, thành tâm cầu mong: Ở thế giới bên kia, chị thật sự sống trong ngọn gió thứ sáu, cầu mong cho sóng yên biển lặng trong lòng chị mãi mãi! Không thể tin được, kể từ lúc ấy, tôi bắt đầu nghe được những âm thanh rất lạ từ xa vọng lại, có lẽ là… sóng hạ âm.
Dưới chân núi Tà Cú, 3/ 2008
N.H

Xem Tiếp: ----