Dịch giả: Nguyễn Minh Trân

Nguyên tác tiếng Pháp: JAMAIS DE LA VIE

AF.jpg
°Sơ lược thân thế và sự nghiệp của Anatole France.
_Anatole France là người Pháp sinh năm 1844 tại Paris mất năm 1924.
 Ông vừa là nhà thơ, nhà báo, tiểu thuyết gia, nhà lý luận phê bình.
Anatole France khởi đầu sự nghiệp với tư cách là nhà thơ, nhà báo.
Ông đặc biệt nổi tiếng với cuốn “Le crime de Sylvestre Bonnard -1881” và “Le livre de mon ami”. Ông là thành viên của viện Hàn Lâm Pháp gia nhập vào năm 1896. Đoạt giải Nô-ben văn chương vào năm 1921 nhờ vào những áng văn xuôi tuyệt đẹp với lối văn châm biếm nhẹ nhàng tao nhã cùng với một số tác phẩm chất chứa tinh thần yêu nước hướng thượng.
Các tác phẩm nổi bật của ông:
_Le crime de Sylvestre Bonnard - Tội lỗi của Xin-Vét Bôn-na
_La rôtisserie de la Reine Pédauque – Hàng thịt quay của Hoàng hậu Pê-đốc
_Le livre de mon ami - Cuốn sách của bạn tôi
_Les Dieux ont soif-Những Thượng Đế khát …v…v…
 
KHÔNG ĐỜI NÀO! – JAMAIS DE LA VIE!
 
Tôi  đặc biệt nhớ lại thật chính xác con búp bê được bày bán trong một cửa tiệm tồi tàn ở đường sông Seine khi tôi được tám tuổi. Tôi không rõ tại sao con búp bê ấy lại làm tôi thích. Tôi đã rất tự hào mình là con trai; Tôi không ưa các bé gái và kiên nhẫn chờ cho đến cái ngày ( than ôi ngày ấy đã tới rồi)  râu của tôi sẽ mọc tua tủa quanh cằm. Tôi chơi trò lính tráng và để có thức ăn nuôi con ngựa đu của mình tôi vặt trụi phá hổng tất cả các cây mẹ đã trồng ở cửa sổ phòng  bà. Tôi cho đó là những trò chơi của  nam giới! Tuy nhiên tôi vẫn muốn một con búp bê.
Vậy con búp bê  tôi thích ít ra cũng phải đẹp chứ nhỉ?. Không đâu, tôi vẫn còn nhớ như in.Con búp bê có hai má đỏ,  cánh tay mềm nhũn lại ngắn, hai bàn tay gỗ nhìn phát ghê. Cái váy hoa được ghim sát vào thân bằng hai cái kẹp. Đó là con búp bê kiểu dáng xấu tệ và quê kệch.
Tôi nhớ  rất rõ, tuy lúc đó hoàn toàn chỉ là một thằng nhóc, chưa mài mòn bao nhiêu cái đũng quần, nhưng lại cảm nhận  thật sống động tinh tế, rằng con búp bê này thiếu duyên dáng lại còn luộm thuộm không đoan trang. Sao mà nó kềnh càng, sao mà nó thô kệch quá đi! Thế nhưng dầu vậy tôi vẫn thích nó, tôi thích nó  vì điều đó. Tôi chỉ thích con búp bê đó. Tôi muốn nó.
Tôi nghĩ ra nhiều mánh để buộc chị giúp việc Vi-gi-ni phải cùng tôi đi qua trước cái tiệm nhỏ ở đường sông Seine. Tôi tì mũi vào tấm kính mải mê đến nỗi chị ta buộc phải kéo tay tôi giục:
_Cậu Xin-Vét à trễ rồi coi chừng mẹ cậu sẽ  rầy đó!.
Mặc kệ, rầy à, mắng à, Xin Vét này đâu có ngán! Nhưng chị giúp việc đã  nhấc bổng cậu ta lên, thế là không thể cưỡng lại được Xin-Vét đành chịu khuất phục.
Cuối cùng vào một ngày, ngày mà tôi không bao giờ quên được, chị giúp việc dẫn tôi đến nhà cậu tôi, đại uý Vích-To, cậu mời tôi đến dùng bữa sáng. Tôi ngưỡng mộ cậu lắm, không những vì cậu đã xả hết phong đạn cuối cùng trong trận chiến ở Waterloo mà vì cậu còn chính tay chuẩn bị  những lát bánh mì phết tỏi để rồi sau đó lại bày chung với dĩa rau diếp xoăn trộn dầu dấm trên bàn ăn của mẹ tôi. Tôi thấy món này đẹp lắm. Cậu cũng khiến tôi kính nể  không kém trong bộ lễ phục với nẹp may ngang đính đầy khuy và nhất là bằng cách nào đó đã khiến căn nhà tôi huyên náo hẳn lên khi cậu vừa bước chân vào. Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu rõ tại sao cậu lại dễ gây được sự chú ý nhưng tôi dám cam đoan là nếu cậu xuất hiện giữa đám đông khoảng hai chục người, người ta chỉ nhìn thấy cậu chỉ  lắng nghe cậu mà  thôi!
Cậu tọng cho tôi ăn quá nhiều bánh ngọt, chuốc rượu không pha cho tôi uống. Cậu kể lể với tôi nhiều nỗi bất công cậu phaỉ gánh chịu. Cậu than vãn nhiều về gia đình nhà Buốc-bông, nhưng lại quên nói cho tôi biết gia đình Buốc-bông là những ai? Và tôi đã tưởng tượng, tôi không hiểu sao mình lại nghĩ như vậy, gia đình Buốc-bông là những tay lái ngựa ở Waterloo. Khi ăn tráng miệng tôi ngờ đã nghe được người ta nói với ông đại uý rằng bố tôi là người nhu nhược dễ bị xỏ mũi. Nhưng tôi cũng không chắc mình đã hiểu rõ những gì người ta nói. Hai tai tôi ù lên đầy tiếng vo ve và dường như cái bàn xoay đang nhảy múa.
Cậu khoác áo choàng lễ phục vào, đội mũ loe mép lên, rồi cậu cháu tôi cùng xuống phố. Đường phố sao thay đổi quá nhìn đến lạ lẫm.  Có cảm giác như đã rất lâu tôi chưa qua đây. Tuy nhiên ngay khi chúng tôi đi trên đường sông Seine tôi chợt nhớ ra con búp bê, nó làm cho tôi trở nên phấn khích lạ lùng. Muốn điên cái đầu luôn!
Tôi quyết định thử liều một cú.
Cậu cháu tôi  đi ngang qua cửa tiệm. Nó đây rồi, đằng sau tấm kính với hai má đỏ và cái váy hoa. “Cậu ơi!, tôi cố gắng lắm mới thốt lên được, cậu có thể mua cho cháu con búp bê này không? Và tôi chờ đợi. “Mua búp bê cho một đứa con trai? chết tiệt thật! cậu  la oang oang. Bộ con muốn tự làm nhục mình hả? Sao không hỏi cậu mua kiếm, mua súng cậu sẽ mua ngay dù phải chi đến đồng bạc hưu trí cuối cùng mà con trai. Nhưng để mua một con búp bê à! mẹ kiếp để bôi tro trát trấu vào mặt con à? Không đời nào! Nếu cậu thấy con chơi với cái con búp bê xấu xí như cái con khỉ mặc quần áo người này, thì ông con trai của bà chị tôi ơi, chúng ta không cậu cháu gì với nhau nữa”
Khi nghe những lời như thế tim tôi se thắt lại và chỉ có lòng kiêu hãnh một sự kiêu hãnh đến là nghiệt ngã mới ngăn không cho tôi oà khóc mà thôi. Cậu tôi đột ngột trầm tĩnh lại, cậu lại nghĩ về gia đình Buốc-bông Nhưng tôi vẫn còn choáng váng vì cơn phẫn nộ của cậu, cảm thấy nhục nhã khôn xiết. Tôi lập tức có ý định dứt khoát. Tôi tự hứa sẽ không làm nhục chính mình nữa! Tôi quyết không bao giờ còn mơ tới con búp bê với hai má đỏ đó nữa. Ngày ấy cũng là ngày tôi nhận biết được mùi vị  cay đắng của sự hy sinh.
 
Hết
 
(Nguồn: Le Crime de Sylvestre Bonnard, Calmann-Lévy, édit.)

Xem Tiếp: ----