Có thể những điều tôi sắp viết ra đây có nhiều lầm lạc. Dưới nhãn quan của đứa bé lên mười lúc đó tôi đã hiểu gì và không hiểu gì ở bước đầu theo cha mẹ đi tha phương cầu thực nơi xứ người. Mẹ lúc đó trẻ như tôi bây giờ, dắt tay tôi bước vào cơ ngơi bề thế của ông bà Ngọc trên một vùng đồi thưa thớt cư dân. Tôi mặc áo len dày, đeo bông toòng teng, đeo dây chuyền mặt ông Địa cẩm thạch, mười tuổi nhưng nhỏ như đứa bé bảy tuổi, sợ hãi mọi thứ trên đời. Trong trí nhớ còn lại tôi vẫn hình dung được tòa nhà rộng có hồ bơi hình hạt đậu nước trong vắt như mây và một trại vườn mênh mông, râm mát phía sau với hơn ba chục gốc avocado, xoài và lựu. Gần cuối vườn có cái hồ thả cá, sen súng nở êm đềm. Trên bờ là con ếch bằng đá ngậm một cuống lá sen, vẻ tư lự đến khôi hài. Mùa thu hoạch mẹ và tôi đứng trong cửa sổ nhìn người ta chất avocado lên xe tải chở đi thấy mà ham. Từ cửa sau nhìn ra vườn, thấp thoáng trong tán lá là cái nhà kho nho nhỏ nép dưới gốc cây lựu. Cánh cửa kho được móc hờ bởi một cái ống khóa hen rỉ, bên trong có cái bóng đèn lu câm lòng thòng sợi dây điện mà bụi và mạng nhện quến vào làm thành một lớp bông màu xám mịn.Công việc của mẹ tôi là chăm sóc bà Tam, mẹ của bà Ngọc. Bà bị phong thấp nặng, đi đứng liểng xiểng, ngồi trong phòng lần chuỗi cả ngày. Bà ăn chay trường, hay kể cho tôi nghe tích Phật, kể đi kể lại chắc cũng đến cả trăm lần. Bà chất xung quanh giường của mình đủ thứ trên đời, kim chỉ, mắt kính, bông gòn, đồ ráy tai, hộp phấn đã hết, cái đồng hồ hư, bút máy cũ, xấp thư cũ, album, hình ảnh và rất nhiều kinh Phật. Bà than thở: “Tôi bây giờ đi đứng yếu đuối không ra bàn thờ tụng kinh được. Kinh sách mà phải đem vào phòng ngủ sợ mang tội.” Mẹ tôi nói: “Phòng của bác sáng sủa trong lành thế này, có gì ô uế đâu mà sợ tội. Người có lòng thành như bác, Phật không thương thì thôi chớ sao lại bắt tội.” Mẹ tôi nấu chay, tắm rửa, thay quần áo cho bà. Người bà như cái bị da chứa mớ xương xẩu lục cục lòn hòn, mỗi khi bước đi chúng va vào nhau kêu rắc rắc. Tôi học lớp ba vì khai sụt tuổi. Sau giờ học cha chở tôi đến đây đem sách vở ngồi học bài, tối cha đi làm ra chở hai mẹ con về. Mẹ tôi nói với ông Ngọc: “Anh chị cho cháu nó ở đây buổi chiều thật tôi cám ơn lắm. Để nó ở nhà một mình sợ nó coi Tivi không chịu học hành.” Ông Ngọc cười dễ dãi: “Nó cứ ở chơi, có phiền phức gì đâu ” Bà Ngọc nói với tôi: “Bác đem kinh Phật về nhiều lắm. Con đọc cho bà nghe nhé. Mấy đứa nhỏ nhà này không biết đọc tiếng Việt. Bà thích xem kinh mà bây giờ mắt mờ đọc không được. Con thích avocado không? Trái chín rụng đầy đó. Tha hồ ăn, đừng sợ.” Mới đầu tôi còn chưa quen cứ quấn bên chân mẹ chẳng dám rời. Được vài ngày tôi lò dò ra hồ nước xoa xoa tay lên cái đầu láng bóng của con ếch bằng đá rồi lẩn thẩn đến tận cái rào chắn bằng gỗ nhìn ra những lượn đồi tiếp nối trải dài vô tận dưới mặt trời. Tôi thấy mình vừa nhỏ bé vừa khờ khạo thậm chí ngốc nghếch. Trong nhà không ai để ý đến tôi. Tôi lẩn quẩn ra vô như con chó con mèo. Trong nhà chán thì ra cái kho phía sau nằm dài nghĩ ngợi mông lung. Trong kho khá rộng, chứa rất nhiều sách vở, bụi ngập lên một lớp dày. Tôi lôi một quyển ra đọc thấy toàn là thơ, chữ nghĩa mù mờ không hiểu gì. Cuốn thứ hai là kinh Phật, càng mù tịt. Cuốn thứ ba về kế toán, dạy cách chi thu tính toán lời lỗ. Tôi chán nản ra ngồi dưới gốc lựu, một lát sau thì ngủ gục mẹ ra gọi tôi vào.Ông Ngọc là bác sĩ lâu năm, tóc bạc lốm đốm, giữa trán có cái bớt màu tím than. Khi ông vui, cười to sảng khoái thì cái bớt có hình tròn, khi ông đăm chiêu suy tưởng hay buồn phiền thì cái bớt có hình tam giác. Tôi bí mật quan sát cái bớt mà đoán tâm trạng của ông và coi đó như một trò chơi lý thú của riêng mình không ai biết. Bà Ngọc nghe nói trước đây cũng đỗ đạt ra bác sĩ nhưng không hành nghề. Bà làm quản lý văn phòng cho ông, đi đi về về tất bật. Bà có giọng nói rất ngọt, giao thiệp rộng, chuông điện thoại reo không ngừng. Ông Ngọc dáng người nặng nề, xách cặp đi làm như lết trên mặt đất. Ông nói: “Làm nhiều làm ít gì cũng vậy, tàm tạm cho qua. Tôi mệt mỏi lắm.” Thật ra ông không cần phải làm. Nội những khu thương xá mà ông cho thuê mướn cũng đủ cho ông bà sống sung túc cả đời. Chú Ấn, người lo sửa chữa bảo trì những khu nhà đó đã kể với mẹ tôi như vậy. Chú lúc nào cũng tay kềm tay búa, quần áo lấm lem dầu mỡ, ở trên nóc nhà nhiều hơn dưới đất tưởng như chẳng bao giờ chỏ mũi vào chuyện của ai vậy mà cứ hở ra là rỉ tai mẹ tôi đủ điều. Chú bảo: “Tôi nói cái này bà chị đừng nói với ai nhé.” Mẹ tôi nói: “Nếu chú sợ thì đừng nói.” Chú cười khì: “Cái tật của em.” Đoạn thì thào: “Ông bà chủ nhà này coi vậy mà không hạp.” Mẹ tôi hỏi: “Không hạp chỗ nào?” Chú nói: “Bà muốn ông làm thêm, kiếm nhiều tiền nhưng ông không thích, chỉ thích viết văn, làm thơ. Bệnh nhân người ta càm ràm ông ấy lắm, nói mỗi lần tới khám bệnh chờ đợi cả tiếng đồng hồ. Mà tôi biết. Ông ngồi trong phòng viết văn không hà chớ có phải bận bịu gì đâu.” Mẹ tôi hỏi: “Sao chú biết là viết văn? Lỡ ổng viết cái gì khác thì sao.” Chú trề môi: “Tôi quét vôi văn phòng của ổng. Tôi nghe hết. Ổng điện thoại mượn tiền người ta in sách vì vợ ổng chịu không đưa tiền. Cái giọng gà mái như ổng thì sợ vợ lắm, không dám nói gì đâu. Mà chuyện này là chuyện nhỏ. Tôi còn biết nhiều chuyện khác động trời lắm kìa. Bà chị không ngờ đâu. Hôm nào rảnh tôi kể cho mà nghe.” Chú Ấn hấp háy đôi mắt một cách tinh ranh. Tôi ngẩn ra nhìn. Hình như trong nhà chứa nhiều điều bưng bít. Chúng ở đâu? Dưới lớp lá cây xôm xốp ngoài vườn hay dưới lớp bụi dày phủ lên những cuốn sách trong kho? Tôi còn nhỏ quá, tôi không phân biệt được ai tốt ai xấu. Ông Ngọc, bà Ngọc, bà Tam, chú Ấn, người nào cũng mềm mỏng, cũng nhỏ nhẹ, giọng nói như có bàn tay vuốt lên vuốt xuống sau lưng mình. Thỉnh thoảng ông Ngọc vẫn cho mẹ tôi thuốc sample, bà Ngọc thì soạn quần áo cũ của con bà cho tôi. Như vậy chẳng lẽ họ là người xấu. Nhưng những lời của chú Ấn sao có vẻ quả quyết quá vậy. Chú làm cho họ lâu năm chuyện gì mà không biết. Tôi lôi quyển tập ra ngồi vẽ nguệch ngoạc. Mẹ tôi chiên tàu hủ, nấu canh dưa chua, kho cá thu với khóm. Bà Ngọc nói: “Xuống ăn cơm anh ơi. Em đi rửa tay rồi vào ngay. Hôm nay có đậu rán của anh đây này.” Ông Ngọc ngồi vào mâm chống đũa, không hiểu sao lại lầu bầu: “Chán bỏ mẹ.”Bạn bè của ông bà Ngọc rất nhiều chia làm hai nhóm. Nhóm của ông Ngọc gồm những người thích làm thơ, viết văn, sáng tác nhạc. Nhóm của bà Ngọc gồm những người thích hành hương, đi chùa và tập ngồi thiền. Nhóm của ông họp tối thứ bảy, nhóm của bà họp trưa chủ nhật. Bà nói: “Tôi không ưa ba cái trò viết lách lăng nhăng. Ăn không ngồi rồi đi vạch áo cho người xem lưng.” Tuy nói vậy nhưng bà Ngọc vẫn tiếp đón những người bạn của ông rất niềm nở. Bà có một cái uy, lạ lắm, không biết do bẩm sinh hay do sự khôn ngoan từng trải, thể hiện ở chỗ khi bà nói ai cũng lắng nghe, khi bà cười ai cũng cười, khi bà yêu cầu điều gì ai cũng phục tùng. Bà nấu chè hột sen, làm bánh rau câu, bánh nhân táo để đãi những người bạn của ông mà một cách hậm hực bà đã gọi họ là “cái đám văn nghệ nửa mùa.” Dĩ nhiên là “cái đám” này không hề biết bà gọi như vậy nên vừa ăn vừa khen lấy khen để. Chị cho em xin cái recipe, hay hôm nào chị dạy em làm nhé. Dễ ợt - Bà Ngọc nói. Mà em hỏi làm gì. Tới đây chơi chị làm cho ăn, không sướng hơn hay sao. Người lớn nói dối tài thật. Ý niệm này xuất hiện trong đầu tôi trước nhất và một cách thường xuyên tôi thấy người ta nói dối rất dễ dàng. Lời nói dối còn nhiều hơn rác rến trên đường. Mà rồi ai cũng vui, lạ thật. Tôi có cần phải băn khoăn không? Những người bạn của ông Ngọc hay tụ tập ngoài vườn, đốt những cây đèn khí cho ấm, tàn cuộc bao giờ cũng quá nửa đêm, chén dĩa giấy gom lại đến mấy bao rác lớn. Tôi ngồi ngủ gà ngủ gật, lắng nghe họ đọc thơ, đàn ca hát xướng, chán thì có cháo gà, bê thui, rượu vang đỏ. Một cô còn rất trẻ, tên Hương mặc quần jean áo pull bó sát người, đôi mắt ướt rượt vừa hát vừa nhìn ông Ngọc: “Em dang tay em xòe tay. Làm thế nào mà che mưa đây. Chẳng làm thế nào mà che anh được.” (°) Ông Ngọc giới thiệu với bạn bè rằng cô làm việc ở Viện Khoa Học bên Việt Nam, được gởi qua đây để thực hiện một số đề tài nghiên cứu, chồng con còn ở lại nhà. Ông là bác sĩ hướng dẫn của cô, đưa cô đi tới những trường đại học, giúp cô hoàn tất công trình. Cô ấy cầm chén chè tới mời bà Ngọc rất lễ phép: “Chị dùng với em.” Bà bãi bôi: “Ăn đi em. Cứ tự nhiên. Tự nhiên. Người gì mà vừa đẹp vừa giỏi vừa hát hay.” Cô ấy cười, đưa tay che miệng: “Em không dám.” Nói xong húp một muỗng chè, ho khúc khắc: “Chị nấu ngọt quá.” Ông Ngọc nói: “Hôm nào cô đi câu cá với chúng tôi. Chắc cô thích lắm. Tôi có chiếc thuyền câu, chở được bốn người.” Cô Hương hớn hở: “Ồ, hay quá. Em thích câu cá lắm. Phải đi đào trùn hả anh?” Bà Ngọc xua tay: “Thôi, thôi cho tôi xin. Tôi đã nói ông ấy nhiều lần. Đừng làm những việc sát sinh. Tội lắm.” Ông Ngọc cười ngó cô Hương: “Có bao nhiêu tội tôi chịu hết”. Mấy hôm sau tôi thấy ông Ngọc kêu chú Ấn đến sơn phết lại chiếc thuyền cũ. Chiếc thuyền để một góc sân, lật úp lại, trên phủ tấm vải bố. Chú Ấn dỡ tấm bố ra, bụi bay đầy làm tóc chú bạc phếch. Lớp sơn cũ bong ra, chú cứ thế mà lột như người ta lột vỏ trứng. Trưa chú Ấn vào nhà nghỉ tay, nhờ mẹ tôi hâm dùm hộp cơm đem theo. Chú lại thì thào: “Bà Ngọc không ưa gì cô Hương này đâu, gọi cô ấy là con đĩ Việt Cộng.” Mẹ tôi cau mày: “Trước mặt con nít. Chú đừng nói mấy chuyện đó.” Chú Ấn bụm miệng: “Xin lỗi. Xin lỗi.” Tôi hoang mang nhớ lại lần gặp cô Hương hôm trước. Trông cô cũng bình thường như tất cả những người khách đàn bà từng lui tới nhà ông bà Ngọc. Có gì khác lạ đâu. Nhưng chắc chắn phải có một cái gì khác thường chứ. Đĩ mà. Từ ngữ mới lạ đó chui tọt vào đầu tôi như con chuột vô tình lọt vào khạp gạo nên nhất định ở lì không ra, lại ngọ nguậy không ngừng khiến tôi bắt đầu chú ý đến cô Hương. Hôm đó là một buổi xế chiều. Bà Ngọc vắng nhà. Ông Ngọc đưa cô Hương về chơi ngồi nghe nhạc, trò chuyện ở phòng khách. Được một lát họ ra vườn đem theo dĩa đậu phọng rang và mấy chai nước suối. Không biết họ nói chuyện gì nhưng có vẻ vui lắm vì cô Hương cứ ngoẹo đầu vào ông Ngọc mà cười rúc rích. Hai cánh tay trần của cô rất trắng, chỗ da thịt lộ ra nơi vòng eo cũng trắng. Chốc chốc cô phải kéo cái áo xuống để che chỗ hở ấy đi và làm như thế thì cổ áo bên trên lại không kín được phần ngực no tròn. Mẹ tôi bảo: “Con cầm phone ra cho bác Ngọc, bảo có bác gái gọi.” Tôi đi sát lại gần. Ông Ngọc rụt bàn tay vừa nắn nắn chỗ da thịt tươi nõn nơi chiếc eo thon đẹp của cô cầm lấy cái điện thoại. Cô quay nhìn tôi cười rất dịu dàng: “Em tên gì? Mấy tuổi? Đậu phọng ngon lắm nè em ăn đi.” Tôi lắc đầu chạy mất. Tôi không cần ăn. Tôi chỉ cần muốn biết đĩ là cái gì, xấu đến như thế nào và tại sao bà Ngọc lại ghét một người vừa đẹp, vừa thơm, vừa đáng yêu như thế.Sau xuân là hè. Trường học đóng cửa. Tôi phải bó rọ ở nhà bà Ngọc suốt ngày từ sáng đến tối, chán không chịu được. Bà Ngọc không ngừng đem kinh sách về biểu tôi đọc cho bà Tam nghe. Tôi giở trang thứ nhất ra đọc: “Tâm yếu luôn luôn hiển lộ qua sáu căn mà chúng ta không nhận thấy. Chúng ta một bề buông thả sáu căn chạy theo sáu trần. Mắt đối sắc cho là thấy, sắc trần qua mất cho là không thấy, lệ thuộc hẳn ngoại cảnh. Sắc trần là tướng sanh diệt, chợt có chợt không, cái thấy biết sắc trần có khi nào sanh diệt… ” Tới trang thứ hai tôi liếc qua thì bà Tam đã thiu thiu ngủ, trang thứ ba ngáy khò khò. Bà Ngọc nói: “Như chị với cháu đây thì phải lo tu ngay kẻo trễ. Đợi tới lúc như mẹ tôi thì không vô được chữ nào.” Ông Ngọc hoàn toàn đứng ngoài những sinh hoạt tôn giáo của vợ. Ông không ngăn cản nhưng không tham gia, để mặc bà sì sụp với đức tin của bà. Bà Tam nói với con gái: “Con ơi, mày tu là phải. Cho bớt sân si.” Có lẽ bà muốn nhắc đến lần ông Ngọc đi họp ở tiểu bang xa, bà Ngọc tìm thấy trong xe của ông cái áo khoác đàn bà. Bà vồ lấy cái áo, mặt tái xanh chạy vào hỏi mẹ tôi: “Áo này của ai chị biết không?” Mẹ tôi ngơ ngác: “Không, tôi không biết.” Bà cầm cái áo, căng hai tay ra, lật qua lật lại rồi chợt ngó sững mẹ tôi tia mắt vằn lên dò xét: “Hay là… của chị?” Mẹ tôi tức giận: “Tôi đã nói với chị là cái áo này của ai tôi không biết. Mà tôi có đi xe anh Ngọc hồi nào mà bỏ quên trong đó.” Bà Ngọc tức tốc điện thoại đến chỗ ông đang họp. Không gặp được bà bỏ cơm xách xe đi đâu không biết, chừng về hai mắt nhoèn nhoẹt nước chui vào phòng đóng sập cửa. Sau hỏi ra mới biết áo ấy là của bà Tần, vợ ông Tần, bạn thân của ông Ngọc. Mấy hôm trước ông Ngọc ghé lại nhà ông Tần rồi vợ chồng ông Tần kéo ông đi ăn. Bà Tần vừa già, vừa xấu, tóc rụng gần hết, cái mũi to và sần sùi như vỏ cam. Tuần nào ông Tần cũng tới chơi nhà ông Ngọc. Tới thường như vậy mà hai con chó nhà ông Ngọc vẫn sủa inh tai mỗi khi thấy ông. Tôi ra mở cửa nghe ông Tần nói nhỏ với vợ: “Nhà này có con sư tử rồi. Nuôi chó nữa làm gì.”Tôi không mấy cảm tình với ông Tần bởi cái vẻ bí hiểm của cặp mắt ông, cái chim bỉm của hai môi mím lại và điệu bộ lất cất vung vẩy. Chú Ấn kể ông và ông Ngọc cùng học một khóa nhưng ông Tần học hoài không xong ra sau ông Ngọc đến mấy năm. Ông hành nghề bác sĩ được một thời gian rồi bị kiện thưa phải đóng cửa, sống dựa vào nhà thuốc tây của vợ mở ngay cạnh văn phòng ông Ngọc. Ông Tần hay mua về món súp lòng bò nấu với bắp của người Mễ Tây Cơ, húp sồn sột, ăn xong ngậm mãi cái tăm trong miệng hàng giờ. Bà Tần khó chịu: “Anh đừng ăn thứ đồ mắc dịch đó nữa. Nặng mùi quá.” Ông Tần cũng để thì giờ viết văn, làm thơ, in ra nhiều tập gặp ai cũng tặng. Chú Ấn cũng được tặng một tập, cám ơn rất lịch sự rồi vòng ra sau bếp dúi vào tay mẹ tôi: “Bà chị đọc dùm.” Cô Hương có vẻ thích, cầm tập sách ra vườn ngồi đong đưa trên xích đu dưới gốc cây lựu lật tới lật lui. Ông Tần cầm lon bia lững thững đi theo đứng dựa một bên hỏi: “Hương thích bài thơ nào?” Cô đáp: “Ừm… Để coi… Em thích bài Con Chuồn Chuồn. Nó làm em nhớ tới hồi đám cưới em.” Ông Tần hỏi: “Đám cưới em ra sao?” Cô Hương kể: “Buồn cười lắm nhé. Bên đàng trai mượn ở đâu được một ông chủ hôn, chả hiểu họ hàng dây mơ rễ má như thế nào. Ông cụ nghe đâu kiến thức uyên bác, có điều nói nhiều quá ai cũng ngán. Kể xong sự tích bánh su sê, kể tiếp Lưu Bị cầu hôn Giang Tả, ngấy như cơm nếp. Quạt máy quay vù vù mà mồ hôi em ướt đẫm. Ông khuyên nhủ chồng phải thế này, vợ phải thế kia. Ông bảo em như cô đây ngày hôm trước còn con gái, đi ra đường nếu có ai chàng ràng theo làm quen thì cũng có thế dừng lại nói chuyện đôi câu. Nhưng kể từ hôm nay cô đã có chồng rồi thì nếu gặp anh nào đeo theo cô phải nói chuồn chuồn đậu đặng mía mừng, em đã có chỗ anh đừng vãng lai. Em sắp sẵn câu đó trong bụng như người ta lắp đạn ngồi chờ. Đúng lúc là… nhấn cò.” Ông Tần nghe xong ngửa mặt lên trời cười ầng ậc. Cô Hương bứt một cọng cỏ đưa lên miệng: “Hồi đó giờ anh có gặp cô nào nói câu đó chưa?” Ông Tần đẩy cái xích đu của cô cho thêm đong đưa bảo: “Mấy bà mấy cô nói như vẹt nói. Hơi đâu nghe. Ngoài miệng thì leo lẻo vậy chớ trong bụng vẫn muốn mình vãng lai.” Cô Hương dựa ngửa người trên thành ghế, một tay luồn vào tóc, một tay cầm tập thơ quạt phe phẩy. Ông Tần hỏi: “Em nóng lắm à? Thay đồ bơi cho mát nhé.” Rồi ông khom xuống ghé tai cô thì thầm điều gì khiến cô đẩy ông ra dùng dằng, ngúng nguẩy. Ông đứng thẳng lên thở dài, nói như than: “Hương ơi, anh cái gì cũng thua người ta. Trâu chậm nên phải uống nước đục.” Cô Hương cúi lượm hòn sỏi ném xuống hồ. Trong nhà kho sát cây lựu tôi nghe được tiếng chủm nhẹ nhàng của hòn sỏi rơi xuống nước. Kiểu đối đáp của họ mơ hồ, lọt vào tai tôi như âm thanh của một vở kịch ngớ ngẩn, không ra hài, không ra bi. Đáng lẽ tôi còn nghe được nhiều hơn nữa nếu như trời không thình lình mưa lắc rắc khiến hai người đứng lên hấp tấp đi vào nhà. Cô Hương lấy tập thơ che đầu cho khỏi ướt còn ông Tần bóp lon bia cho bẹp dúm quăng vào trong bụi.Trong bếp bà Tần đang phụ giúp chuẩn bị chén dĩa, trái cây, thức uống để mai đón mấy vị tu hành trên núi xuống giúp hướng dẫn cách tu thiền. Bà Ngọc nói: “Cơm chay, bánh ngọt tôi đã đặt trước hết rồi, mai đi lấy về thôi. Dù vậy tôi cũng muốn nấu thêm một nồi măng hầm ăn với bún. Chị giúp tôi gọt rửa mấy thứ rau củ này để nấu lấy nước ngọt nhé. Bây giờ tôi lên dọn bàn thờ.” Ông Tần trên phòng khách chạy xuống bếp xoa xoa lưng vợ: “Sao em? Vui không?” Bà Tần gầm mặt: “Tôi không thích ăn chay, không thích tu hành gì hết. Anh đừng chở tôi tới đây nữa.” Ông Tần nói rít qua kẽ răng: “Không thích cũng phải thích.” Vừa đó bà Ngọc ôm hai cái lục bình to tướng bước vào: “Chị Tần ơi. Tết này có chuyến hành hương mười cảnh chùa. Chị đi với tôi nhé.” Bà Tần không ngẩng lên nói nho nhỏ: “Dạ. Dạ.”, vừa đó buông con dao đang bào cà rốt kêu rú lên. Bà Ngọc hốt hoảng: “Chị đứt tay à? Để tôi lấy cho miếng băng.” Bà Tần đưa ngón tay lên miệng nút: “Đứt chút xíu, không nhằm gì.” Bà Ngọc nói với mẹ tôi: “Chị cho con nhỏ ngồi thiền với tụi tôi đi. Tập lần lần cho thành nếp. Để ngày càng lớn nó đi theo đám trẻ bên này thì có nước chết.” Trưa hôm sau trong nhà đã ăm ắp người. Những vạt áo màu lam, màu già phất phơ quanh nhà, mùi nhang khói át hết mùi tục lụy. Ông Ngọc đi đâu khỏi nhà từ rất sớm. Bà Ngọc hối: “Bới cơm cúng nhanh nhanh dùm. Bàn Phật ba chén, ông bà bốn chén, đất đai năm chén. Châm nước cúng chưa? Có gói trà lài tôi để gần mâm xôi gấc đó.” Tôi ngồi xếp bằng trên cái gối nhỏ mà bà Ngọc gọi là tọa cụ quay mặt vào tường cùng với những người bạn của bà. Ai cũng mặc áo tràng, nét mặt lặng lờ, vô cảm như tượng bụt. Trong bụng họ nghĩ gì có trời mà biết. Tôi ngồi chưa được bao lâu đã thấy hai chân tê rần, cái cổ mỏi muốn rục. Liếc sang trái sang phải thấy hai người bên cạnh đều nhắm mắt tôi lén lén lui ra ngoài. Mẹ tôi gắt: “Ra đây làm gì?” Tôi nói: “Mẹ đưa con cây chổi, con ra quét sân cho.”Ngoài sân gió thổi mạnh. Lá avocado rụng đầy. Chúng cứ bay là là rồi im, là là rồi im như một người gắng hết sức mà không khi nào cất mình lên nổi. Tôi gom lá thành từng đống nhỏ, chưa đổ được đống này vào thùng rác thì đống kia bị gió thổi tạt ra cả. Lại quét. Lại gom. Tôi cứ thế loay hoay với những cái lá, vừa quét vừa chơi. Lá mặc sức mà rụng. Tôi mặc sức mà rượt. Tự dưng tôi có cảm tưởng rằng tất cả mọi người trong nhà này cũng đang rượt theo một cái gì đó mà ở cái tuổi lên mười tôi không lý giải được. Tôi tạm thời nghĩ ra những hình ảnh cụ thể như trái banh, con chim, con bướm để áp đặt cho những vật vô hình ấy trong thế giới của người lớn. Tôi không ngừng suy gẫm về điều này trong nhiều năm và tự hỏi bốn chục năm nữa, khi bằng tuổi họ bây giờ liệu tôi có còn rượt theo những cái lá rụng hay thay vào đó là những cái rất phù du, mê hoặc hơn và trần tục hơn nhiều. Trong nhà tiếng chuông ngân nga thỉnh thoảng vẫn vang vọng. Ngoài cổng rào có bóng người lóng nhóng. Tôi bước ra xem. Đó là một thanh niên trẻ, mặc quần áo rộng thùng thình, đôi mắt dại dại, tay ôm cái túi vải. Những móng tay anh ta đóng đất hay dầu mỡ gì đen thùi lùi, vai rút lên, tóc dài lù xù trông như một gã vô gia cư. Tôi hỏi: “Anh kiếm ai?” Anh nói: “Kiếm ông Ngọc.” Tôi nói: “Ông Ngọc đi vắng. Chỉ có bà Ngọc ở nhà.” Anh thanh niên không nhìn tôi, đứng kiễng chân nhìn vào nhà. Bà Tam ngồi ngoài vườn trông thấy anh ta thì quay mặt vào lên tiếng gọi bà Ngọc. Bà bước ra. Anh thanh niên le lưỡi liếm qua liếm lại hai cái môi khô khốc. Anh ấp úng chào: “Thưa cô. Con tới thăm… Mai con đi rồi.” Bà Ngọc không mở cửa rào, hai chân mày châu lại, môi cong lên một cách dễ sợ: “Ông ấy đi công tác tháng sau mới về.” Anh thanh niên ngó xuống đất. Bà Ngọc hỏi: “Anh sắp đi đâu?” Người thanh niên đáp: “Con qua miền Đông làm móng tay.” Bà Tam ngoắc tôi vào bảo: “Bà biểu mẹ con gói chút trái cây với đồ ăn, con đem ra cho thằng này.” Tôi xách gói đồ ăn chạy ra cổng thì anh thanh niên đã đi mất. Tôi chạy ra đường gọi ơi ới: “Anh gì ơi… Anh gì ơi… ” Bóng anh thanh niên đã khuất đằng ngã ba. Lá khô bay rớt lả tả lên cái dáng đi thất thểu. Lát chiều khách khứa về hết bà Tam hỏi: “Thằng Tốt tới đây làm gì?” Bà Ngọc đáp: “Nó tìm anh Ngọc”. Bà Tam lại hỏi: “Rồi mày nói sao?” Bà Ngọc đáp: “Con cho nó chút tiền để nó đi cho rồi. Vái trời lần này nó đi luôn, đừng tới nữa.” Bà Tam mấp mấp môi: “Nó đi đâu?” Bà Ngọc đứng thẳng người nói gióng giã từng tiếng một: “Nó đi đâu kệ cha nó. Mắc mớ gì đến con. Nó có đâm đầu xuống địa ngục con cũng để nó đi chớ không kéo lên làm gì.” Bà Tam lựng bựng đứng dậy, hai tay run rẩy chống vào tường như sắp ngã. Mẹ tôi hốt hoảng chạy lại đỡ: “Bà. Bà muốn đi đâu?” Bà Tam nói: “Cho tôi ra bàn Phật.” Bà thở vất vã, vừa đốt nhang vừa run run quệt nước mắt: “Cô ơi. Mấy đứa nhà này làm nhiều việc thất đức. Thằng Ngọc lấy người ta có con rồi bỏ. Thằng con tới tìm cha mà con gái tôi không cho gặp. Sao cái nghiệp tôi nặng thế này. Cây lành mà sanh nhằm trái đắng. Cô ơi! ” Nói xong bụm mặt khóc òa.Tháng tới là đám cưới chị Ngà, con ông bà Ngọc. Tiệc cưới dự định đãi ở nhà. Mọi việc trang hoàng, sắp xếp bàn ghế, treo đèn, dựng sân khấu đều đã có những người chuyên nghiệp phụ trách. Phần thức ăn mặn bà Ngọc mướn nhà hàng tới nấu. Phần thức ăn chay có mấy cô trên chùa tình nguyện giúp dùm. Khách mời rất đông. Đèn rực lên khắp sân trước sân sau. Xe hơi đậu bít kín mấy con đường. Bà Ngọc bới tóc cao, mặc áo kim tuyến lấp lánh tươi cười rạng rỡ. Cô Hương mặc áo cổ rộng, móng tay sơn đỏ, viền trắng lại điểm thêm một ngôi sao bé tí. Ban nhạc chơi ầm ĩ. Bọt rượu sủi lên sùng sục. Tôi được mặc một cái áo đầm mới, mang giày mới và được thắt một cái nơ đỏ chói trên tóc. Cái nơ lùm xùm quá, vướng víu quá, lại làm đau tóc nên tôi tháo ra ném vào thùng rác. Tôi cảm thấy cô đơn, lạc lõng không tả được. Tôi là ai trong nhà này? Có ai buồn chú ý đến tôi đâu. Tôi rúc vô xó nhà, tôi chường mặt ra ngoài, tôi lang thang vất vưởng khắp trong ngoài, tôi nhún, tôi nhảy, tôi ăn tôi uống, tôi cười tôi nói, không ai biết ai hay. Ngồi chò hỏ chống mặt lên sân khấu nghe nhạc xập xình mãi cũng chán tôi lủi ra sau bếp. Không một ai dưới đó. Chén dĩa, dao thớt, bịch nylon, xoong nồi, rổ rá bừa bãi. Có một bà khách xức nước hoa thơm phức đi ngang nhìn tôi trầm trồ: “Cháu bé xinh quá. Cháu ở trong nhà này à? Cháu có biết restroom ở đâu không chỉ dùm.” Tôi dắt bà khách đến nhà tắm. Trước cửa là ba bốn người đang chờ. Người nào cũng có vẻ sốt ruột, mấy ngón tay nhịp nhịp lên xuống hai bên đùi. Bà khách hỏi: “Cháu còn biết restroom nào khác không?” Tôi dắt bà khách ra tuốt cuối vườn, chỗ gần nhà kho dưới gốc cây lựu. Nơi ấy còn một cái restroom nữa nhưng lối đi rất tối, trơn trợt, những bụi lùm đều rậm rạp. Lúc tôi dợm bước đi thì thoáng nghe trong nhà kho phát ra tiếng động rất khẽ, giống như tiếng thở mạnh, tiếng sột soạt của áo quần, tiếng nghiến răng, tiếng ú ớ nho nhỏ, tiếng quát suỵt suỵt và rồi yên lặng bao trùm. Tôi tò mò rón rén lại gần, chưa kịp nhìn qua khe hở của những cái vách tạm thì từ trong lách ra một cái bóng đen, lom khom, dáo dác. Tôi kinh hãi đứng đực ra như phỗng. Người ấy cúi xuống bứt một vạt cỏ chùi bùn đất bám vào mũi giày rồi cài lại nút áo, nhét vào quần vuốt cho thẳng thớm đoạn thong thả đi vào nhà. Người kia vừa khuất thì người thứ hai bước ra, có vẻ bình tĩnh hơn, một tay vén vạt áo, một tay giạt cành cây, hất mái tóc sang một bên rẽ qua lối khác đi vòng về phía những bàn tiệc. Kèn trống, guitar điện trên sân khấu vẫn thi nhau gào thét điên khùng, tiếng những người trẻ tuổi vừa gõ muỗng nĩa vừa reo hò thúc dục cô dâu chú rể kiss, kiss. Tôi đứng chôn chân trong bóng tối, ngờ ngệch, ngu xuẩn với những điều mình vừa mục kích. Tối về tôi thuật lại với mẹ. Mẹ hỏi: “Hai người đó là ai, con thấy rõ không?” Tôi đáp: “Là ông Tần và cô Hương.”Ít lâu sau đám cưới chị Ngà thì bà Tam mất. Bà Ngọc khóc sụt sịt. Bà đem tất cả quần áo, đồ dùng, giày dép, mền gối của bà Tam để vào những cái thùng lớn rồi đem ra kho. Ngay cả kinh sách của bà Tam bà cũng đem ra kho. Tôi nhớ lại bà Tam lúc còn sống rất kỵ đem kinh Phật để trong phòng ngủ vì sợ ô uế. Còn cái kho này… Tôi cảm thấy rờn rợn thế nào. Mấy tháng bà Tam bịnh rồi tang chế không có ai lui tới, khu vườn trở nên vắng lặng, thâm trầm, đằm xuống như khuôn mặt của một người đã qua hết những sôi nổi, nhẫn nhịn và khiêm nhường. Mẹ tôi bảo: “Thôi chào hai bác rồi đi con. Bà mất rồi. Mình phải đi tìm việc làm khác.” Tôi từ giã những gốc cây avocado, cây lựu, cái nhà kho, con ếch bằng đá, cây chổi, cái bồ cào, con mèo, con chó nắm tay mẹ nhìn xuống con đường trải nắng trước mặt. Con đường ấy dài thăm thẳm, gồ ghề, lượn lên lượn xuống giữa những trái đồi, ngoằn ngoèo, uốn khúc giữa hai bờ đất nẻ rồi đâm sâu hút vào những triền núi hoang vu phía chân trời. Tự dưng tôi nhớ tới bà Tam giờ này đang nằm dưới cỏ. Ờ, có phải hồi trước bà đã nói câu này: “Con đường nào cũng ê hề những vết xe lệch lạc.” Nắng chiếu vào mắt tôi chói lòa. Bà Ngọc nói: ”Mai mốt có dịp nào đi ngang mời chị ghé chơi, chúng tôi sẽ rất vui mừng.” Lúc bà khép cánh cửa rào lại tự nhiên tôi có cảm tưởng là mình sẽ không bao giờ còn trở lại chốn này nữa. Nhiều năm sau đó một lần mua thức ăn ở một quầy hàng đông đảo tôi bỗng thấy một người đàn bà mặt rất giống bà Ngọc cũng đang đứng chờ tính tiền. Rồi bà ta bước đi, cái dáng quen thuộc không sao nhầm lẫn được, có điều mái tóc đã bạc trắng. Tôi hiểu là thời gian đã trôi đi xa lắm. Tôi bần thần nhớ lại những năm tháng đầu đời ấy, cảm thấy chúng hoàn toàn không hề vô bổ, chán phèo như hồi nhỏ mình đã tưởng. Tôi đã học được rất nhiều điều ở đó, những điều không có trong bất kỳ cuốn sách nào, trường lớp nào mà xem ra nó xác tính và thực dụng còn hơn cả những định đề toán học, hình học… Tôi ghi lại, chép lại tất cả những điều ấy, giống như người ta soạn một cuốn sách học vần cho con nít, trước làm kỷ niệm cho chính mình, sau hầu chia xẻ với những ai tình cờ đọc văn tôi. Nếu được như thế… Mong được như thế…Cao Thanh Phương Nghi1/2009° Bài hát Sợi Nhớ Sợi Thương của Nguyễn Văn Tí