Trong căn nhà của Lý mọi đồ vật đều được sắp xếp hài hòa, hợp lý và đúng yêu cầu trừ một thứ. Nó khôi hài, lố bịch, thậm chí lố lăng, kỳ cục. Nó chỉ có tác dụng đem lại cho người chủ những cảm giác mà người ấy muốn. Mà nó lại được để giữa nhà, chình ình ở vị trí trang trọng nhất, nơi nó có thể liếc nhìn giễu cợt tất cả mọi người đi ngang.
Đó là cái bàn ăn bằng gỗ vuông lớn được đóng từ thứ cây có những vân rất đẹp màu đỏ bầm như rượu. Mặt bàn không đánh bóng nên giữ được nước màu tự nhiên của gỗ và khoác cho nó cái vẻ thô mộc rất có cá tính. Trên bàn là bốn cái chén sứ úp trên bốn cái đĩa tráng men, bên cạnh là bốn đôi đũa, bốn cái khăn trắng viền vàng. Chủ nhân của nó còn đem về một cái nến trắng để giữa bàn, xung quanh bày biện hoa lá giả màu sắc rực rỡ. Một năm sau tất cả những vật dụng trên bàn đều phủ một lớp bụi mờ mờ ảm đạm. Căn nhà ấy chỉ có một người và người này chỉ dùng cái bàn để ngắm, để tự lừa gạt chính mình. Vâng, tôi sắp lấy chồng, và sẽ có những đứa con trong nay mai. Cái khung cảnh gia đình ấm cúng mà Lý tự vẽ ra cho mình hãy còn là một bức tranh treo lặc lìa ngoài bậc cửa, chưa đặt được vào trong nhà nói gì đến mon men lên cái bàn ăn mà vô tình đã trở thành một vật châm biếm hết sức mỉa mai cho chính người chủ của nó.
Lần sinh nhật năm đó Lý chỉ có một mình. Nàng mua về một cái bánh kem, cắm lên dăm bảy cây nến cho ra vẻ rồi vừa thổi vừa ăn cùng với con chó nhỏ trong lòng. Bạn bè Lý hay băn khoăn cho cảnh sống đơn lẻ của nàng. “Không buồn sao?” Lý nhún vai: “Buồn cái gì? Tại sao phải buồn?” Lý là một phụ nữ trẻ, độc thân và tự lập. Căn nhà của nàng hai tầng rộng thênh thang cất dựa vào sườn đồi quanh năm sáng trưng lồng lộng nắng gió nhờ 14 cái cửa số hướng ra biển. Lý biết uống rượu, khiêu vũ, chơi piano, đánh tennis và nếu cần cũng có thể nấu một vài món ăn đơn giản. Sáng nàng nổ máy xe đi làm sau khi đã cẩn thận để con chó ngoài sân với một ít thức ăn và nước uống. Chiều đi làm về hai thầy trò ngồi ăn cơm trên sofa, Tivi mở trước mặt. Lý gắp một miếng thịt, con chó gặm một khúc xương. Lý coi dã cầu, hò reo tở mở thì con chó nghếch mõm sủa hòa đồng. Trước khi ngủ Lý coi lại các thư từ, hóa đơn, đọc vài trang sách rồi chui vào chăn. Chân nàng đụng vào con chó cuộn tròn nằm bên dưới, có lúc nó thè lưỡi ra liếm làm nàng thấy nhột nhột. Trong năm Lý ghét nhất là ngày lễ Valentine vì bao giờ đêm đó nàng cũng phải uống một viên thuốc an thần. Trong phòng ngủ của Lý có một miếng gỗ trang trí — quà tặng của ai đó — trên khắc hàng chữ: “Always kiss me good night.” Mấy lần Lý đã quẳng nó vào lửa làm nám đen một mảng rồi nửa chừng lại hốt hoảng kiếm cái que dài lôi ra treo lại. Thỉnh thoảng có vài người đàn ông đến chơi nhà nàng, khi người này khi người khác hoặc nàng đóng cửa nhà đi đâu đó với họ đôi ba tuần lễ. Lý không có một quan hệ lâu dài với riêng ai cũng như không có một đối xử đặc biệt với người nào. Nàng không nặng lòng với ai nên cái vui đến với nàng không lớn, cái buồn chạm đến nàng không sâu, nàng như một đám mây hờ hững chia nước đồng đều trên những vùng đất nào nó trôi dạt tới. Sự trải nghiệm của bản thân trong nhiều năm dần dần làm Lý trở nên cạn cợt với mọi người và nàng cho rằng như thế dễ sống hơn, nhẹ nhàng hơn ở một cuộc đời vốn đã quá nhiều những thứ nặng nề, xiềng xích.
Một lần soi mặt trong gương Lý bỗng giật mình. Nàng đưa tay vuốt nhẹ những đường rãnh rồi thử tìm cách kéo căng lớp da nơi đó ra cho khỏi đùn lại. Lý thử nhếch miệng cười. Trời ơi, mắt, mũi, miệng, cằm, trán của nàng thảy đều xếp nếp như cái vỏ nhăn nheo của một trái táo khô. Mình đã già hồi nào vậy cà? Lý hoảng hốt. Nàng tìm mua những mỹ phẩm mắc tiền, đi đến những chuyên viên về da. Người ta nói da của nàng bị nắng gió thiêu đốt, cần phải tái tạo lại. Người ta đưa ra hàng loạt câu hỏi. Có phải chị làm vườn mê mải? Hay là chị chạy bộ ngoài trời không đội nón? Lý gật đầu để khỏi giải thích. Nàng mất một thời gian và tiền bạc nhưng đâu hoàn đó, mọi thứ hóa chất chỉ làm khuôn mặt nàng mang cái vẻ giả tạo của một con búp bê được đắp bột. Lý không nói với ai. Nắng gió chỉ ảnh hưởng một phần. Khuôn mặt nàng là tấm gương phản chiếu những héo hon suy sụp của tâm hồn nàng. Có người khuyên Lý nên đi chơi cho khuây khỏa. Đi đâu? Đi với ai? Nàng tự hỏi. Lý lật tới lui vài tạp chí du lịch, trang nào cũng đầy hình ảnh những cặp tình nhân đứng dưới gốc dừa, đứng nhìn ra biển, đứng nhìn nhau đắm đuối. Những tay thợ ảnh này đúng ra phải được tặng thêm bằng cấp nói dóc. Thực tế bao giờ cũng sần sượng và khó coi lắm mấy ông à, làm gì có những thứ hoa mộng đó trên đời. Lý ném quyển tạp chí xuống gầm giường. Nàng giở bức thư nhà mới nhận hôm qua ra đọc lại.
Lý ơi, chừng nào em về đây chơi chị dẫn vô thăm mộ bà Nội. Chị mới xây mộ lại, làm cái mái che bên trên. Bà Nội tha hồ mát. Về chơi đi chị tráng bánh xèo cho ăn. À, bác Tư nhắc em đó. Bác nói chừng nào em về bác gởi tặng em cái lồng chim…”
Trời đất. Tặng lồng chim. Chắc đời sống của nàng bây giờ không còn ai ngoài chim, ngoài chó. Lý bật cười. Nàng đọc lại bức thư một lần nữa. Chừng nào em về đây chơi… Lý không còn ai ở quê nhà ngoài gia đình người chị họ bán hủ tiếu ở chợ huyện Thạnh Trị tỉnh Cần Thơ. Xa vời quá. Nàng gấp cái thư lại, bần thần. Quê nhà, mộ bà Nội, cái lồng chim, bánh xèo tráng với thịt vịt bằm… những cái đó liệu có thể làm nảy nở nổi một hạt mầm nào trong tâm hồn đã phơi trần hạn hán của mình hay không. Lý chán ngán nằm vật ra sàn nhà úp mặt xuống thảm. Nàng nghe một thứ mùi sực lên từ đó, tanh nồng, hôi hám khiến nàng gần như buồn nôn. Lý nhổm dậy nhìn lại mình, quần áo, mặt mũi, tóc tai bám trắng những cái lông chó cũng đang sực lên cái mùi tương tự. Ngay cả đôi mắt nàng cũng giống đôi mắt chó, một giống chó hoang, vừa ngờ vực vừa van cầu. Lần đầu tiên nàng ghê tởm chính mình. Ba tháng sau Lý đã có mặt trong gian nhà sát bờ sông, có cái bàn ông thiên nép dưới cây bã đậu, có bức tranh Quan Vân Trường cầm đại đao, có hai cái chân gà phơi khô treo giàn bếp. Trên tường còn tấm ảnh nàng mặc áo đầm ngồi trong lòng bà Nội tay ôm con búp bê. Nàng hỏi: “Đường từ đây vô mộ bao xa chị Hai?” Chị nói: “Xa xôi gì. Đi chừng một buổi. Có điều ngồi ghe nắng lắm. Lấy cái nón của chị mà đội.” Lý nói đùa: “Em không biết chèo ghe, làm sao đi.” Chị cười: “Vô duyên. Ai biểu mày chèo hồi nào.”
Con sông Thạnh Trị chảy qua huyện Thạnh Trị, qua chợ Ngã Năm, qua Tân Hòa Đông rồi mải miết về đâu không biết. Từ chợ ngã Năm con sông rẽ ra thành nhiều nhánh, luồn lách dưới những rặng dừa nước bùm xùm đâm sâu vào những cánh đồng mênh mông của miền đất đai châu thổ. Lý ngồi ở mũi xuồng, một tay thả xuống nước, một tay dằn cái nón trên đầu cho khỏi bay. Nắng táp vào mặt bỏng rát. Chị của Lý ngồi giữa khoang cầm cái miểng dùa tát nước ra sông sàn sạt. Gió thổi từng đợt quất vào xuồng, hất cái nón lá của cô gái chèo đò ngược về phía sau. Sóng dồn dập đập vào xuồng bắn lên những giọt nước mát lạnh. Cô gái còn rất trẻ, độ hăm mốt hăm hai là cùng có đứa con chừng ba bốn tuổi ngồi gặm trái bắp trầy trật. Đứa bé trông dơ bẩn, bùn đất đóng đen hù giữa kẽ chân kẽ tay, trên mặt tèm lem mũi dãi. Duy có đôi mắt là thơ dại, chỉ có bóng trời bóng nước, không có tuyệt vọng, không có chối từ. Lý lấy ra một cái khăn ướt chườm lên khuôn mặt nóng rừ. Sau lưng nàng tiếng mái chèo oằm oạp đều đều, tiếng lao xao của những cái tàu dừa chụm đầu nhau qua khe lạch, tiếng chị nàng trò chuyện qua lại với người con gái chèo đò.
-Tao nghe nói ba thằng Bé mấy tháng nay không về hả Bảy?
-Dạ…
-Nó đi đâu vậy?
-Dạ ảnh nói là đi kiếm tiền hùn vốn với người ta để mua một chiếc ghe bầu đặng chở mướn. Đất ruộng nhà con nhằm đất gò, trồng lúa không được, chỉ trồng dưa leo. Mà dưa leo cũng thất hoài.
-Lần trước nó cũng bỏ mày đi biệt cả năm trời phải không?
-Dạ. Con tưởng đứt dây rồi chớ nhưng rốt cuộc ảnh về đem cho con sợi dây chuyền với mấy xấp vải. Ảnh nói ảnh ăn năn rồi.
-Rồi mày tin nó?
-Dạ…
-Mày tin nó nên mày mới ôm cái bụng như vầy chớ gì.
-Con…con đâu có dè. Với lại hồi đó thầy coi nói vợ chồng con ở với nhau lâu lâu bất hòa chút đỉnh vậy thôi chớ không bao giờ bỏ nhau, gương vỡ lại lành.
-Tại mày mê nó quá chớ thầy nào nói.
-Dạ thiệt mà. Hồi con lên chợ Vàm chị Sáu con dẫn đi coi.
-Rồi bây giờ mày phải viết thơ kêu nó về chớ.
-Con biết ảnh ở đâu mà viết thơ.
-Vậy chớ mày làm sao?
-Con… chờ chứ biết sao bây giờ cô Hai.
-Nó bạc như vậy mà mày chờ làm gì hả Bảy? Lần này là lần thứ mấy rồi?
-Con cũng tức lắm chớ cô Hai nhưng nghĩ lại… vợ chồng ăn ở sắp hai mặt con rồi, có lúc người ta cũng tốt với mình.
-Tốt là tốt làm sao mày kể tao nghe.
-Cô Hai biết không hôm ảnh lên chợ Thạnh Trị làm mướn, được người ta cho con vịt quay. Ảnh hổng ăn miếng nào đem về đây cho con. Mà hồi đó ảnh còn chưa lấy con. Con cũng nghèo, con có gì cho ảnh thương đâu.
-Mày dại lắm. Đàn ông con trai nào cũng giỏi òn ỉ. Thôi mày cứ ráng mà chờ. Đợi nó về rồi nó cho mày thêm một cái bụng nữa.
Người con gái tên Bảy nín thinh. Đứa bé ngồi trong khoang thuyền ăn xong vất cái cùi bắp xuống sông. Nó nổi nhấp nhô trên mặt nước, lẽo đẽo đi theo chiếc thuyền một quãng dài. Lý không ngó lại cô gái, tự dưng đưa tay áp lên bụng mình. Nàng không cần chồng nhưng nàng khao khát một đứa con, khao khát được làm mẹ. Có lẽ trong trái tim nàng tình yêu đã chết rồi nên thân thể nàng ngấm ngầm bỏ cuộc, không thèm làm cái công việc của tạo hóa giao phó. Lý quay nhìn đứa bé một lần nữa. Đôi mắt của nó mới xinh làm sao. Nàng xích lại gần vuốt lên mái tóc lù xù hoe nắng:
-Con đi theo cô không? Cô mua cho con nhiều bánh kẹo, nhiều đồ chơi.
-Đồ chơi gì? –Đứa bé có vẻ ngần ngừ.
-Thì xe hơi nè, máy bay, xe lửa nữa nè, con chịu không?
-Mua rồi cô có dẫn con về không?
-Sao con muốn về?
-Tại con nhớ má. Con cũng nhớ ba.
-Ba con đâu biết chừng nào về.
-Về chớ. Má nói ba hứa về mà.
Một chiếc ghe bầu đi ngang dấy lên những lượn sóng lớn làm chiếc xuồng của Lý chòng chành một lúc mới lấy được thăng bằng. Người thanh niên đứng trên chiếc ghe kia thấy Bảy thì chụm tay kêu lên một tiếng mừng rỡ. Anh ta vẫy tay rối rít mà Bảy chỉ ngẩng lên cười nhẹ. Chị Hai hỏi:
-Phải thằng Chín đó không Bảy?
-Dạ phải.
-Nó có vợ con gì chưa?
-Chưa cô Hai à.
-Hay là… nó còn thương mày?
- Thôi cô Hai đừng nhắc tới nữa. Con không muốn ảnh đeo đẳng con mãi làm gì. Cái số con đã lấy ba thằng Bé rồi thì con không lấy ai khác.
Mộ bà Nội Lý nằm tận cùng con lạch trên một gò đất nổi giữa ruộng, tư bề đồng không mông quạnh. Gò đất nhỏ nằm cô đơn, xung quanh là khe nước xanh nhớt những bèo là bèo. Những dây bìm bìm, cỏ hoang mọc đặc gật che kín tấm bia có những hàng chữ nho sơn đỏ bị bùn đất bám vào. Người trông coi phần mộ và miếng đất hương hỏa này là ông Tư Cu, một ông già lèm bèm gần như ngớ ngẩn. Hồi trẻ ông có tài bẫy chim cu nên người ta mới đặt cho cái tên như thế. Ông biểu ở đời có bốn cái ngu, tao chọn cái thứ ba, không đến nỗi nào. Bây giờ già, hết đi gác cu rồi thì ông đan lồng, nửa để chơi, nửa bán kiếm tiền. Mỗi cái lồng lớn không quá trái bí rợ. Ông bảo cái giống chim này lạ, lồng càng chật gáy càng hay, càng hăng, cho nó ở cái lồng rộng là nó nín bặt ngay. Có lẽ chim cũng giống người. Sống sung sướng thì chẳng ra tích sự gì. Hỏi vì sao ông thích giống chim này thì ông bảo ông thích tiếng gáy của nó. “Cúc cù… ru. Cúc cù… ru.” Cái tiếng mộc mạc, thô sơ chẳng có làm màu làm mè gì hết.
-Bây xuống hồi nào vậy Hai? -ông hỏi.
-Con mới xuống. Dẫn con Năm vô cho nó thắp nhang bà Nội.
-Ở ăn cơm rồi hãy về nha. Để tao biểu thằng nhỏ đi bắt gà.
Chị Hai xua tay:
-Thôi bác Tư ơi. Con vô chút xíu con về liền. Con Năm nó bận lắm. Con còn neo xuồng biểu chờ ngoài đó. À bác Tư cho con mượn cái hộp quẹt. Đi lụp chụp quên đem theo.
Ông Tư đi lấy hộp quẹt xong lững thững trở lại ngồi còng lưng chuốt tre đan lồng. Mặt ghế đẩu ông ngồi không biết đã bao nhiêu năm lên nước bóng ngời ngợi. Con dao nhọn lểu vuốt từng đường ngọt xớt. Chị Hai rót ba chung rượu, bày một dĩa gạo, một dĩa muối, một dĩa trái cây. Khói nhang, khói đốt giấy tiền vàng bạc bay tỏa bềnh bồng, tản ra khắp vô cùng trống trải. Lý trải tờ báo ngồi dựa một gốc cây bên bờ ruộng thẫn thờ nhìn khói. Nàng không biết mình đang nghĩ tới ai, tới điều gì ở cái thời khắc tịch mịch phiêu bồng này. Chắc chắn người nàng nghĩ tới không phải là người đang nằm dưới nấm mộ kia. Tuổi thơ xa lắc đã trôi tuột đi đằng nào như cục nước đá tan mau trong lòng bàn tay để lại một chút nước nhạt phèo, lõng bõng. Nàng lớn lên ở một miền đất khác, nơi không ai quen chờ đợi ai, nơi không ai bỏ phí thì giờ cho một cái gì huyễn hoặc. Nàng không có một hoài niệm day dứt về một người đặc biệt nào trong đời, đâu đâu cũng chỉ bảng lảng những hình bóng chập chờn, chỗ đậm chỗ lợt, có chỗ bị xóa hẳn dấu vết không sao tìm được như cái mẩu thuốc hút xong vất vào trong cỏ. Lòng nàng phẳng phiu và bất động. Lý trải đời với nhiều người đàn ông. Họ như nhau cả thôi. Thời mới lớn nàng như những thanh sắt đường rây mà bất cứ đoàn tàu nào khi đến gần cũng làm nó rung lên trong những hân hoan tươi rói và tiếp theo là nghiến nó xuống trong những thất vọng ê chề. Bây giờ thì hết rồi. Lý mỉm cười ngó ra ruộng. Có một chú chim ở đâu sà xuống nhảy lưng tưng ngó nàng dò xét. Hai mắt nó hết sức cảnh giác. Lý vứt cho nó mẩu bánh. Con chim bổ vào đớp lấy rồi vù lên ngọn cây. Tiếng hát của người con gái nào trong nhà ông Tư hay nhà ai vọng ra buồn tênh văng vẳng Mịt mùng thu lại đến thu. Bao giờ anh học chữ nhu mới về. Bâng khuâng nước ngập tư bề. Xuống đò lẳng lặng em về đồng trong. Tiếng hát mới đầu còn rụt rè sau càng lúc càng lớn dần, ngân nga, thê thiết. Nàng bỗng lắng tai nghe, chú ý đến từng lời chữ, tưởng tượng một cái cổ cao, một khuôn ngực đầy đặn, một đôi mắt xa xôi ngóng ra vàm sông đang cuồn cuộn nước đổ vào mặt ruộng. Hát đi. Hát nữa đi. Đừng dừng lại. Em Bảy ơi. Em là một người hạnh phúc mà em không biết đấy. Em có một người để em chờ đợi. Thời bây giờ người ta dễ dãi và mau quên lắm, không ai sâu đậm với ai, không ai mang mểnh những ngang trái làm gì cho mệt. Lý thấy trong chính mình và cái xã hội quanh mình cái tồn tại lớn nhất trong mỗi người là sự sốt ruột. Người ta thiếu thì giờ, thì giờ để làm những việc cho chính mình. Những thứ khác như tình yêu, tình bạn, tình người, sự hy sinh, lòng vị tha… là những thứ vất long chong bừa bãi, ai rảnh thì nhặt, không rảnh thì thôi. Như nàng cũng nhặt được một ít rồi lơ đễnh để rơi rớt nơi nào không tìm lại được.
Bốn năm sau Lý lại về Thạnh Trị. Nàng như một người lính thất trận, quân trang tơi tả, thân xác rã rời, đôi mắt thâm quầng lơ láo. Những lần thụ thai nhân tạo không thành công đã lấy hết ở Lý những hy vọng sau cùng. Nàng kiếm mua về cho mình một con búp bê lớn gần bằng đứa bé thật, biết khóc oe oe, biết kêu “mommy mommy”, biết nhắm mắt mở mắt. Đi đâu Lý cũng đem nó theo, lúc cho ngồi ở băng sau xe hơi, lúc ôm trong lòng, kể cả để trong vali mang về Thạnh Trị. Lý hôn nó chùn chụt, thủ thỉ gọi nó là “con,” thay quần áo, tắm rửa cho nó. Nàng không lừa được ý thức của mình, càng không trốn được đi đâu. Đến nỗi nàng đã vượt hàng chục ngàn cây số để về nơi xó xỉnh quê mùa này, trốn lên chiếc xuồng này mà đi thì vẫn có nó lù lù bên cạnh. Nó vuốt ve nàng bằng cái giọng hết sức đểu giả: “Chị có chạy đằng trời thì cũng chẳng thay đổi được gì. Chị thấy đó. Chiếc xuồng này bốn năm trước ra sao thì bây giờ nó vẫn vậy. Cô Bảy vẫn ôm cái bụng đã hơi ễnh về phía trước. Hai mái dầm, hai tay quai cột chèo, cái miểng dùa tát nước ra sông, những bệt bùn khô bám trên thân cây cầu nhủi, những mảng lục bình dắt díu nhau lang bạt kỳ hồ… có gì thay đổi đâu. Có khác chăng là trong khoang xuồng có thêm một đứa bé nữa. Con Bê, em thằng Bé. Ngoài ra là y chang, y chang hết. Chị hiểu không?”
Lý rùng mình ngó ngoái lại. Nước sông chảy như không chảy, trôi như không trôi. Những cánh đồng trân mình dưới nắng gắt thênh thang không một bóng người. Xuồng vừa tới ngã ba, rẽ vào con rạch cạn, bạt ngàn dừa nước, bần, đước, ô rô… Hai đứa trẻ ngồi trong khoang cầm miểng dùa tát nước sàn sạt. Con Bê lớn bằng thằng Bé của bốn năm trước. Nó xinh xắn như một bông hoa, một bông hoa lục bình hồn nhiên tím ngát, đong đưa trên dòng nước bùn lầy, thấp thỏi. Thằng Bé dài ngoằng, đen đúa, gầy xơ. Đôi mắt nó hết còn thơ dại như dạo trước mà buồn, buồn thiu, buồn chảy, hắt ra cái bóng đời hoang vu của mẹ nó, của em nó, của đứa em chưa ra đời của nó. Chị Hai kéo nón xuống sửa lại cái đầu tóc bù xù. Gió đồng phơ phất nhẹ nhàng. Ngồi ở mũi đò chỗ bốn năm trước Lý lại nghe ngóng câu chuyện của những người sau lưng mình. Nàng có cảm tưởng như đây là đoạn phim nối kết của cái phần dang dở mà chính mình cũng tò mò muốn biết.
-Ba thằng Bé bây giờ ở đâu Bảy? -Chị Hai hỏi.
-Con không biết. Ba tháng trước có người gặp ảnh ở Cái Tắc. Hỏi đi đâu thì ảnh nói đi vác lúa mướn. Rồi thôi. Từ hôm đó tới giờ biệt tăm biệt tích.
-Mày hai đứa con, lại thêm cái bụng. Nó bỏ đi biền biệt không tăm hơi. Vậy mày lấy gì sống? Tao nghe con Sáu chị mày rủ mày về chợ Ngã Năm bán hột vịt muối sao mày không đi? Lây lất ở đây làm gì?
-Con ráng đợi thêm vài tháng nữa. Con nghĩ nếu ảnh có bạc là bạc với con chớ không lẽ ảnh bạc luôn với mấy đứa nhỏ.
-Hồi đi nó có hứa gì với mày không?
-Dạ có. Ảnh hứa sẽ ráng kiếm tiền đem về, hứa mua cho con Bê một con búp bê mắc tiền, loại biết nhắm mắt mở mắt. Con Bê nó thích con búp bê này lắm. Nó cứ đòi hoài.
-Bảy à, ở đời không ai xúi người khác đi bỏ vợ bỏ chồng nhưng mà sao tao thấy cái cảnh mày tao xót quá. Đồng ý là nó đi kiếm tiền nhưng cái kiểu đi vô hạn định, lúc nổi lúc chìm thì chờ tới chừng nào. Không lẽ nó cứ đi đi về về, đợi mày có mười cái bụng rồi mới chịu ở luôn.
Người con gái tên Bảy thút thít khóc. Gió sông rầu rầu vẳng lại tiếng hát thuở nào tê tái Mịt mùng thu lại đến thu. Bao giờ anh học chữ nhu mới về. Hai đứa con cô Bảy nằm trong khoang xuồng lấy cái nón lá úp lên mặt ngủ ngon lành. Nước giựt xuống càng lúc càng cạn, khe lạch gom lại thành cái dòng chảy nhỏ xíu ngoằn ngoèo nhưng rất xiết chỉ vừa đủ cho vịt lội. Những cái chân cầu trơ ra đóng rêu xanh lè, nhớt nhợt. Bảy bước xuống bãi bùn, xăn quần lệt bệt kéo chiếc xuồng vào bóng râm. Trên bờ một cái máy xay lúa nào phát ra những tiếng lạch xạch lạch xạch thành một dòng âm thanh tuôn chảy không ngừng, thứ âm thanh làm người ta rất dễ đổ quạu vì cái sự bất biến của nó. Lý hỏi: “Đợi chừng nào nước mới lên vậy Bảy?”
Ông Tư Cu mất rồi, đất cát, mồ mả giao lại cho con trai ông là anh Tư Có. Nhà cửa sau trước trống phộc. Lồng chim, tre nứa, mấy cuộn dây kẽm, dây gai, cái ghế đẩu, con dao đồ nghề của ông Tư không thấy đâu hết. Lý hỏi:
-Ủa, lồng chim đâu hết rồi anh Tư?
-Tui đem cho hết rồi- Anh Tư Có đáp.
-Anh không giữ cái nào lại sao? Giữ làm kỷ niệm, để nhớ bác Tư.
Tư Có thở ra:
-Thôi cô Năm à. Nhớ thì nhớ nhưng giữ lại rồi cũng bụi bặm chớ làm gì. Bỏ bớt đi cô Năm à. Đừng buộc mình vào cái gì trên đời này hết. Ba tui làm lồng chim suốt đời rồi. Bây giờ chết hổng lẽ tiếp tục giữ nữa?
Lý nhìn ra cây rơm trước nhà, nơi ba mẹ con cô Bảy đang ngồi bệt dưới đất chốc chốc lại lóng nhóng trông vào xem chừng nàng đã cúng xong chưa thì bơi xuồng chở về. Thằng Bé lấy rơm bện lại thành con chấu chấu, con ve, con cào cào để sắp hàng một rồi hai anh em cầm chơi, dí con nọ vào con kia cười khúc khích. Ôi những người đó đó. Người mẹ trẻ, hai đứa con thơ, cái thai trong bụng. Họ cũng buộc mình vào những ảo ảnh vu vơ, những chờ đợi phung phí suốt một đời son trẻ. Người ta không thể sống mà không có cái gì để bám víu, dù cho đó có là củi mục trôi sông thì ít ra cũng giúp họ trồi thụp được một quãng nào trong đời. Những xấp giấy tiền vàng bạc trên mộ bà Nội đã cháy hết, bay lả tả tàn tro mà đụng vào là rã ra như bụi. Tiếng một con cu đất trong bụi lùm nào kêu những tiếng nhỏ, trầm nhưng rất vang “cúc cù… ru, cúc cù… ru…” Lý chụm miệng giả làm tiếng chim kêu đáp lại. Con chim ấy nín bặt rồi lại kêu, ở một chỗ khác. Giữa không gian bao la tiếng chim không biết vẳng ra từ phía nào, từ kho chứa lúa, trên mái nhà, dưới tàn cây trứng cá, sau chuồng bò… Lý đứng lên ngó dáo dác định hướng rồi đi theo, lại kêu nữa. Kìa, kìa nó ở bụi tre đằng kia, chỗ cái lồng gà. Nó lại kêu nữa. “Cúc cù… ru. Cúc cù… ru.” Lý bước vội tới. Bụi tre già lắc lư, lá rụng rào rào nhưng không có con chim nào ở đó. Rồi bỗng nó kêu. Ở ngay sau lưng. Lý quay phắt lại tìm kiếm. Hình như nó bên kia bờ kinh, có một thanh tre bắc qua làm cầu. Lý nhìn cây cầu, hơi do dự. Phía dưới cầu là một chiếc dép của ai đó làm rớt, chắc là của kẻ ở thành thị mới về nhà quê, còn lúng ta lúng túng. Lý vừa vịn tay lên thành cầu, ướm ướm thử bàn chân chưa kịp bước đi thì lại nghe nó kêu nữa, giục giã, thôi thúc. “Cúc cù… ru. Cúc cù… ru.” Nhanh lên, nhanh lên. Lý tuột dép cầm trên tay, dò dẫm bước qua cái thân tre lắt lẻo, ỡm ờ. Hú hồn. Rồi nàng bỗng giật mình nhìn quanh quất, hơi sợ hãi. Bên đây là đất nhà ai, đâu phải nhà mình. Lỡ ai chận lại hỏi mình nói sao. Thây kệ, có sao nói vậy. Có làm gì bậy đâu mà sợ. Rồi Lý kêu. Rồi tới lượt con chim, rồi tới Lý. Tiếng chim lúc xa lúc gần, như trêu như chọc, dẫn Lý đi từ khoảng ruộng này qua khoảng ruộng khác, từ cây cầu này qua cây cầu khác, dẫm lên rất nhiều ụ đất loi nhoi, những chòm mả lẻ loi, những bờ ngang bờ dọc. Nàng vất luôn dép mà đi, mà chạy, mặc cho đá cát đâm vào chân đau điếng, mặc cho gai mắc cỡ xướt da chảy máu nàng cứ đi, đi mãi cho đến khi bóng nàng nhỏ dần nhỏ dần rồi mất hút đâu đó trên cánh đồng rập rờn, xa ngái.
Chị Hai,
Không ai thay đổi được hoàn cảnh hay tâm tính của mình đâu. Trừ những biến cố lớn như chiến tranh, lịch sử hay thiên tai thì họa hoằn con người mới chuyển đổi được ít nhiều những cái tạm gọi là bản thân và định số. Còn không thì bất khả. Con người ta chẳng bao giờ xê dịch được chính mình, chẳng bao giờ bước chân ra khỏi cái đầu của mình, chẳng bao giờ đi tới được một chỗ nào hết mà người ta vẫn lầm tưởng là đã đi xa lắm. Em biết mọi lời khuyên đối với Bảy đều vô nghĩa. Rồi người đàn ông kia sẽ quay về, rồi Bảy sẽ tiếp tục mang thai, rồi tiếp tục chờ đợi. Mang thai và chờ đợi. Mãi mãi là như thế. Chị cứ nhìn ra bờ sông kia thì biết. Có cái gì thay đổi trong trời đất này đâu. Tiếng những cái bông bần rụng trắng lung lơi, tiếng một con le le đập cánh trong bờ sậy, tiếng chim dòng dọc kêu tha thiết mừng mẹ chiều về, tiếng bèo mười hai bến nước xa, tiếng lan tiếng huệ sầu đong mùa này qua mùa khác, trăm năm này qua trăm năm khác. Chắc còn lâu lắm em mới về Thạnh Trị nhưng chắc chắn sẽ về thôi. Chị có đốt nhang mộ bà Nội thì đốt nhang mộ bác Tư giùm em. Chị Hai, trong tất cả những gì em gởi lại cho Bảy có một con búp bê, chị đưa tận tay con gái Bảy giùm em. Nói với nó đây là con búp bê biết nhắm mắt mở mắt, biết đi, biết khóc, biết gọi mẹ. Nó có thể thay quần áo, tắm rửa cho em, ru em, bồng em đi chơi. Nói với nó hãy làm tất cả những việc đó, chắc chắn nó sẽ vui… và nhớ đừng quên một điều rằng hãy bảo với nó đây là quà của ba nó gởi về cho nó, không phải là của em… nha chị.
Cao Thanh Phương Nghi
Tháng 4/2009

Xem Tiếp: ----