Cuối cùng rồi con người già xóm Chòi cũng đã qua đời. Sự ra đi nào mà không để tiếc thương cho người ở lại. Ông Tư Ngưu ra đi càng để lại nỗi thương cảm lớn hơn. Nhìn vào số người đến viếng đông quá mức là đủ biết điều đó. Nhưng tuyệt nhiên ở đám tang không có cảnh khóc lóc thê lương, điều đó cũng dễ hiểu vì ông đã ngoài tám mươi tuổi, ra đi cũng rất nhẹ nhàng, không có điều gì phải xót xa tiếc nuối.
Có điều khác lạ là đám tang của ông Tư lại có vẻ rộn rã, nhất là những bàn phía góc sân, cánh đàn ông chuyện trò sôi nổi, thậm chí còn thỉnh thoảng có những trận cười. Trong đám tang chật nít căn nhà lá ba gian có mảnh sân rộng che dù pháo sáng, giữa những người nông dân có động tác đẹp mắt khi cúng bái trước quan tài, nhiều người chú ý đến một người đàn ông trung niên có dáng dấp vừa trí thức vừa nghệ sĩ, cặp kiếng trắng như làm cho khuôn mặt sáng hơn dưới mái tóc dài gợn sóng. Sau động tác quỳ lạy vụng về, người trung niên đứng bất động khá lâu trước di ảnh người quá cố. Đến khi phải nhường sàn tế lễ cho người khác, anh đứng nép bên góc bàn thờ, cặp mắt ươn ướt.
- Lại đây làm ít ly cho vui anh Ba! Có ai đó lay gọi, người trung niên lúng túng lạy xá lần nữa, rồi đến bên bàn nhậu. Anh cúi chào và bắt tay từng người.
- Làm sao hay mà về kịp vậy anh Ba? Nam, tên người trung niên, cũng không ngờ là mình có thể vượt được gần ngàn cây số để kịp về tiễn đưa ông Tư. Dù không có quan hệ huyết thống, nhưng Nam sẽ khó có thể thanh thản đối diện với cuộc đời nếu ngày này anh không có mặt.
Mọi người trong bàn tiếp tục nhắc về ông Ông Tư Ngưu. Có người cho rằng sở dĩ gọi Tư Ngưu vì ông Tư là tay nuôi trâu nổi tiếng trong vùng. Người khác cho rằng chỉ đơn giản vì ông tuổi con trâu. Có người sành chuyện hơn thì kể rằng khi còn trẻ ông đã từng theo gánh hát làm hề, và một vai hề gây ấn tượng do ông hóa trang hình đầu trâu đã để lại cái tên Tư Ngưu. Với Nam, đầu óc tuổi thơ nhớ như in hình ảnh một người ông cần mẫn và vui tính. Không biết ông ra đồng từ lúc nào mà khi cu Nam thức dậy đã nghe tiếng ông văng vẳng từ ngoài ruộng “Ví...vô. Thá...vô”. Nắng vừa găn gắt là ông vác cày về đến nhà, còn bầy trâu thì nhởn nhơ gặm cỏ ở gò hoang. Tuổi thơ của Nam trải qua phần lớn trước sân nhà ông. Vào mùa mưa miếng đất trũng cạnh chuồng trâu luôn ướt, ấy là lúc lũ trẻ con say mê với trò nặn đất. Những tượng trâu lần lượt ra đời từ đôi bàn tay bẩn đất của Nam. Cậu bé ngồi hàng giờ trước những con trâu của ông Tư, con thì trong tư thế nhàn hạ nằm nhai lại cỏ, con thì nghiêng sừng quạt đuôi xua muỗi, con khác cọ lưng sồn sột vào góc cột bóng lừ... Và bao giờ cũng là một con trâu đất ra đời từ đôi tay cu Nam, ngày càng sắc sảo. Cái lu sành chưa nước trâu uống ở trước cửa chuồng là nơi rửa tay của những đứa trẻ sau trò nghịch đất. Một lần lu nước quá cạn, Nam phải nhón chân chồm đầu, tay mới chạm đáy nước. Trong tư thế cố gắng thái quá ấy cậu bé bị hẫng chân và cắm đầu vào lu nước. Ông Tư vác cày từ ruộng về đã túm chân Nam nhấc ra khỏi lu, nhờ vậy mà thoát chết. Những ngày giáp tết sân nhà ông đầy rơm, là nơi bọn trẻ chơi trò “trốn kiếm” thú vị, Nam còn bày thêm trò chơi “đám giỗ”, để rồi một que diêm bật lên nấu mấy trái mắm trong muỗng dừa đã gây hỏa hoạn, làm cháy rụi sân rơm và suýt nữa là cháy lan sang ngôi nhà lá của ông Tư. Khi có người phát hiện lửa cháy ở góc sân, Nam đã lủi về nhà giả bộ ngủ trên võng, hé mắt nhìn qua sân nhà ông Tư đang ngùn ngụt khói lửa. Rồi ông Tư hổn hển chạy sang bế thốc cu Nam đến sân rơm còn nghi nút khói dọa quăng cậu bé vào nướng trui nhậu rượu đế. Sau này má Nam kể lại là khi biết không có cách gì dập tắt lửa sân rơm, mọi người tập trung tạo một hành lang giữa sân rơm và ngôi nhà lá bằng tất cả phương tiện chuyền nước đang có. Còn ông Tư thì trèo lên mái nhà, bàn tay trần của ông đã chụp tắt những tàn lửa gió hốt quẳng lên mái lá... Sau tết má cùng những người hàng xóm đã đi cánh đồng xa gánh trả cho ông Tư sân rơm, cho trâu ăn những tháng đồng khô, cỏ cháy.
Lớn lên một chút Nam càng gắn chặt với ông Tư và bầy trâu. Nhà quá nghèo, má đành cho Nam đi giữ trâu ông Tư, cứ ngỡ việc học thế là xong, nhưng ông Tư rất kiên quyết với má: “Một buổi đi học, một buổi coi trâu, nếu bây đồng ý thì chú nhận”. Nhờ vậy mà Nam vừa giữ trâu vừa tiếp tục đến trường. Cuộc đời chăn trâu cơ cực được bù đắp phần nào bởi khái niệm “mục đồng” lãng mạn và những câu ca “Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chớ...”.
Lúc Nam biết cỡi lên lưng trâu cũng là lúc cậu bé biết đến một loại người kỳ dị to lớn, đen thủi hoặc trắng nõn chứ không ngăm ngăm như người mình. Thỉnh thoảng có những toán lính Mỹ sục vào hoặc hành quân ngang qua xóm Chòi. Và một lần như thế đã giúp ông Tư nổi tiếng cả vùng, còn người dân xóm Chòi thì khỏi phải nói, rất tự hào về ông, một cư dân của xóm. Lần ấy có một đại đội lính Mỹ đi ngang qua xóm, đang trên đường hành quân bỗng một tên Mỹ rẽ vào bờ lá. Tắm trâu dưới đìa gần đó, ông Tư nhìn thấy. Cảnh giác và tò mò ông rón rén đến gần... Giữa những bụi dừa nước um tùm là tên Mỹ mắt xanh mũi lõ đang chồm hổm rên hừ hự trong cuộc chống chọi với Tào Tháo. Ngoái nhìn toán lính Mỹ vừa đi khuất sau rặng cây, trong đầu ông Tư lóe lên một ý nghĩ vừa tinh nghịch vừa táo bạo. Ông lùi ra xa một chút, luộm một bụp dừa khô, vừa đập bình bịch xuống bờ vừa la lớn “ví vô...thá vô”. Tên Mỹ chưa kịp kéo quần, ngoái nhìn đồng bọn mất hút, lại nghe tiếng la dồn dập thì đâm hoảng, bỏ chạy trối chết. Không buông tha, ông Tư vừa la vừa đuổi theo hắn, nhưng có ý giữ khoảng cách độ ba chục mét để lỡ tên Mỹ có quay súng chống cự cũng không nguy hiểm. Bị ông Tư đuổi, súng ống lỉnh kỉnh, tên Mỹ vấp té lăn kềnh ra ruộng. Quá khiếp đảm, hắn quẳng tất cả súng đạn chạy thoát thân. Định phá tên Mỹ một trận cho vui, đến khi thấy nó quăng súng ống, ông Tư nhanh nhẹn nhặt lấy. Vậy là ông nghiễm nhiên trở thành “Tư Ngưu tay không cướp súng Mỹ”.
Ông Tư nổi tiếng nhờ tên Mỹ nhát gió! Con Thá cò của ông cũng nhờ lính Mỹ mà nổi tiếng không kém. Trong bầy trâu của ông có một con màu trắng, trắng từ da đến lông, đến cả cặp sừng cũng trắng. Nghe đâu con trâu cái đen thủi của ông trong một lần đi lạc sang xóm khác, một thời gian sau khi ông kiếm được đem về, đã hạ sinh ra được một chú nghé màu trắng, ông gọi nó là nghé cò, vì giống những cánh cò trắng ngoài đồng. Con nghé cò càng lớn càng khỏe, trở thành con trâu chủ lực của ông Tư, nó chuyên đi “thá” trong cuộc cày, vì thế ông đặt tên là Thá Cò. Con trâu đi “ví” nào cày chung với nó đều mệt nhừ sau buổi cày vì phải gắng sức bươn theo, vì vậy ông Tư phải liên tục đổi con trâu đi cặp với nó. Bản thân màu trắng lạ lẫm và sức khỏe sung mãn đã làm Thá Cò nổi tiếng, nhưng chính khứu giác kỳ lạ mới làm tiếng tăm nó vang xa. Lần ấy có một toán lính Mỹ hành quân vô xóm, có mấy tên xộc vào nhà ông Tư, bỗng con Thá Cò bức dây vàm chạy tung ra đồng. Ông Tư nghĩ đó là do nó trông thấy những hình hài lạ lùng, có nét giống hổ dữ, vốn là loại trâu tối kỵ, nên nó đã bỏ chạy. Nhưng một lần khác, con Thá Cò đang dầm mình dưới đìa sâu giữa trưa hè nóng bức, mắt nó lim dim tận hưởng cái mát mẻ của nước đìa, mũi phì phò sủi tung bọt nước. Bỗng Thá Cò nhổm đầu ngơ ngác, rồi rướn lên khỏi đìa chạy về phía đồng xa. Ông Tư chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì đã nghe tiếng “xí xô xí xào” từ trong xóm. Thì ra Thá Cò đã ngửi thấy mùi lính Mỹ.
Xóm nghèo của Nam được ngăn cách với vùng giải phóng bởi một cánh đồng rộng. Tối tối các chú giải phóng hay lần về xóm. Lần ấy, Nam dắt Thá Cò đi ăn đồng về trễ, có hai chiến sĩ giải phóng xuất hiện từ phía “địa hình” và theo Nam thận trọng tiến vào xóm. Khi họ đến gần bờ lá, con Thá Cò bỗng ngẩng đầu ngơ ngác rồi vụt tháo chạy, linh tính cho Nam biết có sự nguy hiểm. Nam hô to: “Có lính Mỹ phục kích”. Rồi súng nổ rang từ phía bờ lá, các anh chiến sĩ chạy thoát về phía địa hình, Nam cũng không hề gì, chỉ có con Thá Cò dính đạn vào bụng và chết trong đêm ấy. Ông Tư không xẻ thịt Thá Cò như những con trâu khác khi chết, ông bùi ngùi đưa xác nó ra chôn ngoài bờ lá. Có nhiều người, vừa hiếu kỳ vừa thương con Thá Cò, đã có mặt để “đưa đám”.
Chiến tranh ác liệt rồi cũng qua đi, để lại cho xóm Chòi nhiều thương đau mất mát. Sau ngày miền Nam giải phóng chừng một năm, lúc Nam đang học lớp mười một, một hôm có người cán bộ đi xe bốn bánh về đậu ngoài đầu xóm. Ông hỏi thăm về đứa bé ngày trước đã cứu ông thoát khỏi trận phục kích. Người cán bộ được gặp ông Tư Ngưu và Nam. Khi được nghe kể về chuyện con Thá Cò, người cán bộ ra bờ lá đứng trầm ngâm trước mộ con trâu mà suýt nữa đã là nơi chôn ông ta. Người cán bộ muốn ngỏ ý giúp ông Tư và Nam một chút gì gọi là đền ơn cứu tử. Ông Tư cười khà: “Qua già rồi, chẳng cần ơn nghĩa gì đâu. Chỉ tội thằng Nam này, nếu được học hành đến nơi đến chốn sẽ có ích cho đời”. Người cán bộ ra về mang theo con trâu đất thật đẹp của Nam trao tặng.
Một năm sau, khi Nam đang chuẩn bị thi tốt nghiệp phổ thông trung học người cán bộ lại đến và gợi ý Nam nên thi vào Cao đẳng mỹ thuật, nơi ông có người bạn làm hiệu phó. Thế là chỉ đợi cho thời gian trôi qua là cái xóm Chòi lam lũ có được một điêu khắc gia có tầm cỡ.
Đã đến giờ động quan, ông Tư được đưa ra thửa ruộng hương hỏa cạnh bờ lá. Nam theo đám đưa quan ngang qua bờ lá, bất giác anh đưa mắt tìm nấm mộ con Thá Cò đã lạc mất theo thời gian.
Sáng sớm hôm sau, Nam vội vã trở ra miền Trung để kịp hoàn thành tượng đài chiến thắng cho một tỉnh mới tách vì ngày lễ đã gần kề. Trong đầu anh cũng vừa phác họa xong một tượng đài lớn hơn - Người nông dân bộc trực đứng bên con trâu màu trắng.

Xem Tiếp: ----