Có người nói "Người Việt mình hay cố chấp, thường bụt nhà thì không thiêng" có phải vậy không?
Câu chuyện này xảy ra cũng khá lâu rồi. Đây là một câu chuyện có thật 100%, được cha của một người bạn kể lại. Trong câu chuyện này tất nhiên có thêm thắt một tý giống như thêm gia vị vào món ăn, nội dung của nó vẫn không thay đổi.
Những năm Việt Nam bắt đầu mở cửa, phong trào học ngoại ngữ được phát triển rầm rộ. Trong các trường đại học thời đó, không chú trọng dạy tiếng Anh cho học sinh mà chủ yếu là dạy tiếng Nga. Đặc biệt là ngoài Bắc hầu như không đào tạo học sinh học tiếng Anh. Nhưng không vì thế mà không có những người tiếng Anh rất giỏi, nhất là trong Miền Nam khi có một thời tiếng Anh là phương tiện giao tiếp.
Tại một trung tâm đào tạo ngoại ngữ học vào buổi tối, có một đội ngũ hùng hậu các giáo viên giỏi, dày dạn kinh nghiệm. Trong đó nổi bật là ba thầy giáo già, người lớn nhất ngoài lục tuần và người nhỏ nhất cũng hơn 50. Cả 3 thầy đều là niềm tự hào của trung tâm khi đào tạo ra những học sinh có chất lượng, đủ để đáp ứng cho công việc. Vì thế trung tâm có học sinh đến học rất là đông.
Thầy X là người lớn tuổi nhất, tuy đã về hưu nhưng danh tiếng của thầy được nhiều người biết đến và thầy cũng cần một công việc để làm, khi thấy mình còn khoẻ. Thầy X vốn là dân di cư từ năm 45, dáng người thầy khắc khổ với đôi cặp kính cận dày cộp.
Thầy Y nhỏ tuổi hơn hiện đang dạy tại một trường Đại học. Thầy cũng rất nổi tiếng và thầy nhận dạy ở Trung tâm để kiếm thêm thu nhập. Thầy Y là người miền Trung, sau khi học ra trường thầy đã chọn Thành phố làm quê hương thứ 2 của mình. Thầy dáng người mập mạp và mắc chứng bệnh hói sớm. Do đó bạn bè hay gọi là Y hói.
Thầy Z là người nhỏ tuổi nhất, là người tự do nhưng có lẽ thầy là người kiếm được nhiều tiền nhất từ ngoại ngữ. Vốn nhanh nhạy nên thầy không gò bó vào một công việc hành chánh, mà sử dụng khả năng ngoại ngữ của mình ở bất kỳ chỗ nào người ta cần đến tiếng Anh. Từ thông dịch đến biên dịch và dạy học thầy nhận hết. Thầy Z vào Nam năm 75 và cũng coi Thành phố là quê hương thứ 2 của mình. Thầy Z có dáng người cao và gầy và đặc biệt là thầy thường xuyên ôm một cái cặp táp màu đen dù nó có tay cầm.
Ba thầy cũng chơi với nhau rất thân. Nhưng trong thâm tâm thì người nào cũng nghĩ là sở học của mình hơn hai người kia nên ít khi bàn luận với nhau về ngoại ngữ. Nhiều khi họ gặp nhau nói đủ thứ trên trời dưới đất, nhưng lại chẳng hề đả động với nhau về chuyên môn. Một hôm ba thầy sau khi đã xong tiết, rủ nhau ra căn tin uống cà phê. Trên ti vi đang chiếu 1 đoạn phim Mỹ thuyết minh tiếng việt. Tới 1 đoạn nhân vật chính thốt lên kinh ngạc:
- I can't believe it.
Nhưng giọng nói của nhân vật bị lấp bởi tiếng thuyết minh, thầy X buộc miệng nói:
- Ai ken bì li vịt.
Thầy Y nghe vậy liền nói:
- Không phải đâu anh ơi, nó phải đọc là "Ai kan bì li vịt" chứ, cho giống với ngữ cảnh.
Thầy X nghe có người chỉnh mình liền quay lại nói:
- Anh đọc vậy sao được, nó phải đọc là "Ai ken bì li vịt" mới đúng.
Thầy Z thấy vậy liền ngứa miệng chen vào:
- Không phải là "Ai ken" cũng không phải là "Ai kan" mà phải đọc là "Ai kàn bì li vịt".
Hai thầy X và Y nhìn thầy Z trố mắt kinh ngạc như họ mới thấy người hành tinh khác vậy. Thầy X bật cười:
- Vậy bấy lâu nay mấy thầy dạy học sinh ra sao?
- Thì tui dạy nó là "Ai kan". - Thầy Y nói.
- Còn tui dạy tụi nó là "Ai kàn". - Thầy Z tiếp.
- Mấy thầy dạy sai rồi, phải dạy là "Ai ken" mới đúng. - Thầy X chỉnh đàn em.
Thế là tự nhiên giữa ba thầy nẩy ra 1 cuộc tranh luận nẩy lửa về "Ken Kan Kàn" cho đến khi tiếng chuông báo hiệu vào lớp vẫn chưa ngã ngũ. Sau đó các thầy tiếp tục tranh luận, lôi kéo thêm nhiều giáo viên khác tham gia. Kết quả tự nhiên các giáo viên ngoại ngữ trong trường lại chia làm ba phe là phe "Ken" theo thầy X, phe "Kan" theo thầy Y và cuối cùng phe "Kàn" theo thầy Z.
Thế rồi sự bực tức trong tranh luận đã dẫn đến việc nói xấu nhau. Ban đầu chỉ là lời bóng gió sau lưng và cuối cùng lại nói thẳng ra trước mặt cả học sinh:
- Có người học cả đời, đi dạy bao nhiêu năm mà phát âm một từ đơn giản vẫn không chuẩn...
- Có người cứ nghĩ rằng mình giỏi nên cứ bảo thủ không biết cầu tiến...
- Có người sức học chẳng bao nhiêu mà cứ làm như mình giỏi lắm...
...
Theo thời gian, cuộc tranh luận vẫn chưa xong mà hiềm khích thì lại càng tăng lên. Do đó, xảy ra một việc buồn cười là nếu học sinh nào đã học thầy Ken, qua khóa nâng cao lỡ chui vào lớp 2 thầy kia, thì 2 thầy kia dứt khoát không nhận và ngược lại. Dần dần người ta gọi thầy X là thầy Ken, thầy Y là thầy Kan và thầy Z là thầy Kàn. Vì vậy, khi học sinh đăng ký lớp thì người ta phải hỏi trước là em trước đây học thầy Ken, thây Kan hay thầy Kàn để còn biết đặng mà xếp lớp.
Cuộc chiến giữa ba thầy có lẽ sẽ không dừng lại nếu không gặp được một người. Hôm đó có một đoàn khách người Mỹ đến thăm trường. Trong đoàn này có một người Mỹ nói tiếng Việt rất sõi. Cả ba thầy mời người Mỹ đó đi uống cà phê và đồng thời nêu thắc mắc của mình. Ông người Mỹ suýt phì cười vì tưởng mấy thầy đùa, nhưng trước vẻ mặt nghiêm trang của ba thầy ông không dám cười. Các bạn thử tưởng tượng mình đang muốn cười mà phải nín lại nó khổ sở biết chừng nào? Mặt ông ta ửng đỏ, bụng ông ta phình to, cố gắng hết sức nghĩ đến việc khác để nín cười. Mãi một lúc thật lâu sau ông mới trầm tĩnh trở lại và bằng một giọng nghiêm trang ông nói:
- Ba thầy đã bỏ qua điều quan trọng nhất đó là vấn đề ở cái nội dung, chứ không phải là hình thức. Cả ba thầy phát âm dù là Ken, Kan hay Kàn thì tôi vẫn hiểu là các thầy muốn nói cái gì? Vì vậy, việc phát âm có thể không chuẩn nhưng cái chính là người đối diện hiểu được người nói. Do đó, các thầy không nên bận tâm lắm về chuyện phát âm, bởi vì nhiều lúc mỗi vùng miền giọng phát âm cũng khác nhau, cũng như tôi nhiều lúc phát âm không chuẩn nhưng các thầy vẫn hiểu được, phải không?
Cả ba thầy im lặng...

Xem Tiếp: ----