Đã biết trước như vậy. Đã xác định như vậy mà đến phút chót Miên vẫn hẫng hụt vô cùng. Nhà ga oang oang thông báo:- Đoàn tàu S1 bắt đầu chuyển bánh. Tàu S1 bắt đầu chuyển bánh…Ai cũng biết thế là hành trình bắt đầu. Riêng Miên lại cho rằng người ta đang bảo mình:- Thôi, đi thôi, còn chờ đợi gì nữa. Miên xách va ly ra cửa toa, nghĩ thế nào lại quay về, ngồi phịch xuống ghế, soạn tin "Em đi đây, đừng mong gặp lại. Vĩnh biệt". Gửi xong rồi lại ân hận. Dãy ghế của Miên quay lưng về phía đầu tàu: - Hay thật, mình đi giật lùi đến tương lai. Miên nghĩ. Ngồi cạnh Miên là một tay cao ráo, đẹp đẽ từ móng tay đến áo quần, cử chỉ lịch lãm. Miên thấy dễ chịu và gà gật ngủ. Tàu lắc la lắc lư xô Miên ngã chúi vào cánh tay đã dang sẵn. Miên thấy mùi nước cạo râu quen thuộc, mùi xà phòng tắm quen thuộc và có cảm giác bất an. Sở thích của Lâm rất khác người nên tìm mua đồ cho Lâm không dễ dàng gì. Miên nghĩ bạn gái của người ngồi bên chắc cũng giỏi chịu đựng lắm. Miên bấm số của Lâm, thương xót nhìn trên màn hình những vòng sóng đang toả đi kiếm tìm, đầy cam chịu và đầy vô vọng. Láng máng nghe như người ngồi bên giới thiệu tên Sơn. Sơn thì Sơn. Sơn tự khoác cho mình cái quyền được "hầu hạ người đẹp". Sơn hỏi: - Em đi công tác hả? Em tên chi? Miên chẳng gật, chẳng lắc, chẳng trả lời. Sơn ngài ngại nhìn rồi cũng bỏ qua. Xuống ga lúc nửa đêm, Sơn nhét vào xắc Miên tấm card, làm việc tốt cuối cùng cho Miên là gọi taxi. Lên xe rồi, Miên mới nhớ là chưa cả cám ơn, song lại yên tâm vì vẫn còn giữ tấm card. Lặc lè hai chiếc va ly, Miên lên phòng trọ. Qua cửa sổ, chỉ thấy đèn giăng giăng trên biển, tấp nập hơn cả khu phố Miên vẫn ở, và sóng vỗ ì oạp, ì oạp. Miên treo quần áo lên mắc. Một bộ của Miên rồi một bộ của Lâm, lúc nào cũng phải sát bên nhau như thể để tì vào nhau, để ôm khít lấy nhau, để lúc nào cũng phảng phất hơi hướng nhau. Nơi Miên đến là một thành phố biển. Chuyến đi không hề dễ dàng. Nào là thu xếp công việc, nào đặt khách sạn, nào mua vé tầu. Khi Miên đã sẵn sàng với hai chiếc va ly quần áo thì Lâm gọi: - Phải hoãn thôi, anh không thể bỏ vụ này được. Vụ làm ăn thì không bỏ được, chỉ có thể bỏ mặc Miên hơn ngàn cây số đường trường thôi. - Anh không thể để em vất vả. Rồi lao vào kiếm tiền như một cỗ máy. Mua xe, mua đất, xây nhà, phải lót được cái ổ như vậy cho Miên nằm ấp trứng. Đó là lẽ sống của Lâm. Miên mòn mỏi chứng kiến Lâm mòn mỏi. Hai đứa đã chọn một nơi rất vắng lặng. Đây không thể là khu phố mới vì hàng dừa ven biển khẳng định: "chúng tôi có mặt ở đây nhiều thập kỷ nay rồi". Nhưng không hẳn là phố cũ vì đang ngổn ngang như một công trường. Khách sạn Miên ở cách biển có một con đường, một hàng dừa và một kè đá. Bên dưới kè đá là bãi cát vàng mượt và biển xanh mênh mông. Bãi biển này có tên là Bãi Dương. Rất ít người tắm. Họ đến đây, lúc đầu ngồi ở các ghế bố, nhâm nhi cafe đá và rượu đế. Đồ nhắm thật dễ sợ, chỉ là trái cóc hoặc bánh đa chấm mắm ruốc. Rồi từng đôi nhanh chóng tụt xuống mé dưới kè, nơi có bãi cát trắng, nơi người đi đường đều có thể nhìn rõ những gì đang diễn ra dù đương sự luôn tưởng rằng rất đủ kín đáo. Nơi ấy nghiễm nhiên biến thành cõi riêng của các đôi tình nhân. Miên cũng trèo xuống chỗ ấy, không phải để hẹn hò ai mà để nhìn sóng, lúc thì dịu dàng, lúc thì cấp tập xô vào bờ. Sóng biến bãi cát thành tấm toan đẹp và phẳng, sẵn sàng chờ ngọn bút lông. Miên nhặt một mẩu san hô, định vẽ trái tim thật lớn, ôm hai chữ Lâm Miên. Thế nhưng cứ vẽ được một nét là sóng lại ào đến, xoá sạch, như muốn trêu tức. Cũng chỉ một mình Miên tắm biển. Trong nước, Miên càng da diết nhớ Lâm. Có lần sóng đánh bật Miên ra khỏi phao, Miên vừa chìm vừa nghĩ Lâm đối với Miên cũng như cái phao vậy, Miên cứ rời ra là lập tức bị quay cuồng giữa những con sóng. Sau lần ấy Miên không dám tắm biển nữa, vì không muốn bị phụ thuộc mãi vào cái phao. Nhưng Miên không bỏ được thói quen ra bờ cát, không cần che giấu vẻ ghen tỵ với các đôi tình nhân. Có đôi suốt buổi chỉ ngồi soi mặt vào nhau, nàng hì hụi nặn trứng cá cho chàng. Có những đôi khác thì nghiêm chỉnh, kín mũ, khẩu trang nhưng quần áo kéo lên tông tốc. Giữa không gian ấy, Miên thật giống một cô nàng ngơ ngẩn, thất tình và vô hại. Miên có đến thật gần, có nhìn chằm chằm, họ cũng chẳng hề bận tâm. Thế rồi có một thứ khác thu hút Miên. Hôm ấy Miên đang cố vẽ một trái tim thật lớn thì nghe tiếng bọn đàn ông cười lào xào: - Hổng biết bả còn muốn dụ được ông lão nào mà cố làm ra vẻ như vậy. Theo ánh mắt họ, Miên thấy bà kia. Chỉ cần một cái nhìn cũng khẳng định được đó là loại người nào. Bà ta đã bị thải loại khỏi cái nghề mưu sinh từ lâu. Tàn tạ và cóm róm. Ngược lại với bộ quần áo cẩu thả là khuôn mặt được chăm chút. Mắt kẻ, môi tô, má đánh hồng. Linh cảm đàn bà bảo Miên là bà ta đang làm đẹp cho một người đàn ông chứ không phải vì thiên hạ. Bà ta ngồi xuống bên một gốc dừa, cố kéo quần áo cho phẳng phiu, chốc chốc lại nhướng mắt lên trông ngóng, đến xế chiều thì bỏ đi. Một tuần liền như thế. Miên kiên nhẫn rình bà ta như người đi săn quyết không bỏ con mồi lớn. Cuối cùng sự chờ đợi đã được đền đáp. Miên biết như vậy vì thấy vẻ mặt của bà ta bỗng nhiên như thể một kẻ si tình gặp được người yêu sau chuỗi dài tương tư, lại cũng như vẻ mặt một người hám của tìm lại được món đồ quý đã mất. Bà ta ngóng tiếng bước chân từ xa. Không biết làm thế nào mà bà ta phát hiện ra ông ta đến vì ông ta đang lệt bệt những bước xiêu vẹo chứ không phải nện xuống đường những bước chân dũng mãnh, mà sóng biển thì vẫn đang oàm oạp, oàm oạp. Rất lâu sau, ông ta mới vượt qua quãng đường có đâu chừng trăm mét. Miên nhìn mãi mà không thấy cây gậy đâu. Chắc ông ta giấu đâu đó để cố xuất hiện với dáng vẻ khoẻ mạnh mà không hề biết rằng đã tạo hình ảnh ngược lại. Gắng gượng lắm, ông ta mới không đổ ụp xuống. Người đàn bà bật dậy, kịp dang tay đón. Ông ta thở gấp như con cá bị vớt ra khỏi nước. Không biết ông ta là chồng, là tình nhân hay chỉ là một khách chơi cũ của bà này. Nhưng chỉ với người đàn ông duy nhất của đời mình, đàn bà mới có thể chờ đợi, có thể thương xót như vậy. Miên đã nghe quen các vở cải lương, đã đến thật gần, đã nhìn chằm chằm mà vẫn không hiểu câu chuyện. Chỉ thấy ông ta bảo: - Thôi mà, thôi mà… Rồi cố chống hai tay ra sau để cái dáng ngồi có vẻ thẳng thớm. Bà kia vòng tay qua cổ ông ta. Chỉ ôm hờ thôi chứ không phải níu, thế mà ông ta đã như sắp ngã xuống. Bà ta rên rẩm: - Anh ơi, em muốn chết, em muốn chết. Cái câu đầy biểu cảm ấy thốt ra từ miệng đàn bà lẽ ra thừa sức làm tan chảy trái tim bất kỳ người đàn ông nào, thế mà bà ta lại nói một cách vô cảm. Có lẽ sau cuộc mưu sinh, bà ta không còn đau, không còn buồn. Đến lời van vỉ cũng chẳng khác câu mắng chửi. - Anh ơi, anh hãy sống như một người chính nghĩa, không thì anh hãy chết đi. Miên cố nghĩ xem bà ta học câu ấy từ vở cải lương nào. Người đàn ông không cố được nữa, ngã vật ra. Người đàn bà cũng nằm xuống, nâng cái đầu tóc bờm xờm bẩn thỉu đặt trên cánh tay suy nhược của mình. Tay kia vỗ về như đang ru hời một đứa trẻ. Họ nằm im lìm bên nhau. Một lúc lâu sau, ông ta ngồi dậy vẻ tỉnh táo. Người đàn bà lần cạp quần, tìm được điếu thuốc lá, đi châm lửa rồi mang lại, trước khi đặt điếu thuốc lên môi ông ta, bà ta đã dịu dàng áp má vào khuôn mặt bị xị ấy, đặt lên đôi môi lở loét ấy một nụ hôn tha thiết. Bà ta lại âu yếm dụi đầu vào lòng ông ta, thủ thỉ: - Anh nghĩ lại, nghe anh, em sống đến nay cũng chỉ vì anh thôi mà. Người đàn ông vứt mẩu thuốc, đứng dậy, loạng choạng bước đi. Người đàn bà nhét theo vào túi ông ta nắm tiền lẻ, những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi và có lẽ cả máu người đàn bà. Người đàn bà liệu có thể trông chờ, hy vọng gì vào người đàn ông như vậy? Lâm gọi đến nhưng Miên còn đang mải miết nhìn vì thấy hình như bà ta dụi mắt. Chắc tại gió Bãi Dương thổi mạnh quá.