Năm mười một tuổi, trong một đêm theo người lớn bắt ếch ngoài đồng, lớ ngớ sao tôi theo nhầm một đám người ra sông vượt biển. Khi lên ghe, có người hỏi, muốn vượt biên họ cho theo, còn không cầm đuốc mà về. Tôi ngoảnh lại, sau lưng, ruộng đất tối thui. Đường về phải băng ngang một gò mả lớn. Mới nghĩ tới, bắt rùng mình. Tôi cầm đuốc liệng xuống sông, rồi nhảy phóc xuống ghe, kiếm một chỗ ngồi im chong ngóc.Mùa biển lặng, ghe xuôi gió tới Mã Lai. Hai tháng sau, văn phòng Cao Ủy Tỵ nạn sắp xếp tôi sang Mỹ theo diện trẻ mồ côi. Một gia đình ở Georgia nhận tôi làm con. Và tôi, đương nhiên coi Judy, con gái họ như em ruột. Lúc đó, tôi không ngờ, con nhỏ này chính là người thay đổi cuộc đời tôi, chứ không phải là thằng cha cho tôi cây đuốc.Gia đình mới của tôi ở một thị trấn nhỏ, miền Nam Georgia. Cha nuôi, một người đàn ông cao lớn, suốt ngày quần quật trong nông trại. Mẹ nuôi, người ngoan đạo. Cuộc sống êm đềm, nhưng quen dần cũng đâm chán. Chiều tan trường, tôi thích băng ngõ tắt qua cánh đồng khô sau nhà. ở đó, tôi ngồi đợi nắng thoi thóp rồi tắt dần. Mặt trời lặn bên này để mọc bên kia. Tôi hình dung ra chốn quê xưa. Ruộng đất trơ mình, đìu hiu gốc rạ. Những mái lá đơn sơ. Con đường quê quanh quất. Tôi nhớ mẹ, nhớ em, tơi bời đứt ruột. Mãi khi sập tối mới trở về. Cả nhà Judy nhìn tôi như người bước ra từ cơn mộng dữ. Cha mẹ nuôi không nói, nhưng đôi mắt Judy nhìn tôi như hỏi không ngừng. Có lần, tôi đang khóc bị Judy bắt gặp. Nó ngó mây trời rồi hỏi, tôi thấy gì trong đó. Đang lúng túng chưa biết trả lời sao thì tôi phát giác. Ráng chiều hất lên mặt nó một màu rực rỡ. Tóc nâu óng, môi ngả màu mận chín. Trời ơi, còn đôi mắt. Một chùm mây nhỏ lửng lơ đang trôi vào trong đó. Thấy tôi ngó sững, Judy hỏi. Tôi nói, mắt mày sâu không thấy đáy. Nó cười chúm chím, cứ nhìn đi rồi sẽ thấy.Chúng tôi thân thiết như hai anh em ruột. Tôi dốt tiếng Anh, vào lớp sợ bạn cười nên càng nói lặp. Về nhà, Judy dạy tôi từng chữ. Nó nắm tay tôi, bắt nói từng câu, hai chữ rồi tăng dần ba, bốn chữ,... Nó dẫn tôi ra đồng, ngồi cách nhau một sào rạ để nói chuyện. Cốt ý tập tôi nói lớn, nói cho quen, để hết cà lặp. Vốn liếng tiếng Anh của tôi hầu hết là Judy dạy. Chỉ có ba chữ " I love you" là tôi dạy nó. Đó là năm tôi mười bảy, cũng ngay trên cánh đồng này.Mấy năm sau, cha nuôi bớt việc, ở nhà thường. Mẹ nuôi ngày càng ngoan đạo. Cuối tuần, cả nhà đi lễ. Bọn con trai trong họ đạo thích Judy. Tôi chê, mấy thằng vai u thịt bắp nhưng đầu óc trống trơn. Judy nói, còn anh ốm tong, trông yếu xìu. Không phải đùa, nhiều lúc tôi thấy Judy nể họ ra mặt.Năm mười tám, tốt nghiệp trung học xong. Đám bạn như nghé tan bầy. Tôi lên thành phố kiếm trường định vừa làm vừa học. Hôm về, thấy một đám bạn tới nhà từ giã. Họ vào quân đội, sẽ học ở trung tâm huấn luyện Fort Benning gần đây. Tôi nhăn mặt, đi lính cực lắm. Tụi nó nói, chịu đựng mười bốn tuần, hết thời tập huấn là khỏe. Sau hai năm, vào đại học nhà nước đài thọ, nếu đi làm cũng được ưu tiên. Thấy mặt tôi vẫn nhăn nhó, thằng John châm, tướng mày đi lính, vác súng sẽ lùn đi. Cả đám cười ầm. Tôi nổi sùng bỏ đi một nước. Buổi tối, Judy nói, vừa học vừa làm cực khác chi lính. Chịu khó một thời gian coi như đi làm, sau này giải ngũ, học không tốn tiền, lúc đó nó cũng lên thành học chung. Judy nói nhiều, nhưng tôi chỉ hiểu một. Nó không muốn xa tôi. Chính điều này làm tôi cảm động. Sáng hôm sau, tôi đến phòng tuyển mộ, điền đơn.Trước ngày nhập ngũ, tôi nhận tin nhà. Trong thư mẹ khóc, thằng con dại, người ta tốn tiền lo trốn lính, sao mày lại đâm đầu vô chỗ chết. Còn cha mới ra tù lại ủng hộ. Nước Mỹ mạnh, đi lính không gì sợ. Chính phủ họ thương quân đội, lính chết mấy chục năm vẫn còn tìm. Sáng hôm sau, mưa sụt sùi. Không gian dường nhuốm màu tang. Cả nhà thức sớm để tiễn chân. Mặt Judy buồn hiu làm như tôi sẽ không về. Trung tâm Fort Benning cách thị trấn không xa. Trước cổng có chiếc xe tăng chĩa súng lên trời. Cái trại này tôi qua lại nhiều lần, duy có lần này tôi vào trại.Chia tay mọi người trong phòng đợi, tôi mang hành lý theo người điểm danh lên xe bus đến phòng tân binh. Xe qua trạm gác, mọi người nhìn ra. Trại rộng hơn tôi tưởng, đường nhựa thẳng tắp, hai bên có bóng cây, sân cỏ. Nhà cửa sơn trắng, cất kiểu chung cư, giống nhau như một. Người lạ vào, rất dễ lạc. Phòng tân binh là một hội trường, trước cửa có hàng chữ " Welcome to the US Army". Giữa khán đài có quốc huy hình con ó lớn, một chân quặp bó tên, chân kia quắp nhành Olive. Hai bên treo cờ và la liệt đầy bằng khen, huy hiệu. Khi mọi người ngồi yên, một người sĩ quan đội nón bánh ú, cổ đeo tu-huýt nhanh nhẹn bước lên khán đài. Ông tự giới thiệu là huấn luyện viên, tên Bill Hawk, đại diện trại chào mừng các tân binh, đề cao những người tình nguyện, xung phong phục vụ đất nước. Ca ngợi xong, ông trở giọng đe, quân trường không phải là chiếc giường để những kẻ lười biếng, thất nghiệp đặt lưng. Mười bốn tuần, thời gian biến người dân thành người lính. Ai còn do dự cứ tự tiện về. Ông nhấn mạnh, " Quân trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu." Vừa dứt lời, một người quân nhân cầm xấp giấy phát ra. Ông giải thích, đó là thời biểu khóa học. Mười bốn tuần chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn một, hoàn tất thủ tục nhập ngũ, học tập nội quy, kỷ luật, nhiệm vụ trong quân đội và thao diễn cơ bản. Giai đoạn hai, tập bắn, sử dụng vũ khí. Giai đoạn ba, thực tập tác chiến và thi mãn khóa. Không đủ điểm sẽ bị loại.Tôi nhìn quanh, ai nấy chúi đầu vào thời khóa biểu. Lịch trình dầy đặc, mỗi ngày mười hai tiếng, một tuần sáu ngày. Chủ nhật nghỉ. Người có đạo, được lễ tại trường. Trong thời tập huấn, không phép ra ngoài. Mọi hình thức thăm viếng bị cấm ngặt.Tôi lấy bút dò từng hàng, cố tìm giờ rảnh sẽ gọi điện thoại cho Judy. Thấy tôi mò mẫm, thằng ngồi kế vò tờ giấy tròn vo, rồi vươn vai ngáp dài, " Lúc nào là lúc để thở, hả trời?" Bên trên, ông huấn luyện viên giơ cao thời khóa biểu, đọc rào rào, " Bốn giờ ba mươi:tập họp, thể dục tại chỗ, nhận lệnh trong ngày. Năm giờ: điểm tâm. Năm giờ mười lăm:tập họp, diễn hành. Sáu giờ: chạy. Bảy giờ: vượt chướng ngại, tám giờ,... đến hai mươi mốt giờ: đèn tắt. Ngủ." Thời khắc nghiêm nhặt. Rồi ông dặn, trong quân đội khi nghe lệnh, lập tức thi hành. Chính xác. Mau lẹ. Lệnh không lập lại. Nói xong, ông la lớn, " Tất cả rõ chưa?" Chúng tôi nói, " Rõ." Ông lắc đầu, chưa nghe. Mọi người đồng thanh, " Rõ." Thật lớn, ông vẫn chưa chịu. Đợi chúng tôi gào bỏng cổ, ông mới thôi.Khóa tập huấn chia bốn nhóm. Mỗi nhóm là một trung đội. Mỗi đội bốn mươi người, trực thuộc một huấn luyện viên chịu trách nhiệm chính. Sĩ quan của trung đội tôi chính là Bill Hawk. Hawk là diều hâu. Cái nhìn ông soi mói, giống cú hơn giống diều.Hình như Bill Hawk không biết đi, chỉ biết chạy. Ông dẫn đầu, cả đội lúp xúp theo sau. Chúng tôi di chuyển tới lui nhiều chỗ, làm hồ sơ, khám sức khỏe, nhận đồng phục, sắp xếp chỗ ăn ở đúng quy cũ. Doanh trại rộng, sợ lạc, sợ trễ, làm gì chúng tôi cũng bảo nhau, nhanh chóng, lẹ làng. Chỉ hai ngày tôi đã hiểu, mình chìm lỉm. Quân đội triệt tiêu đời sống cá nhân. Tập hợp, nhận lệnh, di chuyển, tới lui, ăn ngủ, tan hàng,... đều răm rắp. Phải, kể cả tan hàng. Trong quân đội, tan hàng thật ra chỉ là một hình thức sẵn sàng đợi lệnh. Nó là thứ tập hợp lỏng. Mỗi người như một cơ phận, một con ốc, một chiếc đinh vít trong guồng máy khổng lồ. Điều quan trọng, khi máy quay, người ta phải chạy vận tốc mới điều hòa.Bài đầu tiên trong quân trường tôi học là lúc chích ngừa. Con mẹ y tá cầm súng chích bắn vào cánh tay mỗi thằng một phát. Thấy ai giật nẩy thì con mẻ lại cười duyên, " Chỉ như kiến cắn, phải hôn nà?" Nhìn mấy thằng trước chích xong đi lẩy bẩy, tôi chùn bước. Mẻ nhìn tôi nghiêm giọng, cứ trân mình chịu mới bớt đau. Tôi ngạc nhiên đến nỗi bị chích hồi nào cũng không biết.Đêm đầu tiên, tôi mất ngủ. Nhắm mắt lại, nhưng tâm trí cứ lòng vòng ngoài sân trại. Chỗ này phát quần áo, chỗ kia là cantin. Khiếp nhất là phòng hớt tóc. Cả đội xếp hàng chờ. Tới phiên, tôi dặn, hớt ngắn hai bên tai và ót, nhưng phía trước làm ơn để dài một chút. Thằng cha thợ gật lia lịa, ừ, ừ. Khi ngồi xuống, hắn gọt một đường tông đơ từ sau ra trước. Đầu tôi có sọc như cái vỏ dừa. Nhớ lại, tôi vẫn ngờ, thằng cha thợ... điếc. Sau này, tôi nhủ, sẽ hớt tóc ở ngoài. Gần sáng, tôi kéo mền lên đầu, đánh một giấc. Chỉ chút sau mền bung, tôi phát giác, mình khó ngủ vì lạnh cái đầu. Tôi trùm mền kín mít, định dỗ giấc thì nghe tiếng hoét hoét ngay đầu giường. Theo lịch trình, chương trình huấn tập bắt đầu vào tuần thứ hai. Nhưng mới tờ mờ, Bill Hawk đã đem còi tới thổi. Trời còn tối đen, chúng tôi nhào ra sân. Gió đêm đẫm mùi sương mơn lên da thịt. Cả trung đội, kẻ trước người sau co giò, nhảy. Một hai, một hai, một hai,... có người nhắm mắt, đếm. Bill Hawk không để ý chuyện này. Thể dục tại chỗ xong, ông đọc huấn lệnh. Đến năm giờ, giải tán. Chúng tôi vào phòng điểm tâm. Bill Hawk không ăn. Ông cầm dùi cui đi lòng vòng kiếm những kẻ ngừng nhai, la mắng, " Ắn, ăn, ăn." Ắn cho no, mới đủ sức tập. Sau này, tôi mới biết, đối với ông, khi ăn phải nhai, khi bắn phải trúng, đó là cái đích để tới. Chuyện mắt nhắm hay mở, không cần thiết. Nói một cách khác, nó ví như những vòng tròn đứng ngoài tâm điểm.Ăn xong, chúng tôi về phòng thay quân phục. Ngắm thử trong kính, tôi trố mắt, một thằng lính dữ tợn cũng đang ngơ ngáo nhìn ra. Trời, tôi đó ư? Đang định thần nhìn kỹ, thằng Jones nắm lưng lôi tôi ra ngoài. Nó vừa chạy vừa la, " Tập họp, tập họp." Chúng tôi, bốn mươi thằng sắp làm tám hàng, mỗi hàng năm đứa. Bill Hawk ngậm còi, nhưng không thổi. Ông rảo quanh, hàng dọc, rồi hàng ngang. Tới chỗ tôi, ông dừng lại, ngắm. Tia nhìn sắc lẻm. Tôi ngây người, nín thở, bụng dạ rối bời. Cảm giác như ai lấy mũi dao rạch chơi trên mặt, mày, mi, mắt. Xong, ông lướt qua, rồi dừng lại chỗ một vài người khác. Sau cùng, rút danh sách, gọi tên. Tới ai, nấy la, " Có." Tôi để ý, trong đội ngoài thằng Lee gốc á, có một Mễ, một Cuba, số còn lại toàn dân bản xứ. Điểm danh xong, Bill Hawk nghiêm giọng nói, khi thực tập mọi người phải cố gắng bằng chính sức mình. Mỗi người phải sống, chiến đấu như một con sói cô độc. Không giúp đỡ, không bao che, không hợm mình. Tất cả đều bình đẳng, mọi hình thức kỳ thị, bị cấm ngặt. Trong quân đội, mọi thứ phải đơn giản, rõ ràng, như thắng và thua, như không và có. Phải loại trừ những thứ lưng chừng. Ngôn ngữ quân đội cũng khác, ông không muốn nghe những chữ có lẽ, hình như, thì là, tại, bị... Buổi đầu, chúng tôi tập những động tác thao diễn. Nghiêm. Nghỉ. Chào. Quay trước, quay sau. Sắp hàng, rồi tan hàng. Khi nắng lên cao, chúng tôi bắt đầu diễn hành. Một. Hai. Ba. Bốn. Bill Hawk đếm trước, chúng tôi đếm theo. Một. Hai. Ba. Bốn. Đếm mỏi, Bill Hawk lấy còi thổi. Một hồi sau, không có tiếng còi, chỉ còn tiếng chân. Đội hình di chuyển nhịp nhàng. Chúng tôi băng đồng cỏ, vượt qua ngọn đồi cao. Khi vòng về, đếm chán, Bill Hawk dạy chúng tôi ca.I'' m just soldier,Sergant march for you.I'' ll not quit until P.T. is through.That'' s turn me on.Must be army.That'' s make me strong.One. Two. Three. Four.One. Two. Three. Four.Chín giờ sáng, chúng tôi từ đồi cao thẳng một đường vào lớp học. Giảng viên là một sĩ quan, đội nón kết, đứng dang chân, tay chống nạnh, nghe báo cáo. Tôi nói lớn, " Tiểu đội Một, báo cáo, Ron Nguyen, 9341, sir." Ông thầy lừ mắt nhìn. Tôi mặc, đi tới ghế, đàng sau quay, đặt đít xuống.Khi tất cả ngồi yên, lớp học bắt đầu. Ông thầy, tên Tom Selek, ngồi trên bàn chăm chú nhìn mọi người một lúc rồi hỏi, tại sao chúng tôi vào quân đội? Câu hỏi tưởng dễ, mà hóa khó. Mọi người bối rối. Không ai xung phong trả lời. Ông chỉ Jones. Nó ấp úng nói, nó vào quân đội làm người lính để bảo vệ quê hương. Chúng tôi chịu Jones nhanh trí, trong chớp nhoáng nó nghĩ ra câu trả lời đúng bài bản. Nhưng ông thầy chỉ nhếch môi, cười chế diễu. Ông chỉ tiếp, Ted, người Cuba. Nó kể dài dòng, đại khái nhà nó nghèo, lớn lên trong khu xã hội đen, đi lính để diệt kẻ xấu. Ông Tom cười ngất, bảo nó lạc đường, nên vào cảnh sát mới đúng. Rồi ông chỉ Lee. Thằng này thành thật nói, ba nó biểu nó đi lính. Ông Tom gật gù, mày đi lính để cha cầm súng, phải không? Cả lớp cười ầm. May, tới tôi thì ông Tom ngưng rồi phát tài liệu. Tiếng lật giấy rào rào. Tôi đọc lướt qua từng đề mục. Ngoài những mục về nhiệm vụ, nội quy, kỷ luật, còn có những môn phụ như toán, Anh ngữ. Ông bắt đầu đọc từng phần. Kinh nghiệm chỗ nào nhiều người hỏi, ông ngưng lại giảng huyên thiên. Trong khi nghe, tôi xoay thế, ngồi duỗi chân. Một cảm giác tê rần lan truyền từ trên xuống dưới. Phải lợi dụng lúc học để nghỉ mới có sức chịu đựng tới chiều. Mãi tới lúc ông Tom đứng nghiêm, đọc mẫu lời tuyên thệ, tôi nghe ở cuối lớp có tiếng ngáy xen vào. Ngay chiều đó, khi trở ra bãi tập, Bill Hawk nói, tập diễn hành là tập làm dáng, một kiểu làm đỏm của quân đội. Biết chạy, mới là hành động thiết thực. Nói xong, ông giơ ba ngón tay tức ba miles, rồi rút còi ra thổi. Thằng Jim phản đối, mới ăn trưa xong, chạy nhiều vậy sẽ xóc ruột. Bill Hawk hứ mũi, lập tức giơ năm ngón, năm miles. " Quân đội chỉ có tuân lệnh, đó là kỹ luật. Phản đối ư? Tao còn nhiều ngón tay lắm." Ông đắc chí nói. Vài thằng tức, định đập thằng Jim thì nghe còi thổi. Chúng tôi lập tức tung mình chạy. Nhiều thằng giữ hơi, chạy tà tà. Bill Hawk đuổi theo sau, lấy còi thổi vô tai nghe điếc rái. Điểm đến là cánh rừng thưa. Vừa tới đích, nhiều thằng nhào lăn ra đất, thở. Khi Bill Hawk tới, ông chê, chúng tôi chạy dở. Phải chạy sao cho nhanh và bền. Trông chúng tôi bây giờ, sức đâu đủ trói gà.Hai giờ chiều, chúng tôi gặp lại Tom Selek. Ông đọc nội quy và kỹ luật quân đội. Trong đó có nhiều mục. Ông nhấn mạnh tới Mười Một Điều Lệnh Tổng Quát. Người lính trong mọi tình huống lúc nào cũng phải đề cao cảnh giác để bảo vệ an ninh và tài sản quốc gia. Chỉ điều này đã làm tôi nghĩ, một ngày làm lính, cả đời là lính. Ông Tom nói, nhiều người nghĩ, kỷ luật quân đội là thứ kỷ luật sắt, người lính mù quáng tuân hành. Điều đó sai. Khi thấy cấp trên sai trái, người lính có quyền phản đối. Ngày nay, quân luật được đặc biệt tôn trọng, không như trước. Ông dặn chúng tôi, đừng tin vào những phim truyện chiến tranh. Toàn là điều giả tưởng, mà Thượng đế chính là thằng cha đạo diễn.Ba giờ, chúng tôi trở ra sân, tập hít đất, ngồi bật, đu xà. Bill Hawk nói, đó là cách rèn luyện thân thể dẻo dai, cường tráng. Phải tập thường xuyên, chúng tôi mới có thể đạt, hít đất, hai mươi lăm; ngồi bật, bốn mươi lăm, đu xà, hai mươi cái. Đó là tiêu chuẩn kỳ thi cuối khóa.Bill Hawk thổi năm còi. Chúng tôi nằm sấp, hai tay chống đất, dồn sức vào tay đưa mình lên. Được ba cái, nhiều thằng sụm, nằm bẹp dí. Bill Hawk gọi, đó là những con gián. Ông bắt gián ra, buộc phải làm lại, năm cái. Lần thứ hai, tôi làm bốn cái. Bill Hawk lắc đầu. Lần thứ ba, tôi hít năm giữa tiếng reo hò cổ vũ của cả đội. Khi tan hàng, Bill Hawk nhìn tôi thương hại, phải cố lên. Cái nhìn làm tôi ghét. Về sau, tôi vẫn nhớ ánh mắt thằng cha này. Buổi tối, tắm rửa xong, chúng tôi có lớp tối dạy cách mua sắm trong các BX. Đó là siêu thị trong quân đội. Giá rẻ, trả bằng tem phiếu, ghi trong cuốn sổ nhỏ gọi là chit book. Giảng viên bảo, quân trường cung cấp đủ vật dụng, chúng tôi sẽ lãnh đủ một lần vào cuối khóa. Quân lương chia theo ngạch, từ E 1 tới E 10. Chúng tôi thuộc E 1, lương thấp nhất. Giảng viên an ủi, chẳng ai đi lính mà khá. Tuy nhiên, quân đội là con đường mở rộng học vấn. Ai tham gia các nhiều khóa huấn luyện, thăng ngạch cũng tăng lương.Tám giờ, dọn phòng. Phòng ngủ gọi là barracks, gồm hai mươi giường đôi. Chúng tôi vừa làm vừa cãi lộn. Thằng Jim giường dưới, mở màn cự, tôi hay để mền thòng, nửa đêm dậy nó giật mình tưởng ma. Cả bọn hoác miệng cười. Jones phân bua, đỡ hơn thằng Lee, tối ngủ còn tập kungfu làm cái giường lắc như con tàu. Thằng Lee nổi cáu hét, láo, láo. Jones hỏi, láo chỗ nào? Lee nói, không cần hỏi cũng biết, ở trong lớp mày dóc, không biết ngượng. Cái gì gọi là người lính đi bảo vệ quê hương? Jones cười hà hà, người Mỹ bảo vệ Mỹ, còn mày Tàu cớ chi lại vô đây? Câu hỏi đụng chạm nhiều người. Lee chưa kịp trả lời, Jones đã bị chúng tôi mắng cho một mách. Kỳ thị là vi phạm quân luật.Chúng tôi im. Nhưng vấn đề cứ lảng vãng trong đầu. Một hồi sau, đội kiểm soát tới xét phòng. Chín giờ, còi hú. Đèn tắt. Chúng tôi ngủ. Bóng tối ngập phòng. Tôi mở mắt thao láo nhìn lên trần. Bên dưới, thằng Jim cứ trở mình. Một hồi, nó gõ nhẹ thành giường. Tôi lú đầu thù thì, gì? Jim nói, mày đi lính Mỹ, nếu có chiến tranh giữa hai nước, mày bênh bên nào? Tôi trùm mền suy nghĩ rồi giả bộ ngủ quên. Câu hỏi là cái bẫy, mà trả lời sao cũng dính.Qua tuần sau, Bill Hawk nói, trước khi tập bắn, chúng tôi cần học cứu thương. Bill Hawk đi khỏi, thằng Jones đùa, trước khi giết người, phải biết cứu người. Ở lớp quân y ra, Bill Hawk lại nói, biết cứu thương chưa đủ, sau này, chúng tôi cần phải biết cách mưu sinh thoát hiểm. Chúng tôi mang súng, vác ba lô, đội nón sắt, chạy. Ban đầu chạy trên đồng cỏ. Về sau, tập chạy trong rừng, nhảy qua chướng ngại. Hết chạy, tới bò. Bò lên đồi cao, chui qua rào kẽm, dưới tầm hỏa lực. Những đêm có mưa, Bill Hawk làm dấu tạ ơn, rồi bắt chúng tôi bò. Đạn của ban huấn luyện, không biết thật giả, xẹt qua đầu, đỏ ké. Chúng tôi khiếp, bò sát đất. Thằng Jim nghi, không lẽ họ bắn mình bằng đạn thật? Thằng Ted giơ súng làm bộ nhắm, ôm súng không đạn như ôm nhầm người không tim. Bò ra tới ngoài, Bill Hawk trông thấy chúng tôi cười. Ông chửi một mách, rồi phạt cả đội, làm lại từ đầu.Tuần thứ ba, chúng tôi mang súng thật. Cầm, ôm, mang, vác, nạp đạn,... lau chùi phải đúng quy cách. Ai lỡ tay, ông phạt ngay, phòng những người bất cẩn. Tôi phát giác, mắt Bill Hawk sắc như diều. Nhiều người nói, thằng cha này tinh lắm, ruồi bay qua cũng muốn bắt lại dòm.Sáng chiều đều có giờ bắn. Đây là môn chính, tính nhiều điểm nhất. Tôi giơ khẩu M 16 nhắm, từ lỗ chiếu môn đến đỉnh đầu ruồi sao thành một đường trùng với tâm điểm. Tôi bắn mười, trúng một. Bill Hawk nói, cứ mười phát mà trật một, họa may sống. Kiểu như tôi, ra trận, không có cơ bắn tới phát thứ mười. Tôi làm thinh, lầm lì ghìm chặt súng. Bắn. Sức giật khiến nòng súng chếch, viên đạn trệch một đường bay vút ra ngoài.Tối ngủ, tôi nằm mơ. Những hình nhân biết di động, biết cười nói xôn xao. Còn tôi ôm súng thật đứng trơ như bia gỗ. Sáng dậy, đôi mắt cay sè. Tôi theo đám diễn hành như kẻ mộng du.One. Two. Three. Four.One. Two. Three. Four.Má ơi, đừng khóc nữa,Con má, chưa chết đâu.Con đi, vì sông núi.Cháy túi, con trở về. Tôi giật mình. Bài ca nhảm. Tôi liếc qua Bill Hawk, lại thấy ông ta cười. Sáng hôm đó, nụ cười của Bill Hawk đã làm tôi tỉnh ngủ. Khi tới sân BRM, tôi ngắm những bia người đứng bất động. Ngẫm nghĩ sao, tôi lo lắng nói, " Ra trận, tao sợ tao không dám bắn người thật?" Thằng Lee nhìn tôi, ngạc nhiên, " Còn tao, chỉ sợ người ta bắn mình." Rồi nó nhún vai, " Chết cho đất nước này, thật vô lý." Thằng Ted Cuba, nhăn mặt, " Chết cho bất cứ nước nào cũng vô lý cả." Mấy ngày sau, chúng tôi học về tác hại của những thứ vũ khí mới. Bom hạt nhân, bom sinh học, và hóa học. Những loại tối độc và giết người hằng loạt với số lượng nhỏ, khó khám xét. Để nhận diện, chúng tôi học thêm toán và Anh ngữ. Toán, học cách cộng, trừ, nhân, chia, chấm tọa độ,... không máy tính. Các nguyên tắc đọc bí số, ký hiệu trên các loại chất nổ, vũ khí,... để biết công dụng. Lớp Anh ngữ, dạy chúng tôi hiểu ý nghĩa từ ngữ một cách chính xác, cách đọc bản đồ, và những ngôn ngữ riêng của quân đội. Ví dụ, colors (màu sắc) nghĩa là cờ; cover (che đậy) là nón, sickbay là bệnh viện. Thời giờ quân đội cũng khác, một ngày có hai mươi bốn giờ, bảy giờ mười lăm tối phải nói mười chín mười lăm. Tôi nghĩ, mình biến đổi như con ve đang lột xác. Tới giữa khóa là thời gian khổ luyện. Chúng tôi học cận chiến. Địch là đám người cây, đứng yên không nhúc nhích. Chúng tôi bò sát đất, khi tới gần thì bật dậy, ào ào thét, " Xung phong." Cả đội xông tới đâm túi bụi vào đám người cây. Bill Hawk đứng đàng sau, nhào ra chửi, chúng tôi điên. Khó nhất là học leo dây, đi trên lưới, trèo tường, đu người từ trên cao. Bãi tập gọi là Đài Chiến Thắng. Đài đóng bằng gỗ, trên có cầu treo, dây đu, và nhiều xà ngang, xà dọc. Muốn lên, phải bám dây, dùng sức kéo cả thân mình. Dây là loại thừng to, nắm đau tay. Nhiều đứa leo chưa tới đâu đã bị tuột. Bill Hawk lấy roi đứng bên dưới quất vô giò. Chúng tôi sợ, phải gồng mình mới lên được. Đài cao, từ trên nhìn dễ chóng mặt. Lên đã khó, xuống cũng không dễ. Chúng tôi nắm dây, bung mình, thả từng chặn. Khi chạm đất, hai bàn tay rát bỏng, tê rần. Chưa leo thành thục, Bill Hawk đã dạy cách đi dây. Buổi tối, khi về phòng, ai nấy đừ. Mình mẩy tôi rã rời. Không còn sức cãi nhau. Vừa đặt lưng, chúng tôi đã ngủ say như chết. Chúa nhật nghỉ. Sáng, tôi tốc mền dậy sớm. Phải chạy nhanh ra phòng điện thoại để gọi Judy. Tôi không muốn đang nói chuyện, có người sắp hàng chờ điện thoại. Khi băng ngang đài Chiến Thắng, nhác thấy bóng người. Quái, ai đang tập giờ này? Tôi chạy tới gần, lom lom nhìn. " Hi. Ron." Thằng Lee đứng trên cao vẫy tay chào rối rít. Chưa kịp hỏi, nó đã nói, phải tập nhiều cho quen. Ngưng một ngày, khi trở lại sẽ thấy khó như mới bắt đầu. Nó rủ tôi tập chung. Thấy nó chịu khó, tôi không nỡ bỏ đi. Tập một mình thật dễ chịu. Một lúc sau tôi nhận ra, không ai hối, tôi có thời giờ tìm thế nắm thích hợp, dễ leo.Trên đường về, tôi rủ nó ôn các tiếng lóng trong quân đội. Nó nói, " Tiếng Anh rắc rối, đọc một đàng hiểu một nẻo. Sau này, cả thế giới sẽ nói tiếng Tàu." Thấy tôi kinh ngạc, Lee giải thích, " Người Tàu ở khắp nơi, sau này con cháu chiếm đa số thì thế giới sẽ nói tiếng Tàu." Tôi dè dặt nói, " Nhưng hiện nay nước nào cũng học Anh ngữ là sinh ngữ phụ." Lee cả quyết, " Đó chỉ là tạm thời, điều tao nói là qua thời gian đó nữa." Tôi chống chỏi, hỏi một câu ngớ ngẩn, " Nhưng, trong lúc cả thế giới nói tiếng Anh thì người Tàu nói tiếng gì?" Chúng tôi gặp lại Tom Selek trước khi bước qua giai đoạn ba, tập hợp đồng tác chiến. Ông dạy cách truyền tin, đánh mật mã, và nhận diện các đơn vị bạn. Như Thủy Quân Lục Chiến, huy hiệu con ó đậu trên quả địa cầu, đàng sau có chiếc mỏ neo gác tréo; Đội Đặc Nhiệm, mũ xéo xanh, huy hiệu là cây gươm vàng và ba lằn chớp; Người Nhái, có con ó đậu trên mỏ neo,... Ngoài ra, chúng tôi còn học những huy hiệu quân đội nước ngoài. Như Anh, tất cả huy hiệu đều có hình vương miện; Nga, hình búa liềm; Trung Quốc, ngôi sao đỏ, chữ Tàu bạc,...Chúng tôi xem quá nhiều huy hiệu phát hoa mắt, một hồi không phân biệt nổi. Tom chỉ, điểm khác nhau giữa quân đội của các nước không phải trên huy hiệu mà ở trong nhà tù. Lính tư bản bắt mười tù nhân phát cho mười một điếu thuốc, trong khi phe cộng sản chỉ phát chín. Cùng là cách dùng vật chất mua linh hồn. Chỉ khác nhau, người mua rẻ, kẻ mua mắc, vậy thôi. Chúng tôi nghĩ, Tom Selek là một người hóm, luôn đặt ra những vấn đề cắc cớ để giải khuây. Còn Bill Hawk như một bóng quạ, lúc nào cũng giơ vuốt giữa bầy gà. Gần cuối khóa, ông càng khắc tợn. Buổi sáng, hai dặm trong mười lăm phút. Ai chạy chậm, phải chạy lại từ đầu. Ông đưa ra tiêu chuẩn, bắt chúng tôi mỗi ngày phải thi thử. Mỗi lần nghe phàn nàn, Bill Hawk mắng, tiền thuế dân đâu dư dả để trả cho mấy người ngồi bẻ lóng tay. Tụi tôi nói, thằng cha này không phải diều mà là cọp.Cuối cùng, chúng tôi học pháo, cách phối hợp xe tăng, trực thăng, và những đơn vị khác. Khóa học bốn trung đội, chia hai phe. Mục tiêu là cái chòi gác trên đồi cao. Buổi trưa, trên đường tiến lên đồi, tôi gặp lại thằng John cùng lớp đang nấp trong một lùm cây. Mới gặp nó hối hận, chửi thề, vào đây như xuống địa ngục. Tôi lập lại lời nó hồi trước, chịu đựng mười bốn tuần, hết thời tập huấn là khỏe. Sau hai năm cởi áo, làm dân. Nó thở dài, áo này như áo da, mặc vào rồi khó cởi. Nói đến đây, nhác thấy Bill Hawk đang thị sát đàng xa, tôi định chạy. Nó nói, ông Bill hiền, chứ không như thằng cha Tiger bên tao, nó dữ còn hơn cọp.Ngày mãn khóa, chúng tôi diễn hành quanh khán đài. Ban chỉ huy trường mời các vị sĩ quan cao cấp về dự lễ. Tôi liếc qua hàng ghế dành cho quan khách, Judy và cha mẹ nuôi cũng đang hướng về tôi. Ban chỉ huy trường tuyên dương và xướng tên tân binh mãn khóa. Chúng tôi được gắn ngạch và cấp bằng. Từ giờ phút này, tôi đã là người lính, quân số 726256- B526 là tên. Tiếp theo, chúng tôi làm lễ tuyên thệ, rồi tung nón bế mạc. Sau ngày tốt nghiệp, tôi được một tuần phép trước khi trở lại nhận lệnh mới.Tôi về nhà thay thường phục rồi dẫn Judy ra cánh đồng xưa. Chúng tôi kể nhau nghe nhiều chuyện và đuổi bắt như hồi còn thơ. Tới chiều, nắng đổ ngập cánh đồng. Mặt trời gay gắt chói. Judy nép vào sau lưng tôi trốn nắng. Thấy áo đẫm mồ hôi, nó đưa môi ngậm từng giọt như người Hồi nhấm nháp rượu quỳ. Tuần phép trôi qua nhanh. Trước ngày trở lại trường về đơn vị mới, Judy nói trông tôi thay đổi nhiều. Tôi cười, nhìn vào kính, ừ. Trông tôi ốm, da đen đi, nhưng rắn chắc. Còn Judy, tôi nhìn kỹ, trông hơi khác.Chín giờ mười, ngày mười một tháng chín, chúng tôi có lệnh tập hợp khẩn. Ban chỉ huy báo cáo tình hình. Một tổ chức khủng bố tấn công hai tòa nhà chọc trời của New York và một góc lầu của Bộ Quốc Phòng. Lệnh báo động toàn quốc. Quân nhân các cấp toàn ngành ở trong tình trạng sẵn sàng. Không phận, hải cảng, đường biên giới đóng cửa. Cả đơn vị chờ đợi nhận lệnh. Không khí đượm mùi chiến tranh. Buổi chiều, đơn vị tôi được lệnh điều động tới New York. Xưa nay, tôi vốn không ưa thành phố lớn. New York, nơi mệnh danh " A thousand dreams for one parking place." Máy bay quân sự bay một vòng. Khói mù mịt. Bên dưới, một đống gạch đổ cao như một núi hoang tàn. Trái tim tôi như thắt lại từng hồi.Trung đội tôi chia nhau đóng một ngã phố. Chúng tôi căng dây, giăng chướng ngại vật ngăn từng khu. Những người dân cầm cờ đứng hai bên lề hoan hô người lính. Tôi cảm động, hơi xấu hổ. Chúng tôi là lính mới, chưa làm gì để được hoan hô. Tôi nhìn những đoàn người thiện nguyện, làm việc ngày đêm, nhặt những mảnh thi hài mà cảm phục. Buổi tối, con phố không ngủ. Nhiều người mang khung ảnh thân nhân, xuôi ngược trên vỉa hè. Gặp ai, họ cũng hỏi. Những câu hỏi vang lên như điệp khúc.Tôi đứng canh giữ hiện trường. Và tưởng tượng hàng trăm chuyện tình trong tòa nhà đổ nát. Mà chuyện nào kết thúc cũng giả sử nạn nhân là tôi hoặc Judy. Để sáng mai tôi gặp lại những người không may, vừa mừng vừa thương hại. Tôi hạnh phúc vì tôi có tình yêu. Như người đang đứng ngoài ánh sáng, mà Judy chính là người cầm đuốc mang cho. Đến sáng, thay phiên gác, tôi quyết định gọi về nhà. Mẹ nuôi bốc điện thoại, mừng rỡ, " Con khỏe không? Em nó đi chơi biển với bọn thằng Tim. Chưa nói với con à?" Tôi không tin ở lỗ tai mình. Hôm qua, Judy mới nói đi cắm trại ở trường. Lẽ nào?Tôi đứng lại bên đường. Nắng ban mai đã vàng bên kia phố.Nguyễn thị Thảo An