Bậc minh chủ sở dĩ chế ngự được bề tôi là chỉ nhờ có hai cái quyền mà thôi. Hai cái quyền đó là “hình” và “đức”. Thế nào là hình và đức? Giết phạt gọi là hình, khen thưởng gọi là đức[2]. Bề tôi nào cũng sợ bị giết phạt và ham được khen thưởng, cho nên vua chúa biết tự sử dụng hai cái quyền hình và đức thì quần thần đều sợ uy của vua mà mong được vua khen thưởng. Bọn gian thần trên đời thì không vậy. Chúng ghét ai thì làm mê hoặc vua để được vua giao cho quyền trị tội ngưòi đó; chúng yêu ai thì làm mê hoặc vua chúa để được vua giao cho quyền thưởng người đó. Bậc vua chúa không giữ cho cái uy cùng cái lợi, phạt và thưởng xuất phát từ chính mình, mà nghe lời bề tôi, thưởng phạt theo ý họ thì dân chúng trong nước đều sợ bọn bề tôi đó mà coi thường vua, qui phục họ mà xa vua, đó là cái hại bậc vua chúa đánh mất hai cái quyền hình và đức. Cọp làm cho chó phải khiếp phục là nhờ nanh với vuốt: nếu cọp bỏ nanh vuốt đi, để cho chó dùng thì ngược lại nó phải khiếp phục chó. Bậc vua chúa dùng hình và đức để chế ngự bề tôi, nếu bỏ hai quyền đó, để cho bề tôi dùng thì ngược lại bị bề tôi chế ngự. Cho nên Điền Thường trên xin tước lộc để ban cho quần thần, dưới làm cái đấu cái hộc lớn hơn mẫu mực để thi ân cho trăm họ; thế là Giản Công mất cái quyền thi ân, để cho Điền Thường lấy mà dùng, rốt cuộc Giản Công bị giết.[3] Tử Hãn tâu với vua Tống[4]: “Dân thích được khen thưởng, vậy việc đó xin đại vương tự làm lấy; dân ghét bị hình phạt, việc này thần xin đảm nhận”. Thế là vua Tống mất cái quyền hình phạt để cho Tử Hãn lấy mà dùng, rốt cuộc vua Tống bị hiếp bức. Điền Thường chỉ dùng cái đức mà Giản Công bị giết; Tử Hãn chỉ dùng cái hình mà vua Tống bị hiếp. Vậy mà ngày nay bọn bề tôi dùng cả hai cái hình và đức, thì vua chúa tất nguy hơn Giản Công và vua Tống nhiều. Cho nên các vua chúa bị hiếp, bị giết, bị che lấp, lừa dối là vì bỏ cả hai cái quyền hình và đức để cho bề tôi dùng. Như vậy mà không bị nguy vong là điều không thể có được. ° Bậc vua chúa muốn ngăn cấm gian tà, tất phải xét xem hình và danh có hợp nhau không; danh là lời nói mà hình là sự việc. Bề tôi trình bày một kiến nghị, vua theo kiến nghị đó mà giao việc cho, rồi tùy việc mà xét kết quả. Kết quả phù hợp với việc, việc phù hợp với lời nói thì thưởng; trái lại, kết quả không phù hợp với việc, việc không phù hợp với lời nói thì phạt. Lời nói của bề tôi huênh hoang, mà kết quả nhỏ thì phạt, không phải phạt vì kết quả nhỏ mà vì kết quả không phù hợp với lời nói. Lời nói của bề tôi nhũn quá mà kết quả lớn thì cũng phạt, không phải không mừng vì kết quả lớn, nhưng kết quả không phù hợp với lời nói thì công không đủ bù hại, vì vậy nên phạt. Xưa Hàn Chiêu hầu say rồi ngủ. Viên điển quan (thị thần coi về mão) sợ vua lạnh, lấy áo đắp lên cho vua. Chiêu Hầu thức dậy, thấy vậy, vui lòng, hỏi kẻ tả hữu: “Ai đắp áo cho ta đó?”. Kẻ tả hữu đáp: “Viên quan coi về mão". Chiêu Hầu bèn phạt cả viên điển y vì không làm nhiệm vụ; phạt viên điển quan vì vượt chức vụ. Không phải là ông không sợ lạnh, mà vì ông cho rằng để bề tôi vượt chức vụ thì cái hại còn hơn là mình bị lạnh. Cho nên bậc minh chủ đối với bề tôi, không để cho bề tôi vượt chức mà lập công, không để cho lời nói không phù hợp với việc làm. Vượt chức thì chết, lời nói không phù hợp với việc làm thì bị tội. Bề tôi cứ giữ chức vụ của mình, lời nói phù hợp với việc, như vậy quần thần không thể kết bè đảng làm điều gian tà được. ° Bậc vua chúa có hai mối lo: dùng người hiền,[5] bề tôi nhân sự hiền tài của họ mà lấn vua; mà dùng người bừa bãi thì việc tất thất bại. Vua thích người hiền thì bề tôi trau dồi bề ngoài để làm vừa lòng vua, như vậy chân tình của họ không xuất hiện, mà chân tình của họ không xuất hiện thì vua không phân biệt được đâu là chân, đâu là ngụy. Cho nên vua Việt hiếu dũng mà đa số nhân dân coi thường sự chết; Sở Linh vương thích những lưng eo mà trong nước nhiều người (nhịn ăn tới) chết đói; Tề Hoàn công hay ghen mà hiếu sắc, nên Thụ Điêu tự hoạn để được làm thái giám; ông lại thích ăn ngon nên Dịch Nha luộc đứa con đầu lòng của mình[6] để dâng; vua nước Yên là Tử Khoái thích người hiền[7] cho nên Tử Chi làm bộ tỏ ra rằng mình (thanh cao) không nhận ngôi vua[8]. Vua để lộ lòng ghét của mình thì bề tôi làm ra bộ tài năng để hợp với sở thích của vua; vua để lộ lòng muốn thì bề tôi sửa đổi tính tình thái độ để thích ứng với lòng vua mà cầu lợi. Cho nên Tử Chi làm bộ hiền nhân mà đoạt được ngôi vua; Thụ Điêu, Dịch Nha lợi dụng sở thích của vua mà lấn vua; (kết quả là) Tử Khoái chết vì nội loạn, Hoàn Công chết tới khi dòi bò ra ngoài cửa phòng[9] mà chưa được chôn. Nguyên do tại đâu? Tại vua để lộ tình dục của mình, để bề tôi lợi dụng (mà mưu lợi cho họ). Bề tôi vị tất đã yêu vua, họ chỉ tính cái lợi cho họ thôi. Bậc vua chúa không che giấu tình dục, ý tứ của mình mà để cho bề tôi có cơ hội lấn áp mình thì bề tôi học cái thói của Tử Chi, Điền Thường đâu có khó. Cho nên bảo: “Vua bỏ yêu, bỏ ghét đi thì chân tướng của bề tôi sẽ hiện, mà vua sẽ không bị che lấp”. Chú thích:[1] Bính nghĩa gốc là cái cán, là cầm. Ở đây bính là quyền bính, nghĩa là quyền thế nằm trong tay như cầm cái cán của vật. [2] Chữ đức ở đây có nghĩa khác nghĩa người ta thường dùng. [3] và [4] Điền Thường và Giản công; Tử Hãn và vua Tống: coi chú trang 10 thiên Ngũ đố. [5] Chữ hiền này trỏ hạng người đa tài đa thuật, không phải hạng hiền nhân quân tử theo quan niệm Nho gia. [6] Thụ Điêu và Dịch Nha đều là bọn gian trá được Tề Hoàn công tin dùng. Nguyên văn bản Trần Khải Thiên: thủ tử. Có bản chép là tử thủ (luộc) đầu đứa con (của mình). [7] Chữ hiền này hiểu theo quan niệm Nho gia. [8] Việc này chép trong Chiến Quốc sách – Yên sách -9 – (Lá Bối - 1973) Yên vương là Khoái đem nước nhường cho Tử Chi để được tiếng là hiền như vua Nghiêu (người đã nhường ngôi cho Hứa Do), nhưng Tử Chi không được người nước Yên phục, nước Yên hóa loạn, sau bị Tề đánh. Sử không chép Tử Chi mới đầu có làm bộ cao thượng như Hứa Do mà từ chối hay không. [9] Nguyên văn bản của Trần Khải Thiên: trùng lưu xuất hộ. Có bản chép là trùng lưu xuất thi (giòi từ thây bò ra). Hai chữ hộ và thi chỉ khác nhau một nét chấm.